Chương 33: Chương 27 Part 1

CHƯƠNG 27

Mặt trời vận may của Martin đã mọc. Ngay sau hôm Ruth đến thăm, gã nhận được một tấm ngân phiếu ba đô la của một tờ tuần báo trào phúng ở New York trả tiền ba bài thơ tám câu. Hai hôm sau, một tờ báo hàng ngày xuất bản ở Chicago nhận truyện "Những người đi tìm châu báu," hứa trả mười đô la khi đăng bài. Số tiền thì nhỏ, nhưng đó là bài viết đầu tiên của gã, lần đầu tiên gã thử diễn đạt ý tưởng của mình trên trang giấy in. Và, đặc biệt là, ngay cuối tuần ấy, truyện phiêu lưu nhiều kỳ viết cho thiếu nhi, tập truyện thứ hai của gã, cũng được một tờ báo thiếu niên hàng tháng tự mệnh danh là "Thiếu niên và Thời đại" nhận đăng. Truyện gần hai mươi mốt ngàn từ, và họ đề nghị trả mười sáu đô la khi đăng, tính như thế là khoảng bảy mươi nhăm xu một ngàn từ, điều đó là sự thực; nhưng cũng là sự thực đây là truyện thứ hai gã thử viết và chính gã cũng hoàn toàn nhận thấy nó vụng về, chẳng có giá trị gì.

Nhưng ngay những cố gắng đầu tay ấy của gã cũng không có những cái vụng về tầm thường. Cái vụng về của nó là do ở chỗ quá dồi dào sức mạnh, cái vụng về của một anh chàng mới vào nghề non tay, đập bướm mà phải dùng mái chèo, bẻ hoa mà phải dùng đến gậy tay. Martin rất sung sướng bán được những cố gắng đầu tay ấy dù với giá rẻ mạt. Gã biết giá trị của chúng, mà cũng phải lâu la gì gã mới nhận ra điều đó. Cái mà gã đặt sự tin tưởng vào chính là những tác phẩm viết về sau này. Gã đã phấn đấu trở thành một cái gì hơn là một nhà văn chỉ chuyên viết tiểu thuyết cho các tạp chí. Gã đã hết sức trang bị ình những công cụ của nghệ thuật. Mặt khác, gã không đem hy sinh sức mạnh. Mục đích có ý thức của gã là tăng cường sức mạnh bằng cách tránh quá lạm dụng nó. Mà gã cũng không rời bỏ lòng yêu sự thật của mình. Những tác phẩm của gã đều mang tính chất hiện thực dù gã có cố lồng vào đó những cái hư ảo, vẻ đẹp của tưởng tượng. Cái mà gã tìm tòi là chủ nghĩa hiện thực sôi nổi, mãnh liệt, chứa đựng tất cả những mong ước và niềm tin của nhân loại. Cái mà gã muốn là cuộc sống đúng với thực chất của nó, với tất cả những ước mơ tinh thần, những khát vọng lý tưởng của nó.

Trong quá trình đọc, gã khám phá thấy có hai trường phái tiểu thuyết. Một, coi con người như là thần thánh, quên hẳn cái nguồn gốc trần tục của nó. Một lại coi con người như một cục đất, quên hẳn những giấc mơ bay bổng lên tận thiên đàng và những khả năng thần thánh của nó. Theo gã, cả hai trường phái "thần thánh" và "cục đất" đều lầm, và lầm chỉ vì cách nhìn và mục đích của họ quá một chiều. Có một cách nhìn thoả hiệp tiếp cận với chân lý, tuy nó không tán thành trường phái "thần thánh" nhưng lại không có cái quan niệm thô bạo man rợ của trường phái "cục đất." Chính truyện "Mạo hiểm" của gã, một truyện đã không thu hút được sự chú ý của Ruth - khiến gã tin rằng gã đã đạt lý tưởng của mình về tính chân thực trong tiểu thuyết; và chính trong tiểu luận "Thần thánh và Cục đất" gã đã trình bày quan điểm của mình về toàn bộ vấn đề.

