CHƯƠNG 18
Sáng thứ hai, thấy chiếc xe đầu tiên chất đầy quần áo đến chỗ máy giặt, Joe rên lên.
"Tớ đã bảo mà," anh ta nói.
"Đừng nói với tớ làm gì," Martin càu nhàu.
"Joe, xin lỗi cậu," Martin nói, khi hai người ngừng việc để đi ăn trưa.
Joe long lanh nước mắt.
"Không hề gì đâu, bạn ạ," anh ta nói. "Chúng ta đang sống trong một cái địa ngục, chúng ta không thể kìm được mình. Cậu biết đấy, tớ mến cậu lắm. Vì thế nên tớ mới buồn. Ngay từ lúc đầu, tớ đã có cảm tình với cậu rồi."
Martin, lắc lắc tay Joe.
"Thôi, bỏ mẹ nó đi," Joe gợi ý. "Bỏ mẹ cái nghề này để đi lang thang. Tớ cũng chưa thử làm cái nghề ấy bao giờ, nhưng chắc phải dễ chịu lắm. Chả phải làm gì. Cậu cứ nghĩ mà xem, chả phải làm gì. Đã có lần tớ bị ốm thương hàn trong bệnh viện. Thật là tuyệt, tớ chỉ mong lại ốm lần nữa."
Tuần lễ trôi qua. Khách sạn đông nghìn nghịt, "những bộ đồ cầu kì" ngoại lệ thường ùn ùn đổ vào đầu họ. Họ phải đem hết sức dũng cảm ra mà làm. Đêm đêm, họ phải chiến đấu đến tận khuya, dưới ánh đèn điện, ăn vội ăn vàng và ngay trước khi ăn sáng cũng phải tranh thủ làm nửa tiếng. Martin không tắm nước lạnh nữa. Bất cứ lúc nào cũng là làm, làm, làm. Joe như một mục đồng lành nghề chăn dắt thời gian, rất cẩn thận, không để mất một giây phút nào, chi li như một anh hà tiện đếm tiền vàng, làm việc như điên cuồng, một cái máy lên cơn sốt, được một cái máy khác giúp đỡ. Cái máy này xưa kia đã có lần nghĩ rằng nó là Martin Eden - một con người.
Nhưng thực ra Martin hiếm có thì giờ để nghĩ. Căn nhà của tư tưởng đã khóa chặt, cửa sổ đã đóng kín, gã chỉ còn là cái bóng người coi nhà. Gã là một cái bóng, Joe có lý. Cả hai đều là những cái bóng và nơi đây là địa ngục của lao khổ khốn cùng. Hay phải chăng đây là một ác mộng? Đôi lúc, trong sức nóng sôi réo, bốc hơi lên, khi gã đưa đi đưa lại những chiếc bàn là nặng nề trên những bộ quần áo trắng, gã thấy rằng đây thực là một giấc mộng. Trong một thời gian ngắn ngủi thôi, hay là phải hàng năm, gã mới trở dậy trong căn phòng nhỏ hẹp của mình, với chiếc bàn giấy mực, và lại tiếp tục viết đoạn gã đã bỏ dở hôm trước. Hay có thể đó chỉ là một giấc mộng, và tỉnh dậy chỉ là để đổi phiên canh, từ cái phản gỗ trong hầm ngủ, gã sẽ nhẩy xuống, bước lên boong tàu dưới trời sao miền nhiệt đới để bẻ bánh lái, để cảm thấy luồng gió mậu dịch mát rượi thấm vào da thịt.
Thứ bẩy, cái chiến thắng rỗng tuếch lại tới vào lúc ba giờ chiều.
"Tớ phải xuống phố làm một cốc bia." Joe nói với giọng đều đều, kỳ lạ, nó đánh giá sự ngã gục cuối tuần của anh ta.
Martin dường như bừng tỉnh dậy. Gã mang hộp đồ chữa xe ra, cho dầu vào trục bánh và xích, vặn lại cái ốc. Joe đi được nửa đường xuống quán rượu, thì Martin đạp xe qua; gã cúi rạp mình trên ghi đông, chân đạp mạnh đều đều trên cái vòng đĩa chín mươi sáu răng, mặt căng ra để chuẩn bị cho con đường dài bảy mươi dặm, lên dốc xuống đèo, đầy bụi bặm. Đêm đó gã ngủ lại ở Oakland và sáng chủ nhật lại đạp bảy mươi dặm trở về. Và đến sáng thứ hai, mệt mỏi, gã bắt đầu công việc của tuần lễ mới, nhưng gã đã không uống rượu.
