Chương 2: Lang Châu cái bang

Dạ Lang Thiên quốc nằm miền viễn Bắc xa tắp của Lạc Hồng đại địa, còn Lang Châu thành lại là toà thành biên giới đầu tiên của nó. Phía Tây giáp Khuyển Nhung, đằng Đông giáp hải đảo mênh mông sâu không chạm đáy, còn phía Nam đích thị đối diện liên minh của các bộ lạc Nam Cương. Là đại thổ quanh năm luôn mang lên mình chiếc áo choàng bạch sắc lạnh lẽo nhưng hào phú, hoan lạc, tiền tài không sao kể xiết. Chỉ tính toà thành biên giới này thôi cũng có gần ngàn tửu lầu lớn nhỏ khác nhau. Phong tục đa dạng sắc màu với đủ mọi lễ hội trào phúng, hoan hỉ nhất trên đại địa, đến chiếm cả mấy mươi trang ký sự trên Hồng Bàng thị ký vẫn còn chưa kể hết.

Bộ xiêm y rực rỡ như đoá hoa tuyết lê nở rộ, rộng quá khổ ôm trọn lấy tấm thân nhỏ nhắn của hài tử. Quanh đó, nhiều nam nữ hài tử khác nữa cũng đội tuyết bông đùa cười ríu rít. Xa xa sau vài gian nhà bên phải sảnh chính là đỉnh cột cao chót vót, khói trắng nhàn nhạt cuộn thành nhiều vòng tròn cợt nhả bay lên.

"Tiểu ngoa tử, vào nhà dùng bữa thôi." Thiếu phụ chỉ về hướng những hài tử gọi trìu mến. Nghe tiếng gọi quen thuộc thì một nữ hài trong số đó tức thì ngoảnh đầu lại nhìn, sau đó bèn chạy ào vào lòng thiếu phụ thỏ thẻ:

"Mẫu thân, hài nhi đói lắm, nhưng hài nhi còn nhớ phụ thân hơn."

"Quốc chủ có việc triệu kiến nên phụ thân không thể chậm trễ. Người đi Thả Lan vì chính sự, phụ mẫu ta nên vui vẻ ở nơi này chờ người trở về. Hài nhi không nhớ lời dặn dò khi trước của người sao?" Thiếu phụ ôn nhu kéo hài tử vào lòng, nhẹ nhàng vuốt lại ngay ngắn y phục xộc xệch của nó.

"Nhớ, hài nhi nhớ rất rõ nữa đằng khác. Là quân tử, chuyện quốc gia đại sự phải đặt làm đầu. Chỉ phụ thân là quân tử, nam tử hán thôi, hài nhi không phải. Chúng ta đều là nữ nhân. Phu tử đã dạy: nữ nhân thiên hạ luôn nhớ tề gia, an nhiên ở khuê phòng đã là việc hỉ đại sự."

"Nhi tử à nhi tử. Lời phu tử dạy quả nhiên không sai. Thiên hạ thái bình thì không riêng gì nữ nhân chúng ta, quân tử cũng đều an nhàn, ngày ngày đạo đài, đêm về ngắm tuyết rơi. Nữ nhân thì ca múa, gảy khúc Nam Phong thất tuyệt. Cuộc sống thần tiên như thế còn gì sánh bằng."

"Đúng, mẫu thân nói chí phải." Nữ hài hân hoan đáp lại.

"Thuỷ tổ vạn tuế gia trên trời hẳn cũng mong chúng sinh thiên hạ đều hưởng thái bình thịnh trị lâu dài. Người mong muốn đại đồng như nhau, không riêng mỗi ai là khác biệt. Thiên hạ của đại đồng, đại đồng vì thiên hạ. Điều này nhi tử có hiểu chăng?"

Nữ hài ngơ ngác, đôi mắt nghĩ ngợi tới lui, rõ ràng sự hiểu biết của nữ hài cứ như những trận tuyết phủ trắng xoá ngoài kia, một bạch sắc tinh thuần.

Thiếu phụ ra dấu tay tới nữ nô bên cạnh, điềm đạm bảo nàng ta:

"Ngươi lấy tấm áo choàng Hồ Lam mà gia chủ mang về mấy hôm trước ra cho tiểu ngoa tử, tuyết đang dần nặng hạt, không khéo sẽ cảm lạnh. Gia chủ trở về ắt sẽ quở trách ta trển mảng coi sóc nội gia."

