Chương 1: PHẦN TRUYỆN CỦA IKENAMI SHOU TAROU

Ikenami Shou Tarou (池波正太郎 1923-1990): Sinh tại Asakusa, Tokyo, là một trong các tác gia tiểu thuyết thời đại lớn nhất Nhật Bản. Không chỉ là nhà văn, ông còn là nhà phê bình điện ảnh, nhà nghiên cứu ẩm thực nổi tiếng. Nhiều tiểu thuyết thời đại của ông đã trở thành đề tài bất tận cho điện ảnh Nhật Bản. Thuở nhỏ Ikenami rất thích điện ảnh. Ông viết nhiều tiểu thuyết thời đại với bối cảnh là thời Edo và Chiến Quốc, trong số đó có nhiều kiệt tác. Tên tuổi Ikenami trở nên bất hủ với những án văn đậm tình người nhưng không kém phần khốc liệt về các võ sĩ thời trung cổ Nhật Bản.

Các tác phẩm tiêu biểu: “Taiko”, “Sakuran”, “Koroshi no yonnin” (quyển đầu tiên trong series Shikakenin.Fujieda Baian), “Shikake hari”,”Ichimatsu Kozou no onna”.

Trường biên “Onihei Hankachou” xây dựng nhân vật Hasegawa Heizou, một vị quan sống thời Edo có tài bắt trộm, giải quyết các vụ án đã trở thành đề tài bất tận cho phim ảnh. Tác phẩm “Sakuran” đã nhận được giải thưởng Naoki lần thứ 43 năm 1957.

BÍ TRUYỀN (1)

Một người đàn ông đen đủi từ đầu đến chân. Bên dưới mái tóc rối bời phủ đầy bụi bặm là cặp mắt dã thú sáng quắc. Bộ y phục hắn vận đã nhuốm đủ bụi bặm, bùn đất bẩn thỉu nên chẳng ai nhìn ra nó màu gì nữa và cũng chẳng rõ trên đó thêu những hoa văn gì. Hắn đi chân trần mà không mang dép rơm như thường thấy ở các võ sĩ.

Nhìn bề ngoài thì chẳng ai đoán được hắn bao nhiêu tuổi, nhưng rõ ràng đây chẳng phải là kẻ tầm thường. Người hắn thấp lùn, nhưng đôi mắt và những bắp thịt cuồn cuộn săn chắc của hắn đã nói lên điều đó. Không biết hắn đã ngồi đó tự bao giờ. Hắn ngồi xếp bằng, khoanh chân trên đất, hai tay ôm một thanh trường kiếm.

- Ủa ai vậy nhỉ?

Người đi đường không khỏi ngạc nhiên và bị thu hút bởi tấm biển dựng bên cạnh hắn. Đại khái trên biển viết rằng:

“Hỡi các võ sĩ, những kẻ tự tin vào sức mạnh của mình, những kẻ cầu học binh pháp võ nghệ, hãy tỉ thí với ta để phân định sư đồ.

Tháng chín năm Bunroku thứ hai[1].

[1] Bunroku: niên hiệu kéo dài từ năm 1592-1596

Kiếm sĩ vô song đất Nhật Bản Iwama Kokuma”.

Thì ra là vậy. Những kẻ tự tin vào tài nghệ của mình hãy tranh thắng thua với kiếm sĩ đệ nhất Nhật Bản. Người thua sẽ làm đệ tử của kẻ thắng. Không biết là chuyện gì đây.

- A! Quả nhiên, hắn chính là Kokuma.

- Ừ đúng là Kokuma.

- A ha! Cái gì mà kiếm sĩ vô song đất Nhật Bản chứ.

Bọn võ sĩ qua lại quanh chỗ hắn ngồi, đọc tấm biển rồi buông lời đàm tiếu. “Thằng này là Iwama Kokuma à?” Có kẻ giễu cợt trêu chọc nhưng hắn chẳng lấy gì làm bận tâm. Những chuyện võ sĩ đi lang thang khắp nơi trong nước tìm người giỏi võ nghệ để thách đấu, thi thố hay học hỏi chẳng thiếu gì trong xã hội phong kiến Nhật Bản. Chẳng ai lấy làm lạ. Nhưng Iwama lại xưng danh là kiếm sĩ thiên hạ vô song.

Đã ba ngày rồi, hắn ngồi ở một góc quảng trường trước cổng thành Edo, và hầu như hắn cứ ngồi yên ở đó. Bốn năm trước, tướng Tokugawa Ieyasu đã dời về vùng Kantou, chọn Edo làm nơi xây thành. Ông ta quả là người có con mắt nhìn xa trông rộng của kẻ đoạt thiên hạ. Từ trước đến giờ, Edo chỉ là chốn khỉ ho cò gáy, chẳng ai dám đến định cư trừ những thành phần cùng đinh. Nhưng quyết định chọn Edo làm nơi xây thành đã góp phần làm biến đổi bộ mặt lịch sử của nước Nhật. Chẳng ai ngờ, chốn hoang địa đó sau mấy trăm năm lại trở thành thủ đô của đất nước này. Sau này, người ta gọi nó là Tokyo.

