Chương 94: Hỗn Độn.

Nói tới bốn người Lưu Ly Kinh được phép phá trận, ngay ngày hôm đó liền chuẩn bị đầy đủ.

Ngũ Hòe hiệu lệnh thân binh dưới trướng, hỏi xem Tứ Linh Tượng Trận dựng như thế nào rồi. Quân tốt báo lại đã an bài thỏa đáng. Ngũ Hòe lại hỏi chuẩn bị như thế nào, tên quân binh thưa:

- Bọn thuộc hạ cho công tượng chạy về hướng Nam, cách hung trận tầm mấy trăm dặm đường, chọn khu đất trống, khuôn viên bốn đến năm dặm. Ở đấy bày bốn cái đài, đặt ở bốn góc đông tây nam bắc. Y như tướng quân dặn dò mà chuẩn bị.

Khi này, Ngũ Hòe mới gật đầu, cho tả hữu lui hết, chỉ lưu lại thân tín, phân phó rằng:

- Trận này ấy do quân sư để lại, gọi bằng Bát Hoang Tứ Linh Tượng trận. Lấy chơn linh Tứ Đại Thần Thú, Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Quy mà bố thành. Kẻ nào sa trận thì mất hết phương hướng, trên không có Câu Hồn Thanh Phong thổi như vạn tiễn xuyên tâm, dưới đất trồi lên Bạch Sát Canh Kim đâm thấu da thịt. Bốn phương đều có Hồng Liên Nghiệp Hỏa thiêu đốt linh hồn. Bát hướng tràn đầy Huyền Nguyên Trọng Thuỷ, một giọt mà nặng tựa thiên nhạc! Kẻ nào dính phải thì thân xác tanh bành, trốn thoát không đặng!

Chư vị tướng tá nghe kể xong thì ai nấy mặt mày khiếp vía. Trận Tứ Hung dầu cho ghê gớm đến mấy cũng phải bảy ngày bảy đêm mới rõ kết quả. Nhưng Bát Hoang Tứ Linh Tượng trận khắp nơi đều là chốn hung hiểm, bất luận tiên phàm sa trận đều chết không toàn thây!

Ngũ Hòe lại nói:

- Chư vị biết tới trận này, cứ y như kế của quân sư mà làm. Ắt thắng lợi vậy!

Dứt lời lại dặn riêng từng người rằng:

- Trận có bốn đài, đài Thanh Long đặt ở phía Đông, trên đài cắm kỳ phướng, dưới đài bày tế đàn trưng Long Nhãn, đại biểu cho gió. Đài này ta cử Ngô Bình trấn giữ, cùng một trăm binh tốt cầm theo tù và. Lại dạy rằng, hễ hung đồ sa trận thì phất cờ thổi tù, chẳng đặng trái lệnh!

Long Nhãn vốn là một con mắt của Long Kiệt mà Nguyên Phục đoạt được trong Ngục Tháp. Khi để lại cuốn trục thì kèm theo trữ vật giới, vậy nên Ngũ Hòe mới có vật liệu bày trận.

Đoạn lại dặn một người khác rằng:

- Đài Bạch Hổ thì đặt ở phía Tây, đại biểu cho kim và thổ, đài này có canh kim chôn dưới đất, dựng phải thấp hơn đài của Thanh Long. Thường nói: “Khí thế Bạch hổ ngẩng đầu quá cao sẽ lấn át Thanh Long. Ấy là mất linh vậy!”. Đài này Lang Nguyên trấn giữ, mang theo binh tốt một trăm. Ai nấy đều phải cầm trống, hễ địch mà sa trận thì đánh trống hò reo. Chẳng được lơ là!

- Còn phía bên đài Chu Tước ta cắt cử Phạm Chu tọa trấn. Đài này đặt ở phía Nam, đại biểu cho hoả, bốn góc đài mỗi góc dựng một chậu lửa thật to, chính giữa treo chuông đồng, quân sư còn để lại một bình dị hỏa, quỷ dị tuyệt luân. Nên nhớ, ở giữa đài có treo một cây Đốt Hồn Đăng, chuẩn bị củi lửa đủ dùng. Lại dạy cho Chu cầm dị hỏa bình, hễ thấy tín hiệu thì đốt lửa đánh chuông. Chẳng được sơ suất!