Nữ hài trêu đùa thiếu phụ, đôi môi cong cớn cợt nhả:

"Mẫu thân nói vậy há chẳng phải phụ thân coi trọng nữ nhi hơn người sao? Khắp Lang Châu thành không ai không biết là phụ thân người xem mẫu thân như báu vật, một đời yêu thương và trân trọng đến nội gia chưa từng có một thiếp thất nào hầu bên gối phụ thân ngoài mẫu thân người đây. Xì!"

"Ai da, tiểu ngoa nhi ơi tiểu ngoa nhi, ai đã mang những điều này vào đầu ngươi vậy? Phu tử có dạy sao? Không được, gia chủ trở về ta nhất định bảo chàng đổi phu tử khác cho ngươi."

"Mẫu thân đại nhân đừng như vậy, tội nghiệp phu tử của nữ nhi. Không ai nói những điều này cho ta đâu mà cả Lang Châu thành này đều nghĩ như vậy."

Ha ha ha ha. Nữ hài cười nắc nẻ trêu chọc thiếu phụ làm nàng ngượng ngùng đến hồng cả mang tai, bèn vỗ mông đánh yêu hài tử. Hài tử chạy vòng qua mái hiên sảnh trước, vừa chạy vừa quay sang làm mặt xấu khiến thiếu phụ vừa thấy hài vừa có chút hờn mác. Họ rượt đuổi nhau như trò mèo vờn chuột một lúc, đến khi nữ nô chạy theo nhắc lại chuyện dùng bữa tối thì mới nhớ ra chuyện khi nãy.

Thiếu phụ khoát nhẹ tay lên vai nữ hài, vừa đi vừa nói:

"Mẫu thân không mong hài nhi sau này sẽ được nhiều vinh hoa gấm vóc, chỉ hi vọng ngươi một đời bình an. Ngươi muốn có cuộc sống bình bình an an thì thiên hạ đã thái bình thịnh quốc thì cuộc đời của ngươi mới không bị dao động. Vì thế dù là quân tử hay nữ nhân, chúng ta đều có trọng trách thiên hạ chúng sinh như nhau. Ây da, đại đồng này hàm ý lớn vô cùng, đợi ngươi sau này trưởng thành hơn sẽ ngộ ra được ý niệm sâu xa của nó."

Lần này nữ hài đã chỉnh tề hơn, ra chiều đã lĩnh hội không ít lời của thiếu phụ: "Hài nhi sẽ luôn ghi nhớ lời của người hôm nay."

"Đúng là hài tử hiểu chuyện. Đi nào, còn chậm trễ nữa không khéo bọn họ thầm trách cứ chúng ta, lát nữa dùng bữa sẽ bị đau bụng mất." Thiếu phụ trêu bọn nữ nô đi sau lưng khiến bọn họ hoảng hốt, líu ríu phân bua: "Phu nhân nói vậy oan chúng nô tỳ quá. Phu nhân, phu nhân. ..."

Gần đây khí trời trở nên âm u, khí hậu thay đổi bất chợt khiến những người đầu đường xó chợ như quần thể ăn mày bọn hắn thêm chật vật. Đặc biệt là nữ hài nằm bên cạnh hắn. Thân thể vốn không quen sương gió nay bị ông trời bạc đãi đói khát nhiều ngày liền một cái đã đổ sụp sốt liên tục hai hôm nay. Trong cơn mê sảng, nữ hài không ngừng kêu gào tên phụ mẫu kèm theo từng tiếng nấc nghẹn đến não nùng.

"Đừng! Đừng!"

Hắn không biểu hiện cảm xúc rõ ràng trên khuôn mặt lem nhem nước mưa rớt xuống từ trần nhà dột nát. Hai mắt sâu thẳm không đáy hằn lên sự quật cường cùng ngạo mạn, đó là vẻ quý tộc đáng ghét nhất trong mắt a Dục, một trong những tên cầm đầu lão làng của đám ăn mày ở khu nhà hoang ngoại thành. Đã là bần cùng khố rách áo ôm như bọn chúng thì còn đâu sĩ diện cùng tiện nghi khí chất cùng mình? Đó là suy nghĩ của "thổ dân" ăn mày nơi đây, không riêng gì a Dục. Sự khác biệt giữa hai huynh muội của hắn với những người khác khiến bọn a Dục sinh hiềm khích và chán ghét một cách vô cớ.

