Quyển 2: Một Con Sóng Phản Chiếu Thế Gian
Dịch giả: †Ares†
Biên dịch: Hoangtruc
Nguồn: Bachngocsach.com
oOo
Một đường đi xuống biển sâu, bọn hắn cũng không sử dụng thuật độn thủy, mà chỉ dùng phép ngự thủy, cho nên tốc độ cũng không nhanh, giống như là đang du ngoạn. Càng đi sâu xuống, Trần Cảnh càng cảm thấy mình đang ở trong một bầu trời đen nhánh. Trong bóng đêm, thỉnh thoảng sẽ có ánh sáng từ đâu đó lóe lên, tựa như những ánh sao trên bầu trời buổi tối, chợt xa chợt gần, có thứ nhỏ tới không thấy rõ, có góc lại nhìn rõ vài sinh vật cổ quái. Trần Cảnh cảm nhận được khí tức sinh mệnh trên người mấy thứ đó. Chúng khác với sinh linh trên đất liền, vì chúng còn có cả khí tức thực vật. Hai loại khí tức hỗn loạn cùng một chỗ hình thành một loại khí tức độc đáo.
Vị công tử áo gấm này là một người nói rất nhiều, nhưng nhìn có vẻ trước khi đến gã đã được dặn dò, bởi vì sự khiêm tốn trong lời nói rõ ràng là do gã cố ý biểu hiện, chứ bản chất của gã hiển nhiên là thích khoe khoang, không thuộc dạng trầm ổn.
Gã nói mình tên là Chiêu Liệt, là nghĩa tử thứ mười một của Long Vương. Trần Cảnh cũng không dùng Phá Vọng Nhãn để xem chân thân của gã là gì. Dùng pháp thuật để xem chân thân người khác là một việc cực kỳ vô lễ, như ma trong tranh lúc trước cũng là bởi vì Trần Cảnh sử dụng pháp thuật nhìn nó, nên nó mới giận dữ mà chủ động ra tay.
- Ma trong tranh có một cái tên kỳ quái, gọi là Trát Lý Tây Huyết Liên, chúng ta cũng gọi nó là Huyết Liên Hoa. Lai lịch của nó thì hẳn Hà Bá gia đã nhìn ra rồi!
Chiêu Liệu cười nói. Thoạt nhìn, gã cũng không có bao nhiêu kính sợ với ma trong tranh kia.
- Ừm.
Trần Cảnh lên tiếng.
Chiêu Liệt thuộc dạng chỉ cần có người tỏ vẻ đang nghe gã nói chuyện thì gã sẽ không ngừng miệng, bèn nói tiếp:
- Ha ha, tính tình của nó luôn quái dị, nhưng điều khiến nó thực sự tức giận chỉ có gặp người dùng pháp thuật nhìn thấu chân thân của nó.
Chiêu Liệt cười lớn nói:
- Nó cũng có ngày hôm nay, ha ha, Hà Bá gia quả nhiên danh bất hư truyền.
- A, không biết ta có cái danh gì lan truyền trên thế gian đây?
Trần Cảnh nói bằng giọng thoải mái, mang theo ý cười mà hỏi.
Chiêu Liệt ngồi trên lưng con động vật biển hình dáng kỳ lạ, Trần Cảnh thì đi bên phải gã, còn Quy Uyên ở bên trái, hai người kẹp hắn ở giữa. Quy Uyên tiêu sái đạp từng bước như dạo trong sân vắng, mà Hồng đại hiệp lúc này đã phóng lớn thân thể, không kém gì thú cưỡi của Chiêu Liệt. Nếu nó duy trì hình thể này trở lại Tú Xuân loan, thì nhất định không nhỏ hơn ngôi miếu Hà Bá.
Trước kia Hồng đại hiệp không thể làm được điều này, giờ lại có thể, rõ ràng nó cũng đã có đột phá.
- Ta nghe rất nhiều người nói qua, sau khi Giao Long Vương Kinh Hà chết, trong sông Kinh Hà có một vị Hà Bá kiếm thuật vô cùng tuyệt diệu, có thể so sánh với La Phù Ly Trần được xưng thiên hạ kiếm tiên xuất La Phù. Hiện tại theo ta thấy, Ly Trần kia rõ ràng không phải đối thủ của Hà Bá gia. Huyết Liên Hoa có thần thông pháp thuật rất không đơn giản, linh bảo bình thường chỉ cần dính phải máu đen của nó là sẽ bị tổn thương linh tính, càng không cần nói tới muốn đánh chết hay đánh bại nó. Còn kiếm của Hà Bá gia chẳng những không bị hao tổn, ngược lại còn đánh bại nó. Bất kể nói theo phương diện nào, thì cũng đã vượt qua rất nhiều người.
