Izou mỗi ngày một yếu dần đi. Bản năng của hắn, thói tật của hắn mỗi ngày một mất dần. Đến ngay cách cầm kiếm tre hắn cũng phải học từ Takechi, bộ pháp cũng bị cố định vào một quỹ đạo, phương cách nhất định. Thế thủ cũng bị Takechi chỉnh đốn gay gắt. Mọi việc Izou đều nhất nhất tuân theo sự chỉ đạo của Takechi.
Với tính cách quá khích của Izou thì thật khó coi khi thấy hắn khúm núm trước Takechi. Phải chăng tất cả là vì Izou muốn trở nên mạnh hơn? Không, tâm tưởng của hắn lúc này không phải như vậy. Izou lúc này giống như một con chó. Chó là loài mang một tính cách bất hạnh, đối với đồng loại thì chúng nhe nanh sừng sộ, nhưng đối với chủ nhân vốn là một sinh vật khác loài thì lại nhu thuận đến đáng thương.
Takechi đã cho hắn nhập môn, đối với hắn thì đó là một ân nhân, một người chủ, còn hắn là con chó của ông chủ. Hắn cảm thấy hạnh phúc khi được làm con chó cho Takechi. Mà cũng chính là vì tổ tiên hắn đã từng là đầy tớ của nhà Takechi. Izou tiếp cận ông chủ của mình với thái độ như thế, với tình cảm của một con chó đối với chủ như thế, nên cho dù Takechi có khinh thường chẳng muốn gần cái sự thấp hèn đó, rốt cuộc cũng nghiễm nhiên tự cho mình là chủ nhân của con vật đáng thương kia.
“Trong ba năm, ngươi sẽ yếu dần đi”. Tuy Takechi nói thế, nhưng không biết Izou vốn là kẻ có tố chất hơn người, hay do sự chỉ đạo ưu tú của Takechi và hắn nhất tuân theo, mà chỉ trong vòng nửa năm mọi tật xấu của Izou đều mất hết, mọi động tác kĩ thuật đều đi vào khuôn phép và trình độ đã bắt kịp với quyền sư phụ Higaki Kiyoharu.
Đối với hắn thì không còn nơi nào bằng võ đường này. Một tên lính trơn thấp hèn như hắn được đứng trên võ đường như thế này, thì không còn gì thống khoái bằng. Thường ngày, bọn môn sinh Thượng sĩ và Hào sĩ ra lối hống hách, nhưng trên sàn đấu đều bị hắn đánh cho tơi tả vùi dập. Hắn cảm thấy kiếm thuật đã cứu hắn thoát khỏi sự thấp hèn của đẳng cấp.
Trong thế giới của hắn chẳng có gì khác ngoài thanh kiếm. Kĩ thuật hắn sử dụng cũng vô cùng ác liệt, bất cứ môn sinh nào thi đấu với hắn mà không mang giáp phòng ngự, đều bị Izou đánh cho cháy thịt nát xương. Izou là con chó hoang, bọn môn sinh cả sợ mà không còn ai dám đấu tập với hắn nữa. Nhưng đứng trước Takechi Hanpeita, thì con chó hoang Izou bỗng trở thành một con chó nhà hiền lành.
Thế rồi Takechi trình nguyện thư lên phiên xin phép được ra khỏi phiên đến Edo tu học kiếm thuật, nhưng trong phiên tự xưa đến nay vẫn có luật bất thành văn là, chủ một nhà du học bên ngoài thì không sao nhưng đường chủ một phái thì không được phép. Thế là Takechi phải đến hối lộ Kirima Shougen, một người có thế lực trong phiên. Và mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng khi Takechi tỏ ý định muốn dẫn theo Izou đến Edo tầm sư học đạo thì Kirima Shougen chỉ cười khảy “Hắn chẳng phải chỉ là một tên lính trơn thôi sao?”. Từ trước đến nay chưa từng nghe thấy chuyện cho một tên lính trơn đi du học ngoài phiên.