Nhưng "Mạo hiểm" và tất cả những truyện mà gã đã đánh giá là hay nhất thì vẫn còn đi ăn mày, ăn xin khắp tất cả các tòa soạn. Theo gã, những sáng tác đầu tiên của gã thật không có một chút giá trị gì ngoài các việc chúng đã mang lại cho gã một số tiền; và những truyện rùng rợn, cả hai truyện mà gã đã bán được, gã còn không cho là những tác phẩm có giá trị à cũng không phải là những tác phẩm hay nhất. Đối với gã, những truyện đó vẫn có tính chất kỳ quặc, giàu tưởng tượng một cách chân thật, dù nó có mang tất cả cái vẻ quyến rũ của hiện thực, sức mạnh của nó nằm ở đó. Đưa cái kỳ quái, cái không thể có được vào cái hiện thực, gã chỉ coi là một mánh khóe - một mánh khóe tài tình, có thế thôi. Văn chương lớn không ở trong những loại như vậy. Hình thức nghệ thuật của nó có cao, nhưng gã không thừa nhận giá trị nghệ thuật khi nó tách rời tình người. Mánh khóe là ở chỗ đem ném lên bộ mặt của nghệ thuật một cái mặt nạ con người, và điều đó gã đã làm trong một số năm sáu truyện ngắn rùng rợn trước khi gã vượt lên tới những đỉnh cao trong "Mạo hiểm," "Niềm vui," "Cái xoong," "Men rượu cuộc đời."

Trong khi chờ đợi tấm ngân phiếu của tờ "Con chuột bạch" gã đem dùng ba đô la, số tiền nhận được về mấy bài thơ tám câu, tạm giải quyết cảnh gieo neo trước mắt. Gã lĩnh tấm ngân phiếu đầu tiên dưới con mắt ngờ vực của lão chủ hiệu thực phẩm người Bồ Đào Nha; gã trả cho lão ấy một đô la, còn lại trả cho người hàng bánh và người bán hoa quả mỗi người một đô la. Martin chưa có đủ tiền để ăn thịt và vẫn phải ăn uống dè sẻn thì nhận được ngân phiếu của tờ "Con chuột bạch." Gã phân vân về cách lĩnh tiền. Từ bó đến giờ gã chưa hề bước chân vào một nhà ngân hàng, lại cũng chưa hề vào đây để giao thiệp tiền nong, gã có một ý muốn trẻ con và ngây thơ là bước vào một trong những ngân hàng to nhất ở Oakland, vứt tấm ngân phiếu ra để lĩnh bốn mươi đô la. Mặt khác, gã lại thấy nên thực tế hơn, cứ đem đến chỗ hiệu thực phẩm mà lĩnh, sẽ gây được ấn tượng tốt để sau này còn có thể mua chịu nhiều hơn. Martin miễn cưỡng chịu trả hết nợ cho lão chủ hiệu thực phẩm, và lĩnh về đầy một túi tiền đồng rủng rỉnh. Gã cũng thanh toán hết những món nợ khác, chuộc lại bộ quần áo và cái xe đạp, trả nốt tiền thuê máy chữ, trả Maria tiền phòng một tháng còn chịu lại và trả thêm một tháng trước. Như vậy trong túi chỉ còn lại gần ba đô la để phòng tiêu vào những món bất chợt cần đến.

Số tiền nhỏ bé này, bản thân nó, dường như là cả một gia tài. Chuộc được quần áo về, gã đến thăm Ruth liền. Và trên đường đi gã không thể nào ngăn được mình không lắc lắc nắm tiền ít ỏi rủng rỉnh trong túi. Đã lâu lắm gã không có tiền, nên cũng giống một người sắp chết đói được cứu cho ăn, mắt không thể nào rời khỏi đĩa thức ăn chưa ăn hết, tay gã không thể rời khỏi mấy đồng tiền. Gã không phải là người ti tiện, cũng không phải là người keo bẩn, nhưng tiền đối với gã còn có ý nghĩa hơn là con số những đồng đô la, đồng xu ấy. Nó có nghĩa là sự thành công và mỗi con đại bàng 1 khắc trên những đồng tiền đối với gã là một vị thần chiến thắng 2 có cánh.

