Người đăng: Tà Nguyệt Lâu Chủ
Lê Công Lượng vuốt nhẹ chòm râu, từ tốn nói:
- Đại nhân, Công Lượng e là phải khiến cho ngài thất vọng. Không giấu gì đại nhân, từ thuở thiếu thời cho đến bây giờ, Lượng tôi đã lên kinh ứng thí tổng cộng mười lần, cả mười lần đều không đỗ.
Động tác của Trần Tĩnh Kỳ khựng lại một nhịp. Hắn nhẩm tính, khoa thi ba năm mở một lần, Lê Công Lượng đi thi mười lần, vị chi là ba mươi năm... Suốt ba mươi năm dùi mài kinh sử mà vẫn không đỗ đạt, cái này...
Trần Tĩnh Kỳ quả đã cảm thấy "ngạc nhiên", rất ngoài ý muốn, nhưng cảm xúc này chẳng hiện hữu quá lâu, vài giây liền mất. Nét mặt rất nhanh đã ổn định như thường, hắn cười bảo:
- Tự cổ chí kim, học tài thi phận phải đâu là chuyện hiếm lạ. Nếu chỉ lấy kết quả thi cử để đánh giá một con người... rõ ràng thiếu sót.
Lê Công Lượng lần này không có bình luận gì thêm, bưng chén trà lên nhấp một ngụm nhỏ.
...
Bởi là lần đầu gặp gỡ nên Trần Tĩnh Kỳ cũng chưa tiện hỏi han về đời sống riêng tư của Lê Công Lượng; còn Lê Ngọc Chân, theo Lê Công Lượng cho biết thì nàng đã dắt trâu ra đồng từ lúc sáng sớm, phải một lúc nữa mới trở về. Vì lẽ đó, hiện Trần Tĩnh Kỳ chỉ có thể hỏi những cái chung chung, trên tư cách một Án sát sứ tìm hiểu dân tình, phong hoá, những nếp sống sinh hoạt mà thôi.
Khách nhân cùng gia chủ, đôi bên trò chuyện được một lúc, sang đến giờ ngọ hai khắc thì bỗng từ phía ngoài ngõ, một giọng nữ nhi trong trẻo vọng vào:
- Cha ơi! Con về rồi đây!
Ngồi bên trong nhà, Lê Công Lượng ngoái đầu nhìn ra, thấp giọng nói:
- Khuyển nữ đã về rồi.
Trần Tĩnh Kỳ và Bao Tự nghe vậy, cũng đưa mắt nhìn.
Trong tầm mắt bọn họ, bóng dáng một con trâu to lớn nhanh chóng xuất hiện, ngồi trên lưng trâu là một cô gái trẻ mặc chiếc áo màu nâu đất, tóc buộc tùy ý, chân trần để thõng.
Chẳng phải Lê Ngọc Chân thì ai?
- Cha! Cha coi hôm nay con bắt được nhiều cá chưa nè!
Lê Ngọc Chân nhảy khỏi lưng trâu, cứ thế chạy thẳng vào nhà với một bó rau muống nước cùng một cái giỏ đan bằng tre đeo ở bên hông, bên trong giỏ có mười mấy con cá rô phi đang nằm giãy.
Vừa qua khỏi cửa, bước chân Lê Ngọc Chân tức khi khựng lại, nét mặt cũng thay đổi hẳn.
Nàng đưa tay chỉ vào Trần Tĩnh Kỳ, buột miệng:
- Ủa? Sao ông Án sát sứ lại ở đây?
Trần Tĩnh Kỳ nhẹ nhếch môi, mỉm cười không nói.
Ở ghế đối diện, Lê Công Lượng hắng khẽ một tiếng, nhắc nhở con gái:
- Ngọc Chân, không được vô lễ.
Lê Ngọc Chân nghe cha nhắc, liền định thần, cúi đầu:
Dân nữ xin chào quan lớn.
Chào ngươi.
Quan lớn, ngài... ngài không phải đến tìm dân nữ đấy chứ?
Dường như cũng nhìn ra nỗi lo ngại của Lê Ngọc Chân, Trần Tĩnh Kỳ cười bảo:
Ngươi không cần lo, hôm nay ta tới chỉ đơn giản vì trong bụng hiếu kỳ, muốn gặp mặt phụ thân của ngươi thôi.
Ra là vậy...
Lúc này Lê Ngọc Chân mới nhẹ nhõm thở phào. Rồi theo lời cha mình, nàng mang bó rau muống cùng cái giỏ cá đi vòng ra phía sau nhà, bắt tay vào chuẩn bị cơm nước. Bao Tự đương lúc nhàm chán, thấy thế liền đi theo phụ giúp nhóm lửa, lặt rau.
- Có một người con gái hiền thục đảm đang như vậy, tiên sinh thật có phúc.
Trần Tĩnh Kỳ trông theo bóng lưng Lê Ngọc Chân, nhận xét.
Lê Công Lượng nghe hắn nói vậy, thần sắc trở nên khác lạ. Hắn lắc đầu nhè nhẹ, cười mà rằng:
- Đại nhân, ngài... nói không đúng.
Hửm?
Trần Tĩnh Kỳ hơi ngoài ý muốn, hỏi lại:
- Tiên sinh, lời ta có chỗ nào không đúng?
Lúc này Lê Công Lượng mới vạch rõ:
- Ngài nói khuyển nữ đảm đang thì không sai, nhưng còn bảo hiền thục... Đại nhân, khắp cả thôn Đoài này, hung danh của khuyển nữ thật là không nhỏ đâu.
