Chương 17: Chương 17

Chừng một phút sau có tiếng người trong cửa sổ mà không thấy thò đầu ra ngoài nói:

- Làm cái gì thế? Ai đấy?

Tôi trả lời:

- Cháu đây

- Cháu là ai?

- Thưa ông, cháu là George Jackson

- Muốn gì?

- Cháu chẳng muốn gì cả, ông ạ. Cháu chỉ muốn đi qua, nhưng mấy con chó này không để cháu đi.

- Đêm hôm thế này, mò mẫm ở đây làm gì thế?

- Thưa ông, cháu không có mò mẫm gì đâu. Cháu ở trên tàu thủy vừa bị ngã xuống sông đây mà.

- Ô, thật thế ư? Có ai thắp cái đèn lên tí nào. Anh bảo tên anh là gì nhỉ?

- George Jackson, ông ạ. Cháu chỉ là một cậu bé thôi.

- Này, cứ nói thật đi, không việc gì mà sợ. Không ai đánh đâu. Nhưng mà đừng có nhúc nhích. ở đâu đứng yên đấy. Bod, Tom, có đứa nào dậy đem cái súng ra đây. George Jackson có ai đi cùng với mày nữa không?

- Không ạ, không có ai cả

Tôi nghe tiếng người lục sục trong nhà, rồi thấy có ánh sáng bật lên. Tiếng người khi nãy nói:

- Cho lui cái đèn ra xa kia, Betsy, sao mà ngốc thế, không biết gì cả. Để cái đèn ở trên sàn, ngay sau cửa ra vào ấy. Bod, Tom chúng mày đã sẵn sàng cả chưa, ngồi vào chỗ.

- Sẵn sàng cả

- Nào, George Jackson, mày có biết họ nhà Shepherdsons không?

- Không, ông ạ, tôi chẳng nghe nói đến cái tên đó bao giờ

- Được, có thể là mày chưa nghe nói đến, cũng có thể là nghe nói đến rồi. Thôi được, sẵn sàng cả rồi đấy. Bước lên, George Jackson. Coi chừng, không được hấp tấp, bước thật chậm. Nếu có ai đi cùng với mày thì phải để nó đứng lại, nó mà bước lên sẽ bị hắn chết. Nào tiến lên, chậm chứ. Tự tay đẩy cánh cửa ra, vừa để lách vào thôi, nghe không?

Tôi không hấp tấp bước lên, mà có muốn cũng không được. Mỗi lần chỉ bước vào một bước chậm và không có tiếng đông nào, chỉ nghe thấy tim tôi đập. Lũ chó cũng im lặng như bọn người, chúng nó theo sau cách tôi một tí. Bước đến bực cửa, tôi nghe tiếng mở khoá, nhấc cái thang chắn cửa ra và rút then cài. Tôi đặt tay lên cửa, nhẹ đẩy một tí, một tí một. Rồi có tiếng nói:

- Thế thôi, được rồi, thò đầu vào. Tôi đưa đầu vào, nhưng trong bụng vẫn lo, sợ họ chặt mất đầu.

Ngọn nến để trên sàn nhà, và họ đã đứng cả quanh đó. Họ nhìn tôi, tôi cũng nhìn họ đến gần nửa phút: ba người to lớn cầm súng trong tay lăm lăm chĩa vào tôi, làm tôi rợn cả người, thật đấy. Người nhiều tuổi nhất, tóc đã hơi bạc, chạc độ sáu mươ; người thứ hai quãng ba mươi hay hơn, cả hai đều trông đẹp, chững chạc. Và một người đàn bà đứng tuổi, tóc hoa râm, khuôn mặt nhỏ nhắn. Đứng sau người đàn bà là hai thiếu phụ còn trẻ mà tôi nhìn không được rõ lắm. Người đàn ông cao tuổi nói:

- Thế, được rồi. Bước vào đi

Tôi vừa bước vào thì người đó đã khoá tịt ngay cửa lại, cài then chặn cả thang ngang, rồi bảo người đàn ông trẻ mang súng đến. Cả bọn bước vào phòng bên có trải một cái thảm mới, rồi chụm lại một góc gần cửa sổ thông ra đường, không còn ai đứng lại đó nữa. Rồi họ cầm cây nên lên, nhìn tôi thậy kỹ và nói:

- ồ, nó không phải là Shepherdsons. Nó chẳng có vẻ gì là Shepherdsons cả.

