Quyển 1: Kinh Hà Cuốn Chìm Côn Lôn
Dịch giả: Hoangtruc
Biên dịch: †Ares†
Nguồn: Bachngocsach.com
oOo
- Hộ giáo chân nhân Nguyên Chân của Quảng Thành đạo tràng!
Có người ẩn trong tối kinh sợ thốt lên.
Từ dưới ngước lên nhìn, sẽ thấy mặt đáy chiếc ấn to như núi kia có hai chữ mang đầy phong cách cổ xưa — Phiên Thiên.
Truyền thuyết kể rằng, thời thượng cổ xa xưa, Phiên Thiên ấn trong tay tổ sư Quảng Thành Tử của Quảng Thành đạo tràng vừa ra, quần tiên phải tránh lui. Tuy rằng trong tay Nguyên Chân không phải là Phiên Thiên ấn chân chính, nhưng đây là Phiên Thiên ấn được chính ông ta tế luyện ngay từ khi vừa bước chân lên con đường tu hành. Ngoại trừ việc không phải tế luyện ở Bất Chu tiên sơn như trong truyền thuyết ra, thì Phiên Thiên ấn này đều tuân theo phương thức tế luyện được truyền thừa xuống. Mà ấn này trong tay Nguyên Chân đạo nhân còn có danh tiếng lớn hơn cả ấn trong tay chưởng tràng đạo nhân nữa.
Trong đạo môn, dù là môn phái nào cũng đều có người hộ đạo cả, được gọi là hộ giáo chân nhân. Côn Lôn có, Quảng Thành đạo tràng cũng có. Khi môn phái xảy ra chuyện, thông thường thì hộ giáo chân nhân sẽ là người xuống núi.
Ông ta xuất hiện, đại biểu cho tầng lớp cấp cao như chưởng môn ra tay với Trần Cảnh.
Mặt sông đột nhiên dâng trào bọt sóng. Nếu ví sông Kinh Hà như một con rắn, thì bọt sóng phun trào này tựa như lưỡi rắn phóng ra, tốc độ cực nhanh, cuốn lấy tượng thần cùng Tần Quảng vương tỷ vào trong nước.
Phiên Thiên ấn hạ xuống, nước sông dạt tràn mãnh liệt ra hai bên bờ, như thể sóng lớn ngoài biển ập đến. Nước bắn tung, để lại vô số bọt sóng trắng như tuyết. Vốn còn vài người ở trên không chưa bị Trần Cảnh giết chết, thì giờ đều bị chiếc ấn to như núi trấn áp thẳng xuống dòng sông. Ấn kia trong dòng sông chậm rãi chuyển động, như một cối xay đang nghiền nát mọi thứ.
Nghiền ép một hồi, đột nhiên trên ấn kia nảy sinh ra một ngọn lửa nhàn nhạt. Ngọn lửa như sinh ra từ hư vô, còn đại ấn bằng đá xám thì như một đống gỗ mục, bởi vì nghiền mài mà nóng lên, rồi bốc cháy. Ánh lửa lúc đầu cũng chỉ leo lét cháy trên đại ấn, nhưng lại như thể đốt cháy được không khí mà dần hình thành nên một ngọn lửa cháy ngút trời, rọi sáng cả dãy núi quanh con sông Kinh Hà. Trên bầu trời, một đạo nhân khoảng bốn mươi tuổi có vẻ ngoài theo kiểu cổ, khí chất giống như chiếc ấn kia, uy nghiêm mà vững vàng như núi. Ánh mắt ông ta lấp lánh ánh sáng, môi không khép chặt mà mấp máy rất nhanh như đang lẩm bẩm gì đó. Chỉ là âm thanh phát ra rất nhỏ, không người nghe rõ ông ta đang niệm cái gì. Hai tay ông ta cũng đang bấm ra pháp quyết cổ quái. Những người tâm tư nhạy bén liếc mắt có thể nhận ra ông ta cũng không được thoải mái.
Lửa này không phải là lửa bình thường, không phải đan hỏa, mà là Tam Vị chân hỏa.
Không có bao nhiêu người biết Phiên Thiên ấn có thể phát ra Tam Vị chân hỏa, cho nên lúc này nhìn thấy cũng không có bao nhiêu người nhận ra.
