Mùa đông tháng 11, Công bộ hữu thị lang Lê Hán Đình và Hàn lâm viện thị thư Vũ Dương đi sứ phương Bắc. Mật thư họ gửi về triều đình ca ngợi dưới những năm Hoằng Trị quốc thái an dân, hoàng đế Đại Minh là bậc minh quân hiếm có.
Vua Hồng Đức nghe bản tấu, miệng cười nhưng lời lẽ đôi phần khinh thường: "Bọn Đình Dương ấy lẽ nào là lần đầu thấy được minh quân?"
Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm tâu: "Hồi đức thánh thượng, Hoằng Trị đế là bậc đế vương duy nhất không nạp thê thiếp. Đây cũng là ý tiến bộ tránh họa tranh sủng các phi tần và hoàng tử, lại phòng được chuyện đế vương ham mê tửu sắc không màn quốc sự."
Thánh thượng tặng Nghiêm điệu cười khẩy: "Khanh là Ngự sử, quả nhiên lời nói có lý lẽ. Chiếu theo ý tứ của khanh, trẫm không xứng đáng là bậc minh quân chăng?"
Biết lời nói bản thân có phần phạm thượng, Quách Hữu Nghiêm vội quỳ xuống, không nói lời nào.
Thái tử muốn tình hình giảm căng thẳng, bèn lên tiếng: "Thưa phụ hoàng, Quách ngự sử làm quan đã hơn ba mươi năm, một lòng trung thành với phụ hoàng. Y chỉ là đang thật lòng nhắc nhở tuyệt nhiên không có ý mạo phạm". Đột nhiên, thái tử bắt gặp ánh nhìn sắc lẹm hướng về mình, nhanh chóng cúi đầu.
Vua Hồng Đức nghiêm nghị: "Từ khi trẫm đăng cơ đến nay, Quang Thuận mười năm củng cố đất nước sau biến Thiên Hưng, Hồng Đức hai mươi lăm năm dân cư an yên, trong ngoài tốt đẹp, lại mở mang được bờ cõi. Trẫm có nhiều cung phi nhưng vẫn chu toàn quốc sự, các khanh nói xem, theo lý lẽ của bọn Đình Dương Nghiêm, phải chăng đế vương phương Bắc suy cho cùng lại kém xa trẫm?"
Thái tử thấp thỏm như muốn nói nhưng rồi lại thôi. Thánh thượng nắm được suy nghĩ của con, đưa tay chỉ về phía bề tôi bên dưới dưới: "Tranh, hãy nhớ lấy lời của họ, con cũng nạp thê thiếp, đừng nên đắm chìm tửu sắc bằng không hỏng chuyện đại sự. Lời nói thật thường làm phật ý, trẫm hiểu nỗi lòng của Quách ngự sử là nỗi lòng chung của các khanh, có điều, các khanh quên rằng bản chất vốn kém thì dù độc thê hay nạp thiếp cũng không thoát khỏi họa diệt vong."
Thái tử chấp hai tay với nhau, cung kính cúi đầu: "Nhi thần xin ghi nhớ lời dạy của phụ hoàng."
Cùng lúc đó, chúng quan cũng quỳ xuống, hô to thánh thượng thánh minh.
Vua Hồng Đức nhân đấy, sai bọn Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đông các hiệu thư Ngô Luân, Ngô Hoán cùng các Hàn lâm viện thị độc, Hàn lâm viện thị thư, Hàn lâm viện thị chế, Hàn lâm viện hiệu lý và Hàn lâm viện kiểm thảo họa vần tập thơ Quỳnh Uyển cửu ca gồm: đạo làm vua, tiết làm tôi, vua sáng tôi giỏi...
Thánh thượng vừa ra khỏi điện Tường Quang thì hay tin thái hậu không khỏe, ngài liền bãi giá đến Thừa Hoa điện.
Thái hậu ho khan vài tiếng, cung nữ già cẩn thận bưng bát thuốc vừa mới sắc cho bà. Thánh thượng cầm bát thuốc nóng, múc từng thìa vừa phải, thổi cho nguội rồi đút cho thái hậu. Mỗi lần bà bệnh, dù nặng dù nhẹ, vua Hồng Đức đều đích thân chăm sóc, dù chính sự bận rộn đến đâu, ngài cũng không quên cầu phúc cho mẫu hậu của mình.
