Chương 28: Mãi về sau. . .

Onii-chan đẩy truyện 2 lần

CHAOSMON bơm thêm 50000 kim tệ

Tửu Quỷ* Cố Vô Song trợ giúp 50000 kim

............................

Tôi là người đầu tiên nhận được tin chiến thắng cũng như tin thất thiệt của các đại đội báo cáo về chỉ huy tiểu đoàn. Các đơn vị liên tục thông báo tình hình của ta và của địch.

Đơn vị nào cũng xin chi viện hoả lực và đạn dược. Nhưng làm gì còn đạn dược nữa mà chi viện? Có bộ phận báo cáo thiệt hại nặng khó có thể giữ được trận địa, xin rút lui...

Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh lặng người đi mỗi khi nhận tin nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh.

Anh hạ lệnh cho Đại đội 9 và Đại đội 11 chiến đấu ngăn chặn bộ binh, cơ giới quân địch từ hướng biên giới tràn xuống, lệnh cho Đại đội 10 bằng mọi giá phải giữ được trận địa…

Lại có tiếng quân ta hò reo ở ngoài cửa hang. Thêm hai chiếc xe tăng của quân địch bị bắn cháy ngay trên đám ruộng trồng ngô phía trước bản Nà Nghiềng, gần nhà bưu điện thị trấn. Có lẽ đã hơn ba giờ chiều…

Thị trấn Sóc Giang ngùn ngụt lửa cháy. Bốn phía bộ binh, xe tăng quân địch vẫn đang ào ạt xông đến áp sát vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Tình huống vô cùng nguy ngập.

Từ phía cửa hang chính, nơi đang bị hỏa lực và bộ binh quân địch chế áp, tấn công ác liệt, chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đi vào giữa hang, tay anh vẫn cầm khẩu súng ngắn chỉ huy chiến đấu. Anh mím môi nhìn số người ít ỏi còn lại trong hang rồi nói:

" Bây giờ, đã đến lúc chúng ta sẽ quyết một trận sống chết với quân thù!"

Nghe chưa hết mệnh lệnh của chính trị viên tiểu đoàn, tất cả chúng tôi, những người làm nhiệm vụ đảm bảo cho công tác chỉ huy chiến đấu và cả các anh em thương binh nhẹ trong hang lập tức bật dậy vớ lấy súng và lựu đạn lao ra phía cửa hang chính đang mịt mù khói lửa.

Tiếng súng đạn gầm vang râm ran bốn phía. Thị trấn “Tọa-độ-lửa” Sóc Giang vẫn đang bốc cháy rừng rực. Khói lửa chiến tranh che khuất cả một khoảng trời biên giới... Dưới đây là trang nhật ký chiến tranh tôi ghi lại về ngày 20-2-1979:

- Địch:

"Có khoảng 2 tiểu đoàn đánh từ phía Đôn Chương tiến lên thị trấn Sóc Giang. Chúng chia làm 3 đợt tấn công. Buổi sáng từ 9 đến 10 giờ, chiều từ 3 đến 5 giờ, có 16 xe tăng trong đội hình tấn công."

- Ta:

" Đại đội 10 cùng 1 tiểu đội của đại đội 11 tăng cường chiến đấu giữ vững chốt, bẻ gãy các đợt tấn công của địch, tiêu diệt hơn 400 tên địch, 6 xe tăng. Bộ phận của đại đội 9 chốt chặn ở hướng UBND huyện Hà Quảng chiến đấu tiêu diệt 1 xe tăng và 50 tên địch."

- Sơ đồ trận đánh ngày 20-2-79.

- Một số gương chiến đấu dũng cảm trong ngày 20-2:

Binh nhất Trần Xuân Quý, 20 tuổi, bắn 5 viên đạn B41 tiêu diệt 4 xe tăng và diệt nhiều tên địch.

Hạ sĩ, tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm dũng cảm xuống tận bụi tre sát mặt đường quốc lộ để đặt súng bắn thẳng, tiêu diệt được 1 xe tăng và nhiều bộ binh địch, hy sinh do lựu đạn địch ném lên tuyến công sự thứ nhất.

Trung uý Trần Xuân Tương, học viên Trường sĩ quan Chính trị thực tập làm chính trị viên tại Đại đội 10, vừa chỉ huy bộ đội vừa trực tiếp chiến đấu, bị thương gãy một tay và một chân vẫn kiên quyết ở lại trận địa chỉ huy bộ đội chiến đấu và

hy sinh...

Thượng sĩ Trần Quang Tuyến, trung đội trưởng thuộc đại đội 9, bắn cháy 1 xe tăng địch. Binh nhất Hồ Sào Liền, dân tộc H’Mông, quê Hà Giang tiêu diệt được 12 tên địch, trước đó khi đi lấy gạo gặp địch còn diệt được 2 tên…

Hơn 5 giờ chiều ngày 20-2, tất cả các mũi tấn công của quân xâm lược Trung Quốc vào thị trấn Sóc Giang đều bị bẻ gãy. Chốt của Đại đội 10 vẫn được giữ vững, khu vực phòng ngự của Đại đội 9 và Đại đội 11 bọn địch không thể vượt qua. Bóng đêm và sương mù dần buông xuống nhưng bầu trời thị trấn biên giới vẫn rực sáng bởi lửa cháy và đạn nổ từ những chiếc xe tăng mang nhãn hiệu “8-1” dưới chân điểm chốt của Tiểu đoàn 3 anh hùng…

Viết thêm:

Năm 2018, khi về Hà Nội dự buổi gặp mặt truyền thống của Trung đoàn 677 tổ chức, anh Hoàng Quốc Doanh đến nhà tôi chơi.

Tôi bảo các con ra chợ mua chút thức ăn về làm cơm, nhớ mua ít lòng lợn vì tôi nhớ là anh rất thích món này. Lúc rượu vào vui vẻ, tôi nhắc lại chuyện bị anh “dọa bắn” hôm chiến đấu ở thị trấn Sóc Giang.

Anh cười to và bảo:

“Lúc ấy, tao chỉ dọa thế thôi. Mày mà chết thì lấy ai tổ chức thông tin liên lạc cho tiểu đoàn. Mất liên lạc trong lúc ấy không chỉ mất trận địa mà tất cả chúng ta sẽ mất mạng hết đấy, hiểu không?”.

Rồi anh giải thích thêm:

“Lúc ấy mà mất liên lạc, các bộ phận sẽ tưởng là chỉ huy tiểu đoàn đã bị bọn Tàu tiêu diệt hết rồi, họ sẽ hoang mang, bỏ trận địa để rút lui, bọn địch sẽ ào lên hang huyện ủy và tất cả chúng ta sẽ chết”.

Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, từ một cán bộ chính trị anh Doanh được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng. Khi anh làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 677, Sư đoàn 346 thì Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch là phó chủ nhiệm chính trị của trung đoàn này. Sau này khi về làm báo ở Hà Nội, lần nào gặp tôi, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng hỏi thăm anh Doanh.