Chương 13: PHẢN ĐỒ THIẾU LÂM TỰ

Đoàn người tiến chưa được bao xa, phía trước đã thấy tinh kỳ phấp phới, một đội binh mã đông đảo kéo ra, dẫn đầu là một viên chiến tướng phất phơ cờ hiệu “Phàn Thành Thứ Sử Khoái Việt”. Khoái Việt râu xồm, tóc quăn, mắt xanh như mắt mèo, tay phải dài ba thước, tay trái dài ba thước hai tấc, năm ngón tay không ngừng co duỗi vận động, đốt xương “cách cách” vang động, nghe như tiếng pháo nổ.

Khoái Việt nguyên trước là thủ hạ của Lưu Biểu đất Kinh Châu, trong trận Tào Tháo đem đại binh đến Kinh Châu, Lưu Tôn, con của Lưu Biểu buộc phải hàng Tào, Khoái Việt cũng theo đó mà về dưới trướng Tào Tháo. Tên chữ Khoái Việt là Di Độ, hiệu danh là Thiên Thủ Di Lặc, bởi trước khi làm chiến tướng, Khoái Việt là đệ tử của chùa Thiếu Lâm. Trong đợt Thiếu Lâm Tự tuyển chọn nhân tài kế thừa chức thủ toạ La Hán Đường, Khoái Việt lúc này đang mang pháp danh là Tuệ Phạm đã dùng võ công siêu việt chiến thắng tất cả các đối thủ, chỉ chờ được Phương trượng chính thức bổ nhiệm.

Nào ngờ, trước giây phút huy hoàng đó, một đệ tử của Bách Chiến Đao Vương Công Tôn Hữu Thắng, sư phụ của Quan Vân Trường, đã vâng lệnh thầy lên chùa tố cáo việc Tuệ Phạm Khoái Việt đã từng vi phạm môn quy, lén quan hệ bất chính với một lương nữ dưới núi, sau khi lương nữ này cấn thai, Khoái Việt vì muốn bảo toàn tung tích nên đã sai thủ hạ hạ sát thiếu nữ, vứt xác ra bìa rừng. Bách Chiến Đao Vương lúc đó tình cờ đi qua, thấy cô gái còn thoi thóp nên tận tình cứu chữa, hôm đó liền cho đệ tử đến báo tin cho chùa Thiếu Lâm.

Một cuộc điều tra nghiêm túc được Phương Trượng đại sư chính thức mở ra, và vô cùng đơn giản, cô gái vẫn còn sống, tên tiểu tăng trực tiếp thi hành lệnh của Khoái Việt cũng không đủ gan để ngậm miệng nên đã phun ra hết. Nhân chứng, vật chứng đầy đủ, Tuệ Phạm Khoái Việt bị tống cổ ra khỏi chùa Thiếu Lâm, từ đó, Khoái Việt trở lại tục danh, để tóc, ăn mặn, lấy danh hiệu là Thiên Thủ Di Lặc vì có tài phóng ám khí bách phát bách trúng. Vũ khí của Thiên Thủ Di Lặc là tám mươi cây Liễu Diệp Đao, lưỡi mỏng như lá lúa, sắc bén phi thường. Ngoài ra, Khoái Việt còn thiện sử dụng một cây Trích Tinh Nhuyễn Tiên.

Hai phó tướng của Khoái Việt là Phó Tốn và Vương Sán, vốn là hai huynh đệ cùng học một thầy, xông pha giang hồ với danh hiệu Kinh Châu Song Sát, tính tình tàn độc, chỉ thích lấy việc giết người đốt nhà làm niềm vui. Người ta còn đồn rằng anh em Phó Tốn, Vương Sán có một sở thích bệnh hoạn, đó là ăn thịt kẻ thù, nhất là ăn tim đối thủ, nhưng vì anh em chúng quá kín đáo nên đó chỉ là lời đồn thổi, chưa ai nắm được chứng cứ. Chính vì vậy, ngoài cái tên Kinh Châu Song Sát ra, anh em chúng còn có danh hiệu Ngật Nhân Ma Vương, tất nhiên mọi người chỉ dám gọi sau lưng bọn chúng mà thôi.

Vương Sán thân hình rắn chắc như cây cột thép, hai bên trán gân xanh vồng lên, giống như có một con rắn lục nhỏ uốn mình bò trong da, nhìn vừa quỷ bí vừa khủng bố. Phó Tốn mặt dài như lưỡi cầy, khuôn mặt tái nhợt, tuy hiển lộ bộ dạng đầu hươu mắt chuột, nhưng nhìn kỹ cũng không khó coi lắm. Hai huynh đệ Ngật Nhân Ma Vương chỉ giống nhau ở đôi mắt vằn đỏ, lúc nào nhìn người khác cũng như muốn ăn tươi nuốt sống người ta.

