Người đăng: Tà Nguyệt Lâu Chủ
...
Lý Long Tranh đối với chuyện chép sách quả thật rất là nghiêm túc. Bắt đầu từ buổi trưa, cô bé ngồi chép đến tận chiều; ăn cơm chiều, tắm rửa xong cô bé lại tiếp tục ghi chép đến tối, rồi tận khuya...
Lâm Thục Nhu không có can ngăn. Nàng tôn trọng quyết định của con mình. Dù vậy, nàng vẫn luôn túc trực bên cạnh để trông nom. Trong quá trình này, chính nàng cũng đã hai lần tự tay múc canh đưa đến tận miệng nữ nhi, rất ân cần chu đáo...
Tranh nhi.
Tranh...
Lâm Thục Nhu đột ngột dừng lại, thôi không gọi nữa. Con gái nàng vừa mới thiếp đi rồi. Có lẽ vì đã quá mệt.
- Để nô tì bế công chúa lên giường.
Vẫn đang đứng hầu bên cạnh, Xuân Hỉ bước tới, hướng Bình phi Lâm Thục Nhu nói. Song, Lâm Thục Nhu đã lắc đầu ngăn cản.
- Cứ để ta.
Rồi nàng bảo với hai cung nữ Xuân Hỉ, Hạ Hỉ:
Cũng muộn rồi, hai đứa các ngươi hãy về phòng nghỉ ngơi đi.
Dạ.
Chúng nô tì xin phép cáo lui.
Xuân Hỉ, Hạ Hỉ đi rồi, trong phòng bây giờ chỉ còn lại Bình phi Lâm Thục Nhu. Nàng khẽ khàng vòng tay ôm lấy thân thể nhỏ nhắn của tiểu công chúa Lý Long Tranh, bế đến bên giường.
- Đứa nhỏ này không ngờ lại có thể kiên trì ngồi chép sách đến tận lúc này...
Lâm Thục Nhu vừa thương, lại vừa xót. Nàng cúi xuống hôn lên trán đứa trẻ, nhẹ nhàng vuốt ve. Một đỗi sau, nàng đứng lên, hướng chiếc bàn đặt ở giữa phòng tiến lại. Trên bàn, quyển sách "Hà Nam tạp lục" vẫn còn đang mở...
...
Sáng hôm sau, tiểu công chúa Lý Long Tranh thức dậy, biết đêm qua mình đã ngủ quên thì không khỏi tự trách. Cô bé cho rằng bản thân đã lười biếng, phụ lời dạy bảo của thầy. Phải đến khi Lâm Thục Nhu lựa lời khuyên nhủ thì tâm trạng cô bé mới cân bằng trở lại.
Được rồi, Tranh nhi đừng buồn nữa. Con đã rất cố gắng rồi. Nào, chúng ta mau đi đến Thái Bình Lâu kẻo trễ.
Mẫu phi, mẫu phi hết bệnh rồi hả?
Lâm Thục Nhu cười hiền:
Sức khoẻ của mẫu phi đã tốt lên nhiều rồi.
Oa! Thật tốt quá!
Cứ như thế, Bình phi Lâm Thục Nhu cùng tiểu công chúa Lý Long Tranh tay trong tay hướng Thái Bình Lâu đi đến. Phía sau, như thường lệ hai cung nữ Xuân Hỉ, Hạ Hỉ bước theo hầu.
...
Buổi học hôm nay có điều đặc biệt. Thay vì ở bên trong Thái Bình Lâu giảng dạy như mọi lần thì Trần Tĩnh Kỳ lại bảo tất cả các học trò ra hết bên ngoài.
Dưới tán cây xoan đào, hắn cầm đưa cho mỗi người một chiếc giỏ thưa đan bằng tre vừa cũ vừa bẩn, lại phủ đầy bụi đất, rồi bảo họ ra chỗ cái hồ ở gần đó múc nước, cốt sao cho đầy.
Sáu vị hoàng tử, công chúa hết cúi xem chiếc giỏ lại ngước lên nhìn thầy, rồi lại quay mặt nhìn nhau, ai nấy đều nghi hoặc. Chiếc giỏ mà Trần Tĩnh Kỳ đưa cho bọn họ đều là loại giỏ thưa, làm sao mà múc đầy nước về được?
Hoàng tử Lý Long Cân là người đầu tiên lên tiếng:
- Thưa thầy, những chiếc giỏ này căn bản là không thể dùng để múc nước.
Trong lòng nó đang thầm cho Trần Tĩnh Kỳ sai bảo chuyện không đâu nên chẳng nguyện ý đi làm. Cũng giống như cái việc chép sách kia vậy. Trái ngược hoàn toàn với tiểu công chúa Lý Long Tranh cố gắng ghi chép nhiều nhất có thể, một chữ Lý Long Cân nó cũng không buồn chép.
