Tin tức Lê Huyên bị thích khách hành thích nhanh chóng đến tai thánh thượng, Lê Huyên lập tức được lệnh hồi cung. Thái hậu nghe tin bất chợt cảm thấy vô cùng may mắn vì Lê Thuần không phải là người rời kinh điều tra chuyện này. Đối với bà, vụ án cỏn con của một tên trạng nguyên nhỏ bé chẳng đáng để một trữ quân phải ra mặt dấn thân vào chỗ nguy hiểm.
“Con nghe rằng, hoàng tử vừa hồi cung, Quý phi tức thì thăm nom mặc cho các thái y khuyên rằng thời gian này người ấy cần tịnh dưỡng.”
Ả hầu già đốt miếng lửa nhỏ, sưởi ấm thái hậu trong cái tiết trời cuối xuân. Thái hậu tặc lưỡi, chầm chậm đẩy tiếng thở dài, “Con mình rứt ruột đẻ ra, cô ta không màn đến, toàn lo con cái thiên hạ. Nhớ năm xưa, cô ta vì chuyện không được nuôi dưỡng Huyên nên động thai khiến Thuần sinh ra yếu ớt. Già này không muốn chuyện đấy lặp lại với long thai trong bụng cô ta.”
Ả hầu khúm núm vâng dạ. Ả chần chừ một lúc lại nói, “Con lại nghe, khi hoàng tử gặp nạn lúc vi hành, có kẻ đánh cá tên Tử Mô kịp thời cứu giúp. Đức thánh thượng nhân đấy định rằng sẽ cho nó vào hầu hoàng tử.”
Đôi mày lá liễu đẹp tựa tranh vẽ kia vừa nghe đã không thể kìm chế mà như muốn chạm vào nhau. Thái hậu đương nhiên rất không vừa lòng, bà tuyệt nhiên chẳng biết gì về tin tức này. Nghiêm Toản và Đặng Minh Xương có công bảo vệ Lê Huyên, vả lại còn là con cháu của hai đại thần Nghiêm Ích Khiêm và Đặng Minh Bích nên thánh thượng đặc biệt ban thưởng, thăng chức cả hai mà còn khiến thái hậu cảm thấy như vậy thật dễ dãi. Việc kẻ đánh cá nhỏ nhoi kia chỉ cần thưởng hậu, không nhất thiết phải cho làm gia nô của Lê Huyên.
Thái hậu ngoài mặt chê trách thánh thượng phong chức bừa bãi, mượn chuyện gần đây thánh thượng ưu ái Dương Trực Nguyên đem so sánh với các quân lính khai quốc, trăm trận khó nhọc hơn mười năm ròng không được truy tặng, thật ra, thái hậu cũng chính là đang tính đường suôn sẻ cho Lê Thuần. Từ lúc đức Thái Tổ Cao Hoàng lập quốc đến nay, chưa từng có tiền lệ lập hoàng hậu nhưng ai cũng âm thầm công nhận con cái của nữ nhân đứng đầu hậu cung chính là đích tử. Lê Thuần cũng không ngoại lệ. Thái hậu lại là người trọng huyết thống nên dĩ nhiên, dù cho Lê Thuần không phải là đích tử, so giữa gia thế ngoại tộc của cậu với Lê Tuân và Lê Huyên, Lê Thuần nghiễm nhiên chiếm phần hơn cả.
Dẫu Lê Thuần là thái tử, tương lai ngôi báu nắm trong tầm tay, thái hậu vẫn lo sợ chuyện các hoàng tử khác sẽ nổi dậy đảo chính. Lê Tuân tối dạ ngu ngốc, chỉ được cái miệng oang oang của y là giỏi nên bà từ lâu đã chẳng xem y như mối nguy hiểm. Lê Huyên lại khác, tuy y bị ghẻ lạnh bởi thân thế sinh mẫu từng là tỳ nữ hầu hạ thái hậu nhưng y điềm tĩnh sáng suốt, lại được đích thân đức Thánh Tông Thuần Hoàng dạy dỗ khi nhỏ nên bà không muốn bất cứ kẻ tài nào thân thiết với y.