Bất giác, gã thấy cuộc đời thật là tốt đẹp. Chắc chắn là đối với gã nó đẹp hơn lên. Bao tuần nay, cuộc đời thật ảm đảm, buồn nản, nhưng bây giờ nợ nần trả gần hết, trong túi vẫn còn rủng rỉnh ba đô la, và trong tâm trí thì có ý thức rõ rệt về sự thành công: mặt trời chiếu sáng rực rỡ, ấm áp và ngay một trận mưa rào có bất ngờ đổ xuống làm ướt sạch những người khách bộ hành không chuẩn bị thì đối với gã, vẫn cứ là vui. Khi gã từng đói, gã nghĩ tới hàng ngàn hàng vạn những người mà gã biết cũng đang chết đói dở trên khắp thế gian này. Nhưng bây giờ, gã no rồi, cảnh hàng ngàn người đang chết đói không còn đậm nét trong trí óc gã nữa. Gã quên họ, và vì gã đang yêu, gã chỉ nhớ đến những người đang yêu nhiều không kể xiết trên trái đất này. Không chú tâm suy nghĩ về nó, nhưng những đề tài cho những bản tình ca lại bắt đầu xáo động trí óc gã. Bị cuốn đi trong sự thôi thúc sáng tạo ấy, gã đi quá mất hai quãng đường mới nhẩy xuống xe điện mà vẫn không cảm thấy bực bội gì.

Đến nhà ông Morse, gã thấy đã có một số người ở đó. Có hai người chị em họ của Ruth từ San Rafael về chơi. Bà Morse lấy cớ đón tiếp họ đã mời nhiều nam nữ thanh niên quây quanh Ruth, cốt để thực hiện kế hoạch của mình. Chiến dịch được bắt đầu ngay trong thời gian Martin lại bắt buộc không thể đến được, và bây giờ nó đang tiến triển mạnh. Bà Morse chủ trương chỉ mời những người đã có nghề nghiệp chức vụ trong tay. Vì thế, ngoài hai cô chị em họ của nàng, Dorothy và Florence, Martin còn gặp hai vị giáo sư đại học, một là giáo sư tiếng La tinh, một là giáo sư tiếng Anh. Một sĩ quan trẻ tuổi vừa ở Philippin về, bạn học cũ của Ruth; một anh chàng hãy còn trẻ tên là Melville, thư ký riêng của Joseph Perkins, giám đốc một ngân hàng tín dụng lớn ở San Francisco, và đặc biệt có một anh chàng là thủ quĩ một nhà băng tên là Charley Hapgood, một gã vui vẻ trẻ trung, tuổi ba mươi nhăm, tốt nghiệp ở trường Đại học Stanford, hội viên câu lạc bộ Nile và câu lạc bộ Thống Nhất, và là một diễn giả bảo thủ của Đảng cộng hoà trong các dịp tranh cử, tóm lại đúng là một anh chàng đang lên về mọi phương diện. Về phía nữ thì có một họa sĩ chuyên vẽ chân dung, một nhạc sĩ nhà nghề, và một người đã đỗ tiến sĩ xã hội học, nổi tiếng khắp vùng về cái tổ chức xã hội của chị ta trong những khu xóm nhà ổ chuột ở San Francisco. Thực ra, trong kế hoạch của bà Morse, các vị khách nữ không đóng một vai trò quan trọng lắm. Cùng lắm thì họ cũng chỉ là những vai phụ cần thiết. Những người đàn ông có nghề nghiệp chức vụ, nhất thiết phải được thu hút đến cái nhà này.

"Lúc nói chuyện thì anh đừng nổi nóng đấy," Ruth dặn dò gã trước khi bắt đầu cái công việc nặng nề giới thiệu gã với mọi người.

Bị ám ảnh bởi ý nghĩ mình vụng về, nhất là đôi vai cứ quen cái thói chực va vào cái nọ hích vào cái kia làm đổ vỡ lung tung, nên lúc đầu gã cảm thấy ngượng nghịu, người cứ cứng đơ. Hơn nữa, đám đông làm cho gã lúng túng. Gã chưa bao giờ giao tiếp với những người thượng lưu thanh lịch mà nhất lại đông như thế này, Melville, anh chàng thủ quĩ nhà ngân hàng, thu hút tâm trí gã, và gã quyết định hễ có dịp là tìm hiểu anh chàng này đầu tiên. Bởi vì đằng sau sự sợ hãi của gã, có ẩn một bản ngã tự tin. Gã cảm thấy sự thôi thúc muốn đem mình ra đọ với những người đàn ông đàn bà ngồi kia để xem họ đã học được những gì mà gã chưa học được trong sách vở và trong cuộc đời.

