Đây là câu chuyện xảy ra rất lâu rồi. Chuyện qua lời kể của 1 bác về 1 ký ức ghê rợn hồi nhỏ của bác ấy. Khi bác ấy còn nhỏ thì là thời gian mà mấy đoàn cải lương với mấy gánh hát rất thịnh hành. Lúc đó cứ có đoàn hát về tỉnh diễn là người ta đổ đi coi không ngớt, hay dân quê đi bộ cả mấy cây số để xem hát. Hay họ chờ đoàn hát tới để đi coi. Ở thời đó thì không có tivi hay băng đĩa gì nên mấy gánh hát được quan tâm lắm dù là gánh nhỏ.
—–
Có lẽ bạn không tin câu chuyện của tôi. Lúc tôi kể thì chẳng ai tin tôi cả.
Tôi nhớ lúc mình hiểu biết thì lúc đó mấy đoàn hát cải lương hay mấy gánh hát tuồng chèo nổi tiếng lắm. Lúc đó mấy minh tinh cải lương rất nổi tiếng cỡ như siêu sao truyền hình bây giờ. Nhất là ở tỉnh thành mấy vùng quê thì không có ai mà không hâm mộ họ cuồng nhiệt chứ. Miền Nam thì có Cải Lương, ngoài Bắc thì là hát chèo. Thuở đó ít loại hình giải trí lắm. Có máy cassette rồi chứ toàn là nhà giàu trên thành thị mới dám sắm. Chứ còn ở quê của chúng tôi thì chẳng có gì ngoài thi thoảng có mấy gánh hát ghé. Nhiều đoàn hát ở hẳn tỉnh thành lớn, chứ còn ở vùng quê bọn tôi thì lâu lắm mới có 1 gánh hát. Họ gọi là ‘gánh hát’ bởi vì là hình thức hát dạo của 1 nhóm ca nghệ sĩ, thường bỏ các trang phục đồ diễn với kèn trống nhạc cụ vô các đòn gánh rồi gánh đi khắp nơi để diễn. Tôi nhớ từng thấy cận cảnh 1 ‘gánh hát’ tới diễn. Bọn trẻ nít ranh chúng tôi mỗi lần gánh hát tới là chạy theo coi, họ chưa diễn cũng chạy theo coi rồi. Tôi nhớ ấn tượng lắm. Cả gánh thường chừng có vỏn vẹn có chừng 6 hay 7 người gì đó thôi. Họ ngồi trong hết 1 chiếc xe lam rồi đi tới quê tôi diễn. Chỉ có đào chính là có 1 cái hòm riêng được tư trang này nọ. Diễn viên cũng chính là ông bầu, hay họ tự trang điểm với y phục. Họ diễn vài buổi là đi nơi khác. Lúc đó tôi chẳng hiểu sao tại thấy coi gánh hát hay quá mà mong họ diễn mãi, chứ sau này hiểu ra. Các gánh hát vậy thua xa đoàn hát lớn, họ chỉ diễn 1 hay 2 tuồng ruột, nên chỉ diễn vài ba chập ở 1 địa phương rồi phải sang nơi khác, vì dù sao khán giả ở đó cũng sẽ chán. Rồi cái này tôi nghe mẹ kể là đào kép cũng nhảy qua gánh khác hay bị gánh khác mời đi lắm, nhất là mấy cô đào chính. Tôi còn nhớ là hầu như gánh nào cũng có 1 hay 2 đứa trẻ nhỏ đi cùng. Nghe bảo chúng là học việc, chúng cũng lên diễn nữa. Lắm mấy chị mấy anh mê coi hát mong theo nghiệp diễn viên cải lương. Còn mấy người có dịp lên tỉnh lớn hay lên Sài Gòn thì đều phải tới coi mấy đoàn cải lương lớn rồi về kể cho bà con nghe. Nào ‘Thái Hậu Dương Vân Nga’, ‘Qua Cầu Dệt Lụa’, ‘Lưu Bình Dương Lễ’, ‘Lữ Bố Điêu Thuyền’, ‘Đời Cô Lựu’… Kể hoài không hết ấy. Lúc ấy có ai không thuộc nằm lòng ba cái tuồng tích cải lương đâu. Nhiều người sành coi cải lương còn thuộc vanh vắt lời ca tiếng hát. Rồi lắm người ghiền lặn lội mà đi xem cải lương. Tôi nhớ bà tôi với