Chương 21: Hiệu Ứng Mong Muốn

Hắn vốn là người ngoài cuộc nhưng không hiểu sao trong lòng lại bùng lên một cơn lửa giận.

Rõ ràng, hai vấn đề lớn đều là La An đưa ra cho nhóm phát triển. Dù có nhiều vấn đề về sản phẩm hay tiến độ phát triển chậm thì đó là vấn đề của nhóm phát triển mới đúng.

Nhưng thông qua lời nói đơn giản của Lưu Cương, tất cả “nồi” đều bị ném cho đội lỗ hổng.

Hơn nữa, mục đích của anh ta không chỉ là đổ lỗi, mà còn muốn "giải quyết" vấn đề một cách cơ bản, trực tiếp trừ khử triệt để “chướng ngại vật”, cũng chính là nhóm phát hiện lỗ hổng bọn họ!

Mặc dù chán ghét nhưng Mạnh Phi thực sự có thể hiểu được anh ta.

Thứ gọi là công ty chính là một nhóm người đoàn kết để tồn tại trong thế giới này.

Chuyện này không có gì là ấm áp chan hòa cả, hoặc là sống hoặc là tan đàn xẻ nghé, ai về nhà nấy.

Trên thế giới này, có rất nhiều công ty khác đang từng giây từng phút tìm đủ trăm phương ngàn kế để đạp đám người bọn họ xuống, thay thế bọn họ.

Điều này cũng đúng khi áp dụng trong nội bộ một công ty. Mỗi nhóm là một đám người bị trói chặt trên một chiếc thuyền nhỏ đang cố gắng sống sót một cách tuyệt vọng. Đối thủ của bọn họ chính là một nhóm khác cùng công ty.

Chỉ khi thành công thì nhóm mới có được nguồn lực để phát triển liên tục. Khi sự phát triển tiếp tục, nhóm nhỏ có thể mở rộng thành nhóm lớn, rồi từ nhóm lớn trở thành một bộ phận và mọi người cùng nhau thăng tiến.

Nếu thất bại, nhóm tan rã, nhóm biến mất, mọi người gói ghém đồ đạc, ai đi đường nấy, mỗi người đều tìm kiếm một tương lai riêng.

Bạn nghĩ rằng mọi người trong công ty đều phát huy hết vai trò của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ và ở bên nhau cho đến già? Nó chỉ có ở doanh nghiệp nhà nước cách đây năm trăm năm mà thôi.

Hiện tại thì sao? Nắm lấy thay đổi. Cơ cấu tổ chức của một công ty thay đổi hàng ngày. Bất kỳ một nhánh nào không phát triển hoặc ra hoa kết trái thì chỉ có thể khô héo mà chết đi.

Cho dù đó là Lưu Cương từ nhóm phát triển hay Âu Dương Thông từ nhóm lỗ hổng, thực sự đều giống nhau, chỉ là phương pháp và phong cách của họ khác nhau mà thôi.

"Nói dối!"

Ngay khi Lưu Cương vừa dứt lời, một người đàn ông mập mạp có khuôn mặt tròn trịa gần như “nổ tung” tại chỗ. Trần mập là một trong những thành viên chính của tổ viết code thuộc nhóm lỗ hổng, là người đơn giản và nóng tính.

"Rõ ràng, rất nhiều BUG là do chúng tôi đưa ra. Các anh viện nhiều lý do khác nhau nhưng bản chất chính là không chịu thay đổi, cuối cùng thì bị khách hàng phàn nàn, không thấy hổ thẹn hay sao mà còn có mặt mũi ở đây đổ lỗi?"

Trong bóng tối, trên mặt Lưu Cương xuất hiện một tia giễu cợt. Đây chính là hiệu ứng mà anh ta muốn.

Mặc dù mấy lời Trần mập khá gay gắt nhưng sẽ không bao giờ thực sự khiến nhóm lỗ hổng bị thu hồi và sáp nhập vào nhóm phát triển.

Tuy nhiên, những người thuộc nhóm lỗ hổng càng ăn nói mất kiểm soát trước mặt sếp lớn, họ sẽ càng để lại cái mác là đồng đội cục cằn, khó hợp tác và khó quản lý.

Kỹ năng giỏi hơn thì có ích lợi gì? Nếu không thể giao tiếp, hợp tác và quản lý, không những không tạo ra được giá trị gì mà còn là một quả bom hẹn giờ.

Thấy tình huống sắp bùng nổ, La An bình tĩnh nói: "Trần Hàm, cụ thể là có BUG nào còn chưa sửa, cuối cùng lại bị khách hàng phàn nàn, cậu có thể đưa ra một hai ví dụ, chúng ta sẽ xem xét lại."

Lúc này đến lượt Trần mập vừa nãy còn hùng hồn thuyết trình đột ngột tắt máy, cậu ta há to mồm nhưng không thốt ra được lời nào, như thể cả miệng bị rót đầy một loại keo vô hình.

Mặc dù là cùng một nhóm phát hiện lỗ hổng nhưng phân công lao động của họ vẫn khác nhau. Trần mập viết code bất chấp mạng sống nhưng cậu ta chỉ chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển các công cụ liên quan đến phát hiện lỗ hổng, chứ không phải điều chỉnh BUG.

Nhận định của cậu ta bắt nguồn từ một ấn tượng: cậu ta thấy nhóm của mình liên tục gửi email báo cáo BUG, trong khi nhóm phát triển bảo mật liên tục trả lời email giải thích lý do không sửa đổi và hai bên thường xuyên tranh cãi không hồi kết.

Nhưng cậu ta không biết chính xác BUG nào tương ứng với vấn đề mà khách hàng đang phàn nàn.

Khiếu nại của khách hàng thường là:

"Bị out ngay khi vào!"

"Máy tính bị màn hình xanh!"

"Tối qua mở có một tập tài liệu mà đứng máy rất lâu!"

Những lời phàn nàn mơ hồ như vậy, ai biết được vấn đề tương ứng với dòng mã nào?

Về nguyên tắc, khiếu nại của khách hàng phải được nhóm phát triển theo dõi, không liên quan gì đến nhóm xử lý lỗ hổng bảo mật.

Lưu Cương quăng hết nồi cho nhóm xử lý lỗ hổng, chẳng qua chỉ là đánh tráo khái niệm khái niệm BUG và lỗ hổng thôi.

Nhưng những thứ biểu hiện ra bên ngoài chỉ cho thấy là người thuộc nhóm phát hiện lỗ hổng là những người nóng tính, không biết giao tiếp, không biết đến những rắc rối của khách hàng, lại còn hay ăn nói bừa bãi...

Đây chính xác là tình huống hoàn hảo mà anh ta muốn. Vì vậy, lúc này Lưu Cương không nói lời nào, thỏa mãn ngồi xuống thưởng thức cuộc vui.