Tuần lễ thứ năm trôi qua, rồi tuần lễ thứ sáu, trong suốt thời gian đó, gã đã sống và làm việc như một cái máy, với tia lửa của một cái gì trong con người gã, chỉ một mảnh tâm hồn le lói, nó đã buộc gã cứ đến cuối tuần là phải đạp một trăm bốn mươi dặm đường. Nhưng đó không phải là nghỉ ngơi. Sống như thế không khác gì cái máy, nó chỉ làm tắt đi nốt cái mảnh tâm hồn le lói, cái duy nhất còn lại của cuộc sống trước đây của gã. Cuối tuần thứ bảy, không định tâm nhưng quá yếu ớt không cưỡng lại nổi, gã đã lê bước xuống phố cùng Joe để nhận chìm cuộc đời và lại tìm cuộc đời cho đến sáng thứ hai.
Và rồi, cứ đến cuối tuần gã lại đạp một trăm bốn mươi dặm đường, để xóa đi sự tê bại do việc dùng sức nhiều hơn nữa. Cuối tháng thứ ba, gã lại xuống phố một lần thứ ba với Joe. Gã đã quên đi, rồi lại sống lại, và sống lại thì gã thấy rõ rằng gã đã tự biến mình thành một con vật, không phải vì rượu mà chính vì cái việc làm này. Rượu chỉ là kết quả chứ không phải là nguyên nhân. Nó đi theo công việc, không thể tránh khỏi được, cũng như ngày nối tiếp đêm. Không phải biến mình thành một con vật kéo nặng mà có thể đạt tới đỉnh cao của cuộc sống, rượu whiskey đã thì thầm vào tai gã, gã gật đầu đồng ý. Rượu whiskey khôn ngoan lắm. Nó đã thổ lộ những điều bí mật về nó.
Gã gọi lấy giấy, bút chì và gọi rượu mời tất cả mọi người; và trong khi mọi người uống chúc mừng gã, gã bám lấy cái quầy, nguệch ngoạc viết:
"Bức điện đây, Joe đọc đi," gã nói.
Joe đưa cặp mắt say mèm giễu cợt đọc. Nhưng cái mà gã đọc dường như làm cho gã tỉnh rượu. Gã nhìn Martin trách móc, nước mắt ứa ra lăn trên gò má.
"Cậu không định bỏ rơi tớ đấy chứ, Mart?" Joe hỏi, giọng thiểu não.
Martin gật đầu, và gọi một chú bé đứng vơ vẩn ở đó nhờ mang bức điện ra nhà dây thép.
"Khoan đã," Joe lẩm bẩm không thành tiếng. "Để tớ nghĩ đã."
Joe gục xuống quầy rượu, chân đu đưa, Martin vòng tay qua lưng đỡ lấy Joe trong khi anh ta nghĩ ngợi.
"Cứ ghi vào là có hai thằng thợ giặt," Joe bật nói. "Đây để tớ ghi cho."
"Cậu bỏ nghề để làm gì?" Martin hỏi.
"Cũng với những lý do như cậu thôi."
"Nhưng tớ sẽ đi biển. Cậu không đi được."
"Phải, nhưng tớ có thể đi lang thang được, được, được lắm chứ!"
Martin nhìn Joe như dò hỏi một lúc rồi kêu lên.
"Trời ơi! Tớ nghĩ rằng cậu có lý đấy, thà là một thằng ma cà bông còn hơn làm thân trâu ngựa. Chứ sao! Cậu sẽ sống, và thế còn hơn cuộc sống từ trước đến nay của cậu nhiều."
"Trước kia, đã có lần tớ ở bệnh viện," Joe chữa lại. "Thật là tuyệt. Bệnh thương hàn - Tớ đã kể cho cậu nghe rồi chứ?"
Trong khi Martin sửa bức điện thành "hai người thợ giặt" thì Joe nói tiếp.