Một tên ăn mày trong đám a Dục đến trước mặt hắn, cầm trong tay cành cây khô gai góc, đưa đẩy về phía nó, đoạn chỉ một góc trước nhà hoang ngầm ra hiệu huynh muội hài tử ra chỗ kia ngồi.

Hắn gằn lên trong giận dữ:

"Đừng ức hiếp người quá đáng!"

Gã kia dựa vào đám đông "thổ dân" nên càng lớn lối, thái độ giễu cợt ngẫm thách thức:

"Muốn tự đi hay chúng ta ném huynh muội ngươi ra trời mưa đây?"

Thấy mình sức yếu thế cô, biểu muội đang bệnh không sức kháng cự, nó cố đè sự giận dữ xuống đáy mắt, lồm cồm bế thốc nữ hài ra ngoài.

Trời mưa như trút nước, gió thổi bật tung cả miếng vải che còn sót lại ngoài hiên nên nước tạt vào như mắc cửi. Cũng may hướng gió thổi bắt nghiêng ngang khu vực huynh muội hắn nên dù có nước tạt vào nhưng không đáng kể. Tuy không bị ướt như chuột lột nhưng rét lạnh đỏ hết mang tay dần đến sống mũi. Nữ hài vẫn sắc mặt nhợt nhạt ngủ vùi bên cạnh, hắn chồm qua ngồi bên ngoài chắn nước và cái lạnh rét da cho biểu muội. Trong khi hai mắt vẫn nhìn quan sát bên trong.

Cứ thế hắn thức đến ba bốn canh giờ sau thì mưa cũng tạnh dần, tuyết vẫn rơi đậm không vơi chút nào. Sau cơn lạnh đi qua, bụng của quan to hay kẻ bần hàn đều kêu òn ọt. Đám ăn mày không ngoại lệ. Từng người bắt đầu lũ lượt kéo nhau vào thành tiếp tục khất thực.

Đợi tên còn lại cũng đi nốt, hắn sắp sửa nữ hài nằm ngay ngắn sau mép cửa lớn, chắc chắn không mưa gió tạt ngang, vô cùng an toàn. Đâu đó xong xuôi, hắn lê lết cái bụng réo inh ỏi nhắm khu nhộn nhịp mà đi tới, dĩ nhiên không quên mang theo cái nón tổ quạ của mình.

Địa bàn hành tẩu của hai huynh muội hắn chiều nay bị mưa làm ướt cả vũng lớn. Đại thẩm bán quầy son phấn bên cạnh cũng lười dọn hàng rầm rộ như mọi khi. Hắn đành đi khắp con phố chợ, len lỏi vào đám đông tìm chút gì đó mang về. Cái bụng cứ réo inh ỏi nên bất giác hai tay đưa lên xoa xoa nhẹ, mắt nhìn những miếng thịt ngon béo ngậy ở quầy đại thúc béo mà nuốt nước bọt ừng ực. Nghĩ đến biểu muội nằm khô héo ở nhà hoang, lòng nó dậy lên cơn sóng trào lớn nhỏ liên hồi nên chân rảo bước nhanh hơn, đôi mắt sâu đen thẳm cũng hoạt động nhiều hơn.

"Bánh đúc lạc thơm ngon đây. Một ốc tiền thôi." A Nhị thúc dẻo ngọt cái miệng thoăn thoắt, vừa rêu rao quầy hàng vừa bán buôn với khách bên trong.

"Cho tôi một đĩa." Một quý nhân vận y lục cẩm bước vào.

"Có ngay! Khách quan, xin mời ngồi trước ở đây."

A Nhị kéo một góc áo phủi bụi trên ghế gỗ, một tay đon đả với cốc trà đãi khách. Hương trà Shan Tuyết này tuy không phải loại thượng hạng hắn đã thưởng thức trước kia nhưng giữa không khí ẩm ướt như vậy mùi hương dịu nhẹ đó thật làm người ta dễ chịu, khoan khoái vô cùng. Nhìn mấy cái bánh trắng trẻo nghi ngút khói trên lò, dạ dày nó như muốn nhảy tung ra ngoài thân thể đặng nhảy múa.