- Xin ngài cứ làm như Izou là đầy tớ của tiểu sinh mà hợp pháp hóa cho chuyện này, được như thế thì tiểu sinh vô cùng biết ơn.
- Ngài cũng thật lạ lùng. Chả nhẽ lại định bỏ tiền túi ra cho một tên lính trơn du học kiếm thuật sao?
Kirima cười ngạo rồi cho qua. Cũng là vì món quà vặt kia đã có tác dụng.
Nghe tin, Izou mừng rỡ điên cuồng. Trong lòng hắn lúc này, vì Takechi mà nhảy vào dầu sôi lửa bỏng hắn cũng cam chịu.
- Vậy là tiểu nhân được phép cùng tiên sinh đến Edo thật sao?
Izou khóc rống lên.
Thế rồi Takechi nhận được chỉ thị từ phiên đưa xuống, rằng “đến Edo tu học kiếm thuật”, dẫn theo tên đầy tớ Okada Izou rời khỏi Tosa, đến dinh thự Kajibashi ở Edo vào tháng tám năm Kaei[1] thứ sáu.
[1] Niên hiệu kéo dài từ năm 1848-1853
Những kẻ từ phiên khác đến tu tập võ nghệ được gọi là kiếm thuật chư sinh, họ có quyền lựa chọn võ đường để theo học, nhưng phần lớn người đến đây đều chọn võ đường Momoi Shunzou phái Kyoushin Meichi Ryu ở cách đấy không xa. Ở khu phố Kyoubashi Oke gần dinh thự Kajibashi cũng có võ đường của Chiba Sadakichi phái Hokushin Ittou Ryu, cũng được nhiều người ưa chuộng. Cũng trong thời gian này, Sakamoto Ryouma cũng đến võ đường Chiba theo học kiếm thuật.
Võ đường Momoi Shunzou mà Takechi chọn là một trong ba nơi làm mưa làm gió trong làng kiếm ở Edo đương thời. Thời đó, người ta vẫn truyền tụng nhau rằng Momoi cứng về thế thủ, Chiba mạnh về kĩ thuật trong khi họ Saitou ra đòn rất ác liệt.
Izou cũng theo Takechi vào nhập môn. Đường chủ lúc bấy giờ là Momoi Shunzou đời thứ tư, tên tục là Naomasa và là kiếm khách kiệt xuất nhất trong các đời Momoi. Trong số môn hạ thì có vô số kiếm hào, mà các chủ võ đường cỡ nhỏ ở Edo cũng phải rùng mình, như Ueda Umanosuke, Kanematsu Naoyasu, Kubota Shinzou hay Sakabe Daisaku.
Takechi vào đây như rồng gặp nước, như hổ về rừng, chẳng mấy chốc mà phát huy hết tài năng sở học của mình. Nhập môn được một năm đã được cử lên làm chức tổng giám sát đám môn sinh trong võ đường. Dù gì thì cũng là một chủ võ đường ở Tosa, hội đắc được cực ý các phái kiếm khác nên dĩ nhiên cũng khác xa đám môn sinh còn lại.
Mà sư phụ Momoi Shunzou cũng đặc biệt tỏ ra kính trọng Takechi. Hẳn là con người này có những tố chất khiến người ta kính trọng như vậy.
Thứ nhất là Takechi có tài tổ chức. Vào lúc còn chưa nắm chức tổng giám sát thì đã có lần can gián sư phụ Momoi: “Mọi quy củ đạo đức của võ đường ngày càng đi xuống”. Số là bên cạnh võ đường có một quán trà, trong số môn sinh có nhiều kẻ vẫn thường lui tới đàng điếm với bọn con hát. Takechi lấy làm ngứa mắt mà than phiền với Momoi:
- Nếu bây giờ mà không chấn chỉnh lại tác phong của môn sinh, thì việc này ắt sẽ tổn hại đến thanh danh của tiên sinh.