"Hồi ở bệnh viện tớ không bao giờ muốn uống rượu. Kể cũng lạ có phải không? Nhưng khi tớ làm việc ở đây suốt tuần như một thằng nô lệ, thì thế nào tớ cũng phải uống cho say mềm. Cậu có để ý thấy bọn làm bếp cũng uống như quỷ? Và bọn làm bánh nữa? Tại công việc đấy. Nhất định họ phải uống. Này, cậu để tớ giả nửa tiền bức điện"
"Thôi để tớ giả cả."
"Nào, tất cả anh em uống đi!" Joe hô lớn, trong lúc mọi người đang lắc những con súc sắc và đổ chúng ra trên mặt quầy ẩm ướt.
Sáng thứ hai, Joe nóng lòng chờ đợi đến phát điên lên. Anh cũng chẳng để ý đến cái đầu nhức nhối của mình mà cũng chẳng thiết gì công việc nữa. Hàng bầy thời gian lẻn trốn đi và biến mất, trong khi anh mục đồng lơ đãng nhìn ánh sáng mặt trời và hàng cây bên ngoài cửa sổ.
"Cứ nhìn mà xem," anh ta kêu lên. "Tất cả của là của tớ đấy. Tự do hưởng. Tớ có thể nằm dưới hàng cây kia ngủ hàng năm nếu tớ muốn. Nào, Martin à, ta bỏ quách cái nghề này đi. Cần gì phải đợi. Bên ngoài kia, là nơi không phải làm gì cả, tớ đã có vé đây rồi, và không có vé khứ hồi, trời ơi!"
Một vài phút sau, trong khi chất những quần áo bẩn lên xe để đưa đến máy giặt, Joe nhận ra cái áo sơ-mi của lão quản lý khách sạn. Joe biết dấu của nó; một cảm giác tự do thống khoái bất chợt đến với anh, Joe vứt cái áo xuống sàn, lấy chân giẫm lên.
"Tao mong mày ở trong cái áo này, thằng đồ lợn Hà Lan." Joe hét lên. "Ở trong này, đúng ở cái chỗ chân ông đang giẫm lên đây. Này! Này! Này! Tiên sư mày! Giữ tôi lại, có ai không! Giữ tôi lại!"
Martin cười và lôi anh ta về với công việc. Tối thứ ba, những người thợ giặt mới tới, những ngày còn lại của tuần lễ được dùng để đưa họ vào việc làm thường lệ. Joe ngồi bên cạnh giảng giải cho họ cách làm của anh ta nhưng anh ta không làm nữa.
"Không làm một tí nào," Joe tuyên bố, "không làm một tí nào hết! Nếu chúng nó muốn, chúng nó cứ đuổi ông đi; đuổi ông, ông thôi ngay. Đừng hòng ông làm nữa, rất cám ơn các ngài. Việc của ông là ngồi xe hàng và nằm khểnh dưới bóng mát. Làm đi, đổ mồ hôi ra! Khi chúng mày chết thì xác chúng mày cũng rữa nát như ông thôi, mà chúng mày sống hay chết thì có ai cần gì?"
Đến chiều thứ bảy, Martin và Joe lĩnh lương, hai người cùng đi tới ngã ba đường. Joe thất vọng hỏi:
"Có lẽ tớ chẳng cần bảo cậu thay đổi ý nghĩ và cùng đi theo con đường với tớ?"
Martin lắc đầu. Gã đứng bên chiếc xe đạp, sắp sửa đi. Họ bắt tay nhau. Joe nắm lấy tay gã một phút và nói:
"Tớ sẽ còn gặp lại cậu, Martin ạ, trước khi cậu và tớ chết. Đúng thế đấy. Tớ cảm thấy như vậy tận trong xương tủy. Thôi chào cậu, Mart, chúc cậu mạnh khỏe. Cậu biết đấy, tớ yêu cậu ghê lắm."
Joe đứng lại, một bóng hình trơ trọi ở giữa đường nhìn theo cho đến khi Martin rẽ vào chỗ ngoặt và đi khuất. Joe lẩm bẩm:
"Thằng cha tốt thật. Tốt thật."
Rồi anh ta nặng nề lê bước về chỗ bể nước; sáu bảy chiếc thùng không đang nằm bên lề đường đợi chuyến xe lên.