Chương 9: Hội Hè Miên Man - Chương 9

Evan Shipman ở quán Lilas

Từ ngày phát hiện ra thư viện Sylvia Beach, tôi đọc tất cả các tác phẩm của Turgenev, những gì in bằng tiếng Anh của Gogol, bản dịch các tác phẩm của Tolstoi của Constance Garnett và những truyện của Chekov dịch sang tiếng Anh. Hồi còn ở Toronto, trước khi chúng tôi đi Paris, người ta bảo Katherine Mansfield là người viết truyện ngắn giỏi, thậm chí là một nhà văn viết truyện ngắn vĩ đại, nhưng sau khi đã đọc Chekov thì cố gắng đọc truyện của bà chẳng khác nào ngồi nghe bà vú già kể một câu chuyện sượng sạo có lớp lang sau khi nghe chuyện do một ông bác sĩ thông thái khúc chiết kiêm một nhà văn giản dị tài ba kể. Mansfield là một thứ gì đó gần như là bia. Mà như thế thì thà uống nước lọc còn hơn. Trong khi Chekov không phải là nước, ngoại trừ sự trong trẻo. Có một vài truyện như thể loại báo chí. Nhưng có những truyện thật quá tuyệt vời.

Ở Dostoyevsky có những thứ tin được và không tin được, nhưng có những thứ quá thật, thật đến nỗi khi đọc chúng con người ta thay đổi; ở đó có sự mong manh và điên rồ, sự đồi bại và thánh thiện cùng những cơn say bạc điên loạn, cũng như với Turgenev là phong cảnh và những con đường, hay với Tolstoi là những cuộc chuyển quân, địa thế địa hình, sĩ quan lính lác và những cuộc chiến. Tolstoi khiến những trang viết của Stephen Crane về Nội chiến chỉ là trò tưởng tượng phong phú của một đứa trẻ ốm yếu chỉ biết đến chiến tranh qua sách vở hay qua những tấm ảnh chụp của Brady mà tôi từng thấy trong nhà ông bà tôi thời trước. Cho đến trước khi đọc được Tu viện thành Parme của Stendhal, tôi chưa từng thấy ai viết về chiến tranh thật như Tolstoi, nhưng những trang viết tuyệt vời về Waterloo của Stendhal chỉ là ngoại lệ trong một cuốn sách đa phần là nhàm chán. Việc ta được hòa mình vào một thế giới văn chương hoàn toàn mới lạ và có thời gian đọc sách trong một thành phố như Paris, nơi có thể sống và làm việc thoải mái bất kể giàu nghèo thế nào, chẳng khác gì được ban cho kho báu tuyệt vời. Tôi có thể đem kho báu ấy theo cùng mình mỗi khi đi xa, từ vùng núi của Ý và Thụy Sĩ cho đến Schruns mà chúng tôi vừa phát hiện ra trong thung lũng cao Vorarlberg của Áo, luôn có sách theo cùng, ban ngày chúng tôi sống trong cái thế giới mới lạ vừa mới tìm thấy, với tuyết, với những khu rừng, với những dòng sông băng cùng với những trắc trở của chúng trong mùa đông và trú ẩn trong căn phòng trên cao của khách sạn Taube ở làng, còn khi đêm về, chúng tôi lại được sống trong một thế giới tuyệt vời khác do những nhà văn Nga xây nên. Trước tiên là những nhà văn Nga, sau mới đến những người khác. Nhưng trong suốt một thời gian dài, đấy là những người Nga.

Tôi nhớ có lần sau khi chơi tennis ở phố Arago về, trên đường đi Ezra rủ tôi đến nơi làm việc của ông uống chút gì đó, và tôi hỏi ông thật lòng nghĩ thế nào về Dostoyevsky.

“Nói thật với cậu, Hem,” Ezra nói. “Tôi không bao giờ đọc bọn Nga cả.”

