Người đăng: Tà Nguyệt Lâu Chủ
Mới đầu, khi nghe Trần Tĩnh Kỳ đột nhiên xin được học hỏi mình, Lê Công Lượng đã khá bất ngờ, trong bụng thậm chí còn nảy sinh hoài nghi, cho đó chỉ là một cái cớ. Bởi lẽ chức vụ Án sát sứ của Trần Tĩnh Kỳ nào có liên quan gì đến chuyện đê điều, thủy lợi; thêm nữa, trong lĩnh vực này, tri thức thật sự không ít, cần phải chuyên tâm, nghiền ngẫm, quan sát, đối chiếu rất nhiều. Một vị hoàng tử thân phận tôn quý, e khó lòng tiếp thụ được. Lê Công Lượng, hắn đã suy nghĩ như vậy.
Nhưng không, Lê Công Lượng hắn sai rồi. Trần Tĩnh Kỳ căn bản chẳng thể đem đánh đồng với những vị vương tôn quý tộc khác. Vị An vương điện hạ này rất nhẫn nại học hỏi, mỗi buổi xế chiều vẫn thường cùng Lê Công Lượng hắn dạo quanh sông ngòi kênh rạch để tận mắt quan sát, đem kiến thức đã học đối chiếu với tình hình thực tiễn...
Sau một thời gian, qua sự dò xét, kiểm tra, Lê Công Lượng buộc phải thay đổi cách nhìn, gật đầu công nhận. Trần Tĩnh Kỳ, vị điện hạ này khác xa khái niệm về những vương tôn quý tộc trong tâm tưởng của hắn. Đối với chuyện đê điều, thủy lợi, Trần Tĩnh Kỳ hoàn toàn nghiêm túc học hỏi.
Tới đây, Lê Công Lượng lại không thể không cảm thán. Trí tuệ của Trần Tĩnh Kỳ thật sự rất đáng khâm phục, chẳng những có trí nhớ siêu phàm mà cả sự vận dụng đầu óc cũng khiến cho người ta phải kinh ngạc.
Theo thời gian, qua những lần tiếp xúc, Lê Công Lượng càng ngày càng quý mến người đồng hương vừa mới kết giao nơi đất khách này. Đôi bên thân thiết đến nỗi khiến cho Bao Tự và Lê Ngọc Chân cũng phải ngạc nhiên. Một "ông già" ở tuổi ngũ tuần và một thanh niên tuổi đời chưa đến hai mươi, rõ ràng là hai con người ở hai thế hệ khác nhau, thân phận, địa vị cũng chênh lệch không ít, vì sao lại có thể hợp nhau đến như vậy?
"Tri kỷ", xét cũng đủ gọi là.
...
Kể từ khi quen biết hai cha con nhà họ Lê thì hầu như mỗi ngày Trần Tĩnh Kỳ và Bao Tự đều cưỡi lừa đi xuống huyện An Khuê, vào thôn Đoài. Những lần gặp gỡ cứ thế nối dài, con người cũng theo đó mà trở nên gần gũi, gắn bó hơn. Tính tới hiện tại, hai cha con Lê Công Lượng - Lê Ngọc Chân đã chẳng còn xem Trần Tĩnh Kỳ và Bao Tự là khách nhân nữa, thay vào đó, họ đối đãi giống như người thân trong nhà. Qua cách xưng hô, thái độ trong những lần chuyện trò, không khó để nhận ra điều đó.
Một buổi xế chiều, Trần Tĩnh Kỳ và Lê Công Lượng vẫn như thường lệ đang cùng nhau trao đổi, thảo luận thì chợt thấy có khách đến viếng thăm. Tới thăm hỏi gồm hai người, tuổi tác sàn sàn như nhau, đâu khoảng ba mươi ba mốt tầm đó.
Xin chào Lê tiên sinh.
Chào Lê tiên sinh.
Trương Tam, Lý Tứ - hai khách nhân từ thôn Đông bên kia tìm đến - cùng hướng về phía Lê Công Lượng chào hỏi, dáng vẻ rất thành kính. Riêng Trần Tĩnh Kỳ, bởi do chưa tường lai lịch, lại thấy tuổi tác còn trẻ, nghĩ chỉ là học trò của Lê Công Lượng nên Trương Tam, Lý Tứ chẳng mấy lưu tâm. Trần Tĩnh Kỳ cũng không nói gì, chỉ nhẹ gật đầu chào hỏi, an tĩnh ngồi ở một bên.
- Trương Tam, Lý Tứ, hai người đến tìm ta có chuyện gì vậy?
Đối với hai khách nhân trước mặt, Lê Công Lượng rõ ràng nhận thức, hướng họ cười hỏi.
Đã an vị trên hai chiếc ghế tre, Trương Tam, Lý Tứ lúc này mới mở miệng trình bày...
Thì ra, hai người bọn họ có một người bằng hữu làm nghề điêu khắc, nay người này mời họ đến dự tiệc tân gia, mà chưa biết cách cư xử nên cùng rủ nhau đến tìm Lê Công Lượng. Chủ đích của bọn họ là muốn nhờ Lê Công Lượng viết cho mỗi người một đôi câu đối để làm quà tặng cho người bằng hữu kia của mình.
- Ra là như vậy.
Lê Công Lượng vốn là người khoáng đạt, nghe xong liền vuốt râu gật đầu, bằng lòng giúp đỡ.
