Tâm tà vương khó đoán khôn cùng, Bất Thế Tà Vương vốn là một con bạc kỳ cựu. Việc đánh thắng một canh bạc lớn là khoái cảm vô cùng đối với một con bạc, cho dù là có thua đi chăng nữa thì một con bạc lão luyện nhất định cũng chừa đường lui tốt nhất cho mình, chứ tuyệt đối chẳng bao giờ chịu trắng tay.
Dịch Phong cả đời đánh bạc, hắn thường thắng nhiều thua ít, vậy thì ván cược với Liên Thành Chí ở Đô Phường Dịch Thiên, đem cả tính mạng của mình ra để đặt cược có phải là hắn đã thua, một kẻ tinh quái như hắn liệu có đặt tất tay vào ván cược sinh tử này.
Trong tứ đại danh môn đương thế không thể không nhắc tới Bất Diệt Lam Môn. Là hậu nhân của Ma Trung Chi Vương Đoạn Lãng, Lam Vũ mang trong mình dã tâm và thừa kế sự tàn ác của cha. Hắn muốn một mình một đao hoành tảo thiên hạ, thủ đoạn, tham vọng, độc kế không việc gì người này không làm. Cuối cùng bá niệm bất thành đành cam tâm thịt nát xương tan.
Lam Vũ cả đời làm ác lại có đứa đệ đệ quang minh lỗi lạc, phút cuối cùng trong cuộc đời sóng gió họ Lam có thể vì đệ ruột của mình mà chết, âu đó cũng là may mắn lớn nhất đối với loại người như hắn.
Nhắc đến kiếm thì thiên hạ này có mấy người có thể khiến quần kiếm cam tâm cúi đầu sùng bái.
Thiên kiếm là thanh kiếm vinh quang, thì hắn là một thanh kiếm cô ngạo bất quần.
Tiểu Kiếm Thánh một đời vô địch, đến chết vẫn không hổ danh là bậc thầy kiếm đạo, vì an nguy xã tắc, vì Thiên Thu Đại Kiếp mà Long Nhi đã phải cam tâm chịu chết.
Một con người sống vì kiếm chết vì thiên hạ, ít ai biết đương kim Kiếm Thánh lại vì nghĩa mà diệt thân.
Đã có nhiều người chết lắm rồi, mà người ta rốt cuộc vẫn chưa biết Đại Kiếp đó thực sự là thứ gì.
Người ta chỉ biết có một điều duy nhất, là chỉ có một người đã nhìn thấy Đại Kiếp, và chỉ một mình ông ta mới biết cách phá giải nó.
Người ấy là một Bất Thế Kỳ Nhân, không phải là thần nhưng đã có trí tuệ như thần, là người nhưng lại có những năng lực vượt qua sự bình phàm của nhân loại.
Mang trong mình mạng cách Linh Quy thọ hạn trường sinh, nhưng ông sẵn sàng từ bỏ sinh mệnh để vì muôn dân bách tính, ông không phải là ai khác chính là giang hồ truyền kỳ nhìn thấu nhân sinh tam thế kỳ nhân Tiếu Tam Tiếu,
Muốn tiêu trừ được Thiên Thu Đại Kiếp thì phải làm sao?
Huyền cơ đã được bất thế kỳ nhân Tiếu Tam Tiếu, chỉ dẫn rõ ràng cho hai thần thoại võ lâm Phong Vân.
Như vậy thì Nhiếp Phong là ai?
Là Phong Trung Chi Thần!
Bộ Kinh Vân là ai?
Là Bất Khốc Tử Thần!
Thần gió và thần chết chỉ có bọn họ, chỉ có Phong Cấp Vân Nộ và Ma Kha Vô Lượng mới đủ sức ngăn chặn trường Thiên Thu Đại Kiếp này.
Nhưng hiện giờ Nhiếp Phong và Bộ Kinh Vân hai người bọn họ đang ở đâu?
Phong Vân hai thần thoại võ lâm này vẫn luôn là chủ đề bàn tán vô cùng hấp dẫn, đối với đám nhân sĩ giang hồ.
