Chương 5: Chương 03-P1

- “Mùa đông, trời u ám, lạnh lẽo…”

Liên Nga đọc như vậy rồi lắc đầu bảo Minh:

- Mùa đông ở Sài Gòn chẳng có lạnh lẽo gì hết. Nóng thấy mồ! Còn bầu trời thì sáng trưng như mùa hạ. Minh, mày thấy không? Các ông thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ bỏ quên Sài Gòn. Họ cứ ca ngợi ở đâu đâu không hà.

Minh chắc lưỡi:

- Mày lý sự quá đi, Liên Nga. Họ là nghệ sĩ, họ có quyền viết về nơi nào mà họ thích chứ.

Liên Nga vẫn nói bằng giọng hậm hực:

- Mấy người già thì không sao. Thí dụ họ nhớ Hà Nội, nhớ Hải Phòng. Nhưng còn bọn nhỏ tuổi như mình đây, có biết ngoài Bắc là mô tê gì đâu. Vậy mà vẫn cứ bắt chước người lớn, rập theo khuôn ca tụng nhớ nhung. Sao không ai ca tụng trời Sài Gòn hết vậy?

Minh cười:

- Mày lý luận nghe cũng ngộ lắm. Tao đợi có dịp được nghe một bài thơ của mày…

- …viết về mùa đông Sài Gòn. Tao đọc mày nghe nghen.

“Trời nóng quá trời ơi!

Mệt thở không ra hơi

Mùa đông như mùa hạ

Thơ con cóc,… cấm cười”

Nhưng cả hai đứa đều cười đau cả bụng. Liên Nga dụi mắt, nói:

- Thiệt là nhàn cư vi bất thiện. Cả lớp này đâm hư hết. Gần Tết rồi!

- Ừ, gần Tết rồi hở?

Minh nói bằng giọng bâng khuâng. Liên Nga cũng nghiêm nét mặt lại, nói:

- Tết này, tao mười chín, mày mười tám phải không Thúy Minh?

- Ừ.

- Lớn rồi!”Già” hết rồi mày ạ!

Minh trợn mắt:

- Ai bảo với mày thế?

- Chứ bộ mày tưởng mình còn con nít lắm sao?

Minh cắn môi:

- Không con nít, cũng không phải bà cụ. Con nít có việc của con nít. Người lớn có công việc của người lớn. Lớn rồi càng thích chứ sao! Tha hồ làm được nhiều việc.

- Việc gì?

- Chưa biết, nhưng chắc chắn là có việc để làm. Tao nghĩ con gái bây giờ không phải như ngày xưa, cứ mười bảy mười tám tuổi là đợi người ta rước đi, sợ già, sợ … ế.

Liên Nga nhìn Minh thật kỹ:

- Tao trông mày, tao tưởng mày yếu đuối lắm. Ai dè mày cũng “gân” ghê Minh ạ. Chịu mày rồi đó.

Minh nói tiếp:

- Nhất là trong thời buổi này…

Rồi bỏ lửng câu nói của mình. Minh nhìn ra cửa sổ. Ngọn nắng đặc biệt của những ngày cận Tết dọi vàng tươi trên những cây Chuối Hoa làm những cánh hoa lốm đốm rực lên như cánh bướm. Ở trường lớp này, không khí bình yên quá. Khung cảnh thích hợp cho những thư sinh mơ mộng làm thơ, nhất là lại được tự do làm thơ trong lúc cô Vân vắng nên được cho nghỉ giờ Vạn Vật. Học trò tụ thành năm, bảy nhóm ngồi với nhau trong lớp, nói chuyện xôn xao. Con gái thì bàn chuyện vải vóc, may sắm. Bọn nam sinh thì tán gẫu với nhau về chuyện phim ảnh, trò chơi.

Minh muốn tách rời khỏi đám đông ấy, muốn tách rời cả với Liên Nga, để một mình mình nghĩ ngợi. Minh muốn bỏ quên cảnh yên bình của những ngày có nắng Tết này để tưởng tượng đến một nơi khác. Người thành phố, dù muốn dù không, cũng an hưởng với hiện tại của họ. Dù giàu, dù nghèo, cũng biết rằng có Tết. Tết sắp đến, rộn ràng báo hiệu ở khắp đường sá. Nhưng ở đó, cuối miền quê hương đó, vùng Cà Mau đồng lầy nước độc, có rừng U Minh đó, Đỗ đang ra sao? Anh đang băng qua một cánh đồng nào? Trời đang mưa hay đang nắng tươi vàng như ở đây?