Thái hậu cảm động, lời nói hiền từ: "Tuy con luôn ân cần như vậy nhưng thân già này chỉ dám nghĩ có lẽ do phúc đức tích tụ mới được ông trời ban phước lành thế này."
Thánh thượng lắc nhẹ đầu mỉm cười: "Là nhi thần hưởng lây phúc báu của mẫu hậu."
Ngài chuẩn bị thìa thuốc tiếp theo thì thái hậu ra hiệu không cần nữa. Chắc có lẽ vị thuốc này hơi đắng, với người lão niên lúc nào cũng cảm thấy đắng miệng thì thái hậu không muốn uống cũng là chuyện bình thường.
Thái hậu nhận chiếc khăn nhỏ từ nữ hầu, lau nhẹ môi rồi lệnh cho hạ nhân ra hết bên ngoài. Vua Hồng Đức lòng nghĩ về Kinh vương, thoáng chút ưu tư, ngài nói: "Gần đây, Kiện thể hiện khá xuất sắc mọi mặt thi phú, võ nghệ. Lại hiếu kính các di nương khiến cung phi ai nấy đều thích. Cũng đã gần hết một năm, lần yết lăng tẩm, thái miếu của năm mới, nhi thần sẽ đưa Kiện đi theo."
Thái hậu gật đầu đồng thuận: "Vậy cũng tốt! Mọi lần chỉ mỗi thái tử, nay Kiện đã lớn, để anh em chúng giúp đỡ nhau. Cũng là để tổ tông nhìn mặt trưởng tử và ấu tử của hoàng thượng."
Thánh thượng chần chừ nói: "Kiện là hoàng tử duy nhất đi..." Chưa dứt câu, thái hậu liền không đồng tình: "Việc bái tế lăng tẩm bắt buộc phải có thái tử đại diện cho các nhi tử của hoàng thượng. Nay con để Kiện đi, há chẳng phải ý định muốn thay ngôi thái tử sao?"
Không có lời phản bác, cũng chẳng lên tiếng xác thực, thánh thượng thuận tay đưa tách chè uống một ngụm. Thái hậu thần sắc nghiêm trọng: "Ta biết con bất mãn chuyện các hoàng tôn mâu thuẫn, kể cả Tranh cũng không ngờ rằng mọi chuyện xảy ra như thế. Nó cũng đã xử phạt phân minh. Con đừng vì chút lỗi mọn mà quyết định hồ đồ."
Thánh thượng còn chưa kịp lên tiếng, bà nói tiếp: "Tranh là đứa cháu cầu tự, là ông trời cảm thương thân già này ngày đêm thành tâm khấn vái nên sai Thiên Lộc tinh giáng xuống. Đứa trẻ này hội tụ đầy đủ trí tuệ và đức hạnh, là tương lai của xã tắc."
Thánh thượng thở dài, thái độ của ngài làm thái hậu tin chắc điều bà lo lắng là sự thật, bà lộ vẻ thất vọng: "Ta biết con luôn tiếc thương Kính phi nên nhất thời hồ đồ muốn trao ngôi thái tử cho con nàng ta nhưng chuyện của cung phi không liên can đến hoàng tự. Huống hồ sự việc này còn chẳng được rõ ràng, Quý phi ở Vĩnh Ninh cung đã bị con cấm túc chỉ vì lời nói của một hạng tỳ nữ thấp kém, có tội hay không còn chẳng tra ra được. Chẳng phải Kính phi ra đi ở phủ của Tảo sao? Ngay cả Tảo, dưỡng tử của Kính phi còn nói rằng nàng ta đơn thuần là do băng huyết sau sinh mà ra đi thì con ở đây lại tin đàm tiếu xằng bậy."
Thánh thượng gật đầu nhè nhẹ nhưng sắc mặt vẫn chẳng dao động. Lấy cớ chính sự còn nhiều, thánh thượng cáo hồi điện Cần Chính. Thái hậu hết cách, nói lời cuối cùng trước khi thánh thượng rời khỏi: "Con đừng nên thay đổi vận mệnh của Đại Việt."