Dưới bầu trời thu xanh ngắt, khắp nơi trong thành Edo đều vang lên tiếng búa nhiệt huyết xây dựng thành phố. Tiếng búa chẳng bao giờ dứt, chứng tỏ quyết tâm xây dựng nơi đây thành một chốn phồn hoa đô hội của nhà Tokugawa.

- Từ bây giờ, nơi đây sẽ trở thành một đô thị sầm uất của ngài Tokugawa.

Mọi người đều tin như thế. Ngày ngày, người ta đều chứng kiến không ít cảnh bọn thị dân từ các vùng khác lũ lượt kéo về, chẳng bao giờ dứt. Từ nơi đây, có thể cảm nhận được mùi vị của biển từ vịnh Edo theo gió đưa vào. Đến ngày thứ tư. Một người to lớn tiến đến bên Kokuma.

- Thằng khốn, cút đi!

Nói chưa dứt lời, gã đã vung gậy nện vào lưng Kokuma. Nhưng cây gậy chỉ vụt vào khoảng không trên đầu, Kokuma đã nhanh chóng thụp xuống. Khi Kokuma bật dậy, thân thể người kia bị ném vút đi, xương cổ bị đánh trật khiến hắn la hét ầm ĩ. Người qua đường thấy thế cả sợ, một góc phố náo loạn cả lên.

Đến ngày thứ năm, lại thêm hai tay võ sĩ giang hồ từ đâu đến thách đấu với Kokuma bằng mộc kiếm, nhưng hắn chỉ dùng tay không. Trong nháy mắt, hai người đã bị hắn vặn gãy xương cánh tay. Những kẻ chứng kiến lại thêm phần sợ hãi.

Đến buổi chiều ngày thứ sáu đã xảy ra một chuyện. Mỗi ngày, Kokuma chỉ ăn một buổi. Chiều hôm ấy, hắn mò xuống làng chài ngoài thành để lấy thức ăn thì đã thấy bốn kiếm khách chờ sẵn, thách đấu với hắn bằng kiếm thật.

- Ở đây chẳng phải trước cổng thành nên ta sẽ rút kiếm. Liệu hồn!

Báo rồi, Kokuma lao tới trước như con chim én. Nhanh quá, chỉ trong sát na[2] mà hai kiếm khách đã ngã xuống, máu phun có vòi. Một kẻ khác chớp thời cơ đâm từ sau lưng Kokuma. Hắn nhanh nhẹn tránh được, rồi thuận tay huơ ngược lưỡi kiếm. Tên còn lại trông thấy hoảng hồn bỏ chạy mất dạng. Rồi tiếng đồn về hắn lang rộng khắp Edo, lọt vào tai Tokugawa Ieyasu.

[2] Khoảnh khắc rất ngắn khó có thể đo đếm được.

Lúc bấy giờ, không hiếm những võ sĩ xuất thế lập thân nhờ vào tài võ nghệ. Nhưng thời kỳ chiến loạn trăm năm đã gần đến hồi kết thúc. Khi Toyotomo Hideyoshi diệt họ Hojo ở Odawara, thì họ Toyotomi đã gần như bình định được thiên hạ, vì thế mà nhu cầu về võ sĩ cũng giảm hẳn đi. Nếu không phải là kẻ cực kỳ xuất chúng bạt quần thì khó lòng mà tìm được công danh.

Lúc đầu, người ta gọi Kokuma là “kỳ nhân” rồi sau khi chứng kiến tài nghệ của hắn, các võ tướng và chư hầu có dinh thự ở Edo tự nhiên âm thầm chú mục đến hắn.

Đến ngày thứ mười, lại thêm hai kẻ thách đấu nữa bị hạ.

Nếu cứ như thế này thì quả nhiên cái danh hiệu “Nhật Bản vô song” cũng không phải là nói khoác. Rồi có cả vị chư hầu và Hatamoto nào đó đến mời hắn về phục vụ. Nhưng hắn từ chối thẳng thừng và cứ tiếp tục ngồi trước cổng thành.

- Vậy mục đích của hắn là gì?

Nhiều người tự hỏi. Có kẻ cười ngạo. Có lẽ hắn đợi lời mời từ một nhà nào đó cao giá hơn.

Đến ngày thứ mười ba lại có thêm năm kẻ đại bại dưới tay Kokuma. Như thế này sẽ không còn ai dám khiêu chiến với hắn mất.

- Quả là một tay kiếm cừ khôi.

- Hãy đến phục vụ cho ta đi...

- Cho sứ giả đến gặp hắn ngay...

