Đường trong khói mây
_ Oscar Wilde _
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Đình Liên)
Chiếc xe máy cũ nổ phành phạch, vạch những đường ngoằn ngoèo vì phải tránh ổ gà, phả
ra làn khói lúc cuộn lên thành từng chùm lớn và dị hình, lúc li ti như những dải the. Xe băng qua mấy mái nhà trệt có mặt tiền quét vôi lỗ chỗ, màu mè, nằm lúp xúp phía sau mấy hàng rào dâm bụt xanh ngắt. Ông dượng thắng gấp trước một cái cổng hẹp sơ sài, rồi gọi lớn “Hưng!” Có tiếng dạ, rồi một thằng nhỏ trạc tám tuổi lon ton chạy ra, da ngăm ngăm, cười nhoẻn. “Con dắt chú này vô thăm mả dùm ông!” Rồi người dượng quay lại nói với Kiên: “Con đi theo thằng nhỏ, dượng đi qua bên kia làm vài ly, chút quay lại đón!” Dứt lời, ông đạp số, vọt nhanh, thả lại một cụm khói bồng bềnh quanh Kiên.
Kiên bước chầm chậm sau thằng bé. Bình Lộc đang giữa mùa cây trái. Mùi sầu riêng thi thoảng vụt qua mũi, tương phản với mùi đất nâu đỏ hăng nồng. Chôm chôm chín xòa lòa ngang trán. Thằng Hưng tò mò:
“Chú thăm mả ai vậy?”
“Bà ngoại của chú!”
Thằng nhỏ ừm một tiếng rồi đi tiếp. Lúc Kiên chào bà đi du học, bà hãy còn khỏe mạnh. Chỉ ba tháng sau, với một cơn bạo bệnh, bà đã rời xa gia đình mãi. Kiên bước sau thằng bé, thấy lòng mình se lại.
“Tới rồi chú!” Thằng nhỏ nói to. Kiên nhìn quanh. Đó là một mảnh đất vuông được rào tỉa cẩn thận, không có cây ăn trái nào. Chắc không ai dám làm ăn trên nơi yên nghỉ của tổ tiên, Kiên nghĩ. Chỉ có vài bụi trúc và cây kiểng không tên. Mộ của bà ngoại anh ốp đá hoa cương xanh có cây thánh giá, cạnh những mộ khác có hình chữ vạn hay hoa sen bằng sứ. Kể về việc cưới ông, bà nói vì không là con cả, cũng chẳng là con út, lại là gái nên ông cố cho bà lấy chồng người công giáo. Vả lại thời ấy loạn lạc, chiến tranh với Tây nên ông cố cũng không kén rể. Rồi bà theo ông về Biên Hòa ở cho tới khi ông mất. Khi bà qua đời, nghĩa trang thành phố đang di dời nên ba mẹ Kiên đưa bà về quê, đợi vài năm rồi cải táng, mang vào nhà thờ.
Kiên mở ba lô, lấy bó hương mẹ trao rồi thắp trước mộ. Những đợt khói trắng trôi nhẹ lên cao, uốn lượn nhẹ nhàng nên nền xanh cây cỏ rồi kín đáo tan đi. Đứng lặng một hồi, Kiên mở máy ảnh. Nhớ lúc đưa anh ra phi trường, Jean- Luc bảo Kiên đừng quên chụp vài tấm vì Jean- Luc nói anh không hề biết ông bà của anh và cha mẹ anh chưa bao giờ nói về bố mẹ của họ cả. Kiên mỉm cười khi nhớ lại lời than thở của người bạn trai mới quen, rằng người phương tây họ đã đánh mất cảm thức gia đình rồi.
Định trở ra mặt lộ thì Kiên thoáng thấy một ngôi mộ nằm phía góc vườn, không theo hàng lối như mộ bà anh. Một ngôi mộ người lớn, nhưng đơn giản hơn, bằng xi măng, quét vôi trắng. Ai đó đã thắp nhang cho ngôi mộ này từ trước, khói hương dìu dịu, êm ả. Cõi của những người đã khuất không lạnh lùng như Kiên nghĩ.
“Mả ai mà sao không chôn theo hàng vậy Hưng?” Kiên chỉ tay về góc vườn.
“Dạ, của ba con.” Thằng nhỏ đáp gọn lỏn. “Ba con không có bà con gì với nhà chú hết. Hồi xưa ông cố Hai xin ba con về nuôi, giao cho coi rẫy, giữ mả. Lúc ông cố Hai chết thì ba con theo mần việc cho ông dượng Tư.”