Nhỏ Liên Nga vô tư hớn hở. Bạn bè thầy cô ở đây cũng thản nhiên với cuộc sống của mình. Chỉ có Minh tự hỏi tại sao Minh quá âu lo. Từ mùa thu ấy đến nay, có biết bao nhiêu cảm nghĩ phức tạp đã đến trong lòng cô bé. Vì Đỗ. Đỗ đã đến và đã đi rồi. Ở miền Cà Mau, xa lắc đối với người thành phố, chiến trận đang xảy ra. Minh muốn khóc khi chợt nhận thấy rằng giữa khung cảnh thân quen này, Minh thật sự cô đơn.

- Còn bao nhiêu ngày nữa thì Tết hở Nga?

Nghe giọng Minh sũng ướt, Liên Nga ngạc nhiên quay lại. Nga lẩm nhẩm tính rồi nói:

- Hôm nay hai mươi hai Tết rồi. Ngày mai đưa Ông Táo về trời. Ngày mai trường mình tổ chức liên hoan luôn đó, mày quên rồi sao?

- Vậy à?

Liên Nga thắc mắc:

- Mày sắp khóc rồi hở Minh? Thôi tao biết rồi!

Minh không đáp, nhìn ra ngoài cửa sổ. Không còn thấy nắng tươi vàng bên những nụ Chuối Hoa, mà như có một làn sương làm xám buồn cảnh vật. Minh nghe ướt trên mi. Nỗi buồn sao đến thật dễ dàng và đột ngột?

Liên Nga thở dài, tẩn mẩn vuốt tóc bạn. Cả hai yên lặng. Chỉ còn nghe tiếng nói chuyện rì rào của những người vô tư kia. Và giữa tiếng rì rào đó, có tiếng chuông reo làm vỡ tan ý nghĩ..

Liên Nga thu xếp sách vở vào cặp của Minh, nói:

- Đi về, Minh!

Và đưa khăn tay cho Minh. Cử chỉ máy móc ấy làm Minh phải bật cười:

- Khỉ! Mày làm như tao là cái “phông tên”.

- Không “phông tên” thì là trái mít ướt vậy. Từ ngày….

Rồi Liên Nga tủm tỉm cười.

Đôi bạn đi trong đám học sinh áo trắng, ra khỏi cổng trường. Liên Nga nói:

- Tết này chắc ba má tao cho tao về quê ăn Tết quá Minh ạ.

- Mày về Gò Công?

- Ừ, còn mày?

Minh cười buồn:

- Tao có quê, mà về sao được? Mày chỉ cho tao nơi nào bán vé tàu hỏa đi Nam Định đi!

- Không về quê được thì có chán gì chỗ? Tao đề nghị mày đi Huế, được không?

Minh đứng sựng lại ngạc nhiên. Rồi bỗng hiểu, Minh nhéo Liên Nga một cái thật mạnh. Liên Nga kêu đau, chảy nước mắt. Minh phụng phịu:

- Mày trêu tao vừa vừa thôi chứ Nga. Đã có gì đâu… mà mày chọc quê tao hoài. Cậu Phương tao đã cam lòng nhận nơi này làm quê hương rồi thì tao cũng vậy. Tao không…

Minh chợt ngừng nói, mở to mắt nhìn qua bên kia đường. Đỗ đứng dưới bóng cây Điệp xanh mát. Đỗ giơ tay lên vẫy gọi Minh. Xe tấp nập qua lại làm Minh tối mắt. Phải Đỗ đó không? Đỗ đang băng qua đường. Minh đứng sững, vịn chặt tay Liên Nga. Cho đến lúc Đỗ đã đứng trước mặt và Liên Nga reolên:

- A! Anh Đỗ!

…thì Minh mới dám tin là Đỗ đã về thật. Minh lắp bắp:

- Anh Đỗ đã về…

- Cô Minh , cô Nga vẫn khỏe?

- Dạ.

Liên Nga láu táu:

- Anh Đỗ đến trường đón Minh phải không?

Đỗ gật đầu. Liên Nga tủm tỉm cười:

- “Rứa” thì nhờ anh hộ tống nhỏ “ni” về nhà hắn ở xóm “nớ”, anh “hỉ”!