Trả lời thật thẳng thừng. Tôi chưa từng nghe Ezra đưa ra nhận xét nào thẳng tưng như thế, nhưng tôi cảm thấy rất tệ bởi tôi rất trọng khả năng thẩm định của ông, người chỉ tin vào mot juste (từ chuẩn) - mỗi lần viết chỉ có duy nhất một từ chuẩn để sử dụng - người đã dạy tôi không tin vào tính từ cũng như sau này tôi học được cách không tin vào một số người ở một số hoàn cảnh nhất định; tôi muốn biết ông nói gì về một người hầu như không bao giờ quan tâm đến mot juste nhưng vẫn khiến cho nhân vật hết sức sống động, mà không ai khác làm được.

“Đọc người Pháp ấy,” Ezra bảo. “Cậu sẽ học được nhiều điều.”

“Tôi biết,” tôi nói. “Ở đâu tôi cũng còn nhiều điều phải học.”

Tôi rời căn hộ của Ezra về xưởng cưa, đi theo con đường đắp lề cao, xa xa sau hàng cây trụi lá ở cuối đường, bên kia đại lộ St-Michel, thấp thoáng mặt chính của vũ trường Bal Bullier, rồi sau đó tôi mở cổng đi qua đống mùn cưa tươi mới và cất cây vợt vào chiếc tủ đứng ốp bên chân cầu thang dẫn lên tầng mái. Tôi gọi vọng lên gác nhưng không ai ở nhà.

“Madame đi ra ngoài với bonne (cô hầu) và em bé rồi,” vợ ông chủ xưởng cưa nói. Bà là một phụ nữ khó chịu, béo phị, tóc màu đồng thau. Tôi cảm ơn.

“Có một cậu trai trẻ tìm ông,” bà nói, dùng từ jeune homme thay vì monsieur. “Cậu ta bảo sẽ chờ ở Lilas.”

“Cảm ơn nhiều,” tôi nói. “Nếu madame về nhờ bà nói tôi ở Lilas.”

“Bà ấy đi chơi với bạn rồi,” vợ chủ nhà nói và quấn gọn cái váy tím lùm xùm quanh người, nhón gót đi vào lối dành riêng cho khu nhà bà mà không đóng cửa.

Tôi đi qua những ngôi nhà cao sơn trắng loang lổ những vệt bẩn hai bên phố, rồi khi xuống cuối đường đầy nắng thoáng đãng thì rẽ phải bước vào bóng râm đột ngột của Lilas.

Không có ai quen ở đó, tôi ra ngoài hiên và thấy Evan Shipman đang chờ. Anh là một nhà thơ tinh tế, hiểu biết và quan tâm đến ngựa, văn chương và hội họa. Anh đứng lên chào, người cao gầy xanh xao, chiếc áo sơ mi trắng anh mặc đã bẩn, cổ áo xơ mòn, anh thắt chiếc cà vạt cẩn thận và khoác chiếc áo vest xám nhăn nheo xơ cũ, ngón tay ố đen hơn cả tóc, móng tay thì bẩn, còn nụ cười cầu cạnh dễ thương mím chặt lại để không lộ hàm răng xấu xí.

“Gặp được anh mừng quá, Hem ạ.” Anh nói.

“Cậu thế nào, Evan?” tôi hỏi.

“Hơi xuống một tí,” anh nói. “Tôi nghĩ tôi bị Mazeppa (thiên trường ca của Evan Shipman) ám ảnh. Thế còn anh, mọi chuyện ổn cả chứ?”

“Hi vọng thế,” tôi đáp. “Lúc cậu đến tôi đang chơi tennis với Ezra.”

“Ezra ổn chứ?”

“Rất ổn.”

“Tôi mừng lắm. Hem này, tôi nghĩ bà vợ ông chủ nhà anh chắc không thích tôi. Bà ấy không cho tôi lên gác đợi anh.”

“Tôi sẽ nói với bà ấy.” tôi nói.

“Không sao đâu. Lúc nào tôi ngồi đây chờ cũng được. Ngồi trong nắng như thế này thật dễ chịu phải không?”

“Đã mùa thu rồi,” tôi nói. “Tôi thấy cậu mặc không đủ ấm đâu.”

“Đến tối mới lạnh,” Evan nói. “Lúc ấy tôi sẽ mặc thêm áo.”

