Hãy gặp tôi ở L’amant Petite
_ Astroboy _
Buổi sáng
Mùa xuân, 1998.
Bạn thức dậy. Nắng chiếu qua cửa sổ. Dưới đường có tiếng người đi chợ, tiếng xe đạp cành cạch, tiếng còi xe máy, tiếng rao báo sớm, tiếng chó sủa. Bạn nhìn đồng hồ. Sáu giờ hai mươi phút sáng.
Biết sáng nay là Chủ Nhật, bạn vẫn không thể ngủ thêm. Vì bạn biết rằng sống ở phố cổ có nghĩa là không thể ngủ dậy muộn. Hoặc cũng có thể, đời sống ở những năm 90 đơn giản là như thế, dù bạn còn trẻ hay đã già.
Bạn xuống đường, thong thả đi về phía bờ hồ. Từ bé, bạn đã luôn băn khoăn tại sao nhiều người hay gọi hồ Gươm là “bờ hồ,” nhưng khi lớn lên, bạn tự trả lời rằng đó là cái tên “thân mật” mà người ta thích dùng thay cho tên thật. Giống trường hợp của những em bé mới đẻ, người ta hay đặt tên là Bi, là Bốp, rồi dùng tên đó cho đến ngày đứa trẻ không thích bị gọi bằng những cái tên “thân mật” đó nữa. Hồ Gươm thì không bao giờ có ý kiến gì về cái tên “bờ hồ” cả.
Cũng như bao ngày khác, bạn chạy bộ một vòng bờ hồ. Bạn ngắm nhìn mọi thứ: cầu Thê Húc, những rặng liễu, những cây bàng, Tháp Rùa, những tấm áp phích cổ động vẽ tay, ngã tư Tràng Tiền (bạn không quên nhìn về phía Nhà Hát Lớn), Bưu Điện Hà Nội (bây giờ đã gần bảy giờ). Mọi thứ vẫn bình thường. À, bạn còn chạy ngang qua một thằng bé nằm trên một chiếc ghế đá, với chiếc hộp gỗ nhỏ đựng đồ đánh giày. Chuyện bình thường. Bạn không quan tâm lắm.
Bạn giảm tốc độ khi gần về tới Hàm Cá Mập. Bạn đứng lại một vài phút để nghỉ. Bạn tới hàng bánh mỳ đầu phố Cầu Gỗ, mua đồ ăn sáng cho cả nhà.
Có tiếng xe cấp cứu.
Chiếc xe băng qua, rồi chạy ngược lại hướng mà bạn vừa đi tới. Bạn ngó qua vai, thấy chiếc xe dừng ở chỗ chiếc ghế đá có đám đông bao quanh.
Bạn tò mò chạy tới, chen qua những bờ vai, chen qua những tiếng xì xào.
“Liệu có kịp không? Thằng bé còn thở không?”
“Công an sắp đến chưa?”
“Tội nghiệp quá, không hiểu có chuyện gì.”
“Dân đánh giày à?”
“Còn trong cái túi kia có gì không?”
“Trông thế này thôi nhưng chắc cũng chẳng bé bỏng gì đâu.”
“Ôi, tao không biết thằng này. Có khi từ nơi khác đến. Mày trông thấy nó bao giờ chưa?”
Đó là người bạn đã trông thấy lúc chạy bộ. Bạn không nghĩ thằng bé đã qua đời. Làm sao bạn nghĩ thế được, khi nhìn thoáng qua cũng thấy gương mặt đó vẫn hồng hào, đôi môi vẫn đỏ?
Rồi bạn trông thấy, trong bàn tay người đã khuất, một tờ giấy với những hàng chữ nhoè nhoẹt. Một LÁ THƯ?
LÁ THƯ
Chào em,
Nếu em thật sự đang đọc thư này, thì tôi đang rất hạnh phúc đấy. Vì có nghĩa là tôi đã được gặp em một lần nữa, và đã đưa được cho em bức thư này.
Nhưng tôi biết viết gì đây? Biết đâu, khi đọc xong những điều này, em sẽ ghét tôi?
Nếu một ngày, em không cảm thấy như vậy, thì hãy gặp tôi ở rạp phim L’amant Petite(1). Tôi làm việc ở đó và sẽ đợi em mỗi buổi chiều.
