Chương 32: Chương 32

Tôi đã quay về rồi.

Tôi đứng giữa cơn mưa lạnh của Nam Đức, nhìn thấy mây trôi lơ lửng trên núi Nam Mãnh. Sau đó, tôi vào một tiệm tạp hóa gần nhà ga để gọi điện thoại cho sếp Phan. Không liên lạc được.

Tôi chưa từng đến trụ sở đội Phòng chống ma túy, không biết nơi An Tâm làm việc trước kia nằm ở hướng nào.

Sau nửa tiếng đồng hồ, tôi đứng trước phòng bảo vệ của Sở cảnh sát thành phố Nam Đức, đưa chứng minh thư, xin gặp Chủ nhiệm Phương của phòng Chính trị. Họ hỏi tôi có quen chủ nhiệm Phương không, tôi nói thật rằng tôi không quen mà chỉ muốn nhờ ông ta tìm giúp một người. Cũng may là họ đồng ý cho tôi vào. Ngồi chờ trong phòng đón tiếp một lúc thì có một người đến nói với tôi rằng Chủ nhiệm Phương đi họp rồi, hỏi tôi có chuyện gì không. Tôi nói muốn tìm một người mà chủ nhiệm Phương quen biết, một nữ cảnh sát trẻ tên là An Tâm.

Người đó bảo tôi chờ một chút rội lại lên lầu, không lâu sau, anh ta quay lại cùng với một người khác. Họ hỏi tôi là ai, làm công việc gì, làm sao quen biết An Tâm. Tôi nói mình là chồng chưa cưới của em, nửa năm trước em bỏ nhà đi, tôi đến đây để tìm em. Đội trưởng Phan và đội phó Ngô của đội Phòng chống ma túy và vài người khác đều biết tôi, mùa hè năm ngoái tôi đã từng chữa trị vết thương ở đây, họ có thể làm chứng việc tôi có quen biết với An Tâm.

Hai người đó nhìn nhau rồi dẫn tôi đến một phòng họp nhỏ trong tòa nhà, rót trà mời tôi và bảo tôi ngồi đợi. Lần này tôi phải đợi khá lâu. Khoảng một tiếng sau, có vài người bước vào phòng, tội lập tức nhận ra một trong số họ chính là đội phó Ngô của đội Phòng chống ma túy Nam Đức.

Anh ta cũng nhận ra tôi, nói: “Đúng là Dương Thụy rồi. Đây là Chủ nhiệm Phương của phòng Chính trị.”

Tôi bắt tay Chủ nhiệm Phương và đội phó Ngô. Họ bảo tôi ngồi xuống, nhìn sự niềm nở và nghiêm túc của họ, trong lòng tôi lại bùng lên hi vọng tìm thấy An Tâm.

Chủ nhiệm Phương hỏi tôi: “Năm ngoái, vì sao cậu và An Tâm lại chia tay?”

“Tôi cũng không biết vì sao, cô ấy chỉ để lại một lá thư rồi biến mất.” Tôi đáp.

“Trong thư viết gì?”

“Cô ấy nói chồng con vừa mới mất, không còn lòng dạ nào nói chuyện yêu đương nữa, cô ấy phải chịu trách nhiệm vì cái chết của họ.”

Chủ nhiệm Phương và đội phó Ngô quay sang nhìn nhau rồi cùng im lặng một lúc. Mãi sau Chủ nhiệm Phương mới gật đầu, nói: “Đúng vậy, quả thực An Tâm đã có suy nghĩ đó, nên cô ấy mới về Nam Đức. Cô ấy mong muốn được tiếp tục làm cảnh sát phòng chống ma túy, đó là công việc mà cô ấy thích.”

Nghe được câu này, tôi bất chợt nhẹ cả lòng, cuối cùng cũng có tin tức của An Tâm rồi. Tôi cười, nói: “Tôi cũng nghĩ là An Tâm về đây mà, cô ấy không về quê thì chỉ có ở Nam Đức thôi. Tôi đã gọi điện cho sếp Phan và bố mẹ An Tâm nhiều lần nhưng họ đều không nói cho tôi biết cô ấy đang ở đâu.”

Bỗng nhiên đội phó Ngô lên tiếng: “Đây là theo yêu cầu của chính đồng chí An Tâm. Có lẽ cô ấy không muốn anh đến tìm cô ấy, vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của anh.”