“Cậu có biết đang để áo khoác ở đâu không?”

“Không. Nhưng chắc ở đâu đó thôi.”

“Sao cậu biết?”

“Vì tôi nhét bài thơ trong đó mà,” anh cười sảng khoái, môi giữ chặt hàm răng. “Làm với tôi li whisky, Hem.”

“Được thôi.”

“Jean,” Evan nhổm dậy gọi người phục vụ. “Cho hai whisky nhé.”

Jean đem ra chai rượu và li và hai cái đĩa lót giá mười franc cùng ống rót rượu. Anh không dùng li đong mà rót whisky cho đến khi đầy hơn ba phần tư cốc. Jean quý Evan lắm, cả hai thường cùng đi về nhà Jean ở Montrouge, ngoài Porte d’Orléans, để làm vườn vào những ngày Jean nghỉ.

“Anh không nên rót nhiều quá,” Evan nói với anh phục vụ già cao kều.

“Thì đấy cũng là hai whisky, đúng không?” anh phục vụ đáp lại.

Chúng tôi pha thêm nước vào và Evan nói, “Nhấp ngụm đầu tiên thật kĩ nhé, Hem. Khéo nhấp thì đọng lâu.”

“Cậu có biết tự lo cho mình không đấy?” tôi hỏi.

“Biết chứ. Tất nhiên rồi, Hem. Thôi, nói chuyện khác đi nhé?”

Không ai ngồi ngoài hiên và hai chúng tôi nhờ whisky mà ấm hẳn lên dù tôi mặc đồ mùa thu ấm hơn Evan, với áo lót trong chiếc sơ mi và bên ngoài là áo len màu xanh của thủy thủ Pháp.

“Tôi đang nghĩ đến Dostoyevsky,” tôi nói. “Làm thế nào một người câu cú ngữ pháp thê thảm, thê thảm không thể tin được, lại khiến ta rung động dường ấy?”

“Không phải do dịch đâu,” Evan nói. “Bà ấy cứ làm cho văn Tolstoi đẹp hẳn ra.”

“Tôi biết. Tôi đã cố bao nhiêu lần để nhai cuốn Chiến tranh và Hòa bình cho đến khi có được bản dịch của Constance Garnett.”

“Người ta nói bản dịch ấy còn có thể cải thiện hơn,” Evan nói. “Tôi cũng nghĩ thế mặc dù tôi không biết tiếng Nga. Cả hai chúng ta đều biết bản dịch rồi đấy. Nhưng vì nó là bản dịch của cuốn tiểu thuyết theo tôi là vĩ đại nhất, nên ta vẫn có thể đọc đi đọc lại.”

“Tôi biết,” tôi nói. “Nhưng anh không thể đọc đi đọc lại Dostoyevsky. Có lần, khi ở Schruns mà lại hết sách để đọc, chỉ có bộ Tội ác và Hình phạt trong chuyến đi nhưng tôi không tài nào đọc lại được, dù trong tay không còn cuốn nào khác. Tôi đành phải đọc báo của Áo và học tiếng Đức cho đến khi kiếm được vài quyển của Trollope do Tauchnitz xuất bản.”

“Chúa phù hộ Tauchnitz,” Evan nói. Li whisky đã mất vị cháy cổ và lúc này, khi thêm nước vào, nó chỉ đơn giản là quá nặng.

“Dostoyevsky là thứ quỷ quái, Hem ạ,” Evan tiếp. “Ông ấy là thiên tài tạo ra bọn đê tiện lẫn thánh thần. Ông ấy sinh ra những ông thánh tuyệt diệu. Không đọc lại ông ấy được thì thật tệ.”

“Tôi sẽ thử đọc lại Anh em nhà Karamazov. Có lẽ là do lỗi của tôi.”

“Anh có thể đọc lại vài phần của cuốn sách. Cả hầu hết cuốn sách. Nhưng rồi chúng sẽ khiến anh phát điên, cho dù nó có vĩ đại đến đâu đi chăng nữa.”

“Ừm, chúng ta thật may vì đã có ngay những bản dịch để đọc, sau này có lẽ sẽ có những bản dịch tốt hơn.”

