Có một thời như thế
_ langduca _
Chiều công viên thật yên tĩnh. Đồng và Vĩnh ngồi như hai pho tượng trên băng ghế đá khuất sau những bồn hoa hồng trắng, những nụ hồng mong manh trước luồng gió nhưng vẫn cố tỏa ra chút hương dìu dịu cho đời.
- Mốt đi rồi, có nhớ gì hông?
- Nhớ chứ.
- Nhớ gì? - Đồng lí nhí trong cổ họng.
- Nhớ trường, thầy cô, bè bạn… nhớ nhà nữa.
- Hết rồi à?
- Còn chứ… còn hoa hồng trắng nữa, đẹp tinh khiết ra hoa mà không đơm quả, như những mối tình không có con.
- Sao nói lại lời của người ta. Vậy chớ có nhớ… tui hông?
- Hổng nhớ mà sao trốn ra đây.
- Ừ há. Dạo này đầu óc tui ngu quá à.
- Thì ngu chứ còn gì nữa.
- Nói tui ngu hả!
- Chứ hỏng phải sao tối đó kêu tui hôn giống trên phim, làm ấy đứa trong lớp biết rồi thì cả trường đều biết.
- Ai ngờ tụi nó rình mình đâu chứ. Mà anh cũng có phần lỗi, mới kêu là ôm hôn sát rạt à, không để ý để tứ gì hết, giờ thì trách ai.
- Trách em, ai biểu em như vầy thì anh phải như vậy thôi. - Vĩnh choàng tay lên vai Đồng.
- Mắc cười quá đi, tự nhiên trách tui. - ười rồi lách ra khỏi vòng ôm của Vĩnh nhưng Vĩnh kéo mạnh vào khiến Đồng bật thành tiếng kêu đau.
- Em bị làm sao vậy, kéo tay áo lên cho anh xem.
Đồng dùng dằng mãi nhưng Vĩnh nhất quyết kéo tay áo của Đồng lên. Từ ngay bắp tay những đường bầm xanh bầm tím kéo dài lên hai vai, còn cái lưng bình thường trắng trẻo giờ vằn vện những lằn ngang lằn dọc.
- Em lại bị ba đánh nữa hả? - Vĩnh gắt giọng còn đôi mắt nhíu nhỏ lại.
- Lần này không phải ba đánh em, mà ba của em mời được một thầy bùa đến nhà trục con ma ra khỏi người em. Ông thầy bùa làm phép rồi lấy roi đánh cho tan hết ma chướng trong người em ra ngoài.
- Ba má thấy em bị đánh như vậy mà để yên hả?
- Trị bệnh mà, má em cũng khóc nhưng ông thầy nói làm vậy thì con ma sợ. Nó chui ra khỏi người thì em hết thích con trai.
- Khổ cho thân em quá.
- Có khổ nữa em cũng chịu, nhưng phải xa anh thì em chắc là chịu không nổi.
Đồng sụt sùi cố kìm nước mắt lại nhưng không thể, Vĩnh luýnh quýnh ngó trước ngó sau rồi lấy tay lau nước mắt cho Đồng. “Anh đi lên Sài Gòn học vài bữa cho ba má anh vui rồi anh lại chạy về đây thăm em mà, nín đi, con trai khóc ngoài đường kỳ lắm”. Đồng nghe nói thế thì càng nhiều nước mắt hơn. “Anh đi, anh cũng nhớ em nhiều lắm.” Đồng ngả đầu vào vai của Vĩnh “nhớ nhiều là nhiều làm sao?”
- Nhớ em nhiều như sợi tóc. - Vĩnh khẽ luồn ngón tay vào mái tóc ngắn đen mượt của Đồng.
- Như sợi tóc thôi à?
- Tóc của em hôm nay dài hơn hôm qua một tí, anh nhớ em cũng mỗi ngày mỗi nhiều hơn.
Cả hai mãi trò chuyện ở công viên mà không bba má của Vĩnh đã cho người tìm kiếm Vĩnh khắp nơi, cuối cùng thì ba của Vĩnh gọi điện sang nhà của ba má Đồng. Sau vài câu hỏi thăm khách sáo thì hai nhà trở giọng tranh luận gay gắt, ai cũng bênh vực cho con của mình. Ba của Đồng giận đỏ mặt cúp máy, rồi đi tìm Đồng. Ông nghĩ một lúc và đi về phía công viên gần nhà.