- oOo -
Mùa xuân tháng 2, Bính Thìn niên, Hồng Đức thứ 27, thánh thượng và thái hậu cùng thái tử và các đại thần đi thuyền đến phủ Thiệu Thiên ở thừa tuyên Thanh Hóa yết các lăng tẩm. Vua Hồng Đức và thái hậu chủ trì buổi tế cáo, thái tử phụ chính cẩn trọng, lại chu đáo khiến ai nấy đều rất ngưỡng mộ.
Thánh thượng cùng tùy tùng lưu tại đây vài ngày, lại vi hành thám thính dân tình với thái tử. Biết được dân chúng khổ cực chơi vơi giữa dòng nước chảy xiếc ở bến Tế Độ để giao thương bên kia bờ, thái tử khẩn cầu thánh thượng làm cầu thì được ưng thuận. Ngài còn khen thái tử nhân từ, thương dân.
Thái hậu dùng bữa cùng thánh thượng ở nơi của bà tại hành điện, nghe tin dân chúng tập trung đông đúc trước Quảng Đức môn lạy tạ hồng ân, thái hậu thầm hài lòng thái tử đã hành động tốt. Bà nhâm nhi tách trà cùng món bánh đặc sản mà người dân dâng lên, biểu thị sự khen ngợi đối với món ăn này. Cung nữ già vội ngăn lại: "Thưa đức bà, bánh gai tứ trụ này vẫn chưa được kiểm tra qua..."
Chưa dứt câu, thánh thượng nghiêm giọng: "Đáng chết! Chưa qua kiểm tra đã cả gan dâng cho thái hậu!"
Người này hớt hãi quỳ xuống, run sợ không nói nên lời. Thái hậu cười hiền, giải vây cho thị: "Ta không cho thì sao chúng dám cãi lời. Tổ tiên chúng ta là từ đây mà ra, ta không nên nghi kị người dân nơi này."
Thánh thượng hướng mắt ra khung cảnh bên ngoài, từ trên cao, ngài nhìn rõ hàng trăm người xếp thành ba hàng dài thược khấu đầu lên xuống. Ngài khẽ mỉm cười: "Lần này nhi thần rất hài lòng về Tranh."
Thái hậu buông tiếng ho khan, thánh thượng lập tức sai hầu gọi ngự y thì thái hậu ra hiệu không cần. Vẻ mặt bà phần nào như trút được nỗi lòng, bà nói: "Điều tiên hết cần có ở một quân chủ là lòng hậu ái thương dân. Thái tử là người nhân hiếu lễ nghĩa, lại được lòng bá quan văn võ, đối đãi huynh đệ không câu nệ tiểu tiết, nhiều lần bị đứa nhỏ Triệu vương kia ỷ thế có sinh mẫu là quý phi hà hiếp nhưng vẫn bỏ qua như chưa hề có gì."
Thánh thượng đăm chiêu suy nghĩ một đỗi, ngài đẩy ra tiếng thở dài: "Tranh tư chất đoan chính, từ nhỏ đã thông minh hiếu học. Tuy nhiên, Tuân lại là đứa kém cỏi, nhi thần e sợ nó không gánh vác nổi nếu Tranh có ý truyền vị sau này." Thánh thượng thoáng dừng lại, ngài hớp ngụm chè thông cổ, hà ra tiếng sảng khoái rồi tiếp tục: "Đổi lại, Kiện là đứa con xuất sắc tiếp sau có thể nối nghiệp nhi thần, lại thân thiết với Tuấn, hai đứa nhỏ này sẽ nương tựa nhau duy trì đại thống."
Thái hậu từ nãy giờ không rời mắt khỏi thánh thượng, bà nghiêm nghị nói: "Minh Thành Tổ có hai hoàng tử là Chu Cao Sí và Chu Cao Hú. Trưởng tử Cao Sí hiền lành thích đọc sách, đôi lúc tỏ ra nhu nhược khiến Minh Thành Tổ không thích trong khi Cao Hú kiên định, tàn bạo giống với Thành Tổ. Tuy nhiên, Cao Sí có con trai là Chiêm Cơ rất được vua cha yêu quý nên Cao Sí được truyền ngôi. Kết quả, Chiêm Cơ sau này là Minh Tuyên Tông tạo nên thời kỳ vàng son của Minh triều."