Đỗ cười. Liên Nga nheo mắt với Minh và đi về hướng khác.

Minh như run lên, vừa mừng vừa sợ. Nhưng sự có mặt của Đỗ trong lúc này như tia nắng làm tan màn sương xám. Minh hỏi:

- Anh không đi hành quân nữa?

- Cả tiểu đoàn được về nghỉ ngơi cô Minh ạ. Không biết có phải đi mô nữa không. Nhưng hẵng biết rằng Tết ni tôi được ăn Tết ở nhà.

Minh vui sướng muốn khóc. Đỗ băn khoăn:

- Tôi trông cô Minh hình như hơi ốm đi thì phải? Cô làm sao vậy?

Minh nói rất nhỏ:

- Minh…

- Còn tôi, cô Minh thấy thế nào?

- Anh đen hơn một chút, gầy hơn một chút.

- Tôi bị sốt rét một tuần, may là không kéo dài, nếu không….

- Nhưng mà anh đã về.

Đỗ nghe giọng Minh nghẹn lại. Có một mối cảm thông nào hiện ra giữa hai người. Đỗ biết lời nói dù bay bướm đến đâu cũng không diễn tả cho họ được. Đỗ và Minh lặng yên đi dưới bóng mát của hàng cây Điệp. Trên kia hình như những nụ hoa đang bối rối hé nở.

Đỗ nói:

- Về Sài Gòn, nhìn mọi người dắt nhau đi bát phố, đi sắm Tết, vui quá.

Minh thở dài:

- Có nhiều không được dắt nhau đi bát phố, sắm Tết.

- …mà vẫn thương nhau, phải không cô Minh?

Minh im lặng. Đỗ nói giọng lâng lâng:

- Cô Minh, tôi mang một ý nghĩ từ ngày bước chân đến rừng U Minh và định khi về Sài Gòn sẽ nói với cô.

- Thưa anh, chi ạ?

- Tôi nghĩ rằng tôi là kẻ lẩm cẩm nhất thế giới. Vì sao cô Minh biết không? Vì từ hôm đầu tôi đã xin cô đừng gọi tôi bằng “thầy” mà tôi thì đến nay vẫn cứ gọi cô là “cô Minh”, nghe có khách sáo không?

Minh bối rối, đưa tay xoắn xoắn mấy sợi tóc. Đỗ nói êm như tiếng gió:

- Vì vậy, tôi mong được bỏ chữ “cô” đi, để… gọi cô là Thúy Minh như… Liên Nga đã gọi vậy.

- Dạ.

- Thúy Minh có biết, khi đặt chân đến rừng U Minh, chuyện gì làm tôi nhớ mãi đến bây giờ không?

- Dạ???

- Chú lính thân tín của tôi nhất, có nhiệm vụ săn sóc cho tôi, là một người rất chăm học. Một hôm khi hai chúng tôi nằm trên hai chiếc võng giăng giữa những cây rừng và đắp kín người lại uỗi khỏi đốt, tôi nghe hắn học bài. Nghe kỹ, thì ra hắn học tiếng Anh, mà mới bắt đầu phát âm các chữ cái thôi. Hắn đọc lùng bùng trong võng “ây, bi, xi”. Tôi lắng nghe hắn đọc đến “ti, yêu, vi”… và hắn vùng dậy, la to: “Thiếu úy ơi, rừng U Minh có thể đọc là rừng Yêu Minh cho nhớ chữ, phải không Thiếu úy? Phải chữ U đọc là “yêu” không?”. Tôi buồn cười quá, thương thằng bé ham học. Nhưng từ hôm nớ, tôi nhập tâm luôn hai chữ “Yêu Minh”.

Minh nghe nóng bừng cả mặt, luống cuống đánh rơi chiếc cặp xuống đất.

**

Bác Liêu đặt mấy chén cơm lên bàn thờ, rồi nói:

- Ba tưởng mi phải ăn Tết trong rừng với muỗi, chắc ba buồn chết luôn.

Đỗ vừa cột dây giày, vừa nói:

- Con cũng không ngờ là được về. Chuyến đi này đầy cả may mắn.

Bác Liêu nheo mắt ngắm con trai:

- Ba thấy mi vui ra đó Đỗ. Mấy ngày ni thấy mi hát hỏng miết.

- Con cũng vẫn rứa, chứ có chi lạ mô ba!