- Đồng đứng lên ngay. Ba không ngờ con càng ngày càng sinh tệ. Con muốn ba má phải đeo mặt nạ mỗi khi ra đường thì con mới vừa lòng vừa dạ phải không?
- Dạ thưa thầy, con với em Đồng ngồi ở đây nói chuyện chơi chứ không có ý gì. Mong thầy đừng giận, đừng la mắng em Đồng.
- À, tôi đang dạy con tôi, tôi không nói chuyện với cậu. Cậu thuộc gia đình giàu có, con chủ hiệu buôn có tiếng mà, muốn làm gì thì làm ai dám nói động đến.
- Ba ơi, anh Vĩnh ngày mốt là đi Sài Gòn rồi, con hẹn anh Vĩnh ra đây là để nói chuyện chơi thôi.
- Nói chuyện mà choàng tay ôm nhau tình tứ, còn vuốt tóc hôn nhau. Trời ơi là trời! Người ta đã đồn khắp nơi là con với nó có chuyện bậy bạ, ba xấu hổ lắm rồi. Giờ nếu có thêm chuyện này thì làm sao ba dám vào trường học mà dạy ai. Thà là mày giết ba của mày đi, làm như vậy thì tao nhục lắm.
- Nếu thấy nhục thì nghỉ dạy đi. - Ba của Vĩnh từ xa bước lại, trên tay cầm điếu thuốc dang dở. - Con gà trong nhà quản còn không được mà muốn dạy con chim bay giữa trời sao?
- Ông anh nói gì lạ vậy?
- Tôi là ba của thằng Vĩnh. Con tôi có phần lỗi, tôi không né trách nhiệm nhưng tôi thì bận làm ăn bù đầu bù cổ, chứ đâu có rảnh rang như thầy mà có thời gian dạy con. Nghe vợ tôi nói hai năm trước thầy là giáo viên chủ nhiệm lớp của con tôi, thầy cũng có phần dạy nó, sao không dạy theo điều hay lẽ đẹp của ông bà truyền lại.
- Tôi…
- Còn thằng con của thầy nữa, cũng là một đứa không ra gì. Có cha làm thầy sao không hiểu đạo lý, xúi giục con cái nhà người ta vào con đường bậy bạ.
- Ba ơi, không phải đâu, là do chúng con tự nguyện mà. - Vĩnh nói nhanh.
- Mày im đi, con với cái!
- Ông anh nghe rõ rồi đó, chúng nó tự nguyện thì không phải lỗi một mình tôi không biết dạy con. Con của tôi là tôi có giáo dục đàng hoàng. Chẳng bao lâu nữa nó sẽ lấy vợ sinh con đẻ cái. Trước giờ nó luôn là một đứa hiền lành học giỏi thì sau này nó cũng sẽ là một người chồng tốt, cha tốt.
- Để tôi mở to mắt chờ coi cái thứ bệnh hoạn đó lấy vợ sinh con kiểu gì, chớ thằng Vĩnh con tôi thì phải học hành đến nơi đến chốn rồi lấy vợ sinh con nối dòng nối dõi. Nó là con trai duy nhất trong nhà, bao nhiêu tài sản của tôi sau này phải do nó gánh hết lo hết.
- Con xin ba và bác đừng nói qua nói lại nữa. Anh Vĩnh sắp đi Sài Gòn rồi nên con hẹn anh ra đây nói chút chuyện để… - Đồng nấc lên.
- Ông nghe chưa, thằng con của ông hẹn đó. Con của thầy giáo mà hư thân, dụ dỗ con người ta.
- Mày làm tao nhục quá, Đồng ơi!
- Làm mất danh dự gia đình của mình thì thôi đi, còn làm xấu gia đình của người khác nữa. Ông thầy nên về nhà dạy con cho tốt rồi hẳn dạy con cháu của người.
- Tôi xin lỗi ông anh, tôi sẽ dạy lại con tôi.
Ông thầy giáo xoa hai tay vào nhau.
- Mày còn đứng đó nữa sao? Về mau đi, nhục quá rồi.