Một vị khách đứng dậy rời khỏi, trước khi đi gã đặt ba ốc tiền bên cạnh dĩa bánh, trên đó vẫn còn thừa lại mẩu bánh. Hắn nhanh chóng chộp ngay cái bánh cho vào ống tay áo trước khi a Nhị ngẩng đầu lên tiễn khách.

Được một chút chiến lợi phẩm, hắn không vội mang về mà đi ngược con phố, rảo vào một đường nhỏ. Hắn dừng trước hiệu thuốc bên đường, ngập ngừng khá lâu mới bước vào. Đây là cửa hiệu nhỏ nhất nó nhắm đến trong thành này. Cửa hiệu càng lớn càng chỉ tiếp quý nhân, phận dân đen không rõ mặt mày như hắn không đủ tư cách bước đến bậc tam cấp đã bị gia đinh dùng roi vọt thẳng mặt.

Tất nhiên gia đinh sẽ không khách khí với hắn dù quá khứ hắn có vẻ vang đến đâu. Hắn không một tiếng kêu than hay phản kháng, cả người co lại, hai tay chắn trước ngực của khố y, bời vì trong đó có thứ hắn sẽ mang về cho biểu muội. Ngược lại, tiếng roi vút chan chát xuống nền gạch lẫn tiếng mắng nhiếc cay độc của gia đinh lại gây nên sự huyên náo không to cũng chẳng nhỏ, làm kinh động đến lão chủ y đường.

Hắn đến trước mặt lão, ánh mắt quật cường kia thu hút sự tò mò của chủ quầy, lão nheo trán nhìn nó nghi hoặc.

"Ông chủ, tôi muốn mua thuốc ... trị thương hàn."

"Ngươi có tiền không?" Lão lạnh lùng dò hỏi.

"Tôi không có tiền, nhưng có thể giúp lão mài thuốc trừ nợ hoặc công việc gì cũng được."

Hiệu thuốc của lão tiếp không ít thường dân túng thiếu đến đỗi họ dùng cái nồi, cái xô trong nhà mà thế chấp. Nên khi nghe hài tử nói vậy, lão cũng không lấy làm lạ. Lão làm hành y cứu người, nhưng cũng cần có cơm để ăn qua bữa, nuôi nam nữ phụ ấu trong nhà, còn chưa kể gia đinh làm thuốc. Nên lão không thể vì thương người mà bố thí không công không lộc. Ít nhất người ta có lòng thành đến xin lão giúp đỡ, đổi lại lão sẽ lấy của họ thứ gì đó gọi là có công. Đó là nguyên tắc hành nghề của lão.

Lão quay sang gia đinh bên cạnh, nói nhỏ với hắn vài câu rồi chỉ về kho thuốc bên trong nhà. Tên gia đinh nghe xong thì bước ra dẫn hắn vào làm chân sai vặt.

Hắn phải ở đó mãi đến nữa ngày mới xong hết việc bù vào tiền thuốc đó.

Khi hắn trở lại nhà hoang thì bọn a Dục chỉ có vài tên ở đó. Vì thời tiết hôm nay không thuận lợi nên việc kiếm ăn không như ý muốn, bọn kia đành ở lại thêm để kiếm chút đỉnh lót dạ.

Biểu muội vẫn còn mê mang ngủ vùi sau đống rơm mà hắn đã cẩn thận phủ ấm áp trước khi đi. Hắn xin lão chủ tiệm nồi thuốc vỡ một góc nằm ở xó kho và một ít nước vừa đủ thang thuốc thương hàn, hắn phải đi đứng rất cẩn thận và dè chừng để không làm đổ nước từ cái nồi thuốc bị vỡ góc tràn ra ngoài. Về đến nhà hoang, hắn chỉ việc bắc lửa đun thuốc thôi là xong.

Những ngày đầu mới lưu lạc, hắn không biết làm sao tạo ra lửa từ hai hòn đá, ít nhất cũng loay hoay mấy canh giờ liền. Đôi mắt trong trẻo của biểu muội luôn dán chặt lên những ngón tay trắng mảnh khảnh vụn về của hắn.

