Từ sáng đến chiều, địch tấn công tất cả ba lần.
Máy bay rợp trời. Một tên phi công liều lĩnh hạ phi cơ xuống độ cao hai trăm mét, thấp đến mức Phạm Tiến Dũng nhìn thấy rõ khoang chứa bom máy bay mở ra, và từng quả bom được thả xuống. Ầm vang. Bụi mù.
Dũng giương súng lên bắn. Hắn cày nát cả băng đạn chỉ trong vài giây. Vài viên đạn trúng vào thân và cánh máy bay, tạo thành những âm thanh không đáng kể. Có tia lửa đạn lóe lên lờ mờ trong không khí.
Nhưng cũng chỉ đến thế thôi. Xạ thủ bắn tỉa không phải là toàn năng.
Chiếc máy bay mang mã hiệu Fk-306 bay tà tà một vòng như để khiêu khích, trước khi vọt lên trời cao, khuất dạng sau đám mây. Kể từ lúc đó, phi công địch dường như đã lấy lại được tự tin. Chúng hạ thấp độ cao, họng súng tiêm kích bắn ra cả trăm viên đạn một phút, xuyên qua những công sự sơ sài được bộ đội dựng tạm trên đỉnh chiến lũy.
Nhiều người đã bị thương.
Một người lính bị sóng xung kích từ trái bom nổ gần đó ép đến ôm chặt người lại, máu trào ra từ miệng và tai. Anh ngã xuống, lăn xuống dưới chân chiến lũy. Một nữ du kích chạy tới đỡ lấy vai người lính trẻ, kéo anh vào hầm quân y được dựng dưới chân chiến lũy. Lại một quả bom rơi xuống, hất hai người ra xa.
Người lính đã mất đi ý thức. Những người quân y trong hầm lao ra đỡ lấy anh, nhanh chóng kéo anh vào. Họ hô hoán, gào hét đến lạc họng, kêu gọi mọi người hỗ trợ những người lính đang chiến đấu.
“Chi ơi, vào trong làng lấy thêm nước sạch ra đây.”
Từ trong hầm quân y, Loan nhìn thấy cô du kích vừa đỡ lấy anh lính đang đứng chết trân một chỗ, nhìn về phía trời xa. Loan hô hoán gọi bạn mình. Vật tư trong hầm không đủ.
Cô du kích tên Chi giật mình, sực tỉnh khỏi cơn mơ màng. Bước chân cô vội vàng chạy về phía trước. Nhưng ôi sao lạ qua, Chi không cảm thấy sức lực truyền về từ tứ chi mình nữa. Ánh sáng trước mắt cô dần mờ đục, đầu óc choáng váng, đến mức giữ thăng bằng cũng trở nên khó khăn. Lưng cô như đang đổ mồ hôi. Chi ngã xuống đất.
Một mảnh bom đã găm sâu vào gáy người thiếu nữ Hà thành dũng cảm, kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi còn đầy những ước mơ. Xa xa, một người đàn bà luống tuổi tất tả gọi con. Người đàn bà ấy chạy tới ôm Chi vào lòng, kêu gào đến giằng xé ruột gan. Máu đứa con gái ruột thịt chảy đầy tay áo vải thô nhiều mảnh vá.
Xung quanh bà, bom vẫn nổ liên hồi.
Xe tăng và đại bác địch cũng không ngừng xả đạn. Những viên đạn to bằng nắm đấm người lớn va chạm vào bức tường chiến lũy, nổ tung ra thành những mảnh nhỏ với nhiệt độ và vận tốc cao, găm loạn xạ khắp nơi.
Lại một người lính nữa bị thương.
Anh ta không lùi lại, không kêu đau. Đôi tay gân guốc nắm chặt thân súng, đôi mắt anh vẫn nhìn về phía kẻ thù.
Lại một đợt bộ binh địch lò dò lao lên. Lần này có sự yểm trợ của ba chiếc xe tăng.
“Bom xăng, tôi cần thêm bom xăng.”
