Tuy rằng Khải Minh đã sớm nhận biết nơi hắn đang sống có phần khác biệt với thế giới cũ của mình, xong dù sao nó vẫn còn nằm trong thời đại chiến tranh lạnh chưa có súng ống hay vũ khí hủy diệt hàng loạt. Khoảng thời gian này có tính tương đồng với giai đoạn mà mưu lược - kế sách mới chỉ vừa thành hình cho đến lúc chúng nở rộ như Hán Mạt hay Lý, Trần ở thế giới kia. Đó là thời đại khi mà hai bên gặp nhau, ta chém mày một nhát, mày cứa tao một gươm vẫn nắm quyền chủ động nhất định trong cả cuộc chiến, tức là hai quân thực hiện trực tiếp chém giết ở khoảng cách gần, hay còn có thể gọi với cái tên nôm na là: giáp lá cà.
Trận giáp lá cà lúc bây giờ tuy hao tổn không ít công phu, xong nếu xuy xét cho cùng thì cũng đơn giản đến mức khiến người ta khó có thể chấp nhận được. Có thể nói một dạng từa tựa như hai đám trẻ trâu thời hiện đại choảng nhau. Hai bên đầu tàu hô lên một tiếng: đánh!, tay chân anh em bạn bè lập tức vác hàng lao vào đấm đá túi bụi, mà trong trận đánh ấy nếu coi như số lượng hai bên không quá cách biệt thì bên nào lì đòn hơn, bên nào gan góc hơn, bên nào cứng rắn hơn thường sẽ là bên thắng cuộc... hiển nhiên đó là nếu không có mấy anh áo xanh lao vào mời cả hai đi uống trà. Tuy so sánh như vậy cũng có chút khập khiễng, thế nhưng ở thời này quân đội nào bền bỉ hơn, anh dũng và khát máu hơn sẽ có phần thắng cao hơn, ta có thể gom tất cả những mặt hơn kém đó lại với nhau để gọi là : sĩ khí.
Sĩ khí, tuy nó trừu tượng khó hình dung xong lại bao trùm lên hết thảy mọi quân đội, len lỏi đến mỗi người lính. Theo như Khải Minh nhận định, sĩ khí chính là khiên thuẫn, là khải giáp bảo vệ ba quân, cũng chính là dòng máu nóng nuôi dưỡng để đoàn quân có khả năng chinh chiến mãi không lùi.
Đã từ rất lâu, dân Việt đã có ý thức sử dụng sĩ khí. Ví dụ như trước khi Vua Bà khởi nghĩa đã từng đăng đàn bố cáo với tổ tiên, với trời đất, giương cao ngọn cờ : “Đền nợ nước, báo thù nhà.” Đó chính là nêu cao tinh thần yêu nước của dân tộc. Mà tinh thần quật cường của dân Việt dù từ xưa đến giờ ở dị giới này hay ở không gian khác bao giờ cũng là cội nguồn cổ vũ sĩ khí mạnh mẽ nhất. Cũng nhờ có nó phối hợp với tài năng của dân Lĩnh Nam đã đánh đuổi Tô Định ra khỏi đất nước tạo nên nền độc lập hiện giờ. Tuy nhiên, sĩ khí chỉ có thể được quân Nam sử dụng có thế thôi.
So sánh ra, cách vận dụng của dân Việt vẫn còn rất sơ sài, rất thô ráp. Là một quốc gia lâu năm quen thuộc với chiến tranh, nhất là nội chiến như Xuân Thu, Chiến Quốc hay Hán - Sở tranh hùng, người Hán ngoài không ngừng phát triển các loại vũ khí, các loại quân trận còn sớm tìm đủ mọi biện pháp khai thác sĩ khí. Vì thế mà trước trận đấu tướng, thập diện mai phục, rút củi đáy nồi, trên cây nở hoa… lần lượt ra đời, tất tần tật các kế sách trên đều không gì ngoài mục đích phá bỏ lớp khải giáp sĩ khí đang che chắn quân địch, để quân mình với sĩ khí cao hơn có thể quên đi nỗi sợ lao lên chém giết. Chính sự khác biệt về sự nhận biết thứ sĩ khí này cùng việc vận dụng nó mà khi hai quân chính diện giao tranh, quân Hán vẫn có sức mạnh vượt xa quân Việt.
