"Văn Thúy." Mai Cửu không biết phải làm gì để bù đắp lỗi lầm, đành phải thuận theo hỏi: "Nhà anh họ không còn ai sao?"
Văn Thúy nhìn cô gái yếu đuối trước mặt, trong lòng cảm thấy rất kỳ lạ. Đối với người sống trong đại gia tộc, việc trước mặt người khác một kiểu, sau lưng một kiểu là chuyện hết sức bình thường. Mai Cửu không che giấu bản thân trước mặt nàng ta, có lẽ là vì tin tưởng tuyệt đối. Nhưng nàng ta thấy hai mặt tính cách của Mai Cửu quá đỗi khác biệt - lúc thì hung hăng, ăn nói không kiêng nể, lúc lại rụt rè, thận trọng, như thể là hai con người hoàn toàn khác nhau. Liệu một người có thể tồn tại cùng lúc những tính cách trái ngược như vậy không?
Văn Thúy tuy băn khoăn trong lòng, nhưng vẫn giữ vẻ mặt ôn hòa trước sau như một: "Nô tì không rõ lắm. Đan nương tử qua đời vì khó sinh khi sinh Mạc lang quân, phu quân xuất thân từ gia tộc danh y, làm ngự y trong Thái y viện. Nhưng sau đó không biết phạm phải chuyện gì mà bị cách chức, nghe nói vì cảm thấy không còn mặt mũi để về quê, nên đã rời khỏi kinh thành và uống thuộc độc tự vẫn tại trạm dừng chân ngoại ô."
An Cửu vốn hay nhận việc bên ngoài khi tổ chức không có nhiệm vụ. Tiếp xúc nhiều nên vừa nghe đầu đuôi câu chuyện, cô đã linh cảm cái chết của cha Mạc Tư Quy không phải là tự sát.
Mai Cửu không nghĩ sâu xa đến thế, chỉ thở dài: "Sao có thể vì thể diện mà bỏ rơi đứa con còn nhỏ chứ?"
"Đúng vậy!" Văn Thúy than thở: "Gia tộc phu quân Đang nương tử hai đời độc đinh, giờ chỉ còn lại mỗi một mầm non này thôi, sao ngài ấy nỡ lòng nào? Phí công Đan nương tử đã hy sinh tính mạng để nối dõi tông đường cho nhà họ."
Mai Cửu thắc mắc: "Chẳng phải con gái nhà chúng ta không được gả ra ngoài sao? Tại sao dì lại có thể kết hôn với người ngoài?"
"Cũng không hẳn là vậy." Văn Thúy cân nhắc một lúc rồi mới nói: "Đan nương tử là con gái ruột của Nhị lão phu nhân, nghe nói là một tuyệt thế giai nhân. Trăm năm trước, Mai thị từng bị nguyền rủa, con cháu đời sau đều không sống quá ba mươi tuổi. Vì vậy tổ tiên đã để lại di huấn rằng con cháu Mai thị phải luyện võ để rèn luyện thân thể. Những ai không thích hợp luyện võ thì đành phải gả đi, trở thành người nhà khác, như vậy sẽ không bị lời nguyền ảnh hưởng nữa."
Mai Cửu cảm thấy lạnh buốt từ gót chân.
"Lời nói dối đầy sở hở!" An Cửu khinh thường nói. "Chỉ có thể lừa được những kẻ ngốc như Mai Cửu cô thôi."
Mai Cửu khựng người, thầm nghĩ: "Có những lời cứ để trong lòng thôi, sao cứ phải nói ra chứ!"
"Miệng mọc trên người tôi, muốn nói hay không là quyền của tôi. Tai mọc trên đầu cô, muốn nghe hay không thì tùy cô." An Cửu đáp.
Mai Cửu tức giận: "Này, cô chưa từng nghĩ đến cảm nhận của người khác sao?"
"Cô hiểu gì về tôi chứ? Không hiểu thì đừng có chỉ trích linh tinh!" Giọng An Cửu lạnh lẽo.
