Chương 31: Chương 26 Part 1

CHƯƠNG 26

Sáng hôm đó, Martin Eden không đi tìm việc. Mãi đến gần chiều gã mới dứt cơn mê sảng, gã đưa cặp mắt nhức nhối nhìn quanh phòng. Mary, một đứa trong lũ con của Maria Silva lên tám tuổi, đang ngồi trông nom gã; thấy gã hồi tỉnh lại, nó rú lên. Maria đang ở bếp vội chạy vào. Chị đặt bàn tay đầy chai lên trán nóng rừng rực của gã và bắt mạch.

"Cậu muốn ăn không?" Chị hỏi.

Gã lắc đầu. Gã không thấy thèm ăn chút nào, và gã tự hỏi trong đời gã có lúc nào gã thấy đói không.

"Tôi ốm, chị Maria ạ." Tiếng gã nói yếu ớt. "Bệnh gì thế nhỉ? Chị có biết không?"

"Cúm đấy!" Maria trả lời. "Chỉ một, hai ngày rồi lại khoẻ thôi. Bây giờ đừng ăn thì hơn. Rồi tha hồ ăn, có thể là mai sẽ ăn được."

Martin không quen với ốm đau, khi Maria và cháu nhỏ ra khỏi phòng, gã cố gượng dậy mặc quần áo. Với một ý chí mãnh liệt, tuy đầu óc vẫn còn choáng váng, mắt vẫn còn nhức nhối không mở ra được, gã cố lê ra giường chỉ để đứng chết lặng đi bên bàn làm việc, giác quan như tê liệt. Nửa giờ sau, gã cố quay được về giường, và gã đành phải nằm xuống, nhắm nghiền mắt lại, phân tích bệnh trạng của mình và những cơn đau khắp mình mẩy. Lúc lúc, Maria lại vào để thay cái khăn đắp nước lạnh trên trán gã. Còn chị để cho gã nằm yên, khéo léo không hỏi chuyện, sợ làm gã bực dọc. Điều đó làm cho Martin cảm động, thầm biết ơn và gã khẽ nói một mình: "Maria, chị sẽ có một trại bò sữa, chắc chắn là có, chắc chắn như vậy."

Rồi gã nhớ lại tất cả cái quá khứ ngày hôm qua đã bị chôn vùi từ lâu. Hình như có cả một quãng đời đã trôi qua từ lúc gã nhận được bức thư của tờ Xuyên lục địa nguyệt san: cả một quãng đời đã trôi qua từ lúc mọi chuyện thế là kết thúc và một trang mới đã mở ra. Gã đã dốc sức, dốc hết sức và bây giờ thì gã bị gục, nằm xuống ở đây. Nếu gã không tự để mình chết đói, thì bệnh cúm đã chẳng có thể tấn công được gã thế này. Gã đã bị đánh gục và không còn đủ sức mạnh để đẩy lùi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Kết quả là như thế này đây.

"Viết sách chứa đầy một thư viện để rồi mà chết thì phỏng được cái lợi gì?" Gã hỏi to. "Đấy không phải là chỗ đứng của ta. Ta không dính vào chuyện văn chương nữa. Chỗ của ta là phòng kế toán, là sổ sách chi thu, là đồng lương hàng tháng và một căn nhà nhỏ với Ruth."

Hai hôm sau, sau khi ăn hết một quả trứng, hai khoanh bánh nướng và uống một tách trà, gã đòi Maria cho xem thư từ của gã, nhưng mắt gã còn đau quá chưa thể đọc được.

"Chị đọc dùm tôi, chị Maria," gã nói. "Đừng đọc những bức thư lớn, dày. Vứt chúng xuống gầm bàn ấy, chị đọc những bức nhỏ thôi."

"Tôi không biết đọc. Cháu Teresa, nó đi học, nó đọc được đấy."

Và thế là Teresa Silva, con bé chín tuổi, mở những bức thư ra và đọc cho gã nghe. Gã lơ đãng nghe bức thư đòi nợ dài dằng dặc của hiệu cho thuê máy chữ, óc gã còn đương bàn phương tính kế kiếm việc làm. Bỗng gã tỉnh hẳn người.

"Chúng tôi xin trả 40 đô la tiền nhuận bút về chuyện đăng nhiều kỳ của ông." Cháu Teresa đánh vần, đọc thong thả, "với điều kiện là ông cho phép sửa một vài đoạn mà chúng tôi đề nghị."

"Tạp chí nào thế?" Martin hét to. "Đưa cho chú xem nào?"