Rồi người nhiều tuổi bảo tôi đừng ngại để cho họ lục soát xem có vũ khí gì không đã - vì không phải là có ý gì hại tôi đâu, mà chỉ là để cho chắc chắn đó thôi. Lão ta không thọc tay vào túi tôi mà chỉ lần lần ở bên ngoài thôi, rồi bảo: được rồi. Lão bảo tôi bây giờ cứ tự nhiên như ở nhà, với lại nói đủ các thứ về tôi nữa. Nhưng người đàn bà đứng tuổi nói:

- Chết chửa, này ông Saul, thằng bé ướt đẫm cả người thế này. Mà có lẽ nó cũng còn đói nữa chứ?

- ừ, phải đấy, Rachel ạ, tôi quên mất.

Người đàn bà nói:

- Betsy (đây là một người đàn bà da đen), chạy đi kiếm cái gì cho nó ăn, khổ tội nghiệp cậu bé, còn một cô đi gọi Buck dậy, bảo nó, à thôi, nó đây rồi. Buck, đem cậu bé này đi cởi quần áo ướt ra và lấy đồ nào khô của mày ra mặc vào cho nó.

Trông Buck cũng trạc tuổi tôi, mười ba hay mười bốn gì đó, tuy hắn hơi to lớn hơn tôi một chút. Nó chỉ mặc mỗi cái áo sơ mi, và đầu tóc thì rất bẩn. Nó bước đến. miệng ngáp và lấy ngón tay dụi mắt, còn tay kia kéo lê khẩu súng. Nó hỏi:

- Không có bọn Shepherdsons ngoài đó chứ?

Cả đám người nói:

- Không, báo động giả đấy thôi

Nó nói:

- Tưởng nếu có bọn ấy thì tôi đã vớ được một đứa

Cả bọn cười. Bod nói:

- Này, Buck, nhưng mà mày đến chậm quá, có thểe chúng nó chụp hết cả bọn mình đấy.

- Sau tối không còn ai nữa ư? Như thế không được. Bao giờ tôi cũng bị tụt lại thế này, chả được thấy gì cả.

Yên trí, Buck con ơi - Lão kia nói. Rồi mày sẽ tha hồ, đừng lo. Thôi cứ đi đi, làm theo mẹ mày bảo đi đã

Chúng tôi lên gác, vào buồng với thằng Buck, nó đưa quần áo cho tôi mặc vào. Mặc xong, nó hỏi tên tôi là gì, tôi chưa nói thì nó đã chỉ cho tôi xem một con sáo sậu với một con thỏ nó vừa mới bắt được trong rừng hôm kia, rồi nói hỏi tôi rằng cái lúc tắt nến thì Moses ở đâu.

Tôi bảo tôi không biết và cũng chưa nghe nói cái đó bao giờ. Nó bảo:

- Thế mày thử đoán xem

Tôi trả lời:

- Tao làm thế nào mà đoán được, vì tao đã nghe nói bao giờ đâu

- Nhưng mày có thể đoán được chứ, dễ lắm

Tôi hỏi:

- Cây nến nào? Tao không biết nó ở đâu cả. ở đâu?

- Ô hay, trong chỗ tôi ấy chứ ở đâu

- à, nếu mày biết là ở đâu rồi thì còn phải hỏi tao làm gì nữa?

- Mẹ kiếp, đó là một câu đố, mày không thấy à? Này, mày định ở lại đây bao lâu? Mày phải ở đây mãi nhé. Chúng mình tha hồ đi săn bắn, bây giờ không phải đi học nữa. Mày có con chó nào không? Tao có một con chó, đưa nó ra ngoài sông, nếu tao ném cái gì ra sông thì nó sẽ bơi ra nhặt về được. Mày có thích đi sục sạo ngày chủ nhật không? Và chạy lung tung chơi các thứ như vậy không? Chắc mày không thích hả, nhưng tao thích lắm. Mày mặc luôn cả những cái này vào nữa đi. Có lẽ tao cũng mặc thêm vào nữa. Nhưng thôi, nóng quá. Xong chưa? Được rồi, thôi đi đi ông bạn.

