Hai người đàn ông sững người khi nghe câu nói này. Mười-một-giờ-rưỡi đã đúng. Nhạy bén, có gu, đam mê và dũng cảm, Slawomir luôn luôn biết cách phát hiện các họa sĩ triển vọng, ký hợp đồng với họ khi không ai muốn làm như vậy rồi để họ chìm trong đói khổ vì không biết cách thuyết phục khách hàng tiềm năng, tin tưởng chắc chắn rằng bức tranh tự thân nó nói lên là đủ. Nhiều người trong số các họa sĩ này đã trở nên giàu và nổi tiếng sau khi rời bỏ Slawomir, điều đó khẳng định sự nhạy bén trong cảm nhận cũng như vô duyên trong buôn bán của ông ta.
- Được rồi, tôi mặc quần áo để đi đây, Adolf nói.
- Đừng chỉn chu quá, nhất quyết không được chỉn chu quá, Mười-một-giờ-rưỡi cười khẩy nói, đừng quên là anh là một họa sĩ bị nguyền rủa đấy.
Nàng quay lại phía lò sưởi để lấy cà phê cho Slawomir uống nhưng trước khi nàng kịp đưa thì ông ta đã ngủ mất rồi.
- Bất hạnh làm sao. Giờ này còn ngủ được! Thật đáng xấu hổ! Ông này bạ lúc nào cũng ngủ.
Người lái tranh này nổi tiếng với những vụ ngủ quên bất thình lình, ngắn và thường xuyên. Người ta còn đồn rằng có lần ông ta đã ngủ quên ngay trong lúc đang tranh luận căng thẳng với nhân viên thuế vụ.
- Tệ hơn nữa, nước bọt còn phồng lên thành bong bóng nữa!
Một dải nước dãi đang chảy ra từ đôi môi nhỏ và phồng lên vì hơi thở, dường như muốn bay lên dưới dạng một bong bóng nhỏ.
- Đúng là một hiện tượng. Cần phải làm như thế này trong một rạp xiếc. Ngay sau tiết mục của lũ voi để bọn trẻ con không quá sợ hãi.
- Tôi xong rồi, Adolf nói.
Slawomir mở mắt, hơi đỏ, nhìn quanh để xem mình đang ở đâu.
- Ông quay lại mặt đất rồi ông bạn to béo ạ, Mười-một-giờ-rưỡi nói nhỏ vào tai Slawomir, ông đã trở thành vợ thứ một trăm mười bốn của Sultan Ali Baba. Đó là người duy nhất đủ sức nuôi ông.
Nàng quay lại phía Adolf.
- Đúng vậy, một người như thế này thì phải hốc cái gì nhỉ?
Slawomir đứng dậy, giả điếc và thản nhiên, cầm tay Adolf kéo đi.
Mười-một-giờ-rưỡi chạy theo ông ta tới tận cầu thang.
- Cứ quay lại bất cứ lúc nào ông muốn, ông Slawomir ạ. Chúng ta đã đùa thật vui. Lần này, tôi đã cho ông xem ngực tôi, lần tới tôi sẽ chìa mông trái cho ông xem.
Xuống cầu thang bệ vệ như một thượng nghị sĩ, Slawomir quay lại nói với Adolf:
- Thật không? Cô ta đã cởi quần áo trước mặt tôi?
- Đúng, nhưng điều đó có quan trọng gì? Ông ngủ mà.
- Thật tình! Slawomir sốc nặng, nói. Vậy ra người ta không thể ngủ yên ở bất cứ nơi đâu. Nếu bà mẹ tội nghiệp của tôi biết điều đó...
Xúc động như thể vừa bị hãm hiếp, ông ta chấm chấm mồ hôi trên trán bằng chiếc khăn mùi soa ướt nhẹp.
Họ đi qua đoạn đường tám trăm mét đến gallery một cách khó nhọc, Slawomir phải dừng lại nhiều lần để lấy hơi. Một người đàn ông đang đợi họ ở đó.
- Đây, xin giới thiệu với ông Adolf H., Slawomir nói, như bị xuất huyết não, ngồi phịch xuống chiếc phô tơi và ngủ ngay lập tức.
