Quyển 2: Một Con Sóng Phản Chiếu Thế Gian
Dịch giả: Hoangtruc
Nguồn: Bachngocsach.com
oOo
Khí tức của Tiểu Bạch Long vẫn yếu ớt như vậy, như thể lại đang lâm vào trạng thái ngủ say khó nói rõ được. Toàn thân nàng mắc trên tai tượng thần Trần Cảnh, nhìn qua như một chiếc khuyên tai hình rồng màu bạc. Chẳng qua, khuyên tai này vừa mới thành hình đã chốc lát liền hóa đá, trở thành một loại màu sắc hệt như màu trên tượng đá Trần Cảnh. Đó là do Trần Cảnh dùng pháp lực của bản thân bảo bọc lấy nàng lại.
Lúc cùng Quy Uyên một đường thuận dòng Kinh Hà đi vào Đông Hải, y có kể qua về thân thế của Tiểu Bạch Long. Khi đó hắn nghĩ không thông, không rõ Tiểu Bạch Long lại chạy đến Đông Hải làm gì, hiện tại thì hắn đã hiểu. Nhất định Tiểu Bạch Long đột nhiên khôi phục được chút ít trí nhớ, cho nên mới lần theo dấu vết của long văn. Hắn không khỏi nghĩ thầm: “Lẽ nào dấu vết này là truyền thừa do thương long lúc còn đứng đầu lân giáp trong thiên hạ thời hồng hoang để lại? Nếu nói vậy, chẳng lẽ Long vương đã phán đoán được tình hình hậu thế không được lạc quan, cho nên mới lưu lại dấu vết truyền thừa này.”
Thần niệm của Trần Cảnh xuất hiện kinh Thái Thượng Động Uyên thần chú do Tiểu Bạch Long truyền tới, trong đó có phương pháp khu động và tế luyện bia thần Ti Vũ. Trong lòng hắn thầm nghĩ, không rõ dấu vết long văn kia và bia thần Ti Vũ này có liên quan với nhau thế nào? Lại có liên quan gì với giếng Tù Long này? Suy nghĩ chốc lát, lòng hắn đầy mông lung, lại không xác định được điều gì cả. Hắn bèn không nghĩ tới nữa, chỉ một lòng khu động bia thần Ti Vũ mà thôi.
Trong lòng hắn mặc niệm “Thái Thượng Động Uyên thần chú”, mỗi lần nhẩm niệm là một lần bia Ti Vũ to lớn nặng nề trong lòng lại xuất hiện một vầng sáng mờ ảo. Đồng thời bia thần Kinh Hà dung nhập vào bia Ti Vũ, hóa thành hình ảnh con sông Kinh Hà như dần sống động trở lại. Vốn lúc đầu chỉ là một con sông sôi động, giờ đang mang theo hình hài của dòng Kinh Hà thu nhỏ, còn có cả những khúc sông có dòng nước chảy siết bên trong.
Càng tụng niệm kinh “Thái Thượng Động Uyên thần chú”, bia thần Ti Vũ trong lòng Trần Cảnh cũng dần nhẹ hơn, dòng nước trong nhánh sông trên mặt bia cũng dần dần lao nhanh hơn.
Ánh trăng tiến đến sát rìa giếng Tù Long rồi lại biến mất, mọi thứ trở nên đen kịt.
Trong đêm tối không phân rõ canh giờ ấy, Trần Cảnh vẫn một lòng lặng lẽ niệm kinh Thái Thượng Động Uyên thần chú.
Hôm nay, lại có ánh trăng xuyên qua trùng trùng nước biển men tới miệng giếng sâu bên dưới. Tất nhiên ánh sáng này không thể dùng mắt thường nhìn thấy được, mà chỉ có thể cảm nhận. Chỉ có những sinh linh thường xuyên thu nạp lực lượng ánh trăng trong hải vực mới biết được. Đây là thời điểm mà ánh trăng nồng đậm nhất trong một tháng. Thời gian dần trôi, ánh trăng dần lướt tới miệng giếng, lực lượng ánh trăng càng thêm nồng đậm. Cho nên có thể khẳng định, khi ánh trăng sinh ra một bóng ảnh ngược của mình trên mặt giếng, cũng là lúc trăng treo đỉnh đầu, sương hoa đầy trời.
Nhan Lạc Nương vẫn múa luyện Quảng Hàn kiếm như vậy. Lúc này đã không nhìn ra được kiếm Quảng Hàn trên tay nàng nữa, chỉ cảm thấy tay nàng tung tẩy ánh trăng, dày đặc đến rối mắt.
Ngày hôm nay, ánh trăng đã đi qua vùng hải vực mang đầy những linh lực sát khí kia. Cuối cùng ánh trăng cũng đã chiếu tới giếng Tù Long, thế nhưng nàng không nhìn thấy Long vương đâu cả, chỉ có một miệng giếng sâu thẳm mà thôi.
Nếu không phải nàng biết Trần Cảnh bị nhốt dưới giếng Tù Long, thì hôm nay nàng đã đi qua La Phù, hoặc tìm kiếm Huyết Hà ở trong U Minh rồi.
Tìm Huyết Hà, là vì đó là di ngôn của Tổ sư Quảng Hàn Tuyền Âm. Tính kỹ lại thì đó cũng không hẳn là di ngôn. Vì chỉ là lời ghi lại trong bản ghi chép của Tuyền Âm năm xưa mà thôi, là một đoạn đối thoại giữa Nam Lạc và Tuyền Âm, cũng là đoạn đối thoại duy nhất. Trên đó có ghi thế này:
“Nếu ta biến mất trong luân hồi, cô có thể cách đoạn thời gian lại đến bờ Huyết Hải nơi U Minh nhìn qua một lần được chứ, xem xem hai bên bờ sông Huyết Hà có hoa nở hay không?”
