Chương 278: Thiên Thần Ti Vũ

Quyển 2: Một Con Sóng Phản Chiếu Thế Gian

Dịch giả: †Ares†

Nguồn: Bachngocsach.com

oOo

Sau khi nghe được lời đồng ý từ Trần Cảnh, Văn Tuấn Khanh lại đi mời những thần linh khác trong thành. Trần Cảnh không đi cùng, cho nên không biết Văn Tuấn Khanh dùng phương pháp gì đả động những thần linh này. Hắn cũng không đi cùng đường với bọn họ.

Thành Ngọa Hổ đang vào tháng chín, trời nóng nực, mà Bắc Hải thì lại là băng tuyết ngập trời.

Tại một khe núi khuất gió. Nơi đây chính là đại doanh của thành Ngọa Hổ. Khe núi này có địa hình giống như một chữ "Kỷ" (几) lật nằm. Ở hai góc ngoài chữ "Kỷ" phân biệt dựng lên hai đại doanh. Mà ở bên ngoài, chỗ đối diện Bắc Hải lại có một đại doanh nữa. Đại doanh nằm ngoài này là nguy hiểm nhất, dễ bị tập kích nhất. Thế nhưng một khi bị tập kích, những đại doanh phía sau nhất định sẽ đến cứu, mấy đại doanh hỗ trợ lẫn nhau. Ở mấy chỗ núi cao lại có mấy tháp canh, có binh sĩ ngày đêm thủ hộ cảnh giới, có thể nhìn ra vài dặm ngoài xa. Chỉ cần bên ngoài có bất cứ động tĩnh gì, những đại doanh này sẽ lập tức biết được, bởi vì tháp canh sẽ nổi kèn báo, xem như truyền tin tức.

Trong đại trướng của Ngô Sĩ Kỳ, y đang cầm một thanh đại đao màu vàng ngồi chính giữa. Giữa binh doanh mà y lại không mặc khải giáp, chỉ khoác thường phục, trông có vẻ lười nhác. Thượng tướng lâm chiến thoải mái ung dung, chính là cảm giác này.

- Sao? Vị coi bói trước miếu Long Vương kia không đi cùng ngươi sao?

Ngô Sĩ Kỳ hỏi Văn Tuấn Khanh. Những thần linh cùng trở về với Văn Tuấn Khanh lại không hề có gì không vui, bởi do Trần Cảnh không có ý che chắn, nên bọn họ đều cảm nhận được khí tức thần linh trên thân Trần cảnh, cũng cảm thấy được Trần Cảnh quả thật cao minh hơn bọn họ, nên được Ngô Sĩ Kỳ coi trọng như vậy là rất bình thường.

- Hắn nói sẽ tới sau.

Ngô Sĩ Kỳ không hỏi thêm gì nữa, mà quay mặt nói với bốn vị thần linh đến cùng Văn Tuấn Khanh:

- Chư vị có thể tới, Ngô mỗ thay mặt toàn quân ba vạn ba nghìn tướng sĩ cảm tạ.

Y đứng lên, ôm quyền nói với bốn vị thần linh đến từ thành Ngọa Hổ, bất kể là động tác hay biểu cảm đều vô cùng chân thành.

Bốn vị thần linh phân biệt đáp lễ. Bọn họ vừa bước vào quân doanh này thì đã phát hiện nơi đây bị bao trùm trong hung sát khí. Thứ này do sát khí trên toàn bộ quân sĩ ngưng kết mà thành, làm cho bọn họ có cảm giác như bị đè nặng ở trên lưng. Mà tướng quân trước mặt này, giơ tay nhấc chân liền như có thể chém ra toàn bộ sát khí ấy, bức thẳng tới mi tâm thần nguyên.

Song phương ngồi xuống xong, Ngô Sĩ Kỳ liền nói với bốn vị thần linh tình hình chiến sự trước mắt.