Điển hình nhất chính là quân Hán ưa dùng nội gián bất ngờ làm phản ở thời điểm quan trọng để đả kích tinh thần quyết chiến, hoặc dùng quân trận chỉnh chu nhằm cắt đứt sự liên kết giữa các cánh quân làm cho quân Việt bối rối khó lòng phối hợp để từ đó có thể giành lấy chiến thắng dễ dàng hơn. Mà bên này quân Việt dù mơ hồ nhận biết sĩ khí lại chưa thể áp dụng và bảo vệ nó nên dễ dàng bị giặc đàn áp.
Đương nhiên đó là đối với đa số quân Việt, ngoại trừ Lĩnh Nam quân. Chính xác hơn là ngoại trừ Khải Minh.
Thân là một kẻ đến từ một thế giới khác, nơi mà quân dân Việt Nam đã trải qua hàng ngàn hàng vạn cuộc chiến lớn nhỏ nên tích lũy cho mình một bộ kinh nghiệm chiến trận phong phú, vì thế không có gì quá bất ngờ đối với việc hắn tuy không quá rành rọt cũng đã sớm quen với thứ này. Thậm chí về sau khi thử vận dụng, Khải Minh còn kinh hỉ nhận ra bản thân mình dường như có năng khiếu về mặt này cao hơn hẳn cả võ nghệ cùng nhiều thứ khác. Kết quả là hắn đã đem thứ này thổi vào cho Sáng, cho quân Lĩnh Nam.
Từ trên đài cao, Khải Minh gật nhẹ đầu có chút không kìm nổi sự hài lòng toát ra từ nội tâm khi chứng kiến toàn bộ chiến trường bị quân trận Lĩnh Nam quân đàng hoàng vuông vức bốn ngàn người như một chấn nhiếp.
Không tiếng la hét, không câu xung phong cũng chẳng cần lời hô hào cổ vũ, Lĩnh Nam quân dùng cách riêng của mình, họ chỉ cần đi đều đã đủ sức tạo thành một luồng khí thế có sức đè nén gần như vô tận. Luồng khí thế này không chỉ như thanh búa tạ đang không ngừng nện ầm ầm vào tinh thần của quân Hán ở đối diện mà còn như một bàn tay khổng lồ đang từ trên cao ấn xuống khiến bọn cừ súy đang có ý đồ rục rịch phải rụt cổ lại, âm trầm quan sát.
Rầm rập!
Đối mặt với kẻ địch đang lầm lũi tiến tới gần, phương trận của quân Hán liền tỏ ra có chút bối rối. Đơn giản bởi vì chúng đã quá quen thuộc với lối đánh man sơ của dân Việt nên cảm thấy có phần choáng ngợp cùng một chút khó hiểu khi nhìn thấy một đoàn quân hoàn toàn lạ lẫm như vầy. Một số tên đứng hàng đầu thậm chí không chịu nổi sự đè ép đến từ kẻ thù nên vô ý hữu ý đạp nhẹ chân lùi về sau.
Bốp! Bốp!
“Tụi bây làm gì? Giữ nguyên đội hình cho bản tướng.”
Cảnh Thư vốn cưỡi ngựa ở tuyến đầu làm sao có thể để quân lính tiếp tục lúng túng như vậy? Y cầm roi ngựa quất liên tiếp mấy tên gan thỏ khiến bọn chúng hoảng hồn bừng tỉnh, đồng thời cũng ra mắt cảnh báo đám tướng lĩnh nhớ coi sóc binh sĩ của mình. Y hừ lạnh một tiếng ra hiệu bất mãn với đám Quân Hầu - Quân Úy đang không ngừng gào thét kêu gọi bĩnh sĩ giữ vững hàng lối rồi mới dời tầm mắt về phía man binh, trong lòng y có phần cảm thấy bầu không khí mà chúng đang khiêng tới quá ngột ngạt khó chịu, y không thích thứ khí thế này, càng không thích nó xuất phát từ một đám mọi rợ.
Tinh binh? Tuy vừa rồi Cảnh Thư buôn lời chê bai thế nhưng trong lòng hắn hoàn toàn hiểu được, đám lính này đã có mấy phần bộ dáng của tinh binh. Tuy vậy, việc đám quân này tinh nhuệ hay ô hợp đối với hắn cũng không phải là việc quá quan trọng, trong lòng Cảnh Thư lúc này duy nhất chỉ có một điều: bọn này đang dám cả gan chắn đường đến thắng lợi của hắn, dám lớn mật thách thức hắn.