- Đài cuối cùng là Huyền Vũ, đại biểu cho thuỷ. Ta lệnh cho Vu Nhạc đứng chầu. Nơi đây có một bồ nước thật to, trong đấy chứa Trọng Thủy, chẳng cần binh tốt canh giữ chi sất, hễ thấy địch tới thì cầm kỳ phướng phất lên. Trọng Thủy một giọt mà nặng tới ngàn cân, địch nhân dính trúng ắt phải tan xương nát thịt.

(Ngô Bình, Lang Nguyên, Phạm Chu, Vu Nhạc đều là tướng tá dưới trướng Ngũ Hòe.)

Khi đám người nghe dặn dò kỹ lưỡng thì cầm theo vật báu, điểm thêm binh mã dời bước đi mau. Chẳng luận trên dưới lớn nhỏ, ai nấy đều một bụng ác khí. Nay có cách giết địch thì mừng lắm, lại không nói cấp dưới chi tiết, sợ lộ ra phong thanh.

Khi sự đã đủ cả, bốn người cầm theo kỳ phướng nhằm hướng hung trận bay đi.

Khi đến nơi cảm nhận hung trận réo rắt, oán khí ngợp trời, Lưu Ly Kinh liền phân phó mỗi người ứng chiến một cổng. Rồi cứ thế mà phân ra.

Lưu Ly Kinh tới đối phó Nhật Quang, Ngũ Hòe đối phó Sinh Đạo Ma Tu, Ngân Linh đối phó Bùi Diệp, Quỳnh Nga đối phó Sát Tam Quân Tử Khuê. Chỉ thấy, Lưu Ly Kinh hai ngón tay chụp lại, bắn ra một đạo kình khí thẳng lên thiên không. Nghe "Oành!" một tiếng nổ lớn, tức thì ba người còn lại không hẹn mà cùng phất kỳ phướng.

Lưu Ly Kinh nâng lên Thất Thải Thần Thạch, bầu trời âm u bỗng nhiên sáng tỏ. Từ trong tinh không có đạo ánh chớp xẹt qua, viên thần thạch ấy sáng chói quang mang, không ngừng bay lên cao, khi vượt quá tầng mây liền chiếu vào mỗi cây kỳ phướng. Tức thì tạo nên vùng trời kết giới, phương hướng đảo lộn trật tự.

Bên trong hung trận tòa kia pháp đài, bốn cây cờ vẽ hình hung thú chợt dao động dữ dội. Vốn đài này mặt hướng về Tây hút lấy nghiệt lực, nhưng nay phương hướng thay đổi. Mặt tây biến thành mặt phía Nam, chốc lát lại đổi thành phía Đông…

Vốn ngoại trừ hướng tây ra, Nam cùng Đông thuộc địa phận chính đạo. Nơi này nghiệt lực không có, lại có nhân đạo chi khí, kèm theo hạo nhiên chính khí. Hung trận ầm ầm dao động, sương đen bên ngoài không ngừng mờ nhạt dần. Oán khí không có nghiệt lực che chở, vô số oan hồn từ dưới đất trồi lên, đối diện chính khí không ngừng tru gào.

Lại nghe "Thùng thùng thùng…" mấy tiếng trống lớn. Từ phương xa chín đạo ánh sáng vụt nhanh qua, kèm theo tiếng long gầm lấn át tiếng tru của oán linh. Đấy là Cửu Long Quốc Ấn vận thần thông. Dưới ánh sáng của thần binh trấn quốc, oán linh ngày càng nhạt nhòa. Thậm chí oán linh yếu ớt còn tan biến vào hư vô.

Thanh thế lớn như vậy, đám ma đạo Bùi Diệp, Tử Khuê, Nhật Quang, Sinh Đạo đều rõ mồn một. Nhưng hành động của Lưu Ly Kinh quá nhanh, quá đột ngột. Lúc phát giác ra thì sự đã rồi. Đám ma tu đằng không bay lên, tế trên thân bảo khí hòng phá vỡ Đẩu Chuyển Tinh Di đại trận. Nhất thời hai bên giao chiến, tiếng nổ ầm ầm vang vọng thương khung. Hào quang, hắc khí bắn ra chấn nhiếp lòng người.