“Là cô ta rỉ tai thánh thượng đưa thằng đánh cá vào hầu Lê Huyên sao?”, thái hậu nghiêm nghị hỏi.
Ả hầu già khép nép thưa, “Bẩm, là thái tử thưa đức bà.”
Thái hậu ngạc nhiên nhưng không có vẻ bực dọc như vừa nãy, bà dường như dịu lại một chút, lại nói, “Nó sao có thể thiếu suy nghĩ như vậy? Bị cô ta rỉ tai sao?”
Ả hầu già tiếp tục thưa, “Bẩm đức bà, Tả thị lang Hộ bộ Nguyễn Đức Quảng cũng đã khuyên nhủ đức thánh thượng. Những người có công lao khoảng năm Thuận Thiên giao cho bộ Lại xem xét, con cháu họ ai không biết chữ cho sung làm tuấn sĩ vệ Cẩm y, ai đọc sách biết chữ cho sung làm học sinh ở Sùng Văn quán, theo như lệ công thần. Hắn còn bảo, như thế thì trên có thể tỏ rõ lời thề của các tiên thánh ghi tạc dài lâu, dưới có thể hậu thêm phúc tốt cho công thần cùng nước vui hưởng. Đức thánh thượng cũng đã y theo lời tâu.”
Nguyễn Đức Quảng là họ hàng xa với thái hậu, vốn cũng chẳng liên quan mật thiết. Y trung lập, không bè đảng phe phái, nghĩ gì nói đó, là người có chí khí. May mắn thánh thượng là bậc hiền đức, trọng lý trọng tình, thấu rõ đúng sai nên dễ dàng hoà hợp. Nghe thánh thượng đã thôi ý định cho tên Tử Mô vào hầu Lê Huyên, thái hậu an tâm được một chút. Bà gật gù, trầm tĩnh tán dương Quảng.
Lê Thuần biết tin, ngược lại rất không vừa ý, còn định đến gặp thánh thượng. Nguyễn Nhữ Vi sợ hãi Lê Thuần làm chuyện bồng bột, y vội vã sai người cho triệu kiến Thái bảo Sùng Khê hầu Lê Vĩnh. Lê Vĩnh không những là thầy dạy Lê Thuần từ khi cậu còn tấm bé, y giờ đây như một chính khách của cậu, tự do ra vào Đông cung.
Lê Vĩnh từ tốn phân rõ lý lẽ. Tử Mô là đứa đánh cá, không gia đình, không chốn nương thân, chỉ vì chút may mắn giúp đỡ kịp lúc mà đã cho triệu vào tiềm để hoàng tử bảo hộ thì thật có hơi gấp gáp. Hơn nữa, Lê Huyên luôn bị khinh rẻ bởi thân thế của sinh mẫu, nếu như để Tử Mô làm thân cận, e rằng y sẽ càng bị miệt thị.
Lê Thuần thoáng trầm tư, Lê Vĩnh nói tiếp, “Thần dạm hỏi điện hạ, liệu điện hạ đã bàn qua với hoàng tử chưa?”
Lê Thuần sực tỉnh, lắc đầu. Lê Vĩnh tiếp tục, “Thần biết điện hạ và hoàng tử tương thân tương ái. Tình huynh đệ trong chốn vương giả là điều hiếm thấy. Điện hạ đối xử hoàng tử rất tốt nhưng liệu đó có phải ý muốn của người ấy? Hoàng tử kiệm lời, cái gì cũng tỏ ra ưng thuận nhưng chưa chắc lòng người ấy đã muốn như vậy. Phàm chuyện trong thiên hạ, đừng nên dốc ruột đối đãi, huống hồ nơi đây chốn cung cấm xa hoa. Kẻ nào lại chẳng có dã tâm?”