Mắt xanh, tóc dài xõa sang hai bên, mặt chữ điền, mũi thẳng, khá đẹp trai, một vẻ đẹp gần như được tạc từ da thịt, người đàn ông nhìn Adolf với một sức mạnh như nam châm. Người họa sĩ trẻ nghĩ rằng ông ta phải là một trong ba vị vua đỡ đầu của Chúa hài đồng mới phải.
- Chúc mừng ông thưa ông, ông đã là người trong nhóm chúng tôi.
- Xin lỗi, tôi không hiểu, Adolf hỏi, sợ là một sự tinh tế nào đó trong tiếng Pháp đã ngăn không ình hiểu đúng câu nói.
- Ông đã là người trong nhóm chúng tôi. Ông là một nhân vật lớn. Cái lô gích thoát khỏi mọi quy ước của lý tính, sự phá cách không ổn định tuân theo những xung năng trái ngược nhất, sự đứt đoạn trong diễn ngôn mặc dù ông dùng những phương tiện hội họa cổ điển nhất, tính hiện đại hỗn hào, pha trộn giữa chủ nghĩa kinh viện và sự đoạn tuyệt bạo liệt làm nên tính tiền phong, tóm lại, tôi thừa nhận ông là một người trong nhóm chúng tôi.
Adolf choáng váng, cảm thấy như bị thôi miên bởi con mắt xanh ấy. Nhà hiền triết - chưa gì hắn đã gọi ông ta như thế - tỏa ra một tia sáng đen làm hắn run lên, giữa sự hấp dẫn cứu thế và sự cuốn hút nhục dục bản năng. Cái nhìn dường như chuyển tải những thế giới xa xăm huyền bí, trong khi môi dưới, quá to, quá cong, hé lộ một sự hấp dẫn nhục dục mạnh mẽ. Nhà hiền triết cười mà không một nét đẹp nào bị ảnh hưởng, bằng một thứ ánh sáng bên trong, như kiểu cười của một người đàn bà rất chăm chút cho sắc đẹp của mình.
- Xin lỗi, Adolf ấp úng, nhưng lúc nãy, Slawomir đã phát âm rất tồi tên ông và tôi e là...
- Tôi là André Breton, nhà hiền triết nói, người đứng đầu nhóm nghệ sĩ siêu thực. Hãy đi theo tôi.
-
*
- Thư cho ông, ông Hitler.
- Hoa cho ông, ông Hitler.
- Một giỏ hoa quả cho ông, ông Hitler.
- Có một phu nhân và một nhà báo ở phòng tiếp khách xin được gặp ông, ông Hitler.
- Người ta đã mang những quyển sách mà ông đặt đến, ông Hitler; người thủ thư sẽ đích thân mang lên cho ông.
Suốt cả ngày, những viên gác tù gõ cửa nhà giam một cách cung kính. Không còn biết để đâu cho hết những quà cáp, thư từ của những người hâm mộ ào ào gửi đến. Người ta chưa bao giờ thấy có nhiều người thăm viếng đến thế. Đám nhân viên trại giam Landsberg thầm hãnh diện được trông coi một vị khách được chúc mừng nhiều đến thế, một trung tâm thu hút giới thượng lưu; từ vài tháng nay, có người thậm chí còn ngây ngất tưởng như mình đang phục vụ trong một khách sạn sang trọng hơn là trong một nhà tù.
Người ta đã dời ngôi sao trước đó - Arco, kẻ đã ám sát thủ tướng xứ Bavaria Eisner - đi chỗ khác, để đưa Hitler vào ở trong xà lim số 7 rộng thênh thang, căn phòng đồ đạc đầy đủ nhất, phòng duy nhất nhìn ra phía ruộng đồng cây cỏ tuyệt đẹp. Mặc áo ngủ sang trọng màu trắng hay vận một chiếc quần cụt truyền thống bằng da, hắn được tự do tiếp đón những tù nhân khác, Rodolf Hess chẳng hạn, người đã vào đây cùng hắn.