Cha con Đồng vừa khuất dạng thì Vĩnh bất ngờ nhận ngay một cái tát vào mặt khiến cậu loạng choạng. “Khốn nạn! Tại mẹ mày nuông chiều mày quá nên mày hư hỏng. Tao có hẹn với bác sĩ trên Sài Gòn, mày lên đó chữa bệnh, học hành cho nên người. Sau này, tao làm ày một cái đám cưới nở mày nở mặt với người ta.”Ba ơi, con không muốn. Con thương Đồng mà.
- Về mau đi, suốt ngày kết bạn giao du rồi nhiễm phải thói hư.
Một chiều mùa đông, Đồng ngồi lặng yên bên chậu hoa hồng trắng…!
- Đồng nè, ngày mốt làm chú rể rồi, chiều nay con đi cắt tóc cho gọn đi.
- Con thích để vậy má à.
- Coi kìa, sắp làm chú rể mà mặt mày bí xị vậy, có chuyện gì thì nói cho ba nghe.
- Con vui mừng lắm chứ. Ba má vui là con vui mà.
- Không lẽ con không chịu hiểu câu “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại.”
- Con hiểu nên con đồng ý để ba ép con cưới vợ.
- Mày… hỗn. Tao đã nói bao nhiêu lần rồi mà mày…
- Ông đừng đánh nó nữa. - Bà giáo lên tiếng. - Chẳng lẽ ông muốn nó vác cái mặt sưng húp đi rước dâu sao?
Mùa xuân năm 1982.
Bàn thờ gỗ gụ khảm ốc xà cừ phô màu đen bóng loáng dưới ánh đèn sáng choang. Bên trên góc trái là dĩa trái cây lớn xếp hình một con rồng dâng châu còn bên phải là bình hoa cắm theo lối chim phượng hoàng triều nhật. Ngoài ra còn có đôi đèn cầy long phụng đỏ rực rỡ với cặp rượu tây và vài dĩa đồ ăn cúng lễ gia tiên thật nghiêm cẩn.
- Kính lạy tổ tông, sáng mai con sẽ qua nhà đàng gái rước dâu. Con không biết có thể ăn đời ở kiếp với nhau không. Con chỉ mong tổ tông hiển linh mà giúp con giảm bớt tội nghiệt.
Vĩnh vừa dứt lời thì bị lôi tuột vào phòng riêng. “Mày lạy tổ tiên như vậy đó sao!” “Chứ con không có thương yêu, sợ cưới về làm lỡ một đời con gái người ta thì mắc tội.” Ba của Vĩnh lấy tay vỗ trán một cái rồi lắc đầu.
- Sao tao nói hoài mà mày không rõ, đàn bà là cái bếp, là cái máy đẻ cho đàn ông. Mày cần gì yêu với thương.
- Nhưng như thế là bất công.
- Tao là cha mày mà tao không hiểu biết hơn mày sao? Mày sinh cho tao mấy đứa cháu rồi mày cứ ra đường bay nhảy sao tao cũng không nói. Nhà này phải có con cháu nối dõi.
- Con không muốn.
- Không muốn cũng làm, trứng làm sao khôn hơn vịt.
Một ngày mùa xuân năm 2010.
Đó là một căn nhà sáu tầng thường đóng kín cửa nằm gọn trên một góc đường Sài Gòn. Phía trước nhà là một khoảng sân rộng chỉ trồng một loại hoa duy nhất - hoa hồng trắng. Trong nhà có tổng cộng sáu người, tính luôn cô hai chuyên lo chuyện bếp núc quét dọn, nhưng chỉ có hai người thích những chậu hồng là ông Vĩnh và cậu con trai út tên Trường.
- Chị hai ơi, sao chị không dọn đống giấy lộn xộn trên bàn đi. - Ông Vĩnh về nhà sớm, vừa bước vào đã nói lớn như ra lệnh.
- Dạ, cái đó là quà tặng mà cậu Trường đang gói dang dở để tặng cho bạn chiều nay, cậu có nói là vào phòng nghe điện thoại một chút rồi ra gói tiếp.