Bây giờ mắt gã có thể nhìn để đọc, gã không thấy lúc đọc nó vẫn đau nhức nhối. Tờ "Con chuột bạch" đã đề nghị trả gã 40 đô la, và truyện ngắn đó là "Cơn lốc," một trong những truyện rùng rợn đầu tay của gã. Gã đọc đi đọc lại bức thư. Người chủ bút nói thẳng cho gã biết là gã xử lý đề tài chưa tốt lắm, nhưng chính do đề tài của truyện mà họ ưng mua, vì nó độc đáo. Nếu gã đồng ý cho cắt bớt một phần ba, họ sẽ nhận đăng và gửi trả gã ngay 40 đô la khi nhận được thư trả lời.

Gã đòi lấy bút và mực, trả lời người chủ bút rằng nếu muốn, ông ta có thể cắt cả ba phần ba đi cũng được và đề nghị gửi ngay số tiền 40 đô la.

Khi Teresa đã đem bỏ thư vào thùng, Martin lại nằm xuống suy nghĩ: "Vậy cuối cùng cũng không phải là một điều dối trá." Tờ "Con chuột bạch" trả tiền ngay khi nhận đăng. Truyện "Cơn lốc" dài ba nghìn từ, cắt đi một phần ba, còn lại hai ngàn. Trả bốn mươi đô la, như vậy là hai xu một từ. Trả tiền ngay và hai xu một từ, những tờ báo hàng ngày đã nói thật. Thế mà trước gã vẫn cứ nghĩ tờ "Con chuột bạch" là thuộc loại báo hạng ba. Đúng là gã chưa hiểu nhiều về các tạp chí. Gã vẫn cứ cho tờ Xuyên lục địa nguyệt san là tạp chí loại nhất, ấy thế mà nó chỉ trả gã mười từ một xu. Gã vẫn liệt tờ "Con chuột bạch," vào loại xoàng, nó lại trả gã gấp hai mươi lần hơn tờ Xuyên lục địa nguyệt san, mà lại trả tiền ngay khi nhận đăng.

Ờ, có một điều chắc chắn là khi khỏi gã sẽ không đi kiếm việc nữa. Trong óc gã còn nhiều truyện hay chẳng kém gì "Cơn lốc"; cứ tính 40 đô la một truyện, gã có thể kiếm được nhiều tiền hơn bất cứ một công việc hay một chức vụ nào khác. Đúng vào lúc gã nghĩ cuộc chiến đấu đã thất bại thì nó lại thắng lợi. Gã đã được thử thách và thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Đường đi đã rõ ràng. Bắt đầu bằng tờ "Con chuột bạch," rồi đây, ngày càng có nhiều tạp chí được xếp vào danh sách những người đỡ đầu của gã. Gã sẽ thôi không viết những bài lặt vặt nữa. Nó chí làm mất thì giờ vì chẳng mang lại cho gã được đồng nào. Gã sẽ dốc hết tâm lực để làm việc, viết những tác phẩm tốt, viết ra tất cả những gì hay nhất chứa chất trong trí óc. Gã mong giá có Ruth ở đây lúc này để cùng chia sẻ niềm vui; và khi gã giở hết tập thư còn lại ở trên giường, gã thấy có một bức thư của nàng. Nàng trách gã một cách nhẹ nhàng, không hiểu có cái gì đã làm gã xa nàng một thời gian dài ghê gớm như thế. Gã âu yếm đọc đi đọc lại bức thư, ngắm nhìn nét chữ của nàng, yêu từng nét viết của nàng và, cuối cùng hôn lên chữ ký.

Khi gã viết thư trả lời, không giữ gìn ý tứ gì, gã nói cho nàng biết là đã lâu lắm gã không dám đến gặp nàng vì bộ quần áo sang trọng nhất của gã, đã bị đem cầm. Gã cũng kể cho nàng biết gã bị ốm nhưng hiện nay đã gần khỏi và chỉ trong khoảng mươi ngày hay hai tuần lễ (khoảng thời gian từ lúc gã gửi thư đi New York City đến lúc có thư trả lời) gã sẽ chuộc lại quần áo và đến thăm nàng.