Ruth lúc lúc lại đưa mắt nhìn gã ra sao. Nàng ngạc nhiên và vui sướng thấy gã làm quen một cách thoải mái dễ dàng với Dorothy và Florence. Chắc chắn là gã không bị kích động vì khi đã ngồi xuống, gã không còn phải băn khoăn gì về đôi vai của mình nữa. Ruth biết Dorothy và Florence là những cô gái thông minh, linh lợi nhưng chỉ hời hợt nông cạn; và nàng hầu như không hiểu được lời họ khen ngợi gã, đêm hôm ấy khi đi ngủ. Nhưng về phía Martin, gã vốn là một tay thông minh dí dỏm đối với những người trong tầng lớp gã, ăn nói lém lỉnh có duyên hay pha trò trong những cuộc khiêu vũ và những buổi đi chơi ngày chủ nhật, gã thấy cái việc bông đùa, tranh luận nhẹ nhàng trong đám thượng lưu này cũng không có gì là khó khăn cả. Buổi tối hôm ấy, sự thành công đã đứng sau lưng gã, vỗ vai gã, nói cho gã hay gã đang đi trên con đường thắng lợi, gã có thể cười, làm cho người ta cười mà vẫn không việc gì phải ngượng ngập.

Một lát sau, nỗi lo lắng của Ruth tỏ ra là đúng. Martin và giáo sư Caldwell cùng ngồi nói chuyện với nhau ở một góc phòng rất dễ nhìn thấy, và tuy Martin không hoa tay múa chân, nhưng dưới con mắt khắt khe của nàng thì hình như gã đã cho phép mắt của gã long lên, quắc lên nhiều quá, gã nói nhanh quá, sôi nổi quá, nóng nẩy quá, và đã để áu dồn lên mặt đỏ quá. Gã không còn giữ được vẻ lịch sự, mất cả bình tĩnh, trông gã thật trái ngược với vị giáo sư tiếng Anh trẻ tuổi mà gã đang nói chuyện.

Nhưng Martin thì hoàn toàn không để ý đến những cái bề ngoài ấy. Gã nhận thấy rất nhanh giáo sư Caldwell là người có một bộ óc được rèn luyện và gã đánh giá cao sự hiểu biết của ông ta. Còn giáo sư Caldwell thì chưa nhận thấy hết được quan niệm của Martin về một giáo sư tiếng Anh bình thường là thế nào. Martin muốn ông ta nói về nghề nghiệp chuyên môn của mình, và tuy lúc đầu ông ta có ý không bằng lòng, nhưng rồi sau gã cũng đã làm được cho ông ta phải nói đến. Bởi vì gã thấy không có lý do gì người ta lại không nói đến chuyện nghề nghiệp chuyên môn.

Mấy tuần trước đây, đã có lần gã tranh luận với Ruth về vấn đề này: "Phản đối nói chuyện về nghề nghiệp chuyên môn thì thật là không đúng, thật là vô lý. Còn có lý do gì nữa ở dưới ánh mặt trời này để cho đàn ông đàn bà gặp nhau nếu không phải là để trao đổi những điều mà người ta hiểu biết cặn kẽ nhất. Và những điều hiểu biết cặn kẽ nhất chỉ có thể có được ở những công việc mà người ta thích thú, ở công việc nhờ nó người ta sinh sống, ở công việc chuyên môn mà đêm ngày người ta phải suy nghĩ và cả ước mơ nữa. Thử tưởng tượng ông Butler muốn sống cho thật đúng phép lịch sự xã giao, lúc nào cũng nói đến quan điểm của mình về Paul Verlaine 3 , về bi kịch Đức, hoặc tiểu thuyết của D�Annunzio 4 . Như thế thì chán ngấy đến chết mất. Anh chẳng hạn, nếu có phải nghe ông Butler nói chuyện thì anh thích được nghe ông ấy nói về luật pháp hơn. Đó là cái mà ông ấy hiểu biết cặn kẽ nhất. Đời ngắn lắm và anh muốn được biết tất cả những điều hiểu biết cặn kẽ nhất ở từng người đàn ông đàn bà anh gặp."

Và Ruth đã phản đối: "Nhưng có những vấn đề chung cho tất cả mọi người."