- Người cùng quân ta giao chiến vốn là một chư hầu của Trung Nguyên ta, suốt mười năm tới khi tân vương kế vị, vẫn luôn tiến cống, nhưng năm nay khi quốc quân sai sứ giả tới, hắn chẳng những không biết tội, còn dám chém đầu sứ giả treo ở đầu tường thành Bắc Hải. Đại vương mệnh bản tướng thảo phạt hắn, một đường đắc thắng, thế nhưng binh tiến tới nơi này, đã nửa bước khó đi.

Nói tới đây, Ngô Sĩ Kỳ nhìn chung quanh. Nơi này chẳng những có bốn thần linh từ thành Ngọa Hổ đến, mà còn có quan tướng trong quân.

Y tiếp tục nói:

- Cũng không phải quân ta khiếp nhược không chiến nổi, mà là bên phía nghịch tặc có thần linh tu sĩ làm phép thuật. Ta tuy có quân trận, nhưng cũng rất khó để tự bảo vệ mình. Hiện tại trong quân ta thiếu lương, không đủ để sinh hoạt bảy ngày, binh sĩ vận lương luôn bị người tu hành của đối phương đánh lén. Thời tiết càng ngày càng lạnh, nếu không thể ở trong bảy ngày phá nghịch tặc, thì cả ba vạn ba nghìn tướng sĩ quân ta đều phải chôn xương trong băng tuyết.

Ngô Sĩ Kỳ nhìn mọi người, hỏi:

- Chư vị có cách nào phá địch không?

Những tướng quân kia đều không trả lời, đều nhìn về bốn thần linh đến sau. Bởi vì đối với họ, tất cả căn nguyên đều ở việc không thể ngăn cản pháp thuật của đối phương.

- Không biết trong nghịch quân có thần thông chi sĩ gì?

Một trong bốn thần linh hỏi. Vị này tên là Đổng Trình, vốn là một gốc Thiên Lý thảo, dưới cơ duyên mà hóa hình, thành thần linh. Dòng thảo mộc hóa hình được toàn bộ đều nhờ cơ duyên, hóa hình rất khó, mà kể cả hóa hình rồi thì pháp lực cũng yếu hơn nhiều so với dòng động vật. Thế nhưng dòng thảo mộc đều có thần thông pháp thuật không ai biết.

Lúc này, Văn Tuấn Khanh trả lời:

- Từng thấy phía trên trận địa địch mây đen vần vũ, trong đó xuất hiện giao nhân (người thuồng luồng), tay hắn cầm một cái trống lớn, dùng chùy nện xuống, quân sĩ phe ta nghe thấy hôn mê không thể chiến, mỗi khi gặp cảnh đó đều chỉ có kết trận lùi về.

- Ngoại trừ giao nhân, có gì nữa không?

Đổng Trình lại hỏi.

- Chưa thấy gì thêm, có lẽ có, có lẽ không.

Văn Tuấn Khanh nói.

- Có hay không, thử sẽ biết.

Ngô Sĩ Kỳ nói, sau đó hạ lệnh đánh trống, tập kết ba nghìn binh sĩ kết trận khiêu chiến.

Ngô Sĩ Kỳ cưỡi trên một con ngựa lớn lông bạc trắng. Liếc mắt nhìn qua, con ngựa lại có vẻ oai hùng như mãnh hổ. Ở bên cạnh y là một ngọn cờ lớn thêu một chữ "Ngô" thật to, lại có lá cờ "Trung Nguyên" dựng thẳng trong quân.

Từng binh sĩ trầm mặc đạp theo nhịp trống đi tới, kết thành trận thức. Trên không từ từ ngưng kết ra một áng mây đỏ. Mây đỏ lại dần ngưng kết ra hình một con hổ đỏ rít gào, mà binh sĩ bên dưới mây thì được sương đỏ bao phủ che mờ đi.

Phía trước binh trận, chỉ có mấy người Ngô Sĩ Kỳ ở bên ngoài. Trong bốn vị thần linh thì ba vị đều cưỡi mãnh thú trong núi, còn vị tên là Đổng Trình thì cưỡi một con ngựa vàng do pháp thuật tụ tập linh khí của đất ngưng tụ thành, nhìn cực kỳ mạnh mẽ, như lúc nào cũng có thể cưỡi mây bay vụt lên cao.