Dàn binh chặn đường, Khoái Việt vung mạnh cây Phương Tiện Sản thị oai, tiếng gió rít nghe vù vù, Khoái Việt quát:

- Tướng kia, mau báo danh rồi chịu chết.

Triệu Vân hoành ngang cây thương, tiến lên phía trước đáp:

- Thường Sơn Triệu Tử Long là ta. Còn ngươi có phải tên thầy chùa tu không hết kiếp Thiên Thủ Di Lặc Khoái Việt đó không?

Khoái Việt nhìn đám người lưa thưa của Triệu Vân, khinh bỉ cười lạnh:

- Hắc hắc.. đã biết đến đại danh Khoái Việt ta mà còn cứng đầu cứng cổ không chịu hàng, các ngươi chán sống rồi à?

Thực ra, Khoái Việt không hề biết đến danh tiếng của Triệu Vân nên mới to mồm khoác lác thế, nếu Khoái Việt chịu khó nhìn ra phía sau thì sẽ thấy anh em Vương Sán, Phó Tốn đang mắt la mày lét nhìn nhau, khuôn mặt nhăn nhó như khỉ ăn ớt. Từ khi xuống núi, Khoái Việt chỉ có khoảng hơn một năm lăn lộn giang hồ, sau đó đã theo Lưu Biểu về trấn thủ tại Kinh Châu, không biết mấy đến tình hình giang hồ. Anh em Ngật Nhân Ma Vương lăn lộn giang hồ đã lâu, danh tiếng Thường Sơn Triệu Tử Long vang rền khắp chốn, nay tình cờ gặp ở đây, dù phía đối phương chỉ có năm người nhưng muốn ăn được cũng không phải dễ, e rằng đám binh mã này ít nhất cũng tiêu vong hai phần ba.

Trong võ lâm Trung Nguyên thời loạn thế này, người ta vẫn thường nói đến Tam Đao, Nhị Kích, Nhị Thương, đó là những tuyệt đại cao thủ, hùng cứ bốn phương, trong đó Tam Đao gồm có: Bách Chiến Đao Vương, Huyền Đao Tôn Giả và Phi Thiên Đao Đế. Nhị Kích gồm có Phụng Tiên Lã Bố với cây Phương Thiên Hoạ Kích võ nghệ tuyệt luân và người thứ hai là Điển Vi với cây Tiểu Thiên Song Kích đã từng làm mọi đối thủ của Tào Tháo phải kinh sợ.

Nhị Thương gồm có Thương Vương sư phụ của Triệu Vân, người thứ hai là Kim Ưng Thương Cố Thiên Hoạch. Trong bẩy người đó, Nhị Kích là người trẻ hơn cả, còn năm người còn lại đều là những bậc tiền bối tuổi đã gần trăm, tất cả đều đã lui vào ẩn cư hoặc quy tiên từ lâu, nhưng những đệ tử đắc ý của họ thì cũng rất sớm nổi danh giang hồ cũng như trong quân ngũ các chư hầu. Đệ tử của Bách Chiến Đao Vương là Quan Vân Trường với cây Thanh Long Đao, nổi danh đại chiến tướng với chiến công chém hai đại tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương và Văn Sú, sau đó một ngựa một đao phò tá hai phu nhân vuợt năm ải chém sáu tướng Tào, bảo hộ nhị phu nhân vượt qua bao đường đất về với Lưu Bị.

Đệ tử của Huyền Đao Tôn Giả cũng nổi tiếng không kém, chính là Cuồng Sư Hứa Chử, kẻ kế thừa y bát rất xứng đáng của Đao Môn, nổi tiếng là một đại tướng Tả Võ Vương dưới trướng của Tào Tháo. Đệ tử Phi Thiên Đao Đế có phần mờ nhạt hơn, đó là Bàng Đức, là Nguỵ Diên. Tuy vậy, sư đệ của Phi Thiên Đao Đế lại là một đại tướng dưới trướng Thái Thú Trường Sa Hàn Huyền, đại danh Hoàng Hán Thăng Hoàng Trung từ lâu oai trấn bốn phương, Hàn Huyền giữ vững được Trường Sa phần lớn là nhờ oai vọng của Hoàng Trung, các thái thú, giặc giã quanh vùng không ai dám xâm phạm.