Tôi bỗng thấy vui mừng, hóa ra An Tâm vẫn quan tâm đến tôi. Sau đó, tôi nói: “Có thể cho tôi gặp An Tâm không?”

Đội phó Ngô nhìn Chủ nhiệm Phương, không nói gì. Chủ nhiệm Phương do dự một lúc mới nói: “Dương Thụy, tôi biết cậu rất yêu An Tâm, tôi tin rằng cậu nhất định sẽ tôn trọng sự lựa chọn của cô ấy. Cô ấy quay lại Nam Đức, lựa chọn việc chiến đấu vì tổ quốc và nhân dân… và không may, trong một cuộc truy bắt tội phạm ma túy vào mùa thu năm ngoái, An Tâm… đã anh dũng hi sinh… Chính quyền thành phố Nam Đức đã phong tặng An Tâm danh hiệu liệt sĩ. Chúng tôi biết cậu và cô ấy đã từng yêu nhau nhưng không báo tin cô ấy hi sinh cho cậu biết, chỉ báo cho bố mẹ cô ấy. Di vật, tiền tử tuất và bằng khen liệt sĩ của An Tâm cũng đã giao cho bố mẹ cô ấy theo đúng quy định…”

Chủ nhiệm Phương nói rất nhiều, rất chậm rãi nhưng lọt được vào tai tôi chỉ có hai chữ “hi sinh”. Tôi chăm chú suy nghĩ liệu hai chữ đó có hàm nghĩa nào khác không. Sau đó, tôi cúi gằm mặt xuống, đưa hai tay lên bịt mắt, tôi không muốn để hai cảnh sát ngồi đối diện nhìn thấy những giọt nước mắt của mình. Dù cố hết sức để kiềm chế nhưng cả người tôi vẫn không ngừng run rẩy. Đầu óc tôi trở nên trống rỗng, tâm trạng giằng xé, đau đớn đến tột cùng. Tôi nghẹn ngào nói: “Không, không, cô ấy không hi sinh. Tôi phải gặp cô ấy! Các anh cho tôi gặp cô ấy đi…”

Buổi chiều, khi trời đã ngớt mưa, họ dẫn tôi đi gặp An Tâm. Theo ý của bố mẹ em, An Tâm cùng với sáu cảnh sát phòng chống ma túy đã hi sinh trong vụ truy quét đó được chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ dưới chân núi Nam Mãnh. Trước mộ của họ có một tấm bia ghi công cao khoảng nửa thân người. Tôi nhìn những bia mộ được xếp thẳng hàng, ở vị trí thứ hai chính là bia mộ của em. Hai chữ “An Tâm” được khắc thanh tú mà rắn rỏi, rất giống hình tượng của em. Tôi đưa tay lên sờ hàng chữ, quỳ gối trước mộ em, dùng đôi môi ấm nóng của mình hôn nhẹ lên tên em. Một cái tên rất lạnh.

Tôi không muốn khóc nữa, cũng không muốn để những người cảnh sát đứng sau lưng và An Tâm nhìn thấy dáng vẻ đau khổ của tôi. Tôi ngàn vạn lần không thể ngờ được, lúc mình chìm trong men rượu ở quán bar cùng Lưu Minh Hạo, lúc mình tay trong tay cùng Bội Bội đi ăn tối thì An Tâm đã lẳng lặng nằm đây. Tôi tin rằng, trong huyệt mộ tĩnh lặng cách Bắc Kinh cả ngàn dặm này, em cũng nghe thấy tiếng cười của tôi và Bội Bội, nhìn thấy chúng tôi ở bên nhau, nhất định em rất đau buồn cho dù em từng chúc tôi sẽ được hạnh phúc hơn em.

Tôi quỳ trước mộ em rất lâu, cúi lạy em một cái và nói: “Xin lỗi em, An Tâm.”

Những điều tôi có thể thốt ra chỉ là một câu xin lỗi. Tôi luôn muốn được cùng em sống hạnh phúc nhưng đã không thể làm được.

Trên đường từ nghĩa trang về, tôi hỏi đội phó Ngô: “Trước khi hi sinh, An Tâm có trăng trối gì không?”

Đội phó Ngô đáp: “Không, họ đều đột ngột hi sinh.”

Tôi vốn còn muốn hỏi em chết có thảm không nhưng lại thôi.

