Chương 10: Phần 5 - Chương 5-6-7

Ai can đảm thì không đi bắt nạt

Bóng đêm không thể xua tan bóng đêm; chỉ có ánh sáng mới có thể làm được điều đó. Sự căm thù không thể xóa hết căm thù; chỉ có lòng yêu thương mới có thể làm được điều đó.

Martin Luther King Jr.

Những tiếng cười đùa sảng khoái của bọn học sinh lớp bảy vang ra tận hành lang khi chúng đi vào phòng thể dục. Tôi nhìn khắp căn phòng để tìm mấy đứa bạn thân, và thấy chúng ở gần cánh cửa dẫn đến nhà vệ sinh. Tôi luồn lách qua đám học sinh đông đúc và đến ngồi bên đứa bạn thân, Lauren.

“Ê, cậu định làm gì ở đây vậy?” Nó hỏi tôi.

“À, cô Marks nói chúng mình sắp nghe một báo cáo viên trình bày về tình trạng bắt nạt, nạn ức hiếp và làm nhục.” Tôi nói với một giọng hơi mỉa mai vì suốt năm học chúng tôi đã được nghe bài này không biết bao nhiêu lần. Chúng tôi được mệnh danh là một lớp ngỗ nghịch nhất trường, một danh hiệu chẳng có đứa nào trong chúng tôi lấy làm thích thú. Thế nên khi báo cáo viên bước vào, cố gắng tập trung sự chú ý của cả lớp, thì đứa bạn tôi và tôi bèn ngồi bệt xuống sàn, sẵn sàng nghe tiếp một bài giảng khác với cái giọng đều đều chán ngắt cùng những lời bình phẩm không lấy gì thích thú lắm về “Bọn trẻ thời nay…” với lại “Nếu bạn chỉ thích làm cho người khác mất mặt thì bạn chẳng trưởng thành hơn một đứa trẻ con tám tuổi là mấy.”

Nhưng cô vừa cất tiếng nói, tôi đã tập trung ngay. Cô có một cách gì đó đặc biệt, như thể biết làm thế nào để nắm bắt được suy nghĩ và tâm hồn của chúng tôi và làm cho chúng tôi phải suy nghĩ. Và trong lúc cô nói, tôi bắt đầu suy nghĩ về những điều mà cô đang giảng. Tôi nghĩ đến tất cả những đứa trẻ hàng ngày vẫn phải đi học, mặc dù chúng biết rằng cả ngày hôm đó chúng sẽ gặp phải những lời châm chọc độc ác cùng những gương mặt giễu cợt, khinh bỉ.

Đặc biệt, có một đứa làm cho tôi nhớ nhất. Ngày nào nó cũng đi học trễ, và tôi cho rằng bởi vì nó cần phải đi tới y tá để lấy thuốc. Nhưng điều đó không làm cho tụi bạn trong lớp thôi chế nhạo nó. Bọn chúng chọc vào vai nó và bảo, “Ê, tên kia! Mày mới vừa đi đâu về đấy?” Và một đứa khác lại chen vào, “Bạn gái của mày trông như thế nào? À không, chúng tao quên. Mày làm gì mà có bạn gái. Mày chỉ cótoàn là bạn trai thôi.” Những điều quấy rối này sẽ cứ tiếp tục nếu không có sự cắt ngang của giáo viên, ra lệnh cho bọn con trai phải thôi ngay. Nhưng đã quá trễ – luôn luôn quá trễ. Thằng con trai đó chỉ còn biết gục mặt xuống vì hổ thẹn. Nhưng khi nó cố gắng trả đũa thì còn tệ hơn. Những kẻ tấn công nó lại càng lấn tới, tiếp tục cái trò độc địa kia cho tới khi cả lớp cùng cười ầm cả lên.