“Tạo không gian cho đồng chí Dũng bắn.”
“Các đồng chí ơi, phòng tuyến phố Huế cần chi viện.”
“Tất cả nằm thấp xuống, không để cho tiêm kích địch quấy rối.”
Những tiếng hô hào át tiếng đạn bom. Trong tuyến lửa dày đặc của quân thù, những người lính Vệ quốc đoàn khi thì tản rộng ra, lúc thì co cụm lại, có khi ném bom dọa lui một tiểu đội địch đang lúi húi đằng xa, có lúc lại tập trung tiêu diệt những tên lính mũ đen đã trèo lên chiến lũy.
Phạm Tiến Dũng không nhớ mình đã bắn bao nhiêu viên đạn, tiêu diệt bao nhiêu tên giặc. Có lẽ không nhiều. Súng trường STEN xả đạn quá nhanh, nhịp điểm xạ ba viên cũng không thể làm chậm tốc độ tiêu hao đầu đạn.
Một quả bom nổ ngay sát vị trí của Dũng, làm tai hắn ù đi.
Ở phía xa, hình như những người đồng đội đang gào thét gì đó, nhưng Dũng không nghe rõ. Khẩu súng của hắn vẫn ngắm về phía trước.
Lạch cạch, hết đạn rồi. Dũng sờ vào túi áo, lách cách nạp đạn. Một viên đạn rơi ra khỏi túi, lăn lông lốc xuống sườn dốc chiến lũy, xuống dưới chân của người y tá đang hối hả chạy.
Tất cả mọi người đều hối hả.
Không có một giây phút nghỉ ngơi.
Kẻ địch cuối cùng cùng rút về phía xa. Chiếc bà già bay vè vè trên đầu không cam lòng tìm kiếm mục tiêu, nhưng hầu hết những người lính đã rời khỏi những vị trí dễ bị tấn công. Con ma ron bà già tiếc nuối bay dọc theo chiến lũy một vòng trước khi rời đi. Dũng hạ khẩu súng xuống, nuốt nước bọt. Lạn sạn, mặn đắng. Môi và miệng hắn lúc này đầy đất cát và mồ hôi.
Chỉ huy Tần đến trước mặt Dũng, nói với hắn điều gì đó. Dũng lắc đầu, ra hiệu mình không nghe thấy gì cả. Nhưng anh Tần vẫn tiếp tục nói. Ngôn ngữ ký hiệu không thông.
Một vài người đàn ông chạy đến, cười nói với Tần một điều gì đó đầy phấn khởi. Dũng nhận ra những người này. Họ đều là dân quân tự vệ từng bị ép lính đi chiến đấu với phát xít ở chiến trường Pháp. Anh Quân, người có vẻ là đội trưởng của họ, chỉ mặt Tần nói một câu gì đó sỗ sàng, sau đó lấy bàn tay đẩy nhẹ vào ngực Dũng một cái.
Phạm Tiến Dũng ngã xuống đằng sau, mặt trắng bệch, môi tím ngắt, miệng trào ra máu. Mọi người xung quanh hốt hoảng khiêng hắn lên, đưa vào trạm quân y. Quân đứng như trời trồng bên cạnh, đôi mắt anh lăm lăm nhìn vào tay mình đầy ngờ vực.
Dũng thực sự chỉ muốn chửi thề.
Xung kích bom.
Hắn nằm rất gần đợt thả bom cuối cùng. Mặc dù hầu hết mảnh bom văng ra đều bị chiến lũy và chướng ngại vật ngăn cản, nhưng về cơ bản là Dũng hứng kha khá xung kích từ những quả bom.
Tầm ba hay bốn đợt.
Do đó, dù đã sở hữu thể chất của một vận động viên Olympic chuyên nghiệp, tai và mắt Dũng vẫn ù đi, và ruột gan hắn lồng lộn lên từng cơn, đầy khó chịu.
Phạm Tiến Dũng hôn mê rồi. Tầm sáu hay bảy tiếng gì đó.