Phía dưới này quân binh của Ngũ Hòe phân làm bốn đường, do đích thân Lý Công Thăng chỉ huy, chỉ chực chờ hiệu lệnh xông trận.

Nói chậm lại, Lưu Ly Kinh đối diện là sư huynh Lưu Ly Bảo của mình. Mắt thấy đối phương hắc khí quấn thân, liền biết sự không thể vãn hồi, giơ Ô Thiên Cơ lên nạt lớn:

- Sư huynh nhập ma đạo, ta thân là Đạo Tử Thông Thiên Giáo. Nay thay sư môn thanh lý môn hộ! Mau đón lấy cái chết.

Nhật Quang hai mắt đen ngòm, bấm pháp chú tế ra Chiếu Quang Xạ Nhiệt. Món pháp bảo ấy đại diện cho mặt trời, nay Nhật Quang nhập ma thì trở nên u ám lạ thường. Đấy cũng là Hóa Đạo Ma Khí trong truyền thuyết, tức là ánh sáng mặt trời bị che khuất, tạo nên nhật thực.

Lưu Ly Kinh chỉ đọc được trong cổ thư, nay thấy thì không khỏi làm kỳ. Nhưng y không dám khinh thị, pháp ấn đảo lộn. Cây Ô Thiên Cơ chụm lại thành ngọn giáo, một phân thành hai, hai phân thành bốn… giây lát trên không trung đầy trời giáo nhọn.

Nhật Quang không hề sợ hãi, món pháp bảo sau lưng xoay vần, chiếu ra từng tia hắc khí. Nhất thời Lưu Ly Kinh một thân linh lực đình trệ, Ô Thiên Cơ lung lay như muốn rớt xuống, y hãi nhiên gầm lớn:

- Thần binh biến ma binh quả nhiên gớm thật.

Nói rồi tế ra một mâm gỗ hình lục giác, phía trên vẽ âm dương đồ. Món pháp bảo này chế từ vảy của Bát Quái Âm Dương Ngư, chứa thiên địa hai thái cực. Khi vừa tế ra bầu trời xuất hiện âm dương hai mảnh, trong đó một con cá chép vẫy đuôi bơi lội. Trên thân nó đen trắng hai màu lẫn lộn, phát ra khí tức dọa người. Lưu Ly Kinh chụm tay thành chỉ, quát:

- Khải!

Tức thì con âm dương ngư ấy vẫy đuôi lao thẳng xuống, thế đi ầm ầm như sóng dậy. Nhật Quang biết mình mà tế Chiếu Quang Xạ Nhiệt đón đỡ thể nào cũng phải tan nát bảo khí. Y cầm chiêu hồn kỳ vẫy mạnh, tức thì âm binh trồi lên, dẫn đầu ba vị âm tướng. Nhìn qua đúng ba huynh đệ họ Trương không sai được.

Ba âm tướng dẫn đầu âm binh giục ngựa lao thẳng vào âm dương ngư. Nghe "Ầm!" Một tiếng vang dội, hai bên va vào nhau phát ra kình khí, rúng động màng nhĩ. Nguyên bổn Nhật Quang muốn hiệu triệu hung thú, nhưng nghiệt lực biến mất, oán khí lay lắt, triệu mà chẳng linh. Đành lấy âm binh thế mạng. Nếu là bình thời, âm binh chết đi lại có thể uẩn dưỡng trong hung trận. Nhưng hiện tại cái gì cũng mất, âm binh trở thành đồ dùng một lần.

Bên này Lưu Ly Kinh cũng chẳng khá hơn là bao, Bát Quái Âm Dương là pháp khí mạnh mẽ vậy nhưng cứ mỗi lần dùng thì phải mất một khoảng thời gian tích lũy. Hiện tại hai bên ngang tài ngang sức, chỉ dựa vào bản mệnh pháp khí đấu pháp.

