Chương 22: Ác mộng bắt đầu(2)

Ông lão Vệ Bất Hồi nói anh ta có thể sẽ chôn thây dưới lòng đất, nhưng tôi thật không ngờ, anh ta lại chết nhanh như vậy, mà không phải chết dưới lòng đất.

Sau đó, tôi phải làm bản tường trình tại Sở Cảnh sát mất mấy tiếng. Tất nhiên, tôi không thể khai thật mối quan hệ giữa tôi và Vệ Tiên với cảnh sát. Lúc quyết định đối mặt với cảnh sát, tôi đã nghĩ ra một cách nói hoàn hảo vừa có thể giải thích mối quan hệ giữa tôi với Vệ Tiên, vừa không khiến tôi vướng vào quá nhiều phiền toái: chúng tôi là bạn trên mạng với nhau.

Tôi thuật với cảnh sát tôi quen Vệ Tiên khi chat trên mạng Sina. Vệ Tiên vào chat với tôi theo kiểu bạn bè ngẫu nhiên, tôi thấy anh ta khá hiểu biết về cổ vật và lịch sử Trung Quốc cổ đại, hơn nữa lại ở cùng trong một thành phố, nên chúng tôi hẹn gặp nhau mấy lần. Hôm nay, Vệ Tiên gọi điện cho tôi, nói muốn cho tôi xem một món đồ rất hay, tôi vội vã đến khách sạn Hilton. Tôi nhận ra thần sắc của Vệ Tiên hơi bất thường ngay khi vừa đến, chúng tôi mới nói vài câu, anh ta đột nhiên mở toang cửa sổ và nhảy xuống dưới.

Cảnh sát cho tôi xem hai bộ quần áo trong chiếc ba lô du lịch của Vệ Tiên, tôi nói mình không biết, chưa từng trông thấy chúng bao giờ.

Cảnh sát tới hiện trường điều tra và mau chóng đi đến kết luận Vệ Tiên tự nhảy lầu. Có một điểm có lợi cho tôi, đó là buổi chiều người phục vụ khách sạn tới phòng Vệ Tiên quét dọn đã chú ý đến biểu hiện hoảng hốt và vẻ mặt nhợt nhạt của anh ta, dường như anh ta đang trĩu nặng tâm sự.

Tôi bị giữ ở Sở Cảnh sát cho tới tận hơn 9 giờ tối. Cuối cùng tôi cũng được ra khỏi đó. Viên cảnh sát phụ trách vụ án yêu cầu tôi rằng trước khi họ đưa ra kết luận chính thức về vụ án, nếu tôi muốn rời khỏi Thượng Hải phải được sự đồng ý của phía cảnh sát. Tôi đành chấp nhận.

Bình thường thì tôi sẽ không cam lòng bị bó buộc như thế này, nhưng thân phận của Vệ Tiên quá bí hiểm, hơn nữa trong phòng anh ta lại xuất hiện những dụng cụ quái đản và một số cổ vật quý lạ mà giá của nó có thể khiến bất kì chuyên gia nào tới Sở Cảnh sát xem cũng phải ngạc nhiên tới nỗi tròn mắt há miệng.

Một người như thế chết bất thình lình, lúc chết lại chỉ có mỗi tôi bên cạnh, làm sao phía cảnh sát dễ dàng bỏ lọt tôi được?

Sau một thời gian điều tra không có tiến triển, họ đành phải kết luận đây là một vụ tự sát thông thường. Còn những cổ vật đó có lẽ sẽ được gửi tới viện bảo tàng.

Ra khỏi Sở Cảnh sát, tôi gọi một chiếc xe taxi, tới siêu thị tiện ích Liên Hoa lấy lại cái túi.

Về tới nhà, tôi lấy nửa lá cờ và cuốn sổ nhật kí ra khỏi túi, chuẩn bị nghiên cứu.

Tôi xem nửa lá cờ đó trước. Tôi bật đèn trên bàn viết để nhìn cho rõ hơn. Chiếc bàn viết của tôi dài gần hai mét, bên phải đặt màn hình máy tính, khoảng trống còn lại không đủ để trải nửa lá cờ còn sót lại này.

Tôi không biết lá cờ này được làm từ chất liệu gì vì nó không phải do sợi tơ hay sợi bông dệt thành. Lá cờ lấm tấm vệt máu, tuy đã bị sờn rách nhưng khi lấy tay sờ lên, tôi vẫn thấy nó vô cùng bền chắc, chất vải không bị vụn mủn theo năm tháng.

Lông mày tôi từ từ chau lại trong lúc tôi tỉ mỉ phân biệt những hoa văn trên lá cờ.