Sau khi đứng im hồi lâu, hối hận vì đã không tự tử, Hitler bình tĩnh lại. Tin tốt thứ nhất là đã có mười sáu đảng viên Quốc xã chết trong cuộc đảo chính: hắn kết luận từ đó là: Định mệnh, như thường lệ, đã một lần nữa che chở cho hắn. Tin tốt thứ hai là Lenin đã chết vào tháng Giêng; hắn không chỉ hài lòng với cái chết của người Do Thái Bôn sê vich này mà còn đọc được trong đó một thông điệp tinh tế của số mệnh, giống như việc số mệnh đã cứu Frédéric Đại đế bằng cái chết của nữ hoàng Nga Elisabeth, đã cứu cơ đồ của hắn bằng cách loại bỏ một trở ngại và khẳng định với hắn, qua sự trùng hợp này, vai trò số một của hắn; tin tốt thứ ba là chính vụ xét xử: Hitler đã nói ở đó suốt nhiều tiếng đồng hồ và ra khỏi tòa án với mức án năm năm, án phạt nực cười nếu như người ta tính đến bốn cảnh sát đã chết và hàng triệu mác bị cướp khi trụ sở tờ Tin điện Munich bị phá hủy và việc bắt cóc những nhà chính trị và các ủy viên Hội đồng thành phố, một hình phạt chắc chắn sẽ được rút ngắn khi hắn cải tạo tốt.
Ở Munich, người ta không còn nghe nói đến Hitler, không còn nhìn thấy những chữ thập ngoặc trên đường phố, cũng không thấy các cuộc họp chính trị nữa; một số người thậm chí đã tin là Hitler và đảng Quốc xã đã biến mất vĩnh viễn khỏi bản đồ thế giới.
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m. Nhưng trong xà lim số 7 ở Landsberg đang diễn ra một thứ khác hẳn: Hitler hoàn tất việc sáng tạo ra Hitler.
Thâm tâm hắn luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh gã hề trong chiếc áo măng tô ký giả sợ hình ảnh khẩu súng của mình phản chiếu trong tấm gương xanh nhạt mạ crôm cũ kỹ. Hắn liên tục xóa bỏ hình ảnh đó song song với việc tạo dựng một hình ảnh của Hitler mà hắn tự hào, một Hitler không thất bại, một Hitler sẽ thành công trong cuộc tiến chiếm quyền lực mà không hề chùn tay.
Chẳng bao lâu người ta sẽ quên đi cuộc đảo chính thất bại và không rút ra được điều gì. Còn hắn, Hitler, hắn rút ra được những kinh nghiệm từ đó. Và chỉ có hắn mà thôi.
Đầu tiên, hắn quyết định phải học chữ nhẫn. Có thử thách nào gai góc hơn với một người không kiên nhẫn khi buộc mình phải kiên nhẫn? Hắn đã làm được điều đó khi sắp xếp các ý tưởng của mình theo trật tự: nếu mục tiêu là chiếm được quyền lực thì chỉ có cái đó là cái duy nhất được quyết định thời gian sẽ là bao lâu. Hắn chấp nhận ngay lập tức thời gian mà tham vọng của mình đòi hỏi.
Tiếp đó, hắn sẽ nắm quyền lực bằng con đường hợp pháp. Vì đã từng là cán bộ tuyên truyền hạng nhất, hắn sẽ tham gia vào chiến dịch tranh cử và thu hút phiếu bầu của cử tri. Các kẻ thù của hắn sẽ không ngờ tới sự ngạc nhiên khó chịu này.
Cuối cùng, hắn đang viết về cuộc đời và tư tưởng của mình, hay đúng ra là đọc cho người khác chép vì cảm hứng bạo liệt mà hắn có khi nói sẽ lại tắt ngấm ngay khi hắn ngồi một mình trước trang giấy trắng. Hắn đặt tên cho quyển sách là Cuộc chiến đấu của tôi, hắn khoái trá khám phá trong đó con đường của hắn mạch lạc đến mức nào và làm thế nào mà con đường ấy không có cách nào khác sẽ đưa hắn thành con người vĩ đại mà nước Đức đang chờ đợi. Chính hắn cũng ngạc nhiên về điều đó.