Dùng một chiếc giỏ thưa để múc nước ư? Lý Long Cân nó đâu phải kẻ dở hơi. Cái thứ vừa cũ kỹ, vừa dơ bẩn này, đến cầm nó còn chẳng nguyện đấy.
Đối với tâm tính kiêu căng, có phần khắc nghiệt của Lý Long Cân, Trần Tĩnh Kỳ sớm đã không còn lạ. Hắn bình tĩnh mỉm cười, đáp:
- Nếu trò cho rằng những chiếc giỏ này không thể dùng để múc nước, vậy thì ta miễn cho trò.
Rồi hắn quay sang những người còn lại:
- Các trò cũng vậy, nếu ai không muốn thì cũng không cần phải thực hiện.
Trần Tĩnh Kỳ vừa nói dứt câu thì ngay lập tức tiểu công chúa Lý Long Tranh đã cúi xuống cầm lấy chiếc giỏ thưa, đi nhanh đến chỗ hồ nước.
Bốn vị hoàng tử còn lại, kẻ nhìn Lý Long Cân đã lui về một góc, người nhìn Lý Long Tranh hăng hái đứng bên hồ múc nước, nhất thời lưỡng lự.
Nhưng cũng chẳng lâu thì bốn vị hoàng tử này đã đưa ra lựa chọn. Theo đó, một người nối gót Lý Long Cân lui về, ba người còn lại thì học theo Lý Long Tranh cầm lấy chiếc giỏ chạy ra bờ hồ...
...
Theo thời gian, số người đi múc nước càng ngày càng ít. Tất cả đều nhận ra rằng muốn dùng mấy chiếc giỏ thưa cũ kỹ mà Trần Tĩnh Kỳ đưa cho để múc đầy nước căn bản là chuyện bất khả thi. Rốt cuộc, toàn bộ các vị hoàng tử đều từ bỏ; lúc này, hiện còn cố gắng múc nước duy cũng chỉ có mỗi mình tiểu công chúa Lý Long Tranh. Cô bé vẫn tiếp tục kiên trì vục chiếc giỏ vào nước thật mạnh, rồi cố gắng chạy về thật nhanh.
Song, mặc cô bé chạy nhanh cỡ nào, bưng bít ra sao, chiếc giỏ thưa vẫn không thể giữ được nước. Tất cả số nước múc lên đều thoát đi theo từng kẽ giỏ...
Bình phi Lâm Thục Nhu đứng theo dõi từ nãy giờ, trông thấy con mình chạy đi chạy về, còn bị té ngã như vậy thì không khỏi đau lòng. Nàng quay sang nhìn Trần Tĩnh Kỳ, ánh mắt nghi hoặc xen lẫn trông mong.
Trần Tĩnh Kỳ khẽ gật đầu, lên tiếng kêu gọi.
Lý Long Tranh mang chiếc giỏ trở về, thần tình thất vọng:
- Thưa thầy, Tranh nhi không thể làm được điều thầy muốn.
Trần Tĩnh Kỳ mỉm cười, đặt bàn tay lên đầu cô bé:
Thực ra trò đã làm được điều ta muốn rồi.
Sao ạ?
Trước những ánh mắt hoài nghi, khó hiểu, Trần Tĩnh Kỳ cầm lấy chiếc giỏ trong tay Lý Long Tranh, giơ lên:
- Người ta chỉ cần nhìn chiếc giỏ thưa này đều sẽ biết, nó không bao giờ có thể múc được nước. Nhưng trò vẫn quyết định thử, và thậm chí còn cố hết sức để thử theo nhiều cách khác nhau. Chỉ cần nhìn vào số đất cát, bùn dơ bám trên giỏ nay đã trôi hết là mọi người đều hiểu rằng trò đã nỗ lực nhiều thế nào. Kỳ thực điều ta mong muốn vốn không phải là số nước trong giỏ. Giống như việc chép sách ta đã giao cho các trò hôm qua vậy. Chỉ cần xem qua quyển sách thì ai cũng đều biết là không thể nào ghi chép lại hết trong một ngày, thế nhưng trò vẫn cố công ghi chép...
Hắn dừng một chút, rồi nói tiếp:
- Sáu chiếc giỏ mà ta đưa cho các trò, ban đầu đều giống hệt như nhau, cũ kỹ, có phần dơ bẩn. Nhưng bây giờ, các trò hãy nhìn xem. Chiếc giỏ của Long Tranh, không phải đã trở nên rất sạch sẽ hay sao? Việc chép sách cũng vậy, số trang sách mà Long Tranh đã chép được, so với những trò khác chẳng phải nhiều hơn ư?