Người đăng: Tà Nguyệt Lâu Chủ
Tà dương khuất bóng, trong nhà đèn cũng đã chong. Lê Ngọc Chân mặc bộ đồ màu đen đã cũ, chân trần tiến ra. Bên hông nàng, một cái giỏ đan bằng tre đang được đeo.
Cha, con đi ra đồng đây.
Ngọc Chân, nàng lại đi tát nước đấy à?
Vừa lên tiếng hỏi chính là Trần Tĩnh Kỳ. Cách xưng hô hắn đã thay đổi, từ "ngươi" chuyển sang gọi "nàng". Đối với việc này Lê Ngọc Chân cũng sớm đã quen, "ừ" khẽ một tiếng.
- Để ta đi cùng nàng.
Lê Ngọc Chân không lắc chẳng gật, thoáng đưa mắt nhìn cha mình, rồi nhanh chân bước ra ngoài ngõ.
...
Ngọc Chân, trăng đêm nay thật sáng a.
Hôm nay là ngày mười lăm, trăng đương nhiên phải sáng.
Lê Ngọc Chân liếc ngang, giọng khinh khỉnh:
Mà ông quan lớn, ông đi theo ta làm gì? Ta còn phải tát nước, không có rảnh rang để hầu chuyện ông đâu.
Thì ta cũng đâu phải ra đồng dạo chơi, ta là muốn giúp nàng tát nước.
Lê Ngọc Chân ngưng hẳn bước chân, mắt tròn xoe:
Ông cũng biết tát nước?
Gì vậy? Nàng đừng coi thường ta như thế chứ. Tốt xấu gì thì ta cũng là một đấng nam nhi.
À, đấng nam nhi...
Lê Ngọc Chân nhẹ nhếch môi, trong thanh âm có mấy phần ẩn ý.
...
Hiện đang là mùa hạ, tiết trời hanh khô, những người nông dân cực khổ vô cùng. Những đợt nắng rát kéo dài, hầu như đêm nào họ cũng phải kéo nhau ra đồng, tát nước từ kênh rạch vào ruộng để cứu lúa. Nhà Lê Ngọc Chân cũng không ngoại lệ. Mấy đêm nay, hầu như đêm nào nàng cũng lặn lội ở ngoài đồng.
Chuyện này rất dễ hiểu. Tát nước là một việc vất vả, mỗi lần tát là cả hàng giờ liền, dưới cái nắng như thiêu như đốt của tiết trời mùa hạ, khó ai có thể chịu nổi; vì thế cho nên việc tát nước ai cũng giống ai, đợi đến ban đêm mới tiến hành, làm vậy sẽ đỡ cực, mà hiệu quả cũng cao hơn.
Tát nước, chẳng thể cứ tay không mà tát, có công cụ chuyên dụng hẳn hoi, gọi là gàu, gồm hai loại: gàu sòng và gàu dai. Ở thôn quê, hễ nhà ai mà làm ruộng thì cũng đều trữ sẵn một trong hai, hoặc cả hai loại gàu này, bởi mùa khô nào cũng cần dùng đến.
Nhà Lê Ngọc Chân đương nhiên cũng có. Để tiện cho việc tát nước, khỏi phải mất công mang đi mang về, Lê Ngọc Chân nàng đã đem gàu để luôn ở thửa ruộng nhà mình. Dù sao tại chốn dân dã này, mọi người ai nấy đều chất phác thiện lương, chuyện trộm cắp xưa giờ rất hiếm khi xảy ra. Mà, cho dù có muốn trộm thì người ta cũng sẽ chỉ trộm những món đồ đắt giá chứ hơi đâu lại đi lấy cắp mấy cái gàu.
...
Đêm nay trăng sáng nên cảnh vật chung quanh khá dễ để nhìn. Lúc ra tới ruộng, Trần Tĩnh Kỳ lập tức trông thấy cái gàu sòng mà Lê Ngọc Chân đã để sẵn ven bờ.
Gàu này làm bằng gỗ, xung quanh đan mành tre, chẻ sợi, được thoa lên đó lớp dầu chai để chống mối, mọt thâm nhập và không cho nước thấm vào để khỏi bị mục, còn phía sau là một thanh tre để làm cán tát. Người tát phải thiết kế trụ đỡ ba chân cắm xuống nền ruộng, chiếc gàu được điều khiển bằng tay đong đưa để lấy nước từ các kênh mương đổ vào ruộng.
Ông quan lớn.
Sao?
Thấy Lê Ngọc Chân đột nhiên quay đầu lại gọi mình, Trần Tĩnh Kỳ khó tránh có chút nghi hoặc. Bởi thường thì nàng ít khi chủ động mở lời trước, thêm nữa hiện giờ ở trên môi nàng còn treo sẵn một nụ cười.
Hì... hồi nãy có phải ông nói muốn giúp ta tát nước không?
À, đúng là có nói.
Lê Ngọc Chân cười càng thêm tươi, chỉ tay vào chiếc gàu sòng để sẵn:
Vậy ông làm đi.
Bây giờ luôn?
Phải. Sao? Bộ ông làm không nổi?
Ai nói ta làm không nổi?
Trần Tĩnh Kỳ sao có thể để bị một cô gái xem thường, nhanh chóng xắn tay áo, bước lại bên chiếc gàu, cầm cán mà đưa nước từ dưới mương đổ vào trong ruộng.
Chà, ông quan lớn tát nước cũng được quá nhỉ.
Cái này thì có gì khó?
Hì, đúng là cũng chả có gì khó hết... Vậy ông quan lớn ở đây tát nước giúp ta nhé.
Nói rồi Lê Ngọc Chân mang theo chiếc giỏ bước xuống con mương.
Nàng đi đâu đấy?
Ta đi bắt ếch.