Phản quân lập tức mở cửa doanh. Đầu tiên là hai đội binh sĩ dàn trận bước ra, sau lại tách thành hai hàng, từ chính giữa có một đội nhân mã đi vào trước trận.

Song phương đã đánh mấy tháng, cũng không có nhiều lời, hơn nữa lần này mục đích của Ngô Sĩ Kỳ chỉ là thăm dò. Bởi vậy vừa phất tay, ba nghìn quân quân sĩ bao phủ trong sương đỏ đã lao lên, sát khí tận trời, mơ hồ có thể nghe được tiếng hổ gầm.

Phía trên không bên Bắc Hải xuất hiện một vùng sóng biển hư ảo. Bên trong sóng biển lại có một con cá mập thật lớn, hung ác lao tới quân Trung Nguyên.

Hai bên lao tới, tiếng giết chóc hóa thành tiếng hổ gầm cá mập rống, nhìn không thấy người, chỉ thấy hổ đỏ đại chiến với cá mập trắng trên không.

Chỉ chốc lát sau, cá mập đã ở hạ phong, không ngừng lui về phía sau.

"Thùng... Thùng... Thùng..."

Đột nhiên có tiếng trống vang lên.

Ở trên không quân Bắc Hải, có một giao nhân xuất hiện phía sau cá mập trắng trong tiếng trống. Kẻ này trên thân chi chít vẩy như vẩy cá, trên đầu không có tóc, không thấy lỗ tai, miệng như miệng cá, ẩn ẩn bên trong miệng là dày đặc răng nanh.

Trên người của gã cũng không mặc quần áo, nửa mình dưới quấn một đoạn vải bố màu lam, từ đầu gối trở xuống bị che trong mây khói không thấy rõ lắm.

Theo tiếng trống vang lên, lực lượng của con cá mập trắng kia tăng nhiều, trong nháy mắt trở nên vô cùng hung mãnh. Còn con hổ đỏ thì bỗng yếu hẳn khí thế, không ngừng lùi về sau, mây đỏ cũng biến thành nhạt dần như muốn tan.

Đúng lúc này, một vị thần linh bên cạnh Ngô Sĩ Kỳ đột nhiên tung người lên, biến mất trong hư không.

Đồng thời Đổng Trình bên cạnh cũng tháo từ cổ xuống một thanh kiếm nhỏ nhìn như đồ trang sức.

Trên bầu trời, một người bỗng nhiên xuất hiện ở trong hư không, ngay phía sau giao nhân kia. Người này chính là vị thần linh vừa biến mất cạnh Ngô Sĩ Kỳ. Người này hét lớn một tiếng, giơ tay lên, lòng bàn tay hiện một lá bùa màu vàng tỏa ra hào quang lấp lánh, rồi đánh một chưởng tới phía sau lưng giao nhân.

"Thùng..."

Một chưởng kia còn chưa ấn được lên lưng giao nhân, đã thấy giao nhân bỗng đánh liên tục vào cái trống treo trên cổ.

- Aaaaaa...

Người nọ kêu thảm một tiếng, rơi xuống trận binh kịch liệt bên dưới.

- Ha ha ha.... Chút tiểu thuật, cũng dám lâm trận.

Giao nhân cười lớn. Nhưng mà gã vừa mới cất tiếng, trên đỉnh đầu gã đã thấy xuất hiện một thanh đoản kiếm, đâm thẳng tới gã theo tiếng cười.

- Aaaaa...

Giao nhân né không kịp, rơi xuống đụn mây, nhưng lại không hề rớt xuống đất, mà lập tức bỏ chạy trong hư không. Thanh kiếm kia đuổi không kịp, hóa thành một luồng sáng trắng rơi vào tay Đổng Trình, lần nữa hóa thành một mặt dây chuyền hình thanh kiếm nhỏ.