Tinh binh, vẫn chẳng phải là binh sĩ có khả năng bách chiến tất thắng, thiên hạ vô địch. Cảnh Thư nghiêng người để tay cầm roi gác hờ lên cổ con tuấn mã dưới háng, tay kia lại vuốt nhẹ cằm suy tính. Tinh binh, vẫn có rất nhiều cách có thể xử lý tinh binh, tỉ như…
“Truyền lệnh, cung tiễn thủ vào vị trí.”
Roạt roạt roạt.
Bên trận hình quân Hán có động tác lớn như hòn đá ném vào mặt hồ đang lặng sóng, lập tức nhận được sự chú ý của toàn chiến trường. Nguyễn Sáng vừa bước theo đội ngũ, vừa tinh tế so sánh khoảng cách giữa quân mình cùng mấy hàng cung thủ bên giặc đang vội vàng chạy ra trước dương cung lắp tên. Cung tiễn nhà Hán sáu mươi bộ thì bắn; Sáng đương nhiên biết rõ trận hình bộ binh chậm chạp của mình còn có rất nhiều lỗ hổng, ví dụ như dùng kỵ binh đánh vào hai mặt, dùng cung nỏ chặn bắn từ xa, tiêu hao sinh lực, dùng quân đội với số lượng đông hơn thực thi chiến thuật tìm cách mài dần chiến ý v.v… cho nên lúc này khi hai bên ở cự ly không quá thích hợp cho kỵ binh xung trận lại chịu nhiều hạn chế bởi địa hình thì quân Hán sử dụng cung thủ cũng là việc đã sớm nằm trong dự định của hắn cùng quân sư. Đối sách, đương nhiên là đã chuẩn bị từ lâu.
“Nâng thuẫn!”
“Bắn tên!”
Hai mệnh lệnh từ hai bên chiến tuyến gần như đồng nhịp chồng chéo lên nhau mà ra, lập tức dẫn dắt theo hai loạt hành động đối lập hết sức vi diệu. Từ phía quân Hán là ngập trời mưa tên thi nhau hoặc bắn lên trời cao, hoặc thẳng tắp lao tới mục tiêu cuối cùng là hàng ngũ dày đặc của man binh phía trước. Cùng lúc, bên Lĩnh Nam quân cũng nhanh chóng co cụm lại, không phải cả phương trận thu lại mà mỗi trăm người lại tạo thành một đội, từ một phương trận khổng lồ tách thành bốn mươi cái. Người cầm thuẫn nặng hơi lui lại nhường chỗ cho khiên nhỏ đi lên chồng chéo lên nhau che lấy xung quanh. Tiếp đến rầm rầm mấy tiếng, lớp thuẫn nặng cũng được quân sĩ hô vang nâng lên quá đầu như lợp mái nhà, che chắn khoảng không trên cao. Đám thương thủ thì lùi về sau dùng những cây thương đầy cành nhọn đan xen như một cây cổ thụ lớn cản gió nằm trên cùng. Cứ thế trong mắt của quân địch, mỗi nhóm quân liền lắc mình trở thành từng con rùa nhỏ mang đầy cành lá trên lưng..
Boong boong boong!!!
Tiếng tên rơi xuống va vào hàng thuẫn hoặc đồng hoặc mây tựa như tiếng mưa rào phạt vào mái hiên nhà. Tuy tiếng động dữ dội khiến người xem phải sợ hãi cảm thán, xong hiệu quả lại ít ỏi đến mức đáng thương, ngoại trừ lác đác một số tên lính mới còn chưa kịp thích nghi đội hình nên di chuyển có phần chậm bị tên va vào hay những tên xui xẻo tuy đã núp rất kỹ vẫn không thoát được vận rủi ra, đa số Lĩnh Nam quân có thể coi như lông tóc không bị tổn thương. Mà những người trúng tên đó do được khiên thuẫn che chắn đi không ít vị trí chí mạng lại có giáp dày bảo vệ nên thương tích cũng không tính là quá lớn. Điều này khiến người xem xung quanh có cảm giác như mưa tên chẳng những không gột bỏ được trận thế vững vàng của quân Nam mà còn góp sức quảng bá, tôn lên sức phòng thủ đáng sợ của trận hình mai rùa kia.
“Hay quá…” Một tên lính Việt nuốt nước miếng thỏ thẻ nói. Đám đồng bạn bên cạnh tuy không rên lên một lời, nhưng cũng không tự chủ được gật đầu đồng ý.