“Hôm nay là ngày lễ tình nhân!” Ông Vĩnh lẩm bẩm rồi mỉm cười bước lại gói quà. Đôi mắt ông chăm chú nhìn rồi nhíu lại, mặt trắng bệch ra như vừa nhìn thấy điều gì đó khủng khiếp lắm. “Phải cứu nó ra khỏi ngộ nhận, nó còn chưa tới hai mươi tuổi mà.”
- Cậu Thuận, tôi chỉ muốn chốt lại một câu. Cậu có đồng ý nói lời chia tay với thằng Trường không? - Ông Vĩnh nắm bàn tay thành quả đấm.
- Thưa bác, chúng cháu yêu nhau. Chúng cháu hứa sẽ cùng nhau vượt qua bao trở ngại, sẽ chống lại những định kiến xã hội đè nặng lên chúng cháu.
- Chống lại à! Ai chống, chống ai, chống cái gì? Có phải cậu định xúi giục con chống lại cha mẹ, cháu cãi lại ông bà? Xét thấy cậu là người có ăn có học mà sao nói chuyện vô luân thế!
- Cháu không có ý đó, cháu chỉ muốn nói là chúng cháu sẽ sống đúng sống thật với bản chất của chính mình. Giống như có người thì ghiền cà phê còn người khác thì dị ứng. Thời buổi bây giờ, chuyện đồng tính đã cởi mở hơn. Đời sống mới con người có tự do, mong bác tôn trọng. - Thuận bấu tay vào thành ghế, mồ hôi chảy dài trên má, đóa hồng trắng trong lọ nhòe đi trước mắt cậu.
- Cậu định dạy tôi ăn theo thuở, ở theo thời à! - Ông Vĩnh chua chát.
- Chúng cháu cũng là đàn ông, nhất định sẽ sống có dũng khí, dám làm dám nhận, sống không dối lừa ai.
- Vậy cậu có dám đánh cược với tôi không?
-…? - Thuận lo sợ nhìn cha của người yêu nhấp một ngụm cà phê.
- Trong vòng ba ngày, nếu cậu có thể dẫn người nhà của cậu đến gặp tôi thưa chuyện thì tôi sẽ để mặc tình cho cậu quen con tôi, tôi làm ngơ nhưng tôi không đảm bảo là con tôi sẽ không bỏ cậu.
- Cháu…!
- Cứ quyết định thế. - Ông Vĩnh đứng lên định bước ra về nhưng vẫn ngoái đầu lại lần nữa. - À, sợi dây thắt lưng trên người cậu là do thằng Trường xin tiền tôi mua hồi lễ tình nhân đó.
- Sao ba biết con buồn chuyện tình cảm? - Thuận thở dài nằm xuống bộ ván bên cửa sổ.
- Má con mất khi đẻ con út được tám tháng. Từ đó ba vừa làm cha vừa làm mẹ, sao lại không hiểu rõ tính ý từng đứa con.
- Chuyện này khó nói lắm. - Thuận lắc đầu, ngó lên bàn thờ má rồi chuyển ánh nhìn mông lung lên mái ngói đã bạc màu rêu.
- Con nói thật đi, sao thằng Trường không về chơi cùng con. Lần trước nó còn dặn ba để dành mấy trái dừa sáp. Thằng đó là người tốt, còn nhỏ mà biết cư xử chín chắn. Bộ hai đứa cãi nhau à?
- Ba muốn nói ý gì vậy?
- Con là đàn ông. Ba thường dạy con dám làm dám nhận.
- Ba…!
- Nếu chọn được một người bạn tốt thì không bao giờ bị lầm trong khi nếu chọn một người đẹp hay một người giàu thì có thể bị lầm.
- Dạ… con nói! Chúng con khổ tâm lắm, ngay khi quen nhau đã hiểu rằng sẽ khổ nhưng chúng con không thể…
Sài Gòn như một dòng nước chảy xuôi về bến văn minh, có lúc vật vã với bao ghềnh thác có lúc trầm lắng tựa như đứng yên. Nhưng Sài Gòn vẫn tiến lên, từng giờ từng ngày thay đổi. Trăm năm trước Sài Gòn ra sao, trăm năm sau Sài Gòn như thế nào? Tất cả đều do sức người kiến tạo, có bàn tay và khối óc của con người thì những con đường mới được mở ra.
- Sài Gòn về đêm thật khác với Sài Gòn ban ngày.