Nhưng Ruth không muốn phải đợi đến mươi ngày hay hai tuần lễ. Hơn nữa, người yêu của nàng lại đang ốm. Chiều hôm sau, có Arthur đi kèm, nàng đến thăm gã bằng xe ngựa riêng của gia đình; lũ con nhà Silvas và bầy trẻ ở phố thích quá, còn Maria thì ngạc nhiên quá đỗi. Chị bợp tai lũ con cái cứ đứng vây chặt lấy hai người khách lạ ở chỗ cổng đằng trước hẹp tanh tanh, và bằng một thứ tiếng Anh nói sai kinh khủng hơn lúc thường, chị cứ xin lỗi đi xin lỗi lại mãi vì cái bề ngoài của chị. Tay áo vén ngược lên, chỗ cánh tay để trần toàn bọt xà phòng, một mảnh khố tải ướt buộc ngang lưng nói lên rất rõ công việc chị đang làm trước mặt hai người trẻ tuổi sang trọng đến hỏi người ở trọ nhà chị, chị quên cả mời họ ngồi xuống trong cái phòng khách nhỏ xíu của chị. Muốn vào phòng Martin, họ phải đi qua nhà bếp nóng rừng rực, ẩm ướt, hơi bốc mù mịt vì đang giặt giũ ngổn ngang. Martin trong lúc hối hả đem đóng ập cánh cửa buồng và cánh cửa tủ vào với nhau, và trong năm phút đồng hồ qua cánh cửa để mở, hơi nước, mùi xà phòng, mùi rác rưởi ùa vào phòng người ốm.

Ruth khéo lách mình sang phải, sang trái rồi lại sang phải, đi dọc theo cái quãng chật hẹp giữa bàn và giường đến bên Martin. Nhưng Arthur thì hết va cái nọ lại chạm vào cái kia, đụng vào những xoong, chảo kêu loảng xoảng ở góc phòng nơi Martin nấu nướng. Arthur không ở lại lâu trong phòng. Ruth đã ngồi xuống cái ghế độc nhất rồi. Sau khi làm xong nhiệm vụ của mình, anh ta bước ra ngoài, đứng ở cửa giữa, bảy đứa con nhà Silva đang trầm trồ nhìn anh ta như nhìn một cái gì kỳ lạ lắm trong đám xiếc. Bọn trẻ con hàng phố thì vây quanh cái xe ngựa, nóng lòng đợi chờ một cái gì thê thảm khủng khiếp sắp xẩy ra. Xe ngựa chỉ đến phố chúng nó vào những dịp có đám cưới hay đám tang, ở đây chẳng có cưới mà cũng chẳng có tang, thế thì hẳn có chuyện gì hay ho đặc biệt lắm, đáng mất công chờ xem.

Martin sung sướng điên người khi được gặp Ruth. Bản chất gã là một người khao khát tình yêu, gã giàu tình cảm hơn bất cứ một người bình thường nào. Gã thèm khát tình cảm, đối với gã, tình cảm là sự cảm thông về tinh thần, nhưng gã vẫn chưa thấy rõ tình cảm của Ruth chỉ là đa cảm, chỉ là lịch thiệp xuất phát từ bản chất dịu dàng nhiều hơn từ sự hiểu biết thấu đáo đối tượng nàng yêu. Vì thế khi Martin cầm tay nàng sung sướng trò chuyện thì tình yêu của nàng đối với gã đã thúc giục nàng nắm lấy tay gã, mắt nàng rưng rưng và ánh lên khi nhìn thấy cảnh thiếu thốn của gã, những dấu vết của chịu đựng hằn trên khuôn mặt gã.

Nhưng khi gã kể lại cho nàng nghe về hai bức thư nhận đăng bài, về nỗi thất vọng của gã khi nhận được thư của tờ "Xuyên lục địa nguyệt san" và nỗi vui sướng đổi lại khi nhận được thư của tờ "Con chuột bạch" thì nàng không để ý nghe. Nàng nghe rõ những lời gã nói, và hiểu nghĩa từng từ, nhưng nàng không cùng chia sẻ với gã niềm thất vọng cũng như niềm vui sướng. Nàng không thể nào thoát ra khỏi con người mình được. Nàng không để tâm gì đến việc bán tác phẩm cho các tạp chí. Hôn nhân mới là điều quan trọng đối với nàng. Tuy nhiên, chính nàng cũng không nhận thức thấy điều đó cũng như nàng không nhận thức thấy lòng mong muốn Martin có một chức vụ chính là sự thôi thúc bản năng chuẩn bị làm mẹ. Nếu có ai nói thẳng, nói rõ ra thì hẳn nàng sẽ đỏ mặt, rồi có thể sẽ phẫn nộ và cãi lại rằng điều quan tâm duy nhất của nàng là người mà nàng yêu, và nàng chỉ ao ước sao cho người đó phát huy hết tài năng. Vì thế trong khi Martin thổ lộ nỗi lòng, hân hoan với thắng lợi đầu tiên mà những tác phẩm chọn lọc của gã đã được tiếp nhận cuộc đời thì nàng chỉ để ý tới những từ trần trụi, lúc lúc lại đưa mắt nhìn quanh căn phòng, phát kinh lên vì những cái nàng nhìn thấy.

