Chương 14: Bánh Dày

Bánh dày ở đây giống như mochi của Nhật, đại loại là loại bánh vỏ bằng nếp, nhân ngọt.

Mùa đông, trời rất nhanh tối. Chưa đến giờ Dậu (5h chiều), trời đã tối đen. Gió to tuyết lớn, ngoài cửa sổ thường vang lên tiếng cành khô gãy do tuyết đọng quá nhiều.

Hàn thị ngồi trước đèn dầu khâu giày, luôn miệng kể cho Phó Vân anh những chuyện hôm nay bà vừa tìm hiểu được.

Trong mấy chị em dâu, Hàn thị và Phó tam thẩm hợp nhau hơn một chút.

Phó tam thẩm và Hàn thị đều làm được việc nặng, biết trồng trọt chăn nuôi. Đến tận bây giờ, Phó tam thẩm vẫn chưa quen có người hầu kẻ hạ. Năm đó Phó gia giàu lên nhanh đến mức Phó tam thẩm cũng không kịp trở tay. Nhớ lại hồi ấy bà còn đang chân trần gieo mạ ngoài ruộng, mặt trời chiếu thẳng xuống đỉnh đầu, mồ hôi mồ kê ròng ròng trên mặt thì bỗng có rất nhiều người từ đầu thôn chạy về báo Phó tứ lão gia phát tài rồi. Bà cả người toàn bùn đất về đến nhà thì đã thấy một chiếc xe ngựa xa hoa dừng ngay trước cửa nhà mình, còn có cả vài xe lừa, chở rất nhiều đồ quý hiếm.

Phó tứ lão gia kiếm được nhiều tiền liền mua luôn con lợn béo nhất trong thôn mổ lấy thịt, làm đủ loại món ăn, hầm, nướng, chiên, xào, nấu canh, mùi thơm lan tỏa khắp cả thôn, đồ ăn nhiều đến nỗi một chiếc bàn cũng không chứa đủ, cả nhà quây quanh bếp mà ăn, mỗi người một bát lớn, ăn lấy ăn để, không ngẩng đầu lên.

Phó tam thẩm lầm đầu tiên được ăn nhiều thịt đến thế.

Về sau, Phó gia chuyển vào trong huyện ở, chuyển sang tòa nhà lớn, mua nha hoàn, đầu bếp, có người giữ cổng, mẹ chồng đổi thành lão thái thái, những chị em dâu trong tộc trước kia không thèm quan tâm đến họ nay khác hẳn, thường xuyên đến chơi, còn cố gắng lấy lòng lão thái thái, khen Phó Nguyệt và Phó Quế như thể tiên nữ trên trời.

Phó Vân anh bảo nha hoàn ra ngoài, khẽ hỏi Hàn thị: "Tam thúc biết làm nghề mộc, lúc rảnh rỗi vẫn làm giỏ tre, lồng trúc, chổi để bán, tuy không thể quá giàu có nhưng cũng kiếm được chút tiền, tam thúc và tam thẩm có vẻ như đều là người chăm chỉ, vì sao không nghĩ tới việc này ạ?"

Từ khi Phó lão đại nhất, Hàn thị một thân một mình nuôi con, lo lắng gì cũng chỉ có thể bàn bạc với Phó Vân anh. Bởi vậy, chuyện con gái mình nói chuyện như người lớn không làm bà ngạc nhiên, trẻ con nhà nghèo sớm phải gánh vác, năm đó bà cũng thế, lại nói, "Lão thái thái không cho tam thúc ra ngoài nhận việc về làm, nói là mất mặt."

Lão thái thái thấy làm nghề mộc không kiếm ra tiền, bảo Phó tam thúc đến cửa hàng giúp đỡ Phó tứ gia. Phó tam thúc không biết chữ, không biết tính toán sổ sách, còn không biết ăn nói, thật thà, chất phác không thể làm chưởng quầy, không quản lý được kho hàng, có khi làm tiểu nhị ông cũng không làm được, chỉ có thể làm mấy việc nặng và khuân vác hàng hóa.

