“Có câu nói như thế này: trần làm sao thì âm làm vậy, ý chỉ những việc người sống suy nghĩ, hành động như thế nào đều sẽ ảnh hưởng đến thế giới của người chết và ngược lại. ví như việc tích lũy phúc đức chẳng hạn”. Thành Hoàng giảng giải
Ông lý trưởng chắp hai tay xin phép hỏi: “Kính xin Thành Hoàng đại nhân chỉ dạy cho chúng con được biết cụ thể Phúc Đức là gì và làm thế nào để tích lũy phúc đức cho mình ạ?”. Các cụ già cũng ngẩng đầu lên khao khát nhìn Thành Hoàng
“Ừ. Nhân lúc thưởng trà thì tôi cũng giảng giải cho các cụ nghe chuyện này. Sau đó sẽ nói về công chuyện chính.
Phúc Đức là hai thứ riêng biệt nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau tương tự với hai từ Nhân Quả trong giáo lý nhà Phật. Phúc chính là vận may hay còn gọi là sự may mắn tức khí vận. Đức là những việc làm thiện lương hoặc các tính cách tốt đẹp. Có câu thế này: chăm làm việc Phúc là tạo Đức, có nhiều Đức là hưởng nhiều Phúc.
Các ông phải nhớ rằng Phúc Đức cũng có hai loại Âm Dương. Dương Phúc là những vận may mà các ông có thể nhìn thấy, có thể nhận ra, có thể biết được còn Âm Đức là những việc các ông có thể biết nhưng lại không nhìn thấy, không sờ được vô hình vô chất.
Tạo ra hai loại này cũng do cái Đức của các ông mà thôi. Tôi lấy ví dụ: nếu các ông làm việc thiện mà nhiều người biết đến, nhiều người ca ngợi và tiếng thơm lan xa thì sẽ tạo ra nhiều Dương Phúc. Khi mọi người biết đến danh tiếng của ông sẽ dành cho ông nhiều lời hay lẽ đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho ông trong làm ăn và sinh hoạt, đi đâu cũng có người nể nang thậm chí mang nhiều tiền bạc tài sản đến cho, ấy là dương phúc.
Ngược lại, khi ông làm việc thiện mà ít hoặc không ai biết đến, nếu có cũng chỉ là quỷ thần chứng kiến thì sẽ tạo ra Âm Phúc hay Âm Đức. Đến khi ông sa cơ thất thế sẽ có người đứng ra giúp đỡ, khi ông gặp tai nạn se có người đứng ra che chở, khi gia đình ông lụn bại sẽ có người đứng ra cưu mang, tuổi ông lẽ ra đã hết dương thọ nay có thể sống thêm nhiều năm để hưởng phúc, ngay khi ông đã chết con cháu ông vẫn có người nâng đỡ dìu dắt ấy chính là tác dụng của Âm Phúc.
Loại thứ nhất đến nhanh, đi nhanh, tích lũy nhanh thì cũng hao hụt nhanh và không giữ lại được lâu dài. Loại thứ hai tích lũy chậm, đến cũng chậm nhưng hao hụt cũng chậm và giữ lại lâu đến hàng trăm, nghìn năm không dứt.
So sánh hai loại thì rõ ràng loại âm đức tốt hơn dương đức và cũng là mục tiêu cho chúng ta hướng đến. Vì thế dân gian mới có câu làm phúc đừng mong cầu được báo đáp, phải làm bằng tình thương vô điều kiện. Các ông đã hiểu chưa?”
Các vị chức sắc được Thành Hoàng đại nhân khai thị giảng giải thì mới vỡ lẽ ra rất nhiều điều, trong lòng cảm thấy bổ ích vô cùng.
“Bây giờ chúng ta sẽ nói về chuyện công, ta có một số việc muốn thông báo cũng là giao cho các ông đi làm. Các ông cần phải hết sức đoàn kết và tập trung, tránh làm lỡ việc mà vác họa vào thân. Nếu làm tốt làng Cổ Pháp chúng ta sẽ có nhiều cơ hội phát triển, ngược lại làm hỏng sẽ bị trách phạt nặng nề”. Thành Hoàng nghiêm mặt nói
“Vâng, kính xin đại nhân cứ dặn dò ạ. Chúng tôi xin rửa tai lắng nghe!”