Cứ như thế mà thành Edo náo nhiệt hẳn lên. Bọn thị dân và dân chài ngày ngày đều ghé đến trước cổng thành để xem hắn.

Buổi sáng ngày thứ mười bảy, trời đổ cơn mưa bụi như sương mù. Trong cơn mưa có ba võ sĩ đến tìm Kokuma.

- Các hạ là Iwama Kokuma?

- Chính ta.

- Chúng ta là môn đệ của Negishi Tokaku.

Một trong ba người, có kẻ cốt cách vững vàng, hình dong khôi ngô tuấn tú.

- Tại hạ là Sakayama Denzou.

Denzou nhìn kĩ Kokuma bằng cặp mắt như phóng ra từng tia điện, rồi cất giọng nói trầm trầm nhừa nhựa.

- Sư phụ Negishi Tokaku muốn tỉ thí với các hạ.

Kokuma ngước nhìn Sakayama rồi hất hàm:

- Ta chờ ngày này đã lâu.

Nói rồi vùng dậy, rồi nhổ tấm biển cắm bên cạnh, bẻ gãy cọc làm hai rồi vứt vào bụi cây sau lưng.

BÍ TRUYỀN (2)

Negishi Tokaku là kiếm khách được chú ý gần đây ở Edo. Hắn có một dinh thự rộng lớn ở khu Kanda và mở võ đường dạy kiếm pháp phái Ippa Ryu. Trong số hơn một trăm môn đệ của hắn, có nhiều người là võ sĩ phục vụ trong phủ Tokugawa. Vì vậy mà có lẽ Tokaku không thể nào làm ngơ Iwama Kokuma, kẻ xưng danh là kiếm sĩ Nhật Bản vô song ngồi trước cổng thành.

Tokaku được gọi là kiếm sĩ mạnh nhất ở Edo. Hắn cảm thấy đây là một lời thách đấu âm thầm đối với hắn. Quả đúng là như vậy. Đây là một lời thách đấu đối với Tokaku. Nhưng chẳng phải là một lời thách đấu bình thường.

Cả Tokaku và Kokuma đều học kiếm cùng một thầy vào năm mười sáu, mười bảy tuổi. Sư phụ hai người là Morooka Ichiusai, cao đồ của kiếm thánh Tsukahara Bokuden, một thời nổi danh chốn võ lâm.

Ichiusai được Bokuden truyền dạy cho cực ý của bí kiếm Kashima rồi tự mình luyện tập thêm, sáng lập nên phái kiếm Ippa Ryu. Khi đã qua cái tuổi bốn mươi, Morooka Ichiusai mới chuyển về Edozaki ở xứ Hitachi [1], mở võ đường truyền dạy môn phái của mình. Lúc Iwama Kokuma và Negishi Tokaku đến nhập môn thì thân thể Ichiusai đã bắt đầu bị căn bệnh hủi làm ruỗng mục.

[1] Ngày nay là tỉnh Ibaraki

- Mạng ta chẳng còn bao lâu nữa. Vì vậy các ngươi hãy chăm chỉ luyện tập.

Kokuma và Tokaku nhập môn được ba năm thì trên khuôn mặt hốc hác của Ichiusai đã nổi rõ các khối u đặc trưng của căn bệnh hủi quái ác. Lông mày, râu tóc cũng bắt đầu rụng. Vậy là chỉ còn lại khoảng hai năm.

- Trong lúc ta còn sống, các ngươi hãy cật lực rèn luyện, chớ sao lãng!

Ichiusai dốc toàn lực ra dạy dỗ cho đám môn đồ hơn ba mươi người. Ngày ngày, ông đều ra võ đường vụt kiếm chỉ đạo môn nhân.

Trong bọn môn nhân, có ba người nổi bật. Ngoài Tokaku và Kokuma ra còn có một người nữa là Hijiko Doronosuke. Doronosuke vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa Bất Động ở Edozaki, được sư sãi nhặt về nuôi. Đến mùa hè năm mười lăm tuổi, nhà chùa gửi hắn cho võ đường Morooka để giúp đỡ công việc, chăm sóc cho Morooka Ichiusai, vốn một đời không vợ không con. Ichiusai cũng đã thử dạy kiếm cho hắn và cảm thấy được tiềm năng của hắn.

- Hãy theo ta học kiếm.

Rồi dốc toàn lực ra dạy dỗ Doronosuke. Hai năm sau thì Kokuma rồi đến Tokaku nhập môn. Kokuma là con thứ ba của một nhà bách tính trong làng Iwama ở Hitachi, sau được tay kiếm sĩ giang hồ Moriguchi Jirobei nuôi nấng. Moriguchi mất, có để lại di ngôn cho hắn đến nương nhờ Morooka Ichiusai. Hai người này vốn là chỗ thâm giao từ ngày xưa.