Nạp Lan Vương nhận ra được Tam Vị chân hỏa này. Trong lòng lão cực kỳ giật mình. Tuy rằng thế gian hiện nay, nhìn chung đã không còn ai trông thấy nhân vật vượt hẳn lên trên Tiên đạo. Nhưng vẫn có những kẻ dùng phương thức đặc biệt mà sống sót được trong đại kiếp ngàn năm trước. Nạp Lan Vương tin chắc sẽ có, bởi vì từ ý nghĩa nào đó, thì lão cũng tính là đã sống ngàn năm.
Tổ sư lập phái Thiên La môn chẳng qua chỉ sống được khoảng hai trăm năm mà thôi. Nhưng pháp lực ông ta rất cao, có thể tính là nhân vật hàng đầu trên thế gian. Chỉ là trời đất này còn có một điều đáng sợ mà không ai dám nói ra, đó là cảnh giới pháp lực càng cao, thì lại càng nhanh chết.
Sáng nghe đạo, chiều đã chết. Nếu có người hỏi Giang Lưu Vân, Thiên La tiên quân, sư tổ lão làm sao mà chết, nhất định lão sẽ đáp: Đột nhiên đại ngộ, ngộ ra được một canh giờ thì chết. Đây là bí mật của Thiên La môn.
Nạp Lan Vương có thể khẳng định thế gian này không ai biết bí mật của mình, không kẻ nào biết được lão là người của ngàn năm trước. Vì thế, lão càng tin tưởng rằng nhất định ngàn năm trước vẫn có người sống, nhưng tới bây giờ lão vẫn không dám nói ra. Lão vẫn luôn cảm thấy có đôi mắt nhìn chằm chằm lấy mình, mãi đến khoảng mười mấy năm gần đây, cảm giác này mới dần biến mất. Cho nên lão mới dám chiếm thần vị Thành Hoàng thành Nạp Lan, tự xưng vương.
Chỉ những người trong huyền môn tiên sơn lánh đời, thường ít xuất hiện trên thế gian mới suy đoán ra đây là lửa Tam Vị. Tuy rằng Tam Vị chân hỏa trong đó không nhiều, nhưng đủ để đốt cháy linh khí trong hư không. Chỉ cần một lúc nữa, nhất định toàn bộ linh lực của dòng Kinh Hà sẽ bị đốt sạch.
Phiên Thiên ấn trong tay Nguyên Chân không tính là đồ thật, nhưng cũng không phải là vật phàm. Hiển nhiên nó cũng có lai lịch.
Tam Vị chân hỏa được gọi là ngọn lửa đốt được vạn vật trong trời đất. Cho dù là sao trên trời, hay những ngọn núi cõi âm dưới Địa ngục đều có thể bị nó đốt thành tro bụi cả.
Nạp Lan Vương biết càng nhiều, cho nên cũng e ngại nhiều hơn. Trong thành Bá Lăng, lão biết đó là Tần Quảng vương tỷ thì nhanh chóng bứt ra mà đi, nhưng vẫn còn luyến tiếc nên chưa rời khỏi. Hiện tại nhận ra Tam Vị chân hỏa, cái suy tính thừa dịp loạn mà đoạt lấy Tần Quảng vương tỷ cũng bị kìm nén lại. Lão không sợ Nguyên Chân kia, mà vì không muốn trêu chọc đến đạo thống của Quảng Thành Tử.
Nguyên Chân đạo nhân tay kết thủ quyết đánh vào hư không, miệng lẩm nhẩm càng lúc càng nhanh. Tuy không gian không một tiếng động, nhưng người xung quanh đều thầm kinh hãi, bởi vì bọn họ đã cảm thấy nóng lên, linh khí quanh thân trở nên nóng bỏng như thể đang đứng cạnh một cái bếp lò. Nếu chỉ cảm thấy như cực kỳ nóng thôi cũng không tính là gì, đằng này còn có cảm giác như ngọn lửa đang cháy trên Phiên Thiến ấn kia muốn đốt cháy mọi thứ, khiến không kẻ nào không lùi về sau vài bước.
"Đạo tràng tồn tại trước cả đại kiếp nạn truyền thừa xuống, quả nhiên huyền diệu không lường được."
Đây là suy nghĩ thầm của rất nhiều người.