“Ba con mất hồi nào?”
“Dạ, mấy bữa trước tết vừa rồi. Ba con chở hàng ra chợ Long Khánh rồi bị xe tải cán. Ông dượng thương cho chôn ở đây.”
Kiên không nhớ vì linh tính hay hiếu kỳ, anh bước về phía ngôi mộ trong góc vườn. Di ảnh của người đã khuất trông trẻ hơn tuổi ghi trên mộ. Anh nhìn tên, ngờ ngợ. Một cảm giác quen thuộc vây lấy anh. Kiên quay lại, hỏi dồn:
“Mả ông cố Hai đâu?”
Thằng nhỏ chỉ ngược về góc kia của vườn, phía những ngôi mộ bằng đá ong. Kiên bước nhanh, anh nhìn vào năm mất của người anh cả bà ngoại anh, rồi quay lại đứng giữa khu đất. Ba ngôi mộ, ba con người, ba làn hương trầm mặc. Chúng lung linh trong đôi mắt cay cay của Kiên rồi rõ
Tiếng đàn cò ri rỉ, bi ai vọng lên từng chập não nề. Thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng trống, phách, thoét khi có người phúng viếng. Hết nhạc thì Kiên nghe tiếng mõ tụng kinh đều đặn, nhịp nhàng. Mùi nhang khói đượm đậm khu nhà có vườn cây ăn trái. Nó lớn như khu đất nhà thờ giáo xứ của Kiên, vậy mà Kiên thấy chật chội và chộn rộn như một cái chợ nhỏ. Tiếng người lao xao trò chuyện, tiếng máy cày, xe máy, tiếng gà vịt, tiếng trẻ con chen với điếu nhạc tạo nên cảm giác lạ lẫm, bí ẩn. Mới xa nhà hơn một ngày mà Kiên đã nhớ ba mẹ, nhớ tiếng chuông nhà thờ thong thả mỗi buổi hôm mai, tiếng đàn dương cầm lễ misa. Kiên không hiểu tại sao nó lại nhớ những âm thanh ấy. Có lẽ sự lạ lẫm của chỗ này làm nó chới với, nên tìm những âm thanh đối nghịch và quen thuộc để tạo ình sự yên ổn.
Kiên ngồi thu lu trong góc một chiếc máy cày. Nó không tìm được chỗ nào khác trong căn nhà ngói tam gian đồ sộ ấy. Chỗ nào cũng có người. Ồn ào. Ngoài bà ngoại, nó chẳng quen ai. Khi vừa đến, nó đã phải chào không biết mấy chục ông bà, cậu mợ, dì dượng lạ hoắc. Nó cũng chẳng quan tâm. Rồi sau màn chào hỏi thì bà chẳng ngó ngàng gì nó nữa. Có lúc nó thấy bà trong bếp, lui cui với những bà trạc tuổi, tám chuyện, khi thì trong đám đông chít đầy tang đang quỳ mọp trước sân ngày mấy lần. Cũng may là có lúc bà chạy tìm nó, dúi vào tay cái bánh tét, củ khoai. Nó cũng lân la làm quen với mấy thằng có đeo tang, đứa màu trắng đứa màu vàng. Nhưng chơi được một lát thì tụi nó phải đi làm nghĩa vụ con cháu ra lạy cúng cơm. Kiên chán. Nó mừng khi nghe nói về quê để được vô rẫy ăn chôm chôm và sầu riêng, ra suối bắt cá. Cuối cùng chỉ có cái không gian xa lạ và những âm thanh buồn bã này.
Chiều. Bà đưa cho Kiên một tô cơm đầy thịt rồi tất tả đi. Kiên hỏi sao nó không được đội tang để ra sân quỳ như mấy đứa kia hay như bà. Bà nói bà là em ruột ông Hai, còn Kiên chỉ là cháu ngoại xa nên không cần đeo tang. Ra là vậy!
Đang ngồi thu lu, vật vờ, gà gật, Kiên thấy sàn xe máy cày động đậy. Rồi một giọng đàn ông:
“Cưng xuống cho anh lấy xe ra!”
Thế là hết! Cái chỗ yên thân cuối cùng cũng bị lấy mất. Kiên uể oải đứng lên, từ từ tụt xuống, mặt buồn so. Chiếc máy cày trở đầu, chạy chầm chậm. Kiên dụi mắt, đứng nhìn theo vì chưa biết phải tìm xó nà
“Cưng có muốn vô rẫy không?” Người kia hỏi với.
