Chương 2: Nhân Vật Chính.

Giữa khoảng sân trước Ngự Thiện Phòng, các cận vệ nhanh chóng xử lý xác chết của Linh Nhi, họ làm cực thuần thục như đã quá quen tay. Một người nhanh lấy ra đoản kiếm, rạch giữa trán cô ả rồi lấy ra một viên đạn đầy máu, đi đến rồi cung kính đưa cho thanh niên tên Nhật Quang. Hai người thốc cái xác lên rồi kéo đi chỗ khác. Còn hai người khác lại lầm rầm niệm chú, từ bàn tay một người xuất hiện những làn nước mát lạnh, dội qua mặt đất để tẩy sạch vết máu. Kẻ kia thì tạo ra những cơn gió vô hình, thổi một lát đã thành công che giấu đi mùi máu tanh tưởi.

Chỉ chừng ba phút, mọi thứ đã đâu vào đấy, chẳng còn lại chút dấu vết nào như chưa từng phát sinh chuyện gì.

Thanh niên tên Nhật Quang hài lòng gật gù, đoạn nhắm mắt lại, cũng lầm rầm như niệm chú. Tuy nhiên hắn chỉ giả vờ làm ra vẻ thần bí, còn trong đầu đang xem xét những thông tin về cô gái nọ.

“Tên: Vũ Linh Nhi - đến từ Trái Đất 101.

Các thẻ thuộc tính: Kẻ trọng sinh, nữ công gia chánh, luật sư, ảo tưởng sức mạnh. tinh thần Đại Hán.

Ảnh hưởng đến lục giới: Không có.

Phần thưởng: Nhận được một thẻ thuộc tính bất kỳ.

Số lượng đã tiêu diệt thành công: 69 người.”

Nhật Quang thở dài, không thèm hấp thu ký ức của con gà này mà lựa chọn từ bỏ. Hắn mong chờ vào một thẻ thuộc tính tốt hơn, còn thẻ luật sư thì chắc chắn là không cần bởi não hắn cũng có hạn. Nhật Quang đến nay đã tiêu diệt được sáu mươi chín người, nhưng cũng chỉ lựa chọn hấp thu một thẻ thuộc tính có tác dụng nhất.

“Sao rồi? Ngươi có tìm được thứ gì hữu dụng không?” - hoàng đế hỏi, ánh mắt thấp thoáng mong chờ nhìn Nhật Quang.

Nhật Quang lắc đầu, bảo: “Thưa bệ hạ! Không có gì! Con ả này cực kỳ cùi bắp, chỉ có ảo tưởng sức mạnh là giỏi.”

“Được rồi, thế thì đi ăn cơm trước.” - Hoàng đế bảo, đến lúc này mới quay sang những kẻ vẫn đang quỳ trên đất, phất tay - “Các khanh bình thân!”

“Tạ ơn bệ hạ!” - đám người đồng thanh hô hào rồi đứng dậy, ánh mắt cứ nhìn chằm chằm Nhật Quang, trong con ngươi xuất hiện vẻ kiêng kỵ sâu đậm, hắn là người đầu tiên và duy nhất dám cắt ngang lời hoàng đế và ra tay giết người. Trước kia chưa từng có, sau này có thể cũng sẽ không.

Hoàng đế không nhìn đám người, long hành hổ bộ vào Ngự Thiện Phòng.

Chờ đến khi hoàng đế an vị thì mọi người mới hành động. Các cung nữ cầm nhạc cụ đi trước, bắt đầu ca múa. Những binh lính lần lượt tiến vào, để hai thái giám dùng kim thử độc trước, gắp chút đồ ăn để dùng thử, rồi mới được dọn lên cái bàn dài bằng gỗ hương ngay chính giữa.

Mùi sơn hào hải vị bốc lên, các món ăn xinh đẹp đủ loại hình dạng tỏa hương thơm ngát. Không khí vẫn rộn rã như mọi ngày.

Ấy vậy mà, hoàng đế ngồi chính giữa không quá chú ý đến đồ ăn, tâm trạng như có chút đè nén, đôi lông mày kiếm nhíu chặt và vẻ mặt lạnh tanh, tựa như đang suy tư gì đó.

Nhật Quang đứng cạnh nhìn đồ ăn mà chảy cả nước miếng, nhưng dĩ nhiên cũng không dám phạm thượng. Hắn cố gắng nghiêm túc đứng thẳng, trong đầu mọc lên mấy suy nghĩ rằng làm vua thật sướng, có mỗi bữa ăn mà biết bao nhiêu người hầu hạ.

“Nhật Quang khanh, đưa trẫm cái pháp khí đó. Trẫm cho phép khanh được nếm thử mùi vị của bữa ăn này.”

Nhật Quang giật mình, nhìn vẻ mặt của hoàng thượng rồi cười trừ - “Bệ hạ cứ đùa, cây súng này là bùa giữ mạng của hạ thần. Ngài cũng biết hạ thần không thể tu luyện được, có nó trong tay mới có chút sức phản kháng và bảo vệ an nguy của bệ hạ.”