Lần đầu tiên Ruth nhìn rõ bộ mặt nhớp nhúa của nghèo khổ. Đối với nàng, những người tình đói khổ hình như bao giờ cũng lãng mạn, nhưng những người tình đói khổ ấy sống ra sao thì thật nàng không có một ý niệm nào cả. Nàng chưa bao giờ tưởng tượng được nó lại có thể như thế này. Nàng cứ đưa mắt nhìn từ căn phòng đến gã rồi lại từ gã tới căn phòng. Mùi quần áo bẩn bốc hơi theo nàng từ bếp vào thật buồn nôn. Nàng cho rằng nếu con mụ gớm ghiếc kia mà cứ giặt liên miên, thì nhất định cái mùi ấy phải thấm vào da thịt Martin, sự lây lan của sa đọa là thế đấy. Khi nhìn Martin, nàng tưởng như nhìn thấy tất cả những cái bẩn thỉu của mọi vật chung quanh in vết lên người gã. Chưa bao giờ nàng thấy gã, lúc chưa cạo mặt: râu ria gã lởm chởm ba ngày chưa cạo, làm nàng phát tởm. Không những nó làm cho gã trông tối tăm bẩn thỉu chẳng khác gì căn nhà của mụ Silva, bẩn từ ngoài vào trong mà như còn làm lộ rõ sức mạnh thú vật của gã, cái mà nàng không thích. Và giờ đây, vững tâm trong sự điên rồ của mình vì hai bức thư nhận đăng bài mà gã rất kiêu hãnh kể cho nàng nghe. Giá nó chỉ đến chậm ít lâu nữa thì gã đã phải đầu hàng và đi làm. Bây giờ thì gã vẫn cứ tiếp tục sống trong cái nhà kinh khiếp này, viết lách và chết đói dần thêm vài tháng nữa.

"Mùi gì thế nhỉ?" Nàng bỗng hỏi.

"Chắc là mùi quần áo giặt của chị Maria đấy, anh quen với những mùi ấy lắm rồi."

"Không, không, không phải mùi ấy. Mùi gì khác cơ. Mùi mốc buồn nôn lắm, ôi thối, tởm lợm!"

Martin hít hít không khí trước khi trả lời.

"Anh chả ngửi thấy mùi gì khác cả, chỉ có mùi khói thuốc lá mốc thôi."

"Đúng rồi, kinh quá. Tại sao anh hút nhiều thế, Martin?"

"Anh cũng chẳng hiểu tại sao, có điều là lúc nào có một mình anh lại càng hút nhiều. Đó cũng là một thói quen từ lâu, từ ngày anh còn ít tuổi."

"Thói quen ấy chẳng hay ho gì, anh biết đấy. Ngửi mùi kinh lắm."

"Đấy là tại thuốc. Anh chỉ có thể mua loại rẻ tiền nhất. Để đến khi nào lĩnh cái ngân phiếu 40 đô la, anh sẽ hút loại thuốc mà ngay cả đến tiền ngửi cũng thấy dễ chịu. Nhưng cứ kể trong ba ngày mà nhận được hai bức thư liền thế này thì cũng không phải là tồi em nhỉ? Với bốn mươi nhăm đô la này, đủ để anh trả hết nợ."

"Công hai năm trời làm việc?" Nàng hỏi.

"Không, không đầy một tuần lễ. Em làm ơn đưa cho anh quyển sách ở góc bàn đằng kia, quyển sổ ghi bìa xám ấy." Anh mở sổ ra và ghi nhanh, "Đúng, anh nói đúng: "Tiếng chuông" bốn ngày, "Cơn lốc" hai ngày. Làm việc một tuần lễ được bốn mươi đô la; một tháng một trăm tám mươi đô la. Nó vượt mọi số lương anh có thể kiếm được. Hơn nữa, đây cũng mới chỉ là bắt đầu. Rồi đây, một ngàn đô la mỗi tháng để mua cho em tất cả những cái mà anh muốn em có cũng không phải là quá nhiều. Lương năm trăm đô la một tháng sẽ là quá ít. Bốn mươi nhăm đô la này chỉ là bước khởi động. Em hãy đợi anh ổn định. Rồi em sẽ thấy "khói" của anh."