Đạo gia Dưỡng sinh thuật dựa trên cơ sở quan hệ tương sinh tương khắc của ngũ hành, rồi từ đó tiến hành điều khiển hợp lí các loại linh lực khác nhau đến chăm sóc những chỗ khác nhau trên cơ thể. Tỉ như tim hành hỏa, nếu đưa thủy linh lực đến sẽ làm tim suy yếu, nhưng đưa chính hỏa đến lại làm tim hoạt động mạnh quá mức mà dẫn tới suy, tốt nhất là dùng mộc hệ linh lực. Vì mộc sinh hỏa, dùng mộc linh lực nhẹ nhàng chăm sóc thì tim sẽ càng ngày càng khỏe, không những vậy, những thức ăn có nguồn gốc từ mộc cụ thể là các loại rau xanh sẽ khiến tim càng khỏe hơn.
Trong cơ thể con người có lục phủ ngũ tạng đều được Dưỡng sinh thuật trình bày rõ các cách rèn luyện nhằm tăng cường chức năng và sự dẻo dai, kéo dài tuổi thọ. Nếu tu luyện tốt thì chưa cần đột phá Trúc cơ đã có thể sống đến một trăm năm mươi tuổi. Nếu kết hợp với việc gia tăng thọ mệnh thì sẽ tăng tuổi thọ lên một khoản lớn, thư tịch ghi lại Trúc cơ tăng tối thiểu năm mươi năm thọ mệnh, chỉ là tối thiểu thôi, nếu dưỡng sinh tốt thì tối đa có thể tăng lên đến một trăm tuổi, tức là tuổi thọ kéo dài lên đến hai trăm năm mươi năm. Hai trăm năm mươi năm thì chỉ cần dùng một loại linh dược gì đó kéo dài thêm năm mươi năm tuổi thọ nữa là đã sống lâu ngang với một tu sĩ Chân linh kì bình thường. Qua đó mới thấy việc Dưỡng sinh là quan trọng đến thế nào, nhất là đối với người tu luyện phải giành giật từng chút thời gian với thiên địa.
Dưỡng sinh thuật ngoài tăng cường sự khỏe mạnh còn có tác dụng tăng cường kết nối các bộ phận cơ thể với nhau làm cơ sở quan trọng cho việc tu luyện sau này.
Triệu Thiên Bình mỗi ngày trừ thời gian vận công một tiểu chu thiên ra thì đều dành thời gian nghiên cứu Dưỡng sinh thuật ở tiểu viện của mình. Vì không đến Truyền Đạo đại điện nên việc nương nhờ sự trợ giúp của Vân năng cũng yếu đi, nhưng lại được cái ổn định hơn so với trong trận pháp, khiến cơ thể có thời gian tiếp nhận sự thay đổi, do đó căn cơ càng thêm vững chắc. Một ngôi nhà muốn xây cao thì nền móng phải thật chắc chắn, cây muốn mọc cao thì gốc rễ phải thật vững vàng, việc tu luyện tuy cao thâm hơi nhưng cũng chung một nguyên lí như vậy. Đó cũng là lí do mà chẳng ai sau khi học tâm pháp rồi lại chui vào Diệu Vân Kinh trận pháp mà tu luyện cả, trừ những kẻ nhập ma.
Trải qua mười ngày tu luyện Dưỡng sinh thuật Triệu Thiên Bình cơ bản có thể liên kết sự vận hành của linh lực trong cơ thể qua các nơi một cách thuận lợi, không những thế mỗi ngày nó còn dựa vào cơ sở dưỡng sinh thuật mà kích hoạt một khuyết huyệt khiến linh khí có thể dễ dàng thu nạp vào cơ thể nhiều hơn, và điểm quan trọng cuối cùng là tam vị đan điền cũng được câu thông sơ bộ. Việc tiếp theo là tiến hành chuyên sâu trong việc vận dụng linh lực để rèn luyện cơ thể. Nếu không linh lực được sinh ra liên lục, nhưng kinh mạch còn yếu ớt của Triệu Thiên Bình thì chỉ cất chứa được một lượng linh lực nhất định mà thôi, khi đó tu luyện sẽ trở thành lãng phí. Việc trui rèn không chỉ nằm ở thân thể mà ý thức cũng phải được tiến hành đồng thời, khí đó ý thức mới đủ khả năng làm chủ cơ thể, để không dẫn đến tình trạng giống như người lớn mang ý thức trẻ con vậy. Nhưng đến đây phải bắt tay vào học đệ tam thiên Vân Tưởng để tìm ra cách vận hành linh lực cường hóa ý thức, vì Nê hoàn là thứ yếu ớt nhất trong cơ thể, nếu tự động vận hành một cách bừa bãi thì sẽ dẫn đến những nguy hiểm khó lường nhẹ thì tẩu hỏa nhập ma, nặng chút thì ý thức bị phá hỏng dẫn đến sống mà như chết, hoặc chết luôn cũng không biết chừng.