Phó Vân anh hơi cau mày, lão thái thái không cho Phó tam thúc làm nghề mộc thì hẳn là cũng không đồng ý để con dâu dệt vải mang bán, xem ra nàng chỉ có thể tìm Phó tứ lão gia giúp đỡ. Nàng lấy que khều mỏng kều bấc đèn, "Mẹ, mẹ con ta không thể chỉ dựa vào tứ thúc được. Con nghĩ rồi, muốn dệt vài thì phải mua khung cửi, nhà cũng ít phòng, mẹ mà dệt vải trong phòng thì lão thái thái sẽ nghe thấy tiếng khung cửi..."

"Mẹ cũng đang buồn đây! Trồng trọt không được, chăn nuôi cũng không được... Mẹ có sức mà không có cái gì làm, chỉ còn biết dệt vải thôi." Hàn thị nhíu mày nói, bà không muốn gây xích mích với lão thái thái, nói thế nào thì lão thái thái cũng là mẹ chồng bà.

Những người đàn bà trong gia đình bình thường có thể thêu thùa may vá kiếm thêm chút tiền cho gia đình, nhưng vấn đề là ở huyện Hoàng Châu, phụ nữ nhà nào chẳng biết thêu thùa may vá, Hàn thị chỉ biết thêu mấy đóa hoa, vài nhành liễu, đồ thêu tinh xảo bà không biết làm, không thể bán cho cửa hàng, còn bán cho mấy người bán rong thì giá cả quá thấp.

Phó Vân anh lấy ra kim chỉ vải vóc mua ở chợ ra, "Mẹ, con mua kim chỉ và vải lụa. Tết này mẹ con ta không cần ra ngoài chúc tết, con ở nhà dạy mẹ làm khăn lưới, còn đơn giản hơn dệt vải. Khăn lưới thì ai cũng phải dùng cả, dễ bán hơn làm túi tiền."

Hàn thị đồng ý ngay. Hai mẹ con nói mấy chuyện nữa rồi rửa mặt mũi chân tay đi ngủ.

Đến tận lúc đã lơ mơ, Hàn thị mới nhớ ra, xoay người thắc mắc: "Đại nha, con học làm khăn lười từ khi nào thế?"

Phó Vân anh ngáp một cái, "Thái thái nhà Vệ Sở thiên hộ dạy con..."

Thái thái nhà thiên hộ rất thích nàng, định mua nàng về làm nha hoàn. Hàn thị lại không muốn bán con làm nô tì nên không đồng ý.

Hàn thị cũng tin, ừ một tiếng rồi chỉnh lại chăn cho con gái, bảo nàng ngủ thêm một chút.

Phó Vân anh lại không ngủ được.

Nàng đã học làm khăn lưới từ kiếp trước, hồi đó Thôi Nam Hiên mới thi đỗ, nhậm chức ở Hàn Lâm Viện, chức quan cũng không cao nhưng lại phải đi giao tế xã giao, bổng lộc khi ấy của hắn chẳng đủ tiêu dùng. Sau đó nàng nghĩ ra một cách, rủ hàng xóm cùng nhau mua dây mua sợi về làm khăn lưới, làm xong mang đến cửa hàng gửi bán hộ, thế nào cũng có thêm chút tiền mua rau xanh lương thực. Nàng làm khăn lưới rất tốt, làm được nhiều kiểu, hơn nữa còn mang danh là vợ của Thám hoa, người trong kinh tranh nhau mua, không lo không bán được hàng.

Sau này, Thôi Nam Hiên được lòng thứ phụ Thẩm Giới Khê, dần thăng quan tiến chức, trong nhà cũng trở nên dư dả, nàng không tiếp tục làm khăn lưới đem bán nữa.

oOo​Lúc Phó tứ lão gia trở lại phòng mình, trong phòng đã sáng đèn.

Ông đặt lên bàn một bọc dương đường, một hộp bánh dày hoa hồng.