Đội phó Ngô nói tiếp: “Đội trưởng Phan đang điều tra án ở nơi khác, nghe nói anh đến đây, ông ấy cũng khuyên anh đừng quá đau buồn. Ngoài ra, ông ấy hi vọng anh có thể hiểu được quyết định của An Tâm, đó là một lựa chọn cao thượng và vĩ đại. Chúng ta nên tự hào về cô ấy.”

Đúng vây, tôi nhớ lại cuộc trò chuyện về hành động cao thượng trên chuyến tàu đi Ô Tuyền. Câu chuyện về chiến sĩ cảnh sát vô danh mở trạm xăng để làm căn cứ tình báo trên quốc lộ Sa Tây mà sếp Phan từng kể cho An Tâm nghe vẫn khiến chúng tôi cảm phục và tôn kính. Chúng tôi khâm phục nhưng không định noi gương những vị anh hùng đó, ngay cả An Tâm cũng nói như vậy. Khi đó, chúng tôi đang chuẩn bị kết hôn, đang tràn đầy những mộng ước về cuộc sống bình dị mà hạnh phúc trong tương lai. Đừng nói là tôi mà có lẽ cả An Tâm cũng không ngờ được rằng, chỉ vài tháng sau khi thảo luận về sự hi sinh cao cả vì dân vì nước, chính em đã đích thân dấn bước trên con đường oanh liệt đó.

Dù tôi không được tính là người thân của An Tâm vì chúng tôi chưa chính thức là vợ chồng nhưng những người ở Sở Cảnh sát Nam Đức vẫn tiếp đãi tôi rất chu đáo. Họ sắp xếp cho tôi ở lại nhà khách của Sở, đội phó Ngô còn hỏi tôi có yêu cầu gì không. Tôi nói nếu bố mẹ An Tâm đã mang di vật của em đi rồi thì tôi muốn đi xem chỗ em từng làm việc và sinh hoạt, những nơi tôi thường nghe em nhắc đến. Ngoài ra, tôi cũng hỏi thăm địa chỉ của bố mẹ An Tâm để đến thăm họ.

Đội phó Ngô đưa tôi đến trụ sở đội Phòng chống ma túy, xem phòng làm việc của An Tâm, còn dẫn tôi đến kí túc xá của em, xem ngôi nhà sàn được xây bên sông. Căn phòng của em cho đến bây giờ vẫn để trống, chưa cho người khác ở. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài, thấy dòng sông Nam Mãnh mưa bụi mịt mù nhưng không thấy hoa gạo đỏ rực như lửa bên kia bờ.

Đội phó Ngô nói không biết bố mẹ An Tâm đang sống ở đâu, tôi liền hỏi sếp Phan có biết không, anh ta đáp: “Đội trưởng Phan không có ở đây, ông ấy đang đi điều tra án ở nơi khác. Tạm thời chưa thể quay về.” Thế là tôi cũng không hỏi nữa.

Tôi ở lại Nam Đức hai ngày, lại đến kí túc xá của An Tâm một lần nữa nhưng là đi một mình, tôi cũng đã đến quán trà trên núi Nam Mãnh và ngôi nhà ngày xưa An Tâm và Trương Thiết Quân từng ở, còn đến cả khu nhà nghỉ mà chúng tôi từng ở khi đi du lịch Nam Đức nữa. Tôi đến tất cả những nơi có thể gợi nhớ đến An Tâm, không phải để cáo biệt mà là tưởng niệm em. Tôi yêu An Tâm và sẽ mãi mãi nhớ đến em, sau này, nhất định tôi sẽ lại đến đây.

Vào buổi sáng rời khỏi Nam Đức, tôi mang theo bó hoa tươi đã mua sẵn từ hôm trước đến nghĩa trang cách mạng dưới núi Nam Mãnh. Những cơn mưa dầm đã ngớt nhưng trên đường và các tấm bia trong nghĩa trang vẫn còn ướt nước. Trong nghĩa trang không có người nào khác, xen giữa những hàng bia mộ là màn sương mù mờ ảo. Tôi tìm rất lâu mới thấy phần mộ của An Tâm. Tôi đặt bó hoa xuống trước bia mộ rồi đứng im lặng rất lâu. Dù xung quanh không có người nhưng tôi vẫn kìm nén không cho nước mắt rơi, chỉ tự nhủ: “Tam biệt em, An Tâm, người vợ yêu thương nhất của anh.”