Không phải vì võ công của họ cao cường mà còn bởi cuộc đời đầy truyền kỳ của họ.
Hiện tại có người nói rằng:
...Trận đại chiến long trời lở đất trên Dịch Thiên Đảo, giữa Phong Vân với con của Thập Cường Võ Giả tên gọi Tiểu Vũ đang bất phân thắng bại.
Trong khi đó Bộ Uyên Đình bí mật dẫn binh lính triều đình nhân lúc hỗn loạn, thừa cơ hội bắt cóc con của Tà Vương.
Phong Vân đối với việc hoàng đế muốn bắt con của Dịch Phong là Thiên Nhai, hai người họ tuyệt không có ý sẽ thỏa hiệp nhượng bộ.
Nhiếp Phong vốn là người nhân nghĩa, luôn lấy đạo lý đặt lên làm đầu, nhưng trong chuyện này Phong cũng cảm thấy lo lắng và hoang mang.
Số phận trêu ngươi hay định mệnh chia rẽ, mà thuở sinh thời Nhiếp Phong và Dịch Phong hai cha con họ đã không có được nhiều thời gian ở bên nhau.
Mỗi lần phụ tử tương phùng lại là những lần đối nghịch, cho dù Nhiếp Phong không hoàn toàn đồng tình với cách hành xử tà dị và độc đoán của Dịch Phong. Nhưng ông ta cũng chưa từng dứt khoát quyết liệt phản đối.
Là một người Lãnh Nhẫn Băng Tâm nhưng ai cũng biết Nhiếp Phong ngoài cứng trong mềm, ông ta đích thực rất yêu thương đứa con từng bị lưu lạc này.
Bởi vì Nhiếp Phong hiểu rất rõ một điều, con người khi sinh ra thiếu thốn tình thương của cha mẹ, là một nỗi thiệt thòi, mất mát to lớn đến nhường nào.
Nhiếp Phong dĩ nhiên là hiểu điều đó hơn ai hết, vì chính y cũng từng có một quá khứ thiếu đi tình cảm gia đình yên ấm.
Ngày thơ ấu Nhiếp Phong tuy được ở cùng mẹ là Nhan Doanh lúc còn thiếu thời.
Nhưng cuộc sống yên ấm đó không kéo dài được bao lâu, thì Nhan Doanh vì vinh hoa phú quý mà đang tâm dứt bỏ tình nghĩa phu thê, mẫu tử mà phủ áo ra đi.
Người ta vẫn nói đàn ông là những kẻ phụ tình, nhưng có ai biết phụ nữ một khi cạn tình mới đáng sợ làm sao.
Cha Nhiếp Phong là Nhiếp Nhân Vương khi đó cũng vì thương tiếc thê tử, từ tiếc thương trở thành thù hận mà phát điên.
Con người lúc si tình đều luôn như vậy, chỉ khi yêu chúng ta mới nhận thấy việc lạc mất người mình yêu, trong khi bản thân còn chưa sẵn sàng đón nhận điều đó, nó đau khổ cùng cực như thế nào.
Người phát điên có rất nhiều lý do khác nhau, nhưng điên vì tình thì thật là cảm giác vô cùng đau khổ. Mà nguyên nhân chủ yếu cũng chỉ vì quá yêu thương một người đàn bà.
Nhiếp Phong vì người cha điên cuồng này mà chịu bao đau khổ thiệt thòi, cái cảm giác thiếu đi tình cảm gia đình đoàn viên yên ấm ấy, Nhiếp Phong cảm nhận thấu hơn cả.
Cuộc sống thơ ấu bươn trải mưu sinh làm cho y thấm được, sự cô độc đáng thương của một con người sống lay lắt trong thế giới này là như thế nào.
Có lẽ chính vì như vậy mà Nhiếp Phong thấu hiểu, đồng cảm được với những hành động độc hành, độc bộ của Dịch Phong con trai của mình.