Còn Negishi Tokaku thì xuất thân từ một gia đình Hào sĩ ở làng Negishi ở Awa, xứ Kazusa và là kẻ có cảnh ngộ may mắn nhất trong ba người. Hắn đến Hitachi học kiếm mà không lúc nào ngớt tiền bạc, phẩm vật từ gia đình gửi đến. Ngoại hình Tokaku cũng được ưu đãi nhiều điều, thân thể cao ráo, chẳng những thế võ nghệ cũng siêu quần. Khi sư phụ Ichiusai vào nằm ở giường bệnh, thì chính Tokaku là người đến võ đường dạy dỗ môn nhân như quyền sư phụ. Và cũng chính sự tận tụy cũng như tài năng của hắn mà tiếng tốt vang xa, người kéo đến học võ ngày một đông.

Iwama Kokuma là kẻ quái lực, sức khỏe vô biên, nhưng nếu đấu nhau bằng kiếm gỗ thì cứ ba phát lại thua Tokaku hai phát. Còn Doronosuke thì dĩ nhiên không thể nào là đối thủ của Tokaku.

Hijiko Doronosuke, tên hắn có nghĩa là đứa trẻ lấm bùn. Vào một buổi sáng trời mưa, hòa thượng chùa Bất Động thấy hắn bị vứt dưới đất, thân thể dính đầy bùn đất, vì vậy mà sư sãi trong chùa gọi hắn là Doronosuke. Đến khi sư phụ Morooka Ichiusai không thể rời khỏi giường bệnh được, thì hầu như hắn không còn đến võ đường luyện tập nữa, mà chuyên tâm chăm sóc thầy.

- Này Doro!

Negishi Tokaku cứ gọi hắn một cách trống không như vậy, rồi còn bắt hắn làm việc lặt vặt như lo cơm nước. Kokuma thấy vậy cũng bất bình lắm, cũng chính vì quyền chỉ đạo võ đường lọt vào tay Tokaku nên không khỏi bất mãn. Một hôm, Kokuma đến trước giường Ichiusai mà than phiền về thái độ cao ngạo của Tokaku. Nhưng ông Ichiusai chỉ lặng lẽ cười rồi thì thầm như hát, chẳng để ý.

- Tokaku là Tokaku, Kokuma là Kokuma và Doronosuke chính là Doronosuke mà.

Và rồi Morooka Ichiusai tắt thở. Không thấy sách vở nào ghi năm ông mất, nhưng người ta nói rằng Ichiusai qua đời ở tuổi quá sáu mươi. Đêm đó, Negishi Tokaku bỏ trốn khỏi võ đường.

- Á...!!!

Iwama Kokuma dòm vào ngăn kệ nơi đầu giường ông Ichiusai, ngạc nhiên kêu lên. Ngăn kệ đã bị phá và quyển “Kiếm pháp bí truyền thư” trong đó không thấy đâu.

- Thằng Tokaku đã trộm truyền thư bỏ trốn rồi!

Doronosuke nghe động chạy đến, vô cùng kinh ngạc.

- Khốn kiếp, khốn kiếp! Tokaku!

Kokuma với lấy thanh kiếm đuổi theo Tokaku. Hai ngày sau hắn trở lại võ đường. Lúc này, tang lễ ông Ichiusai đã xong xuôi đâu đấy. Doronosuke ra nghênh đón Kokuma với đôi mắt buồn rười rượi vì cái chết của sư phụ.

- Nó trốn rồi. Không tìm thấy.

Kokuma nói như nhổ. Hắn trách Doronosuke tại sao không đợi hắn về rồi làm ma chay cho sư phụ. Doronosuke chỉ lặng lẽ cúi đầu không nói. Tình thế này thì hai cao đồ của Morooka Ichiusai phải đuổi theo Tokaku, dành lại truyền thư và phải quyết đấu với hắn. Đấy là luật lệ bất thành văn của giới kiếm sĩ.

- Để ta đi. Doronosuke hãy trở về Edozaki bảo vệ võ đường.

Kokuma nói như cưỡng chế. Cứ để một mình hắn tìm Tokaku mà giải quyết, lấy lại diện mục cho phái kiếm Ippa Ryu. Doronosuke không thể nào địch lại Tokaku, dĩ nhiên là hắn nghĩ như vậy.

- Thế không phải là hai người chúng ta sẽ đuổi theo hắn sao?

Doronosuke đáp, nhưng Kokuma ưỡn ngực.

- Đối phương chỉ có một mình. Hai đối một sẽ bị thiên hạ cười chê.

- Nhưng...

- Không được, không được. Đệ hãy trở về chăm sóc võ đường.

Thế nào đi nữa thì Kokuma cũng chỉ đi một mình. Công danh sẽ thuộc về mình hắn, và thiên hạ sẽ nhìn hắn như là kẻ đủ tư cách kế thừa môn phái. Rồi hai người chia tay nhau định ngày xuất phát. Nhưng thực tế, Kokuma đã cưỡng ép Doronosuke để ra đi một mình.

