Chương 39: Trọc Thế!

“Nếu tiền bối cao nhân đã lên tiếng, tất nhiên là tiểu tăng xin nghe theo.” Thanh Tâm nhìn Lam đạo nhân, sau đó cung kính đáp. Lại nói, gã cũng chỉ mới tu đến Long Hổ cảnh, vừa nãy có lén lút dùng “Phật Tâm” cảm nhận Lam đạo nhân nhưng lại không cảm nhận được gì. Cuối cùng cũng có thể xác định, đối phương là người mình không chọc nổi.

“Quấy rầy tiền bối, thật không phải phép. Tiểu tăng xin cáo lui!” Thanh Tâm liếc mắt ra hiệu cho Thanh Mệnh, sau đó hai người lập tức rời đi. Bọn họ phải về chùa báo lại chuyện này với sư tôn.

Có một vị cao nhân xuất hiện ở bến đò, có khả năng mang theo Phật bảo. Lệnh của sư tôn bọn họ là phải kiểm tra từng chiếc thuyền một. Bởi vì mỗi một con người, mỗi một chiếc thuyền đi ngang qua bến đò này đều có thể mang theo Phật bảo.

Phật bảo là thứ gì?

Vì sao lại đi ngang qua nơi này?

Vì sao bọn họ không cảm ứng được mà chỉ có thể lục soát từng người một?

Hai người bọn họ có hỏi nhưng sư tôn chỉ thản nhiên đáp rằng: “Khi các ngươi nhìn thấy tự nhiên sẽ biết.”

Mẹ nó, ghét nhất là thể loại sư tôn thích đánh đố người khác thế này!

Thanh Tâm đi tới nơi Phật quang bùng lên, đó là một ngôi chùa lớn với bốn cánh cửa vào. Ở chính giữa đại điện có một vị tăng nhân đang niệm kinh. Đối phương niệm 《 Vị Lai Di Lặc Cứu Thế Kinh 》.

Người niệm là sư tôn của bọn họ, Trọc Thế.

Phật Di Lặc là Vị Lai Phật, tương lai sẽ giáng lâm nhân gian, cứu vớt thế nhân thoát ly bể khổ. Trọc Thế nhìn có vẻ gầy đét khô khan nhưng trên người lại hiện ra kim quang nhàn nhạt, hô ứng lẫn nhau cùng kim quang trên trời.

“Sư tôn!” Thanh Tâm và Thanh Tâm đi tới trước mặt tăng nhân, quỳ lạy rồi lên tiếng gọi.

Trọc Thế không nói gì.

Thanh Tâm thấy vậy lại nói: “Sư tôn, đồ nhi phát hiện một chiếc thuyền ở bờ sông, nhưng trên thuyền có một vị cao nhân thần bí, người nọ không cho đồ nhi kiểm tra, chỉ nói là đi ngang qua nơi này, muốn đôi bên không làm khó lẫn nhau!”

Thanh Tâm ăn ngay nói thật. Vì gã biết, sư tôn của gã sẽ không từ bỏ bất cứ chiếc thuyền nào. Trước đó cũng có đồng đạo đi ngang qua, nhưng tất cả đều bị sư tôn của gã ngăn lại.

Quả nhiên … mọi chuyện cũng xảy ra đúng như những gì Thanh Tâm nghĩ, Trọc Thế lập tức ngừng niệm kinh. Lão mở to hai mắt, trong mắt có một chữ Vạn trong hoa sen.

“Để vi sư đi gặp vị cao nhân này xem sao.”

Lão đã tu thành xá lợi, cũng chính là tu sĩ cảnh giới Nguyên Thần, đã được coi là cao nhân tại Tu Tiên giới này rồi. Dưới chân khẽ động, một đóa hoa sen xuất hiện, lão cứ thế mà đi tới bên cạnh cửa sông.

Ở bến đò, Giang Triệt đang cúi đầu gập mình nói chuyện với Lam đạo nhân, lúc thì nói mình có mắt như mù, lúc lại mời Lam đạo nhân ăn cá vược sông. Đợi đến khi Giang Triệt ngẩng đầu nhìn lên đã thấy Phật quang chói mắt, cùng với một vị hòa thượng gầy gò xuất hiện ngay phía trước mũi thuyền trên mặt sông.

Gã từng gặp vị hòa thượng kia rồi, người nọ chính là Lạt Ma (Phật sống).

“Diện kiến Lạt Ma! Tiểu nhân bái kiến Lạt Ma!” Giang Triệt lập tức quỳ gối trước mặt Lạt Ma, còn có hai tên tạp công trên thuyền cũng theo gã quỳ xuống.

Hứa Thuận đứng sau lưng Lam đạo nhân, nhìn vị hòa thượng gầy gò đang đứng trên mặt sông, tỉ mỉ dò xét. Chỉ thấy trên người vị hòa thượng gầy gò này tản ra một mảnh kim quang nhàn nhạt, dưới chân đạp lên một đóa hoa sen hình thành từ quang mang kim sắc. Ngoại trừ mấy đặc điểm này thì với tu vi nông cạn của hắn hiện giờ, hắn chẳng nhìn ra cái quái gì nữa.

Bảo một tu sĩ Luyện Khí tầng hai như hắn đi phỏng đoán tu sĩ Nguyên Thần, chẳng khác nào bảo một đứa học sinh lớp hai cố giải Toán cao cấp.

Vốn đã không cùng một cấp độ.

“Ta chỉ đi ngang qua thôi.” Lam đạo nhân cầm cần câu, khẽ mở miệng nói trong khi vẫn còn nằm nguyên trên đầu thuyền.

Luyện Khí, Trúc Cơ, Thông Thần, Long Hổ, Kim Đan, Kiến Chân, Nguyên Thần, Đại Thừa, Phi Thăng.

Dù nói bên trên Nguyên Thần chính là Đại Thừa kỳ, nhưng Đại Thừa kỳ cũng không đơn giản như vậy. “Thừa” mang hàm nghĩa là có cơ hội, có điều kiện. Đại Thừa có nghĩa là có cơ hội phi thăng rất lớn. Có người Nguyên Thần viên mãn là Đại Thừa kỳ, có người đột phá Nguyên Thần, chờ đợi phi thăng cũng là Đại Thừa kỳ.

Về phần Phi Thăng kỳ thì chỉ ở thời điểm phi thăng mới được gọi là Phi Thăng kỳ mà thôi. Người không phi thăng chỉ có thể coi là Đại Thừa kỳ. Phân tách ra như vậy để tránh xảy ra tình huống khó xử như gọi là Phi Thăng kỳ mà lại không phi thăng được.

Phân chia vô cùng nghiêm cẩn...

Cảnh giới vốn sinh ra để phân chia tình trạng tu hành của tu sĩ, cũng không phải đơn giản là mỗi cảnh giới thì nhất định phải có sáu tầng hay chín tầng, hoặc là các cấp độ tiền trung hậu kỳ.

Lấy ví dụ như cấp một học sáu năm, cấp hai (lại thêm cấp ba) học sáu năm, chẳng lẽ đại học cũng phải học đủ sáu năm ư?

Nghiên cứu sinh cũng cần sáu năm hả?

Cảnh giới của tu sĩ vốn không cứng nhắc cồng kềnh như thế.