Bánh mì nguội, thịt bò cũng nguội. Rồi bơ, bánh sữa. Họ đã chuẩn bị sẵn cho tôi những thứ đó. Và như vậy còn tốt hơn những cái tôi đã được ăn từ trước đến nay nhiều lắm. Buck, và mẹ nó, và cả nhà đều hút thuốc bằng những cái tẩu con, trừ có người đàn bà da đen lúc nãy với hai thiếu phụ. Cả nhà vừa hút vừa nói chuyện. Tôi cũng vừa ăn vừa nói. Hai thiếu phụ ngồi giữa đống cuộn sợi, tóc xoã xuống sau lưng. Người nào cũng hỏi chuyện tôi. Tôi kể lại nào là bố tôi với gia đình sống ở một cái trang trại nhỏ ở tít đằng cuối vùng Arkansaw. Chị tôi là Mary Ann bỏ đi lấy chồng và không biết tin tức gì nữa. Rồi Bill lại đi tìm hai vợ chồng chị tôi cũng không tin gì về. Còn Tom và Mort thì chết rồi; về sau cả nhà chỉ còn có bố tôi với tôi, mà bố tôi thì rồi khó khăn sa sút chẳng còn gì; vì thế sau khi bố tôi chết, tôi nhặt nhạnh mấy thứ để lại mà đi. Vì cái trại đó không phải là của nhà chúng tôi nên mới bỏ ra ngoài sông đáp tàu thuỷ, chẳng may thế nào đi đường tôi bị rớt xuống sông thành ra mới mò tới đây. Họ bảo tôi cứ coi đây như ở nhà và muốn ở lại đến bao giờ cũng được. Lúc đó đã gần sáng, mọi người đi ngủ cả, tôi cũng đi ngủ với Buck, lúc tỉnh dậy đã muộn, và tôi quên khuấy đi mất tên mình là gì, thế có chết không chứ. Tôi nằm đó đến một giờ đồng hồ, cố nghĩ lại xem. Lúc Buck thức dậy tôi hỏi:

- Buck, mày có đánh vần được không?

- Được, nó đáp

- Tao chắc mày không đánh vần nổi tên tao đâu, tôi nói thế. Nó trả lời:

- Tao bảo cái gì mày dám làm thì tao cũng làm được

- ừ, thế mày thử đánh vần đi tao xem nào

- G-e-o-r-g-e. J-a-c-k-s-o-n, đó mày xem

- Khá lắm, đúng đấy. Tao cứ tưởng mày không đánh vần được. Cái tên ấy cũng không đến nỗi lủng củng khó đánh vần cho lắm, có thể đọc được ngay không cần phải nghĩ ngợi.

Tôi nhớ kỹ trong bụng, để nhỡ chốc nữa có ai bảo tôi đánh vần thì tôi cũng có thể nói ngay được nhanh chóng, ra vẻ như tôi đã quen với tên mình lắm.

Đây là một gia đình khá tốt bụng. Và cái nhà này cũng hết sức là xinh xắn nữa. Tôi chưa thấy cái nhà nào ở vùng này xinh đẹp và kiểu cách như nhà này. Trên cửa ra vào không có chốt bằng sắt hay bằng gỗ buộc vào miếng dây da hoẵng, nhưng lại có cái núm bằng đồng để quay, uy nghi như những nhà ở thành phố. Trong phòng khách không kể giường ngủ cũng không để cái gì khác làm giường cả. Có rất nhiều phòng như thế ở ngoài tỉnh họ kê giường cả. Có một cái lò sưởi to, ở dưới lót gạch, và gạch ở chung quanh rất sạch sẽ, đỏ chót, vì là họ đổ nước lên đó rồi lấy gạch khác kỳ cọ đi. Có khi người ta lại sơn lên một nước sơn đỏ, thường gọi là màu nâu Tây Ban Nha, y như những căn nhà ngoài thành phố. Có những con chó to bằng đồng có thể đội được cả cột nhà. ở giữa bẹ lò sưởi có một cái đồng hồ, một bức tranh phong cảnh thành phố vẽ vào một nửa dưới miếng kính, rồi một cái khoang tròn ở giữa để làm mặt trời, sau miếng kính đồng hồ ấy có thể trông thấy quả lắc đưa đi đưa lại. Nghe cái đồng hồ đánh chuông hay lắm, thỉnh thoảng, một anh chàng lái rong nào đi ngang qua, vào lau chùi nó và điều chỉnh nó cho đúng chỗ tức thì nó đánh liền hồi một trăm năm mười tiếng cho tới khi được tháo ra. Chủ nhà chả dễ gì bán nó với bất cứ một cái giá nào đâu.