Vân Dẫn thiên phải chịu sự đau đớn thể xác trong khi học nhưng Vân Tưởng thiên thì không có đau đớn như vậy vì ở đây chỉ vận dụng linh lực và ý thức để học mà thôi. Điều đó khiến thể xác không bị tổn thương, nhưng bù lại ý thức sẽ dễ bị mệt mỏi hơn, trừ khi may mắn tìm ra lập tức cách thức vận hành linh lực chăm sóc não hải. Cứ thử so sánh Vân Dẫn thiên với cơn ngứa trong xương thịt thì Vân Tưởng thiên lại như phải chịu đựng hàng loạt những giấc mơ khác nhau để chọn ra cái nào khiến ta cảm giác thoải mái nhất, mà không thoải mái thì có thể là ác mộng không chừng. Cảm giác nhận được trong giấc mơ thông qua sự vận hành của linh khí tác động đến vân năng là chìa khóa chính để tìm ra cách vận hành linh lực rèn luyện ý thức tốt nhất. Sự vận hành vân khí đó sẽ trở thành phương pháp nhập môn rèn luyện linh thức, đó coi như sự khởi đầu và cũng là căn cơ thể tiến hành các đạo thuật rèn luyện ý thức và linh thức sau này. Vân Tưởng đúng sẽ khiến ý thức được rèn luyện theo cách phù hợp với bản tâm nhất, từ đó tạo tiền đề quan trọng để giữ vững bản tâm trên suốt con đường tu luyện.
Mà muốn mơ tất nhiên là phải ngủ. Việc đầu tiên Triệu Thiên Bình phải làm lúc này là tập “ngủ” trong trận pháp, “ngủ” trong trạng thái vẫn vận hành linh lực. Ngủ có nghĩa là cơ thể và ý thức được thả lỏng, nhưng vận hành linh lực cần phải có sự điều khiển của ý thức. Điều đó tuy có sự mâu thuẫn nhưng không phải không làm được. Cơ thể con người khi ngủ vẫn có một số hoạt động diễn ra không ngừng nghỉ, tỉ như hít thở. Đó là một hoạt động mà con người có thể chủ động điều khiển được, nhưng khi không điều khiển thì nó vẫn diễn ra, điều Triệu Thiên Bình cần làm bây giờ đó là biến việc vận hành linh lực trở thành một hoạt động theo bản năng như vậy.
Đây là một điều cực kì quan trọng trong quá trình tu luyện của tu sĩ. Cho dù là đạo hạnh cao đến đâu thì ý thức vẫn cần một khoảng nghỉ ngơi tĩnh tu, chứ đừng nói đến tu sĩ nhỏ bé như nó. Việc luyện tập để khiến sự vận hành linh lực thành bản năng không chỉ giúp việc tu luyện tăng tiến, giảm áp lực lên ý thức mà trong một số trường hợp cũng rất quan trọng. Tỉ như trong chiến đấu, khi cần thi triển một đạo thuật gì đó không cần phải lục lại trí nhớ xem phải vận hành linh thế nào, đọc pháp quyết ra sao, niệm thủ ấn gì mà chỉ cần muốn thì bản năng cơ thể sẽ phối hợp tất cả các động tác để pháp thuật có thể tung ra một cách nhanh nhất. Vận hành linh lực thành bản năng vô thức chỉ là một bước khởi đầu mà thôi. Mọi thứ chỉ cần luyện tập là có thể làm được.
Tụng niệm pháp quyết, lần này Triệu Thiên Bình không để Vân năng đi vào cơ thể để luyện hóa linh khí mà sử dụng linh lực của mình điều hướng để nó tác động vào Nê hoàn mang lại cảm giác vân du ảo mộng đến cho ý thức. Nhưng cảm giác và mộng lại cách nhau một giấc ngủ. Nó phải luyện đến khi nào vừa ngủ vừa làm thì mới xem là thành công bước đầu của Vân Tưởng.
Cứ thế vài ngày trôi qua trong sự vận chuyển linh lực nhàm chán đến mức buồn ngủ. Đến ngày thứ năm thì nó đã nắm bắt tương đối, đến ngày thứ bảy thì biến thành bản năng. Lúc này Triệu Thiên Bình bắt đầu chìm đắm vào những giấc mơ tu luyện mà trong thư tịch định nghĩa hai chữ Mộng đạo.