Phó tứ lão gia chỉ bọc đường, "Giữ cho Thái ca nhi và Nguyệt tỷ nhi một phần, còn lại sáng mai mang sang cho anh tỷ nhi." Ông quay qua hỏi Lư thị, "Kẹo đậu phộng với ô mai trám lần trước ta mang từ phủ Tô Châu về đã ăn hết chưa?"

Lư thị ngồi trước bàn trang điểm, cởi khăn trùm đầu thêu hoa xuống, nói: "Quan nhân không cần lo lắng mấy chuyện này, kẹo đậu phộng hết rồi nhưng thiếp đã sai người vào trong huyện mua mấy cân sơn tra ngào đường, kẹo mạch nha, bánh in, bánh hoa quế, mỗi loại một hộp lớn, sẽ không để anh tỷ nhi bị thiệt."

Phó tứ lão gia rửa sạch chân, đi giày đi trong nhà đến phía sau Lư thị, giúp bà tháo búi tóc, chắp tay thi lễ với cái bóng trong gương của vợ mình, "Chả trách mọi người trong huyện Hoàng Châu này đều khen nàng dâu của Phó tứ lão gia là người vợ hiền! Vi phu bội phục, bội phục!"

Lư thị không nén được nụ cười trên mặt, nghe thấy tiếng mấy đứa nha hoàn cười trộm, liền xị mặt, hắng họng, liếc mắt lườm Phó tứ lão gia, "Quan nhân, thiếp phải nói với người chuyện này, chuyện lập đền thờ lần này được hay không được cũng không sao nhưng người sao không sai người đưa anh tỷ nhi về trước? Con bé vẫn là đứa trẻ con, mấy chuyện như thế không nên để nó nghe mới phải."

Phó tứ lão gia chậm rãi dạo quanh phòng một lần rồi dừng lại trước giường, chui vào chăn, nằm sát túi chườm nước nóng, ấm áp thở ra một hơi, "Sách nói Hạng Thác bảy tuổi có thể làm thầy của Khổng thánh nhân [1]. Con bé anh tỷ nhi này trưởng thành sớm, dẫu chẳng thể so với thánh nhân nhưng ít ra so với Khải ca nhi và Thái ca nhi thì thông tuệ hơn. Con bé không giống Nguyệt tỷ nhi với Quế tỷ nhi, từ nhỏ đã đi theo cha mẹ, chịu bao nhiêu vất vả nên cũng hiểu chuyện sớm, suy xét mọi việc rõ ràng, ta đang định đưa con bé đi học đọc sách viết chữ với mấy đứa Khải ca nhi."

[1] Tương truyền rằng Khổng Tử từng có một cuộc đối đáp thú vị với một cậu bé thần đồng bảy tuổi tên là Hạng Thác, ngài hỏi 40 câu hỏi mà Hạng Thác trả lời được hết, ngài phải nhận xét cậu bé là "hậu sinh khả úy" là bái cậu bé làm thầy. Điển tích này dài quá nên mình chỉ nói vắn tắt, ai muốn đọc về những đối đáp này có thể google thêm.

Nghe chồng chê bai con trai như thế, trong lòng Lư thị không vui nhưng nghe đến câu cuối cùng, bà hoảng hốt đến nỗi quên cả bực bội, "Đọc sách viết chữ? Quan nhân, anh tỷ nhi là con gái!"

Trong huyện cũng chưa có nhà nào bỏ tiền cho con gái đi học, đến con gái cưng của tri huyện cũng không biết chữ, nhà bọn họ cũng chẳng phải danh gia vọng tộc, cớ gì phải vậy?

Phó tứ lão gia đã quyết, không chấp nhận bàn bạc thêm, "Chuyện này đã được quyết định rồi, khi nào Tôn tiên sinh trở lại, ta sẽ tự nói với ông ấy."

Lư thị xưa nay vẫn nghe lời chồng, thấy Phó tứ lão gia đã quyết định, dẫu mày nhíu chặt nhưng không dám nói gì thêm nữa.

oOo​Trong phòng chính của Phó gia, lão thái thái đại Ngô thị cũng vẫn chưa ngủ.