- Hmm, trước tiên hai người hãy cho ta biết vị bằng hữu kia của hai người nhà ở đâu.
Lý Tứ lập tức đáp:
- Thưa tiên sinh, nhà của Chu Sinh ở cách chân núi chừng ba trăm thước, xung quanh bọc suối, bốn mùa thơm ngát hoa rừng. Các bằng hữu văn chương, thi hoạ vẫn thường đến chơi đàm đạo.
Lê Công Lượng trầm ngâm, như nói với mình mà cũng như giãi bày với khách:
- Thế là bầu bạn tri âm.
Trong đầu hình dung một ngôi nhà miền sơn cước lồng lộng gió trời, bốn bề là trăng mây, hương thơm cỏ lạ, nơi ấy có những bằng hữu gửi trao niềm tâm sự... Lê Công Lượng đem giấy nghiên bút mực mang ra, bắt đầu viết:
"Sơn không thù tạc sinh giai phẩm. Trạch lãnh tri âm khởi tuyệt thi." (Núi vắng, trong thù tạc sinh tác phẩm mê hồn. Nhà lạnh, có tri âm nảy vần thơ tuyệt bút.)
Trương Tam, Lý Tứ nhìn xem đôi câu đối, kích động khen hay, trong lòng lại càng mong đợi.
Trương Tam nói:
- Tiên sinh, tài hoa của tiên sinh thật khiến Trương Tam tôi vô cùng khâm phục. Kính nhờ tiên sinh lại viết thêm cho một đôi câu đối nữa.
Lê Công Lượng nhếch môi mỉm cười, đột nhiên xoay sang nhìn Trần Tĩnh Kỳ:
- Công tử, ngài văn hay chữ tốt, không biết có thể giúp hai người họ hạ bút?
Đầu bên kia chiếc bàn, Trương Tam, Lý Tứ lộ vẻ ngạc nhiên, theo phản xạ cùng đưa mắt nhìn về phía Trần Tĩnh Kỳ. Lúc mới vào đây, trông thấy hắn, hai người bọn họ đều chỉ nghĩ hắn là học trò, đang thụ giáo Lê Công Lượng, nhưng mới rồi nghe cách xưng hô, nhìn qua cử chỉ của Lê Công Lượng thì rõ ràng không đúng. Trái lại, Lê Công Lượng đối với người thanh niên này dường như còn có mấy phần kính ý...
Rốt cuộc thì người thanh niên này có lai lịch gì?
Chả buồn bận tâm đến thần sắc nghi hoặc của Trương Tam, Lý Tứ, Trần Tĩnh Kỳ hướng Lê Công Lượng nhẹ gật đầu, từ tay đối phương tiếp lấy cây bút đã chấm mực.
Trên nền giấy đỏ vừa mới được căng ra, hắn thoáng nghĩ một chút, rồi viết:
"Hiên thượng tảo hoa, quán phong đài mộ vũ. Thiên không thu nguyệt, thường sơn cước hạ vân." (Sáng ngắm hoa trước cửa, chiều trông mưa trên đài - thành lệ. Thu soi trăng giữa trời, hạ nhìn mây dưới núi - hoá quen.)
Lần lượt mười tám con chữ hiện ra trên giấy, mỗi chữ đều như phượng múa rồng bay, ẩn chứa thần vận cao thâm.
Xét nét chữ, luận văn chương, Lê Công Lượng xưa giờ chưa từng phục ai. Mặc dù hắn mười lần đi thi đều không đỗ đạt, song quả như lời Trần Tĩnh Kỳ đã nói khi trước, ở buổi đầu gặp gỡ, Lê Công Lượng hắn là "học tài thi phận". Hắn không đỗ không phải vì hắn không giỏi, chỉ bởi trời cao run rủi, số phận an bài, tài năng chưa được xã hội đánh giá đúng mực mà thôi.
Nhưng, dẫu là như vậy, dạ chứa kinh luân, văn chương một bụng, Lê Công Lượng rốt cuộc vẫn phải cúi đầu cảm phục trước Trần Tĩnh Kỳ. Vị An vương điện hạ này, cho dù văn chương thi phú hay cái nhìn thời cuộc đều vô cùng sâu sắc, sắc sảo...
- Công tử, nhìn bút tích của ngài, Công Lượng tôi đây thật là có chút thẹn.
Lê Công Lượng cầm xem một trong hai vế đối vừa được Trần Tĩnh Kỳ viết ra, mỉm cười cảm khái.
Ngay cả hắn cũng như vậy thì Trương Tam, Lý Tứ dĩ nhiên lại càng không phải nói. Hai người bọn đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, rung động tới mức lúc này chẳng biết phải mở miệng nói gì.
Ban nãy, hai người bọn họ vốn thầm đoán Trần Tĩnh Kỳ có thân phận không tầm thường, vì thế cho nên Lê Công Lượng mới tỏ ra kính trọng; thế nhưng bây giờ, khi xem qua đôi câu đối, bọn họ đã hiểu: Kính ý của Lê Công Lượng không đơn thuần chỉ đến từ lai lịch mà còn ở cả tài năng của người thanh niên!
...
- Công tử, ngài khiến cho bọn họ bị doạ rồi.
Lê Công Lượng dõi mắt trông theo thân ảnh của Trương Tam, Lý Tứ, vuốt râu cười nói.
Trần Tĩnh Kỳ cũng cười đáp lại:
Cái này đâu phải lỗi của ta, là do tiên sinh đấy chứ.
Ha ha...!
...