Chương 13 : Đổng Trác vào kinh
Tiếp sau đó thì chỉ còn công việc dọn dẹp những gì còn sót lại của Hoàng Cân.
Mặt trận phía nam của Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn còn ba kẻ cứng đầu là Triệu Hoằng, Hàn Trung, Tôn Trọng. Cũng rất nhanh bị dọn dẹp sạch sẽ.
Mặt trận phía bắc của Lư Thực, sau khi lão rời đi thì rối ren hơn một chút.
Trương Lương ở Khúc Dương, sau 3 tháng bị Tào Tháo giết chết. Trương Bảo cũng rất nhanh sau đó cũng đi theo.
Còn về Hắc Sơn - Trương Yến, tuy có gây nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng cũng bị Lý Nho đốt núi giết chết. Đổng Mập cũng không chật vật như trong lịch sử, hắn có Tào Tháo hiệp trợ nên cũng được xem là khá an nhàn. (Trong lịch sử, Đổng Trác sau khi thay quyền Lư Thực, bị Trương Lương – Trương Bảo hành sml , thua liên tiếp 7 trận, bị điều thẳng về triều)
Sau loạn Hoàng Cân năm 184, số người chết thống kê được đã lên tới gần 1 triệu người, đa số là do chết đói và chiến tranh gây ra.
(Dân số của TQ trước loạn Hoàng Cân vào khoảng 56 triệu người. Sau khi thời kỳ Tam Quốc kết thúc, dân số chỉ còn hơn 20 triệu.)
Tháng 5 năm 189, Hán Linh đế qua đời, kết thúc thời kì “hòa bình” cuối cùng của Hán thất. Mở màn cho thời kỳ chiến loạn Tam Quốc kéo dài hơn 80 năm.
Ngay sau khi Linh đế băng hà, Đại tướng quân Hà Tiến vì lâu nay vẫn cay ghét lũ Thập Thường Thị, liền tập hợp một nhóm quan lại. Bàn nhau tru diệt đám hoạn quan chuyên chính này.
Viên Thiệu được giao quyền hành, dẫn 5000 tinh binh vào cung tru diệt đám hoạn quan.
Bọn Thập Thường Thị hay tin, lo sốt vó, vội vội vàng vàng trốn đi cầu xin Hà Thái Hậu cứu giúp.
Kiển Thạc chậm chân, bị người của Viên Thiệu tru diệt.
Hà Thái Hậu là em gái của Hà Tiến, cũng có chút giao tình nên nói đỡ cho đám Trương Nhượng. Hà Tiến nghe theo em gái, tha cho đám còn lại một mạng. Tuy nhiên hắn vẫn muốn được nắm quyền chấp chính, nên cũng có tính toán riêng của mình.
Hoằng Nông Vương – Lưu Biện, là con cả nên được mọi người ủng hộ bước lên vương vị kế nghiệp cha mình.
Tháng 7 năm 189, Lưu Biện lên ngôi, lấy hiệu là Hán Thiếu Đế, niên hiệu Quang Hy.
--- ---- ------------ ------
Việc làm của Hà Tiến làm cho Đổng Thái Hậu rất tức giận, nàng bèn kêu bọn Trương Nhượng vào cung hỏi kế.
Trương Nhượng mặt mày láo liên, nói nhỏ : “Bây giờ theo ý của tiện nô, nương nương .... người nào có nắm tay lớn, kẻ đó có quyền. Sao người không viết một bức mật thư cho Đổng Trác, để hắn toan tính đại sự bên ngoài.” Đổng Thái Hậu suy nghĩ chốc lát, sau đó cho cung nữ mang thư truyền đi. Nàng cũng không ngốc, lên được cái chức Hoàng Hậu Nương Nương thì chả có ai ngốc nghếch cả, nàng biết Đổng Trác có đứa con rể là Lý Nho giỏi bàn mưu lập kế, nàng định cho hắn bày mưu giúp mình.
Nói đến lão Đổng, hắn vì lập được đại công mà có người trong triều nói giúp, được lên làm chức Tây Lương Thứ Sử. Trong tay hắn có hơn 20 vạn quân Tây Lương, lòng dạ cũng không nhỏ.
Được thư của Đổng Thái Hậu hắn mừng lắm, vội vã gọi Lý Nho đến bàn bạc.
Lý Nho vuốt vuốt chòm râu dê, nói khẽ :
“Đã có lệnh của Thái Hậu, phụ thân cũng không nên từ chối nữa. Cơ hội hiếm có, nên chớp lấy ngay.”
Hắn nói tiếp : “Cũng nên sai người dâng biểu mới có thể danh chính ngôn thuận vào kinh.”
Đổng Trác vỗ bàn cười to nói : “Mưu sĩ thật là tài ba suất chúng. Vậy chuyện tấu chương, ta để cho con lo.”
Lý Nho “vâng” một tiếng, lui ra ngoài.
