Trương Nguyên nói:
- Đại sư phụ. Ban nãy có một tên hòa thượng ra tay đánh ngã ba người này, vừa mới đi rồi.
Vị hòa thượng trung niên nhìn một lượt ba gã đàn ông, đây là ba tên chuyên hoành hành gây rối ở Đại Thiện Tự. Lão hừ lạnh một tiếng:
- Ba tên các ngươi còn dám làm xằng làm bậy nơi cửa Phật, bổn tự sẽ báo quan để nghiêm trị lũ các người.
Rồi quay sang Trương Nguyên:
- Tiểu thí chủ có biết hòa thượng đã ra tay với ba tên này là cao tăng từ phương nào tới không?
- Không rõ nữa.
Vị tăng nhân trung niên lại hỏi:
- Hình như ban nãy nghe được có nhắc gì tới sư thái, chuyện này rốt cuộc là sao?
Trương Nguyên thầm nghĩ: “Tên hòa thượng này tai thính gớm, ta ở tận trên núi hô một câu mà y dưới núi cũng nghe thấy được”. Rồi đáp:
- Chỉ có hòa thượng, không có sư thái.
Nhị Hổ xoa xoa ngực, lồm ngồm bò dậy, quát lên:
- Chó má, hòa thượng cũng không có, chỉ có một con tiện nhân thôi. Con tiện nhân đó…..
Trương Nguyên nói:
- Đại sư phụ, tên côn đồ này vừa mắng các vị là “chó má,” “ tiện nhân” đó.
Mấy hòa thượng vốn đã chẳng ưa gì mấy tên lưu manh này, giờ nghe được lời của Trương Nguyên thì đúng là đổ thêm dầu vào lửa. Mấy tăng nhân có côn thiết trong tay hùng hổ xông lên, nhắm thẳng ba tên lưu manh mà đánh. Vị tăng nhân dẫn đầu nói:
- Không cần ra tay với chúng, trói lại giải tới công đường.
Giờ đã là chính ngọ rồi, nhất định mẫu thân đang rất lo lắng đây. Nghĩ vậy, Trương Nguyên nhanh chóng chạy một mạch về nhà.
Từ xa đã trông thấy bóng hai người hầu nam từ hàng rào trúc trước cổng nhà chạy ra, một người là Vũ Lăng, người kia là Đại Thạch Đầu, đằng sau còn có Tiểu Thạch đầu cũng chạy ra đón.Thấy thiếu gia trở về, Vũ Lăng vừa mừng vừa giận, nói:
- Thiếu gia, may quá cậu về đây rồi. Thái thái hỏi đến cậu mấy lần, trường xã thì chẳng có ai, Định Nhất thiếu gia thì cũng về rồi. Cậu ấy bảo hôm nay trên học đường thiếu gia và thầy giáo ở trường xã đó xảy ra cãi vã, cuối cùng thầy giáo đó bị đuổi đi mất....Thiếu gia, vừa nãy cậu đã đi đâu vậy?
Trương Nguyên cười mắng:
- Con khỉ Trương Định Nhất kia chỉ giỏi về nhà ăn nói linh tinh, ta phải trừng trị cho nó một bài học mới được.
Rửa mặt xong, Trương Nguyên vội vàng tới bái kiến mẫu thân, kể cho bà về chuyện xảy ra ban sáng ở trường xã, rồi chuyện đi tới Đại Thiện Tự tìm thầy xin học nhưng không gặp. Còn chuyện gặp cô gái đọa dân và đám lưu manh kia, cậu tuyệt nhiên không hề nói tới để khỏi làm bà phải lo lắng.
