Người đăng: Tà Nguyệt Lâu Chủ
Con vinh thì mẹ cũng vinh, dựa vào những thành tựu mà Lý Long Tích đã đạt được, trước mặt muội muội Triệu Phi Yến của mình, Hoàng hậu Triệu Cơ rất không khách sáo mà khơi gợi, đả kích. Lời lẽ nhẹ nhàng nhưng rất đỗi sâu cay, thực khiến Triệu Phi Yến nghẹn khuất trong lòng. Lúc này, Triệu Phi Yến chỉ mong cho Hạng đế mau tới, giúp mình giải vây. Nếu biết Hạng đế sẽ đến muộn như vầy, nàng đã chẳng đi sớm làm chi.
Triệu Phi Yến nghiến răng nén nhịn, ngoài mặt tỏ ra hữu lễ lắng nghe, thâm tâm không ngừng chửi mắng.
Còn may, Hạng đế Lý Uyên đã chẳng để nàng phải chịu đựng quá lâu. Trong tầm mắt Triệu Phi Yến nàng, thân ảnh đĩnh đạc thân quen đã vừa mới xuất hiện.
Thần thiếp xin thỉnh an Hoàng thượng.
Thần thiếp xin thỉnh an Hoàng thượng.
Triệu Cơ, Triệu Phi Yến, hai tỷ muội gần như đồng thời cùng kính cẩn hướng Hạng đế Lý Uyên hành lễ.
Hạng đế Lý Uyên thân khoác hoàng bào, đầu đội cửu long quan, mắt nhìn hai người mỉm cười:
- Ái hậu, ái phi, không cần đa lễ.
Tổng quản thái giám Trịnh Hoài An đi trước, cầm phất trần phủi qua mặt ghế. Ghế được phủi xong, Hạng đế lúc này mới hạ mông ngồi xuống.
So với năm năm về trước, khi lần đầu Trần Tĩnh Kỳ tận mắt trông thấy long nhan thì hiện tại Hạng đế đã già hơn rất nhiều, trên mặt đã có thêm nhiều nếp nhăn...
Sau mấy câu thăm hỏi, chuyện trò, Hạng đế chuyển mắt nhìn sang Hoàng hậu Triệu Cơ, hỏi:
Ái hậu, kỳ hạn bảy ngày đã qua, bức tranh chân dung mà An vương vẽ cho nàng, hẳn cũng sớm xong?
Thưa Hoàng thượng, đúng là đã vẽ xong.
Triệu Cơ mỉm cười, nói tiếp:
Hoàng thượng, thần thiếp nghĩ người nên trọng thưởng cho An vương.
Ồ...
Hạng đế là con người thông tuệ, quan sát thấy vẻ hài lòng trên gương mặt Triệu Cơ, bụng thầm suy đoán.
Ái hậu, tranh mà An vương vẽ cho nàng, rất đẹp sao?
"Đẹp", từ này thậm chí chưa đủ để hình dung.
Ái hậu làm ta tò mò. Bức tranh kia, nàng có mang theo chứ?
Hạng đế hỏi như vậy là có lý do. Hắn sớm đã nhìn thấy ở phía sau lưng Triệu Cơ, trên tay cung nữ Tiểu Thúy đang cầm một chiếc hộp gấm hình chữ nhật, khá dài. Chứa đựng bên trong, rất có thể chính là bức tranh nọ.
Suy đoán của Hạng đế quả thật không sai. Thời điểm Triệu Cơ đích thân đem chiếc hộp mở ra, một quyển trục liền hiện rõ.
Hoàng thượng, đây chính là bức tranh mà An vương đã vẽ cho thần thiếp.
Để ta xem.
Hạng đế khoát tay bảo tổng quản thái giám Trịnh Hoài An không cần động thủ, trực tiếp tự mình tiếp nhận, rồi từ tốn đem quyển trục mở ra.
Chưa xem chưa biết, vừa xem, hai mắt hắn đã ngay lập tức bị thu hút.
Mỹ nhân trong tranh, nàng thật rất đỗi duyên dáng, yêu kiều. Môi khép mà ngỡ như đang cười, má chẳng điểm tô lại như đang ửng hồng vì men rượu... Thần vận ấy, tư dung này, thật sinh động xiết bao... Triệu Cơ, nàng giống như được bê vào tranh trong lúc đang ngấm men rượu, đã ngà ngà say...
Một bức chân dung chỉ có duy nhất một màu mực, vậy mà lại khiến cho người xem "thấy" được bao nhiêu là sắc thái. Quả là tuyệt diệu lắm thay!
Càng tuyệt hơn nữa là hai câu thơ đề trên bức hoạ:
"Quốc sắc triều hàm tửu Thiên hương dạ nhiễm y."
Hai câu thơ đã miêu tả một cách rất đỗi tinh tế, tài tình. Người và hoa cùng hoà quyện với nhau, cùng là "quốc sắc", cùng là "thiên hương"...
- Tuyệt tác! Đây đúng là tuyệt tác!
Hạng đế kích động ngợi khen, dáng vẻ yêu thích chẳng hề che giấu. Thú thật, chính bản thân hắn cũng không ngờ được bức tranh lại kiệt xuất tới như vậy. Bởi tuy nói "thư hoạ đồng nguyên", song viết và vẽ vẫn là hai phạm trù khác nhau. Trần Tĩnh Kỳ đích xác đã từng tạo ra một bức Tứ Linh Hoá Phúc Đồ khiến người kinh thán, nhưng nó không có nghĩa trên phương diện hội hoạ hắn cũng sẽ làm được điều tương tự.