“Ừ. Trước tiên ta nói về chuyện Âm. Hiện nay chư vị thần linh thuộc hai tộc Sơn Thần do Thánh Tản Viên dẫn đầu và Thủy Thần do Thánh Thủy Tinh dẫn đầu đã chính thức ra mặt toàn lực ủng hộ triều đình, bây giờ gọi là Nhà nước và ủng hộ Việt Hoàng Bệ Hạ. Thần linh chúng ta cũng không còn tản mát rời rạc như trước nữa mà đều được phân thành cấp bậc cũng như địa bàn ảnh hưởng. Hàng tháng, hàng năm đều được giao cho nhiệm vụ và có định kỳ sát hạch hiệu quả công việc. Nói chung, dương thế như nào thì âm thế cũng y như vậy.
Những cải cách hai thế giới Âm Dương đều nhằm mục đích đoàn kết hết tất cả mọi lực lượng và sức mạnh để tự vệ trước các thế lực tà ác ngoại bang, giữ gìn quê cha đất tổ. Các ngươi cũng biết, ngay khi Việt Hoàng Bệ Hạ muốn thực hành đạo thánh nhân thì ngay lập tức chúng ta đã gặp ngay kiếp nạn từ biên giới phía Nam.
Sắp tới không chừng còn ở biên giới phương Tây và phương Bắc cũng kéo tới. Vì thế tất thảy mọi người từ thần linh cho đến dân chúng đều phải đoàn kết nhau lại để hộ đạo cho bệ hạ. Vượt qua, con cháu Lạc Việt sẽ muôn đời hưởng phúc lành. Không vượt qua tất cả chúng ta đều hóa thành tro bụi. Cho nên chúng ta vốn không có đường để mà lui. Chỉ có nước tiến lên mới có tương lai.
Các ông về hãy hướng dẫn dân làng mỗi nhà làm một bàn thờ Thổ thần rồi để ở góc nhà hướng ra ngoài cửa. Ta sẽ cử chân linh các vị Sơn thần về trú ngụ. Công việc của người dân là thắp nhang cố định vào ngày rằm và mùng một hàng tháng. Các ngày khác thì gia chủ tùy tâm.
Nhiệm vụ của các Thổ thần là ngăn chặn các âm linh tà ma xâm nhập gia cư bất hợp pháp, bảo hộ cho gia chủ bình an. Ngoài ra, họ cũng sẽ ghi chép những lời ăn tiếng nói việc làm của các thành viên gia chủ đặng báo cáo về cho chư vị thần linh cấp cao hơn để ghi nhận công đức sau này ban phước và phù hộ.
Chỗ cây đa đầu làng, các ông hãy cho dân làng xây một miếu thờ Sơn Thần để cho những người xuất nhập làng thắp nén nhang cầu an. Vị Sơn Thần chỗ ấy sẽ có chức trách như bảo hộ thần cho cả làng bình an. Trên triền đê gần bờ sông thì lập Miếu Thủy thần, vị thần linh ấy sẽ bảo hộ dân làng khi đánh bắt tôm cá và bảo vệ các công trình thủy lợi.
Cách đây mấy dặm đường có khu rừng Ác Lang, nơi này có tuyến đường giao thông kết nối làng ta và thị trấn trung tâm của Huyện. Nơi đó có con Sói đầu đàn đã thành tinh, thánh Tản Viên đã chiêu an và cho làm Sơn Thần, các ông hãy cho dân làng đến giữa khu rừng làm một miếu Sơn Thần, đắp tượng Huyết Lang, từ nay về sau việc đi lại sẽ được bình an.
Chúng ta và Huyết Lang Sơn Thần đã có giao kèo, bên đó sẽ cung cấp con non dã thú cho làng chúng ta nuôi dưỡng tập trung, các ông hãy cho người xây chuồng trại để nuôi nhốt và cắt cử người chăm sóc trông nom. Khi chúng lớn có thể dùng để ăn hoặc bán lấy tiền xung công quỹ.
Còn dã thú trưởng thành bình thường họ sẽ thỉnh thoảng cho dân làng làm thức ăn cứu đói, các loại thuốc trong rừng sẽ cung cấp cho dân làng chữa bệnh. Bù lại, dân làng cũng không được phép sát hại bộ tộc Huyết Lang. Đến mùa đông thì phải có trách nhiệm cung cấp cỏ khô và một phần thịt dã thú trưởng thành. Việc cúng tế cũng phải chỉn chu đều đặn. Các ông rõ chưa?”