Kết quả không được như ý hiển nhiên nằm ngoài dự đoán của Cảnh Thư, xong không làm hắn nản lòng. Thân là tướng lĩnh hắn hiểu được sức tàn phá của mưa tên có bao nhiêu đáng sợ. Một lần không thể đánh ngã chúng? Không sao, một lần không nổi thì hai lần, ba lần là được. Dù gì việc đỡ tên cũng không phải là chuyện nhẹ nhàng như mắt thấy, tay phải gồng người chịu đựng lực bắn cộng thêm đà rơi của tên, từng mũi từng mũi có thể coi như một trận khảo thí cực kỳ hung hiểm đối với quân sĩ bởi lẽ chỉ cần một giây buông lỏng đã có thể trả giá bằng cả sinh mệnh. Mà với tốc độ chậm rì rì của đám kia, Cảnh Thư tự tin quân Hán có thể giáng tới bốn thậm chí là năm lượt mưa tên trước khi hai quân có thể đụng mặt bác sát.
“Tiếp tục… Cái gì??!!!”
Réo réo réo
“Hự!”
“Á đau quá..”
“Chúng còn có thể bắn trả? Từ khi nào...”
Cảnh Thư giật mình trố mắt nhìn những bóng đen chi chít đánh tới quân trận phe mình, hàm răng do quá giận dữ mà nghiến thật chặt từng đợt ghê người. Bởi lẽ quân trận Lĩnh Nam quân che chắn quá mức kín đáo khiến y khó có thể nhìn thấy hàng cung thủ phía sau hơn nữa từ nãy giờ hai bên vốn đã vào cự ly bắn tên của nhau, theo thường lệ hai quân sẽ mặc kệ bên mưa tên đến từ phía đối diện vẫn phải cố sức bắn tên trả đũa có như thế mới có thể hỗ trợ chèn ép trận hình đối phương, củng cố thế công của quân mình. Còn về việc cung thủ bên trận mình vì mải miết bắn trả mà bị thương? Cảnh Thư cho rằng đó là chuyện đương nhiên sao có thể quan trọng được. Vì thế mà khi nhìn thấy quân Nam trước tiên không phải là bắn tên phản đòn mà lại co cụm thành từng mai rùa nhỏ tên trung lang tướng đã cho rằng bên giặc vốn chỉ có trọng giáp bộ binh, không thể có cung thủ trộn lẫn vào. Kết quả khiến hắn nếm phải bất ngờ khó có thể tưởng tượng được.
May thay, quân giặc xem ra cũng không có bao nhiêu quân lính, tất nhiên cũng không có bao nhiêu cung thủ, Cảnh Thư nhìn số lượng mấy trăm mũi tên bay tới trong lòng khẽ thở phào nhẹ nhõm. Xem ra quân Man vẫn chỉ là quân man, chỉ có thể bắt chước một, hai chứ nào đã hiểu lâm trận bất ngờ toàn quân bắn tên sẽ tạo nên hiệu quả khủng khiếp dường nào.
“Thương thủ tiến lên lập trận. Cung thủ tiếp tục, ta muốn xem chúng có thể làm nên trò trống gì.”
Cảnh Thư khẽ cười ra lệnh, trong đầu đã sớm có tính toán bước tiếp của man tặc, đại khái cũng là trận hình xông lên mà thôi. Thế nhưng, hắn đã lầm.
Véo véo véo!!!
Véo véo!!!
Cho đến lúc Cảnh Vân Minh nhìn thấy trên lưng mỗi chiếc mai rùa bỗng dưng sụp xuống một khoảng trống, để rồi từng trận từng trận tiếng dây cung không ngừng xen kẽ vang lên, kèm theo là từng túm tên dài theo chỗ trống trên lưng mai rùa bung ra tựa như phấn hoa liên miên không dứt lao về phía quân trận bên mình khiến binh sĩ không tài nào xếp trận ngay thẳng được, hắn mới nhận ra mình đã có phần xem nhẹ man quân.
Lúc này, bằng mắt thường hắn cũng có thể thấy được quân man đang sử dụng những cây cờ khác màu nhau làm hiệu lệnh. Họ chia quân làm bốn đội lần lượt bắn tên nên không chỉ tạo ra được trận tên như mưa dầm thấm đất tí tách mãi mà còn có thể điều chỉnh hướng công về phía nào yếu kém nhất của quân Hán, từ đó làm thương trận giặc vốn không được che chắn tốt lắm phải chịu đả kích không nhẹ. Bởi mưa tên có khả năng đã kích sĩ khí quân lính hết sức mạnh mẽ, cũng đè nặng lên tinh thần của chúng, thế nên chỉ chốc lát sau quân Hán đã không thể nào giữ được đội hình ngay ngắn như trước nữa.
