Người đăng: Tà Nguyệt Lâu Chủ
...
Đã qua bao lâu rồi?
Trần Tĩnh Kỳ không biết. Hắn đâu còn khái niệm thời gian. Thậm chí bây giờ có hỏi hắn ở đâu, sợ trong nhất thời hắn cũng chẳng thể trả lời, bởi vì hắn thật sự không biết. Bức hoạ đặt trên bàn là thứ duy nhất hắn còn có thể nhận thức. Từng đường, từng nét, hắn đều xác minh rõ ràng, kích cỡ như phóng đại lên gấp mấy chục lần.
Rốt cuộc thì bức tranh cũng đã hoàn tất. Tuy nhiên, đây lại không phải bức tranh mà Trần Tĩnh Kỳ đã vẽ dở khi còn ở Phượng Nghi Cung, nó là một bức tranh khác, hoàn toàn mới. Trong tranh, được khắc hoạ thì vẫn là Hoàng hậu Triệu Cơ, song tư thái, thần vận đều sai biệt đi nhiều.
Nếu như ở bức tranh vẽ dở kia, Triệu Cơ ngồi nhìn nghiêng ra bên ngoài cửa sổ, hai tay bắt chồng lên nhau, để ở trên đùi thì trong bức tranh mới này, nàng lại đang nhẹ cúi đầu, cả hai cánh tay đều được nâng lên, trong đó năm ngón tay trái bám giữ phần cổ tay phải còn năm ngón tay phải thì cầm giữ cây trâm cài tóc. Mái tóc búi cao, phân thành hai tầng, tầng trên được cố định bởi sáu cây trâm phượng, tầng dưới thì được giữ bởi hai cây trâm hình bông hoa mẫu đơn; nơi đỉnh đầu nàng, hơi chếch về bên trái, một bông hoa mẫu đơn lớn cũng đang được cài, xem hình dáng thì hẳn là hoa thật.
Cặp mắt mơ màng, môi khép mà ngỡ như đang cười, còn có đôi gò má chẳng điểm chẳng tô lại phảng phất một tầng son phấn, như nhiễm sắc hồng... Dáng dấp ấy, tư dung này, nó khiến cho người xem có cảm tưởng nữ nhân trong tranh đang say rượu, ngồi ngẫm về một đoạn hồi ức - đẹp đẽ, xa xăm...
Tuyệt tác! Quả là tuyệt tác!
Đối với một bức tranh chân dung, khó nhất chính là làm sao phác hoạ được thần vận của đối tượng được vẽ. Mà Trần Tĩnh Kỳ, hắn đã thực hiện điều đó một cách vô cùng tuyệt diệu. Tới mức mà người ta chẳng cần phải tập trung chú mục, chỉ liếc qua thôi cũng lập tức nhận ra được điểm "khác thường". Khí chất, thần vận, tâm tư tình cảm của nữ nhân trong tranh, tất cả đều được thể hiện một cách rất đỗi tài tình. Nàng... như đang sống!
Đây không giống vẽ! Triệu Cơ cứ như thể đã được bê vào bỏ ở trong tranh!
Tự cổ chí kim, tính khắp thiên hạ, thiết nghĩ cho dù là những bậc danh hoạ được xưng tụng "hoạ tiên", "hoạ thánh", tác phẩm vẽ ra bất quá cũng đến thế là cùng. Thậm chí có khi những vị hoạ tiên, hoạ thánh ấy còn phải cúi đầu cam bái hạ phong trước bức chân dung tuyệt tác này.
Trần Tĩnh Kỳ, hắn thật sự là một con người tài hoa. Dám cá, nếu không dấn thân tranh đấu, mưu cầu danh lợi mà đi theo nghiệp văn chương, hội hoạ, chắc chắn danh tiếng của hắn vẫn sẽ nổi như cồn, tên tuổi ắt được ca ngợi, truyền tụng đến ngàn vạn năm sau...
...
Bên hoạ án, Trần Tĩnh Kỳ đứng bất động, hai mắt vẫn chăm chăm nhìn bức hoạ. Qua thêm một lúc, đôi tay hắn di chuyển, đem bức hoạ cầm lên. Hắn nhấc chân, bước vòng quanh bên trong căn phòng...
Đột nhiên, hắn buông tay, đem bức hoạ chỉ mới vừa ráo mực thả xuống, kế đó thì bước vội đến bên hoạ án, đem mặt giấy xuyến chỉ trải ra.
Một lần nữa hắn lại cầm bút, lại vẽ... và vẽ như điên...
...
Một khắc... Ba khắc... Rồi một canh giờ... Hai canh giờ...
Trần Tĩnh Kỳ vẫn đứng đó, bên hoạ án, tay vẫn cầm bút vẽ. Mực cạn hắn liền chấm, chấm xong lại tiếp tục vẽ, cứ thế lặp đi lặp lại mãi. Bộ dáng của hắn, ai không biết, dám cá khi nhìn vào đều sẽ nghĩ hắn đã bị ma nhập, phát rồ rồi.
"Tỉnh táo", đấy là điều hắn không có. Một chút cũng không. Lý trí của hắn, tất thảy dường như đều bị che phủ... Tới mức hắn chẳng còn nhận thức được tình trạng bất ổn của bản thân.