Khi cơ thể và ý thức thả lỏng chìm vào trạng thái ngủ, linh lực được bản năng vận hành dẫn vân năng vào não hải, lúc này vân năng không xâm nhập mà chỉ đóng vai trò dẫn dắt ý thức hòa trộn trong sự vận động của Vân khí mà thôi.
Vân khí hung bạo như một con dã thú khát máu, nó như sát thần vô tình chém giết tứ phương, tận diệt sinh linh vô số, tru sát thần phật khắp trời. Xương trắng đầy đồng, máu chảy thành sông. Cả không gian nhuộm một màu huyết hồng, không khí xộc lên một mùi tanh nồng của máu huyết. Nó đứng đó giữa thiên địa tịch không mà cảm thấy sát tâm chưa thỏa, sát khí chưa ngủi, giết,, ta muốn giết, giết thêm nữa, nhiều hơn nữa…
Triệu Thiên Bình giật mình tỉnh lại mà toàn thân toát mồ hôi lạnh, cặp mắt đỏ ngầu vì đau đầu còn tay chân thì run cầm cập. Cảm giác khủng khiếp còn hơn xa những lần nó chứng kiến những cảnh tượng máu tanh vậy. Nó hít thở dồn dập lấy lại bình tĩnh rồi lắc đầu nguây nguẩy:
-Không được, quá không hợp rồi. Mình xui vậy, mới chỉ lần đầu đã khủng khiếp như thế.
Vân khí dao động từng nhịp, nó như cao tăng đắc đạo gõ mõ đi phổ độ thế gian, trừ tà ma, hàng yêu thú, độ hóa kẻ lầm đường lạc lối. Triệu Thiên Bình tỉnh dậy thốt một câu:
-Mệt chết.
Nó thật sự không hợp với sự gò bó quy tắc nhiều như vậy.
Vân khí dồn dập như chiến thần vũ động, lấy một địch trăm không biết mệt mỏi, binh khí tung hoành, linh lực bành trướng, đất trời như rung chuyển. Trong mộng không mệt mỏi nhưng người mộng thì mệt rã rời:
-Cảm giác không tệ, nhưng chiến đấu vô nghĩa để làm gì cơ chứ. Vẫn không hợp.
Vân khí yên lặng, một cái cây xanh trên mặt đất đâm chồi nảy lộc rồi từ từ lớn lên rồi lại lớn lên, yên bình không chút sự cố. Triệu Thiên Bình tỉnh mộng mà phải ngáp một cái:
-Chán chết.
Ngày qua ngày, hết nằm mơ rồi lại nằm mơ. Những giấc mơ tuy sinh động thật đấy, cũng có vài lần làm nó thật sự phấn khích, như trong một giấc mơ nó thấy mình được một tá tiểu muội muội xinh đẹp bao quanh chăm sóc đủ kiểu, sung sướng làm nó muốn quên tỉnh lại nhưng khoái thì có khoái, đó vẫn không phải cảm giác làm nó thật sự thoải mái.
Hay nói đúng ra nó vẫn chưa hiểu từ thoải mái mà sư phụ nói đó thật sự là như thế nào. Nhưng trong mỗi giấc mơ nó đều không thể đạt được sự hài lòng thật sự.
Thời gian thì trôi đi không đợi người, lúc này đã lại qua thêm hai tháng. Mộng đạo thật sự không giống giấc mơ bình thường, tưởng chừng như khoảnh khắc nhưng cũng như cả đời, một giấc mộng ngắn thì nửa ngày, mà dài thì đến khi nó sắp chết mới tỉnh lại nổi, nó tính ra ít nhất cũng năm ngày.
Hôm nay từ tiểu viện bước ra nó không vội vàng đi đến Truyền Đạo đại điện nữa mà từ từ dạo bước. Một sự yên tĩnh, thỉnh thoảng vài tiếng chim líu lo thánh thót vang lên không làm phá tan bầu không khí đó mà còn làm thiên nhiên thêm vắng vẻ, Vân Trung Cư vẫn luôn như vậy, một nơi xây lên một đại viện khổng lồ mà trừ thiện phòng ra thì chẳng có thấy ai. Môn nhân đệ tử khi học xong tâm pháp sẽ tự mình xây một động phủ nhỏ trên núi để tu luyện, còn tòa đại viện này chỉ để dành có dịp tiếp khách hay có điển lễ gì đó sắp tổ chức thì mới có người, hoặc là đệ tử nhập môn như nó. Nhưng với cách tuyển chọn đệ tử của Lưu Vân Tông thì muốn có một đệ tử mới là điều khá hiếm, một năm chẳng có một hai con cháu môn nhân đến tuổi để gia nhập, vài năm cũng không có một người vượt Vân chướng, còn đệ tử nhặt được trên giang hồ thì cũng tùy hứng mấy vị trưởng giả. Cả Lưu Vân Tông chỉ có một khu vực tương đối nhộn nhịp, đó là Vân Đài. Nơi đó có Lưu Vân Thư Viện, Khố Phòng, vài khu vực nhỏ sinh sống và trao đổi của những đệ tử ngoại môn.