Vua Hồng Đức liền hiểu ý nhưng ngài không nói gì, thái hậu nói tiếp: "Tranh đâu chỉ có Tuân là hoàng nam? Thuần là viên ngọc sáng tinh khiết còn Tuấn chính thực là viên đá quý cần được mài giũa. Hai đứa nhỏ này có thể hi vọng được. Đường tử tôn của thái tử rõ ràng như vậy, Kiện chỉ vừa qua mười tuổi tử tôn ra sao vẫn chưa thể nói trước. Lại nói, Lý Thần Tông mười tuổi trị vì, Lý Cao Tông lên ngôi lúc 3 tuổi, Trần Dụ Tông lên ngôi khi sáu tuổi, buổi đầu tốt đẹp nhưng dần đổ đốn hại triều chính kỷ cương đi vào thảm bại. Hơn nữa, nếu con đột ngột thay vị trí trữ quân, quần thần có những suy nghĩ thế nào đây? Con hãy nhớ Đinh Hạng Lang vì sao mà chết. Hãy nhớ Lệ Đức hầu đã làm gì với đức Nhân Tông Tuyên hoàng. Nếu ngôi trữ quân có thể tùy ý theo bản thân, há phải chăng thiên hạ đại loạn?".
Bầu không khí trở nên căng thẳng, thái hậu và thánh thượng nhìn nhau không rời mắt. Ai cũng có ý tứ riêng, không một ai chịu xuống nước chỉ dùng lời lẽ tấn công. Tình cảnh ngột ngạt này tạm tan biến khi có tiếng cung nhân bên ngoài. Là quan thần Nguyễn Đôn muốn cầu kiến thánh thượng, vua Hồng Đức hiện tại mệt mỏi nhưng vì ngài cũng muốn có lý do để cuộc đối thoại với thái hậu kết thúc nên miễn cưỡng cho người mời Nguyễn Đôn vào.
Nguyễn Đôn sau khi hành lễ với hai đức bề trên, vẫn tư thế quỳ tâu: "Hồi bẩm đức thánh thượng, đức bà thái hậu, thần xem xét thấy rằng vùng đất này đã lâu không mưa, dân chúng sợ cảnh lầm than nên vẫn còn nán quỳ ngoài Quảng Đức môn khấn xin đức bề trên ban ân huệ, cầu mưa ban phúc."
Vua Hồng Đức không còn thái độ im lặng như lúc nãy, không chút chần chừ, ngài ưng thuận: "Thái tử là phước lành trời ban. Thái hậu và trẫm tin rằng thái tử sẽ làm trời xanh thấu rõ mà ban cơn mưa xuống trần."
Thái hậu có chút ngạc nhiên, không đợi bà hỏi gì thêm, ngài lệnh: "Truyền ý của trẫm, mệnh thái tử chủ trì lễ cầu mưa vào ngày mai. Nếu thái tử có thể khiến trời đổ mưa, thì thái tử cũng chính là người mà trên dưới đều thuận."
[...]
Ngày mười bốn tháng hai, thái tử đứng ra tiến hành cầu đảo. Ngài đội mão Tứ Phương Bình Đính, khoác lên bộ y phục màu thiên thanh, trên bổ tử thêu hai con rồng đang bao quanh vòng tròn đỏ. Đàn cúng tế đầy đủ các loại lễ vật, bánh trái tượng trưng cho trời đất. Các quan chấp sự đều đủ triều phục mũ đai, đều có mặt tại đàn làm lễ.
Hồi trống thứ nhất cho biết nghi thức sắp bắt đầu.
Viên bộ Lễ xướng: "Phụng mạng tựu bái vị, bái!"
Thái tử thực hiện tứ bái, rồi thành tâm khấn cầu, sau tiếp tục thực hiện tứ bái. Trời yên tĩnh bỗng có chút gió thoảng, cho là điềm lành, vua Hồng Đức ngồi nơi cao lệnh ứng sai cho dân chúng tạo thành vòng tròn lớn.
