Chương 1: Đoan Dương tiết

Năm Hồng Đức thứ 25.

Mùa hạ là thời gian mà dịch sâu hại tràn lan, bệnh tật vì cái oi bức từ đó ngày một nhiều, theo quan niệm, chính ngày này có khí dương mạnh nhất trong năm, người dân luôn tổ chức tiết Đoan Dương để tẩy trừ những thứ không sạch sẽ.

Tiết trời mùa hạ nóng bức, tiết Đoan Dương lại cử hành vào giữa trưa khiến thể trạng ai nấy đều lấy làm bực dọc. Tuy ngày này không phải lễ lớn gì cho cam, song, mọi người vẫn phải giữ vẻ nghiêm chỉnh, không được lộ sự mệt mỏi ra bên ngoài.

Đàn cúng không thể hoàn thiện khi thiếu đi bánh nẳng, các loại trái cây và chè hạt sen. Trước khi đàn cúng tiết Đoan Dương diễn ra, mỗi người phải ăn rượu nếp cái ngay khi vừa thức dậy. Người lớn nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà còn những em bé chưa biết đi sẽ được lấy một ít vôi quét vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu.

Hoàng thái hậu và Hồng Đức thánh thượng chủ trì buổi lễ. Phía sau thánh thượng là các hoàng tử, hoàng tôn mà đứng đầu là thái tử Lê Tranh, sau thái hậu là các phi tử, công chúa xếp thành hàng dài đứng đầu là Quý phi Nguyễn thị. Bá quan văn võ đứng hai bên, vái lạy theo guồng của thánh thượng và thái hậu.

Vốn vua Hồng Đức lớn lên từ chốn dân dã nên ngài thấu hiểu những nổi khổ sở của dân chúng. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng 5, ngài lệnh hoàng tử, công chúa, phi tần và bá quan văn võ phải có mặt cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự quang đãng cầu an cho con dân.

Thánh thượng ngự lên ngai. Bên ngoài vút roi, dâng hương. Nhã nhạc tấu khúc Văn quang. Cáp môn xướng: “Bài ban! Ban tế! Cúc cung bái!”

Tất cả đều thực hiện năm lạy, ba vái.

Cáp môn lại xướng: “Hưng! Bình thân! Bách quan phân ban thị lập!”

Viên hạ quan Lễ bộ quỳ: “Tâu lễ tất!”

– oOo –

Đường trở về Đông cung khá xa nhưng thái tử lại chẳng màn dùng kiệu, tâm trí lúc nào cũng hướng về mẫu phi đang bị cấm túc ở Vĩnh Ninh cung kia. Trước đây, mọi việc đều do mẫu phi của người lo liệu, vị trí đầu các phi tần cũng là của mẫu phi người nhưng nay lại về tay kẻ khác. Hoàng tôn Thuần từ phía sau vùng chạy lên, nắm lấy tay thái tử làm cắt đứt dòng suy nghĩ.

Hoàng thái tôn Tuân vươn người, đặt tay lên vai Thuần, răn đe: “Không được ngang hàng cha!”

Thái tử giơ tay ra hiệu, Tuân cúi đầu, lẳng lặng ở phía sau. Thái tử mỉm cười: “Sao lại cả gan đi ngang hàng với ta?”

Thuần hồn nhiên đáp: “Cha buồn. Con muốn làm cha vui.”

Cùng lúc đó, một giọng nói phát ra ở phía sau, Triệu vương Lê Thoan từ từ tiến về phía thái tử: “Cha ngươi chính là nhớ đến người mẹ tàn độc của hắn. Ngươi còn nhỏ, làm sao mà hiểu được tổ mẫu của ngươi từng gây ra cớ sự chi!”

Đã mười năm kể từ ngày Vĩnh Ninh cung quý phi bị cấm túc, Hồng Đức thánh thượng phong Nguyễn thị ở Thọ Am cung làm kế quý phi, nội cung đã phần nào yên ắng nhưng thái tử vẫn là cái gai trong mắt của mẹ con bà ta.

Triệu vương Thoan cậy sinh mẫu là quý phi, nhiều lần lấn lướt thái tử. Thái Tử chỉ nghĩ rằng đây là đứa trẻ rắc rối, chẳng buồn nhìn y, nói: “Bêu xấu tổ mẫu trước các hoàng điệt, thập tam đệ cho rằng phải?”

Triệu vương vẫn kênh kiệu, hắt ra tiếng khinh thường: “Kẻ giết người, hại hoàng tự, nhẫn tâm tàn độc đến nô tỳ chịu không nổi mà phản lại. Phải hay chăng, hoàng huynh biết rất rõ.”

Thái tử vẫn không hề dao động, tiếp lời: “Mẫu phi ta tại chức quý phi, chưa từng bị phế truất. Mặc dù Thọ Am cung quý phi quản nội cung nhưng vẫn là dưới mẫu phi ta một bậc. Phụ hoàng lệnh cấm không được nhắc đến chuyện năm xưa, em như vậy há chẳng phải xem thường lời của người?”

Tuân cười khẩy, điệu bộ kệch cỡm. Triệu vương nghiến răng, tỏ ý không thích, dù y phận chú nhưng so ra vẫn không bằng người cháu danh phận là hoàng thái tôn. Tuân giọng điệu nửa đùa nửa thật: “Thưa cha, dù Thọ Am cung Nguyễn thị có là quý phi nhưng xuất thân hèn mọn, hoàng thập tam thúc vẫn dưới hoàng thập tứ thúc hay thậm chí là hoàng ngũ thúc, hoàng lục thúc thì vị trí của cha quả là quá sức đối với hoàng thập tam thúc rồi.”