Trương mẫu Lã thị ban nãy nghe Trương Định Nhất ba hoa một hồi thì cũng không tin lắm, nhưng mãi mà chẳng thấy con trai về nên bà cũng không hơi sốt ruột. Giờ mọi chuyện đã rõ, cậu lại còn được Hầu Huyện lệnh miễn cho ba năm lao dịch, đây đương nhiên là chuyện vui mừng rồi.Chỉ có điều bây giờ trường xã không có thầy dạy, mà Khải Đông tiên sinh ở Đại Thiện Tự yêu cầu lại cao, không phải ai cũng được ông tiếp nhận làm đồ đệ. Bà nói:
- Con trai, không cần sốt ruột đâu. Mắt của con vừa mới hồi phục, không nên quá lao lực. Hãy cứ để các môn khách tiên sinh bên Tây Trương sang đọc sách cho con nghe, sang năm đi học cũng chưa muộn mà.
Trương Nguyên nói:
- Hài nhi hôm nay tới Đại Thiện Tự xin học Khải Đông tiên sinh, nhưng con chưa gặp được thầy ấy, ngày mai để Tây Trương Tam huynh dẫn con tới đó. Con nhất định phải học được văn bát cổ trong năm nay, sang năm kì thi huyện tháng hai và kì thi phủ tháng tư con nhất định phải tham gia bằng được.
Thấy con trai quyết tâm như vậy, Lã thị cũng chẳng biết nói gì hơn nữa. Đột nhiên nghĩ tới một chuyện, bà nói:
- Nói như vậy lễ mừng thọ của anh rể con vào mùng bảy tháng ba năm tới, con không đi được rồi.
Trương Nguyên nói:
- Nghiệp học vẫn là quan trọng nhất. Đợi tới lúc đó hẵng hay mẫu thân à. Thi Huyện là trung tuần tháng hai, thi Phủ là hạ tuần tháng tư. Nếu trong thời gian này hài nhi học được văn bát cổ mà có thể tham gia thi được thì từ Tùng Giang phủ Thanh Phổ huyện quay về cũng chỉ khoảng một nghìn dặm là cùng, chỉ mất tầm hai mươi ngày thôi.
Trương mẫu Lã thị vui mừng nói:
- Được, con đã có tính toán như vậy ta cũng yên tâm rồi. Giờ con đi dùng cơm đi.
Đến quá trưa, Trương Nguyên ngồi một mình trong thư phòng phác họa lại theo tấm “Ma cô sơn tiên đàn ký” của Nhan Chân Khanh. Đây là tấm bia khắc chữ mà Nhan Chân Khanh đã sáng tác vào những năm cuối đời, từng dòng từng chữ hiện lên vô cùng uy nghiêm mà vẫn toát lên vẻ thanh cao và tao nhã. Trương Nguyên rất thích luyện theo tấm bia này, bởi vậy cậu tiến bộ rất nhanh chóng. Cậu thầm nghĩ nếu luyện thêm hai tháng Đại tự nữa là có thể luyện sang Tiểu Khải rồi. Khi đi thi thì chỉ được dùng kiểu chữ Tiểu Khải này, nhưng trước tiên vẫn cần phải tập kiểu chữ Đại Tự để quen mặt chữ, canh chỉnh kết cấu chữ và bút lực.
Nghĩ đến bút lực, Trương Nguyên liền nhớ tới cô thiếu nữ đọa dân biết võ nghệ ban sáng kia. Cô gái đó có làn da trắng và mái tóc vàng kì lạ, con ngươi thì hình như có màu xanh biếc, những đặc điểm ấy cho thấy cô mang gen di truyền của người mắt màu, tổ tiên hoặc cha mẹ cô rất có thể là người mắt màu triều Nguyên theo Tây Vực di cư vào Trung Nguyên. Người mắt màu có rất nhiều chủng tộc, da trắng có, da vàng có, người lai giữa da trắng và da vàng cũng có. Cô gái này hẳn là có dòng dõi Cát La Lộc, qua bao nhiêu đời, tộc người da trắng này đã lai với không biết bao nhiêu chủng tộc khác, cho đến thời Đại Minh lập quốc thì đã được hơn hai trăm bốn mươi năm rồi.