Lại xướng: "Ế mao huyết"
Theo lễ cổ, khi làm trâu hay bò để tế thì lấy một ít tiết, một ít lòng, một ít lông, đợi khi tế xướng "Ế mao huyết" thì đem chôn ở sau chỗ thờ.
Hồi trống thứ hai vừa dứt, thái tử đọc to bốn câu thơ, vừa đọc vừa múa những đường kiếm phỏng theo từng nét chữ trong câu từ:
Cực linh anh khí chấn dao thiên;
Uy lực nghiêm đề tạo hóa quyền.
Khấu vấn sơn linh năng nhuận vật.
Thông vi cam vũ tác phong niên.
Đường kiếm đi hết chữ vũ, những đám mây xám kéo đến ngập cả trời, người dân đều cho thái tử có phép lạ.
Tâu lễ lại xướng: "nghệ quán tẩy sớ, quán tẩy, nghệ thần vị tiền, điện bạch, hành sơ hiến lễ, chước tửu, quỵ!"
Thái tử quỳ, cầm tách rượu tưới xuống đất.
Xướng: "Bình thân! Nghệ ẩm phước vị, ẩm phước!"
"Ẩm phước" có nghĩa nhận rượu lộc do thần ban, có thể ở đây ngụ ý giọt mưa từ trời. Vừa hay, từng giọt mưa nhỏ lần lượt rơi xuống, thái tử đưa tay đón lấy giọt mưa đầu tiên của năm mới, già trẻ lớn bé ôm nhau vui sướng. Dân chúng quá đỗi hân hoan, quỳ rạp cả khu, hết lời ca ngợi công đức đấng bề trên. Thái tử ngẩng mặt lên trời, nhắm đôi mắt nhạn cảm thụ sự trong lành mà ông trời mang đến, bất giác nhoẻn miệng cười. Dáng vẻ của ngài lúc này thật phi thường, đôi ngài cong hình cánh cung càng tô rõ nét hoàn mỹ. Quả là một hình ảnh đẹp đẽ lạ thường.
Quan độc chúc bưng bản chúc, quan điện bạch bưng lụa đều đến chỗ đốt, đem đốt đi, đốt xong, xướng: "Lễ tất!"
Trời mưa đến canh một thì nhỏ lại. Vua Hồng Đức sai nội quan dán bốn câu thơ mà thái tử đọc khi cầu đảo dán ở vách đền thần. Trống canh năm mưa mỗi lúc một to mang nước tràn trề.
Thánh thượng ngự thiện cùng thái tử, thể hiện ra sự hài lòng đối với con, dạm hỏi nguyện ý thái tử đặng ngài sẽ ban tặng. Thái tử tỏ lòng biết ơn nhưng khéo léo khước từ: "Trời đã nghe thấu lòng con dân Đại Việt. Nhi thần cũng là con dân Đại Việt, chỉ là vinh hạnh được tin tưởng giao cho trọng trách chủ trì buổi lễ. Có điều, nay phụ hoàng yết thái miếu, nhìn bài vị đức Thái Tổ Cao, nhi thần chợt nghĩ về tháng ngày khó khăn của ngài cùng các vị quân thần. Công lao của họ nhiều vô kể."
Vua Hồng Đức sảng khoái phá lên cười, luôn miệng khen hảo ý của thái tử, ngài lệnh ứng sai sắp xếp ban cho nhà các đại thần đã khuất ba mươi lạng bạc. Ngoài ra ngài còn viết tập thơ ban tặng con cháu họ.
Ngày hai mươi bốn, thánh thượng cùng đoàn yết lăng tẩm ra về. Tiếng lành về thái tử truyền đến Đông Kinh tự khi nào; lại nói, khoảng thời gian tiếp theo, thái tử ra sức cố gắng, thể hiện ưu điểm tiến bộ vượt bậc vì vậy mà ai ai cũng đinh ninh thái tử chính là người được chọn lựa nối ngôi đại thống.