Tôi muốn kể cho em câu chuyện Cái chết ở Venice. Truyện kể về chuyến du lịch của nhà văn Gustav von Aschenbach nổi tiếng. Ông khoảng 50 tuổi, vợ ông mất khi còn trẻ. Một ngày, ông đi du lịch ở Venice và trong một bữa tối ở khách sạn, ông tình cờ trông thấy một cậu bé tên là Tadzio, một cậu bé với một vẻ đẹp phi thường. Đối với ông, vẻ đẹp đó tượng trưng cho nghệ thuật, cho sự hoàn hảo mà cả đời ông theo đuổi. Thời tiết nóng dần lên, ông định rời Venice khi cảm thấy không khoẻ, nhưng trên đường, ông tình cờ gặp lại Tadzio, và ông thấy hối hận. Ông không muốn bỏ đi, ông không thể bỏ đi. Hằng ngày, ông lặng lẽ dõi theo từng bước chân của Tadzio, tới các nhà hàng, tới bãi biển, ngắm nhìn cậu từ xa. Có lúc tình cờ, ông đã tưởng cậu bé đã mỉm cười với mình. Ông thốt lên: “Tôi yêu em.” Nhưng đó chỉ là ông nói với chính ông. Tadzio không bao giờ biết. Ông đau đớn, dằn vặt trong từng giấc mơ. Thậm chí, ông còn cố trang điểm, sửa lại đầu tóc để nhìn thấy mình trẻ lại. Suốt nhiều ngày, ông chìm đắm trong những suy tư, những khát khao được thổ lộ tình cảm của mình, mà không biết một cơn dịch bệnh khủng khiếp đã tràn vào Venice. Ông đổ bệnh. Ông để mất Tadzio giữa dòng người, và chết trên chiếc ghế nơi ông ngắm nhìn cậu lần cuối.
Sau này em có thể thấy buồn cười, có thể nghĩ rằng tôi không bình thường. Đúng, tôi đang cảm thấy mình điên rồ, đang có những suy nghĩ ngớ ngẩn, thật mù quáng. Có thể em không tin vào khái niệm tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi cũng đã từng như vậy. Những ngày không tìm thấy em, tôi vẫn tự hỏi: ngày ấy khi tôi gặp em, việc tôi từng gặp em - nó có thực sự đã xảy ra? Tôi sợ lắm, tôi sợ là nếu chúng ta không gặp lại nhau nữa, nếu tôi không đưa được bức thư này cho em, thì tôi sẽ quên mất em. Em sẽ biến mất, cũng như quá khứ luôn luôn biến mất. Trừ phi, ở hiện tại, tôi giữ lại được bằng chứng nào đó về sự tồn tại của em, trừ phi em giữ lại chút gì đó từ tôi...
Vì tôi yêu em. Và tôi không muốn để mất em trong dòng người, cũng không muốn thấy mình già đi mà không có em bên cạnh. Tôi không biết có thể làm gì để che chở cho em, để giúp đỡ em, tôi thậm chí không biết em có muốn được chở che, được giúp đỡ hay không nữa. Em là một người xa lạ, những gì tôi biết về em chỉ là hình ảnh một người lang thang, chỉ là một ngày trong quá khứ của tôi, nhưng tình yêu của tôi ngày hôm nay vẫn còn.
Tadzio của tôi!
NGƯỜI LANG THANG
Tôi xuống
Đây là lần đầu tiên tôi trở lại Hà Nội. Tự nghĩ rằng mình đang đi du lịch, tôi thích lắm. Tôi cũng có ba lô, cũng quần áo đẹp, cũng đầu tóc gọn gàng. Tôi thật sạch sẽ! Những ngày qua, có bao nhiêu tiền, tôi tiêu đi không tiếc. Giờ nhẵn túi, tôi cũng chẳng lo sợ. Ai nói thế nào thì nói, nhưng tôi biết kiếm tiền dễ thế nào, mà tôi cũng không nghĩ là tôi sẽ còn phải tiêu thêm một đồng nào ngày hôm nay nữa.