Tôi ngồi trong thính phòng, lắng nghe tất cả những gì diễn giả nói, ý nghĩ về thằng nhóc tội nghiệp cứ hiện ra trong tâm trí. Tôi thở dài, nghĩ rằng nó thật đáng thương, nhưng mình không thể làm được gì cho nó. Tôi quay lại với diễn giả và nghe như nuốt từng lời thông thái của cô.

“Bây giờ, trước khi kết thúc tôi muốn dành cho tất cả các em ở đây một cơ hội để nói bất cứ điều gì về tình trạng bắt nạt và ức hiếp. Các em có thể xin lỗi một người bạn, cám ơn một ai đó vì sự tử tế của họ, bất cứ điều gì. Và tôi xin hứa với các em đây là lúc mà không một người nào, không một ai, được cười các em.”

Sự im lặng trong căn phòng làm cho tôi tin tưởng cô. Một cách chậm rãi, tôi thấy có vài cánh tay giơ lên một cách ngập ngừng phía sau. Một đứa con gái muốn tỏ lời xin lỗi một người bạn vì nó đã không quan tâm đến trong thời gian gần đây. Một đứa khác lại muốn cám ơn một đứa con trai vì hành động hào hiệp khi cô nàng sắp ngã trên cầu thang thì cậu này đã nhanh tay đỡ lấy. Sau đó chính là khoảnh khắc can đảm của tôi. Báo cáo viên gọi tôi lên, với cánh tay run run và hai bàn tay đổ mồ hôi vì hồi hộp, tôi bắt đầu.

“Những gì cô nói hôm nay thật là có ý nghĩa đối với em. Đúng là như vậy, bởi vì em thấy điều cô nói diễn ra hàng ngày trong lớp em. Có một bạn lúc nào cũng bị chọc ghẹo. Không cần biết tại sao – có thể do diện mạo của bạn ấy, cách nói chuyện hoặc thậm chí là cách ghi bài của bạn ấy.” Giọng tôi bắt đầu run lên. “Em nghĩ các bạn ngồi đây ai cũng đã từng có lần chọc ghẹo bạn ấy. Và em cũng đã có lần làm như thế. Và giờ đây em cảm thấy rất hối hận về chuyện ấy. Đối với chúng ta, có thể đó chỉ là trò đùa mà thôi, nhưng đối với bạn ấy, đó lại là một sự xúc phạm. Và tôi nghĩ… vâng, các bạn ạ, tôi nghĩ chúng ta phải thôi cái trò ấy ngay.”

Khoảnh khắc im lặng sau đó như kéo dài mãi mãi. Nhưng rồi, những tiếng vỗ tay nhẹ nhàng bắt đầu ở trước lớp, rồi nhanh chóng lan ra khắp căn phòng. Ngay khi tôi nhìn lên, tiếng xì xào đã biến thành những tiếng reo hò cổ vũ như sấm dậy. Tôi đã nói giùm cảm nghĩ của mọi người.

Sau hôm ấy, cậu trai mà tôi đã nhắc tới hôm nọ đến bên tôi khi chỉ có mình tôi và nói lời cảm ơn.

Tôi để ý thấy, cũng từ ngày hôm ấy, mọi người đối xử với nó tốt hơn. Những lời chọc ghẹo đã chấm dứt, và mọi người chào nó trong hội trường với một thái độ thân thiện, “Xin chào!”

RUTH ANN SUPICA

Chỉ vì mình nhút nhát

Tôi nhìn vào cái thân hình gầy guộc của mình rồi quay đi. Tôi thật yếu đuối và xấu xí; hai đầu gối củ lạc của tôi kéo theo hai cẳng chân khẳng khiu. Tôi nhìn quanh, quan sát một cách ghen tỵ những đứa con gái khác cứ thỉnh thoảng lại kéo áo ngực lên vì những bộ ngực nảy nở đến độ phải khòm cả lưng. Tôi cũng kéo cái áo ngực luôn-luôn-rộng của tôi lên, cái áo mà tôi đã phải nài nỉ lắm mẹ tôi mới chịu mua cho, chỉ để cho chúng bạn thấy rằng tôi cũng có một cái dây hằn lên ở sau lưng, chứ thật ra cũng chẳng có tác dụng gì. Tôi là một đứa con gái dậy thì muộn, chẳng hiểu tại sao lại như thế.