Tiểu nha đầu Thỏ Đình nhìn thấy thiếu gia luyện bút thì bất giác cứ ngẩn người ra ngắm. Ước chừng đã tới giờ thiếu gia ngừng luyện chữ rồi, cô liền mang bộ đồ rửa bút bằng sứ men xanh bước vào, bên trong là một đĩa nước trong.
Trương Nguyên cầm cây bút lông chấm đầu bút vào trong bát nước, khuấy đều cho sạch mực.Trông bát nước trong veo dần ngả sang màu mực đen, lòng cậu thầm nghĩ:
“Không biết cô gái đọa dân kia tên gọi là gì, dung mạo cũng có vẻ khá xinh đẹp.Chỉ là sống trong hoàn cảnh như vậy, việc phải buôn bán gian lận âu cũng là điều khó tránh. Kỹ nữ, đánh cá, ăn xin, cửu vạn, gánh phân, cạo tóc, săm mình, lo việc ma chay...là nghề chính của những người đọa dân này.
Lại nghĩ:
“Ba tên lưu manh kia đã bị áp giải tới nha môn, tạm thời sẽ không thể gây phiền hà cho thiếu nữ đọa dân kia được, vả lại cô ta cũng biết đánh đấm nên cũng chẳng e sợ gì bọn chúng. Qua mấy hôm nữa ta thử tới phố Tam Đại xem xem, nếu có thể giúp được cái gì thì giúp. Cô gái này còn nhỏ mà đã có thân thủ như vậy, không khỏi khiến người ta phải kinh ngạc. Những công phu đó không biết cô học ở đâu ra?”
Trương Đại, Nghê Nguyên Lộ, Diêu Giản Thúc và các sinh đồ tham gia kì thi hương ở Hàng Châu, hai mươi ba tháng bảy sau giờ ngọ theo đập nước phía nam tới bến tàu đi thuyền, qua kênh đào Tây Hưng rồi đến Tiêu Sơn, ở đây nghỉ một đêm rồi lại khởi hành tới Hàng Châu.Kì thi hương ở Hàng Châu được tổ chức vào mùng chín tháng tám.
Trương Đại thấy Trương Nguyên cũng tới tiễn thì cười hỏi:
- Giới tử, Chu Triệu Hạ kia dạy cũng không tệ, học hỏi được không ít kiến thức rồi đúng không?
Trương Nguyên cười khổ:
- Đại huynh thật đáng trách, sớm biết Chu Triệu Hạ kia là kẻ như thế nào mà chẳng nói với tiểu đệ một câu, hại đệ hôm nọ phải ầm ĩ với gã một trận.
Trương Đại cười ha ha, nói:
- Trước mặt gã, ta biết nói sao với đệ đây? Thôi thì cứ để đệ tự mình “lĩnh giáo” một chút cũng hay mà.
Trương Ngạc đứng bên nghe vậy, vội hỏi:
- Sao? Giới tử, đệ cãi nhau với ai cơ?
Trương Nguyên liền đem chuyện ở trường xã sáng hôm qua kể lại một lượt. Nghe xong tất cả mọi người ai nấy đều cất tiếng cười vang. Trương Ngạc cười nói:
- Giới tử, ta phục đệ sát đất. Trước nay chỉ có thầy đuổi trò, chứ việc học trò đuổi được thầy đi, đây quả là truyền kì, đáng ghi vào sử sách đó.
Nói giỡn một hồi, đám người Trương Đại bắt đầu lên thuyền rời bến. Ai nấy đều vô cùng hồ hỏi, làm như kì thi hương lần này mình chắc chắn sẽ vượt qua vậy.
Trương Nguyên nhìn theo bóng chiếc thuyền của Trương Đại đã đi xa, trong đầu thầm tưởng tượng cảnh Tông tử Đại huynh một tháng sau mang bộ dạng thất vọng ê chề quay trở về, không khỏi khẽ lắc đầu. Con đường khoa cử vốn khắc nghiệt và gian nan như vậy đó.