Trên người hắn mồ hôi đã và vẫn đang đổ, sớm đã thấm đẫm nhung y, trong khi mũi thì thở gấp, tim đập nhanh, nét mặt tái xanh. Đây là biểu hiện của sự lao lực quá độ, cơ thể đã đi tới giới hạn, các cơ quan đang bị tổn hại.
Trần Tĩnh Kỳ cần phải dừng lại. Bởi nếu cứ tiếp tục vẽ một cách điên cuồng như vậy, không chừng hắn sẽ đột quỵ, nguy hiểm tới tính mạng chứ chả chơi.
Nhưng, như đã nói, hắn có còn tỉnh táo nữa đâu mà dừng!
Hắn vẫn vẽ! Cánh tay hắn vẫn cầm bút, nét mực vẫn tiếp tục in hằn lên giấy...
...
Sáng hôm sau, lúc Trần Tĩnh Kỳ tỉnh dậy, liền trông thấy một cảnh tượng kỳ quái. Bên giường hắn, người đứng không ít. Bao Bọc Vàng, Bao Tự, Lê Công Lượng, Lê Ngọc Chân, bốn thân tín đều có đủ. Bọn họ ai cũng như ai, đều dùng ánh mắt nghi hoặc cúi nhìn. Ở Lê Ngọc Chân, xen lẫn còn có vài tia lo lắng.
- Công tử, rốt cuộc thì ngài cũng đã tỉnh.
Bao Bọc Vàng nhẹ nhõm thở ra một hơi, nói.
Bên cạnh hắn, Bao Tự thêm vào:
Công tử ngài cũng thật là biết hù dọa người ta đấy. Ngài có biết đã làm cho mọi người lo lắng không? Ngọc Chân thậm chí còn suýt khóc...
Ta... Ta không có!
Lê Ngọc Chân vội lên tiếng bác bỏ.
Trần Tĩnh Kỳ hiện đã lấy lại sự tỉnh táo. Nhớ đến đêm qua bản thân giống như nhập ma, cứ liên tục huy bút vẽ tranh, trong lòng mới thầm cảm khái.
"Không nghĩ chính ta lại có một bộ mặt điên rồ với nghệ thuật như vậy."
Là vì quá si mê hội hoạ?
Khẳng định không. Trước giờ, Trần Tĩnh Kỳ hắn đối với thư pháp, hội hoạ tuy cũng hứng thú, nhưng còn chưa tới mức say sưa, chìm đắm, xem thành lẽ sống như tối qua. Biểu hiện đêm qua, mười thì quá chín bởi tại Triệu Cơ. Trần Tĩnh Kỳ hắn đã bị nàng ám ảnh. Chính phong thái, thần vận lúc ở Nhạc Lâm Hiên ấy của nàng đã khiến hắn vấn vương, thôi thúc hắn phải đem nó vẽ lại.
Cổ nhân nói "Trên đầu chữ sắc có con dao", quả chẳng sai chút nào.
Trần Tĩnh Kỳ phải tự nhắc nhở bản thân. Hắn hiểu là đêm qua mình đã quá buông thả tâm tư...
- Ông thấy trong người thế nào rồi? Hồi khuya ông ngất xỉu như vậy, khiến cho ta... và mọi người rất lo lắng.
Trần Tĩnh Kỳ ngẩng lên nhìn Lê Ngọc Chân - người vừa nói, dạ có phần áy náy:
Ta xin lỗi. Đêm qua ta đã quá nhập tâm vẽ tranh, nhất thời không kiềm chế được bản thân.
Vẽ tranh mà cũng có thể ngất xỉu, đây là lần đầu tiên ta mới được nhìn thấy đấy. Trước đây ta cũng chưa từng nghe bao giờ.
Lần này lên tiếng không phải Lê Ngọc Chân mà là Bao Tự. Đối với văn chương, hội hoạ xưa giờ nàng vốn chả ưa gì, thành thử tri thức hết sức hạn chế. Luyện võ đến ngất thì nàng biết, chứ còn vẽ tranh... Chẳng phải chỉ là cầm bút phác hoạ, điểm điểm tô tô thôi sao? Cái chuyện nhẹ nhàng như thế mà cũng có thể khiến người ta ngất xỉu?
Khác với nữ nhi, Bao Bọc Vàng vốn cũng là kẻ sĩ, đối với thư hoạ ít nhiều am hiểu, liền nói:
Nếu chỉ là một bức tranh bình thường thì đương nhiên sẽ không thể khiến người ta ngất xỉu. Bao Tự, bức tranh của công tử vẽ, nó khác hẳn thường nhân.
Đúng vậy.
Lê Công Lượng ra vẻ tán đồng:
- Tranh của công tử vẽ, nó rất đặc biệt, là tuyệt tác. Thậm chí, cho dù gọi "thần tác", ta nghĩ cũng không ngoa đâu. Chỉ có điều...
Nói tới đây, Lê Công Lượng tập trung ánh mắt vào Trần Tĩnh Kỳ, nét mặt nghi vấn:
- Công tử, ta không hiểu tại sao ngài lại nhiệt tâm tới như vậy.