mấy cô mấy dì mê cải lương lắm. Cứ có diễn là dì út tôi trốn đi xem. Các gánh cải lương khác nhau cũng nhiều. Nhiều gánh hát đâu có dựng cảnh gì, chỉ mượn 1 nhà lớn ở quê rồi diễn hay dựng tạm 1 bức màn rồi diễn trong sân nhà nào đó rộng rãi. Lâu lâu có mấy gánh hát chỉ có 2 hay 3 người luôn đó. Chủ yếu là mấy diễn viên đã qua thời, họ chỉ đi hát kiểu Đờn Ca Tài Tử. Hát ở mấy bến xe hay hát rong ở đâu đó. Vậy mới thấy diễn viên cải lương hồi đó yêu nghề và gắn bó với nghề thế nào. Mẹ tôi có bà con là 1 ni cô. Tôi nhớ bà ni cô này từng ghé nhà tôi thăm còn kể trong chùa mấy ni cô nhận giữ 1 bà từng là nghệ sĩ cải lương, đãng trí rồi chứ có nghe kèn trống gì là bà sẽ múa theo điệu còn làm động tác của tuồng ‘Mộc Quế Anh Đại Phá Thiên Môn Trận’, ánh mắt thần thái gì như xưa. Tôi nghe nghệ sĩ cải lương vậy theo nghiệp diễn từ nhỏ, nên phải nói họ ‘sống chết với nghề’ ấy.
Có một hôm lại nghe có gánh hát sắp tới quê tôi diễn. Như mọi lần làng trên xóm dưới nhộn nhịp hẳn. Huyện tôi là huyện Cần Giờ, thời điểm đó hiếm khi có gánh hát ghé, mà có ghé xuống cũng là gánh nhỏ. Chứ ở Đồng Nai, hay Nhà Bè thì có nhiều gánh hát hay ghé. Thế là ai cũng bàn nhau là đi coi, rồi bàn coi họ diễn vở gì, có đào kép nào nổi tiếng. Ông xã trưởng là cây ghiền cải lương số 1 đã cất công tới Nhà Bè để coi trước rồi đặt trước với ông bầu. Hầu như lần nào cũng phải như thế, gánh hát phải chắc là có đông người xem đủ vốn thì họ mới ghé. Lần này ông về báo làm ai cũng vui mừng. Ông xã trưởng còn bảo là gánh hát nổi tiếng, có cái cô đào đóng Thúy Kiều với Điêu Thuyền của đoàn lớn hẳn hoi. Nghe tên gánh nhiều người sành trầm trồ lắm. Thế mà chờ hoài cả tháng chưa thấy gì. Ông xã trưởng tức quá lên hắn Nhà Bè. Rồi về ổng bảo người trên ấy bảo cái gánh hát đó đi lâu rồi, nghe bảo phải ghé Cần Giuộc diễn rồi theo kế hoạch là tới huyện Cần Giờ diễn như đã hứa với ông, họ còn hỏi lại là bộ gánh hát đó chưa tới Cần Giờ sao. Ông còn ghé qua Cần Giuộc rồi hỏi dò, thì người ở đó bảo chẳng biết, gánh hát có đến nhưng diễn xong là đi rồi, họ chẳng bảo đi đâu. Ông về kể rồi ai cũng nghĩ là gánh hát đó xù bên huyện chúng tôi rồi, hay có tỉnh nào huyện nào tới mời họ đi là họ tới đó diễn, dám sang Vũng Tàu diễn lắm.
Thế là ai cũng quên hẳn việc đó cho tới 1 hôm. Có thằng con hơi khùng khùng của bác Ba câu tôm chạy tới reo chỉ ra nói: “Gánh hát tới rồi kìa… gánh hát tới, vui quá xá là vui. Đi xem hát thôi bà con ơi.”
Làng trên xóm dưới chạy đi coi mà chẳng thấy gì. Bác Ba câu tôm về còn tán đầu thằng con bảo: “Nói nhảm không mày. Hôm nay tao với mày đi câu tôm mà. Sáu Nghĩa quắt tao đi làm ly rượu đế do lão bắt được con lươn đem um rồi nhậu. Tao kêu mày cột ghe vô đàng hoàng rồi lấy rổ tôm về. Nhậu xong tao ra thì thấy mày đâu mất, ghe thì giữa sông, phải kêu cha Sáu Nghĩa kéo ghe về.”