Nhiếp Phong luôn muốn được bù đắp cho nó những thiệt thòi về tình cảm gia đình, điều mà bất kỳ một nhi tử nào sinh ra trên đời này đều đáng được hưởng, mà ông trời lại không cho người cha đáng thương kia cơ hội ấy.
Dịch Phong là Bất Thế Tà Vương chủ tể của cái ác, nhưng sau tất cả những việc mà Dịch Phong đã làm. Nhiếp Phong và võ lâm đều nhận ra đằng sau cái bộ mặt ma mị, do vô tình hay do bị số phận ép buộc ấy, là một trái tim nhiệt thành đầy chính nghĩa.
Dịch Phong đã hiểu được rằng số mệnh bắt buộc anh ta phải trở thành Bất Thế Tà Vương, nếu như đã không thể nghịch lại được số mệnh tàn khốc, thì tại sao lại không chọn cách là thuận theo.
Dùng sức mạnh tà ác để khống chế tà ác trong thiên hạ, há chẳng phải là một phương pháp đặc biệt lắm ư. Nhưng kết cục của những người mang sức mạnh tà ác thường rất thê thảm. Không cần biết những gì anh đã làm, mà chỉ cần biết anh đại diện cho cái gì mà thôi.
Việc đời luôn đầy rẫy những bất công là thế.
Một tên ngụy quân tử lòng đầy dã tâm, chuyên làm nhiều chuyện ám muội. Nhưng bề ngoài hắn vẫn có cái diện mạo là một đại anh hùng.
Còn kẻ sinh ra đã mang số phận khoác lên cái ma tà, thì cả đời cũng khó có thể trở thành đại anh hùng được.
Dịch Phong cũng vậy, chỉ có điều anh ta đã chọn chết một cái chết oanh liệt và đầy ý nghĩa, thật không hề xấu hổ với thiên hạ, hoàn toàn xứng đáng là con cháu của Nhiếp Gia.
Cái chết ấy thể hiện một chí khí anh hùng mà nhiều người phải công nhận, nhưng bên cạnh đó những người thân thì đau đớn khôn nguôi. May mắn cho Đệ Nhị Mộng là đã sớm ra đi trước đó, để không phải thấy cảnh Dịch Phong táng mạng dưới trọng chưởng của kẻ thù.
Nhiếp Phong là một người cha nhân nghĩa lại sinh ra một đứa con là Tà Vương, đúng là ông trời luôn thích trêu ngươi con người. Nay Dịch Phong chết đi để lại một sinh linh bé nhỏ, hơn nữa đứa trẻ cũng là giọt máu cuối cùng của Nhiếp gia, thân là nội tổ phụ của đứa bé Nhiếp Phong phải chịu sự giằng xé trong tư tưởng rất nhiều.
Nếu là Nhiếp Phong trước đây thì sẽ vì nghĩa mà diệt thân, ông ta sẽ không ngần ngại hai tay dâng cháu nội của mình cho hoàng đế, để giải trừ triệt để mối họa Thiên Thu Đại Kiếp, giải phóng hòa bình an lạc cho muôn dân bách tính.
Nhưng nếu làm thế thì thật có lỗi với đứa con trai của mình là Dịch Phong, chắc chắn Phong nhi dưới cửu địa hoàng tuyền sẽ không tha thứ cho sự nhẫn tâm của Nhiếp Phong.
Xưa nay bên tình bên nghĩa đứng giữa hai con đường này, thật vô cùng khó để đưa ra được một quyết định vẹn toàn.
Huống chi nếu Thiên Nhai đúng là mầm họa của Thiên Thu Đại Kiếp, thì sinh mạng của hàng ngàn bá tánh thiên hạ, đang nằm hoàn toàn trong tay của Nhiếp Phong.
Tuy có rất nhiều dấu hiệu khác thường về căn nguyên trong người đứa nhỏ, liệu nó có phải là Kiếp Tâm thật hay không. Điều đó với Nhiếp Phong, đã không còn quan trọng nữa, vì lần này ông ta đã có chủ định.