“Một sự tiền định may mắn cho tôi sinh ra ở Braunau am Inn, một thị trấn nằm chính xác ở biên giới giữa hai quốc gia của người Đức mà sự tái hợp nhất là bổn phận chính yếu của đời chúng ta, một sự nghiệp phải theo đuổi bằng bất cứ phương tiện nào.” Hắn ngây ngất khi thấy cuộc đời mình ngay lập tức đã có dáng vẻ của một truyền thuyết, báo hiệu ngay từ ngày đầu tiên sự hợp nhất giữa nước Đức và nước Áo mà hắn xếp vào trong chương trình hành động của mình. Trên thực tế, hắn không kể lại đời mình như vốn có mà như nó cần phải có. Hắn không ngần ngại xóa mờ những điều không phù hợp với một vị lãnh tụ của nước Đức, cũng như không ngần ngại thêm vào những chi tiết còn thiếu. Vì thế, về chuyện học hành, không phải hắn bị trượt mà đã chủ động bỏ vì thấy mình phải thực hiện những trọng trách cốt yếu hơn. Hắn bỏ qua sự hung bạo của người cha, chỉ ghi lại việc ông ta phản bác việc hắn muốn trở thành nghệ sĩ, chủ yếu là để nhấn mạnh ý chí mạnh mẽ của nhà lãnh tụ ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Hắn biến những năm tháng dài sống trong các nhà tế bần và nhà cứu trợ cho người nghèo thành cuộc sống lang bạt của một chàng sinh viên. Hắn giải thích sự thất bại của mình trong việc trở thành họa sĩ bằng cách gán ình có khiếu kiến trúc sư hơn là một họa sĩ. Hắn khai man ngày tháng cốt khỏi để lộ rằng hắn đã tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự. Hắn nói rằng từ thời còn rất trẻ đã có quan điểm bài Do Thái - trong khi trên thực tế là mới đây - và ý thức trí tuệ sâu sắc mà hắn cho là mình đang có hiện nay trên nhiều lĩnh vực. Một thiên tài chính trị. Hắn tạc mình vào đá hoa cương. Hắn khăng khăng khẳng định rằng mình không hề thay đổi. Nếu có thể được, chắc hắn đã vẽ ình một bộ ria khi còn nằm nôi.
Trong những chương khác, ít mang tính lý lịch hơn, hắn làm rõ tư tưởng của mình. Rudolf Hess, viên thư lại tận tụy của hắn, giúp đỡ hắn trong việc này ngay cả khi Hess làm Hitler lúng túng với lối suy nghĩ kinh viện của mình.
- Ôi trời, Hess, đừng quấy rầy tôi nữa với mớ kiến thức viện dẫn của anh! Tư tưởng này là của ai, không quan trọng! Tư tưởng thì phải hoặc là tốt, hoặc là xấu, thế thôi. Tôi không biết khái niệm về chủng tộc mình lấy của Chamberlain, Go.. Go gì ấy nhỉ?
- Gobineau.
- Của Gobineau hay của...
- Bôlsche.
- ... hay của Bôlsche. Dù gì thì tôi chẳng bao giờ nhớ tên các tác giả cả. Tư tưởng thì không thuộc về ai cả. Hoặc nếu có, chúng thuộc về những người suy nghĩ, làm cho chúng sống động bằng lời nói của mình và truyền đạt chúng cho người khác. Trong trường hợp này là tôi: Adolf Hitler.
Trong thời gian nghỉ ngơi bắt buộc này mà hắn gọi mỉa mai là “chuyến thực tập của tôi ở trường đại học do nhà nước trả tiền”, cuối cùng hắn đã có thời gian để nối kết những bình luận rải rác.