Lá cờ này rõ ràng là lá cờ ma đó, từ đầu chí cuối, tôi và anh chàng Vệ Tiên không hề cảm thấy chút áp lực nào do lá cờ này gây ra… Nghĩ tới đây, tôi bất giác giật thót tim. Tôi không cảm nhận được và anh chàng Vệ Tiên khi ở trong mộ đạo cũng không cảm nhận được, nhưng lúc sau thì sao, lúc sau, vẻ thất thần hoảng hốt của anh ta có can hệ gì với lá cờ này?

Ý nghĩ này cứ xoay vần trong đầu óc tôi rồi nó phai dần vì tôi không tìm được điểm tựa thực tế nào để giải thích cho nó cả. Lá cờ là do tôi lấy ra từ trong chiếc ba lô du lịch, suy đoán theo lý thì từ sau khi trở về khách sạn Hilton, Vệ Tiên chưa hề lấy nó ra.

Theo lời kể của mấy bậc cao niên đã từng nhìn thấy lá cờ này, tôi đã sớm biết rõ về uy lực của nó. Tại sao khi lá cờ ấy đang trải ra trước mắt tôi, tôi lại không hề có cảm giác thần hồn khiếp đảm ấy? Cũng dễ giải thích thôi, lá cờ này không còn nguyên vẹn nên đã mất đi uy lực vốn có của nó. Nhưng câu hỏi đặt ra là, hình vẽ trên lá cờ lại không giống với bất kì hình vẽ nào trong trí nhớ của bác Chung Thư Đồng, ông lão Dương Thiết hay bác Phó Tích Đệ.

Trên lá cờ này rõ ràng vẽ mấy con ly[1] đang nhe nanh giơ vuốt, tôi vẫn có thể nhận ra dù nó đã bị mất một nửa. Hình vẽ này rõ ràng đến thế, tại sao các bác ấy lại nhìn nhầm?

[1] Con ly: loài rồng không có sừng trong truyền thuyết, thường dùng làm hình tượng trang trí công trình kiến trúc và vật phẩm cổ.

Trong lòng chất chứa đầy nghi hoặc, tôi nhìn đăm đăm vào lá cờ. Phần cơ thể còn sót của mấy con long li và những vệt máu đan xen vào nhau dưới ánh đèn, làm tim tôi đập dồn dập hơn trong chốc lát.

Tôi định thần lại, trên nền vàng tươi của lá cờ nổi bật những con rồng đen, nhưng giờ nó đã biến thành màu đen pha nâu do những vệt máu đông đặc lại, nếu không quan sát kĩ sẽ không nhận ra đâu là hình ảnh con rồng đen, đâu là vệt máu.

Cũng trên nền vàng tươi ấy hình như còn có những đường vân chìm khác.

Có lẽ đó là những vệt máu rất nhạt. Vừa nghĩ tôi vừa đưa tay luồn xuống phía dưới lá cờ, nhấc nó lên, đặt gần lại phía ánh đèn để trông cho rõ hơn.

Đúng thế, đó đích thị là những đường vân khác.

Trên nền vàng tươi có những đường vân màu vàng nâu chỉ thấy rõ khi nhìn ở cự ly rất gần.

Là những hình vẽ trong mộ đạo!

Tôi thấy sởn tóc gáy. Những đường vân này tuy không giống hệt những hình vẽ trong mộ đạo, nhưng chắc chắn, chúng thuộc cùng một loại.

Những hình vẽ này thể hiện ý nghĩ gì? Vì sao sau khi thêu những con ly, người ta còn thêu cả những đường vân chìm mà nếu không quan sát cẩn thận ở cự ly gần sẽ không thể thấy được?

Cố nhiên, tôi không thể tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này. Có điều, tôi đã quyết định ngày mai sẽ tới gõ cửa nhà bác Chung Thư Đồng. Tri thức uyên bác của một đại học giả như bác dẫu không thể cho tôi câu trả lời trực tiếp cũng có thể chỉ cho tôi một con đường.

Tôi cẩn thận gập nửa lá cờ lại, đặt sang một bên, với lấy cuốn sổ nhật kí, bắt đầu lật giở từng trang một.

Cuốn nhật kí này dày gần 200 trang và đã được ghi gần hết. Nó không phải là cuốn nhật kí của Tôn Huy Tổ, những ghi chép trong cuốn sổ do người anh cả Tôn Diệu Tổ thực hiện. Điều này cũng rất bình thường, nếu không tôi sẽ cảm thấy kì lạ, vì Tôn Huy Tổ cơ hồ không giống một người thích ghi nhật kí, thậm chí chưa chắc đã biết nổi mấy chữ. Có điều, tôi không biết tại sao Tôn Huy Tổ lại mang theo cuốn nhật kí này bên người.