- Hòng qua mắt tau hả? Trước kia mi lầm lì như cục đất… À, mi đi mô rứa?

Đỗ đứng dậy đáp:

- Con định đi phố coi người ta múa lân

- Mi làm như mi là con nít.

- Con đi với thằng Thụy mà ba. Hắn với lại thằng Hải, thằng Sơn sắp qua đây rồi.

- Mi thắp nhang ạ mi đi, để tau cúng cơm luôn.

- Dạ…

Đỗ đến thắp ngọn đèn dầu, rồi mồi lửa vào ba cây nhang. Bác Liêu đứng cạnh bên, lẩm bẩm khấn vái như nói chuyện với vợ:

- Mười năm rồi còn chi! Mụ ích kỷ lắm! Mụ bỏ tui đi lâu quá rồi! Con Hài đi theo chồng xa xứ.Thằng Hựu bất trị tui không cần nghĩ tới hắn, vì hắn chỉ biết có vợ hắn thôi. Chỉ còn thằng con út của tui với mụ đây thôi, mụ phù hộ cho hắn bình yên nơi lằn tên mũi đạn, nghen mụ!

Bác rưng rưng muốn khóc. Đỗ cắm nhang vào chiếc bình đã được lau sạch. Trong hương khói quyện mờ mờ, Đỗ cảm thấy như mẹ đang về hưởng lại không khí hạnh phúc ngày xưa.

Đỗ nhìn bác Liêu. Dù sao, Đỗ cũng vẫn còn diễm phúc là được gần cha, và xót xa nghĩ đến Thúy Minh. Trong khung cảnh đầm ấm của gia đình cậu Phương, hẳn là Minh đang nhớ đến cái Tết tang tóc ba năm trước. Minh yếu đuối. Minh thật thà. Đỗ muốn sớt chia phần nào với Minh nỗi cô đơn ấy.

Đỗ nghe có tiếng con nít xôn xao trước sân. Có bóng của Thụy, Sơn và Hải hiện ra dưới nắng. Thụy lên tiếng gọi:

- Anh Đỗ ơi!

- Vô đây đi các em. Anh trong ni.

Ba đứa ùa vào sân. Chúng nó tíu tít:

- Dạ, chào bác ạ. Năm mới, tụi con mừng tuổi bác ạ.

Bác Liêu cười thành tiếng:

- Cái tụi khôn ghê hỉ! Bốn “mùng” tụi mi mừng tuổi bác đủ bốn. Bữa ni mừng thêm “mùng” thứ năm, thì bác sạch túi.

Sơn cười khúc khích:

- Tới mùng bảy mới hết Tết mà bác.

- Răng rứa?

Hải đáp thế:

- Dạ, mồ ng bảy tụi con mới đi học. Bữa nay vẫn còn Tết.

Đỗ cười:

- Mấy em nói phải đó ba. Ăn Tết sáu ngày là quá ít. Con thì chắc được ăn Tết cả tháng giêng ni.

Bác Liêu gật gù, và móc túi lấy ra ba tờ giấy hai chục mới toanh.

- Bác nói rứa chứ bác cũng lì xì đợt thứ năm đây. Bác chúc các cháu ăn nhiều, hôm ni lớn hơn hôm qua một xí.

Ba đứa bé vui thích cám ơn lia lịa. Thằng Thụy quay sang Đỗ, nói:

- Anh Đỗ, chơi cờ cá ngựa nhé!

- Anh định dẫn cả bọn đi coi xi-nê đây.

- Cái đó để sau đi. Bây giờ đánh cờ cá ngựa nha anh. Với lại em thấy chị Minh sắp sang đây.

Đỗ ngạc nhiên:

- Răng Thụy biết?

- Em hỏi chị ấy. Thôi, chơi cờ cá ngựa đi anh.

Đỗ chịu liền. Thụy giăng bàn cờ lên bàn. Bốn anh em ngồi vào. Thằng Sơn đi lấy cái chén, miệng nói lớn:

- Một, sáu ra nghen! Sáu được đi nữa.

- Biết rồi – Thằng Hải nói.

Đỗ cầm hột xí ngầu lên, đưa cho Hải:

- Em bé nhất, cho em đi trước.

Hải đổ hột xí ngầu vào chén, la lên:

- Ra số hai. Trời!

Đến phiên Sơn. Nó cũng tiu nghỉu:

- Năm. Xui quá!