- Hess, anh thấy không, tôi cho là tôi đã hiểu hết về con người khi quan sát loài chó. Người ta không thể luyện cho chó Pug những phẩm chất của chó săn thỏ hay của chó xù. Huấn luyện chẳng ích gì. Tốc độ của chó săn hay khả năng nắm bắt của chó xù là cái thiên bẩm gắn liền với giống nòi. Người ta chỉ có thể chấn hưng nước Đức bằng cách coi sóc nước Đức với tâm thế của người dạy chó, có tính đến sự thuần chủng của giống. Điều này dẫn đến hai chương trình song song: chăm sóc sự tái sinh sản nội tại của giống đó, loại bỏ những yếu tố ngoại lai mà không mềm lòng bởi chủ nghĩa tình cảm vốn rất nguy hiểm. Không nên giữ lại những con người khốn khổ, tật nguyền, tàn phế hay ngu xuẩn bằng cách này hay cách khác. Với những con người như thế đang sống, cần phải khẩn cấp triệt sản. Với những con người như thế đang sắp ra đời thì cần phải loại bỏ trước khi bố mẹ chúng nhìn thấy. Tiến bộ thực thụ của ngành y sẽ là quyền lực thực sự để phân tách sức mạnh sinh tồn với sự yếu ớt ngu xuẩn, chứ không phải sự cứng đầu đáng nghi ngờ cố giữ cho sống những cá nhân làm suy thoái dòng giống. Đó là một nền y tế nhân đạo. Phần thứ hai của chương trình sẽ là loại bỏ dân Do Thái.
- Sao ạ?
- Trước tiên, cần phải gom nhốt chúng lại để tránh việc chúng tiếp tục làm suy thoái dòng máu của chúng ta. Vả lại, cần phải nhốt chung tất cả các đối tượng bị bệnh không chữa được để chúng không lây nhiễm sang những người khỏe mạnh; cần phải ngay lập tức cách ly những người bị bệnh giang mai và những người bệnh lao. Tôi tán đồng việc cách ly không thương tiếc những kẻ bị bệnh không chữa được.
- Gom nhốt bọn Do Thái. Sau đó thì sao ạ?
- Tống cổ chúng khỏi lãnh thổ Đức.
- Sau đó?
- Tôi biết là mình có vẻ thái quá nhưng cần phải dùng đến những phương pháp vệ sinh. Nếu vào đầu cuộc chiến này, một lần nào đó, người ta ười hai hoặc mười lăm nghìn đứa trong lũ dân Do Thái hủ hóa này vào hơi độc mà chúng ta đã hít phải sau đó trong chiến hào thì chúng ta đã có thể tránh được cái chết của cả hàng triệu người Đức dũng cảm đầy tương lai.
- Ngài định nói là...
- Hiện tại, hãy nói về những giải pháp liên quan đến lãnh thổ. Tống cổ chúng đi. Thế là đủ.
- Nhưng đồng thời, ngài nói rằng nước Đức cần phải được mở rộng.
- Đúng, chúng ta cần một không gian sinh tồn!
Khái niệm “không gian sinh tồn” đến với hắn trong sự giam cầm, chắc hẳn nhờ vào sự chán nản bị giam giữ, chắc hẳn cũng vì hắn đánh đồng nước Đức với bản thân mình.
- Chúng ta cần phải khẩn cấp sử dụng lại những lời lẽ của bọn Do Thái để áp dụng cho chúng ta. Chúng ta là Dân tộc được lựa chọn. Chúng ta là dân tộc Aryen. Không thể nào có hai dân tộc được chọn. Hoặc nếu như có hai dân tộc như thế, hẳn một dân tộc do Thượng đế, một do quỷ Sa tăng lựa chọn. Sự xung đột giữa thế giới Aryen và thế giới Do Thái, đó là sự xung đột giữa Thượng đế và quỷ Sa tăng. Một gã Do Thái là sự cười nhạo con người, khác xa với chúng ta cũng như động vật với loài người. Đó là một sinh vật xa lạ với trật tự tự nhiên, một sinh vật không nằm trong thiên nhiên.
- Tuy nhiên, không dễ xác định Aryen chính xác là như thế nào. Chỉ nội trong nước Đức đã có biết bao sự pha trộn mà ngài, tôi, chúng ta...