Sáng sớm, đường rất vắng. Từ bến xe gần cầu Long Biên, tôi đủng đỉnh đi bộ về phía hồ Tây, vừa đi vừa hỏi đường. Đến được hồ Tây là đến được Lăng Bác. Tôi muốn đến đó xem có gì, vì người ta nói, đã ra Hà Nội thì ai cũng phải thăm Lăng Bác. Cuốc bộ gần một tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng, khi đứng trước quảng trường đầy cỏ, tôi lại không dám bước tới nữa. Tôi trông thấy những anh bộ đội, những người mặc quân phục. Tôi sợ những người này. Tôi bỗng thấy mình không sạch sẽ chút nào nữa. Tôi quay đầu bỏ đi, không muốn mình phải buồn.
Cả buổi sáng, tôi lang thang quanh trung tâm Hà Nội. Cách đây mười năm khi còn bé tí, tôi đã từng sống ở đây. (Mà, có ai muốn biết vì sao tôi rời Hà Nội mà đi không? Tôi không kể đâu, vì nếu kể ra tôi lại phải nhắc đến bố mẹ tôi, mà thế thì câu chuyện lại quá dài!) Bản thân tôi thì chưa lớn lên nhiều lắm, nhưng thủ đô thì thay đổi nhiều quá rồi. Mọi thứ nhìn thật xa lạ, tôi chẳng biết phố nào dắt vào phố nào nữa. Bây giờ thèm ăn bát bún thang tôi cũng chẳng biết đi đâu. Mười năm nữa, không biết con phố này sẽ thế nào? Tôi đoán sẽ rất đông, rất nhiều ô tô. Trước đây ít xe máy thế mà bây giờ nhiều thế này, rồi một ngày cũng sẽ đến lượt ô tô thôi.
Tôi dừng chân trước cửa rạp Tháng Tám trên phố Hàng Bài. Rạp rất cũ, nhưng mà đông người tới xem lắm. Nổi bật nhất bên ngoài rạp có tấm áp phích dài, in hình một con tàu khổng lồ và hai diễn viên đứng kề vai: “Titanic.” Tôi đoán chắc đây là một câu chuyện tình! Có thể là một chuyện tình buồn. Không biết phim có lồng tiếng Việt không? Tôi chưa xem phim ở rạp bao giờ.
Bước vào rạp, tôi mới nhận ra tôi đâu còn xu nào trong túi. Quả thật, tôi đã không lường trước tình huống này! Vẫn còn một buổi chiếu muộn vào chín giờ tối. Cơ hội cuối cùng của tôi đây!
Tôi lại lang thang. Một buổi chiều mà đánh kịp hai chục đôi giầy thì may ra tôi mua kịp một vé. Mà chắc chắn là không kịp. Buổi chiều người ta đi làm hết, đâu có ai la cà quán xá mà cơ hội.
Nhưng tôi biết tôi còn một cách kiếm tiền khác. Thực ra thì thằng đánh giầy nào ở chỗ tôi cũng biết. Nếu may mắn tôi có thể làm kịp. Cái quan trọng là có khách hay không thôi.
Tôi ngồi chờ ở đầu ngõ một khách sạn ba sao ở gần rạp, chỗ tôi thấy có nhiều người Tây ra vào. Tôi giở ra cuốn sổ tay, ôn lại một vài câu tiếng Anh mà tôi học được những năm qua. Tôi dám cược là bọn bán báo, bán kẹo cao su ở đây còn giỏi hơn bọn chỗ tôi. Có nhiều câu, dĩ nhiên là tôi đã thuộc rồi, vì luôn sử dụng, nhưng lần này, tôi ngờ là tôi sẽ phải dùng thêm một số câu khác nữa.
Cuối cùng, vận may kỳ diệu cũng đến. Một ông Tây vào ngõ, tai phải ông ta đeo nhiều bông tai. Tôi đứng dậy, và chạy tới. Tôi nói khẽ:
“What you see is what you get.”(2)
“What?” (“Cái gì?”)
Ông ta có vẻ giật mình. Cái vẻ giật mình, bỡ ngỡ, bất ngờ, băn khoăn, nhưng mà toàn là giả tạo. Tôi cũng giả tạo. Tôi nhìn vào đôi mắt xanh đó và làm ra vẻ non nớt, yếu đuối. Trong mắt tất cả mọi người, tôi chỉ là một thằng bé vô hại. Ông ta có thể lừa tôi, có thể làm hại tôi chứ tôi thì chẳng làm gì được ông ta. Đấy là ông ta nghĩ thế.