Phó Quế tự rót đổ nước mang tới cho Đại Ngô thị rửa mặt. Lão thái thái lớn tuổi, da khô bong tróc nên mùa đông thường bị ngứa. Phó Quế vắt khô khăn, chà lưng cho Đại Ngô thị rồi giúp bà bôi một lớp thuốc mỡ mát lạnh chống ngứa, thế là mười đầu ngón cũng dính đầy thuốc.

Bôi thuốc xong, Đại Ngô thị gọi nha hoàn rửa tay cho Phó Quế, vuốt mặt nàng, "Quế tỷ nhi nhà chúng ta là hiếu thuận nhất."

Phó Quế cười ngọt ngào, nàng có một đôi mắt dài giống tam thái thái, lúc cười mắt híp lại thành một đường, nhìn vui vẻ khiến người ta cũng vui theo.

Nàng lau khô tay, lấy khung thêu, ngồi đến bên sập, cúi đầu cầm kim, "Nãi nãi, người ngủ trước đi ạ, túi tiền con thêu cho ngài còn chút nữa là xong rồi."

Đại Ngô thị nhíu mày nói: "Túi tiền làm lúc nào chẳng được, Quế tỷ nhi ngoan, mai lại làm tiếp, đừng làm hỏng mắt."

"Con không buồn ngủ." Phó Quế đeo nhẫn thêu lên tay, cười nói, "Nãi nãi, mấy ngày nay Tô nương tử dạy bọn con thêu hạt sa, con thêu đẹp nhất, còn đẹp hơn Viện tỷ nhi nhà tam lão gia."

Đại Ngô thị nằm trên gối, mỉm cười: "Được, đợi con làm xong túi tiền, nãi nãi sẽ đeo mỗi ngày."

Ánh đèn càng lúc càng tối lại, Phó Quế cũng không khêu lại bấc đèn, ngồi trong bóng tối mờ mờ dừng mũi kim, cắt chỉ, vỗ về túi tiền, đứng dậy rửa mặt. Nha hoàn Xương Bồ khuyên nàng, "Tiểu thư, ngài tội gì phải ganh đua với Nguyệt tỷ nhi..."

Mấy hôm trước, Phó Nguyệt biếu lão thái lái một túi tiền, lão thái thái khen nàng khéo tay. Phó Quế lúc ấy không nói gì nhưng đến đêm lại bảo nha hoàn chuẩn bị kim chỉ, nhất định phải tự tay thêu cho lão thái thái một chiếc túi tiền khác.

Xương Bồ hầu hạ Phó Quế từ năm mới ba bốn tuổi, hai người bên ngoài là chủ tớ, bên trong lại gần như coi nhau là chị em, cũng chỉ có Xương Bồ mới dám nói những lời thằng thắn, khuyên bảo Phó Quế mà không lo lắng gì. "Đây không phải là ganh đua..." Phó Quế cắn môi, "Hôm nay ngươi cũng nhìn thấy nãi nãi đối xử với cha ta như thế nào... Tứ thúc ở nhà này nắm quyền hết thảy, cha mẹ ta lại không có bản lĩnh, chỉ khi nãi nãi thương ta, ta hiếu thuận với người, sau này mới có thể gả cho người tốt."

Từ giữa thu, tứ thẩm Lư thị đã bắt đầu thu xếp việc hôn nhân cho Phó Nguyệt, tứ thúc có tiền, người muốn cưới Phó Nguyệt cũng không ít, nhưng tứ thẩm khinh thường, muốn vị hôn phu của Nguyệt tỷ nhi phải là một người đọc sách. Nghe nói tứ thẩm vừa ý Tô Đồng.

Nàng chỉ nhỏ hơn tỷ tỷ một tuổi nhưng vẫn chưa có tới ai hỏi nàng.

Phó Quế càng nghĩ càng bực mình, đóng mạnh hộp đồ thêu.

Cha mẹ vô dụng, chỉ có thể trách nàng không may mắn. Gả chồng lại là chuyện đại sự cả đời, nàng nhất định phải tìm được một người chồng có bản lĩnh, về sau mới có thể ngẩng mặt nhìn đời.

oOo​Ngày hôm sau trời nắng.