Nói đến náo nhiệt nhất Vân Trung Cư này trừ thiện phòng chắc phải là hồ sen. Thiện phòng là nơi tập trung của con người còn hồ sen là nơi lũ cá tụ tập. Triệu Thiên Bình nhìn ngắm lũ cá tung tăng dưới nước, con nào con nấy cũng to cũng khỏe, một con cá ở đây so với cùng loại khi nó thấy ở dưới sông ít nhất cũng to gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Được sinh sống ở nơi tụ hội nhiều linh khí, lại được cho ăn đầy đủ, lũ cá này không phát tướng mới là lạ. Chứ như lũ cá trên sông, tìm cái ăn cũng đã đủ mệt. Tính trẻ con nỗi dậy, Triệu Thiên Bình liền thò tay chụp xuống nước một phát. Trên tay liền có ngay một con cá to tướng. Bỗng chốc nó sững người.
Nó không dùng động tác quá nhanh nhưng vẫn nắm lên được một con cá. Nếu với tình huống như vậy ở Vô Căn Hà lúc trước thì chắc chắn lũ cá sẽ chạy trốn rất nhanh trước khi tay nó kịp chạm vào mặt nước, nhưng bây giờ thì quá dễ dàng. Nó biết điều này chắc chắn không phải do mình vì chỉ muốn nghịch nước thôi nên nó chả nhanh để làm gì, vậy thì chắc chắn vấn đề nằm ở con cá, nó quá chậm. Nói cách khác so với lũ cá ở Vô Căn Hà thì cá ở đây tuy to khỏe hơn nhưng cũng chậm chạp hơn nhiều. Triệu Thiên Bình vứt con cá xuống nước rồi đi thẳng. Mục tiêu của nó là Truyền Đạo Đại Điện.
Nó nhận ra một điều rằng tự do sinh tồn là một phần không thể thiếu để nâng cao bản năng của sinh linh. Một con cá tự do mặc dù gầy ốm hơn cá nuôi đấy, nhưng sức sống mãnh liệt hơn nhiều. Triệu Thiên Bình cũng muốn tự do, tự do là tự mình nắm lấy. Nó không muốn làm một con cá nằm trong một cái hồ, nó muốn thoát khỏi cái hồ đó, thoát khỏi những thứ ràng buộc bản thân, mà nó bỗng nghĩ ra những gì mình đang làm chẳng khác gì là bơi trong hồ cả.
Người tu đạo luôn có con đường của riêng mình, chính sư phụ nó cũng nhất mạnh nó sau này phải tự dựa vào mình là chính. Thế mà nó từ khi tu luyện đến giờ vẫn chỉ làm theo những gì được chỉ dạy. Hôm nay nó muốn tự do một lần.
Tại sao phải để Vân khí dẫn dắt cảm xúc của chính mình.
Tự thân ta sẽ dẫn dắt.
Ta muốn gì.
Ta muốn được tự do như cơn gió kia.
Triệu Thiên Bình tự nhủ với mình rồi tiến vào trạng thái tu luyện. Nó bắt đầu tự ý thức như một cơn gió, rồi từ đó dẫn dắt linh lực để điều khiển ngược lại sự vận hành của mộng đạo.
Một cơn gió.
Không hình không dạng mà muôn hình muôn vẻ.
Gió tiễn đưa chiếc lá khô về cội.
Gió lung lay mặt nước.
Gió bào mòn đá sỏi.
Gió phủ mờ thời gian.
Một cơn gió.
Lúc nhẹ nhàng phiêu du có thể len lỏi qua từng ngọn cỏ khe đá.
Lúc mạnh mẽ cuồng bạo có thể hủy diệt cả đất trời.
Không nơi nào không đến được.
Không chỗ nào không ghé qua.
Ta như cơn gió.
Phiêu du đến cùng trời cuối đất.
Không gì có thể ngăn cản được.
Triệu Thiên Bình tỉnh dậy với cảm giác mãn nguyện chưa từng có. Chính là như vậy, chính là cảm giác này, cảm giác nó đã chờ đợi rất lâu.
Nhưng đó chỉ là mộng. Một giấc mộng mang đến sự thỏa mãn thật đấy, nhưng vẫn chỉ là mộng thôi. Kìm chế cảm giác hưng phấn, Triệu Thiên Bình nắm chặt quyền quyết tâm nói:
-Ta nhất định sẽ trở thành một cơn gió thật sự!