- Đúng rồi!

Doronosuke vỗ tay như hiểu ra.

- Kokuma, huynh sẽ trị được Tokaku giỏi hơn đệ.

- Đến bây giờ mới hiểu sao?

- Đệ vốn chỉ mong báo đáp ơn nghĩa đối với sư phụ nên muốn tự tay đánh bại Tokaku, nhưng xem ra không cần thiết. Đúng rồi, đã là người của phái Ippa thì ai làm chuyện này cũng được.

- Ừ, đệ còn có nhiệm vụ quan trọng nữa là bảo vệ võ đường, dạy dỗ môn nhân.

- Đệ sẽ làm hết sức.

- Ta trông cậy ở đệ.

- Đệ sẽ cầu nguyện cho huynh.

Kokuma cảm thấy một cảm giác rung động nơi lòng ngực. Rồi hai người nắm tay nhau xiết chặt. Năm đó, Kokuma và Tokaku hai mươi lăm tuổi. Còn Doronosuke vừa tròn hăm ba.

Trong hai năm này, Kokuma đi khắp các nơi tìm kiếm tung tích Tokaku nhưng mãi chẳng thấy. Một hôm, tình cờ gặp được một tay kiếm khách quen, tên là Soma Josuke ở dưới thành Shimotsuke. Soma nói:

- Ta vừa từ Edo đến đây, hình như Negishi Tokaku có ở đó.

- Hả?

- Hắn đổi tên thành Shirakawa Minbu và mở võ đường hồi nửa năm trước, được nhiều người chú ý. Bọn gia lại của Tokugawa cũng liên tục nhập môn và hắn được đánh giá là tay kiếm số một Edo.

Không đợi Soma nói hết lời, Kokuma đã hất bụi chạy như bay. Rồi hắn đến Edo khiêu chiến Tokaku. Lúc này, Tokaku đã bỏ tên Shirakawa Minbu, trở lại tên thật.

- Hãy đến phủ báo cáo việc tỉ thí với Kokuma.

Hắn ra lệnh cho môn nhân Sakayama Denzou.

Sakayama đến dinh của quan phủ coi sóc vùng Kantou. Gia thần của Ieyasu là Itakura Katsushige bẩm báo về trận tỉ thí giữa Tokaku và Kokuma. Nhà nước lúc bấy giờ cho phép những trận quyết đấu như vậy.

- Ừm, không thể làm ngơ chuyện này.

Itakura Katsushige cũng đã hai lần quan sát Iwama Kokuma ngồi trước cổng thành từ trên lưng ngựa. Ông ta cũng có nhiều điều hứng thú với tay kiếm khách này.

- Hắn sẽ giúp ích được nhiều cho nhà Tokugawa.

Rồi khi được phép của Ieyasu, ông ta liền gọi Tokaku và Kokuma đến sở.

- Trận đấu sẽ tiến hành vào ngày hai mươi bảy, khắc thứ tư[2], địa điểm là trên cầu Ohashi.

[2] Khoảng mười giờ sáng.

Ngày hai mươi bảy tức là còn ba ngày nữa. Cầu Ohashi chính là cầu Tokiwa sau này.

- Xin đa tạ.

Hãy trông Tokaku, hắn cúi chào một cách lễ phép. Y phục hắn vận cũng đàng hoàng tinh tươm may từ loại lụa đắt tiền, bao kiếm của hắn là loại chạm trổ hoa văn cầu kỳ công phu. Từ vẻ bề ngoài đã toát ra cái lịch lãm tuấn tú của Tokaku.

Còn Iwama Kokuma, từ đầu đến chân đều là bùn đất trộn lẫn với mồ hôi nhễ nhại. Vì thế mà tự nhiên Itakura Katsushige có cảm tình với Tokaku hơn. Vả lại, trong số môn đệ của Tokaku có nhiều người phục vụ trong phủ Ieyasu. Cho nên Itakura nhìn Tokaku bằng cặp mắt đầy tin tưởng.

- Tokaku, hãy trả món đồ ăn trộm lại đây!

Kokuma lớn tiếng khiến Itakura phải can thiệp.

- Khoan khoan, chuyện của hai người hãy để hôm quyết đấu giải quyết.

Tokaku đứng đậy, cúi chào Itakura rồi nói với Kokuma một cách thương hại:

- Đồ khùng! Ngươi vẫn chưa khỏi à?

Dĩ nhiên là ngay cả Itakura Katsushige và đám tả hữu của ông ta không ai xem Iwama Kokuma là người bình thường cả.

BÍ TRUYỀN (3)

Rồi ngày quyết đấu cũng đến.