Tan học, tôi hay đi về cùng với một người bạn gái cũng gầy ốm như tôi, Laura; nó đã giấu cái vẻ bối rối, mắc cỡ vì cái thân hình chưa-phát-triển của mình với một thái độ huênh hoang. Như thường lệ, trên đường về, nó và tôi bị Ben cùng những thằng con trai đồng trang lứa khác chọc ghẹo, và điều đó làm tôi tức phát khóc.

Tôi bước vào nhà, biết rằng thể nào tối nay điện thoại cũng reo lên và đầu dây bên kia sẽ là giọng nói ồm oàm và tiếng cười khùng khục của bọn con trai dậy thì sớm. Và tôi biết rằng cái chu trình cũng chẳng khác gì vào ngày hôm sau: Chúng sẽ đi sau lưng chúng tôi trên đường đến trường, cười nhạo vì cái “bức tường” đang đi phía trước, đó là nhận xét quái ác của Ben về bộ ngực tôi.

Để làm cho tôi khỏi thất vọng, có người đã nói với tôi, “Bọn nó làm như vậy bởi vì bọn nó thích bạn đấy.” Còn bố tôi thì cố làm cho tôi yên lòng rằng đến khi tôi phát triển đầy đủ thì thế nào mà bọn chúng lại chẳng chạy theo để năn nỉ tôi đi chơi cùng. Tôi chưa có lấy một đứa bạn trai nào, và dường như bất cứ đứa bạn nào của tôi cũng giỏi xoay xở trong cái chuyện yêu đương tuổi mới lớn, thậm chí có đứa còn uống cả rượu. Tôi khao khát một sự quan tâm của người khác giới. Tôi không ngờ rằng chính sự khổ sở mà Ben và đám bạn trai của hắn gây cho tôi lại là một cách “quan tâm” tới tôi.

Lên lớp chín, Laura và tôi không còn đi bộ đến trường nữa; chúng tôi đón xe buýt tại góc đường gần nhà để đến trường trung học địa phương. Ben bây giờ không còn chọc ghẹo chúng tôi nữa mà chuyển sang ném chúng tôi bằng những viên đạn giấy. Vì vậy mà mỗi sáng, tôi phải phủi cho sạch những nắm giấy thấm nước bọt khỏi mái tóc, để bảo đảm không còn một bằng chứng nào trên tóc. Tôi thường hét lên bảo nó thôi đi, và điều này càng làm cho tôi đau đớn hơn. Tôi đã biết nó bốn năm rồi, và thật buồn cười là chúng tôi đã từng coi nhau như những người bạn. Nó thường nói chuyện với tôi, nếu như không có đứa con trai nào khác ở xung quanh, và tôi biết rằng, mặc cho cái vẻ bề ngoài ngỗ nghịch của nó, nó vẫn thích có tôi làm bạn.

Trong suốt những năm trung học, Ben vẫn giữ cái thói quen đi giày trượt đến nhà tôi sau khi tan trường, nhưng tôi chắc rằng nó chưa bao giờ nói cho đám bạn trai nó nghe là vào năm lớp bảy nó đã nắm tay tôi dẫn ra đường và tập cho tôi đi đôi giày trượt mà tôi mới vừa nhận được vào địp sinh nhật. Tôi có cảm giác là nó càng tỏ ra dễ thương với tôi khi chỉ có hai đứa chừng nào, thì nó lại càng tỏ ra đáng ghét với tôi khi có mặt mọi người chừng ấy.