Rồi hai bên đồng hồ lại có con vẹt trông rất lạ. làm bằng một thứ gì như phấn son, sơn màu sặc sỡ.

Cạnh con vẹt bên này có một con mèo bằng sứ, còn bên kia có con chó bằng sứ; mỗi khi ấn vào đầu nó một cái thì nó kêu oé lên một tiếng, nhưng lại không há miệng ra, mà cũng chẳng tỏ ra tức giận hay vui mừng gì cả. Nó kêu ở dưới đít. Vì có hai cái quạt làm bằng lông cánh con gà rừng lắp ở phía sau. Trên bàn để giữa phòng có một cái âu bằng sứ trông thấy rất đẹp, chất đầy những táo, cam, đào, nho, trông đỏ đỏ vàng vàng và đẹp hơn những quả thường; nhưng đó không phải hoa quả thật và có thể trông thấy những chỗ đã bong lần vỏ ngoài trơ cả đất trắng ở trong ra.

Trên mặt bàn phủ một chiếc khăn trải bàn bằng vải dầu, rất đẹp, ở giữa khăn vẽ con chim ưng xanh đỏ, chung quanh sơn một đường viền. Họ bảo là chiếc khăn đó mang từ Philadelphia về. Cũng có một ít sách nữa, xếp cẩn thận ở mấy góc bàn. Một quyển là cuốn kinh thánh trong vẽ rất nhiều tranh ảnh. Một quyển là cuốn Những bước đường của Pilgrim nói về một người bỏ nhà đi mà không nói tại sao. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc cái truyện này. Những lời nói trong đó khá hay, nhưng phải cái hơi cục cằn. Một quyển khác là cuốn Hy sinh vì bạn, trong đó có rất nhiều truyện hay, thơ hay, nhưng tôi không đọc thơ. Một cuốn là Những bài diễn văn của Henry Clay, rồi một cuốn nữa là Y học trong gia đình của bác sĩ Gunn, trong đó nói về tất cả những gì ta phải làm khi trong nhà có người ốm đau hoặc chết. Rồi lại có một quyển sách về những bài hát mừng Thánh, và một lô những sách khác nữa. Lại có những chiếc ghế con rất xinh, chân đóng xoãi ra, nhưng ngồi rất vững, ở giữa mặt ghế không trũng mà cũng không sổ tụt như một cái rỗ cũ.

