Chương 22: Thiếu nữ và phi kiếm (1)

Một vị nho sĩ tóc mai hai bên bạc trắng mang theo một thiếu niên áo xanh rời khỏi hương thục, đi đến dưới lầu đền thờ. sắc mặt vị tiên sinh dạy học có học vấn lớn nhất trấn nhỏ này có phần tiều tuỵ, đưa tay chỉ về tấm biển trên đỉnh đầu : “Đương nhân bất nhượng, bốn chữ này giải thích thế nào?”

Thiếu niên Triệu Diêu, vừa là đệ tử theo học, vừa là thư đồng của tiên sinh, ngẩng đầu nhìn theo hướng chỉ, không chút do dự nói: "Nho gia chúng ta lấy chữ Nhân lập giáo, bốn chữ trên tấm biển này lấy từ “làm việc nhân đức không nhường sư phụ”, ý nói người đọc sách chúng ta nên tôn sư trọng đạo, nhưng đứng trước nhân nghĩa đạo đức thì không cần khiêm nhường.

Tề tiên sinh hỏi: "Không cần khiêm nhượng? Sửa thành 'Không thể' thì sao?"

Thiếu niên áo xanh tướng mạo đoan chính, hơn nữa so với Tống Tập Tânkhí thế bức người, bộc lộ tài năng thì khí chất của thiếu niên ôn hòa hướng nội hơn, tự nhiên khả ái giống như một đóa phù dung vừa nở. Sau khi tiên sinh hỏi vấn đề ẩn giấu huyền cơ này, thiếu niên không dám phớt lờ, cẩn thận suy nghĩ, cảm thấy tiên sinh đang kiểm tra học vấn của mình, nào dám tùy ý? Vị nho sĩ trung niên nhìn dáng vẻ thận trọng như lâm đại địch của đệ tử, cười hiểu ý, vỗ vỗ vai thiếu niên, "Chỉ là thuận miệng hỏi mà thôi, không cần căng thẳng. Xem ra trước đó ta đã quá gò bó thiên tính của con, giáo dục cứng nhắc, khiến con sống như một pho tượng trong Văn Xương Các, cau mày nhăn mặt, đi đâu cũng nói quy tắc, mọi chuyện nói đạo lý, mệt mỏi không than vãn… Nhưng mà hiện nay xem ra đó lại là một chuyện tốt."

Thiếu niên cảm thấy mơ hồ không hiểu, nhưng tiên sinh đã dẫn hắn đi vòng đến một bên khác, tiếp đó lại là ngửa đầu nhìn tấm biển bốn chữ, vị nho sĩ thần sắc trở nên thoải mái, không biết vì sao, tiên sinh dạy học vốn là người thận trọng kiệm lời, nay lại nói ra rất nhiều vấn đề thú vị phức tạp, lúc này đang ồn tồn kể với đệ tử: "Tấm biển bốn chữ Đương nhân bất nhượng vừa rồi, người viết nó từng là Thiên hạ thư pháp đệ nhất nhân, cùng từng gây ra rất nhiều tranh cãi, ví dụ như tranh cãi về cách cục, cân cốt thần ý, hay như tranh luận khen chê về 'Cổ Chất' với 'Kim Nghiên', tranh luận mãi đến nay vẫn không có hồi kết. Bốn nghĩa của thư pháp gồm Vận, Pháp, Ý, Tư, trải qua ngàn năm, người này xếp đầu hai thứ, quả thật là không để cho tông sư cùng thế hệ có được nửa đường sống. Về phần của 'Hi Ngôn Tự Nhiên' này thì thú vị hơn, nếu như người nào cẩn thận tỉ mỉ quan sát sẽ có thể phát hiện, tuy rằng bốn chữ này dùng bút, kết cấu, thần ý đều tương tự, nhưng trên thực tế là do bốn vị Đại chân nhân tổ đình đạo giáo phân nhau ra viết, lúc đó có hai vị lão thần tiên còn viết thư qua lại, cãi nhau ỏm tỏi một phen, ai cũng muốn viết chữ 'Hi' huyền diệu khó giải thích chứ không muốn viết chữ 'Ngôn' dung tục kia..."

Sau đó vị nho sĩ mang theo thiếu niên vòng qua mặt có bốn chữ "Mạc Hướng Ngoại Cầu", ông nhìn chung quanh, mắt nhìn xa xăm nói, “Bởi vì không còn tiên sinh dạy học nên hương thụ mà con đang theo học sẽ nhanh chóng bị mấy gia tộc lớn cho ngừng hoạt động, hoặc là dứt khoát đập đổ, xây thành đạo quán nhỏ hoặc dựng lên một pho tượng Phật cho khách hành hương đến thắp nhang. Sẽ có một đạo nhân hoặc là tăng nhân chủ trì, duy trì qua từng năm cho đến kỳ hạn một giáp 60 năm, trong thay đổi đó sẽ cố gắng 'thay người' hai ba lần, để tránh khỏi bách tính trong trấn nhỏ nảy sinh thắc mắc nghi hoặc, thật ra đó chỉ là thủ thuật che mắt thô thiển mà thôi. Nhưng mà, có thể thi triển một môn thuật pháp thần thông nhỏ như hạt vừng ở nơi này, nếu như đặt ở bên ngoài, có lẽ khí thế thực chẳng khác nào thiên thần khua chiên múa trống rung trời đất, sấm động giữa trời xuân. . ."