Thể chất được cải tạo tốt, tốc độ hồi phục của hắn nhanh không hợp thói thường.
Khi Dũng tỉnh dậy, bộ đội liên khu II đã đẩy lùi thêm một đợt tấn công của địch.
Rất rõ ràng, không có xạ thủ xuất sắc nhất, những người khác vẫn hoàn thành nhiệm vụ của họ.
Lau một thân mồ hôi, Phạm Tiến Dũng mò mẫm xung quanh, tìm khẩu súng của mình. Khẩu STEN nằm chình ình trên bàn y tá, bên cạnh đống băng gạc dính máu và sặc mùi thuốc.
Mùi máu tanh tràn ngập không gian hầm.
Dũng lách cách tháo khẩu súng ra kiểm tra. Súng vẫn ổn, đạn còn. Hắn lắp súng lại, bước ra khỏi cửa.
Dũng va vào Loan đang bước vào. Rất may là xô nước sạch trên tay cô không rơi xuống.
“Anh Dũng à, anh cần phải nghỉ ngơi…”
“Không sao đâu.”
“Nhưng mà…”
“Không sao đâu.”
Dũng lắc đầu, lặp lại chính xác từng từ một của cuộc đối thoại đêm hôm trước. Loan lấy tay sờ lên trán hắn để kiểm tra nhiệt độ. Không sốt. Cơ bắp ổn định, cơ thể cũng không run rẩy như những người bị sóng xung kích khác. Cô gật đầu, đưa xô nước cho hắn. Dũng nhấc xô nước lên, nhẹ nhàng mà không tốn chút lực nào. Hắn đặt nó lên bàn, ở vị trí tiện nhất cho cô chăm sóc bệnh nhân, sau đó đi ra ngoài. Cuộc nói chuyện của anh Tần và anh Quân vào buổi trưa làm Dũng tò mò.
Cuộc nói chuyện dường như có gì đó liên quan đến hắn.
Dũng tiến về nhà chỉ huy. Ở đây, rất nhiều người dân quân đã ngồi lại, tụ năm tụ ba, bàn tán sôi nổi. Hắn nhìn trong đám người thấy một người quen, là Nam.
“Anh Dũng, anh đỡ chưa. Lúc anh ngã xuống mọi người đều lo lắm đấy.”
Dũng gật đầu thay cho lời chào. Vỗ vai người sinh viên trẻ, hắn bước vào, nhìn xung quanh tìm chỉ huy Tần. Nhưng đang ngồi ở vị trí chỉ huy là một người đàn ông khác. Không thấy Tần đâu, Dũng ngó quanh, tìm câu trả lời từ Quân.
“Thằng Tần bị điều sang Liên khu I để lùng nội gian rồi. Từ chiều nay thằng Thụ của Liên khu III chuyển qua làm chỉ huy mới.”
Ngồi nhàn nhã ở một chiếc ghế gãy dựng tạm ở góc tường, Quân vừa phì phèo điếu thuốc cuối cùng, vừa vô tư nói với Dũng. Hắn gật đầu, ngồi tạm xuống một chỗ đất sạch. Hầu hết đồ nội thất, bàn ghế tủ đều được người dân gỡ ra để dựng ba ri e, dựng chiến lũy cả rồi. Chiếc ghế gãy Quân đang ngồi cũng là anh nhấc ra từ một hàng rào.
Còn nhiều đội trưởng chưa quay về nhà chỉ huy. Có vài người đang được điều trị vết thương trong phòng quân y, nhưng đa số đang hỗ trợ dân quân dựng lại những đoạn chiến lũy bị giặc bắn phá ác liệt.
Người chỉ huy, tên Thụ là một thanh niên tri thức tầm hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi. Trẻ trung, tỉnh táo, bình tĩnh, Thụ kiên nhẫn chờ tất cả các tiểu đội trưởng tập trung, rồi mới bắt đầu giới thiệu bản thân.