Shunzou vốn người rộng lượng khoan dung, nhưng về điểm này thì thiếu hẳn sự nghiêm khắc nên giao toàn bộ việc chấn chỉnh uy phong của võ đường cho Takechi. Thế rồi Hanpeita trở thành tổng giám sát, đề ra luật lệ, đặt giờ giới nghiêm, thưởng phạt phân minh, kẻ nào vi phạm luật lệ đều bị xử lý nghiêm khắc.
Vì vậy mà trong võ đường, tiếng ta thán Takechi ngày càng nhiều, nhưng chẳng bao lâu thì mọi sinh hoạt đều đi vào nề nếp quy củ. Chính vì có tài quản lý sắp xếp như vậy, nên sau này được chọn làm thủ lãnh cho Đảng Cần Vương của phiên Tosa.
Momoi Shunzou cũng lấy làm tự mãn về người môn đệ tên Takechi Hanpeita. Đương thời trong giới chư hầu thường tổ chức các buổi diễn võ, Momoi thường được mời đến và luôn dẫn theo Takechi. Chúa vùng Sendai, Daimyou xứ Izushi nghe tiếng mà ngưỡng mộ, truyền rằng muốn xem võ nghệ của Takechi. Đương thời có Katsura Kogorou vốn người Tosa, giữ chức tổng giám sát trong võ đường Saitou Yagorou, cũng được nhiều người chú mục và gọi ra cho diễn võ.
Thế còn Izou?
Một hôm, Momoi Shunzou cho gọi Takechi đến bảo rằng:
- Thật không phải với Hanpeita nhưng theo ta thấy, thì đừng nên cho tên đầy tớ kia học kiếm thì hơn.
Izou ngày càng tiến bộ, ngày càng mạnh hơn. Nhưng càng mạnh thì kĩ thuật của hắn càng lúc càng mất đi phẩm cách. Hắn quan niệm rằng làm sao để thắng là được. Và kiếm thuật của hắn cũng là thứ tương xứng với lối suy nghĩ đó. Thân pháp của hắn cực kỳ khó coi, cứ như một con sói đang khát máu chực nhảy xổ vào người ta.
Đòn đánh của hắn cũng không hoa lệ mỹ miều, mà mang một vẻ phàm phu khiến người xem phải buồn nôn. Vì thế mà Momoi không cấp chứng nhận cho hắn. Nhưng nếu về thực chiến thì không thể xem thường Izou. Một đòn đánh của hắn cũng đủ khiến người ta vọt cả óc ra. Nhưng nếu nói về khuyết điểm thì đây chẳng phải là kiếm thuật có phẩm cách, nên không có sự biến ảo vi diệu như các danh môn chánh phái.
Trong kĩ thuật của hắn không có đường tiến cũng không có đường thối. Chỉ là một nhát kiếm giải quyết sinh mạng. Nếu nhát đầu tiên không làm gì được đối phương thì cũng không thể biến hóa ra chiêu thứ hai. Vì vậy mà trong thi đấu hắn luôn chịu thiệt.
Trong trận đấu, trọng tài thường xử cho đối thủ của hắn thắng cuộc vì số lần tấn công nhiều hơn. Mà tiếng thét Kiai của Izou cũng không có chút phẩm cách nào, giống như tiếng gầm rống của loài dã thú. Cả sư phụ và bạn đồng môn đều chỉ điểm cho hắn những chỗ dở này.
Nhưng hắn vẫn thường ngạo mạn tự phụ mà bỏ ngoài tai:
- Nếu là đấu nhau bằng kiếm thật thì cho dù chiêu đầu tiên có nhẹ đi nữa, thì cũng làm đối phương không còn sức phản kháng nữa. Vì vậy mà chiêu thứ hai chỉ cần ung dung cũng có thể chém đứt đôi đối phương.
Chính vì thái độ phản kháng như vậy mà hình ảnh Izou ngày càng xấu đi trong mắt các bậc tiền bối ở võ đường. Thứ nhất, đối với họ thì kiếm không phải là thứ dụng cụ sát nhân, thành ra kiếm pháp của Izou bị coi là tà kiếm.