Họ có cả tranh treo trên tường - nhất là tranh vẽ Washingtons là Lafayettes vẽ những trận đánh nhau, vẽ cao nguyên Mary, và một bức tranh gọi là Ký bản Tuyên ngôn. Có một số bức tranh mà gọi họ là ký hoạ, trong đó vẽ hình một trong những người con gái ở gia đình này đã chết rồi, đó là cô ta tự vẽ hồi mới mười lăm tuổi. Những tranh này khác với mọi bức tranh mà trước đây tôi vẫn thường thấy - nó phần nhiều là đen hơn tranh thường. Một cái vẽ người đàn bà mặc áo đen mỏng, thắt nhỏ dưới cánh tay, với những miếng xoè ra như bắp cải ở giữa cổ tay áo, với một cái mũ chụp lên đầu có mảnh voan đen xoà xuống, với hai cổ chân trắng chung quanh quấn dây đen, đeo đôi giầy đen chỉ nhỏ bằng những lưỡi dao trổ; người đàn bà trong tranh cúi xuống buồn bã, bên một cái bia mộ ở phía bên phải, dưới một cây liễu rũ, còn tay kia thì cầm chiếc khăn trắng với một cái giỏ đan; dưới bức tranh viết rằng: Hỡi ơi, em không bao giờ còn được thấy anh nữa!. Còn một bức tranh khác thì vẽ người đàn bà trẻ tuổi, có bao nhiêu tóc chải ngược hết cả trên đỉnh đầu, rồi thắt nút ở đằng trước bằng một cái lược trông như cái lưng ghế dựa, bà ta đang khóc, mặt úp vào chiếc khăn, lại có một con chim chết nằm ngửa trên tay kia, hai chân ngổng ngược, rồi ở dưới tranh thì viết: Hỡi ơi, ta sẽ không bao giờ còn được nghe mi hót nữa! Rồi lại có một bức tranh khác vẽ một người đàn bà trẻ tuổi ngồi bên cửa sổ nhìn trăng, nước mắt chảy ròng ròng xuống má: một tay cầm bức thư mở sẵn, có dấu triện đen ở một bên bức thư, đưa chiếc khung ảnh nhỏ có một sợi dây lên miệng cắn; dưới tranh thì để là: Có phải anh ra đi chăng, hỡi anh, anh ơi rồi! Những bức tranh ấy đều đẹp cả, tôi chắc thế, nhưng hình như tôi không thích lắm. Vì hễ cứ lúc nào tôi buồn thì nó lại làm cho tôi thấy nặng nề thêm. Ai cũng lấy làm tiếc rằng cô ta chết, vì cô đang còn định vẽ rất nhiều những bức tranh như thế. Ai cũng thấy rằng cô ta đã được những gì mà mọi người mất những gì. Nhưng tôi nghĩ rằng với cái tính tình của cô ấy như thế thì cũng nên ra nghĩa địa mà nghỉ ngơi thì hơn. Khi cô ấy sắp chết, cô chỉ cầu nguyện làm sao cho cô ấy được sống đến khi nào vẽ xong bức tranh ấy thôi, thế nhưng cô ấy vẫn không sống được. Đó là bức tranh vẽ một người thiếu phụ mặc chiếc áo dài trắng, đứng bên thành cầu, sắp sửa nhảy xuống sông, tóc xoã xuống sau lưng, mặt ngước lên nhìn trăng, nước mắt tràn trề, hai tay khoanh trước ngực, lại có hai cánh tay khác giơ ra đằng trước mặt, rồi lại có hai tay khác nữa với lên gần mặt trăng - ý ở đây là để xem đôi tay nào tốt hơn thì lấy, còn những tay khác thì sẽ xoá đó. Nhưng mà như tôi đã nói ở trên, cô ấy chết trước khi có ý định dứt khoát; và bây giờ họ vẫn giữ bức tranh ấy treo trên đầu giường trong buồng cô ấy. Cứ mỗi lần đến ngày sinh nhật cô ấy thì họ lại kết hoa lên bức tranh ấy. Hồi trước còn có một cái màn phủ lên trên. Người thiếu phụ trong tranh có khuôn mặt nhỏ và xinh, nhưng vì có nhiều tay quá thành ra trông như một con nhện, tôi thấy như vậy đấy.

Người con gái này khi còn sống có một quyển sổ tay trong đó để những chiếc lá ép, và hay chép lại những câu chuyện hoặc tâm sự của người ốm, lấy ở trong tờ tạp chí Presbyterian Observer, rồi làm xuống dưới đó những bài thơ cảm hứng được tự cô ấy nghĩ ra. Thơ cũng hay đáo để. Dưới đây là bài thơ của cô ấy viết về một cậu bé tên là Stephen Dowling Bost bị ngã xuống giếng chết:

bài thơ viếng Stephen Dowling Bost đã chết.

Có phải em Stephen ốm.

Có phải em Stephen chết?

Có phải những trái tim buồn thêm nặng

Có phải những người đưa em khóc?

Không, đâu phải là số mệnh.

Của em Stephen Dowling Bost.

Dù những trái tim quanh em có nặng

Cũng không phải vì đau ốm đâu em.

Chẳng tiếng nức nở nào hàn gắn được hình em.

Chẳng có gì xoá nổi vết đau.

Cũng chẳng gì bù đắp lại tên em.

Hỡi Stephen Dowling Bost.

Mặc cho đớn đau, không phá nổi tình yêu.

Mái đầu còn nguyên mớ tóc.

Mặc cho ruột gan đau khiến em ngã xuông.

Em vẫn là Stephen Dowling Bost.

Ôi, không! Hãy nhìn bằng đôi mắt đẫm lệ.