“Phải thế không?” - Hoàng đế hỏi, ánh mắt hiện nét suy ngẫm.

“Thưa bệ hạ, là thật. Nếu như sau này hạ thần tìm ra phương pháp chế tạo số lượng lớn thì sẽ tặng cho ngài ba bốn cây để chơi.”

“Ừm, ngươi vào cung, đi bên cạnh trẫm đã được một năm tròn. Lúc đó ngươi cũng thề thốt cam đoan rằng sẽ sớm có thể tạo ra súng. Trẫm vì thế đã ban cho ngươi chức cấm vệ quân, sau lại tăng lên làm cận vệ của trẫm. Nhưng mà, ngươi đang cảm thấy sự kiên nhẫn của trẫm quá nhiều hay sao?” - lời nói vẫn rất nhẹ nhàng, còn khuôn mặt hoàng đế chẳng hiển lộ nét gì lạ nhưng Nhật Quang bất chợt cảm thấy rét run.

Hắn vội vàng quỳ xuống, không dám láo mà nói một cách khẩn thiết: “Thưa hoàng thượng! Xin ngài hãy cho hạ thần thêm một chút thời gian. Hạ thần hứa sẽ mau chóng làm nó cho ngài.

Hoàng đế giơ lên ba ngón tay, nói khẽ: “Ba ngày! Ngươi làm được chứ?”

Nhật Quang rất muốn nói không, nhưng khi nhìn vào khuôn mặt lạnh lẽo ẩn hàm chút sát khí của hoàng đế thì đành cúi đầu bảo: “Thưa được! Thần sẽ liều chết để hoàn thành.”

“Được rồi, đứng lên đi!”

“Vâng! Tạ ơn bệ hạ!”

Hoàng đế lúc này mới nói tiếp: “Trẫm không muốn làm khó khanh. Nhưng tình hình nơi biên cương khanh cũng hiểu. Nếu như muộn, cái ghế này trẫm cũng không thể ngồi được nữa rồi.”

…..

Nhật Quang sau buổi trưa thì rời hoàng cung, xin phép hoàng đế ra ngoài để hoàn thành công việc.

Hắn không ngồi xe ngựa, cũng chẳng dẫn theo anh em trong quân đi chè chén như mọi khi mà tự cưỡi ngựa, chạy một mạch về nhà. Nhật Quang xuất thân trong gia đình trâm anh thế phiệt, tổ tiên cũng từng là khai quốc công thần của triều Nguyễn. Mặc dù đến đời này đã xuống dốc thảm hại nhưng mảnh đất tổ thì vẫn còn đó (đất hoàng đế đã ban cho nên chẳng ai dám bán, cũng không ai dám mua). Ngôi biệt phủ cũ rích cách hoàng cung chỉ tầm ba cây số, với sức ngựa thì chỉ ba phút đã đến nơi.

Trước mắt Nhật Quang là căn biệt thự rộng rãi nhưng tường đá vây phía ngoài đã thủng lỗ chỗ, sức mạnh của thời gian đã xói mòn tất cả. Những lùm cỏ dại và cây cối mọc tứ tung, chẳng có ai chăm sóc. Tấm biển chữ vàng treo trước phủ đã mất tích từ lâu, thay vào đó là biển gỗ trông rất cũ, bên trên đề mấy chữ “Nhà họ Trần - quốc công triều Nguyễn” - nét chữ cũng không nắn nót hay xinh đẹp gì mà trông như gà bới. Tấm biển này do ông nội Nhật Quang viết, một kẻ thất học đổi nghề thành giang hồ cộm cán, là một sự sỉ nhục của gia tộc.

Tuy là thế, đời cha của Nhật Quang cũng không khá khẩm hơn, ông già lắc mình biến thành bang chủ Cái Bang, cầm đầu đám ăn xin, dùng bất cứ thủ đoạn tồi tệ nào để kiếm tiền.

Rồi đến đời Nhật Quang, vốn cũng cực kỳ tệ lậu bởi vì cậu không có thiên phú tu luyện, thành công kế thừa danh xưng “phế vật” từ cả cha và ông. Nếu không phải bản thân đã thức tỉnh ký ức kiếp trước thì có thể Nhật Quang phải nối gót theo hai người họ, đành chọn nghề nghiệp giữa giang hồ và ăn xin.

Nhật Quang xuống ngựa, cột tạm vào cây cột trước phủ rồi đạp văng cánh cửa gỉ sét, xăm xăm đi vào trong.

Hiện trạng trong phủ chẳng khá hơn, trống trơn không có chút gì quý giá, toàn rác rưởi với đống đá tảng đủ hình thù kỳ cục, không chút cảnh đẹp gì đáng nói. Ngay đến cái ao nhân tạo vốn phải đặt đầy kỳ hoa dị thảo ngay chính giữa thì nước trong ao cũng đã hóa thành màu nâu đen, đủ mùi xú uế và ruồi nhặng bay lượn khiến bất cứ ai cũng phải nhăn mũi.