Thằng khùng con bác đó rống lên mặt đỏ tức giận còn la lối: “Bảo tía là gánh hát bảo đi nhờ cái ghe của tía mà. Sắp tới rồi, gánh hát tới rồi. Họ bảo không đủ người diễn… sẽ tìm thêm đó. Hai người khác không chịu đi chung nữa. Phải 7 người mới diễn được Kim Vân Kiều.”
Lúc đó chẳng ai bận tâm vụ đó, nghĩ là lời khùng điên của thằng con bác Ba. Cho tới lúc chúng tôi, mấy đứa con nít thấy gánh hát đó trước. Lúc đó chúng tôi không biết mình đã thấy gì cả. Tụi con nít chúng tôi trong xã hết thẩy gồm 9 đứa thôi. Có chị Phượng con nhà chú Sinh là đứa lớn nhất coi bọn tôi, lớn hơn tôi 2 tuổi. Chị Phượng mê cực cải lương. Hôm đó chúng tôi đi tắm sông. Con nít quê chúng tôi thì chơi rong cả ngày chứ huyện của chúng tôi là vùng sông nước, rừng ngập mặn. Nên lúc nào bố mẹ cũng dặn chơi cẩn thận rồi kêu đứa lớn giữ đứa nhỏ cho đàng hoàng. Bọn tôi có cái tật là đi học về chạy cả ra sông tắm. Nói là sông chứ chỉ là cái mươn từ ao dẫn ra, rồi chạy trên đường mươn lội. Nước đục ngầu chứ chẳng trong còn mùi phèn chứ chúng tôi thì chơi nghịch nước cho vui thôi. Tôi nhớ lúc đó có chị Phượng và 1 đứa bảo nghe có tiếng đờn tiếng ca rồi. Bọn khác như tôi thì chẳng nghe gì ráo. Cứ nghĩ chắc là có người hát Đờn Ca Tài Tử trên chuyến phà phía xa rồi hướng gió nên có đứa nghe thấy thôi. Chúng tôi tính tắm sông nghịch nước cả buổi nhưng lúc đó là trưa nắng gắt nóng lắm. Mới chạy xuống cỡi đồ rồi ngâm chân 1 chút là mấy người lớn đi ngang qua bắt chúng tôi về, do trời nắng chang chang chúng tôi đi học về mà đi tắm ngay thì thể nào cũng cảm sốt, nhiều đứa bị thế rồi. Thế là bị bắt về học bài hay phụ giúp gia đình. Lũ con nít chúng tôi thì 1 ngày học bài xong làm chút việc nhà xong cũng chạy đi chơi thôi. Hôm đó là gần cận ngày Trung Thu, nên đủ thứ cái chơi, con nít lúc nào cũng háo hức, trước đó chuẩn bị lồng đèn rồi đem khoe nhau. Tôi nhớ năm đó đến cận ngày rồi mà bố mẹ chưa mua cho tôi lồng đèn nữa, trong khi đứa nào cũng có lồng đèn rồi. Chả là năm đó nhà tôi làm bánh Trung Thu để đem bán. Để cho tôi phụ họ làm thì mẹ tôi bắt là làm xong hết rồi mới thưởng cho tôi cái đèn lồng. Trưa đó về là tôi phải cặm cụi cắt giấy kính trong để gói bánh dẻo vô. Đến tận chiều mới xong mẹ tôi mới đưa cho tôi mấy ngàn đồng để tôi chạy ra chợ mua đèn lồng. Lúc đó đèn lồng Trung Thu cực kỳ nhiều, cứ trung thu thì ngoài chợ mấy hàng tạp phẩm hay cả chỗ bán vải chỗ bán bút viết sách vở cũng chưng đèn lồng để bán. Đủ thứ chủng loại kiểu dáng. Chọn 1 cái đèn ông sao giấy màu đỏ xong tôi chạy ra ngoài tìm tụi con nít khác chơi. Lúc đó có vài nhà cấm con chơi tối, nên chạy ra chơi tối cũng chỉ có 4 đứa.