Mai Cửu ngỡ mình đã làm tổn thương đối phương, nên áy náy nói: "Tôi xin lỗi."
An Cửu khá hài lòng với thái độ nhận lỗi của Mai Cửu: "Ngày trước, tôi từng tính toán rất kỹ, với tốc độ nào, góc độ nào, khoảng cách ra sao, viên đạn bắn vào đâu mới ít đau đớn nhất cho nạn nhân. Vậy mà cô dám bảo tôi không quan tâm đến cảm nhận của mục tiêu sao?"
"Cô thật tàn nhẫn!" Mai Cửu tái mặt. Tuy không hiểu hết lời An Cửu, nhưng nàng cũng đoán được ý nghĩa.
Văn Thúy đứng bên không nghe được cuộc đối thoại giữa hai linh hồn, chỉ thấy sắc mặt Mai Cửu càng lúc càng tái nhợt, tưởng nàng sợ hãi vì chuyện "lời nguyền", vội vàng an ủi: "Đều tại nô tì nhiều lời! Nương tử, đây chỉ là lời đồn thôi, không sao đâu."
Mai Cửu sực tỉnh, gượng cười, đầu óc rối bời, không biết nên nói gì để che giấu: "Ta không sao, chỉ là... chỉ là thương xót anh họ..."
Rất thương xót, rất áy náy.
Bị dọa quen rồi, nên Mai Cửu cũng dần can đảm hơn, huống chi linh hồn của nàng có kết nối với An Cửu, cũng cảm nhận được đối phương không có ác ý.
"Đây đều là số mệnh, không phải lỗi của nương tử." Văn Thúy an ủi.
"Ta muốn ở một mình." Mai Cửu gập gối ngồi xuống, úp mặt vào đầu gối.
Văn Thúy đứng dậy, trước khi đi còn nhắc: "Vâng. Nương tử đừng tự trách. Theo lệ, ba đêm này phải nghỉ tại Thính Tùng viện, sáng mai làm lễ bái sư, ngày mốt vào từ đường tế tổ. Đến giờ cơm tối nô tỳ sẽ đến gọi nương tử."
"Ừm." Mai Cửu khẽ đáp.
Văn Thúy vừa đi khỏi, Mai Cửu buồn bã nói: "Không còn cách nào để cứu vãn sao?"
An Cửu đáp: "Đã nói rồi, chuyện này không phải lỗi của riêng ai. Cứu vãn gì chứ? Với tính phong lưu trác táng của hắn, sớm muộn cũng vướng vào nữ nhân, nói trước cho biết cũng tốt. Huống hồ, cô tưởng được vào tộc phả Mai thị là chuyện tốt sao? Tôi thấy chưa chắc."
Mai Cửu biến sắc: "Khi nãy cô nói 'đầy sơ hở', không phải ý nói Văn Thúy đang nói dối sao? Vậy lời nguyền..."
"Nếu Mai thị thật sự bị nguyền rủa, vì muốn giữ hương hỏa, chỉ cần cho con trai luyện võ là đủ. Dù sao con gái rồi cũng xuất giá, gả đi là bình an vô sự. Vậy mà Mai thị lại giữ lại những nữ nhi có tư chất tốt! Vì sao vậy?" An Cửu hỏi.
Mai Cửu trầm ngâm một lúc, thở dài: "Phải, quả thật kỳ lạ! Tôi cũng không hiểu nổi."
"Tạm thời tôi chỉ nghĩ ra một đáp án." An Cửu dựa vào những thông tin mấy ngày qua mà suy đoán: "Đó là, Mai thị bắt con cháu luyện võ chỉ có thể giảm bớt tỷ lệ chết yểu, chứ không thể tránh hoàn toàn. Vì số người chết quá nhiều, nếu không giữ con gái lại, e rằng dòng tộc sẽ điêu tàn!"
Cho nên một gia tộc lớn như vậy mà chủ nhân chỉ có hơn sáu mươi người, chưa biết có tính cả những người ở rể hay không! Vì thế Mai Yên Nhiên mới đưa Mai Cửu bỏ trốn! Và cũng vì vậy mà thái độ của Mai Yên Nhiên khi về nhà mới bất thường đến vậy!
