Chương 228: Kỵ Binh mạnh ở Kỵ nhưng thắng ở Binh

Lữ Đoàn kỵ binh Thiên Tử Quân diễu hành qua khán đài trong niềm hân hoan phấn khích của khán giả. Màn dạo đầu đã đặc biệt như thế, tin tưởng các màn biểu diễn tiếp theo chắc chắn sẽ không đến nỗi nào đâu.

Trong lòng các thám tử của quốc gia khác bị phủ một bóng mây đen khi nhìn thấy Lữ đoàn kỵ binh. Khuôn mặt của họ tỏ ra nghiêm trọng, hai chân mày cau lại, thâm tâm thì không ngừng so sánh với kỵ binh của quốc gia mình.

Có câu: Kỵ Binh – mạnh ở chữ kỵ nhưng thắng ở chữ Binh – tức mối tương quan giữa hai thực thể.

Kỵ Binh tuy có hai chữ nhưng chữ Kỵ nằm ở phía trước, chữ binh nằm ở phía sau cho thấy vật cưỡi tốt chính là chiếm tới 60% thắng lợi trong cuộc các cuộc chiến đấu, đặc biệt là khi truy sát hoặc chạy trốn.

Để đánh giá đẳng cấp của Ngựa chiến ngay từ thời cổ, người ta đã tổng kết kinh nghiệm phân biệt cũng như nuôi dưỡng được ghi chép trong Mã Kinh. Theo đó, con ngựa thuần chủng thì được gọi là Bảo Mã, chúng phải hội tụ được 12 tướng tốt.

Đó là Ba Thứ Dài, Ba Thứ Ngắn, Ba Thứ Rộng và Ba Thứ Thanh:

Ba Thứ Dài là: Cổ dài. Tai dài. Chân trước dài.

Ba Thứ Ngắn là: Lưng Ngắn. Xương Đuôi Ngắn. Chân sau Ngắn.

Ba Thứ Rộng là: Trán Rộng. Ngực Rộng. Mông Đùi Rộng.

Ba Thứ Thanh là: Da Thanh. Mắt Thanh. Móng Thanh.

Ngoài 12 tướng tốt nói trên, Bảo Mã đó còn phải có được thêm một Bâu Kiều cao và hai hông sườn không có thịt.

Thời hiện đại sau này người ta lại có đánh giá ngựa tốt trên các phương diện: tốc độ bứt tốc, tốc độ đường trường tức sự bền bỉ, khả năng thông linh, năng lực sinh tồn và khả năng phối hợp.

Về Tốc độ, Hãn huyết bảo mã Akhal-Teke đã nổi tiếng xưa nay có nguồn gốc từ Trung Á tức nước Turkmenistan thời hiện đại.

Giống ngựa này thuần chủng chạy nhanh như gió, mồ hôi như máu nên gọi là Hãn Huyết. Nó có thể chạy với tốc độ 60 km/h liên tục trong 10 giờ đồng hồ không cần nghỉ.

Đương nhiên nếu bứt tốc thì loại Hãn huyết bảo mã có thể chạy với vận tốc 70 km/h.

Đinh Liễn cũng rất thèm muốn một con bảo mã thế nhưng loài này quá hiếm có. Trên thế giới đâu đó cũng chỉ có vài trăm con mà thôi. Nó quý hiếm y như siêu xe Lamborghini vậy.

Với lại, chúng chỉ quen sống thời tiết mát và lạnh vùng Mông Cổ và trung á, khi về các vùng nhiệt đới như Việt Nam và Đông Nam Á thì khả năng bị chết quá cao chứ đừng nói là sinh sản.

Kỵ Binh ngựa vằn so về tốc độ thì chỉ đạt khoảng 58 – 60 km/h, bứt tốc cũng chỉ tới 65 km/h, nếu so với các giống loài ngựa Phương Bắc thì có vẻ hơi kém chị kém em.

Thế nhưng, so về độ bền bỉ thì ngựa vằn quả là vô địch. Vì môi trường sống thường ở thảo nguyên nơi có các loài săn mồi như sư tử, báo, chó sói và linh cẩu nên trời phú cho chúng khả năng chạy siêu bền. Chúng có thể liên tục chạy mấy ngày không ngừng nghỉ.

Bởi hoàn cảnh có thể bị săn giết bất kỳ lúc nào nên tính cảnh giác là cực cao, linh tính là vô địch. Chỉ cần hơi gió thổi cỏ lay là chúng đã có cảm giác và chuẩn bị bứt tốc chạy trốn rồi.

Môi trường hoang dã nên chữ Hoang và chữ Dã đã phú cho loài ngựa này một bản lĩnh sinh tồn siêu việt.

Có câu nói thế này, trong thế giới hoang dã mỗi một ngày đều là một cuộc thi chạy. Loài đi săn nếu chạy chậm chúng có thể chết đói. Loài bị săn nếu chạy chậm tất thành thức ăn trong bụng kẻ khác.

Không có chuyện thiện ác, không có chuyện đúng sai, không có chuyện trái phải, không có thần tính hay ma tính. Chỉ có nhanh chậm, chỉ có sống chết, chỉ có bản lĩnh và siêu bản lĩnh.

Trong thế giới ấy cũng chỉ có hai loài chưa bao giờ cúi đầu khuất phục trước loài người, đó là loài ngựa vằn và loài chó sói.

Thế nhưng, điều này là ngoại lệ với Đinh Liễn, bởi hắn có hệ thống khí vận quốc gia, có thần linh hỗ trợ gieo thần ấn nô dịch. Đây là loại sức mạnh siêu nhiên không cùng đẳng cấp và không thuộc về trần thế.

Ngựa đã quý giá nhưng người còn quý hơn. Ngựa có thể so với vũ khí, binh chính là người sử dụng. Trong bất cứ thời đại nào thì yếu tố con người cũng là yếu tố quan trong và then chốt để giành chiến thắng.

Tất cả các đế chế từ xưa đến nay đều thành công bởi yếu tố con người. Binh chủng hùng mạnh thế nào cũng bởi những người ngồi lên và sử dụng chúng.

Đế chế Hi Lạp của Alexander đại đế, đế chế La Mã của Roma, đế chế Đại Tần và sau này là đế chế Mông Cổ là những ví dụ điển hình.

Đinh Liễn chưa có đủ điều kiện để xây dựng các binh chủng hàng đầu thế giới như thế nhưng trong điều kiện cho phép thì việc xưng bá vùng biển, vùng đất Đông Nam Á cũng đủ rồi.

Lữ Đoàn Kỵ Binh Thiên Tử Quân sẽ được chia đôi, một nửa là thủ bảo vệ Hoàng Cung, một nửa là xuôi chiến trường phía Nam. Nếu cuộc chiến diễn ra giằng co kéo dài thì sẽ tiến hành đổi quân tham chiến.

Dù sao binh có mạnh bao nhiêu thì giá trị cũng là ở trên chiến trường. Không trải qua sự tôi luyện máu lửa, không đi dây trên ranh giới của sự sống và cái chết thì đội quân ấy cũng chỉ là hổ giấy mà thôi.