- Không quan trọng. Cái quan trọng là vạch mặt chỉ tên kẻ thù. Và ở đây, đó là điều rõ ràng: chính là dân Do Thái. Vậy thì, nước Đức, dân tộc duy nhất được Thượng đế lựa chọn, phải mở rộng lãnh thổ. Đó là một sự cần thiết. Chúng ta sẽ tiến hành chiến tranh vì thanh gươm đi trước lưỡi cày là chuyện bình thường. Chiến tranh là quyền chính yếu của dân tộc, quyền được nuôi sống những đứa con của mình. Với tôi, hai lãnh thổ sẽ mang lại ruộng đồng, nguyên liệu và những thị trường hấp dẫn cho nước Đức chính là Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết. Chúng ta sẽ bắt đầu từ phía Đông vì chúng ta cần vựa thóc lớn của châu Âu trước khi tấn công sang phía Tây.
- Thật vĩ đại. Nhưng chúng ta sẽ làm gì với bọn Do Thái, nếu nước Đức làm chủ thế giới?
- Chúng ta sẽ sửa lại đường lối vào lúc đó Hess à, chúng ta sẽ sửa lại.
- Vĩ đại!
Hitler khó khăn lắm mới ngủ được sau những buổi làm việc dài như vậy. Những điều táo bạo trong ý nghĩ của hắn làm hắn kiệt sức. Những câu nói tiếp tục được hình thành trong trí óc hắn và không hiếm khi hắn thức giấc và để mặc mình diễn thuyết vào lúc bình minh hé rạng.
- Ta bị thần nhập, hắn lẩm bẩm khi nhìn trân vào mặt trời mới ló dạng với những tia sáng yếu ớt đang chầm chậm đánh thức lũ gà trống. Ta liên tục bị choáng ngợp bởi những tư tưởng chạy qua đầu mình. Sứ mệnh của ta không cho phép ta nghỉ. Đúng, thực vậy, ta bị thần nhập.
Vị thần mang thiện ý. Không một giây phút nào hắn nghĩ rằng cái nhập vào hắn thực ra là tà ý.
Ngày 20 tháng Chạp năm 1924, giám đốc trại giam đến đọc thông báo thả tự do cho hắn trong khi hắn còn bốn năm nữa mới mãn hạn.
“Nhanh thế ư? Tiếc thật! Hitler mơ màng. Ta sắp hoàn thành quyển sách của mình rồi.”
-
*
- Không đội mũ, không quần lót thì không có nhân cách! Có phải thế không?
Mười-một-giờ-rưỡi hét vào mặt tay bồi bàn đang sợ tái mặt, bỏ chỗ bàn ngoài tiệm cà phê để rút lui vào phía trong.
Adolf và Neumann bật cười khi thấy người phụ nữ trẻ nổi cơn thịnh nộ.
- Không thể tha thứ được! Từ chối phục vụ vì tôi không đội mũ à! Coi tôi là một con điếm vì tôi để tóc trần à! Cái lũ ngốc này nghĩ cái gì cơ chứ? Rằng cái để ụp trên đầu thì tốt hơn một cây thánh giá để chứng nhận ai đó là người tôn trọng thuần phong mỹ tục ư? Thế cái mũ rộng vành thì dùng để che đùi đàn bà cho nó không hở à? Tôi ấy à, tôi biết cả tá con điếm lúc nào cũng cài lông vũ trên đầu, tôi có thể liệt kê cho hắn nghe. Cả một danh sách! Tôi nghĩ rằng nếu bây giờ hắn mang cốc chambéry-fraisette cho tôi, tôi sẽ ném thẳng vào cái mặt hắn! Thằng ngu đạo! Đồ bán nước giải khát! Hắn câu cơm câu gạo bằng cách đầu độc những người khốn khổ với cái thứ rượu pha của hắn, đã thế lại còn lên mặt dạy đời? Đúng là tôi đang mê ngủ rồi...