Thế là 4 đứa chúng tôi chạy chơi lồng đèn với nhau. Thường chơi tối cùng lắm đến 7 giờ tối thôi. Vùng sông nước của chúng tôi lúc đó chưa có đèn đóm gì nhiều. 7 giờ là trời tối mịt. Chơi đến 7 giờ rồi cả đám định về nhưng lúc đó con bé Hoa mới 3 tuổi rưỡi chẳng thấy đâu cả. Bọn tôi bèn đi tìm. Con nít đi chơi với nhau thì lắm lúc đứa này chẳng thấy đâu đứa kia chẳng thấy đâu nên bọn tôi lúc đó không hoảng sợ hay đi kêu người lớn gì chỉ chạy đi tìm con Hoa. Hoa là chạy theo anh nó thằng Phát chơi, ba mẹ Phát bắt nó giữ em. Bọn tôi nghe tiếng khóc của Hoa. Chẳng ngờ là nó đi xa thế. Hoa nó đi còn chập chững, mới học phát âm nhiều từ nó còn chưa biết. Chị Hương hết cả hồn vì tiếng khóc từ chỗ bờ kè. Chỗ có 1 cây cầu gỗ trẹt ở dưới là đường nước mươn, nhìn ra là chỗ ươm cây giống ngập nước tới mắc cá. Hồi chưa có cầu gỗ thì dân lội xuống đi qua lại. Chúng tôi theo tiếng Hoa khóc chạy tới. Thấy nó đứng ngay trên bờ kè chỉ ra khóc quá chừng. Thằng Phát thì tới la nó, nghĩ do Hoa làm cháy cái đèn lồng nên đứng khóc.
“Anh ơi.. gánh hát… có gánh hát.. gánh.. có bà… có cô…”-Hoa khóc nấc đứt quảng vừa chỉ ra chỗ gieo mạ vừa nói.
Chúng tôi theo hướng Hoa chỉ dòm ra chỗ ươm cây… Thấy có mấy cái bóng đang lội nước thiệt. Trăng khá sáng nên chúng tôi nhìn được ra mấy cái bóng còn vác đòn gánh, trong như vác cái rương đòn gánh của gánh hát.
“Hay quá, gánh hát tới rồi kìa. Có gánh hát tới thiệt. Gánh hát ơi… Mấy cô chú.”-Chị Hương mừng rỡ nói to. Còn chạy ra giơ tay làm loa để gọi họ.
Bọn tôi còn đếm coi có bao nhiêu người. Có 5 bóng người thôi. Vậy là biết diễn 1 hay 2 vở gì đó hay kiểu diễn trích đoạn với như Đờn Ca Tài Tử họ xướng thêm vài bài, nhưng lúc đó đứa nào cũng ham thích.
“Có phải là gánh hát ông xã trưởng mời đã tới không?”-Thằng Phát hào hứng nói.
Tôi mới ồ lên nói: “Giờ mới tới.”
Chị Phượng mừng như giờ còn chạy hẳn ra kêu họ to rõ 1 lần nữa. Lần này thì họ dừng lại rồi, xong họ đổi hướng lội nước về phía chúng tôi. Hoa nó khóc thét lên. Họ còn ở xa chứ tôi thấy rõ cách họ di chuyển đang lội nước bì bõm lại. Hoa hết khóc nó nín bặt nó không phát ra âm thanh nào nữa nó ôm sát tôi và Phát, tôi thấy tay nó bám vào chân mình báu mình đau điếng. Tôi chẳng nhớ lúc đó sao mà mình thấy rõ vậy hay do tôi cầm đèn lồng soi lên qua lớp giấy màu đỏ thấy được. Thấy bắt đầu có gì lạ thường kỳ quái rồi. Họ đều khom lưng, đầu gục xuống. Nhìn như ướt sũng vậy. Họ còn mặc trang phục diễn, thấy rõ cái mão với tóc giả lệch 1 bên của đào kép. Trông họ như trương phình lên. Họ đang lội nước tới. Tôi sợ quá hét lên rồi chỉ nhớ là mình bế Hoa lên rồi nắm lấy tay Phát chạy. Tôi chạy quá chừng vừa chạy vừa hét. Chạy tới đường thì có 1 nhóm người đi ăn giỗ ở xã kia về. Họ mới hỏi đầu đuôi. Tôi lúc đó miệng mồn ú ớ tá hỏa tâm tinh cứ chỉ về phía kia mà lấp bấp chẳng nói được gì. Phát thì chẳng thấy gì, nó còn dùng dằn bảo tự dưng tôi chơi kỳ, kéo nó chạy. Hoa thì khóc quá chừng đòi mẹ. Mấy người đó dẫn bọn tôi về nhà. Tôi lúc đó sợ đến hoảng loạn đến chẳng nhớ gì, không chú ý là chị Phượng không chạy theo cùng mình. Tôi sợ quá nên trùm mền ở nhà, hôm sau còn không đi học. Con nít hay viện cớ trốn học hay thi thoảng sáng giở chứng không chịu đi học, nên bố mẹ tôi chẳng để tâm, bố quất vô mềm vài roi la rồi thôi. Tôi thì không để ý chỉ sợ hãi mấy hình ảnh tôi trông thấy đó. Hôm đó dì Phượng mới tới hỏi chị Phượng đâu. Mẹ chị Phượng mất sớm, bố đi làm ăn xa nên để chị ở quê thôi, trong xóm lắm bà con nên bà nội thì nghĩ chỉ sang bên dì ăn cơm rồi ngủ ở đó luôn. Xong mà sáng chẳng thấy chỉ thì mới đi tìm. Tôi còn sợ hơn nên khóc la bảo không biết kêu họ ra bờ kè. Họ ra tìm cả buổi rồi về bảo chẳng thấy, có ông mang cái đèn lồng cháy về nhà tôi. Tôi mới nhớ là lúc đó mình quẳng đèn bỏ chạy. Cái đèn ngoài bị cháy còn đầy bùn hôi rình. Cứ như đang cháy thì có nước bùn tạt lên tắt ngắm vậy. Tôi hãi đến tắt thở luôn. Họ cũng tới tìm Phát hỏi. Phát thì chẳng thấy gì nên nó cười bảo: “Chắc chị Phượng đi theo gánh hát rồi.”