Giữa không trung, con hổ đỏ do mây đỏ biến thành dũng mãnh trở lại, làm con cá mập trắng lùi liên tiếp về sau.

"Thùng thùng thùng..."

Tiếng trống lại vang lên từ quân doanh của đối phương. Sau một hồi trống trận, hổ đỏ lại tháo chạy.

Lúc này, một thần linh khác bên cạnh Ngô Sĩ Kỳ tức giận hừ một tiếng, nói:

- Một con thuồng luồng mà thôi, ta đi chút sẽ trở lại.

Dứt lời, người này nhảy khỏi ngựa, vừa đặt chân lên mặt đất đã hóa thành một cơn gió lạnh, đi mất.

Trong chốc lát sau vẫn không thấy người này trở về.

Ngô Sĩ Kỳ có chút bận tâm, bên cạnh lại có một thần linh nói:

- Ngưu mỗ đi xem.

Dứt lời, vị này dần dần trong suốt đi, rồi biến mất trên lưng thú cưỡi.

Đổng Trình sờ sờ thanh kiếm nhỏ đeo trên cổ, nói:

- Trong nghịch quân có lẽ có thần thông chi sĩ khác, Đổng mỗ cũng đi xem, có gì còn có thể chiếu ứng lẫn nhau.

Dứt lời, Đổng Trình kẹp chân vào bụng ngựa. Dưới chân con ngựa chợt sinh ra mây vàng, rồi bay thẳng lên cao.

Đi tới trên quân doanh của đối phương, Đổng Trình chỉ thấy một vùng sát khí đặc thành mây ngăn trở, không thể nhìn rõ bên trong có gì. Đổng Trình dồn pháp lực vào hai mắt, tình huống trong quân doanh lập tức hiện rõ ràng. Nhưng chỉ vừa nhìn, Đổng Trình đã kinh hãi, chỉ thấy trên cột cờ của quân doanh có treo ba cái đầu người đầm đìa máu tươi.

Đổng Trình giận dữ vô cùng. Cùng là tu sĩ, tuy ở phe bất đồng, nhưng hai bên vốn không có thâm thù gì, vậy mà đám người này lại cắt đầu ba vị thần linh treo lên cột cờ, chẳng những khiến họ thần hình đều diệt, mà còn phải chịu vũ nhục thật lớn.

- Giết thì giết, sao phải vũ nhục như vậy.

Đổng Trình không thể nén cơn giận, tháo thanh kiếm trên cổ xuống, đặt ngang miệng thổi khẽ. Thanh kiếm trang sức lập tức hóa thành một thanh đoản kiếm. Đổng Trình tung kiếm đi ra, kiếm hóa thành một luồng sáng lạnh, bay ra như dải lụa, khẽ quấn quanh cột cờ. Ba cái đầu liền bị kiếm nâng lên không trung. Đổng Trình lại vung ống tay áo, thu ba cái đầu vào trong đó.

Thế nhưng vừa làm xong động tác này, Đổng Trình chợt nghe được tiếng cười như chuông bạc theo gió. Đổng Trình kinh hãi, vội điều khiển đoản kiếm quấn bay quanh thân.

- Ngươi giúp bọn hắn nhặt xác, còn xác ngươi thì ai nhặt đây?

Theo giọng nói vang lên, trong hư không bỗng xuất hiện một cô gái. Cô ta mặc một thân pháp bào đỏ tươi, điểm xuyết bởi bảy cái chấm màu đen. Cô ta vừa xuất hiện, thanh kiếm đang lượn quanh thân Đổng Trình cũng lập tức đâm tới.

Cô gái kia phất tay áo, hào quang đỏ đen xuất hiện. Chỉ thấy bảy điểm sắc đen đỏ bay múa trong không trung, Đổng Trình tức thì cảm thấy choáng váng.