Tokugawa Ieyasu cho dựng đài quan sát xung quanh khu vực quyết đấu. Hôm đó, mọi thứ được chuẩn bị kĩ lưỡng, và bọn dân đen hiếu kỳ đổ về xem từ lúc trời đất hãy còn tờ mờ. Hai bên tả hữu khu vực quanh cầu Ohashi đều được giăng kín màn. Kokuma chực ở phía đông, còn Tokaku phục ở phía tây chân cầu. Xung quanh là lực lượng võ sĩ nhà Tokugawa vây kín đề phòng bất trắc. Trên đài quan sát phía tây là quan coi sóc vùng Kantou: Itakura Katsushige, còn phía đông là Yamada Buzennokami ngồi giám sát trận đấu.

Giờ khắc quyết định đã đến.

Một trận gió lạnh rít lên báo hiệu khắc giao mùa giữa thu và đông. Một đám mây trôi gấp gáp trên nền trời. Một hồi trống báo hiệu vang lên. Iwama Kokuma và Negishi Tokaku lần lượt xuất hiện hai bên đầu cầu. Kokuma vận chiếc áo chẽn mới do Tokugawa cấp cho, vạt áo xắn lên cao. Vẫn đi chân đất, hắn đeo một chiếc vòng nơi trán nhưng cũng không che được mái tóc rối bời như tổ quạ. Còn Tokaku thì khỏi nói, ai cũng hình dung ra được hắn ăn vận hào hoa nho nhã thế nào.

Hồi trống thứ ba vừa vang lên, cả hai vác mộc kiếm vào thế thủ, lầm lũi tiến lên cầu. Đám đông dường như nín thở theo dõi. Kokuma sử thanh mộc kiếm dài hai thước tám thốn vào thế thủ hạ đoạn. Tokaku hai tay mang thanh mộc kiếm to, dài đến bốn thước thủ một bên hông. Toàn thân hắn kiếm khí toát ra bắn cả vào Kokuma. Hai người vừa tiếp cận trên thân cầu.

- Eitt!!!

Thanh mộc kiếm của Tokaku như xé gió đập vào mặt Kokuma. Chát, hai thanh mộc kiếm chạm nhau phát ra âm thanh nghe đến rợn hồn. Hai người vừa chạm nhau đã bay thối lui. Rồi trong nháy mắt:

- Yatt!!!

- Uwatt!!!

Cả hai cùng thét lên rồi lại lao vào đột kích. Hai thanh mộc kiếm vừa chạm nhau là thanh kiếm của Kokuma bị giật bắn lên trời. Ai cũng thấy rõ mồn một cảnh mộc kiếm của Tokaku bổ vào Kokuma khiến hắn té phục xuống nền cầu. Nhưng mọi chuyện xảy ra lại không nằm trong dự đoán của nhiều người. Bị đánh văng vũ khí ra khỏi tay, nhưng Iwama Kokuma chẳng hề tỏ ra nao núng, hắn điềm nhiên như không rồi không do dự, lao vào Tokaku lần nữa. Khi Tokaku vừa đánh bật mộc kiếm của Kokuma là lúc hắn giật mình:

- Chết!

Chính vì thanh mộc kiếm dài quá khổ nên hắn phải lui lại một bước để ra đòn tiếp theo. Nhưng khoảng cách giữa hai người đã bị thu ngắn. Một bước chân thối lui của Tokaku đã bị Kokuma lợi dụng. Đám đông quan sát bỗng ồ cả lên. Thân thể của Tokaku bị hai cánh tay lực lưỡng của Kokuma kẹp chặt rồi nhấc bổng lên thành cầu. Ngay lúc ấy, hắn thấy mình bị ném ùm xuống sông. Bọt nước văng tung tóe.

- Quái lực! Đáng sợ thật.

Lúc bấy giờ Tokugawa Ieyasu cũng phải thốt lên. Vậy là Tokaku đã thua trước sự chứng kiến của hàng trăm con mắt. Hắn lòm ngòm bò lên khỏi mặt nước, nói như còn luyến tiếc:

- Kokuma, ta thua rồi.

- Tokaku, mau trả truyền thư ngươi lấy trộm lại đây!

- Ngươi muốn lắm sao?

- Không phải là ta muốn. Nhưng ta phải lấy lại cho vong hồn của sư phụ.

Tokaku cười một cách gượng gạo.

- Chuyện gì, quái lắm sao?

- Được rồi, ta sẽ trả. Nhưng xem xong đừng có ngạc nhiên nhé.

- Cái gì...

Rồi Tokaku dẫn Kokuma về dinh thự của mình ở khu Kanda, trao lại quyển bí truyền thư của Morooka Ichiusai.

- Vĩnh biệt ngươi. Từ nay ta không bao giờ đặt chân lên đất Edo này nữa.