Tôi thề rằng một khi tôi đã “nở hoa,” thì chắc chắn nó sẽ muốn được làm bạn trai của tôi, và cái bọn con trai đã từng làm cho tôi đau khổ sẽ càng mong được gặp tôi ở những năm tới. Tôi đã tưởng tượng một cách độc ác là một đứa trong bọn chúng mời tôi đi chơi tối và tôi đã từ chối một cách lạnh lùng, trước mặt mọi người. Tôi muốn làm cho chúng bối rối và bẽ mặt, tôi muốn chúng biết cái cảm giác mà tôi đã phải chịu đựng trong những lần đi bộ về nhà, và trong những lần đi xe buýt với những cục giấy thấm nước bọt trên tóc.

Cuối cùng thì những năm trung học phổ thông cũng đến, và trễ còn hơn không, thân hình tôi cũng đã nảy nở hơn. Tôi không còn yếu ớt và gầy guộc nữa. Mái tóc gợn sóng của tôi đã dài hơn và tự chúng duỗi thẳng ra. Mặc dù không có thay đổi gì nhiều, nhưng tôi thấy mình đã trưởng thành, về mặt tâm trí nhiều hơn là về mặt cơ thể. Tôi chấp nhận tàn nhang và cảm thấy rất sung sướng vì đã có một thân hình thon thả một cách tự nhiên. Thậm chí tôi còn trang điểm nhẹ nữa. Và bố tôi đã đúng, cái điều ông nói trước đây đã xảy ra. Cuối cùng tôi cũng có một người bạn trai. Anh học ở trường trung học khác, và anh cũng không để ý đến cái buổi đầu tiên không ải mái lắm của tôi.

Tôi vẫn còn gặp Ben; chúng tôi cùng tham dự những buổi hội hè của nhà trường và có chung một nhóm bạn. Nó cũng còn trêu chọc tôi một tí, nhưng điều đó bây giờ không làm cho tôi bận tâm nữa. Tôi hay đi chơi với một vài đứa bạn trai trong trường trung học, và dường như những năm tháng nhút nhát của tôi đã qua rồi.

Mùa hè này tôi trở về thăm nhà sau khi học xong năm thứ nhất cao đẳng. Tôi và Ben tình cờ gặp lại nhau. Hắn đứng cao hơn tôi cả ba mươi phân, và tôi nhận ra hắn đã lớn lên như thế nào sau tám năm chúng tôi quen biết nhau. Giờ đây hắn đang ở một mình và mời tôi ghé qua thăm căn hộ mới. Giữa những bức tường trống trải, căn phòng trông như phòng trọ của một nam sinh viên cao đẳng, để lại một ấn tượng kỳ quặc trong tôi. Tôi có biết nhiều nam sinh viên cao đẳng, nhưng thật khó cho tôi khi phải hình dung rằng Ben cũng là một sinh viên như thế. Tôi vẫn thấy ở Ben một thằng con trai gầy guộc tóc vàng ngồi học sau lưng tôi năm lớp tám, cái thằng mà vẫn hay kéo dây áo ngực tôi.

Chúng tôi ngồi ôn lại kỷ niệm những năm đó và cùng cười với nhau. Một vài đứa bạn cũ của Ben ghé qua chơi, đó là một trong những thằng ngày xưa vẫn hay gây thù chuốc oán với tôi, giờ đây nó phải nghiêng người về phía tôi và bảo: “Trông bạn xinh quá!” Tôi cảm ơn và cảm thấy rất hài lòng. Tôi có cảm giác rằng tôi đã chờ đợi đến những tám năm trời để trả thù bọn chúng.

Cuối cùng tôi đã đi chơi với Ben. Ben ngả người qua tôi, và hôn tôi, cái điều mà tôi chưa từng nghĩ đến. Trong khoảnh khắc, tôi nghĩ, thời cơ đã đến, cuối cùng thì mình cũng có thể từ chối hắn và làm cho hắn phải bẽ mặt như những gì mà hắn đã gây ra cho mình. Nhưng tôi đã không làm thế. Tôi không còn muốn trả thù nữa. Tôi vẫn nhìn Ben và hỏi, “Trước kia có lúc nào bạn thích mình chưa?”