Vài tuần sau khi từ thái miếu trở về, bệnh của thái hậu trở nặng. Thái y cho rằng nguyên do thái hậu vốn mắc cơn hen từ trước, lại nay thêm bệnh lỵ khiến phượng thể suy nhược. Thánh thượng và thái tử luôn túc trực bên giường, chăm chút từng muỗng thuốc, bát cháo. Các cung phi mỗi sớm đến trước điện quỳ lạy thần phật cầu phúc cho thái hậu. Vì hai vị tử tôn còn nhỏ, đương sự rắc rối, thánh thượng sai người đưa Kinh vương tạm giao Nguyễn tu dung nuôi dưỡng, hoàng tôn Tuấn đưa về Hoằng Văn điện cho Ngọc Hoàn coi sóc.
Gần nửa tháng trôi qua, thái tử vẫn chưa về Đông cung, mọi việc đều do thị thiếp Đường Lan quán xuyến. Thị nữ Liễu bất mãn lại không dám ý kiến. Tuy nhiên, vẻ mặt ả lại hiện lên tất cả. Ngọc Hoàn bật cười: "Nhìn con như vậy, phải chăng đang ghen tức thay ta?"
Liễu giật mình đáp: "Thưa bà, con không dám. Con vốn ngu dốt, chỉ là không hiểu vì sao bà lại để cô ta làm chủ trong khi người có quyền hành cao nhất khi thái tử điện hạ rời Đông cung là bà."
Ngọc Hoàn thêu tranh, chốc chốc lại trìu mến nhìn hai đứa trẻ vui đùa trước thư phòng, giọng nói thập phần ấm áp: "Con theo ta từ lúc gọi bằng chị tiểu thư đến khi thay đổi thành bà phu nhân vẫn không rõ tâm tư của ta hay chăng? Trông nhi tử lớn khôn, cốt nhục hòa thuận, ta chẳng còn mong gì hơn." Liễu cúi đầu tỏ vẻ hiểu ý.
Thuần với vẻ kinh ngạc, tán thưởng không ngừng khi Tuấn múa vài đường võ cơ bản. Tuấn lấy làm ngạc nhiên bởi Thuần vẫn chưa được học võ, Thuần bĩu môi: "Mẫu thân sợ em không đủ sức, bảo lớn lên học cũng không muộn." Tuấn đưa tay, nghiêng đầu mỉm cười: "Muốn học chứ? Ta sẽ dạy cho em!"
Vừa lúc, giọng Tuân vang lên, cung kính chào Ngọc Hoàn. Sắc thái khinh thường như một biểu tượng của Tuân, y liếc nhẹ sang hai vị đệ của mình, rằng: "Hoàng tổ mẫu bệnh tình không thuyên giảm, ai ai cũng lo lắng cầu trời ban phúc. Ấy thế mà, đích mẫu lại có thể thản nhiên mặc cho Tuấn và Thuần vui đùa. Há chẳng phải không tròn chữ hiếu chăng?"
Ngọc Hoàn bỗng dừng đường kim, nàng khẽ mỉm cười nhưng đôi mắt xinh đẹp kia lại trở nên sắc bén làm Tuân vài phần e dè: "Kính mong hoàng thái tôn soi sáng cho hai em thơ dại. Khẩu khí ấy của con hẳn là đã nhọc tâm cho thái hậu. Ta mong trời xanh có mắt, thấu hiểu được tấm lòng thành này."
Bầu không khí ngột ngạt này dường như không có dấu hiệu giảm đi mà như thể lan ra khắp cả Đông cung. Thuần định bụng chạy đến bên mẹ nhưng bị Tuấn giữ lại. Chợt, thị thiếp Đường Lan và thị thiếp Ngọc Đỉnh rảo bước ngang, Ngọc Đỉnh cất tiếng gọi con, phá tan đi sự im lặng đáng sợ ấy. Đường Lan vốn thông minh, hiểu được tình huống đang diễn ra, liền nói: "Hoàng thái tôn hãy còn nhỏ, mọi việc không thông, chỉ e đã làm thái tử phi phiền lòng. Mong thái tử phi không chấp nhặt trẻ con."