"Òa, thành công rồi! Biểu ca giỏi quá!" Biểu muội nhe khuôn miệng nhỏ nhắn với vài răng sún cười sảng khoái.

Đó là chuyện của cách đây dăm hôm trước.

"Biểu ca ..." Hài tử choàng tỉnh, lay nhẹ cánh tay hắn. Hắn chạy vội đi tìm ít nước chăm từng ngụm nhỏ vào khuôn môi nức nẻ của nó, lúc sau thì lôi từ ống tay áo lấy ra mẩu bánh "lợi phẩm" lúc chiều tìm được, xé từng mẩu nhỏ cho tiếp vào khuôn môi. Cảm nhận được mùi vị béo ngậy của thức ăn, nữ hài ăn liền một mạch lần lượt hết từng mẫu bánh hắn đưa tới. Nhìn thấy biểu muội ăn ngon lành, hắn thấy trong lòng vui mừng khôn xiết nên cũng quên khuấy để dành một chút cho mình.

Mẫu bánh cuối cùng cũng rời khỏi tay hắn.

...

Vài hôm sau nữa nữ hài cũng dần bình phục hẳn. Lúc này huynh muội họ lại dẫn dắt nhau vào chợ như mọi lần. Vì đã sống ở đây một thời gian nên nữ hài cũng quen dần việc gặp gỡ nhiều người đi đường qua lại. Nó không còn sự e dè và khép nép vào hắn như mọi khi. Nó cũng chạy đến nhặt đồ ăn thừa và lượm tiền ốc rơi vụn trên đường. Tất cả đều đưa cho biểu ca, hắn nhỉnh hơn nó tầm hai, ba tuổi nhưng luôn là chỗ dựa chắc chắn và hết lòng bảo vệ nó. Những lúc có được món ăn ngon, huynh muội bọn nó đều rúc đầu vào nhau cười nắc nẻ.

Khu chợ hôm nay ồn ào hơn mọi ngày. Đám đông ào vào nhau chạy về hướng Hương Hoa lầu, một tửu lầu bề thế nhất thành này, nơi chỉ tiếp đón quý nhân là thương gia phú hộ hay quan chức hoàng triều. Lạ nhất là bọn a Dục cũng lục đục chạy về hướng đó. Một đứa trẻ ăn mày chạy ngang khều bả vai nó nói vội rồi chạy nhanh về hướng huyên náo:

"Không đi xem Xá tội vong nhân (1) hay sao? Ta nghe nói năm nay nhiều ốc tiền với bánh gạo lắm. Không đi thật uổng phí."

(1) Xá tội vong nhân: ngày cúng cô hồn.

Nữ hài reo lên mừng rỡ, lay mạnh cánh tay hắn ngầm muốn đi xem huyên náo:

"Biết đâu kiếm chút lương thực nữa thì sao, mà không chừng cứu đói cho những ngày sau nữa chứ."

Nhưng nó lắc đầu tỏ ý không vui:

"Không được, muội còn nhỏ, đến chỗ đông người huynh e muội gặp chuyện bất trắc. Huynh không yên lòng."

Nữ hài nũng nịu:

"Đứng xa thôi, không đến gần sẽ không nguy hiểm."

"Cũng không được!"

"Xa hơn một chút chắc không sao?"

"Xa như vậy thì thấy gì đâu. Càng không được!"

Tuy không đồng tình với việc cả hai cùng đến đó xem náo nhiệt, nhưng tìm thứ gì đó có thể ăn được qua bữa và chút ốc tiền thì việc nên thử, hắn nghĩ ngợi. Bọn chúng có thể không có trò tiêu khiển nhưng ít nhất không thể chống cự với cái bụng trống rỗng sống qua ngày. Nói đoạn, hắn dặn dò nữ hài:

"Bây giờ huynh đến đó tìm chút thức ăn, muội ở đây chờ huynh. Không được theo huynh. Được không?"

"Được, được chứ! Biểu ca đi nhanh lên người ta sắp xong rồi kìa?" Nữ hài chỉ chú tâm về chỗ náo nhiệt, thấy không để ý lắm đến sự lo lắng của mình nên hắn có chút hờn mát:

"Đúng là ranh con!"