“Nhưng đừng để bị chúng mê hoặc, Hem ạ.”

“Không đâu. Tôi cố tình thả mình cho nó mê hoặc để nó mê hoặc mình mà mình không biết, và thế là mình càng đọc càng bị chúng cám dỗ nhiều hơn.”

“Thôi được rồi, tôi ủng hộ anh bằng một whisky của Jean,” Evan nói.

“Nếu rót rượu kiểu như thế, anh ấy sẽ gặp rắc rối to,” tôi nói.

“Anh ấy đã gặp rắc rối rồi,” Evan nói.

“Chuyện gì thế?”

“Bọn họ đổi ban quản lí,” Evan nói. “Mấy người chủ mới muốn thu hút loại khách hàng chịu chi xài hơn nên họ sẽ làm một quầy bar kiểu Mĩ. Người phục vụ phải mặc jacket trắng. Hem này, họ còn buộc phải cạo râu mép đấy.”

“Không thể làm thế với André và Jean được.”

“Không thể, nhưng phải làm.”

“Cả đời Jean để râu mép. Kiểu râu cong vút. Anh ấy từng phục vụ trong một trung đoàn kị binh.”

“Anh ấy sẽ phải cạo.”

Tôi uống nốt ngụm whisky còn lại.

“Một whisky nữa nhé, Mosieur?” Jean hỏi. “Whisky chứ, Mosieur Shipman?” Hàng ria mép dày nặng ủ rũ là thành viên của khuôn mặt gầy guộc tốt bụng của anh, cũng như đỉnh đầu hói trơn bóng láng có vắt ngang vài sợi tóc.

“Đừng rót thế, Jean,” tôi nói. “Đừng lạm dụng thế.”

“Có gì mà lạm dụng chứ,” Jean nhẹ nhàng nói. “Lắm chuyện rối rắm quá. Nhiều người bỏ việc rồi. Entendu, Messieurs,” anh nói to. Anh bước vào trong rồi đem ra một chai whisky, hai li lớn, hai cái đĩa lót li viền vàng giá mười franc và một chai nước khoáng.

“Đừng thế, Jean,” tôi nói.

Anh đặt li lên đĩa rồi rót whisky đầy đến tận miệng rồi đem chai rượu còn lại vào trong. Evan và tôi nhỏ vào li một chút nước khoáng.

“May mà Dostoyevsky không quen biết Jean,” Evan nói. “Không thì ông uống đến chết.”

“Chúng ta làm gì với cái này bây giờ?”

“Uống,” Evan nói. “Đấy là phản kháng. Một hàng động cụ thể.”

Sáng thứ hai sau đó, khi tôi đến Lilas để làm việc, André đãi tôi một bovril, một miếng thịt bò chiêu với nước. Anh thấp người, tóc vàng và ở vị trí của bộ râu mép ngắn dày ngày trước giờ trơ khấc cặp môi của một thầy tu. Anh mặc áo khoác trắng của người phục vụ quán kiểu Mĩ.

“Jean đâu?”

“Anh ấy ngày mai mới đến.”

“Có chuyện gì thế?”

“Anh ấy cần thời gian ổn định lại tinh thần. Anh ấy từng ở trong đội kị binh nặng tham gia suốt cuộc chiến tranh. Anh ấy được trao Anh dũng Bội tinh và Huân chương Quân công đấy.”

“Tôi không biết Jean là thương binh nặng đến thế.”

“Không. Tất nhiên là có bị thương, nhưng anh ấy nhận Huân chương Quân công khác. Dành cho lòng dũng cảm.”

“Nói Jean là tôi gửi lời hỏi thăm.”

“Vâng,” André nói. “Hi vọng anh ấy không đau khổ lâu quá.”

“Nhờ anh chuyển lời hỏi thăm của ông Shipman luôn nhé.”

“Ông Shipman đang đi với anh ấy,” André nói. “Họ đang làm vườn cùng nhau.”

Một đại diện của cái ác

Điều cuối cùng Ezra nói với tôi trước khi rời Notre-Dema-des-Champs đi Rapallo là, “Hem à, tôi muốn cậu giữ cái lọ thuốc phiện này và chỉ trao cho Dunning khi nào ông ta cần đến.”