“Just BJ. Nothing else.” (“Tôi chỉ làm bên ngoài thôi, không gì hơn.”)
“How much?” (“Bao nhiêu?”)
“Five bucks.” (“Năm đô.”)
Ông ta đưa tôi về phòng. Tôi đòi nhận tiền trước. Ông ta cho tôi hẳn một trăm nghìn. Những gì xảy ra sau đó, tôi không muốn kể. Tôi thường cố quên đi cảm giác lúc đó, cái lúc tôi cảm thấy mình bẩn thỉu nhất. Có lê lết ngoài đường tôi cũng không thấy bẩn như thế, nhưng khi tôi muốn quên cái gì, tôi thường quên được dễ dàng, nên rút cuộc tôi vẫn chịu được cái cách kiếm tiền này. Người đàn ông này cũng có vẻ thoải mái.
Bỗng nhiên, ông ta ra hiệu bảo tôi dậy. Ông ta ngồi dậy và ghì tôi nằm ngửa xuống giường.
“Don’t f--- me.” (“Đừng cho vào.”)
“Ten bucks.” (“Mười đô nhé.”)
“I have HIV.” (“Tôi có HIV đấy.”)
“Really?” (“Thật không?”)
Tôi gật đầu. Tôi không nói dối.
Ông ta gầm lên một tiếng tục tĩu rồi đá tôi xuống đất. Tôi vội quờ quạng tìm lấy quần áo, lấy cái túi xách và hộp đồ nghề rồi chạy biến khỏi phòng. Tôi đang khóc. Tôi không thể nín, tôi không có cách nào nhịn được, mà tôi cũng không hiểu tại sao. Tôi thực sự không biết. Tôi cắn chặt hai hàm răng, tay giữ chặt hai tờ năm mươi ngàn. Tôi gọi xe ôm. Tôi đang đi xem phim! Tôi cần phải thấy vui vì điều này!
Tối thứ Bảy, máu chảy về tim. Người ta vẫn hay nói thế mà. Tôi rời khỏi rạp cùng với hàng chục cặp tình nhân. Nhiều cô gái khóc thút thít, quàng tay qua vai người yêu. Họ dính lấy nhau, quấn quít tới tận bãi để xe, và khi lên xe rồi cũng là những cô gái ngồi sau và ôm lấy người yêu. Tôi tự hỏi trong ngần này con người đang tay trong tay, ai trong số họ đã thực sự biết thế nào là tình yêu?
Tôi đi bộ về phía bờ hồ. Tôi không khóc vì bộ phim. Tôi thấy chẳng có lý do gì để khóc ột câu chuyện hư cấu cả. Tôi thà khóc cho bản thân mình còn hơn, mà kể cả thế tôi muốn cũng hạn chế. Tôi thật sự không phải đứa yếu ớt. Tôi muốn cả thế giới biết điều đó. Tôi là người mạnh mẽ.
Tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá, ngắm nhìn bờ hồ. Tôi từng biết nơi này rất rõ, dù lâu lắm rồi nhưng tôi vẫn nhớ, rất nhiều lần ông ngoại dắt tôi đi bộ quanh hồ. Ông thích đi bộ quanh hồ, mà hình như bất kỳ ai ở khu phố cổ quanh đây cũng đều thích đi bộ, chạy bộ, tập thể dục quanh hồ.
Tôi cũng làm một vòng. Hai vòng hồ. Tôi quen đi bộ rồi nên không bao giờ biết mỏi.
Trở lại chiếc ghế, tôi thấy nhẹ nhõm. Còn điều gì tôi muốn là không? Tôi ngồi nghĩ mãi nhưng tôi kết luận là chẳng còn gì. Tôi lấy ra bao thuốc, châm một điếu. Tôi ngồi thổi khói trắng lên bầu trời đầy sao. Nó gợi tôi nhớ lại đến mấy cái ống khói của tàu Titanic. Quanh tôi lúc này cũng là một mặt nước lấp lánh, dập dềnh. Tôi thích lắm.