“Sùng Khê hầu cùng dạy ta và nhị huynh, nhưng trước mặt ta lại nói những lời lẽ ám chỉ. Vậy rốt cuộc, dã tâm của Sùng Khê hầu là gì?”
Nguyễn Nhữ Vi đột nhiên cảm thấy tình hình trở nên căng thẳng. Y tinh ý lập tức hầu nước, thốt ra những thứ ngu xuẩn. Lê Thuần lườm y một cái, y liền lui ra phía sau.
Lê Vĩnh vẫn thản nhiên đáp, “Thần phụng mệnh dạy học cho điện hạ và hoàng tử nhưng thiên hạ này là của đức thánh thượng. Thần là trung thần của đức thánh thượng. Thần tồn tại chốn quan trường bao năm, chứng kiến biết bao vụ án đấu tranh phe phái, tiêu trừ lẫn nhau. Về tài, hoàng tử thông minh, học rộng nhưng về đức, thần không dám chắc. Điện hạ là tương lai của Đại Việt, càng nên đa nghi hơn.”
Đoạn, Lê Vĩnh cáo lui rời đi.
Độ khoảng cuối xuân là thời gian khí hậu nóng dần, thái hậu lớn tuổi, cơ thể dễ nhiễm lạnh nên cái không khí se lạnh dư âm trong mùa xuân hãy còn đó khiến thái hậu lúc nào cũng ở bên cái sưởi. Còn như đức thánh thượng hay các hoàng tử thân vương, chúng phi đều ở tuổi tráng kiện, ngay cả Quý phi đang mang long thai mà còn than phiền trong cung nóng bức, thậm chí sai ả Liễu yêu cầu thái y kê thêm thang thuốc giải nhiệt. Tuy nhiên, đối với Lê Thuần, cậu vốn yếu ớt từ lúc mới sinh, lại thêm lần bị ngã hồ Vĩnh Dạ khi nhỏ nên chỉ cần một chút hơi gió phả cũng đủ làm cậu ngã bệnh.
Nguyễn Nhữ Vi ra dấu cho bọn hạ nhân dọn dẹp. Y theo quán tính mà cầm quạt phe phẩy. Lê Thuần rùng mình, ho khan vài tiếng đánh động Nhữ Vi. Y hốt hoảng làm rơi cây quạt, luôm miệng quát lớn bọn hầu sắc thuốc.
“Đứa ngu dốt như ngươi nếu hầu hạ phụ hoàng ta, cái đầu đó sớm không còn trên cổ.”
“Đợi điện hạ làm chủ thiên hạ, khi ấy điện hạ muốn chém muốn giết cũng không muộn.”, Nhữ Vi xoa xoa lưng cho Lê Thuần, chẳng biết y vô ý hay thật sự kém trí mà nói được câu ấy. Lê triều xưa nay chưa từng có lệ thoái vị nhượng ngôi như Trần triều. Y nói như vậy chẳng khác nào đang trù ếm thánh thượng. Lê Thuần chỉ biết lắc đầu cười trừ, thầm hi vọng tên Nhữ Vi này về sau không gây hoạ cho mình.
“Bẩm điện hạ! người bên Quốc Tử giám gửi đến văn thư, điện hạ muốn con cất vào thư phòng hay dâng lên điện hạ xem ngay ạ?”
Lê Thuần thầm nghĩ mọi lần yêu cầu các sách văn đều ba bốn ngày sau họ mới mang đến, hôm nay thật nhanh nhẹn. Thấy tên lính canh vẫn chần chừ như muốn nói, Lê Thuần hỏi có lệ, “Còn gì nữa sao?”
“Người đưa đến là một cô gái trẻ, dường như không phải các cung nữ. Cô ta không gọi “điện hạ” như lệ mà thêm huý của điện hạ phía trước.”
Lê Thuần nghi hoặc, không chút suy nghĩ liền lệnh đám thuộc hạ đưa nàng ta vào Đông cung.