Vừa dứt lời thì tôi nghe thấy tiếng bước chân rất khẽ ở phía sau lưng, liền quay đầu lại, nhìn thấy sếp Phan đang đứng đó. Không hiểu vì sao vừa nhìn thấy ông ta, nước mắt tôi đã trào ra một cách dữ dội.

Sếp Phan nhìn tôi, chậm rãi đưa bàn tay phải để trong túi áo khoác ra trước mắt tôi. Năm ngón tay ông ta mở ra, một vật gì đó rơi xuống giữa không trung thì dừng lại, tôi nhìn thấy hai sợi dây nhỏ màu đỏ lắc lư trên tay ông ta.

Đầu còn lại của sợi dây chính là một miếng ngọc hình Quan Âm Bồ Tát.

Qua lớp sương mù buổi sớm, tôi nhìn thấy Quan Âm Bồ Tát ngọc diện đoan trang, vẫn sáng lấp lánh, thuần khiết như năm nào.

Giọng nói khàn khàn của sếp Phan vang lên giữa nghĩa trang yên ắng càng trở nên vang vọng. “An Tâm dặn tôi, nếu cậu đến thì đưa vật này cho cậu, cậu nhất định sẽ hiểu.”

Tôi đón lấy miếng ngọc bằng cả hai tay, khuôn mặt Quan Âm Bồ Tát đại từ đại bi khiến lòng tôi tĩnh lại, có cảm giác vừa tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng u ám. Tôi hôn lên miếng ngọc màu xanh nhạt đó, nói: “Vậy mà tôi cứ tưởng An Tâm không để lại lời trăng trối nào…”

Sếp Phan im lặng không nói. Trong nghĩa trang, ngoài tiếng thở dài nuốt nước mắt của tôi thì không còn âm thanh nào khác. Một lúc sau, sếp Phan lại nói: “Lúc lâm chung, An Tâm nói người duy nhất khiến cô ấy không yên lòng và thấy có lỗi, ngoài bố mẹ cô ấy ra thì chính là cậu. Cô ấy chỉ mong Quan Âm Bồ Tát sẽ phù hộ cho cậu, còn nói cậu đừng đợi cô ấy nữa, nhất định phải sống hạnh phúc hơn cô ấy.”

Giọt nước mắt cuối cùng của tôi dừng lại trên mặt, nó cũng giống như cảm xúc của tôi lúc này vậy, ngưng đọng rất lâu. Tôi khó nhọc hỏi một câu: “An Tâm chưa chết có phải không?”

Sếp Phan không trả lời.

Sự im lặng đó đã là một câu trả lời. Tôi mơ màng hỏi lại: “Cô ấy vẫn còn sống phải không?”

Rốt cuộc ông ta cũng mở miệng đáp: “Cô ấy nhờ tôi nói với cậu, An Tâm của ngày xưa đã chết rồi, cậu đừng tìm cô ấy nữa. Bây giờ, cô ấy đã là một người khác, một người mà cậu không quen biết.”

Tôi xông lên nắm lấy cổ áo của ông ta, không rõ là do hồi hộp hay phẫn nộ, tôi hét lớn: “Các ông giấu An Tâm đi đâu rồi, có phải lại bắt cô ấy mai danh ẩn tích không? Cô ấy không thích cuộc sống đó đâu. Mau trả cô ấy cho tôi!”

Dưới sự giằng co của tôi, cơ thể sếp Phan vẫn không hề lay động, ông ta bình thản nói: “Tôi cũng không muốn để cô ấy làm như vậy nhưng đó là ý nguyện của cô ấy, là quyết định của cô ấy.”

Tôi sững sờ, hai bàn tay từ từ buông lỏng. Tôi biết sếp Phan nói thật, từ trước đến giờ ông ta không bao giờ để An Tâm đến gần bất cứ sự nguy hiểm nào, ông ta coi em như con gái vậy. An Tâm có thể bỏ tôi để quay về chiến trường, hiển nhiên em đã quyết tâm hi sinh tất cả.

Sếp Phan nhẹ nhàng chỉnh lại cổ áo, chậm rãi nói: “Trên đời này, những người tôi thật sự khâm phục không nhiều.” Dừng lại vài giây, ông ta lại nói tiếp: “Cô ấy cũng là một trong số đó.”