Ben trả lời, “Lúc nào mà mình chả thích. Chỉ có điều là mình quá nhút nhát nên không dám thổ lộ mà thôi.”

LIA GAY

Thần tượng là chính mình

Điều mà tôi hằng mong muốn là được nổi tiếng. Có những người bạn ngầu nhất, nằm trong băng nhạc rock nổi nhất và hẹn hò với một người đàn ông đẹp trai nhất – đó là những mong ước giản dị của một đứa con gái nhỏ. Cũng có một vài ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi bắt đầu chơi trong một băng nhạc rock. Và cái cậu trai dễ thương nhất của trường trung học Melbourne đã rủ tôi đi chơi.

Tất nhiên là tôi đồng ý rồi, nhưng sau một tuần, cậu phàn nàn, “Vòng ba của em to quá. Em cần phải giảm cân để trông gọn gàng như những cô gái khác trong nhóm của em đi.”

Ngay lập tức, tôi thử hết mọi cách kiêng ăn để giảm cân. Thoạt đầu, tôi chỉ ăn nho và rau củ thôi. Không có kết quả; tôi cảm thấy chóng mặt và thèm ăn trở lại. Tuần kế tiếp, tôi bắt đầu bỏ ăn sáng và tối. Khi làm như thế, tôi cảm thấy đói kinh khủng, và mỗi khi tới bữa tối, tôi lại ăn bù vô tội vạ và cuối cùng lại tăng cân. Tôi cố gắng chỉ tăng có năm cân trong một tháng để làm cho bạn trai tôi vui lòng. Thay vì khen ngợi sự cố gắng của tôi, cậu ấy lại làm cho tôi thêm bẽ mặt. “Em trông giống như một con cá voi vậy,” khiến cho tôi cảm thấy mình thua xa những đứa bạn gái khác của tôi - những đứa cũng muốn được hẹn hò với cậu ấy. Tôi cảm thấy thật lo ngại và không muốn mất một bạn trai như cậu ấy, vì thế tôi lại liều lĩnh tìm một cách khác để giảm số cân thừa có thể khiến cho cậu bạn xa lánh tôi.

Tôi không nghĩ vấn đề chính là cậu ấy: tôi chỉ nghĩ là tại tôi, chính là tại tôi. Những thứ mà tôi ăn đã làm cho tôi béo hơn. Những gì tôi mặc trên người làm cho tôi trông gớm ghiếc. Giờ đây tôi đã nặng 55 ký, hoàn toàn giống một quả khinh khí cầ

Một tối nọ sau khi đi chơi xong, tôi trở nên quá tức giận vì lời nhận xét “cá voi” của cậu bạn đến nỗi đã ăn hết vèo một miếng bánh to. Cảm giác tội lỗi đã khiến tôi làm cái việc mà tôi thường thấy mấy đứa bạn gái tôi làm khi ăn cơm trưa ở trường: ói ra hết. Tôi chạy ngay vào nhà vệ sinh, không cần nghĩ đến hậu quả, đưa tay vào trong cổ móc và ói hết vào bồn cầu.

Tất cả những điều tôi muốn là được đẹp như người mẫu. Tôi muốn bạn trai của tôi nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ như khi cậu ta nhìn những cô gái mặc áo tắm hai mảnh vậy.

Điều đó cũng dễ thôi. Miếng bánh ngọt mà tôi đã ăn chẳng làm cho tôi phải thêm một tí trọng lượng nào bởi vì tôi đã ói ra hết.

Có dạo một ngày tôi phải ép mình ói ba lần. Do thiếu ăn, tôi thường xuyên bị đói kinh khủng, vì thế tôi lại ăn nhiều hơn, và lại ói nhiều hơn. Thật lạ lùng, tôi lại tăng thêm bảy ký rưỡi nữa và sau đó không thể nào dừng lại được. Tôi đã đấu tranh trong mấy tuần liền. Ngay khi vừa đứng lên khỏi bàn ăn, bao tử tôi lại sôi lên. Lúc này chính là lúc cái bao tử biết nó phải làm gì. Tôi phải chạy ngay khỏi bàn. Tôi ói mà không cần phải móc họng hoặc ngay cả khi không cần ói nữa!