Mà thực tế thì... Lý Uyên hắn đã sai. Tài năng của Trần Tĩnh Kỳ còn cao hơn là hắn đã nghĩ. Ít nhất thì ở trong đời mình, tính tới bây giờ, chỉ có duy mỗi Trần Tĩnh Kỳ là khiến hắn phải hai lần kinh thán thốt lên.
Thư có thể viết ra một bức Tứ Linh Hoá Phúc Đồ làm người kinh thán, hoạ lại có thể vẽ ra một bức chân dung ngập tràn khí chất, thần vận... Trần Tĩnh Kỳ này thực đúng là kỳ nhân!
Ái hậu, so với bức Tứ Linh Hoá Phúc Đồ của ta, bức chân dung này của nàng lại càng giá trị, xứng đáng là báu vật.
Hạng đế không tiếc lời ca ngợi. Đối với Trần Tĩnh Kỳ, thâm tâm lại càng thêm xem trọng.
- Ái hậu, nào, hãy mau kể cho ta nghe! Trần Tĩnh Kỳ rốt cuộc là làm sao vẽ ra được một tuyệt tác như vầy?
Trước phản ứng của Hạng đế, Hoàng hậu Triệu Cơ thực cũng hơi bất ngờ. Nàng không nghĩ bức tranh lại khiến cho Lý Uyên hắn kích động nhường ấy. Dẫu vậy, với sự dày dạn của mình, nàng vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh, ung dung.
Chả phải nghĩ lâu, vài giây bất quá thì Triệu Cơ nàng đã liền có thể đem câu chuyện sắp xếp, tường thuật rõ ràng. Những lần nàng và Trần Tĩnh Kỳ trò chuyện, chơi cờ ra sao, cùng thưởng hoa thế nào, hết thảy đều kể. Dĩ nhiên, qua lời nàng kể, không ít chi tiết đã được lược đi. Đặc biệt là những khoảnh khắc ở bên trong cấm địa của khu vườn Mị Uyển, Triệu Cơ nàng tuyệt nhiên không nhắc. Nàng nói bộ dáng say rượu mơ màng của nữ nhân trong tranh, hết thảy đều là do Trần Tĩnh Kỳ tự mường tượng ra, qua một lần nhìn thấy khuôn mặt ửng hồng khi nàng uống rượu, lúc chơi cờ.
- Hoàng thượng, người cũng biết rồi đấy, mỗi lần thần thiếp uống rượu vào là gương mặt sẽ liền hồng lên. Có lẽ vì lẽ ấy mà An vương mới hoạ thần thiếp như vậy.
Hạng đế Lý Uyên gật đầu. Thông tin ấy quả thật không sai. Da mặt của Triệu Cơ rất nhạy cảm với men rượu.
Hắn lại một lần nữa đem bức hoạ cầm lên, miệng tấm tắc:
"Quốc sắc triều hàm tửu/ Thiên hương dạ nhiễm y", vừa để tả hoa mà cũng vừa để nói người. Hoa và người không chia tách mà hoà quyện với nhau... Quả nhiên là rất tinh tế, vô cùng ý tứ. Trong bức tranh này, "thi", "thư" và "hoạ" kết hợp quá đỗi tài tình.
"Quốc sắc", "thiên hương", "quốc sắc thiên hương"...
Lý Uyên lẩm nhẩm hồi lâu, đột nhiên nói:
- Ta quyết định, kể từ bây giờ Mẫu Đơn sẽ là quốc hoa của Đại Hạng. Chỉ có loài hoa này mới xứng với bốn chữ "quốc sắc thiên hương".
Cũng ngồi chung bàn, Triệu Phi Yến hé môi như muốn nói gì đấy, song lời ra đến miệng rốt cuộc vẫn chỉ đành đem nuốt trở vô.
Hoàng thượng đã quyết, nàng còn có thể cản ngăn được sao?
"Quốc sắc thiên hương", là nói hoa hay nói người đây?
Con mắt chuyển di, nàng liếc sang nhìn Triệu Cơ.
Như đã chực sẵn, Hoàng hậu Triệu Cơ nở một nụ cười tươi rói, vẻ đắc ý lộ rõ mồn một.
Triệu Cơ thật là vui lắm. Mẫu Đơn vốn dĩ là loài hoa mà nàng yêu thích nhất, bản thân nàng cũng thường ví mình với hoa Mẫu Đơn, nay tâm hoa được Hoàng thượng chính thức công nhận là quốc hoa, làm sao có thể không vui?
Lại nói, nguyên nhân khiến Hoàng thượng cao hứng mà ra chiếu chỉ, còn không phải xuất phát từ bức hoạ chân dung? Mỹ nhân được vẽ, đấy chẳng phải Triệu Cơ nàng?
Có thể nói, bức hoạ của nàng chính là căn nguyên. Cụm từ "quốc sắc thiên hương", trước hơn tất thảy là để nói về nàng, dành cho nàng. Nàng chính là hoa, hoa chính là nàng.
Từ đây về sau, Hạng quốc dù có sản sinh ra thêm bao nhiêu danh hoa, bao nhiêu mỹ nữ, hết thảy đều phải xếp ở phía sau, đứng dưới cái bóng của nàng. Triệu Cơ nàng chính là "đệ nhất"!