Khi ta nghe kể chuyện về số phận em.

Hồn bay lên trên thế giới lạnh lùng.

Khi em sa chân xuống giếng.

Vớt em lên và dốc nước trong người.

Nhưng tôi thôi đã quá muộn rồi.

Hồn em đã bay về nơi nào chẳng thấy.

ở nơi nào, tốt lành, vĩ đại?

Nếu như cô Emmeline Grangerford có thể làm được những bài thơ như thế này từ lúc mới mười bốn tuổi thì không biết rồi về sau sẽ còn làm được những gì nữa. Thằng Buck nói rằng cô ấy có thể nguệch ngoạc ra một bài thơ dễ dàng như chơi. Chẳng lúc nào là cô ta không suy nghĩ. Nó bảo cô ấy hạ xuống một dòng, rồi nếu không tìm ra câu nào nữa cho hợp vần với câu nào nữa cho hợp vần với câu trên là xoá đi ngay và lập tức thả xuống một câu khác, ròi cứ thể mãi. Cô ấy phải thích riêng một cái gì, có thể viết bất cứ cái gì mình chọn mà bảo cô ta viết cũng được. Nhưng phải là thơ buồn. Mỗi lần có một người nào chết, đàn ông hay đàn bà, hay trẻ con là cô ấy viết ngay được một cái gì để viếng người chết đó trước khi cái xác lạnh ngắt. Cô ấy gọi đó là những lời ca ngợi. Hàng xóm láng giếng họ nói rằng cứ theo trật tự thì trước hết là bác sĩ, rồi đến Emmeline, mà chỉ đến cùng một lúc. Rồi cô ấy sôi nổi đưa ra một vần thơ ứng vào tên người chết, gọi là Whistler. Rồi về sau này, cô ấy thay đổi tính nết dần dần, chẳng bao giờ kêu ca, nhưng người thì cứ gầy mòn và không sống được nữa. Tội nghiệp quá, nhiều lần tôi đi, lên căn buồng còn trước kia cô ấy thường làm việc, lấy cuốn sổ tay trong đó ra xem, nhìn những bức tranh cô ấy vẽ, làm tôi cũng đâm ra buồn bã và thấy thương thương cô ấy. Tôi yêu mến cả gia đình này, cả người chết nữa, tất cả, và tôi không để xảy ra chuỵên gì. Khổ thay cho cô Emmeline khi cô còn sống làm thơ về những người chết đi thì chẳng có một ai làm bài thơ nào về cô cả. Vì thế, tôi cũng cố bóp trán nghĩ một vài câu, nhưng chẳng thế nào nghĩ ra được. Cái gia đình này gìn giữ buồng cô Emmeline rất sạch sẽ, gọn gàng, và mọi vật đều để nguyên như ý thích của cô khi còn sống và cũng không có ai đến ngủ ở đó cả. Bà mẹ cô tự mình quét dọn chăm sóc căn buồng này, mặc dầu trong nhà có nhiều người da đen hầu hạ. Bà ấy vào trong buồng này ngồi khâu và phần nhiều hay đọc kinh ở đây.

À quên, tôi đang nói chuyện về cái phòng khách. Ở đây có nhiều cửa sổ, màn cửa trắng, có hình vẽ những toà lâu đài cổ, giàn nho ở quanh tường với những đàn bò, đàn ngựa đang uống nước. Có một chiếc đàn dương cầm nhỏ đã cũ, mà trong đó tôi chắc có cả xoong chảo. Mối khi nghe các cô trong nhà hát bài Những dây liên hệ cuối cùng đã đứt hay chơi bài Trận giao chiến ở Prague thì thật là không có gì hay cho bằng. Tường chung quanh các phòng đều đắp thạch cao, hầu hết phòng nào cũng có trải thảm trên sàn nhà. Và toàn bộ cái nhà này đều quét vôi bên ngoài.

Đó là một căn nhà hai bếp. Khoảng trống giữa hai bếp nhà có mái che và lát gỗ cẩn thận. Đôi khi giữa trưa đem kê một chiếc bàn ở đó ngồi rất mát mẻ, rất thú vị. Chẳng có gì hơn thế được nữa. Và nếu trong những bữa ăn ngon nữa thì thật tuyệt, không còn gì bằng.