Nếu như trước đây, vì thương nhớ hình bóng Tuân lúc bốn năm tuổi mà làm ngơ, mặc cho nhi tử nàng bị hà hiếp thì bây giờ, Ngọc Hoàn không muốn để y coi trời bằng vung. Nàng vẫn không đổi sắc mặt, lời nói đanh thép: "Thái Tông Văn hoàng đế mười lăm tuổi trừ họa Lê Sát, Lê Ngân. Nhân Tông Tuyên hoàng đế mười một tuổi đích thân chấp chính. Soi xét lại hoàng thái tôn, chỉ lo ganh ghét với huynh đệ của cha, chỉ biết ức hiếp anh em của mình. Ta tự vấn rằng, giang sơn tổ tiên để lại, liệu có quá sức đối với hoàng thái tôn hay không?"
Nàng nhìn sang Đường Lan rồi đưa mắt nhìn Tuấn, vẻ tự hào như đạt được mục đích cuối cùng khiến người đối diện phải khó chịu. Nàng nói tiếp: "Bởi tin tưởng khả năng của chị nên em yên tâm chăm sóc cho hai đứa con này. Tuấn và Thuần hiểu lễ, ngoan ngoãn, còn Tuân lại chẳng được một phần của hai đứa trẻ. Chị và chị Ngọc Đỉnh không thể dạy nổi một hoàng thái tôn một cách đường hoàng sao? Từ bây giờ, mọi sự trong Đông cung mỗi khi thái tử đi vắng sẽ do ta trông coi. Chị có thể toàn tâm toàn ý cùng chị Đỉnh nuôi dạy thật tốt hoàng thái tôn, để phu quân có thể có được một trưởng tử như ý nguyện."
Bầu không khí giữa ba người đàn bà của hoàng thái tử bỗng trở nên nặng nề. Họ liếc mắt nhìn nhau với những dòng tâm trạng khác thường. Người đắc ý, kẻ "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Tên nội quan Khương Chủng hớt hãi chạy vào, vội vã đến nỗi té lăn cù. Hắn không còn bình tĩnh đứng lên mà lồm cồm bò về phía Ngọc Hoàn cùng hai người thị thiếp, run run thưa: "Bẩm thái tử phi, bẩm hai bà, đức Thánh Mẫu hoàng thái hậu e rằng không còn kịp nữa. Đức thánh thượng mệnh các cung phi cùng hoàng thân quốc thích đến cung Thừa Hoa quỳ khấn. Con vời thái tử phi cùng hoàng thái tôn và hoàng tôn Tuấn, hoàng tôn Thuần hãy đến ngay ạ."
Khoảng sân rộng của cung Thừa Hoa được lấp đầy bởi các cung phi, vương, công, những hoàng thân quốc thích. Họ quỳ gối, chấp tay cầu nguyện.
Bên trong chính tẩm, thánh thượng cùng hoàng thái tử không lúc nào rời mắt thái hậu. Vua Hồng Đức ngồi bên giường, nắm chặt tay bà, nước mắt ngắn dài không nén đau thương. Hoàng thái hậu giờ đây đến giữ vững hơi thở cũng là điều khó nhọc huống hồ chi là thốt nên một lời, bà yếu ớt ú ớ vài chữ. Hoàng thái tử đứng hầu cạnh, cũng không sao kìm lòng được. Hoàng thái hậu tay run cầm cập, từ từ đưa lên hướng thái tử, ngài biết ý liền dùng đôi tay mình bao bọc bàn tay nhăn nheo của bà.
Một tay được vua Hồng Đức nắm lấy, một tay được hoàng thái tử âu yếm nắm chặt, hoàng thái hậu vẻ mặt mãn nguyện. Mi mắt dần khép lại, bà buông xuôi theo ý nguyện của đất trời.
Vua Hồng Đức tỏ lòng đau xót, tự mình mặc áo, khâm liệm và phạn hàm cho hoàng thái hậu.
Tin tức cho truyền ra, tất cả từ thân phận cao quý cho đến hạng tùy tùng thấp kém nhất cũng ngừng mọi việc, quỳ xuống lạy lục khóc than.
Bính Thìn, năm Hồng Đức thứhai mươi bảy, tháng hai nhuận, giờ hợi, Thánh Mẫu hoàng thái hậu băng ở chính tẩmđiện Thừa Hoa, thọ bảy mươi sáu tuổi.
Chú thích:
(1) Phạn hàm: Tục bỏ gạo vào miệng người chết.