Sự tức giận là một cách thể hiện tâm trạng vui vẻ ở Mười-một-giờ-rưỡi. Qua những câu chửi, sự tức giận, những câu nhiếc mắng màu mè, nàng thể hiện niềm vui được ở đó, niềm ham sống, ham muốn không để người khác cướp mất phần bánh của mình hoặc để nó rơi vào hư không.
- Thưa bà, nước của bà đây. Hai rượu anít và một chambéry-fraisette.
Người bồi bàn, mặt tái nhợt, đặt những chiếc cốc lên mặt bàn và sợ rằng sẽ có một cơn lôi đình nữa. Nhưng Mười-một-giờ-rưỡi đã thay đổi mối quan tâm của mình.
- Đến xem ông thầy bói này với em đi. Hình như ông ta bói rất tuyệt.
- Không, cảm ơn, Neumann nói, anh không có đủ tiền để ném qua cửa sổ.
- Anh không tin à?
- Anh chỉ tin vào sự ngẫu nhiên giữa những mảnh vật chất. Anh là người duy vật. Vì thế anh không hiểu tại sao một người lại có thể cho rằng mình đọc được tương lai.
- Thế mà người ta đã khuyên em đến gặp ông thầy này.
- Chuyện các nạn nhân tình nguyện truyền miệng cho nhau thông tin là chuyện bình thường.
- Ôi, chán các anh quá, mấy anh Bôn sê vich này. Anh không thấy à Adolf, rằng những kẻ điệu đà như anh Neumann đã biến thành điềm gở, kiểu như biến thành cha cố khoác áo đỏ, thấy không? Thay vì bốc mùi nến tắt họ lại sặc mùi lưỡi liềm rỉ. Đúng là chẳng tốt đẹp gì hơn.
- Mười-một, em phải tôn trọng Neumann chứ, Adolf âu yếm nói.
- Nhưng em tôn trọng anh ấy đấy chứ. Em tôn trọng vì anh ấy đẹp trai ngay cả khi anh ấy buồn. Em tôn trọng vì anh ấy là bạn anh ngay cả khi anh ấy tắc lẻm tiền của anh. Em tôn trọng vì anh ấy là bạn thân của em ngay cả khi chúng em chẳng đồng quan điểm về bất cứ chuyện gì. Ngh-i-ê-m, đồng chí Neumann, tôi lúc nào cũng tôn trọng đồng chí nhưng dẫu sao tôi cũng đi gặp ông ta đây.
Nàng chào kiểu nhà binh rồi để hai người đàn ông lại ở quán cà phê trên vỉa hè để đi đến cái sân nơi ông thầy bói hành nghề.
Trong một quán hàng tí hon kẹp giữa hai tòa nhà và một cái kho chứa thùng rác, người đàn ông tiếp khách, bên cạnh là một quyển sổ lớn đặt trên bốn viên gạch, một cái rương đầy văn tự, hai cái ghế cập kênh đặt quanh một cái bàn cũ tận dụng lại dưới cái nhìn của chúa Jesus được vẽ bằng phấn trên tường. Đầu ông thầy tròn nhỏ bóng như quả cầu pha lê của ông ta, ông thầy chỉ tiếp khách vào thứ Hai và tự ình là một nhà thơ dù rằng không ai coi điều đó là nghiêm túc.
- Chào ông Jacob, Mười-một-giờ-rưỡi nói.
- Hãy gọi tôi là Max, ông thầy bói tí hon trả lời.
Họ đóng kín cửa để nói về tương lai.
Ngồi lười sưởi nắng, phấn chấn vì đã uống rượu anít, Adolf và Neumann nhìn ngắm những cô gái Paris đi ngang quán.
- Tớ sẽ đi Moskva, Neumann nói.
- Tớ biết.
- Tớ đã được mời tới làm việc ở Nhà văn hóa nhân dân. Tớ sẽ ở lại đó ba tháng.
- Cậu sẽ vẽ gì?
- Tớ không biết.
- Neumann, tớ hiểu rất rõ rằng cậu muốn làm chính trị nhưng thật là đáng tiếc nếu điều đó làm cậu từ bỏ hội họa.
- Hội họa đã bỏ qua tớ.
- Đúng, nhưng cậu, liệu cậu có bỏ qua hội họa được không?