Ánh kiếm màu trắng kia lập tức lộ ra bản thể, rồi bị cô gái kia chộp lấy bằng một tay. Cô ta vừa cất bước, đã xuất hiện phía sau Đổng Trình, bắt lấy gáy của Đổng Trình rồi vọt xuống trong quân doanh. "Bùm" một cái, cô ta quật Đổng Trình trên mặt đất, rồi lập tức có binh sĩ đánh tới, đè xuống Đổng Trình còn chưa lấy lại tinh thần, lại có đại đao nâng lên muốn chặt đầu của Đổng Trình.

- Chậm đã, kẻ này không thể giết. Hắn là Thiên Lý thảo hóa hình, đợi bản cô nương có thời gian sẽ chưng hắn lên ăn.

Cô gái kia vốn mặt đang lạnh tanh, nói xong câu này lại cười khanh khách lên, giống như là nhìn thấy món canh yêu thích đang ở trước mắt.

Những binh sĩ kia ai nấy đều lộ vẻ sợ hãi, vội vàng dùng thừng Cấm Linh trói Đổng Trình lại. Còn cô gái kia thì lật lật thanh kiếm đã hóa lại thành vật trang sức, có chút cao hứng nói:

- Ừm, pháp kiếm cũng không tệ lắm, chuyến này thật không uổng công.

Dứt lời, cô ta đã đeo mặt dây dạng thanh kiếm kia lên cổ mình.

Tiếng trống vẫn vang, cá mập trắng không ngừng lướt tới, hổ đỏ lại từ từ lùi về sau, cuối cùng lùi tận đến cạnh đại trại, hình thành thế hổ ngồi trên núi, đồ sộ bất động, mặc cho cá mập tấn công thế nào cũng vô dụng. Cuối cùng cá mập đành bất đắc dĩ thối lui. Mây hình thành từ sát khí trên trời dần dần tan đi, thân thể các binh sĩ dưới đất cũng hiện ra. Chỉ có một nửa còn sống, mà chỗ song phương giao chiến thì càng là thây chất đầy đồng.

Không khí trong đại trướng của Ngô Sĩ Kỳ ảm đạm tới tận cùng. Các tướng quân đều giữ im lặng, nhìn Ngô Sĩ Kỳ. Ngô Sĩ Kỳ mặc một thân áo giáp uy vũ, đứng thẳng trong trướng, đưa lưng về phía chư tướng, tay đè trường kiếm, không nói lời nào.

Hồi lâu sau, Ngô Sĩ Kỳ nghiêng đầu, hỏi:

- Bốn thần đều rơi vào trận địa địch, có thể làm gì?

Không có người nào trả lời.

- Ài...

Ngô Sĩ Kỳ thở dài một hơi.

Bỗng có người đến báo.

- Bẩm tướng quân, bên ngoài có một đạo nhân cầu kiến.

- Mặc trang phục gì?

Ngô Sĩ Kỳ vội hỏi.

- Thân mặc đạo y màu lam, tay cầm cờ trắng, trên cờ trắng viết "Cầu mưa cầu phúc, bắt quỷ tóm yêu".

Ngô Sĩ Kỳ mừng rỡ nói:

- Mau mau mời đến.

Người tới đúng là Trần Cảnh. Ngô Sĩ Kỳ vội bước tới đón, bắt lấy tay Trần Cảnh, nói:

- Ba vạn tướng sĩ đều ở trong tay ngài, xin hãy cứu họ.

Trần Cảnh cười nói:

- Tướng quân chớ nôn nóng.

- Trong quân không có lương thực, bốn thần đều trong tay địch, không vội sao được.

Ngô Sĩ Kỳ nói.

Trần Cảnh nói:

- Đều là lỗi của ta, trên đường bởi vì gặp được một việc chậm trễ, nếu đến sớm một chút, ba vị đạo hữu kia đã không ngộ hại.

- Cái gì, bọn họ đã ngộ hại sao?

Ngô Sĩ Kỳ kinh hãi nói.

- Đúng vậy, chịu chém đầu, thần hồn đều tán.

Trần Cảnh nói.

- Ài, là ta hại bọn họ.