Nói rồi Negishi Tokaku lập tức ra đi, hắn đội nón lá lụp sụp che kín mặt, lủi thủi biến đâu mất trong hàng trăm tia nhìn của bọn môn nhân và bọn võ sĩ Tokugawa.

Kokuma mở quyển truyền thư của sư phụ ra xem. Bên ngoài thấy đề “Bí truyền thư phái kiếm Ippa”. Quả đúng là bút tích của sư phụ hắn, không lẫn vào đâu được. Hắn mở ra xem. Kokuma trố mắt khi vừa mở ra, tay hắn rung rung.

- Hả!!!

Hắn thốt lên trong sự ngạc nhiên. Quyển truyền thư chỉ toàn là giấy trắng không có lấy một chữ. Vừa lúc ấy, Sakayama Denzou xuất hiện ngoài hành lang, phủ phục xuống đất, Kokuma hoảng hốt vội cuộn quyển truyền thư lại.

- Chuyện gì?

- Xin thất lễ đã làm phiền ngài.

- Chuyện quái gì thế?

- Tiểu sinh thật sự kinh sợ và cảm phục khi xem trận đấu hôm nay.

- Hừm!

Thái độ của Sakayama Denzou nói lên sự thành thực của hắn. Sự cao ngạo của hắn khi làm sứ giả cho Tokaku đến gặp Kokuma lúc còn ngồi trước cổng thành Edo, giờ đây không thấy đâu nữa. Denzou chắp tay:

- Thưa ngài! Kể từ hôm nay, xin ngài hãy cho bọn chúng tôi gia nhập vào hàng ngũ môn đệ. Rất mong ngài nhận lời cho.

Thưa rồi hắn lại dập đầu. Không biết tự lúc nào bọn môn nhân cũng kéo đến phủ phục ngoài hành lang.

- Xin ngài hãy nhận chúng tôi làm môn đệ.

Cả bọn đồng thanh hô to. Lúc bấy giờ, trong ngực Kokuma dậy lên một cảm giác xúc động mãnh liệt. Trong số môn đệ của Tokaku, có lắm kẻ là gia thần của Tokugawa Ieyasu, nhân vật mà đến Thái cáp Toyotomi Hideyoshi còn phải nể sợ. Rồi từ đây, vị trí kiếm sĩ độc tôn thành Edo của Tokaku sẽ thuộc về hắn. Vì vậy mà hắn xúc động.

- Nhưng ta còn phải trở về Edozaki.

Lúc đầu Kokuma từ chối, nhưng Sakayama đã khéo léo giữ chân hắn bằng nhiều thủ đoạn. Tòa dinh thự vừa mới hoàn thành của Negishi Tokaku nay thuộc về Kokuma. Toàn bộ y phục của Tokaku cũng nghiễm nhiên trở thành của hắn.

Rồi ngày ngày còn được thưởng thức lắm món ngon vật lạ, bao nhiêu thứ rượu quý hiếm mà cả đời hắn chưa từng được thưởng thức. Tối đến, hắn lại rúc vào đống chăn êm nệm ấm. Bọn môn nhân cũng chăm sóc hắn kĩ lưỡng nên Kokuma lưu lại Edo, trải qua những ngày tháng không lo nghĩ gì.

Đương nhiên, hắn cũng có nghĩa vụ đến võ đường dạy dỗ đám môn nhân. Nghĩa vụ của một người thầy cũng nảy sinh từ đây. Rồi không biết tự lúc nào mà số môn đệ đã tăng nhanh chóng. Dường như tiếng tăm của Kokuma đều tăng theo mỗi ngày. Rồi thời khắc hết năm cũng cận kề.

Lúc này, Hijiko Doronosuke ở Edozaki cho sứ giả là Bogaido Hachirou mang đến một phong thư với lời lẽ đại khái như sau: “Việc huynh đánh bại Tokaku cũng đã lan truyền đến Edozaki, thiên hạ không ai là không biết. Đệ rất lấy làm vui mừng và hãnh diện, ngày đêm mong huynh trở về rồi huynh đệ ta còn đàm đạo bao nhiêu chuyện. Quyển truyền thư của sư phụ chắc huynh đã lấy lại được. Mong huynh nhanh chóng hồi âm”. Đọc qua một lần rồi Kokuma bảo:

- Này Hachirou, như ngươi thấy đấy, bây giờ ta không thể trở về Edozaki ngay được. Còn bọn môn nhân, còn võ đường. Ta có trách nhiệm với chúng. Ngươi hiểu không?

Nói rồi lấy quyển bí truyền thư của sư phụ gói lại cẩn thận.

- Phiền ngươi mang cái này về cho Doro. Cứ đưa là hắn khắc hiểu.

Bogaido Hachirou không giấu nổi vẻ bất mãn ra mặt, nhận truyền thư rồi trở về Edozaki.

Năm mới đến là năm Bunroku thứ ba. Iwama Kokuma nghiễm nhiên trở thành chủ võ đường phái kiếm Shinto Ippa Ryu.