- Ba ơi, về rồi kìa! Chiếc xe ô tô màu trắng đó. - Thuận reo lên, chỉ tay về phía bên kia đường.
Thuận nắm tay ba của mình, tất tả bước về nhà có những bụi hoa hồng trắng thật lớn. “Thưa bác, cháu dẫn ba cháu lên gặp bác, còn vài giờ nữa mới hết ngày ạ.”
- Xin lỗi ông anh, ông có phải là ba của cháu Trường.
- Ông… ông là….?
- Là cha đẻ của thằng Thuận…. Chứ còn ai nữa!
- Có thật là…
- Nếu không tin thì mời ông xem giấy tờ. Thuận! Lấy giấy hộ khẩu, chứng minh thư ra đi con.
- Lúc nào ông cũng cẩn thận thái quá... Tôi nghĩ chúng ta cần nói chuyện với nhau, mời xe đi.
- Được. Thuận ở lại chờ ba.
- Ba có quen…? - Thuận ngạc nhiên quá đỗi.
Quán cà phê nằm khuất trong một con hẻm thật tĩnh lặng, xứng với tên của nó. Lặng thinh một lúc rồi ông Đồng mới từ từ cởi bỏ cái nón vải, ông tháo búi tóc màu muối tiêu, thả ra đã dài ngang lưng.
- Có mấy lần tôi ngủ quên thì bị vợ cắt tóc hay mấy đứa con tôi cắt lén chứ mà còn tỉnh táo thì không ai cắt được tóc tôi. Ông có biết vì sao không ông Vĩnh?
- Chuyện xưa quá rồi mà còn cố chấp.
- Nghĩa là ông cũng còn nhớ. Sân nhà ông nở những bông hồng trắng, mà không hái vào thì… phí hết mấy cái bông.
- Đâu phải ai cũng thích hoa hồng trắng!
- Cũng như đâu phải ai cũng tán thành chuyện hai cậu con trai đến với nhau vì yêu.
- Ông muốn ám chỉ chuyện của con ông và con tôi. Ông biết tôi là cha nó từ trước rồi phải không?
- Thằng Trường có về nhà tôi chơi vài lần, nó giống ông như đúc nên tôi nhìn ngờ ngợ, đến chừng hỏi chuyện gia đình thì tôi biết nó là con ông.
- Tôi rất thương thằng con này, tự hào về nó nhất, nó hiếu thảo học hành giỏi dắn.
- Ngày xưa cũng có hai người con trai thương nhau mà bị gia đình chia rẽ. Lúc đó còn mang nặng tư tưởng cha mẹ đặt đâu thì con phải ngồi đó.
- Nó phải lấy vợ, sống hạnh phúc như bao người khác.
- Hai bên gia đình ép buộc nên hai người con trai đó phải lấy vợ. Một người đã ly thân từ lâu, sống chung nhà chỉ vì con nhưng căng thẳng đến nỗi không nói với nhau một lời. Một người thì vô ý để vợ phát hiện những bức thơ tình nên vợ uất ức uống thuốc ngủ tự tử, mấy đứa con không biết rõ lý do cứ nghĩ là chuyện tai nạn. Hạnh phúc gia đình chỉ là lời che đậy cái bất hạnh cái oan nghiệt, bản thân khổ còn kéo theo những người xung quanh cùng đau.
- Nhưng tôi với nó có hoàn cảnh sống khác nhau. Biết đâu là nó ngộ nhận. Thời buổi giờ tràn ngập thông tin, tốt, xấu, nhảm nhí đều có.
- Ngày xưa là đời sống khép kín cũng còn có những chuyện như vậy kia mà.
Một người nói chuyện hiện tại, một người kể chuyện của những ngày xưa, người đi ngang có lẽ không hiểu được. Nhưng họ cứ nói đến quên cả thời gian, từ chuyện con cái, chuyện vợ chồng đến chuyện chia tay, chuyện đè nén, chuyện dằn vặt của ba mươi năm. Quán đóng cửa, họ chào nhau khách sáo nhưng còn một câu nói cứ văng vẳng “Như tôi đã hứa. Chuyện của chúng nó thì tự chúng nó quyết định, tôi chỉ cầu mong con mình luôn vui vẻ hạnh phúc mà thôi! Cha mẹ ai mà không thương con.”