Vài ngày sau, Đổng Trác dâng sớ :
“Nay nghe nói trong triều lộn xộn, dân chúng oán than. Tất cả điều này là do lũ Thập Thường Thị tranh giành quyền thế, bắt nạt vua tôi trong triều. Giết rắn không nên chừa độc, nhỏ cỏ phải nhổ tận gốc. Nặn nhọt tuy đau nhưng không kéo dài, vẫn còn đỡ hơn giữ bệnh trong mình. Nay hạ thần xin phép đưa quân về lại Lạc Dương, diệt trừ bọn Thập Thường Thị cứu nguy xã tắc.” ]
Sớ của Đổng Trác được tâu lên, trong triều sôi trào. Các quan Lư Thực, Trịnh Thái khuyên can Hà Tiến. Nhưng Hà Tiến không nghe, một mực phê duyệt cho phép Đổng Trác vào triều.
Thấy khuyên can không được, Thịnh Thái, Lư Thực từ quan về nhà.
Hà Tiến lại cho người đón Đổng Trác tới Dẫn Trì (phụ cận Lạc Dương). Để cho hắn đóng quân ở đó, không được tiến thêm nữa.
Bọn Trương Nhương biết việc, tụ tập lại bàn nhau : “Đây là mưu của Hà Tiến, hắn muốn giết chúng ta. Bây giờ chúng ta đã là cá nằm trong chậu, bây giờ nếu ta không ra tay trước, sẽ bị hắn giết chết.” Sau đó, bọn chúng cho mai phục 50 tên đao phủ ở sau cung Trường Lộc, phía trong điện Gia Đức. Rồi kéo nhau vào khóc lóc cầu xin Hà Thái Hậu.
Hà Thái Hậu cho mời Hà Tiến vào cung, nàng định xin cho đám Trương Nhượng lần nữa.
Mưu sĩ dưới trướng Hà Tiến là Trần Lâm, sau khi hay tin, khuyên can Hà Tiến không nên tiến cung. Mưu của hắn đã bị lộ, nếu như bọn Thập Thường Thị cho người mai phục thì phải làm sao.
Hà Tiến cười nói “Thư này là của Hà Thái Hậu, sao có thể giả được. Ta nắm trong tay việc của toàn thiên hạ, lũ Thập Thường Thị dám động đến ta sao?”
--- ---- --- --
Vậy là Hà đại tướng quân tiến cung không chút nghĩ ngợi, hậu quả thì ai cũng biết, bị đám Thập Thường Thị bày mưu giết chết.
Hà tiến dẫn theo Viên Thiệu, Tào Tháo cùng đi vào cung. Nhưng có điều, Viên Thiêu và Tào Tháo thì ở ngoài cửa chờ , một mình Hà Tiến vào cung.
Chờ ở ngoài rất lâu mà chưa thấy Hà Tiến quay lại, trong lòng sinh nghi. Viên Thiệu bèn hô lớn : “Mời đại tướng quân lên xe trở về.”
Phía trong truyền ra : “Hà Tiến mưu phản đã bị giết chết, tất cả đám đi theo đều là tòng phạm.”
Nghe thế, Viên Thiệu nổi giận đùng đùng, thét lớn : “Bọn loạn tặc yêm đảng hoạn quan làm phản, mưu sát trọng thần triều đình, ai muốn tru diệt phản loạn, báo lên xã tắc thì đến đây.” Bộ tướng của Hà Tiến là Vương Khuông nghe thế nổi giận, đốt bay cửa Thanh Tỏa cung. Viên Thuật liền dẫn quân vào, hễ gặp hoạn quan là giết.
Trong cung đã loạn thành một bầy.
Bọn Trương Nhượng, Đoàn Khê, Tào Tiết, Hầu Lãm bốn người, ép Thái hậu, bắt lấy Thiếu Đế và Trần Lưu Vương trốn đi, chạy về cửa Bắc.
Tào Tiết dính tên, chết trong chiến loạn.
Lư Thực kịp thời xuất hiện ứng cứu, chém chết Hầu Lãm, Đoàn Khê.
Trương Nhượng bị bức bách, nhảy sông tự tử.
Hai anh em Lưu Biện, Lưu Hiệp bị lạc. Sau đó được Thôi Nghi cứu giá, đưa trở về cung.
Đổng Trác ở bên ngoài hay tin mừng lắm, cười to mấy tiếng. Sau đó phát lệnh binh tiến Lạc Dương.
Viên Thiệu , Tào Tháo cùng đám quan lại thấy được xa giá, vui mừng tiếp đón.
Vui tôi ai nấy mừng mừng tủi tủi khóc òa.
Các quan sai người chém thủ cấp đám Thập Thường Thị bêu đầu thị chúng. Sau đó chọn ngựa tốt, để vua ngự, cùng rước về kinh.
Xa giá đi chưa được vài dặm, bỗng đằng xa có tiếng trống vang đến, tinh kỳ rợp đất, bụi bay mù trời. Một đoàn binh mã đông nghịt đang kéo đến.
Bá quan thất sắc, Hoàng đế trẻ cũng sợ hãi. Tào Tháo thúc ngựa lên trước, thét lớn hỏi : “Binh mã phía trước là của ai?”
Dưới đám tinh kỳ, một tướng thúc ngựa tiến lên, lớn tiếng hỏi lại : “Thiên tử ở đâu?”