Buồn ngủ gặp chiếu manh, Kiên gật đầu lia lịa. Ít ra nó không phải nghe tiếng nhạc ai oán đáng sợ kia, lại còn được vô rẫy.
“Nhưng tới sớm mơi mới vô lại đó nghe! Cưng là cháu bà Mười phải không? Đi xin phép đi!”
Chiếc máy cày giật giật theo từng vòng xoay của bánh đà, lăn trên con đường đất đỏ. Kiên ngồi sát vào người lái. Lúc leo lên máy cày, Kiên cũng chưa nhìn kỹ mặt. Trời đã tối, Kiên chỉ nghe gió sợt qua tai và tiếng máy ầm ì. Thỉnh thoảng, đóm lửa trên môi người lái ửng lên vì rít hơi thuốc lá. Kiên vội nhìn lên. Trong nguồn sáng hồng hồng yếu ớt ấy hiện lên một gương mặt trẻ, xương xương, điềm đạm.
“Cưng tên gì?” Người đàn ông hỏi.
“Dạ, Kiên. Còn… chú?”
“Hùng. Ba cưng bao nhiêu tuổi?”
“Dạ, băm chín.”
“Còn cưng?”
“Dạ hết hè con mười hai.”
“Vậy cưng gọi Hùng là anh thôi. Dân quê, già trước tuổi. Anh lớn hơn cưng có mười tuổi, không làm chú được đâu. Ừ, mà anh thì đi với em, đúng không?”
Hùng khẽ cười. Kiên bối rối vì ở nhà chỉ có bé Khuê gọi nó là anh, chứ nó chưa gọi ai là anh bao giờ. Kiên quay qua Hùng, nói to để át tiếng máy cày:
“Kiên sẽ gọi là anh Hùng, còn anh Hùng đừng gọi Kiên là cưng được không?”
Chỉ có tiếng cười sảng khoái đáp lại. Rồi Hùng quay qua hỏi Kiên
“Kiên học lớp mấy?”
“Năm tới em lên lớp sáu.”
“Vậy là Kiên giỏi hơn anh Hùng rồi. Anh nghỉ học lâu rồi, chưa hết lớp bốn. Học dở quá, ông Hai bảo thôi biết đọc và tính tiền là được rồi. Sau đó anh đi chăn bò, rồi coi rẫy, cũng sướng!”
Kiên im, nó chẳng biết phải nói gì. Được một lát, xe quẹo vào một con đường hẹp, rồi hẹp hơn và dừng lại. Đèn máy cày tắt, chỉ còn bóng đêm tinh tuyền. Kiên vội níu áo anh Hùng rồi thì thào:
“Rẫy của ai vậy anh Hùng?”
“Của ông Hai. Nhưng trước khi mất, ông đã cho dượng Tư là con trai lớn rồi. Trưởng tộc nên dượng thừa kế và giữ đất hương hỏa luôn. Bây giờ anh vừa coi rẫy, vừa chăm sóc mả cho dòng họ nhà Kiên đó.”
Nói rồi Hùng quàng tay qua vai Kiên kéo đi. Kiên cố mở hết mắt để định hướng nhưng vô hiệu. Chỉ có tiếng dế kêu rèn rẹt và tiếng loạt xoạt của bốn bàn chân. Chợt Kiên giật thót, đánh tiếng hức trong ngực rồi ôm cứng lấy Hùng. Hai đốm sáng xanh lè vờn quanh Kiên, như mắt của một quái vật vô hình.
“Đừng sợ, đom đóm đó. Chắc có hơi người nên chúng bay lại.”
Hùng cười hiền, rồi rút hộp quẹt đốt cây đèn dầu hột vịt. Trong ánh sáng vàng vọt, Kiên nhận ra đó là một căn chòi vách lá. Có một cái chạn tre, một cái giường cũng bằng tre, và một ít cuốc xẻng dựng trong góc. Gần đấy có một cái lò ba chân bằng đất sét. Dưới gầm giường có một cái thùng gỗ đựng đồ đạc.
“Đói không? Anh nướng bắp ăn nha!”