"Đấy, em lầm rồi." Gã nói ngay. "Tất cả mọi người trong xã hội, tất cả mọi tập đoàn trong xã hội - hay nói cho đúng hơn, hầu hết mọi người, mọi tập đoàn - đều bắt chước những kẻ hơn mình - Mà những kẻ hơn mình nhất là ai? Là những bọn vô công rồi nghề, những bọn vô công rồi nghề lắm tiền nhiều của. Thói thường, bọn họ có biết gì về những cái mà chỉ có những người lao động mới biết được. Nghe nói chuyện với những cái đó sẽ chán, do đó bọn vô công rồi nghề mới quy định cho những cái đó là chuyện nghề nghiệp chuyên môn không được nói đến. Và những cái mà họ cho không phải là chuyện nghề nghiệp chuyên môn có thể nói với nhau được là những vở nhạc kịch mới nhất, những cuốn tiểu thuyết mới nhất, chuyện đánh bài, chuyện đánh bi-a, chuyện uống rượu, chuyện ô-tô, chuyện đua ngựa, chuyện câu cá hồi, chuyện câu cá ngừ, chuyện đi săn, chuyện đi thuyền buồm vân vân và vân vân... em thấy không. Những cái đó là những cái mà bọn vô công rồi nghề hiểu biết. Nói cho thật đúng, những cái đó chẳng phải là chuyện nghề nghiệp chuyên môn của bọn vô công rồi nghề đó sao. Khôi hài là ở chỗ, nhiều người thông minh và tất cả những người làm ra vẻ là mình thông minh lại cứ chịu để cho bọn vô công rồi nghề bắt phải tuân theo cái luật lệ ấy. Còn anh, anh muốn được biết những cái gì mà một người hiểu biết cặn kẽ nhất, cái đó muốn cho nó là tầm thường hay gì nữa, tuỳ em."

Ruth không hiểu gã. Cuộc tấn công này của gã vào cái chính thống đối với nàng dường như là những ý kiến hết sức ngang bướng.

Thế là Martin đã làm cho giáo sư Caldwell chịu lây cái sôi nổi của gã sang; bắt ông ta phải nói lên ý kiến của mình. Khi Ruth đứng lại bên cạnh hai người, nàng nghe thấy Martin nói:

"Chắc chắn là giáo sư không phát biểu những tà thuyết ấy ở trường Đại học California chứ?"

Giáo sư Caldwell nhún vai: "Ông biết đấy, đây là truyện ngụ ngôn người nộp thuế chân thực và nhà chính trị! Sacramento 5cấp cho chúng tôi kinh phí, vì thế chúng tôi phải quỵ luỵ Sacramento, quỵ luỵ cả Hội đồng giáo sư, cả báo đảng hay là báo của cả hai đảng."

"Vâng, rõ rồi; nhưng còn chính giáo sư thì sao?" Martin hỏi dồn. "Ngài hẳn như một con cá mắc cạn."

"Tôi nghĩ rằng có rất ít người như tôi trong cái ao tù của trường Đại học. Nhiều khi tôi cho rằng chắc chắn mình đã bị mắc cạn, và tôi thấy tôi phải ở Paris, ở phố Grub, trong hang của một ẩn sĩ, hay đi lang thang đây đó với đoàn người bôhêmiêng buồn bã man dại nào đó, uống rượu vang đỏ - mà ở San Francisco, người ta khinh bỉ gọi là rượu của bọn người Dago - ăn ở những quán ăn rẻ tiền ở xóm La tinh, và trình bày một cách rất om sòm những quan điểm cấp tiến của mình về mọi vấn đề về sáng tạo thì mới đúng. Thực vậy, luôn luôn tôi hầu như tin rằng tôi sinh ra để là một người cấp tiến. Nhưng còn có nhiều vấn đề mà tôi chưa nắm chắc. Tôi tỏ ra rụt rè khi đứng trước sự yếu đuối của bản thân; nó đã luôn luôn ngăn không cho tôi nắm hết những yếu tố của bất cứ một vấn đề nào - những vấn đề lớn của con người, những vấn đề quan trọng, ông biết đấy."

Trong khi giáo sư Caldwell nói, Martin chợt thấy môi mình mấp máy hát những lời trong "Bài ca mậu dịch phong."

Ta thổi mạnh nhất lúc giữa trưa;

Nhưng dưới ánh trăng

Ta làm cho

Rốn buồn cứng đơ.