Tôi đã không còn kiểm soát được mình. Tôi như bị cuốn vào trong cơn gió xoáy. Tôi cứ ăn bừa, uống bừa rồi sau đó ót hết để được giảm cân, nhưng sau một tháng áp dụng phương pháp này, chẳng những không giảm cân đi tí nào, mà cái việc tẩy ruột ấy còn làm cho sức khỏe tôi tồi tệ hơn.

Tôi cần có ai đó giúp đỡ. Giờ đây những lời nhận xét của bạn trai tôi và trọng lượng cơ thể tôi chỉ là chuyện nhỏ trước sức khỏe của chính tôi. Đến năm mười lăm tuổi, tôi không còn biết phải làm gì nữa. Thất vọng vì không tìm ra giải pháp, tôi chỉ biết khóc và chỉ biết thổ lộ với một người duy nhất mà tôi có thể tin tưởng: mẹ tôi. Vì không chắc là mẹ sẽ phản ứng như thế nào, lại lo sợ không biết mẹ có còn thương tôi nữa hay không khi mẹ biết điều đó, tôi lấy hết can đảm viết tất cả sự thật trong một trang giấy và đặt nó ở bàn trang điểm

“Mẹ ơi, con bị bệnh. Con đã tự ép mình ói để mong được giảm cân, cho nên giờ đây con bị ói mỗi ngày. Con không thể dừng được nữa. Con sợ rằng con sẽ chết mất mẹ ơi.”

Tôi khóa cửa và ở trong phòng suốt cả đêm. Mẹ đã nhiều lần gõ cửa phòng tôi. Tôi đã nghe tiếng mẹ khóc. Sáng hôm sau mẹ đập cửa phòng mạnh hơn và nói mẹ đã hẹn với một bác sĩ cho tôi tới khám bệnh rồi. “Ra đây nhanh đi con, trước khi quá trễ!” Mẹ nói.

Tôi mở cửa phòng. Tôi tưởng mẹ sẽ mắng tôi dữ dội, nhưng ngược lại, mẹ đã ôm tôi vào lòng. Trong vòng tay thấu hiểu của mẹ, tôi đã có đủ tự tin để cùng mẹ đi đến bác sĩ.

Chẳng bao giờ tôi có thể quên cái buổi đầu tiên gặp bác sĩ. Ông nói với tôi rằng cái phương pháp ăn và ói để giảm cân đã làm cho cơ thể tôi bị giữ nước và làm tôi rụng tóc, mòn men răng và làm cho dạ dày tôi ngày càng bị viêm nặng hơn. Ông cho tôi biết tôi bị suy dinh dưỡng và thật là nguy hiểm vì nó có thể làm cho tôi mất mạng như không. Và ông đã đề nghị tôi nhập viện để điều trị.

Vì nghĩ rằng phải xa bạn bè và mẹ, tôi đã không đồng ý. Nhập viện đối với tôi đồng nghĩa với việc phải rời xa những cái mà tôi gần gũi hàng ngày. Tôi lo sợ khi phải rời xa gia đình. Tôi chưa bao giờ phải đi xa gia đình, ngôi trường hay bạn bè của tôi. Tôi sợ rằng không biết có còn ai làm bạn với tôi nữa hay không, hay có khi tất cả bọn họ đều nghĩ tôi là người đã thay đổi. Tôi nghĩ tôi sẽ nói cho bác sĩ biết suy nghĩ của tôi, nhưng lương tâm tôi mách bảo tôi rằng, Nếu không đi bệnh viện thì coi như mình sẽ vứt hết những ngày còn lại xuống dưới bồn cầu, cho dù còn bao nhiêu ngày đi nữa. Vì thế mà tôi nói với bác sĩ là tôi quyết định đi bệnh viện.