Lòng Kiên cảm thấy nhè nhẹ, êm êm. Nó không trả lời, nhìn vào ngọn đèn. Một làn khói đen đen dính vào ngọn lửa nhỏ như ngón tay út. Thỉnh thoảng nó lại nổ tí tách làm vết đen ấy đùn lại, rồi tan vào bóng đêm. Hết nhìn đèn, Kiên nhìn về phía Hùng đang loay hoay nhóm bếp. Được một lát căn chòi ngập sáng. Lúc này Kiên mới nhìn rõ gương mặt và vóc dáng Hùng. Mái tócdài, gợn trước trán, hàng mày đậm nhưng mang vẻ hiền lành.
“Trái này chín rồi! Kiên ăn đi.”
Kiên cầm trái bắp nướng từ tay anh Hùng. Căn chòi ấm áp vì bếp than hồng, mùi bắp chín dễ chịu. Kiên ngoạm từng hàng hột cưng cứng, giòn giòn. Một cảm giác ngọt ngọt, deo dẻo tan trong miệng. Bây giờ thì nó đã quên hẳn cái cảm giác thất vọng vì bà lúc ban chiều.
“Khuya rồi, mình đi ngủ nha.” Nói rồi Hùng đứng lên, cởi cái áo ngoài để lên bàn. Kiên lững thững đi lại giường.
“Anh nằm ngoài, Kiên nằm trong để khỏi… rớt xuống giường.”
Nó nhìn Hùng, vẻ mặt phản kháng nhưng biết không làm gì được. Cái giường hẹp, nên chỉ mình Kiên nằm đã chiếm hơn một nửa. Hùng ngồi xuống, tấn mùng rồi nằm nghiêng. Đây không phải là lần đầu tiên Kiên ngủ chung với người lớn. Ở nhà, nhất là khi có đám tang trong xóm, Kiên luôn năn nỉ bà ngoại cho Kiên ngủ với vì… sợ ma. Bà gật gù cho phép nhưng lúc nào cũng kèm một câu: “Không phải ai chết thì cũng thành ma đâu con ạ!”
Hùng kéo một cái mền cũ đắp ngang cho Kiên, chỉ choàng một phần nhỏ ình. Lúc đầu Kiên thấy cái mền mùi ngai ngái, khó chịu nhưng từ từ quen dần. Một cơn gió lạnh vụt qua, len vào khe vách, tạt qua giường làm Kiên rúc nhẹ vào lòng Hùng. Anh choàng tay kéo nó sát vào, vỗ vỗ lưng rồi nói nhỏ “Ngủ đi Kiên!” Kiên có một cảm giác vui vui, lạ lạ. Nó rướn mắt lên nhìn Hùng nhưng chẳng thấy gì, chỉ cảm nhận một hơi thở âm ấm, dịu dàng phả qua mặt. Rồi nó chìm nhanh vào giấc ngủ…
Tiếng bập của con dao phay vào thớt đánh thức Kiên. Trời đã sáng nhưng vẫn đọng hơi lạnh của đất rẫy, âm ẩm, ươn ướt. Nó nhìn quanh căn chòi. Chỉ có bếp lửa đã nhóm như đêm qua, còn anh Hùng thì không thấy đâu. Xỏ đôi dép nhựa, nó đi vòng ra phía sau chòi. Hùng ngồi bên bờ giếng, đang róc rồi chặt đều những cành lá dừa. Dáng anh khum khum, đong đưa theo từng nhịp dao.
“Chặt lá dừa để làm gì vậy anh Hùng?” Kiên hỏi.
Hùng quay lại: “Thức rồi hả!” Kiên thấy mắt anh Hùng long lanh, đầy thiện cảm. “Để làm đuốc cho lễ động quan trưa mai!”
“Lá dừa chưa khô hết sao cháy được? Mà lại đốt đuốc giữa ban ngày?” Kiên thắc mắc.
“Ừ, kêu là đuốc chứ nó không cần cháy. Cây đuốc này giống như ngọn lửa soi đường cho vong linh người chết đi vào cõi âm. Dù ở cõi nào ai cũng cần ình một con đường. Em có nghĩ vậy không?”
Kiên ậm ừ, không có ý kiến. Nó chỉ biết các dì nữ tu dạy nó là chết thì về với Chúa, là lên Thiên Đàng. Nhưng thôi kệ, có ai chứng minh được ai đúng ai sai đâu nên tin ai cũng được.
“Có nồi cháo thịt trên bếp.” Hùng nói. “Kiên ăn đi rồi mình trở ra ngoài đám.”