Khi Phó Vân anh thức dậy, ngoài cửa sổ là một mảnh sáng chói lòa. Mặt trời đã lên cao, ánh nắng xuyên qua lớp giấy dán trên cửa sổ, chiếu vào tấm bình phong, tạo thành bóng sáng lung linh.

Phó Vân Khải, Phó Vân Thái, Phó Quế và Phó Nguyệt đều đi cùng với nha hoàn đến viện của lão thái thái đắp người tuyết, chơi ném tuyết. một lúc sau, mấy đứa trẻ trong viện đứa nào cũng quần áo xộc xệch, đầu đầy tuyết trắng, tiếng kêu, tiếng hét, tiếng cười đùa vang lên hết đợt này đến đợt khác. Nàng nói nàng sợ lạnh, không tham gia hỗn chiến với các đường huynh đường tỷ. Ra khỏi viện của lão thái thái, nàng đi tìm Phó tứ lão gia.

Phó tứ lão gia cũng vừa mới dậy, đang nằm nghỉ ngơi trên sập, bóc quýt ăn, một chân gác lên bàn bên cạnh. Nghe thấy nha hoàn thông báo cháu gái tới gặp, ông vội vàng ngồi dậy, chỉnh lại quần áo, ngồi ngay ngắn chờ nàng.

Phó Vân anh đi theo A Kim vào phòng, chào hỏi Phó tứ lão gia, cảm ơn ông đã đưa đồ ăn qua cho nàng, rồi nói với ông chuyện làm khăn lưới.

Phó tứ lão gia mặt mày biến sắc, "anh tỷ nhi, con có chuyện gì tủi thân sao? Hay là ai nói với con điều gì không hay? Đừng sợ, nói với tứ thúc, tứ thúc giúp con xử lý!"

Lúc ông nghiêm túc không cười như vậy trông cũng hơi đáng sợ.

Nha hoàn, bà tử trong phòng đều cúi đầu, im phăng phắc.

"Mọi người trong nhà đều đối xử tốt với mẹ con con." Phó Vân anh lắc đầu, tiến lên, xắn tay áo rót một ly trà nóng cho Phó tứ lão gia, "Tứ thúc, mẹ con không chịu ngồi yên, làm việc một chút bà mới thoải mái được, thúc yên tâm, làm khăn lưới là việc nhẹ nhàng, mẹ con cũng không vất vả."

Phó tứ lão gia chăm chú nhìn nàng một lúc lâu, biết trong nhà không có ai bắt nạt nàng, thở dài, "Cũng được, tứ thúc giúp con che giấu, sẽ không khiến mẹ con khó xử."

Phó Vân anh mỉm cười, "Tứ thúc, chuyện ngày hôm qua các bá bá, thúc công trong tộc bàn bạc ồn áo đến vậy, sau này còn định tiếp tục làm hay sao ạ?"

Phó tứ lão gia vỗ vỗ mép sập, ý bảo nàng ngồi, bóc một quả quýt đã được nha hoàn hơ cho nóng lên cho nàng ăn, "Vẫn chưa làm, chờ sang năm lại bàn tiếp."

Phó Vân anh trèo lên sập, đôi chây gầy yếu xếp lại ngay ngắn ở mép sập, nghiêm túc nói: "Tứ thúc, con cũng hiểu chuyện lập đền thờ."

Phó tứ lão gia dừng tay, nhìn đôi chân nhỏ của nàng. Nàng còn nhỏ như thế, ngồi trên sập mà chân không chạm đất mà nói chuyện còn nghiêm túc hơn cả người lớn, bật cười: "Tốt, con nói thử xem lập đền thờ thì sau đó sẽ như thế nào?"