Nói tới đây, tiếng nói của tiên sinh nhỏ như muỗi kêu, dù cho Triệu Diêu vểnh tai cũng vẫn không nghe được rõ ràng là mấy.

Tề tiên sinh thở dài, giọng điệu có phần bất đắc dĩ pha chút mệt mỏi: "Rất nhiều chuyện, vốn là thiên cơ không thể tiết lộ, việc cho đến bây giờ, đã càng ngày càng không quan trọng nữa, nhưng chúng ta dù sao cũng là người đọc sách, vẫn là phải nói đến thể diện một chút. Huống chi nếu Tề Tĩnh Xuân ta đã đi đầu phá hỏng quy củ, không khác nào biết pháp lại đi phạm pháp, thật sự quá khó coi.”

Triệu Diêu đột nhiên lấy dũng khí nói: "Tiên sinh, học sinh biết ngươi không phải tục nhân, trấn nhỏ này cũng không phải nơi tầm thường."

Nho sĩ hiếu kỳ cười nói: "Thế nào? Nói nghe thử.”

Triệu Diêu chỉ chỉ ngôi đền mười hai cột chống khí thế nguy nga phía trước, "Nơi này, cùng với giếng Thiết Tỏa của ngõ Hoa Hạnh, còn có lời đồn ở chỗ cầu hành lang có treo hai thanh thiết kiếm, cây hoè già, cây đào của ngõ Đào Diệp cùng với phố Phúc Lộc nơi ở Triệu gia nhà con, mỗi năm dán thiếp Cốc Vũ, thiếp Trùng Dương… hết thảy đều rất kỳ quái."

Nho sĩ cắt lời thiếu niên, "Kỳ quái? Sao lại kỳ quái, từ thuở nhỏ con đã lớn lên ở chỗ này, con vốn chưa từng đi ra bên ngoài, lẽ nào con đã được nhìn thấy phong cảnh bên ngoài trấn nhỏ? Không biết mà lại đi so sánh, tại sao nói vậy?"

Triệu Diêu trầm giọng nói: "Những sách của tiên sinh, học sinh đã thuộc lòng từ lâu, hoa đào của ngõ Đào Diệp so với những gì miêu tả trên câu thơ thì có khác biệt rất lớn. Hơn nữa tiên sinh dạy học vì sao chỉ truyền dạy ba quyển sách vỡ lòng, coi trọng việc biết chữ, vậy học vỡ lòng xong thì chúng con nên đọc sách gì? Đọc sách để làm gì? “Khoa cử” trong sách là sao? Thế nào là “sáng còn làm nông dân, chiều thành quan trong triều”? Thế nào là “Thiên tử coi trọng anh hào, văn chương dạy chúng ta”? Hai vị diêu vụ đốc tạo quan trước sau mặc dù chưa từng nhắc đến triều đình, kinh thành và chuyện thiên hạ với người khác, thế nhưng…”

Nho sĩ vui mừng cười nói: "Đủ rồi, nhiều lời vô ích."

Triệu Diêu lập tức im lặng không nói.

Nho sĩ tự xưng Tề Tĩnh Xuân nhỏ giọng nói: "Triệu Diêu, sau này ngươi cần thận trọng từ lời nói đến việc làm, nên nhớ họa là từ miệng mà ra, cho nên Nho gia hiền nhân đa số miệng kín như bưng. Quân tử trên hiền nhân, thì nói năng cẩn thận, biết người biết ta, e sợ có sai phạm nào. Về phần thánh nhân, ví dụ như bảy mươi hai vị sơn chủ của thư viện… Những người này có thể được ví như đại chân nhân của Đạo giáo, kim thân La Hán của phật gia, một câu thành sấm, nói là làm ngay. Đám người này với cao nhân trong Chư Tử bách gia, sau khi đã đến được cảnh giới ấy, đại khái sẽ được gọi chung là thần tiên lục địa, coi như là đã bước một chân vào cửa. Chỉ có điều những nhân vật này, mỗi người như rồng, cao cao tại thượng, như là tượng thần trong đạo quan chùa miểu, cao không vớI tới được, một số khác lại là thần long thấy đầu không thấy đuôi, người bình thường vốn dĩ không tìm được."

Triệu Diêu nghe mà mơ mơ màng màng, như lọt vào mây mù.

Triệu Diêu không nhịn được hỏi: "Tiên sinh, ngày hôm nay vì sao người lại nhắc tới chuyện này?"

Nho sĩ sắc mặt rộng rãi, cười nói: "Con có tiên sinh, ta tự nhiên cũng có tiên sinh. Mà tiên sinh của ta… thôi không nhắc tới nữa, nói chung, ta vốn tưởng rằng còn có thể đủ kéo dài hơi tàn vài chục năm, đột nhiên phát hiện có vài người đứng ở phía sau màn, ngay cả chút thời gian ấy cũng không muốn chờ đợi. Cho nên lần này ta không có cách nào đưa con rời khỏi trấn nhỏ, chính con phải tự đi ra ngoài. Có chút chuyện không ảnh hưởng chân tướng toàn cục, ta cũng đã tiết lộ cho con một ít, con cứ coi như đang nghe chuyện xưa là được. Chỉ hy vọng con rõ ràng một đạo lý, ngoài trời có trời, trên người có người, bất kể Triệu Dao con ‘được trời ưu ái, có số may mắn’ như thế nào thì cũng không được đắc chí thỏa mãn, sinh lòng lười biếng.”