Về chuyện đêm đó, vì sao đám người áo đen lại truy sát Mai Cửu, An Cửu vẫn chưa nghĩ ra.
Mai Cửu há hốc miệng, lòng đầy kinh hãi. Ở Mai Hoa trang mọi thứ đều bình thường, không đáng sợ như An Cửu nói, nhưng nàng không tìm được lý do để phản bác, và trong thâm tâm lại tin lời An Cửu.
"Không tin thì giờ cô đi tìm mẹ cô mà xem." An Cửu nói.
"Vì sao?" Mai Cửu hỏi.
"Nếu tôi đoán không nhầm, thì mẹ cô chắc chắn phản đối việc cô vào tộc phả, nên đã bị giam lỏng rồi. Bằng không, chuyện lớn thế này, sao bà ấy lại không xuất hiện?"
"Mấy ngày nay tôi vẫn dùng bữa cùng bà..." Mai Cửu trải qua quá nhiều chuyện, tự lo còn chưa xong, nào có tâm trí nghĩ đến chuyện khác. Vả lại, Mai Yên Nhiên vốn là người nói ít làm nhiều, tình cảm hai mẹ con tuy sâu đậm nhưng ít khi tâm sự.
An Cửu thờ ơ: "Vậy thì thử xem?"
Mai Cửu ngẫm một lúc, rồi xuống giường, chỉnh trang đôi chút rồi gọi Văn Thúy vào.
"Đưa ta đi thăm mẫu thân." Mai Cửu nhìn thẳng vào mắt nàng ta.
Văn Thúy vẫn giữ nguyên nét mặt như thường lệ, nụ cười vẫn dịu dàng thân thiện: "Yên nương tử đang trò chuyện ở chỗ lão phu nhân, có lẽ sẽ dùng luôn bữa tối ở đó."
"Ta thật sự rất muốn gặp người." Mai Cửu kiên quyết.
"Giờ còn sớm, đi Tị Hương Cư chắc còn kịp." Văn Thúy không từ chối. "Để nô tỳ sai người xem bến đò còn thuyền không, rồi báo trước với lão phu nhân một tiếng, kẻo kinh động đến người."
"Được." Mai Cửu đáp.
"Cô thấy sao? Tôi cảnh cáo cô, lòng kiên nhẫn với kẻ ngốc của tôi có hạn, đừng cứ thử thách mãi!" An Cửu cảnh báo.
Mai Cửu lặng lẽ lắc đầu: "Đến chỗ bà nội, nha hoàn tỳ nữ đông đúc, e là khó nói chuyện riêng được với mẫu thân."
"Thế mới phải chứ." An Cửu tạm hài lòng. "Ừm, rốt cuộc cũng tiến bộ từ ngốc nghếch lên đần độn rồi, tuy nhìn chẳng khác gì mấy nhưng tôi thấy cô có cố gắng, cũng nên khen ngợi."
Mai Cửu nói: "Đừng bảo đó là lời khen đấy nhé."
An Cửu đáp: "Rõ ràng thế còn gì, cô không nghe ra sao?"
"Tùy cô." Mai Cửu không còn tâm trạng đấu khẩu. Nàng tưởng về nhà là mọi chuyện sẽ yên ổn, nào ngờ Mai phủ chỗ nào cũng kỳ lạ, lại còn có cả lời nguyền đáng sợ! Mai Cửu thật sự chỉ muốn gặp mẹ, mà không phải để kiểm chứng lời nói của An Cửu.
"Cô còn mẹ, mà sao lại bị bán vào thanh lâu vậy?" An Cửu nhân cơ hội hỏi.
Mai Cửu dường như cố tình tránh né ký ức này, nên cho dù An Cửu tìm kiếm thế nào cũng không nhìn thấy được. Trước đây Mai Cửu vừa sợ vừa đề phòng cô, nói một câu là tiểu cô nương này đã sợ chết khiếp, huống chi là hỏi thăm.