“Chào các đồng chí, chào các anh, các chị dân quân. Tôi tên là Thụ, Phùng Văn Thụ. Theo lệnh trực tiếp từ Tư lệnh Mặt trận Thủ đô, tôi được thay thế vị trí của cậu Quang Tần, chỉ huy mặt trận Liên khu II hỗ trợ chủ lực quân ta tại vòng vây Liên khu I.”
“Thủ trưởng không cần giới thiệu, cái đấy thằng Tần đã báo với anh em từ ngày hôm qua rồi. Anh chỉ cần nói tối nay bọn tôi đánh ở đâu, cần đánh bao nhiêu thằng là được.”
Quân cắt lời Thụ. Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, quân kỷ còn chưa chặt chẽ như đời sau, dân quân cãi nhau với bộ đội cũng không phải không xảy ra.
Thụ gật đầu, không tỏ ra tức giận. Thái độ không đúng mực của Quân mặt khác cũng giúp anh không cần giới thiệu quá nhiều về nhiệm vụ. Đặt tấm bản đồ liên khu III xuống bàn. Thụ bắt đầu phân công.
“Chỉ thị từ trung ương là các liên khu phối hợp với nhau, ‘Trong đánh ra, ngoài đánh vào’, phối hợp lực lượng Liên Khu II, III và các đội du kích ven đô, giữ vững từng khu phố chống lại các đợt càn của địch, đồng thời đánh du kích ban đêm tiêu hao sinh lực địch. Các trọng điểm của địch cần tập trung đánh phá bao gồm Kim Liên, Đội Cấn, Khâm Thiên, Hàng Bột, Phố Huế. Như vậy, đội du kích ban đêm sẽ được chia làm năm nhánh, lần lượt là tiểu đội 3, tiểu đội 7, tiểu đội 36, tiểu đội 70 và tiểu đội 102. Kế hoạch chi tiết là…”
Trong vòng nửa giờ đồng hồ, Thụ kiên nhẫn giải thích kế hoạch, mục tiêu, đường rút lui nếu bị địch tập kích. Trên gọng kính anh đã lấm tấm mồ hôi, nhưng Thụ vẫn từ tốn giải đáp thắc mắc của các anh em. Cuối cùng, Thụ chỉ nhắc lại, đêm nay là trận đánh đầu tiên của đội du kích Liên khu III, phải đánh bất ngờ, nhưng đánh hay, đánh hiệu quả, kết hợp phá hủy khí tài và tiêu hao quấy rối địch, khiến kẻ thù phải dàn trải đội hình, không thể tập trung đánh vào Liên khu I.
Cuối cùng, khi kẻng bữa tối đánh vang lên, Thụ chờ mọi người đi hết, rồi mới triệu tập Dũng, Quân và những người khác vào. Những người dân quân xuất sắc và nhanh nhẹn nhất.
“Bên cạnh năm trọng điểm vừa nêu lúc chiều, còn một khu vực ta cần phá được bằng mọi giá. Đó là Giảng Võ, nút thắt chiến lược cắt ngang Liên khu III. Các anh sẽ là đội chủ lực, đánh phá vào điểm nóng này ngay trong đêm nay. Mục tiêu là phá hủy càng nhiều xe cơ giới địch càng tốt.
Ngoài ra, cậu Dũng, tôi đã nghe về chiến công tiếp viện Bắc Bộ phủ của đội cướp vũ khí của cậu. Bên cạnh nhóm chủ lực, cậu chọn thêm năm người dân quân nữa, đi cướp khí tài quân sự của chúng nó về đây. Súng, đạn, lựu đạn, thuốc, cồn, vật tư có cái nào cướp về cái đấy, không lấy về được thì phải đốt sạch, ép chúng nó phải rút khỏi chốt Giảng Võ.”
Phạm Tiến Dũng gật đầu. Suy tư một giây, hắn ngẩng đầu lên nói.
“Thưa thủ trưởng, năm người không đủ đâu. Tôi cần thêm mười người mang vật tư về.”