“Được, hàng năm lúc trăng tròn ta sẽ tới nhìn một lần.”
“Còn một nơi nữa, cô có thể giúp ta xem qua nữa được không?”
“Nơi nào?”
“Bên cạnh Tam Sinh thạch… nhìn xem, còn có ai ở đó hay không?”
“Tam Sinh thạch ở nơi nào?”
“Có lẽ ở trong Âm thế.”
Từ đoạn đối thoại này, Nhan Lạc Nương nhìn ra được quan hệ giữa tổ sư Tuyền Âm và Nam Lạc không phải bình thường, nhưng không hiểu được đó là mối quan hệ gì. Đó không phải là bằng hữu, không giống tùy tùng, càng không phải là người yêu. Sau đoạn này, còn có một câu nói khiến Nhan Lạc Nương thêm nghi hoặc không thôi, đó chính là: “Hắn…vậy mà nói với ta rằng: ‘Thật xin lỗi’.”
Nhan Lạc Nương không rõ tâm tình của tổ sư Tuyền Âm thế nào khi viết ra dòng tâm tình này, cho nên nàng không thể lý giải được.
Các đời truyền nhân của cung Quảng Hàn đều đã từng đọc qua bút ký này của tổ sư, thấy được đoạn đối thoại trên, cho nên mới tiếp nhận lấy lời hứa hẹn của tổ sư. Lúc sư phụ Nhan Lạc Nương còn tại thế, nàng từng hỏi qua về chuyện tổ sư Tuyền Âm thì được trả lời rằng vào một đêm trăng tròn thì bà chợt tan biến mất trong ánh trăng, chỉ còn để lại thanh Quảng Hàn kiếm này.
Nhan Lạc Nương hoài nghi rất có khả năng bà đã đến bờ Huyết Hà hoặc đi tìm kiếm Tam Sinh thạch. Mà hiện tại Nhan Lạc Nương cũng có ý định đi qua.
Nàng định đi qua La Phù là có nguyên nhân khác. Có điều cũng là từ bút ký của tổ sư Tuyền Âm, bên trên đó có ghi một câu nói: “Vì cái gì mà Nguyên Thủy lại để đệ tử Ngọc Đỉnh của hắn trấn thủ phong ấn, mà không giết nàng?”
Đây chỉ là vài ghi chép ngắn gọn và rời rạc, lại khiến sư phụ Nhan Lạc Nương luôn muốn đến La Phù nhìn qua, chẳng qua bà vẫn chưa làm xong. Lúc sư phụ Nhan Lạc Nương còn sống, cũng đã từng nói:
- Nhất định bên dưới La Phù có một đại bí mật. Các đời Chưởng môn La Phù đều hiếm khi rời núi La Phù, chính là vì không muốn có người lợi dụng cơ hội đột nhập vào xem.
Đáng tiếc là bà đã không còn sống được tới lúc Chưởng môn La Phù phi thăng. Nếu thế, đoán chừng bà ta có cơ hội phát hiện ra được bí mật của La Phù, hoặc cũng có thể vẫn không phát hiện ra điều gì cả.
Trăng sáng nhô cao, ánh trăng này từng chiếu qua yến tiệc Thiên Tiên cung Thiên Đế, cũng đã từng chiếu lên nữ hài đang tung lưới bắt cá giữa đêm.
Nhan Lạc Nương đang múa kiếm trước cung Quảng Hàn, đột nhiên cả người nhảy lên, thân mình khẽ biến hóa, biết mất, rồi lại hiện ra.
Trong mắt đám yêu linh phun ra nuốt vào lực lượng ánh trăng trong vùng đất này lại đột nhiên xuất hiện thêm một người. Người này như thể từ trên mặt trăng bay xuống, vạt áo bào màu lam có viền vàng, búi tóc đen cuộn cao mang lại cho người đó một vị đạo lành lạnh. Lúc này trên người nàng đã như khoác lấy một tầng ánh bạc, đầy vẻ cao thượng.
"Quảng Hàn Tiên Tử."
Lúc Nhan Lạc Nương xuất hiện trên bầu trời, đám yêu linh đó đều liên tưởng lên bốn từ này. Đồng thời những cường giả mạnh mẽ nhất trong trời đất này cũng phát hiện ra nàng. Chỉ thấy nàng đang ở trên bầu trời, thân hòa vào trong ánh trăng, nhẹ nhàng nhảy múa. Động tác lúc thì mềm mại như liễu yếu trong gió, khi thì nhanh như cuồng phong mưa rào, thân hình không ngừng biến ảo.
Ánh trăng trong trời đất như bị điệu múa của nàng ảnh hưởng, xuất hiện những đợt chấn động như thủy triều. Theo từng động tác múa, ánh trăng trong trời đất như hóa thành tấm lụa trắng được nàng nắm trong tay, không ngừng phập phồng uốn lượn.
Khi đám yêu linh bình thường chỉ có thể say mê si ngốc ngắm nhìn, còn những cường giả khác vừa mới đoán ra ý định của Nhan Lạc Nương, thì tại đỉnh La Phù châu Bắc Lô quanh năm tuyết trắng, trời đất đều phủ đầy băng tuyết, có một tiếng kiếm lạnh lẽo ngân vang lên. Đó là tiếng của Tuyệt Tiên kiếm rời khỏi vỏ. Trong một tích tắc, tuyết ở châu Bắc Lô dường như bị đóng băng lại.