“Không được, Cảnh Trung Lang, chúng ta phải đưa thuẫn binh lên thôi.” Lữ Húc vừa dùng vũ khí gạt bỏ tên bắn tới vừa hết lòng khuyên lấy tên trung lang tướng. Cảnh Thư đương nhiên cũng hiểu rõ bây giờ cũng chỉ còn có thể làm như vậy bèn gật đầu đồng ý.
“Mặt khác chúng ta nên tấn công thôi, không mạt tướng e rằng sĩ khí quân ta sẽ tan nát mất.” Đặng Hồng cũng ở một bên nhắc lấy.
Thế là trận hình quân Hán lại động, hàng thương thủ cắn răng chịu đựng mưa tên tẩy lễ, chờ đợi thuẫn thủ sách đao mang lăng thuẫn nặng chịch từ tận sau lao lên sắp xếp đội hình tạm bợ rồi cùng nhau bước dồn tiến lên đón đánh Lĩnh Nam quân.
“Khinh địch, chủ quan dẫn đến trận hình bị kéo theo nhịp điệu của đối phương theo sau là mất đi tính chủ động trên chiến trường. Lần này quân Hán…” Thánh Thiên lắc đầu nhìn quân Hán lúng ta lúng túng trước trận thế của Lĩnh Nam quân, nhẹ nhàng bình luận, theo sau nàng không khỏi nhìn nhiều đoàn quân Nam bên dưới thêm vài lần, hiển nhiên có thể làm được đến đây đã là vượt ngoài dự đoán ban đầu của nàng.
“Chúng nó tấn công.” Bên cạnh, Vũ Thị Thục bắt chéo hai tay trước ngực hời hợt nói ra.
“Hô hô hô hô!” Uỳnh!
“Hô hô hô hô!” Uỳnh!
Quân Hán coi bộ cũng đã có mấy phần cảnh giác trước đạo quân đối diện, thế nên họ không vội một mạch lao nhanh mà sử dụng phương thức cứ tiến bốn bước lại dừng lại lập khiên một lần. Làm như vậy tuy có phần làm giảm tốc độ tiến công tưởng chừng như làm giảm độ sắc bén của thế trận, thế nhưng đây cũng là điều hết sức tinh ranh của Cảnh Thư. Nhờ cách này quân Hán đã từ từ trọng chỉnh lại đội hình, đồng thời dùng tiếng hô quát để dựng thế hòng làm chùn chân kẻ địch, đó là còn chưa kể đến khả năng Cảnh Vân Minh muốn thông qua thế trận này để tìm lại quyền chủ động đã mất. Nếu có người tinh ý sẽ ngạc nhiên phát hiện ra cách họ tấn công cùng cách Lĩnh Nam quân ra trận lại có mấy phần giống nhau đến thú vị: hai bên không vội gì vật lộn mà tựa như hai tuyệt thế cao thủ đang thủ thế tìm kiếm sơ hở của nhau.
Gần! Bốn mươi lăm bộ.
Gần hơn! Ba mươi lăm bộ.
Khi còn chưa tới ba mươi bộ, mấy tên Hán tướng liền lập tức rướn người giơ đao hô to:
“Giết!!!!!!”
“Giết!!!!!”
Hai mươi đến ba mươi bộ là khoảng cách vừa vặn cho binh lính đạt tới đà chạy thích hợp nhất để xung trận, cũng là khoảng cách chính xác để cơ thể người vận động đủ nóng, dễ phát lực. Hơn ba mươi bộ quân lính có thể mất sức, dưới hai mươi bộ quân lính chưa kịp chạy đà đã va vào nhau khiến lực tấn công yếu đi thấy rõ. Vì thế quân Hán quyết định hoàn toàn hợp lý, ba mươi bộ xông trận, cũng vì thế mà khi chúng thấy trận hình quân Nam vẫn cục mịch đứng đấy liền tươi cười hớn hở.