Trần Lưu Vương quất ngựa tiến ra, giọng non nớt nói : “Nhà ngươi là ai?”
Tên tướng đáp lại : “Ta là Thứ Sử Tây Lương – Đổng Trác.”
Trần Lưu Vương híp mắt, gằn giọng : “Ngươi tới cứu giá hay cướp giá ?”
Thấy Trần Lưu Vương vẻ mặt oai nghiêm, Đổng Trác có chút chột dạ : “Hạ thần đến để cứu giá.”
Trần Lưu Vương hừ lạnh, nói to : “Đã đến cứu giá, thiên tử đang ngồi ở kia, sao còn không xuống ngựa thi lễ?”
Đổng Trác sợ hãi, lật đật xuống ngựa, khấu đầu thi lễ, liên miệng tung hô “vạn tuế”.
Trần Lưu Vương lại lấy lời ngon ngọt dụ dỗ Đổng Trác. Từ đầu đến cuối, lời lẽ dễ nghe, không chút ngập ngừng lầm lỡ một tiếng nào. Đổng Trác biết đây sẽ là một vị minh chủ, trong lòng nảy sinh ý định phế đế, lập Trần Lưu Vương lên làm vua.
Loạn nhỏ qua đi, mọi chuyện lại trở về với yên bình trước kia. Điềm báo của một cơn bão sắp đến.
Một ngày, Đổng Trác hỏi Lý Nho : “Ta muốn phế đế lập Trần Lưu Vương lên làm vua, ý của con thế nào?”
Lý Nho trầm ngâm một chút, sau đó nói : “Hiện nay, triều đình vô chủ, nên thừa thời cơ mà hành sự, nếu chậm e là sẽ sinh biến. Ngày mai, cha có thể triệu tập văn võ bá quan lại để tuyên bố. Kẻ nào không nghe, chém đầu lập uy. Lấy quyền uy mà làm, như vậy mới có thể thành công.” Đổng Trác nghe vậy mừng lắm, theo lời Lý Nho làm.
Hôm sau, hắn cho mời các quan đến tham gia tửu yến.
Giữa lúc cao trào, hắn đứng lên tuyên bố : “Hôm nay ta mời các vị đến đây là muốn bàn chuyện phế đế lập Trần Lưu Vương làm vua.”
Đám quan kinh ngạc sợ hãi.
Đổng Trác cũng không để ý, hắn nói tiếp : “Người làm Vua phải có uy nghi xứng đáng, ta nhận thấy Thiếu Đế không phải là một bậc minh quân. Mà Trần Lưu Vương thì khác, ngài ấy thông minh, hiếu học, có đủ tài đức, đủ uy nghi giữ chức Quân Vương. Ý ta là vậy, các ngài thấy sao?” Các quan lại đều im lặng, không ai lên tiếng. Bỗng có một người đứng dậy, người này là Thứ Sử Kinh Châu - Đinh Nguyên. Hắn xô ghế phản đối :
“Không được! Ngươi là hạng người gì mà dám nói như thế? Thiếu đế là con trưởng của Tiên Vương, ngài ấy lên làm Vua là theo lẽ thường tình. Với lại, ngài ấy cũng không có làm ra một lỗi lầm gì cả, ngươi dám nói như vậy. Ngươi có ý gì ? Phải chăng muốn mưu đồ soán nghịch chăng?
Đổng Trác nổi giận, quát lớn : “Kẻ nào trái ý ta, sẽ không toàn mạng rời khỏi đây.”
Nói xong rút kiếm ra hung tợn nhìn Đinh Nguyên.
Lúc này một kẻ dáng dấp hiên ngang tuấn tú, tay cầm Phương Thiên Họa Kích từ sau lưng Đinh Nguyên bước ra. Vẻ mặt ngạo nghễ, nhìn về phía Đổng Trác.
Lý Nho thấy người này, biết việc lớn không tốt, bước ra giả vờ can gián : “Hôm nay đối ẩm, không nên lấy việc quốc gia đại sự ra bàn, chuyện này xin để ngày mai hãng nói.” Đổng Trác hừ lạnh, cất kiếm vào vỏ. Quay người rời đi.
Khi tiệc tan, bá quan đã về. Đổng Trác hầm hầm, rút kiếm chém đứt đôi cái bàn.
Hắn quay người hỏi Lý Nho, : “Kẻ đó là ai, sao mà con kiêng kỵ như vậy?”
Lý Nho híp mắt nói : “Đó là con nuôi của Đinh Nguyên, họ Lữ tên Bố, tự Phụng Tiên. Kẻ này võ lực cực cao, có thể nói là vô địch trên đời.”
Nghe Lý Nho nói vậy, Đổng Trác cũng biết chuyện này không thể gấp gáp được, đành phụng phịu quay về thư phòng.
Lý Nho cau mày, chắp tay sau lưng nhìn về phía cửa phủ. Sau một lúc, chân mày hắn dãn ra. Cười âm hiểm một chút, nhanh chóng đi về “Thư Phòng” của Đổng Trác.
Mưu Sĩ và Độc Sĩ chỉ khác nhau ở tính cách.