Trần Tĩnh Kỳ ngẫm lại, cảm thấy cũng hợp lý. Qua màn tranh cãi, các câu đối đáp với hai thầy trò nhà sư của Lê Ngọc Chân, có thể thấy tính khí của nàng vốn chả phải nhu mì hiền thục gì.
...
Giữa trưa, cơm nước rốt cuộc đã được chuẩn bị xong. Lê Ngọc Chân cùng Bao Tự, hai cô gái chia nhau bưng bát đĩa, xoong nồi lên.
Có lẽ bởi do Lê Công Lượng là thầy dạy chữ nên căn nhà được làm khá rộng. Tổng cộng chia làm ba gian: gian thứ nhất ngăn thành hai bên, một bên là phòng dạy học, một bên là nơi thờ phụng; gian thứ hai thì được dùng làm phòng ngủ, cũng phân trái phải rạch ròi; còn gian thứ ba thì chính là gian bếp, chỗ để ăn uống. Trần Tĩnh Kỳ, hắn hiện đang có mặt ở đây, gian bếp này.
Không giống các gia đình nơi thành trấn, bữa ăn thôn quê rất đơn sơ mộc mạc. Ngay đến cách ngồi ăn cũng đã cho thấy điều đó. Chẳng có bàn hay ghế gì cả, mọi người cứ ngồi xếp bằng trên thềm nhà, quây quần bên một cái mâm; còn nồi cơm, xoong canh xoong cá, chúng cũng được để sát bên mâm, sau đó mới được bới và bày ra.
Phụ trách bới cơm là Lê Ngọc Chân; múc canh, gắp cá bày ra bát đĩa cũng một tay nàng. Đầu tiên, nàng bới cơm cho Lê Công Lượng, sau đó bới cho Trần Tĩnh Kỳ, Bao Tự, cuối cùng mới đến bản thân mình.
- Mời quan lớn ăn cơm.
Lê Ngọc Chân cầm đôi đũa đưa qua cho Trần Tĩnh Kỳ, nói.
Bên cạnh, Lê Công Lượng thêm vào:
- Đại nhân, cơm quê đạm bạc, mong đại nhân đừng trách.
Trần Tĩnh Kỳ cười bảo:
Ta cảm kích còn không hết, sao lại trách... Nào, mời tiên sinh.
Mời đại nhân.
Trần Tĩnh Kỳ và Lê Công Lượng hai người một trước một sau, lần lượt động đũa. Lê Ngọc Chân đợi Trần Tĩnh Kỳ ăn xong miếng cơm đầu tiên, mới hỏi:
Quan lớn, thế nào?
Rất ngon.
Trần Tĩnh Kỳ cười đáp.
- Hì hì...
Lê Ngọc Chân nghe vậy thì vui vẻ ra mặt. Hai món cá rô kho nghệ và canh cải cá rô này chính là sở trường của nàng a.
- Quan lớn, thức ăn dân nữ nấu, nếu đem so với cao lương mĩ vị ở trong phủ ngài thì thế nào?
Trần Tĩnh Kỳ tạm ngưng đũa, ngẫm một chút rồi đáp:
Xét phương thức chế biến thì đầu bếp trong phủ ta làm tốt hơn ngươi, nhưng nếu xét hương vị... ngươi chắc chắn không thua.
Tức là thức ăn dân nữ làm, ăn cũng ngon như những cao lương mĩ vị kia?
Ừm.
Lê Ngọc Chân cười càng thêm tươi.
Bữa ăn dân dã cứ vậy mà trôi qua trong những câu nói tiếng cười. Không giống các thôn dân mà Trần Tĩnh Kỳ đã tiếp xúc trước đây, hai cha con Lê Công Lượng và Lê Ngọc Chân chẳng có nhiều cố kị, cư xử rất đỗi tự nhiên. Đặc biệt là Lê Ngọc Chân, sự chân phương mộc mạc của nàng khiến Trần Tĩnh Kỳ và Bao Tự vô cùng quý mến.
Trong lúc hai cô gái đang rửa bát đĩa phía sau nhà thì hai nam nhân là Trần Tĩnh Kỳ và Lê Công Lượng lại cùng nhau đi lên nhà trên. Theo chân Lê Công Lượng, Trần Tĩnh Kỳ đi vào căn phòng dành cho việc dạy học mà ban nãy còn chưa có dịp ghé xem, đảo mắt ngắm nhìn.
Bỗng, đôi mắt hắn ngưng lại, chân nhấc lên, tiến nhanh đến chỗ bức tường phía đối diện.
Trên tường, có mấy tấm bản đồ đang được treo.
Trần Tĩnh Kỳ càng xem, sắc mặt càng trở nên khác lạ. Hắn nhìn thấy những địa danh quen thuộc được đánh dấu trên các tấm bản đồ cũ kỹ này.
- Đại nhân?
Lê Công Lượng trông thấy Trần Tĩnh Kỳ có biểu hiện bất thường thì cũng tiến qua xem thử.
Tiên sinh, mấy tấm bản đồ này... là tiên sinh vẽ?
Một số là Công Lượng tôi vẽ, một số thì không phải.
Lê Công Lượng chỉ vào những tấm bản đồ cũ kỹ, nói tiếp:
- Mấy tấm bản đồ này là do tiên phụ trước đây vẽ ra.
Tâm tư máy động, Trần Tĩnh Kỳ lại hỏi:
- Tiên sinh, thân phụ của tiên sinh đã từng đi tới Trần quốc?
Lần này thì tới phiên Lê Công Lượng đổi sắc. Hắn trầm ngâm giây lát, rồi mới đáp:
- Không giấu gì đại nhân, phụ mẫu của Công Lượng tôi gốc vốn ở Trần, về sau mới di cư sang đất Hạng.