Chương 36: Gạo sấy

Tiểu Đạo Hữu đại lão 80000 kim tệ ủng hộ truyện

T.G.O.D đạo hữu đẩy truyện lần 2

Táng Thiên Đại Đế đạo hữu đẩy truyện lần 2 10000 kim tệ

...........................

Tôi mở ba lô của mình lấy ra một túi ni lông còn chút ít gạo sấy. Từng người lần lượt thò tay vốc một nhúm ngậm vào trong miệng. Rồi họ chuyền tay nhau cái bi đông đựng nước suối, mỗi người tợp một ngụm.

Ngậm nước suối và gạo sấy trong miệng một lúc chờ cho hạt gạo trương lên, mềm đi rồi bắt đầu nhai cho đỡ đói.

(Nếu đọc giả nào muốn biết thứ gạo sấy mà những người lính đã được cấp phát để ăn trong chiến tranh ngày ấy như thế nào thì có thể tự mình làm thử. Hãy lấy một ít cơm nguội để từ hôm trước ném vào nước lạnh ngâm cho nó trương lên, hoặc vớt một ít cơm còn lại trong chậu sau khi rửa bát ăn thử là biết.

Gạo sấy của người lính biên cương ngày ấy giống hệt như vậy. Nó nhạt nhẽo vô cùng, nhưng ngày ấy đánh trận cũng chả có đủ mà ăn lấy sức trong những ngày đánh nhau với bọn Tàu khựa).

Buổi chiều 21-2, bọn địch tổ chức thêm một đợt tấn công nhưng có vẻ không quyết liệt lắm. Thêm mấy chục tên địch nữa bị tiêu diệt. Cuối buổi chiều xuất hiện một chiếc xe tăng địch tiến vào trận địa của ta.

Có điều lạ là chiếc xe tăng này không bắn. Nòng pháo trên xe quay ngang. Bọn bộ binh địch hình như không phải là sẽ tấn công lên trận địa của quân ta. Chúng tiến chậm chạp sau xe tăng là để lôi xác đồng bọn bị chết từ đợt tấn công buổi sáng và đầu buổi chiều về phía sau.

Nhận ra hành động này của bọn địch, đại đội trưởng Đại đội 10 Nông Xuân Bổng hạ lệnh cho toàn đại đội ngừng bắn để cho bọn giặc đem xác chết đồng bọn ra khỏi trận địa. Lũ giặc thấy hoả lực của ta lắng đi vội lao vào lôi xác đồng bọn chạy ra xa.

Chúng xếp những xác chết thành hàng lối như một đội hình thẳng hàng trên con đường phía trước thị trấn. Quan sát hành động của chúng, tất cả các chiến sĩ trên trận ai cũng ngạc nhiên thắc mắc, không hiểu vì sao. Họ nhao nhao gọi hỏi nhau: - Chúng nó định làm cái gì thế?

Từ nãy đến giờ đại đội trưởng Nông Xuân Bổng vẫn chú ý quan sát mọi hành động của bọn địch. Nghe mọi người í ới gọi hỏi nhau, anh thủng thẳng bảo:

"Chắc là bọn chúng quyết tâm tiến vào thị trấn Sóc Giang bằng con đường của những xác chết đấy! Chúng nó sẽ được toại nguyện..."

Nghe câu chuyện của thằng Lợi kể tôi thốt lên:

" Ngày cuối cùng chúng mày ở lại Sóc Giang đúng là nguy hiểm quá?"

Thằng Lợi bảo: " Lúc đánh nhau không sợ. Lúc vượt vây tao bị một tình huống còn nguy hiểm và sợ hơn nhiều... "

Đấy là lúc bò qua cánh đồng bản Nà Cháo sang chân núi đá. Bọn bộ binh địch đi đầu trên con đường từ thị trấn Sóc Giang xuống phía bản Nà Cháo. Tao đang nép vào một bờ ruộng để bò lê đi thì có tiếng lịch bịch phía sau.

Tao ngoái cổ nhìn lại. Một con trâu mẹ và một con nghé đang đi theo ngay phía sau tao. Đó là trâu của bà con trong các bản nghe pháo bắn phá chuồng chạy ra cánh đồng. Con trâu mẹ vừa cúi đầu gặm cỏ giật mình ngóc đầu lên nhìn.

Khi thấy tao đang nằm ép mình bên bờ ruộng chắc là nó ngạc nhiên không hiểu vì sao. Khi tao bò đi hai mẹ con con trâu cũng lững thững đi theo. Con nghe lại còn tiến lại gần ghé mũi khịt... khịt... vào người tao nữa chứ.

Tình huống nguy hiểm quá. Tao nhìn chằm chằm vào mắt con trâu mẹ như muốn bảo nó hãy dẫn con chạy đi. Tao khẽ: “Xuỳ… xuỳ…xuỳ…” mấy tiếng để xua đuổi nó.

Nhưng mẹ con con trâu, vẫn không hiểu cứ đứng sững nhìn tao nằm ép người xuống mặt ruộng. Tao lo quá. Bọn địch đang hành quân trên đường trông thấy hai con trâu ngứa mắt lia cho một loạt đạn thì nguy to.

Tao vừa định đưa nòng súng ra để dọa hai con trâu thì bỗng đất đá tới tấp ném đến. Một người dân binh Trung Quốc đang đứng trên đường ném xuống để lùa hai con trâu đi theo đàn trâu mà chúng vừa ăn cướp được trong các làng bản của chúng ta.

Một hòn đá ném trúng lưng tao. Đau quá tao khẽ vặn người. Hai con trâu lồng lên chạy thẳng sang phía chân núi đá. Bọn địch cũng không phát hiện ra tao đang nằm khuất sau bờ ruộng thấp...

Câu chuyện của thằng Lợi đang hấp dẫn thì có lệnh hành quân. Trinh sát báo về bọn địch đang tiến đến đầu Lũng Vỉ. Tôi và thằng Lợi vội vàng khoác ba lô lên vai, xách súng chạy theo anh em.

Mỗi thằng đi một hướng. Mãi đến sau khi chiến tranh kết thúc tôi mới gặp lại thằng Lợi. Hà Trung Lợi đã ra quân, hiện sinh sống ở Thanh Sơn, Phú Thọ, lấy vợ là gái Thái Bình lên khai hoang. Gần bốn mươi năm sau mãi gần đây tôi mới liên lạc được với Lợi, thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm về cuộc sống của nhau.