Trần Cảnh cười cười, nói:
- Gần đây có ngộ ra vài điều, chứ nếu là trước kia, cũng chỉ có thể nhìn thấy máu mà chạy.
Chiêu Liệt cười, gã cho rằng Trần Cảnh đang khiêm tốn. Thế nhưng hoàn toàn không phải vậy, mà Trần Cảnh đang nói thật. Nếu Trần Cảnh không có được bia thần Kinh Hà, và Mê Thiên kiếm lại không có dung khắc một tờ kinh văn Hoàng Đình trên cánh Mê Thiên điệp, thì quả thật hắn chỉ có một cách là chạy trốn.
Từ khi kinh văn trên Hoàng Đình tan ra rồi khắc lên trên cánh của Mê Thiên điệp, Mê Thiên kiếm bắt đầu phát sinh một vài biến hóa mà Trần Cảnh có thể cảm thụ được, nhưng lại không miêu tả nổi ra lời. Ví dụ như kiếm đã không hề sợ những thứ chí tà chí sát làm ô nhiễm, hay giờ dựa vào Mê Thiên kiếm làm phép thì càng thêm tùy tâm điều khiển. Các loại kiếm thuật thi triển ra, chẳng những tiêu hao pháp lực ít hơn nhiều, hơn nữa còn một chút huyền diệu mà chính Trần Cảnh cũng không giải thích được.
Ở trận chiến trong Bồng Lai lúc trước, con rồng xanh kia chính là bị ánh sáng vàng có từ khi kinh Hoàng Đình tan ra khắc lên Mê Thiên kiếm xẻ đôi.
Ánh sáng vàng kia xuất hiện cũng không phải Trần Cảnh khống chế, mà là đột nhiên xuất hiện. Lúc bình thường hắn có nhìn thấy ánh sáng đó trên cánh bướm, nhưng lại không thể cố ý để nó xuất hiện. Trần Cảnh cảm thấy tinh khí thần của mình còn chưa đạt trạng thái nhất định, nên không cách nào khiến ánh vàng xuất hiện. Chỉ có ở thời khắc sinh tử, bất kể là tinh thần hay ý chí đều đã đạt tới một loại trạng thái cực hạn, mới có thể để trên thân Mê Thiên kiếm thoáng xuất hiện một luồng sáng vàng như có thể cắt mở vạn vật trong trời đất.
Cũng khó trách Chiêu Liệt khen ngợi, bởi vì ma trong tranh kia dựa vào thần thông của mình, đến nay mới chỉ nếm một lần thiệt thòi dưới tay lão Long Vương mà thôi.
Bọn hắn tiếp tục đi thẳng tới Đông Hải Long cung trong truyền thuyết, phần lớn thời gian đều là Chiêu Liệt nói, Trần Cảnh và Quy Uyên chỉ chen vài câu vào thời điểm mấu chốt, dọc đường xem như hòa hợp.
Đông Hải kỳ thật cũng không có đánh dấu phạm vi cụ thể, vị trí các địa điểm đều chỉ ở mức đại khái mà thôi. Đảo Kim Ngao là ở Đông Hải, Bồng Lai cũng là ở Đông Hải. Nghe nói hơn nghìn năm trước, Đông Hải còn có một hòn đảo gọi là đảo Tam Tiên, trên đảo là ba vị Kim Tiên từng bày đại trận Cửu Khúc Hoàng Hà tại Hoàng Hà. Cho nên nói, Đông Hải này vô cùng rộng lớn.
Bất kể là đảo Kim Ngao hay Bồng Lai hoặc đảo Tam Tiên, thì cũng đều ở trên mặt biển. Còn Long cung lại nằm ở chỗ sâu nhất dưới đáy biển, cũng tính như một thế giới khác.
Mà Thu Nguyệt hạp cốc thì cách Long cung ba trăm dặm, là một cái khe rất sâu, còn sâu hơn cả Long cung. Nhưng Thu Nguyệt hạp cốc có cái tên này không phải vì nó ở rất sâu, mà là bởi vì hàng năm, vào một ngày nhất định, nơi này sẽ tỏa ra hào quang. Nhìn từ xa, hạp cốc này giống như là một mảnh trăng lưỡi liềm trong tiết trời thu.