Tất nhiên Trần Cảnh cũng cảm nhận được ngọn lửa kia rất lợi hại. Thậm chí hắn còn hiểu rõ hơn bất kì kẻ nào, bởi vì Phiên Thiên ấn trấn phần lớn sông Kinh Hà.
Tu sĩ chiến đấu với nhau, không phải so pháp lực, cũng không chỉ đơn thuần đấu pháp với nhau. Tuy rằng thế gian chủ yếu vẫn dùng cách so pháp thuật, so thủ đoạn, nhưng khi thật sự chiến đấu với nhau thì tu sĩ lại chủ yếu so về "thế". Tựa như Nguyên Chân đạo nhân này vừa ra tay, là chọn ngay lúc Trần Cảnh đang ở trong thế yếu. Mà Phiên Thiên Ấn giam trấn chính là chế ngự lấy toàn bộ chân nguyên của dòng Kinh Hà. Hơn nữa, trong Phiên Thiên Ấn sinh ra Tam Vị chân hỏa lại là thủ đoạn trực tiếp nhất, chân chính có thể giết được Trần Cảnh, đã có thể được gọi là "thuật" rồi.
Vạn vật có linh không phải chỉ là lời nói suông. Hoa cá chim trùng, cây cối núi sông, không thứ gì không có "linh". "Linh" này nếu gặp cơ duyên sẽ hóa thành chân linh, hoặc vĩnh viễn vô hình vô chất, quá lâu ngày sẽ trở thành phép tắc không thể nắm bắt được. Kinh Hà chảy dài liên tục, chín ngàn ba trăm dặm, rất nhiều mắt sông, cái rõ ràng, cái lại lờ mờ xuất hiện trong lòng sông. Trong mắt người thường, mắt sông chẳng qua chỉ là mạch nước quanh năm đổ nước ra bên ngoài. Nhưng trong mắt người tu hành, mắt sông đổ ra không phải là nước, mà là linh khí từ "linh" của sườn núi hai bên, tụ tập lại tạo thành dòng chảy này.
Chẳng qua, con sông nào cũng có linh nguyên, là nơi bắt nguồn của dòng chảy. Đầu nguồn của dòng Kinh Hà chính là dưới chân núi Côn Lôn, mà điểm bị giam trấn hiện nay, hệt như vị trí cách đầu bảy tấc* của một con rắn.
(*Tục ngữ có câu "Đánh rắn đánh bảy tấc" vì vị trí bảy tấc ngay tim rắn, một khi bị đánh trúng tim thì tự nhiên sẽ chết)
Tất nhiên Trần Cảnh không bị trấn áp. Ngay khi hắn cảm giác được mình không thể điều khiển được Tần Quảng vương tỷ nữa, thừa dịp bản thân chưa kiệt lực, hắn đã lập tức rút xuống khỏi bầu trời. Bởi vì nếu xông lên Côn Lôn mà chiến thắng, thì hắn tin rằng mình có thể cố sức lên được. Nhưng đây không phải là một trận đánh cuộc, mà là một trận đấu pháp liều mạng, sẩy bước một chút sẽ lâm vào cảnh vạn kiếp bất phục. Cho nên hắn lùi lại, còn cố tình để người khác nhìn thành vì nhận lấy cắn trả nên buộc phải lùi về.
Nhưng ngay khoảnh khắc lùi về, không ngờ rằng Linh Lung Trấn Yêu tháp thật sự thiếu chút nữa đã phong cấm được hắn. Chẳng qua, cho dù không có Tần Quảng vương tỷ trong tay, hắn vẫn có thể thoát thân. Bởi vì nơi đây là trên dòng Kinh Hà, không phải ở trong núi Côn Lôn. Có điều có Tần Quảng vương tỷ tất nhiên sẽ thoải mái hơn nhiều, đủ cho hắn nhẹ nhàng giải cấm, rồi dụ những kẻ kia tay tay, thừa cơ đánh úp.
Lúc Phiên Thiên ấn của Nguyên Chân đạo nhân trấn áp xuống, hắn đã được sóng nước cuốn vào lòng sông, tất nhiên có thủ đoạn sử dụng thoát khỏi trấn áp. Thế nhưng pháp lực hắn là từ sông Kinh Hà, chế ngự dòng Kinh Hà tương đương như chế ngự hắn.