Một đời nhân nghĩa rốt cuộc Nhiếp Phong đã có được cái gì chứ, cha mẹ vì cái lòng nhân nghĩa ấy mà chết, rồi đứa con trai cũng vì nghĩa mà quên thân, người vợ thân yêu bao năm kề cận cuối cùng cũng ra đi trong đau đớn.
Một đời hiệp nghĩa cuối cùng vẫn chỉ có một mình Nhiếp Phong cô độc, ôm đứa trẻ trong tay nhìn nó nở nụ cười thơ ngây trong sáng. Phong cuối cùng đã có một sự chọn lựa mà có lẽ lần đầu tiên trong đời ông ta sẽ làm trái với những tôn chỉ của mình, đó là nghịch lại lý tưởng chính nghĩa cả đời theo đuổi và gìn giữ.
Một đời ra sức vì thiên hạ thực sự Nhiếp Phong đã hi sinh quá nhiều, đã đến lúc ông ta cần hi sinh cho bản thân, cho gia đình của mình.
Y có thể tin chắc một điều là dù cho võ lâm này có quay lưng, hay thế gian này có phản bội, thì vẫn sẽ có một người luôn luôn ủng hộ quyết định của Nhiếp Phong.
Đó không phải ai khác chính là người nghĩa huynh thủa thiếu thời, cả hai cùng một bước lên Thiên Hạ Hội năm đó với Phong.
Người ấy cùng vào sinh ra tử với Phong không biết bao nhiêu lần, người đó chẳng phải ai khác chính là Bất Khốc Tử Thần Bộ Kinh Vân.
Bộ Kinh Vân một đám mây đen vô định, một con người mà cuộc đời sinh ra chỉ để hứng chịu khổ đau và thù hận. Nếu nói ông ta là một đại ma đầu cũng đúng, vì những người chết dưới tay của tử thần cũng phải tới hàng ngàn.
Còn nói ông ta là một đại anh hùng cũng chẳng sai, ba lần bốn lượt cứu võ lâm tránh khỏi họa kiếp bởi những kẻ bị quyền lực làm mờ mắt, tạo nên những sóng gió bão bùng tai họa cho muôn dân.
Ngoài lạnh trong nóng, tâm tư khó đoán, thần thái lãnh ngạo, độc bộ độc hành ra tay quyết đoán, bất kể thần hay phật cứ cản ta là giết bỏ.
Phong thái khủng bố và cách làm việc lạnh lùng, nên dù đã nhiều lần cứu võ lâm song trong mắt người trong thiên hạ, Bộ Kinh Vân vẫn là kẻ vô cùng đáng sợ.
Ngoại hiệu Bất Khốc Tử Thần có lẽ cả đời này sẽ gắn chặt lấy Bộ Kinh Vân mãi mãi.
Nhưng sự việc lần này lại diễn biến bất thường, Tiểu Vũ dễ dàng có được Thiên Nhai mà không hề bị sự cản trở gay gắt của Phong Vân.
Tại sao lại như vậy?
Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì trên Dịch Thiên Đảo. Dấu chấm hỏi đó bao trùm lấy tâm trí của rất nhiều người, trong đó có cả ông ta, người đã bỏ tâm huyết nhiều nhất trong chuyện này.
Bộ Uyên Đình là cha ruột của Bộ Kinh Vân, một người làm việc bất chấp tất cả. Vì lý tưởng cả đời ông ta chính là hóa giải Thiên Thu Đại Kiếp.
Để hoàn thành tâm nguyện đó, ông ta nhẫn tâm giết chết Kinh Nô, một nô bộc tuyệt đối trung thành của Dịch Phong.
Nay triều đình vì mối họa Thiên Thu Đại Kiếp vẫn chưa chấm dứt. Hoàng đế đã sai ông ta đi bắt Kiếp Tâm là Thiên Nhai.
Bộ Uyên Đình đã làm thế nào mà bắt được Kiếp Tâm Thiên Nhai.
Phong Vân sẽ đã cách nào để bảo vệ đứa bé.
Phụ tử đối đầu Bộ Kinh Vân phải đối diện như thế nào, khi kẻ địch chính là cha ruột của mình.