Tôi quay người, bước đi trong sương mù một cách vô định. Tôi đưa tay lên, ngắm nhìn miếng ngọc Quan Âm một cách chăm chú. Hình ảnh Quan Âm Bồ Tát hiền hậu dường như đại diện cho hình tượng người mẹ lý tưởng nhất trong lòng tôi. Tôi biết tôi nên vui mừng vì dù nói thế nào đi nữa thì An Tâm vẫn còn sống, em đang làm công việc mà em yêu thích và nguyện chết vì nó, chắc chắn em rất hạnh phúc. Trước đây, chúng tôi cũng từng nói với nhau rằng những người anh hùng vĩ đại và cao thượng dù có phải hi sinh chính mình thì trong lòng nhất định vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Sếp Phan tiến đến chỗ tôi, ôn hòa nói: “Cậu có khâm phục cô ấy không?”

Tôi không trả lời, chỉ đeo miếng ngọc Quan Âm vào cổ, giấu vào trong áo nơi sát với tim mình rồi nói: “Nhờ ông chuyển lời đến cô ấy, tôi về Bắc Kinh đây. Tôi sẽ trông nom căn nhà của chúng tôi và đợi cô ấy… mãi mãi.”

Tôi lau nước mắt trên mặt rồi lẳng lặng đi ra khỏi nghĩa trang, về nhà khách của Sở cảnh sát, thu dọn đồ đạc. Lúc ra khỏi cổng, một cảnh sát lớn tuổi ở phòng thường trực gọi tôi lại, hỏi: “Này chàng trai, lúc sáng Đội trưởng Phan của Đội Phòng chống ma túy đến tìm cậu đấy, hai người đã gặp nhau chưa?” Tôi chỉ gật đầu.

Về đến Bắc Kinh, tôi lại quay về câu lạc bộ đua ngựa làm việc. Hằng ngày tôi đều chuyên tâm làm việc, buổi tối không đi quán bar, vũ trường và những nhà hàng sang trọng nữa. Để kiếm thêm thu nhập, tôi còn nhận làm gia sư. Tôi tiết kiệm chi tiêu, mỗi tháng đều gửi một nghìn đồng cho sếp Phan, nhờ ông ta gửi cho bố mẹ An Tâm. Bố mẹ em đã được Sở Cảnh sát sắp xếp đến một nơi khác sinh sống, cốt để đảm bảo sự an toàn cho họ. Cảnh sát có quy định của họ, không tiện cho tôi biết địa chỉ của bố mẹ em nhưng sếp Phan đã đồng ý giúp tôi chuyển tiền cho họ. Nếu ông ta vẫn còn liên lạc với An Tâm thì chắc chắn em sẽ biết chuyện. Trong những lần nói chuyện sau, sếp Phan tất nhiên không chịu tiết lộ với tôi bất kì tin tức nào dù là nhỏ nhất của An Tâm nhưng ông ta cũng không còn khuyên tôi đừng chờ đợi một cách vô vọng nữa, chỉ riêng điều này thôi đã khiến ngọn lửa hi vọng bùng cháy mãnh liệt trong lòng tôi.

Đồng nghiệp, bạn bè và cả bố tôi đều hỏi tôi đã tìm thấy bạn gái chưa, tôi đáp đã tìm được rồi. Họ tò mò hỏi sao tôi không đưa bạn gái đến giới thiệu, tôi chỉ cười, nói em đang sống ở nơi khác, đang làm một công việc quan trọng và tuyệt mật, không thể tiết lộ. Tôi nghĩ rồi sẽ một ngày An Tâm giải ngũ, chỉ cần em còn sống thì sớm muộn cũng được hưởng một cuộc sống yên bình, hạnh phúc như bao người bình thường khác, chính vì thế, tôi sẽ đợi em.

Ngoài hai ngày đi dạy thêm ra, những ngày khác tôi đều về nhà ngay sau khi tan ca. Mỗi khi đi ngủ, tôi lại tháo sợi dây chuyền ngọc Quan Âm trên cổ ra, đặt ngay ngắn trên chiếc gối trống bên cạnh, tượng trưng cho việc An Tâm đang nằm ngủ ngay cạnh tôi. Trước khi tắt đèn, tôi không bao giờ quên mở cánh cửa phòng ngủ ra, tôi sợ mình ngủ say quá, sẽ không nghe thấy tiếng gõ cửa vang lên giữa đêm khuya.