Cuốn nhật kí này không phải được ghi hàng ngày. Mà thực ra cũng không thể gọi nó là nhật kí, nên gọi nó là cuốn ghi chép về quá trình thực hiện kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn có lẽ đúng hơn. Về cơ bản, mỗi trang của cuốn nhật kí ghi chép sự kiện của một ngày, bắt đầu từ ngày 17 tháng 7 năm 1928. Kể từ ngày hôm đó, kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn từ từ được khởi động. Lúc đầu, khoảng thời gian giãn cách giữa các ngày ghi nhật kí khá lớn, chứng tỏ kế hoạch tiến triển chậm; đến năm 1937, kế hoạch hành động của họ rõ ràng có những bước tiến rất mau, đặc biệt là từ tháng 3 năm đó trở đi, nhật kí được ghi ít nhất hai ngày một lần.

Tôi khẽ khàng bóc gỡ từng trang giấy bết máu, mùi máu nồng dần theo số trang tôi lật giở. Cuốn nhật kí đó nhiều chỗ đã nhòe nhoẹt, nhưng kế hoạch to lớn mà bốn anh em nhà họ Tôn thực hiện dần dần hiện ra từng chút, từng chút một.

Ngày 17 tháng 7 năm 1928, trời nắng.

Mình vốn không có thói quen ghi nhật kí, nhưng hôm nay xảy ra một chuyện khiến mình hạ quyết tâm phải ghi chép lại. Những dòng này chỉ là điểm khởi đầu, hi vọng mình có thể viết tiếp cho tới điểm cuối cùng. Mình biết tổ tông trên trời cao đang dõi theo mình.

Hôm nay, mình đã gặp Hán Chương tại Tuân Hóa (vốn dĩ tôi không biết Hán Chương là ai, nhưng đọc tới phần sau, Hán Chương có lẽ là tên chữ của Tôn Huy Tổ). Nó kể với mình rằng, mấy hôm trước, nó đã cùng Tôn Điện Anh thực hiện một phi vụ lớn, thu hoạch được vô khối thứ hữu ích. Nó cho mình xem một tá châu báu, đều là những của quý mà bình sinh mình chỉ được ngó qua. Mình hỏi cặn kẽ nó mới biết Tôn Điện Anh mang quân đi đào mộ của Từ Hi Thái Hậu và Hoàng đế Càn Long.

Trông thấy mình, Hán Chương hơi ngạc nhiên. Nó còn kể với mình một chuyện khác. Lúc nó tiến vào mộ thất của Hoàng đế Càn Long đã xảy ra một chuyện quái dị khiến nó sợ mất mật. Tôn Điện Anh đã có nghiêm lệnh, không được để sự việc này đồn thổi ra bên ngoài, nếu mình không phải là đại ca của Hán Chương, có lẽ nó sẽ không nói cho mình biết.

Khi đám người tiến vào gian mộ thất cuối cùng của lăng mộ Hoàng đế Càn Long và cho bom nổ tung cánh cửa đá, Hán Chương là người đầu tiên định nhào vào bên trong, nhưng chưa kịp bước được một bước, nó đã hãi hùng tới nỗi ngồi phịch xuống đất.

Nếu không phải do Hán Chương chính miệng kể lại với mình thì mình sẽ không dám tin tam đệ của mình lại có thể thất kinh đến thế.

Tất cả những người theo ngay sau Hán Chương lúc đó, kể cả Tôn Điện Anh gan lớn tày trời cũng sợ run người.

Có điều, đám người đó chỉ trông thấy một lá cờ mà thôi. Trên bức tường ở phía trong cùng của gian mộ thất có treo một lá cờ lớn. Hán Chương hồn xiêu phách tán là do nó nhìn thấy lá cờ đó. Những người khác cũng thế. Lúc đầu, tất cả mọi người cứ ngỡ, Hoàng đế Càn Long nổi giận và bọn họ đã bị trúng lời chú nguyền.

Lúc đó, không một ai dám bước vào. Tôn Điện Anh phải mời mấy công binh của doanh trại công binh tới tương trợ. Ba người đầu tiên cầm súng bắn liên hồi, song không dám bước vào. Tới người thứ tư, anh ta đành miễn cưỡng bò vào. Lúc sau, anh ta mới rõ, lá cờ đó từ xa nhìn lại sẽ hồn phách rụng rời nhưng lại gần thì không sao cả.

Hán Chương không phải là con trưởng nên nó tuy biết sự huy hoàng của gia tộc Tôn Thị cuối thời nhà Hán, nhưng có một số bí mật thì chỉ con trưởng mới đủ tư cách được biết.

Hán Chương lần đầu tiên trông thấy mình thất sắc như thế. Trong mắt của nó, người anh cả như mình bao giờ cũng vững như Thái Sơn.

Có lẽ nên gọi Lão Nhị và Lão Tứ tới. Lá cờ đó đã xuất hiện thì cơ hội của gia tộc Tôn Thị cũng tới.