Tôi mở lá thư của anh, đọc lại từng chữ. Tôi lại không kìm được nước mắt, tôi xin lỗi. Không biết giờ này anh có còn chờ tôi ở cổng rạp L’amant Petite? Đáng lẽ ra tôi đã có thể tới gặp anh, và biết đâu cả hai chúng tôi đã ngồi xem Titanic với nhau? Nhưng mà như thế thì không được. Đó không phải điều tôi nên làm. Tôi không muốn bước lấn sâu thêm vào tình yêu đâu, tôi nghĩ nơi đó là một nơi đầy rủi ro. Tôi cười, vì tôi mong rằng anh đã về nhà, trong chăn ấm đệm êm và đang quên tôi đi. Tôi sẽ cầm mãi bức thư này của anh. Đây sẽ là bằng chứng của hai lần duy nhất tôi được gặp anh, tôi sẽ cầm nó và đi qua hiện tại.
Mà không, tôi không nên làm thế. Sáng mai, chắc chắn sẽ có người muốn biết tôi là ai, tôi từ đâu tới. Công an chắc chắn sẽ lần ra ai đã viết bức thư này. Họ sẽ tìm đến anh. Họ sẽ tìm gặp anh, và anh sẽ biết...
Tôi lấy cuốn sổ tay, xé một trang giấy. Tôi cẩn thận chép lại bức thư của anh. Tôi tìm tới một thùng rác cách xa chỗ tôi ngồi, rồi vứt đi bức thư gốc, cuốn sổ tay, và cả cây bút. Có lẽ tôi quá ngây thơ để nghĩ rằng họ sẽ không tìm được, nhưng tôi vẫn cứ làm. Tôi cũng đâu có cách nào khác?
Nào, giờ thì đến sự kiện chính của ngày hôm nay.
Người ta thường nghĩ gì trước khi chết?
Còn gì để nuối tiếc không? Không, tôi không có bố mẹ, hay bạn bè, hay tương lai hoài bão gì đáng để thấy tiếc cả. Vì sao tôi chọn cái chết? Nếu đấy là băn khoăn “quan trọng” nhất thì tôi cũng biết rõ câu trả lời. Sống thêm chỉ là đau đớn. Tôi đã từng nhìn thấy những bệnh nhân HIV ở giai đoạn cuối. Tôi không nghĩ đấy là một hoàn cảnh vui vẻ. Mà một lý do quan trọng hơn, đó là nếu sống thêm một ngày nào nữa thì tôi sẽ còn đau khổ. Tôi sẽ nhớ anh, cũng như nhiều ngày qua, tôi vẫn luôn nhớ anh. Kể từ lần đầu tiên tôi gặp anh, cho đến lần anh gặp lại tôi và đưa cho tôi lá thư. Nỗi nhớ cũng như một căn bệnh nan y, đau đớn, không có thuốc chữa. Cứ thử hỏi những ông bà già xem, ai cũng nói rằng họ thích chết hơn là sống lay lắt trong bệnh tBây giờ...
Sắp sáng rồi. Tôi không được phép chần chừ. Thuốc gì thì cũng cần có thời gian mới phát tác dụng chứ. Nếu trời sáng mà tôi còn sống nhăn nhở thì nực cười lắm. Tôi uống thuốc. Lần đầu tiên, một cơn gió ban đêm khiến tôi run rẩy.
Tôi nằm dài nhìn bầu trời.
Tôi cố không suy nghĩ.
Nhưng nào tôi có kìm được lòng mình. Thật khốn nạn!!! Sao nước mắt cứ chảy ra thế? Tôi không thể yêu anh. Tôi thèm được yêu anh! Tôi xin lỗi anh vì đã không nói với anh một lời. Tôi xin lỗi anh vì con người tôi đã không hoàn hảo như Tadzio mà anh tưởng tượng.
Tôi nhắm chặt mắt, tôi kiên quyết tự nhủ với bản thân mình, rằng tôi đang đi bộ tới rạp L’amant Petite. Rồi biết đâu, anh sẽ tha thứ cho tôi và vẫn chờ tôi ở đó.
1. L’amant Petite: Người tình bé nhỏ.
2. “What you see is what you get”: thành ngữ lóng dùng để mời khách một cách kín đáo.