Vào sâu một chút là những tên ăn mày rách rưới dơ bẩn đang đứng đối diện với cái lũ áo đen mặt lạnh tạo thành hai phe cánh đối lập. Chính giữa là một cái bàn đá tương đối hoàn hảo, ông và cha của Nhật Quang đang ngồi đánh cờ, còn các đàn em thì hô hào cổ vũ.

Nhật Quang thấy cảnh tượng quen thuộc này thì ngán ngẩm bó tay, căn nhà to như vậy mà không có bàn tay của phụ nữ nên rất kinh khủng. Ba đời bọn họ sống với nhau, nói dễ nghe thì là “tam đại đồng đường”, còn khó nghe thì có tên “tam đại phế vật” - cái danh từ lâu đã nức tiếng kinh đô, không ai không hay, ngay cả trẻ con lên ba cũng biết. Ba người họ thường được liệt vào làm ví dụ “kẻ xấu” hay “kẻ phản diện”, bởi đã báng bổ hết sạch công sức kinh thiên của tổ tông, một đời lại cùi hơn một đời.

“A! Thiếu gia về!” - một tên ăn mày kêu lên.

Cả đám thuộc hạ đồng thời quay đầu, cung kính cúi người hét: “Chào mừng thiếu gia đã về.”

“Thôi được rồi, mọi người cứ tự nhiên.” - Nhật Quang xua tay bảo, làm thiếu gia của cái lũ đầu trâu mặt ngựa này áp lực lắm, giá như có mấy em gái xinh tươi thì hắn sẽ cảm thấy vui hơn.

“À mà, tôi cần nói chuyện riêng với cha ông một lát. Mọi người cảm phiền.” - Nhật Quang nói, cũng khá khách sáo.

“Vâng! Chúng thuộc hạ cẩn tuân mệnh lệnh.”

Cả bọn đồng thanh đáp rồi nhanh chân rời khỏi, để lại không gian riêng cho ba người.

Nhật Quang lại thở dài và khá cảm thán, trước kia cái lũ này dù bề ngoài vẫn cung kính với hắn nhưng sâu trong mắt thì rất khinh thường. Tuy nhiên khi hắn leo lên cái bắp đùi mang tên “hoàng đế” và tiễn một thằng ôn láo chó về chầu trời thì mọi thứ đã khác hẳn. Thuộc hạ của cha, của ông mà còn cung kính với hắn hơn cả thủ lĩnh.

Đến khi cái lũ lâu nhâu đi hết, thì Nhật Quang mới đi đến phía bàn đá. Chưa chờ cho ai lên tiếng đã nói ngay.

“Thưa ông! Thưa cha! Chúng ta mau dọn đồ phắn gấp!”

“Hả? Vì sao phải phắn? Cháu không phải đang làm cấm vệ hay sao?” - ông của Nhật Quang tên Thiên Sầu - cái tên mà ông tự đặt còn tên thật chẳng ai biết. Ông ta năm nay đã bảy mươi tuổi, đầu hói và chòm râu bạc phơ kéo dài xuống tận lỗ rốn, mặc trang phục màu đen, trước ngực phanh ra khoe hầu hết những múi cơ vẫn còn rất bạo tạc. Dáng người Thiên Sầu rất cường tráng, làn da đen sạm đôi chỗ xuất hiện vết đồi mồi nhưng không quá ảnh hưởng. Ở Thiên Sầu toát lên vẻ “già mà không lão”.

“Ôi cha ơi, thằng Quang nó làm cận vệ rồi, gọi là thân binh đấy. Mà cha đừng có đánh trống lảng, còn không mau hạ cờ đi.” - cha của Nhật Quang tên Địa Khốc - cũng là cái biệt danh ổng tự chế để xứng đôi với cha mình. Ông ta mới chỉ bốn mươi, bên ngoài khoác áo vải rách rưới màu nâu xen kẽ áo lót xanh lá, trên người có mấy đúng mười tám cái túi hộp. Đầu đội đấu bồng nên không lộ rõ mặt, quanh hông còn đeo thêm một cây gậy ngọc bích tên “Đả Cẩu Bổng”. Sở dĩ Địa Khốc có tạo hình chất thế chơi này cũng bởi vì Nhật Quang, hắn ta mô phỏng hình tượng của lũ Tàu đã xuất hiện trong tiểu thuyết.

“Hai người thôi đi, hôm nay bệ hạ giận lắm. Cho con ba ngày để làm ra sản phẩm. Nếu không thì sẽ đi đứt đấy. Bây giờ không phắn gấp thì chờ đến khi nào.”

Thiên Sầu nghe thế, tỏ vẻ giận dữ rồi vỗ mạnh lên bàn cờ, quát lớn: “Mẹ nó! Hoang đường! Thế đếch nào mà mày có thể đẻ con trong vòng ba ngày được?”