Đại thọ của Long Vương chính là một đại sự với biển cả. Cho dù Thiên đình đã biến mất hơn nghìn năm, nhưng chỉ cần Ti Vũ Long Thần vẫn chưa tạ thế, thì địa vị của Long cung ở trong biển cả vẫn là không ai có thể dao động.
Bên trong Thu Nguyệt hạp cốc cũng có phòng ốc như ở đất liền, nhưng phong cách lạ hơn nhiều. Vật liệu để dựng nhà cũng không phải cây cối, mà là bằng một loại thực vật đặc biệt trong biển. Loại thực vật này khắc lên chữ bùa có thể thành pháp khí.
Tại nơi này có một ngôi điện nhỏ gọi là điện Đạm Mặc, trước điện có một loạt võ sĩ tay cầm đại kích trường thương. Đằng sau mỗi võ sĩ này đều có một đôi cánh dạng vỏ sò, còn diện mạo của mỗi người thì đều tuấn mỹ phi phàm.
Cửa điện đột nhiên được mở ra, một thiếu nữ xuất hiện ở bên trong cánh cửa. Nàng mặc bộ quần áo xanh biếc, thoạt nhìn trông rất xinh xắn đáng yêu, đôi mày hơi nhíu, trong mắt như có hơi nước. Trên lưng nàng cũng là một cặp vỏ sò, màu của vỏ sò giống như được phủ một lớp rêu xanh.
Nàng không hề đi ra, chỉ đứng nhìn bên ngoài, nhìn chốc lát lại đóng cửa lại. Những võ sĩ canh giữ ở cửa thấy vậy cũng buông lỏng tâm xuống. Bọn họ nhận được mệnh lệnh không được để Vô Hoa điện hạ đi ra khỏi điện Đạm Mặc.
Bọn họ không biết quá nhiều về vị điện hạ trong điện này, chỉ biết nàng mới từ bên ngoài trở về, nghe nói trước kia tu hành ở một con sông trên đất liền. Họ còn nghe nói, nàng là một vị điện hạ bị đày ải ra ngoài.
Người thiếu nữ trong điện kia tên là Thu Nguyệt Vô Hoa. Trước kia, nàng nằm mộng cũng muốn trở về đây, nhưng hiện tại lại chỉ muốn rời đi, không bao giờ trở về nữa. Thu Nguyệt hạp cốc trong trí nhớ của nàng đã bị vỡ thành những mảnh vụn, rồi theo thời gian qua mà nát tan thành bụi phấn.
Nàng cảm nhận được triệu hoán, sau đó một đường trải qua ngàn hiểm nguy về tới Thu Nguyệt hạp cốc, nhưng sau khi trở về thì phát hiện vị phụ thân năm đó đuổi mình ra khỏi Thu Nguyệt hạp cốc đã chết rồi, mà toàn bộ Thu Nguyệt hạp cốc cũng đột nhiên xa lạ hẳn.
Người ở bên trong phần lớn đã không nhận ra nàng nữa. Sau khi nàng trở về, tế bái phụ thân, gặp qua tộc trưởng mới, sau đó liền trở lại điện Đạm Mặc mà mình từng ở. Nàng nghe được từ miệng người khác rằng sau khi mình đi rồi, phụ thân vẫn phái người trông nom gian điện nhỏ này.
Nhưng nàng mới trở về đây chưa bao lâu, đã thấy một ít tộc binh tới đây canh gác, nói là bảo vệ, kỳ thực là giam lỏng.
Nàng đã không ở nhà rất nhiều năm, không biết rõ chuyện gì xảy ra trong tộc, nhưng điều này cũng không khiến nàng khó đoán được rằng sự trở về của mình đã khiến một số người không thoải mái.
- Ngươi nói, có phải ta không nên trở về hay không?
Thu Nguyệt Vô Hoa hỏi cô gái bên cạnh. Cô gái này cũng thuộc tộc sò biển.
Trong thiên hạ, bất kể là sinh linh chủng tộc nào thì cũng đều phân mạnh yếu cao thấp. Nhân loại như thế, tộc sò cũng thế. Sò biển ở Thu Nguyệt hạp cốc xem như hoàng tộc đối với sò biển nơi khác. Mà cô gái đứng cạnh Thu Nguyệt Vô Hoa là được phái tới để hầu hạ nàng. Cô ta tên là Lam Nhi, rất ít nói, nhưng trông cũng có vẻ thông minh lanh lợi.