Lúc nó ăn gần xong tô cháo thì anh Hùng trở vô chòi. Nó lại chán vì phải quay về với cái không gian nửa buồn bã, nửa rộn ràng kia. Kiên hỏi nhát gừng:
“Tối… tối nay anh có ra rẫy cho em đi theo nữa nha!”
Hùng đến sát bên Kiên. Nó nhận ra mùi quen thuộc chập chờn trong cơn ngủ đêm qua. Hùng nhìn sâu vào mắt nó: “Ừ, em trai!”
Tiếng trống cái gõ nhịp ba đều đặn, theo sau là tiếng chiêng, báo hiệu giờ động quan đã bắt đầu. Dàn cổ nhạc đánh hết cỡ vẫn không át nỗi tiếng khóc chốc chốc lại òa lên. Người người đi lại lăng xăng. Gần trăm chiếc máy cày đậu giữa đường, trên mỗi chiếc có một tràng hoa. Bà nói đám tang ông Hai to nhất từ trước đến nay. Rồi các nhà sư áo vàng đi trước một chiếc xe trang trí sặc sỡ, đẹp mắt, cẩn rồng. Có lẽ cái xe ấy là điều nó ưng hơn cả, so với xe tang của giáo xứ, chỉ có mỗi màu đen.
Kiên đi bên cạnh bà, chung đoàn với mấy người mặc áo sô trắng, lệt bệt bước, phờ phạc, mắt sưng vù, không biết vì thiếu ngủ hay rơi lệ. Đi được một đoạn nó bỏ tay bà chạy nhanh về phía trước. Nó chạy lên đầu hàng nơi có bó đuốc lá dừa. Nó đi tìm anh Hùng.
Đoàn người và xe vẫn tiếp tục tiến bước. Những cây cờ, phướn có ghi chữ Hán chao chao theo nhịp chân. Tiền vàng mã chốc chốc lại tung bay, lượn lượn trên không trung rồi xuôi theo chiều gió. Dù sống tốt hay xấu thì ai cũng xứnghuyến đi cuối cùng trang trọng. Kiên cảm thấy bồi hồi. Phải chăng đám tang là cửa ngõ đi vào ký ức với người đã khuất?
“Anh Hùng, cho em lên với!” Hùng đang đứng rồi quay người lại, nhìn về phía dưới máy cày. Anh quay lại mỉm cười với Kiên. Vẫn ánh mắt đôn hậu trên gương mặt xương xương. Kiên thấy anh Hùng cao ngất, gần như vĩ đại. Từng làn khói cuồn cuộn từ cây đuốc dừa từ sau lưng anh bốc ra, bay vào trời xanh, tạo thành một vệt dài, lồng lộng, lồng lộng…
Tiếng còi xe của người dượng làm Kiên giật mình. Thằng Hưng vẫn trố mắt nhìn, không hiểu có chuyện gì xảy ra trong nội tâm người khách của nó. Kiên lúng túng một hồi rồi rút một mẩu giấy trong ba lô, viết vội.
“Chú, chú… là một người bạn cũ của ba con. Đây là số điện thoại gia đình chú ở Biên Hòa. Con nói má nếu cần gì thì đừng ngại. Nhớ đừng bỏ học nha Hưng!”
Kiên cầm tay thằng nhỏ. Kiên gặp lại trong đôi mắt đó nét đôn hậu anh đã biết từ ngày xưa. Còn lại gói kẹo cao su, anh nhét vội vào tay nó rồi chạy ra ngoài.
Chiếc xe cũ lại vạch những đường ngoằn ngoèo trên đường đất đỏ chiều chạng vạng. Kiên ngoái lại, thấy những vệt khói bay bồng bềnh. Kiên nghĩ không cần tìm hiểu xem lời anh Hùng giải thích về dải khói có đúng không. Kiên cũng không muốn định nghĩa cái cảm giác mông lung mười lăm năm về trước ấy với anh Hùng là gì. Gán cho kỷ niệm một tên gọi chẳng phải sẽ vô tình bóp méo nó bằng một phán đoán hiện tại sao? Ba ngôi mộ với những làn như khói như mây chơi vơi trong đầu Kiên. Nó vô định, mỏng mảnh, nhẹ nhàng và phù du, như chính từng cuộc đời vậy. Nhưng nghĩ cho cùng chính “người chết nối linh thiêng vào đời” như ai đó đã hát. Điều còn lại là làm sao để nhận ra nẻo đường huyền diệu ấy giữa những hiện thực bươn chải và tất bật của đời mình…