“Vâng. Chúng tôi đã rõ. Xưa nay chúng ta chỉ sống dựa vào việc làm nông nhưng khắp nơi ác thú hoành hành, thịt cá cũng rất hạn chế. Nay nếu như có thêm nguồn thịt dã thú và có thể nuôi dưỡng những loài ấy thì đời sống sinh hoạt của dân làng sẽ được cải thiện đáng kể. Đây quả là một sự kiện khiến cho ai nấy đều hân hoan vui mừng”. Các vị chức sắc và trưởng lão vui vẻ ra mặt
“Tất cả đều nhờ ơn Việt Hoàng bệ hạ cùng các vị Thần linh ra tay điều phối và trấn áp. Thế nhưng đã là giao kèo thì phải tuân thủ giao kèo. Các ngươi phải nhớ rõ, không được vì lòng tham lam mà phá vỡ giao ước với thần linh, nếu không, không những kẻ đó phải chịu tội mà liên lụy đến cả dân làng. Lúc ấy, ta cũng không thể vì các ngươi mà cầu xin”. Thành Hoàng nghiêm mặt dặn dò
“Vâng ạ. Kính xin Thành Hoàng đại nhân cứ an tâm. Chúng tôi sẽ ước thúc dân làng cùng con em mình nghiêm chỉnh chấp hành giao ước để không ảnh hưởng đến tương lai chung ạ.” Chúng trưởng lão thốt lời cam kết
“Ừ. Xong việc âm. Giờ ta nói đến việc Dương thế. Theo lệnh của Việt Hoàng thì mỗi làng sẽ cử hai thanh niên nhanh nhẹn lanh lẹ để lên kinh học chữ Thánh. Thời gian học là 6 tháng rồi sẽ trở lại làng dạy lại chữ cho tất cả dân làng. Các ông hãy thảo luận cử ai đi. Nhớ là không được để tình cảm cá nhân quyết định bởi giao cho người căn cơ thấp hoặc không đàng hoàng thì sau nay hậu quả chính là người của dân làng phải gánh chịu.
Hơn nữa giữa các làng sẽ có thi đua về việc học chữ. Làng nào học nhanh, học tốt, học mau thì sẽ được Việt Hoàng bệ hạ ban thưởng cho hoành phi “Làng Học Vấn” treo trước cổng làng. Đây là vinh dự ngàn năm một thuở, nếu vì tình cảm riêng tư mà làm lỡ chuyện thì các ông có ân hận ngàn năm cũng muộn màng.
Thời gian sáu tháng cũng đủ để cho dân làng chung tay góp sức xây dựng trường học cho đàng hoàng. Nơi đây, sau này sẽ là chỗ cho dân làng tập trung học hành. Bệ hạ cũng dặn dò là xây trường thế nào là tùy theo sức dân của mỗi làng chứ không bắt buộc phải xây to xây đẹp, nhưng ta thiết nghĩ làng chúng ta cũng phải quá nghèo đói, công trình chung cứ phải xây cho nó đàng hoàng để phục vụ cho chính mình được lâu dài. Trường học cũng là bộ mặt của cả làng trước bàn dân thiên hạ. Các ông hãy họp nhau lại chọn lựa địa điểm và thời gian khởi công xây dựng. Các ông rõ chưa?”
“Vâng ạ. Việc này chúng tôi nhất định sẽ nghiêm cẩn chấp hành. Xin đại nhân cứ an tâm. Dân làng cũng rất khao khát và mong muốn chữ thánh hiền được về với từng người, từng nhà, từng thôn, từng xóm. Hơn nữa, việc này cũng là sĩ diện của làng, chúng ta có thể thua làng khác về độ giàu có chứ nhất định không thể thua học vấn, không thể thua trí tuệ”
“Đúng đấy ạ! Làng chúng ta nhất định sẽ có hoành phi “Làng học vấn” về treo giữa cổng làng. Đây là vinh dự cho tất cả mọi người. Nếu không thì còn chi là mặt mũi mà đi ra đây ra đó. Cứ nghĩ đến cảnh làng mình không có đạt mà đi sang làng khác lại có thì tôi không thể yên lòng. Rồi các cháu gái phải gả đi làng khác cũng sẽ bị coi thường hạ thấp, lại khổ ra đấy”.
“Tôi nhất trí với các ông. Làng chúng ta không thể lạc hậu thua kém thôn Đông, thôn Đoài được. Cái nhục này tôi cũng không thể chấp nhận. Nếu không lấy được vinh dự “làng học vấn” tôi chết không thể nhắm mắt”.
-------