Ngô Sĩ Kỳ ngửa mặt lên trời thở dài.

- Tướng quân không cần tự trách. Người tu hành, sinh tử đều ở tay mình, sao đổ cho người khác được. Ta đến chính là muốn nói cho tướng quân, tu sĩ trong quân Bắc Hải đã bị ta đuổi đi, sẽ không đến nữa.

Trần Cảnh nói.

Chúng tướng sĩ kinh hãi.

Trần Cảnh còn nói thêm:

- Ta tới cũng là muốn cáo từ với tướng quân.

- Chân nhân là muốn trở lại thành Ngọa Hổ sao?

Ngô Sĩ Kỳ hỏi. Dù y biết Trần Cảnh không phải người trong đạo môn, nhưng y vẫn gọi Trần Cảnh là chân nhân, bởi vì chữ chân nhân này cho tới nay không nói riêng gì đạo gia, mà nói tới một cảnh giới tu vi nhất định, thuộc về một cách gọi chung.

- Không, ta sẽ không về Ngọa Hổ, ta muốn đi Bắc Hải.

- Bắc Hải?

Trần Cảnh nhìn ánh mắt kinh nghi của Ngô Sĩ Kỳ, trong lòng biết người này cho là mình muốn đi tới nước Bắc Hải phản loạn, lập tức nói:

- Ta muốn đi tới chỗ sâu trong biển, chứ không phải ở nước Bắc Hải.

Ngô Sĩ Kỳ không hỏi thêm gì nữa, Trần Cảnh cũng không lưu lại, xoay người muốn đi. Ngô Sĩ Kỳ lại đột nhiên nói:

- Nếu chân nhân đã muốn rời đi, cũng chẳng biết lúc nào mới có duyên gặp lại. Không biết chân nhân có thể ban cho biết thần danh?

- Có gì mà không được chứ.

Trần Cảnh cười nói:

- Ta vốn là Hà Bá Kinh Hà, sau gặp cơ duyên mà biến thành thần Ti Vũ.

Tiếng còn vang, người đã biến mất.

Ngô Sĩ Kỳ kinh hãi, bên cạnh chư tướng nhìn nhau thất sắc.

- Ti Vũ chi thần, quản lý thủy vực thiên hạ, quản lý mưa rơi các chốn, Thiên đình chính thần, tam phẩm.

Trong đầu bọn họ không khỏi nhớ tới một câu như vậy.

Sau hồi kinh ngạc, Ngô Sĩ Kỳ quyết định sau khi trở về thành Ngọa Hổ sẽ cho xây dựng một ngôi miếu thờ thần Ti Vũ.

Trần Cảnh đi Bắc Hải là bởi vì hắn nghe từ miệng giao nhân biết được trong Bắc Hải có một vị Long Vương. Theo giao nhân miêu tả, Trần Cảnh đoán Long Vương kia nhất định là Giao Long Vương. Bởi vậy Trần Cảnh muốn đi Bắc Hải, hắn muốn hỏi Giao Long Vương một câu, ông ta có từng tiếng vào Thiên đình hay không, có gặp được sư tỷ Diệp Thanh Tuyết hay không.

Mà trong khi Trần Cảnh đi Bắc Hải, ở phía Đông núi Côn Lôn đột nhiên có ánh sáng chói lòa. Vô Vưu tự phong là chưởng giáo Côn Lôn, đại khai sơn môn, quảng thu đệ tử.

Hành vi ở Côn Lôn như một tín hiệu, để các môn phái tu hành trong thiên hạ dồn dập khai sơn thu đồ đệ.

Lại có không ít kẻ tu hành tới cảnh giới nhất định thì sẽ sinh ra Nguyên Thần. Có điều tới khi câu thông trời đất thì những người này đều gặp lôi kiếp tới thân. Phần lớn đều hồn phi phách tán sau lôi kiếp, chỉ một số ít có thể giữ mạng, nhưng cũng hỏng thân. Người có thể bình yên vượt qua lôi kiếp là vô cùng ít ỏi.