Ô Thiên Cơ là pháp báu, chẳng biết chế từ vật chi. Từ trước đến nay Lưu Ly Kinh đấu pháp cũng chưa vận dụng toàn bộ thực lực, thành ra tu tiên giới chỉ nghe danh chứ chưa thấy thực tài. Nay vào thế hung hiểm, Lưu Ly Kinh nếu không xuất sử mười phần công lực thì trận này thua chắc khỏi bàn. Nghĩ thế, Lưu Ly Kinh chuyển từ thế công thành thế thủ, giang tay thu hết giáo nhọn về. Ô Thiên Cơ lật lại thành ô, vù vù kêu rớt vào tay y, cánh ô xòe ra, Lưu Ly Kinh cầm lấy cán, đặt lên vai. Nhất thời hắc khí Chiếu Quang Xạ Nhiệt chiếu tới không đặng.

Nhật Quang lại bấm pháp chú, Chiếu Quang Xạ Nhiệt lật ngang quay vù vù, cứ như chong chóng, vành mâm phát ra kình khí sắc bén tựa lưỡi cưa bắn vụt đi thật mau. Giữa trời quang, pháp bảo ấy xẹt qua không khác gì sao xa. Lưu Ly Kinh hai mắt trợn trừng, giơ ô ra đón đỡ, nghe rẹt rẹt liên hồi. Chiếu Quang Xạ Nhiệt đụng phải Ô Thiên Cơ phát ra âm hưởng chói tai, nào ngờ thế hung mà chẳng hiểm, bảo khí của Nhật Quang không tiến thêm được tấc nào nữa. Giây lát nó kêu bùng một tiếng, bật ngược trở về.

Ngũ Hòe trong Ngục Tháp từng nói: “Thiên hạ pháp bảo, Ô Thiên Cơ tiến có thể công, lùi có thể thủ.” quả nhiên chẳng sai chút nào.

Lưu Ly Kinh giận mà cười, quát:

- Đến lượt ta rồi. Xem chiêu đây!

Dứt lời tung ô lên không trung, ô này mặt trên có thể che hết thiên hạ công kích, tụ lại ở nan, hướng mặt dưới mà phản lại công kích. Kẻ địch thế công càng mạnh, sức phản lại càng lớn! Lưu Ly Kinh hướng mặt dưới ô về Nhật Quang, ngón tay chụm thành chỉ quát lớn một tiếng. Tức thì hào quang chớp lóe, công kích nãy giờ tích tụ đột ngột bắn thẳng tới.

Nhật Quang pháp bảo trên thân không phải là ít, nhưng mạnh mẽ như bản mệnh pháp bảo thì không có. Dù sao bực này giao chiến chỉ thắng thua trong khoảnh khắc, Chiếu Quang Xạ Nhiệt mới bị bật ngược về còn chưa kịp thôi động thì công kích của đối thủ đã bắn tới trước người rồi. Y kinh hãi lật tay tế ra một loạt pháp bảo hộ thân, nhưng công kích Chiếu Quang Xạ Nhiệt nào phải đồ trông thường đỡ nổi đâu.

Nghe uỳnh uỳnh liên hồi, pháp bảo trước mặt y vỡ tan hết. Đạo công kích kia chưa dừng bắn thẳng tới người y. Nhật Quang rú lên đau đớn, một nửa thân đã bị đánh tan nát, máu me bắn tung tóe khắp nơi.

Công kích đó khiến Nhật Quang trong phút chốc lấy lại thanh tỉnh, y biết bây giờ không phải lúc chần chừ. Nửa thân đã bị đánh thành bọt máu, Nhật Quang cắn răng, nửa thân còn lại cố huy động, ngón tay chụm lại thành ấn, miệng niệm chơn ngôn. Tức thì đám bọt máu ấy tụ lại trên không trung, nhập vào tấm biển trên cửa Triệt Tiên. Đám máu ấy chứa linh khí nồng đậm, lại công thêm ma khí bổ sung, khiến tấm biển “Triệt Tiên Môn” ù ù rung động, phát ra âm hưởng như tiếng hài nhi khóc.

Lưu Ly Kinh chợt thấy đầu óc choáng váng, trên cánh cổng lớn chẳng biết từ khi nào xuất hiện một tôn hung thú. Nó dáng như chó, lông dài, tứ chi như gấu mà không có vuốt, có mắt mà không mở được.

Thú này, ấy gọi bằng Hỗn Độn!