Đó là một lọ kem thoa chống rét lớn và khi tôi vặn nắp, bên trong một chất đặc sệt sẫm màu tỏa ra mùi thuốc phiện cực nguyên chất. Ezra nói đã mua nó từ một lão già người Ấn trên phố Opéra gần đại lộ Italiens với giá cực đắt. Tôi thì nghĩ cái món này hẳn có xuất xứ từ quán bar cũ kĩ, nơi lui tới của đám lính đào ngũ và bọn mua bán ma túy trong Thế chiến thứ nhất. le in the Wall là một quán bar có mặt tiền quét sơn đỏ nằm trên phố Italiens, bề ngang quán rất hẹp, chỉ rộng hơn cái ngõ đi chút ít. Nó từng có một lối cửa sau mở vào hệ thống cống rãnh của Paris nghe đâu sẽ dẫn đến được khu Catacombes. Dunning đây chính là Ralph Cheever Dunning, nhà thơ chơi thuốc phiện quên ăn. Khi hút thuốc phiện quá nhiều, ông chỉ uống sữa và viết thể loại terza rima (một thể loại thơ tứ tuyệt được cho là có khởi đầu từ nhà thơ Ý Dante) mà Ezra, vốn trọng tài thơ ông, hết sức yêu thích. Ông sống trong cùng khu nhà nơi Ezra đặt phòng làm việc và vài tuần trước khi rời Paris, Ezra đã gọi tôi đến giúp vì Dunning đang hấp hối.

“Dunnung sắp chết rồi,” Ezra nhờ người thông báo. “Nhờ anh đến ngay lập tức.”

Dunning như bộ xương khô nằm trên đệm, rõ ràng là ông đang chết vì suy dinh dưỡng, nhưng tôi thuyết phục Ezra rằng xưa nay ít có ai chết khi miệng vẫn nói tròn vành rõ chữ và tôi cũng chưa từng thấy ai sắp chết mà vẫn ngâm terza rima có vần có điệu mà ngay Dante tôi nghĩ cũng chưa chắc làm được. Ezra bảo ông ấy có nói bằng terza rima đâu, và tôi đáp hay vì lúc ấy tôi buồn ngủ nên những điều ông gửi gắm cho tôi nghe sao giống terza rima thế. Rốt cuộc, sau một đêm ở cùng Dunning đợi chết, vấn đề được đặt vào tay bác sĩ và Dunning được chuyển đến một bệnh viện tư để giải độc. Ezra bảo đảm thanh toán phần chữa trị và ông thay mặt Dunning liệt kê một danh sách tài trợ của những người yêu thơ mà tôi chẳng biết ở đâu ra. Tôi chỉ được trao mỗi một nhiệm vụ là trao cái lọ thuốc phiện trong trường hợp thật sự khẩn cấp. Đấy là sự gửi gắm thiêng liêng Ezra dành cho tôi và tôi chỉ hi vọng mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ và xác định thế nào là trường hợp thật sự khẩn cấp. Và điều đó đã đến vào một sáng chủ nhật, khi bà gác cổng nhà Ezra chạy đến ngoài sân xưởng cưa la vọng lên cửa sổ để mở phòng tôi giữa lúc tôi đang nghiền ngẫm một mẫu cá cược đua ngựa. “Monsieur Dunning est monté sur le toit et refuse catégoriquement de descendre.”

Dunning leo lên mái nhà và nhất định từ chối leo xuống, đây có vẻ đáng mặt là một ca thực sự khẩn cấp, tôi tóm lấy cái lọ đựng thuốc phiện và đi lên phố cùng bà gác cổng bé tí mà căng thẳng đang rất phấn khích với tình huống này.

“Monsieur đã có cái cần có chưa?” bà hỏi tôi.

“Đương nhiên,” tôi nói. “Không có gì phức tạp lắm đâu.”

“Monsieur Pound đã tính hết mọi việc,” bà nói. “Ông ấy đúng là hiện thân của lòng tốt.”