Neumann tư lự đáp lại bằng một sự im lặng.
Adolf nói thêm:
- Cậu có tài năng. Cậu phải có trách nhiệm với tài năng ấy. Cậu phải dùng nó vào một việc gì đó.
Neumann há miệng ngáp không cần che.
- Tớ chẳng thấy việc vẽ có lợi ích gì trong thế giới mà chúng ta cần phải xây dựng. Bao nhiêu người không có việc làm, không có cái ăn thế mà cậu lại nghĩ đến vẽ vời.
- Đúng thế. Tớ đói, không ai muốn mua các tác phẩm của tớ thế mà bất chấp tất cả, tớ vẫn nghĩ đến việc cầm cọ. Và tớ mong muốn rằng những kẻ giàu có, những tên tư bản bẩn thỉu như cậu nói, những kẻ lợi dụng, sẽ mê đắm các tác phẩm của tớ. Đúng thế.
- Thời ấy qua rồi. Tớ không còn đồng ý với điều ấy, Neumann nói.
- Chiến tranh đã ăn cắp mất cuộc đời chúng ta, thế vẫn còn chưa đủ hay sao? Cậu lại còn muốn để chính trị cướp đi cuộc đời cậu một lần nữa ư?
- Không, Adolf à, cậu chẳng hiểu gì về chiến tranh. Cậu thấy đó là một cái lò sát sinh đã giết chết tài năng của Bernstein, làm chậm lại sự nở rộ tài năng của cậu. Một trở ngại cá nhân. Còn tớ, tớ thấy đó là một sự khủng khiếp về mặt chính trị. Cuộc chiến mà chúng ta trải qua, đó là do quốc gia đã yêu cầu chúng ta phải hy sinh. Đổi lại cái gì? Chẳng gì cả. Quốc gia, cái đó có nghĩa là gì? Làm người Đức, người Pháp, người Bỉ, người Thụy Điển có nghĩa gì? Chẳng nghĩa gì. Đó chính là cái tớ đã rút ra được trong cuộc chiến: cần phải thay Nhà nước vào chỗ quốc gia. Mà không phải là bất cứ loại Nhà nước nào. Đó phải là một nhà nước đảm bảo được hạnh phúc, ấm no và sự công bằng ỗi người.
- Đừng mang cái món chủ nghĩa cộng sản ấy ra nói với tớ nữa, tớ biết rồi Neumann, tớ đã nghe cả trăm lần rồi.
- Cậu nghe thấy tớ nói chứ cậu không lắng nghe tớ...
- Các cậu muốn thay đổi cái xã hội đã đòi hỏi hàng triệu cái chết trong cuộc hiến sinh. Nhưng thay vì đòi hỏi xã hội ấy ít đi các cậu lại đòi hỏi nhiều hơn. Nó đã yêu cầu các cậu phải chết đi, bây giờ các cậu lại đòi hỏi nó phải sống, phải tổ chức cuộc sống của các cậu đến chân tơ kẽ tóc. Theo tớ, các cậu bị nhầm lẫn chính ở điểm này. Tớ ấy à, tớ không muốn nhiều tính tập thể hơn mà là muốn ít hơn. Sau cuộc chiến, tớ không còn muốn cống hiến cho cộng đồng bất cứ cái gì nữa, nó hãy cứ để cho tớ được yên, tớ chẳng nợ nần gì nó cả.
- Hoan hô! Chủ nghĩa vô chính phủ cánh hữu! Câu trả lời mới hay làm sao! Đó không phải cái sẽ làm thay đổi thế giới đâu.
- Nhưng tớ nào muốn thay đổi thế giới, Neumann, tớ chỉ muốn thành công trong cuộc đời mình.
Mười-một-giờ-rưỡi đến ngồi lại trên chiếc ghế gần chỗ hai người và lặng lẽ đưa chiếc ly đã cạn lên môi. Adolf nhận thấy mũi nàng sưng lên và mắt mọng đỏ.
- Chuyện gì xảy ra vậy? Em khóc à?
- Em ấy à?