Đêm đầu tiên ở bệnh viện thật khó khăn cho tôi. Các y tá đã giao cho tôi một chương trình học tập lẫn các hoạt động cần thực hiện. Tôi phải tham dự sáu lớp học khác nhau mỗi ngày: toán, tiếng Anh, khoa học, thảo luận nhóm, thể dục, và gặp riêng bác sĩ. Tất cả mọi người đều là người lạ. Hầu hết những bệnh nhi bằng tuổi tôi đến bệnh viện này không phải vì rối loạn ăn uống mà là vì sức khỏe tinh thần kém hoặc có những hành vi bạo lực. Vào tiết T đầu tiên, tôi ngồi xuống và khẽ chào một đứa con gái bên cạnh. Nó xoay đầu đi chỗ khác và ngó lơ tôi. Tôi đổi chỗ sang bên ghế khác và vẫy một đứa con gái khác bên trái tôi rồi hỏi nó bị gì. Con bé đó không những không chịu trả lời mà còn lầm bầm điều gì đó, đại khái là nó đang thiếu thuốc. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng thật khó mà làm quen những bệnh nhân khác, và bọn chúng đều nghiền thuốc nặng. Chúng dường như chẳng hề có định kết bạn. Đêm đó, tôi cứ khóc cho đến khi ngủ thiếp đi, cảm thấy cô đơn trống trải hơn bao giờ hết.

Sáng hôm sau, tôi được biết là kết quả kiểm tra máu cho thấy tôi không những bị mất nước mà còn bị suy dinh dưỡng. Bác sĩ nói ông sẽ không đồng ý cho tôi xuất viện khi nào tôi chưa thật sự khỏe về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều tháng cứ trôi qua như thế và tôi phải tiếp tục học trong những lớp với bọn nhóc luôn la hét và mất trật tự. Tôi cảm thấy thật cô độc. Các bác sĩ đã thử cho tôi uống nhiều dạng thuốc, nhưng không có dạng thuốc nào làm cho chứng thèm ăn của tôi giảm cả. Họ bắt đầu cho tôi ăn thông qua đường tĩnh mạch. Họ cắm một chiếc kim vào bàn tay tôi và cứ giữ ở đó, và băng lại trong suốt cả ngày. Điều này khiến tôi vô cùng kinh hãi. Mỗi buổi sáng, y tá lại đến gắn vào đó một túi nước đạm và để cho nó nhỏ từng giọt vào mạch máu tôi. Mỗi buổi tối, họ lại cho tôi uống thuốc, nhưng cứ hễ uống thuốc vào là tôi lại cảm thấy buồn nôn và muốn nôn tháo ra ngoài. Càng ngày tôi lại càng mất bình tĩnh. Lẽ nào mình lại không trở về bình thường được nữa? Tôi e sợ, nhưng vẫn không bỏ cuộc. Tôi biết mình cần phải làm gì và cố gắng thử một phương thuốc khác.

Khi dường như không còn phương pháp nào khác, một y tá đã đến phòng tôi, gỡ túi nước đạm ra khỏi tay tôi và đề nghị tôi đứng trước gương sau mỗi bữa ăn và lặp lại một câu nói, “Vâng, tôi hoàn hảo vì Chúa đã cho tôi như thế.”

Tôi nghĩ bà ta đúng là điên rồ! Nếu như những phương thuốc hiện đại đã không giải quyết được gì, thì làm sao những lời nói đó lại có tác dụng được? Nhưng dù sao tôi vẫn phải thử. Điều đó cũng đâu có đau đớn gì, và nếu nó giúp tôi thoát khỏi cái ống truyền dịch thì tôi sẵn sàng thực hiện theo, cho dù những lời ấy nghe có vẻ điên khùng đến đâu chăng nữa. Hơn nữa, nếu điều đó không có tác dụng gì, thì tôi cũng có cơ hội để nói với y tá là đã thất bại, và rằng tôi đã cố gắng rồi.