Lê Thuần tức thì nhận ra ngay nàng ta chính là Lê Thị Thanh, tiểu thư của Đông các đại học sĩ Lê Tuấn Ngạn vừa chạm mặt hôm nọ. Lê Thị Thanh tỏ vẻ bức bối, dù không muốn theo nhưng vì chúng là người của Đông cung nên nàng miễn cưỡng, không thể kháng mệnh.
Lê Thuần cho bọn thuộc hạ lui hết ra ngoài, ngay cả tên Nhữ Vi cũng không được phép vào trong khi chưa có lệnh. Tên Nhữ Vi lộ tiếng cười eo éo khoái chí, kèm chất giọng gian xảo ra hiệu cho Lê Thị Thanh, “Hầu hạ cho tốt! Hầu hạ cho tốt!”
Lê Thuần tiến lên một bước, Lê thị lùi lại ba bước. Để bảo toàn bản thân, Lê thị bèn rào trước, “Điện hạ, người thân là thái tử một nước, xưa nay được ca tụng hiền đức nhân từ, không tham ái dục. Nay, chính điện hạ lại ra lệnh bọn cận vệ bắt ép thần nữ. Điện hạ không sợ chuyện này sẽ lưu tiếng xấu muôn đời chăng?”
“Chẳng phải ngươi gọi ta là Thuần điện hạ sao?”
Lê Thị Thanh giật mình, vô thức hướng mắt nhìn Lê Thuần rồi đảo xuống đất ngay tức khắc, nhịp thở gấp gáp mà khẽ khàng, chỉ lắp bắp được vài tiếng mà cũng không trọn vẹn.
“Y Thi! Là nàng sao?”
Lê Thị Thanh hơi thở run lên, vội đáp, “Điện hạ nhầm người rồi! Thần nữ là Lê Thị Thanh, gia phụ là Đông các đại học sĩ Lê Tuấn Ngạn.”
Lê Thuần nhíu mày, đột nhiên nắm chặt cánh tay Lê thị, ý tứ bất ngờ thay đổi, “Hoặc nàng không phải Y Thi, ta sẽ khép nàng tội xưng hô tiếm vượt. Hoặc nàng không lộ rõ thân thế, ta cho người điều tra Lê Tuấn Ngạn. Nếu thật sự hắn cậy quyền giúp đỡ con cái tội nhân, hắn mang tội bao che đồng loã.”
Nghe đến bốn chữ “con cái tội nhân”, Lê Thị Thanh chực chờ tuông lệ, chất giọng nghẹn đi, “Điện hạ làm vậy là ép người.”
Lê Thuần không chờ nàng ta dứt câu, liền nói, “Nàng không hiểu được! Ta đã tìm Y Thi suốt mấy năm trời, dù có lục tung cả hoàng thành này, ta vẫn phải tìm nàng. Nhọc công như vậy, nàng cho ta một lý do để bỏ qua cơ hội được gặp lại Y Thi của ta xem.”
“Điện hạ là thái tử, có thể làm bất cứ thứ gì bản thân muốn không chút khó khăn. Điện hạ hẳn chưa từng nghĩ đến có những việc nếu điện hạ khăng khăng theo ý mình, nhọc công của điện hạ chính là sinh mệnh của người khác.”
Lê Thuần chợt nới lỏng, Lê Thị Thanh nhanh chóng rút tay về. Lê Thị Thanh dù gì cũng là phận nữ nhi, cánh tay trắng nõn xuất hiện vết đỏ tấy. Không gian bỗng chốc rơi vào cái tĩnh lặng khó chịu.
Lê Thị Thanh khéo lên tiếng, “Nếu điện hạ không còn gì chỉ bảo, thần nữ xin phép được lui…”
Lê Thuần chẳng nói chẳng rằng, cũng không đoái hoài đến nàng ta một ánh mắt. Lê Thị Thanh nhè nhẹ đi lùi. Lê Thuần vẫn không động tĩnh, nàng ta vội vàng rời khỏi Đông cung.