Tương truyền loại thủ pháp này bắt nguồn từ một loại phương pháp cấm thần mà ra. Thế gian từng đồn đại, trong thời đại hồng hoang, năm Thiên Hoàng, từng xảy ra chiến tranh giữa thần và tiên. Có vị Kim Tiên núi Côn Lôn cùng với Đại vu Vu tộc và một vài Đại yêu ẩn tu trong núi sâu định ra tay tiêu diệt một vị Sơn Thần đã hòa hợp với núi non, pháp lực và thủ đoạn đều sâu không lường được. Cho nên bọn họ đã cắt rời mạch của dãy núi ra.
Truyền thuyết này cực kỳ xa xưa, Sơn Thần kia không phải là một Sơn Thần được Ngọc Hoàng đại đế sắc phong, mà thuộc về đời Sơn Thần cổ lão trước đó. Cho nên những người trong đại môn đại phái mới biết được đã từng có một trận đánh như thế, nhưng kết quả cuối cùng thế nào lại không ai rõ ràng cả.
Chẳng qua, phương pháp cắt đứt mạch của dãy núi lại được lưu truyền xuống, đồng thời cũng là gợi ý cho rất nhiều người khác. Hiển nhiên Nguyên Chân đạo nhân biết rõ truyền thuyết kia, cho nên vừa ra tay ông ta đã chế ngự căn nguyên linh lực của dòng Kinh Hà này.
Trước đây Trần Cảnh không biết đến sự đáng sợ của Tam Vị chân hỏa, lúc này đã được nếm trải thực tế. Tam Vị chân hỏa không chỉ điên cuồng thiêu đốt linh lực dòng Kinh Hà, mà còn gây thương tổn đến thần niệm của hắn. Trần Cảnh có cảm giác bị thương tổn do thiêu đốt, hơn nữa cái cảm giác này lại không cách nào chống lại được. Tuy thế hắn lại không sợ. Năm xưa khi Hà Bá Ác Long hạp Âm Hoài Nhu cầm tảng đá đen chứa sát khí ngút trời hạ xuống cũng đã bị Trần Cảnh phong ấn lại. Lúc đó tình cảnh của Trần Cảnh cực kì gian nan, còn hơn xa hiện tại, mà hiện tại hắn đã tiến vào một loại cảnh giới khó mà nói rõ nữa rồi.
Từ lúc sóng sông dâng cuốn tới thành Bá Lăng, rồi thần cấm bị phá tan, không hiểu sao tâm tình hắn có một loại buông lòng. Như thể tảng đá luôn đè chặt trong lòng đột nhiên tan biến mất, thần niệm thoáng chốc như có thể trên cảm nhận được quỹ tích của sao trên trời, dưới cảm nhận thấy rõ âm tào địa phủ. Tuy rằng cảm giác này chỉ trong thoáng chốc, nhưng cũng khiến cảnh giới của hắn nhảy vào trong một loại cảnh giới không rõ ràng khác.
Nước sông sôi trào, tựa như một nồi nước đang bị đun sôi.
Đun sông nấu biển!
Cảnh tượng chỉ có thể xuất hiện trong truyền thuyết, hôm nay đã được tái hiện lại nơi hậu thế.
Mặt sông đã bắt đầu bốc cháy, là linh khí trong hà vực bị đốt cháy. Ngọn lửa dần lan xuống hạ du con sông. Tuy tốc độ lan xuống không nhanh, nhưng cái loại đun nấu sông ngòi thế này khiến người khác không ngừng khiếp sợ. Rất nhiều người đang nghĩ xem Trần Cảnh đối phó thế nào, thì một pho tượng chậm rãi xuất hiện ngay phía trước ngọn lửa, thế lửa lan đi liền khựng lại. Mà những người kia nhìn qua, thấy được đó không còn là tượng thần không có sinh mạng nữa, mà chính là Trần Cảnh, là linh hồn của cả dòng sông Kinh Hà này.
Tượng thần không nhúc nhích, nhưng trong mắt người khác, tượng thần đã động rồi. Phía trên tượng thần có một hình ảnh mờ ảo hiện ra, như thể hình bóng được phản chiếu trên mặt sông. Cái bóng này dần dang hai tay ra, đồng thời có âm thanh vang lên, lại có từng vòng tròn gợn sóng xuất hiện. Tiếng vang kia như nương theo gợn sóng truyền đi ra.