Sau rồi chuyện rơi vào quên lãng. Mấy người trong huyện cũng tin là chị Phượng theo gánh hát. Ông xã trưởng thì liên kết mọi việc còn tức hơn bảo: “Gánh hát đó bảo đảm xù ông mà. Chắc diễn ở đâu rồi, mà lỡ hứa với huyện ta nên lén lén lút lút đi qua đây rồi sang huyện khác như Phú Mỹ.”
Nhiều người thấy lạ nhưng chẳng có căn cớ gì nên họ cho qua. Sau đó cũng nghe có vài người bảo thấy gánh hát. Có ông Lực đi nhậu về bảo trông thấy 1 gánh hát. Lúc đó ổng nhậu say mèn đi về nằm dài ngủ ở chân cầu bảo thấy có gánh hát lội nước đi bên dưới. Tôi sợ chứ có qua nhà ông hỏi. Ông lúc đó say bét nhè ngủ gục lên gục xuống mở mắt thấy họ lội nước bên dưới với đòn gánh thôi chứ trông chẳng rõ. Nhưng ông bảo họ có 6 người. Tôi có kể cho bố mẹ nghe nhưng họ không tin gì hết còn la rầy tôi vì kể cho tụi nhỏ khác nghe chúng sợ, rồi bảo tôi cứ kể chuyện ma quỷ là chẳng đứa nào thèm chơi với tôi. Nên lúc đó tôi sợ không dám kể. Lâu lâu tôi có hay nghe có người này người kia bảo thấy gánh hát. Tầm 3 năm sau có 1 chú qua xã tôi chơi bảo tối chèo ghe thấy có mấy người gánh hát ở xa trên bờ, chú cũng hâm hở tưởng có gánh hát tới nên sẵn coi, còn bảo sao bố tôi không báo có gánh hát. Tôi hãi hùng vì nghĩ gánh hát còn quanh quẩn ở đâu đây. Khi nào như thằng khùng kia bảo cần ‘đủ người’. Họ chờ ‘đủ người’ hay sao. Tôi lớn lên cũng không còn sợ mấy chuyện ma quỷ hay quên nó luôn. Nhưng cỡ 20 năm sau thì vợ tôi, Hoa biến mất. Làng trên xóm dưới đều bảo Hoa bỏ tôi theo trai, còn mấy chuyện tôi kể là do tôi sợ bị nói bị vợ bỏ. Chẳng ai tin cả. Tôi nhớ Hoa quên bẵng hết mọi chuyện nhưng thi thoảng bảo có nghe giọng ca cải lương với tiếng đờn. Hồi sau này nhiều nhà có cassette với tivi rồi phát băng cải lương cả ngày nên đâu cũng ồn ồn tiếng cải lương, nên tôi chẳng chú ý. Có hôm tối Hoa đi thăm bà chị họ mới sinh con về rồi mất tích luôn. Tôi cũng có đi tìm gánh hát đó nhưng từ đó cũng không nghe ai nói thấy gánh hát đó nữa cả. Nên chẳng biết tìm đâu. Giờ mấy ông bạn nhậu hay rủ tôi nhậu giải sầu có hỏi thì tôi say mền chỉ cười buồn bảo ‘Chắc là cổ theo gánh hát rồi.’