“Ông ấy rất tốt,” tôi nói. “Ngày nào tôi cũng nhớ đến ông ấy.”

“Cũng mong là Monsieur Dunning biết điều.”

“Tôi đã có thứ cần thiết đây,” tôi xác nhận.

Khi chúng tôi đến sân khu nhà, bà gác cổng kêu lên. “Ông ấy xuống rồi.”

“Chắc ông ấy biết tôi đến.” tôi nói.

Tôi lên cầu thang ngoài dẫn đến phòng Dunning và gõ cửa. Ông ra mở. Ông gầy xọp và cao khác thường.

“Ezra bảo đem cái này cho ông,” tôi đưa cho ông cái lọ. “Ông ấy bảo ông sẽ biết đó là gì.”

Ông cầm chiếc lọ, nhìn. Rồi ông ném thẳng vào tôi. Cái lọ đập vào ngực hay vai tôi gì đấy rồi lăn lông lốc xuống cầu thang.

“Mày là đồ khốn nạn,” ông kêu lên. “Đồ mất dạy.”

“Ezra bảo ông có thể cần nó,” tôi nói. Ông ta đáp lại bằng cách ném một chai sữa.

“Ông có chắc là không cần không đấy?”

Ông ném thêm một chai sữa nữa. Tôi bỏ chạy và ông ném tiếp vào lưng tôi một chai sữa khác. Rồi ông đóng sầm cửa lại.

Tôi nhặt chiếc lọ, nó chỉ bị rạn nhẹ, rồi tôi cho vào túi.

“Ông ấy có vẻ không thích quà của Monsieur Pound,” tôi nói với bà gác cổng.

“Chắc ông ấy đang muốn yên tĩnh.” Bà nói.

“Có thể ông ấy có thuốc riêng rồi,” tôi nói.

“Tội nghiệp Monsieur Dunning.” Bà nói.

Sau đó những người yêu thơ mà Ezra đã tập hợp được đến để giúp Dunning lần nữa. Sự tham gia của tôi và người gác cổng đã không thành công. Cái lọ có vẻ như đựng thuốc phiện ấy bị nứt và tôi quấn nó lại trong giấy sáp, nhét vào trong chiếc ủng cưỡi ngựa cũ, thắt lại cẩn thận. Một vài năm sau, khi Evan Shipman giúp tôi dọn dẹp đồ đạc cá nhân để chuyển nhà, đôi ủng vẫn còn đó nhưng chiếc lọ đã không cánh mà bay.

Tôi không hiểu vì sao Dunning ném chai sữa vào tôi trừ phi ông nhớ ra chuyện của cái đêm khi tôi không đặt đầy đủ niềm tin vào cơn hấp hối lần đầu của ông, hay vì trong thâm tâm ông đã ghét tính cách của tôi rồi. Nhưng tôi nhớ Evan Shipman đã sướng thế nào khi nghe câu “Monsieur Dunning est monté sur le toit et refuse catégoriquement de descendre.”Anh nghĩ câu ấy có gì đó mang tính biểu tượng. Tôi không biết. Có lẽ Dunning nhầm tôi là đại diện của cái Ác hay cảnh sát. Tôi chỉ nhớ Ezra đã tốt hết mình với Dunning như ông đã tốt với rất nhiều người khác và tôi luôn hi vọng Dunning là một nhà thơ giỏi như Ezra vẫn tin. Là nhà thơ, ông đã ném rất chính xác chai sữa vào tôi. Trong khi với Ezra, một nhà thơ vô cùng vĩ đại, thì đấy là những ván tennis đẳng cấp. Còn Evan Shipman, thi sĩ tài hoa chẳng bao giờ màng thơ mình có in hay không, lại thấy trong chuyện này có điều bí ẩn.

“Đời chúng ta cần có nhiều điều bí ẩn đúng nghĩa hơn nữa, Hem ạ,” có lần anh nói. “Những thứ khan hiếm nhất trong thời này là loại nhà văn thật sự thiếu tham vọng và loại thơ thật sự hay chưa in. Tất nhiên, dinh dưỡng cũng là một vấn đề.”