- Nơi này là nhà của điện hạ, nhưng điện hạ lại về muộn một chút.
Lam Nhi kia nói.
- Muộn một chút sao, phải là quá muộn mới đúng.
Thu Nguyệt Vô Hoa nhẹ giọng nói. Lam Nhi chỉ nhìn nàng, không trả lời. Trong lòng cô ta, điện hạ trước mắt này chính là một nhân vật gần như truyền kỳ.
Ở mấy chục năm trước, nàng bởi vì không muốn đi Long cung làm thị nữ mà bị tộc trưởng đày ra khỏi Thu Nguyệt hạp cốc. Mấy chục năm sau, nàng lại còn sống trở về, hơn nữa nghe nói pháp lực của nàng đã không dưới mấy trưởng lão rồi.
Lại qua vài ngày nữa, Lam Nhi đột nhiên nói với Thu Nguyệt Vô Hoa:
- Tộc trưởng nói, đại thọ của Long Vương gia năm nay không giống mọi lần, tộc trưởng sẽ đích thân mang lễ vật tới chúc thọ. Hơn nữa Thu Nguyệt hạp cốc chúng ta lại muốn dâng tới một thị linh.
Thu Nguyệt Vô Hoa quay đầu nhìn Lam Nhi. Lam Nhi chỉ cảm thấy ánh mắt của vị điện hạ ngày thường ít nói, tính khí cực dịu dàng, như có thể nhìn thấy những chuyện trong lòng mình. Cũng may nàng chỉ nhìn thoáng qua liền ngẩng đầu nhìn lên nóc nhà, nói:
- Thị linh a, ta sớm đã là thị linh của Hà Bá Kinh Hà rồi.
Sau đó Lam Nhi đi ra ngoài, không quá bao lâu lại trở lại. Cô ta chỉ nói một câu:
- Tộc trưởng nói, Kinh Hà quá nhỏ, không thể rộng lớn như hải vực. Uy danh Hà Bá Kinh Hà cũng kém Đông Hải Long cung ngàn vạn năm.
Thu Nguyệt Vô Hoa không nói gì. Trong mắt Lam Nhi, nàng tựa như đang xuất thần, phảng phất là đang nhớ lại vài chuyện.
Lam Nhi thầm so sánh vị điện hạ trước mắt với vài vị khác, chỉ cảm thấy những người kia dù có danh vọng tới đâu, nhưng nếu so sánh với vị điện hạ đã mấy chục năm không ở nhà này thì kém không phải chỉ một lần. Vào lúc này, Lam Nhi không hề thấy được nửa phần bối rối hay thất thố trên mặt Thu Nguyệt Vô Hoa, chứ đừng nói tới sợ hãi.
- Nghe nói, ngày hôm qua, Bồng Lai đại chiến cùng người trên mặt biển.
Lam Nhi đương nhiên trả lời không biết, sau đó nàng Thu Nguyệt Vô Hoa tiếp tục nói:
- Đi thôi, đi gặp tộc trưởng.
Dứt lời, nàng đi mở cửa. Lam Nhi vội vàng theo sau, đúng lúc đó Thu Nguyệt Vô Hoa đột ngột dừng bước, quay đầu nhìn lại, nói:
- Sau khi ta đi, ngươi giúp ta trông nom nơi này, đừng cho người nào làm lộn xộn đồ vật bên trong. Hẳn ta sẽ trở về nhanh thôi.
Lam Nhi không biết nàng nói thế là ý gì, cũng chỉ có thể nén tò mò, "vâng" một tiếng.
Cùng ngày, Thu Nguyệt Vô Hoa liền ngồi trên một chiếc xe do cá trắng kéo, lẫn vào một đội ngũ đi về hướng Long cung.
Mà lúc này đây, trước mắt Trần Cảnh cũng xuất hiện một vùng cung điện thật lớn, chợt nhìn như là một tòa, nhìn kỹ lại là một dãy, chỉ là sắp xếp vô cùng chặt chẽ, từ trên nhìn xuống không hề thấy khe hở.
Khắp cung điện đều do bạch ngọc tạo thành, tản ra một tầng ánh sáng trắng mờ mờ. Ánh sáng chiếu rõ cả vùng quanh đó, tựa như một tòa bạch ngọc thần điện giữa trời đêm, hiện ra khí tượng của thần đình, khí lành tầng tầng, hào quang vạn trượng.