Bữa ăn kế, tôi bắt đầu nói những lời ấy trong vòng cả mấy phút. Một cách thành tâm. Mi ngày tôi nói lâu hơn một chút và nói như thế trong một tuần liền. Chẳng mấy chốc, tôi nhận ra là mình đã bắt đầu nói những lời ấy một cách tự phát, đồng thời lượng thức ăn cũng giảm dần. Chứng ăn và ói của tôi bắt đầu được kiểm soát vì tôi đã không còn nghĩ đến chuyện phải ói ra nữa, mà chỉ tập trung vào việc đọc câu “thần chú”. Chỉ trong vòng một tuần, tôi không còn phải ăn bằng cách truyền dịch nữa, dạ dày của tôi cũng không còn phản ứng đào thải thức ăn, và sự thôi thúc phải ói cũng không còn. Tôi bắt đầu nghĩ đến những điều tích cực hơn!

Với sự giúp đỡ của những nhà tư vấn cùng các y tá, tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm những phương pháp mới nhằm củng cố lòng tự trọng để không còn phải cảm thấy bị tổn thương trước những nhận xét của mọi người. Tôi bắt đầu đọc những sách nói về lòng tự trọng và Kinh Thánh để phát huy sự tự nhận thức về bản thân. Cũng vào lúc đó, bạn trai tôi đã bỏ tôi. Hầu hết đám bạn đều không đến thăm tôi. Thậm chí đúng cái hôm tôi vui mừng việc đã giảm được lượng thức ăn, tôi gọi cho anh trai tôi và kể anh nghe cái tin sốt dẻo này; anh ấy nói: “Mày đã dựng lên mọi chuyện để được chú ý phải không?”

Thật là đau khổ cho tôi. Nhưng dù sao, tôi vẫn không để cho sự độc ác của thế giới bên ngoài hủy hoại niềm tin chiến thắng cùng lòng tự trọng mà tôi vừa mới đạt được. Bởi vì, với sức mạnh này, tôi đã vượt qua tất cả.

Tôi đã học được cách yêu lấy bản thân mình. Tôi đã biết thưởng thức thức ăn như thể chúng do Chúa tạo ra. Tôi đã không còn phải quan tâm những người khác nghĩ gì. Và tôi đã nhận ra cái bản chất thật của người bạn trai cũ: nông cạn, thiển cận, nhỏ bé, và thậm chí không xứng đáng ở vị trí hàng đầu để tôi gửi tình yêu của mình vào.

Khoảng thời gian mấy tháng trong bệnh viện, được ở cùng các y tá và những nhà tâm lý, tôi được học một bài học mà không thể nào quên. Trở nên nổi tiếng chỉ là một sự ảo tưởng. Nếu bạn yêu chính mình, bạn sẽ có đầy quyền năng. Bạn chính là một món quà đặc biệt mà Thượng đế đã ban tặng cho thế giới này. Chỉ khi nào bạn sống với chính bản thân mình thì bạn mới cảm thấy thoải mái vui vẻ, thay vì phải cố gắng trở thành một thần tượng hoàn hảo nào đó.

Ngày đầu tiên tôi quay lại trường học, người bạn trai trước đây của tôi đến bên tôi v lại rủ tôi đi chơi như trước. “Ồ, em trông thật tuyệt. Em thon thả quá! Thứ Sáu này chúng mình đi xem bóng đá nhé?”

“Không,” tôi trả lời, không chút do dự. “Tôi chỉ đi chơi với người nào yêu chính trái tim tôi.”

Chính tôi! Việc chấp nhận chính bản thân mình đã trở thành một lời ca tụng cuộc sống mỗi ngày. Tôi yêu chính tôi! Những lời nói này vang lên một cách đơn giản, nhưng việc tin tưởng chúng đã làm cho cuộc sống trở nên thật ngọt dịu!

MICHELLE WALLACE CAMPANELL