"Nhà ai lập đền thờ, về sau người khác sẽ không dám gả con gái nhà họ nữa..." Phó Vân anh nhận quả quýt Phó tứ lão gia đưa, ăn từng múi một, từ từ nói, "Con ở Cam Châu cũng từng thấy đèn thờ. Lý gia ở đó lập đền thờ, mọi người đều muốn cưới được tiểu thư nhà họ nhưng mà người dân xung quanh lại không ai muốn kết thân với thiếu gia nhà họ nữa, người ta nói sợ rằng gả qua đó rồi sợ con gái sẽ chịu khổ. Về sau Lý gia đành phải chọn con dâu ở nơi khác tới... Ngày đó nhà họ tổ chức lễ cưới, mẹ con sang giúp đỡ việc bếp núc, khi trở về còn nói tân nương khóc nhiều lắm, người thân của tân nương cũng khóc."

Thiếu gia Lý gia bị bệnh lao, lúc bái đường còn bị ngất, phải nhờ đến huynh đệ thay thế hắn làm lễ mới hoàn thành. Gia phong của Lý gia rất nghiêm, phụ nữ gả vào rồi nhất định phải thủ tiết cho người chồng đã chết cả đời, tân nương nhìn thấy chồng mình thở hổn hển, có thể ra đi bất cứ lúc nào nên khóc chết đi sống lại.

Mấy anh em Lý gia đều phải cưới vợ từ nơi khác.

Nghe nàng nói xong, Phó lão gia khẽ cau mày lại, thầm nghĩ: Nếu Phó gia thực sự có thể xin lập đền thờ... Danh tiếng có vẻ hay ho lắm nhưng mà thực tế nào có được lợi lộc gì, tiền lập đền thờ còn phải lấy từ trong tộc... Có một cái đền thờ nằm đó, về sau mấy vị tộc lão có thể quang minh chính đại can thiệp vào chuyện hôn nhân gả cưới của các chi khác trong tộc. Nhà người ta có chồng qua đời đã là bất hạnh lắm rồi, lẽ nào người vợ còn bị ép thủ tiết hay sao?

Những phụ nữ đã có con thủ tiết đã đành, đó là người ta tử tế, người trong tộc có trách nhiệm tôn trọng, nuôi ăn nuôi uống. Nếu người ta không muốn, cũng đâu có vấn đề gì, làm quả phụ nào có phải việc thoải mái gì.

không được, cái đền thờ này không thể lập. Chuyện hôn nhân của con gái, con trai ông không đến lượt người trong tộc can thiệp!

Phó tứ lão gia quyết định thế, xoa đầu Phó Vân anh, "anh tỷ nhi ngoan lắm, tứ thúc có việc phải ra ngoài một chuyến, để A Kim chơi với con được không?"

Phó Vân anh nhảy xuống sập, cung kính tiễn Phó tứ lão gia ra ngoài.

Nàng không đoán ra nguyên nhân Phó Vân Chương phản đối lập đền thờ nhưng nếu mục đích giống nhau thì nguyên nhân cũng không cần phải tìm hiểu làm gì. Nàng muốn tìm một người giúp đỡ Phó Vân Chương, phá vỡ cái ý định lập đền thờ, như thế thì những người thực sự được lợi sẽ là những cô con dâu yếu thế và các tiểu thư của Phó gia, trong đó bao gồm cả Hàn thị. Hơn nữa, nếu tứ thúc công khai phản đối việc lập đền thờ thì có thể gia tăng thiện cảm của vị cử nhân trẻ tuổi kia với ông.

Cử nhân có thể làm quan, tuy rằng không phải quan lớn, nhưng đối với một nhà bình thường như Phó gia, có một người có thể nói chuyện được với quan phủ là đã giúp họ tránh được không ít phiền toái.

Tứ thúc là người làm ăn, Phó Vân Chương là chỗ dựa lớn cho ông, đáng tiếc quan hệ hai nhà không sâu.

Giữa lúc tứ cố vô thân, không ai giúp đỡ, bỗng có người nguyện đứng về phe mình, cùng mình đấu tranh với dòng tộc, Phó Vân Chương chắc chắn sẽ nợ tứ thúc một ân tình.

Lời tác giả

Hạng Thác: Thần đồng thời Xuân Thu, người nước Lỗ.