BÍ TRUYỀN (4)

Người phụ nữ ấy ngã gục ngay trước võ đường của Kokuma. Cô ta giãy giụa như kẻ ngạt thở. Đó là vào một buổi sáng đầu tháng hai. Lúc bấy giờ, Kanda là vùng đất cao ráo thuộc khu ngoại ô thành Edo với địa hình nhiều thung lũng, rừng rậm đan xen. Thỉnh thoảng nổi lên vài mẫu ruộng của nông gia và tự viện.

Trận mưa dữ dội đêm trước khiến đường xá chưa kịp khô ráo. Một người phụ nữ ăn vận như khách du hành ngã gục trước võ đường, thân thể lấm đầy bùn đất. Người phát hiện ra là Izu Shige Uemon, một trong năm môn nhân cùng với Sakayama Denzou ngày đêm túc trực tại võ đường.

- Mau mau cứu người!

Denzou ra lệnh mang nữ nhân vào trong, sau một hồi sơ cứu thì nữ nhân hồi tỉnh, đến trước Kokuma thi lễ:

- Dám xin ngài cho phép tiện nữ lưu lại đây ít lâu, đến khi khỏi hẳn sẽ không dám làm phiền quý quán nữa.

- Được rồi, cứ ở lại.

- Hai mẹ con tiện nữ khởi hành từ vùng Echigo, dọc đường không may thân mẫu tiện nữ qua đời.

- Ồ, tội nghiệp nhỉ!

Nữ nhân kể lại rằng thân phụ mình chẳng hiểu vì sao lại bỏ mặc hai mẹ con mà ra đi, bấy lâu nay vẫn không thấy tung tích gì. Rồi hai người lên đường tìm cha thì dọc đường xảy ra chuyện không may. Mấy hôm sau, Sakayama Denzou vào thưa với Kokuma:

- Người ta đã hoàn toàn bình phục cả rồi nhưng xem ra chẳng còn chốn nào để nương thân. Vậy chủ nhân có thể giữ lại làm người hầu sai việc vặt được không?

- Chuyện đó thì tùy ngươi đấy.

Rồi kể từ ngày hôm đó, nữ nhân lưu lại võ đường hầu hạ Kokuma, coi sóc những chuyện lặt vặt. Nàng tên Oei, tuổi chừng hai mươi hai đang độ xuân thì, ngày ngày hầu hạ Kokuma hết mực trung thành.

Từ trước đến giờ, võ đường này không hề có bóng đàn bà. Và đây cũng là kinh nghiệm đầu tiên trong đời Kokuma khi tiếp xúc với đàn bà. Oei dịu dàng, thân thể luôn tỏa mùi hương dễ chịu, hầu hạ bên cạnh khiến hắn ngây ngất. Đến ngay cả việc thay y phục, đeo thắt lưng nàng cũng làm hộ hắn. Những lúc này, hắn cảm thấy rõ hơi thở dồn dập của Oei. Khi ngón tay hắn vừa chạm vào ngón tay Oei thì dường như có một luồng điện chạy qua người khiến hắn giật bắn.

Rồi, ngày hai mươi lăm tháng hai, hôn lễ của hai người được cử hành. Tao Mondo là gia thần của Tokugawa Ieyasu, và đại diện cho Itakura Katsushige đến chúc mừng khiến Kokuma vui mừng không xiết, hắn ngây ngất như người đi trên mây.

Nhưng không hiểu vì chuyện gì Tao Mondo lại có vẻ khó chịu, khi xong việc là bỏ về ngay. Kokuma cũng không hề báo tin hôn lễ đến Hijiko Doronosuke ở Edozaki. Không phải là cố tình không báo tin nhưng quả thực, Edozaki là cái xó xỉnh quê mùa bẩn thỉu nên hắn đã quên mất rồi. Rồi mãi về sau cũng không hề nghe tăm hơi gì về Doronosuke cả.

Mùa xuân đến rồi lại ra đi như một giấc mộng. Iwama Kokuma buổi sáng thức dậy đến võ đường vụt kiếm, dạy dỗ đám môn nhân. Đến tối trở về ôm ấp Oei vui thú cuộc đời. Võ đường cũng ngày càng ồn ào náo nhiệt hẳn lên.

Mỗi sáng thức dậy, Oei đều chải tóc cho hắn. Chẳng mấy chốc, tướng mạo của Kokuma đã thay đổi, da dẻ hồng hào hơn trước và hình dáng của hắn cũng bắt đầu toát ra một vẻ oai nghiêm đường bệ. Ngay cả cử chỉ, cách ăn nói, cách đi đứng, hắn cũng đã thay đổi cho phù hợp với vị trí tôn chủ một môn phái.

Mùa hè đến.

Rồi một hôm, người ta nghe có biến sự xảy ra.