Bộ binh đấu bộ binh thì không lo cự mã, mà giữa đồng trống này lại chẳng sợ có bẫy rập hầm hố gì vì lúc nãy đám man quân rút chạy đã cày nát mặt đất một lần rồi. Bộ đối bộ, quân Hán đã quá quen thuộc, trong đầu bọn chúng sớm đã trống rỗng chẳng thèm nghĩ ngợi gì xấc, chỉ cần mang tấm khiên nặng nề trên thân va vào đám mai rùa cỏn con trước mặt là đã có thể nhìn thấy man quân tan vỡ, vẻ mặt kinh hoảng cầu xin.
Hai mươi bộ, quân Nam muốn phát động tấn công đã chậm.
Mười lăm bộ, kẻ nào phát động tấn công ở xự ly này đều là kẻ ngu, quyền chủ động đã mất hết. Nhưng là…
“Ném!!!!!”
Vù vù vù!!!!!!
Bang!!!!
“Hự!” “Ối!!!!”
Mười lăm bộ cũng chính là cự ly thích hợp nhất để quăng lao, ném thương cùng… phóng rìu. Trong lúc quân Hán đang rạng rỡ lao đến, chúng nào chú ý đến từ “ném” bằng tiếng Việt có nghĩa là gì đâu? Chỉ thấy những chiếc mai rùa kia đột ngột dỡ bỏ lớp vỏ chắc chắn để lộ ra mấy tên binh sĩ bên trong, không giương cung cài tên thì cũng nắm lấy chùy nhỏ, búa tay lấy đà phóng mạnh. Đang chạy nhanh mà gặp mấy thứ này phóng tới thì kết quả khỏi cần kể cũng có thể nghĩ. Chỉ trong phút chốc đà lao lên dũng mãnh của quân Hán đã bắn ngược lôi chúng vào địa ngục.
Nếu chỉ có tên bay vào thì còn tốt, vì đa số quân Hán lúc này vẫn đang nắm chặt khiên thuẫn đằng trước nên mũi tên dù âm hiểm đến đâu cũng khó lòng phá vỡ lớp phòng hộ này được. Thế nhưng chùy gai cùng búa tay thì khác, hai thứ này vốn được Khải Minh vận dụng chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất: phá giáp.
Mà đã như thế thì tác dụng của chúng quả thật không thể nào làm lơ được. Chỉ cần lưỡi búa ngọn chùy va vào đa số khiên thuẫn của quân Hán đều phải chịu đựng lực trùng kích mạnh đến tê người, một cái đã thấy mệt chứ đừng nói đến lúc này mỗi tên khiên thuẫn thủ ít nhất cũng phải chịu từ hai đến ba món chăm sóc, lại còn phải chịu lực phản chấn do chính tốc độ cao khi xông trận của chúng tạo thành. Tựa như một đoàn xe đang lao nhanh bị va vào tường chắn, tại mười lăm bộ, hàng thuẫn thủ của quân Hán lập tức bị phá bỏ hơn nữa, binh sĩ người thì bật ngã ra đất té túi bụi, kẻ đau đớn ôm lấy cánh tay gãy gào rú thảm thiết, càng có nhiều tên xui xẻo hơn chẳng kịp phản ứng đã bị chùy cùng búa phá đầu phanh ngực tắt thở.
Hàng thuẫn thủ nhanh chóng tuyên cáo vỡ trận cũng có nghĩa là thương trận lại lần nữa phơi bày trước hỏa lực của quân Lĩnh Nam, mà lại tệ hại hơn là mỗi người lính Lĩnh Nam quân dường như không chỉ giắt theo bên mình một cây búa tay mà thôi.
VÙ!!!!!
“Aaaaaaa!!!”
“Không..” Bốp!!!!! Rầm rầm...
Lần này chẳng cần ai hô hào Lĩnh Nam quân lại tiếp tục trò cũ xài lại, lực tay dùng hết sức phi chùy ném búa bắn tên về phía đám thương binh đang vừa chạy vội vừa trợn tròng mắt nhìn. Mười lăm bộ chính là một đường ranh giới nhỏ nhoi giữa sự sống và cái chết mà quân Nam vẽ nên, tất nhiên là bằng máu tươi của quân thù.
Sáng lạnh lùng kéo xuống chiếc mặt nạ để nó che kín khuôn mặt, rút gươm ra gầm lên:
“PHÁ!!!!!!”
Theo sau là muôn vàn tiếng gào rú dữ tợn hưởng ứng.
Bốn mươi cái mai rùa bỏ thủ thành công dưới bóng chim lạc tung bay lao nhanh về phía trận hình xộc xệch đê mê của quân thù.