Máu nóng dồn lên đỉnh đầu, Triệu vương toan tuốt gươm thì bị thái tử kịp thời ngăn chặn: “Tiết Đoan Dương vừa kết thúc, em liền mang gươm bên mình. Phụ hoàng có lệnh vào những buổi lễ, ngoại trừ túc vệ, các bá quan và hoàng thân không được mang theo vũ khí. Như vậy là thế nào đây?”

Triệu vương hóa thẹn, nhất thời không thể phản biện đành ôm hận đi ngược hướng với cha con thái tử.

Về Hoằng Văn điện, Tuân liền tiến vào nơi của sanh mẫu là thị thiếp Mai Ngọc Đỉnh, vui vẻ kể việc hôm nay được hoàng tổ phụ ưu ái như thế nào.

Trái ngược với sự hào hứng của con, Mai Ngọc Đỉnh thở dài: “Con không nên dương dương tự đắc. Ngoài kia bao kẻ dòm ngó hoàng vị, không cẩn thận, thái tử sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.”

Tuân chán chường tiếp lời: “Cha nắm chắc vị trí kế thừa đại thống, nếu không phải vì thế, hoàng tổ phụ đã chẳng giữ vị thái tử cho cha khi hoàng tổ mẫu bị giam.”

Ngọc Đỉnh hoảng hốt, vội chắn ngang miệng Tuân. Cái miệng y chẳng kiêng dè ai, Ngọc Đỉnh thở dài, nàng tuy cũng mong nhi tử của mình được vinh hoa phú quý nhưng với tính cách này của hắn, nàng lo rằng họa sớm muộn gì cũng ập đến.

“Dạ thưa hoàng thái tôn điện hạ, hoàng thái tử cho vời ngài vào thư phòng.”

Tiếng cung nhân vang bên ngoài, Ngọc Đỉnh giục con nên đến nhanh kẻo bị thái tử trách phạt.

Ngọc Đỉnh lấy làm lạ khi Tuân chần chừ không muốn rời đi, nhẹ nhàng hỏi: “Con làm sao thế? Không sợ bị mắng chăng?”.

Tuân lắc đầu, giọng nói nặng nề: “Cha lúc nào cũng nghiêm khắc với con, Thuần lại được ưu ái hơn hẳng.”

Ngọc Đỉnh hiểu ý, khuyên: “Thuần còn nhỏ dại, hà chi con phải tranh chấp với em mình? Con thân là trưởng tử, lại được đức thánh thượng phong hoàng thái tôn. Con đại diện cho thái tử, dĩ nhiên phải được răng dạy nghiêm khắc so với các anh em khác”.

Tuân có phần hơi khiêng cưỡng, vờ tỏ vẻ ưng thuận, cung kính cúi chào rồi lui ra.

Tại thư phòng, thái tử đang tập cho người con thứ ba là hoàng tôn Lê Thuần vẽ những đường nét cơ bản của đôi hồ điệp. Dáng vẻ ân cần của ngài làm Tuân chạnh lòng, y miễn cưỡng thưa: “Con đã đến theo lời dặn của cha. Hoặc dĩ cha bất tiện, con xin phép đợi bên ngoài.”

Thấy vị hoàng thái tôn quỳ mãi mà thái tử không hồi đáp, tên hầu cận Khương Chủng bên cạnh đánh bạo thưa: “Bẩm điện hạ, hoàng thái tôn đến rồi ạ.”

Thái tử không hề nhìn lấy Tuân, lạnh nhạt nói: “Cứ để nó quỳ ở đó.”

Thuần thầm nhìn Tuân, chợt hỏi: “Không phải đại huynh đến học chung với con ạ?”.

Thái tử mỉm cười hiền, xoa đầu Thuần: “Nhi tử của ta, con mệt rồi sao?”.

Thuần lắc đầu, thưa: “Cha vời đại huynh đến nếu không phải học cùng con thì cũng là chuyện quan trọng cần căn dặn. Con vẫn chưa mệt, con sẽ đợi bên ngoài.”

Thái tử ưng thuận, chờ cho Thuần rời khỏi rồi cho đám hạ nhân lui, ngài bỗng trở nên nghiêm nghị. Chất giọng trầm của thái tử khiến kẻ khác vài phần kính sợ: “Sao lại run đến thế?”.

Tuân vẫn cúi gầm mặt xuống, thưa: “Con ngu ngốc, không biết mình đã làm phật ý cha chuyện chi. Xin cha trách phạt.”

Thái tử vẫn giữ nét bình thản: “Ngươi đúng thật ngu ngốc. Không biết bản thân phạm sai chuyện chi mà lại chịu phạt sao?”

Tuân im lặng, muốn nói nhưng không dám. Thái tử nhìn Tuân hồi lâu rồi lên tiếng: “Triệu vương là thập tam hoàng tử của hoàng tổ phụ ngươi, là hoàng thập tam đệ của ta. Hơn hết, y cũng chính là hoàng thập tam thúc của ngươi. Ngươi tuy là hoàng thái tôn nhưng luận vai vế ngươi phải cung kính y vạn phần. Hành xử của ngươi hôm nay thật khiến ta thất vọng.”

Tuân mím chặt môi, hàng mi rậm rạp chau vào nhau.

Thái tử nhìn thấu, liền nói: “Uất ức thì hãy giãi bày.”

Tuân vẫn quỳ đấy mà thưa: “Thưa cha, con rõ người đối với kẻ dưới khoan hòa bao dung nhưng xin người hãy nhớ đến điển cố các tiên triều. Trung Tông hoàng đế khi xưa vì nhân từ với Ngọa Triều nên tử vong dưới tay hắn. Ngọa Triều là em ruột còn không ghê tay, huống hồ…”

Thái tử lớn giọng mắng: “Hỗn xược!”

Tuân ấp úng vì biết đã chọc giận cha y, vội quỳ rạp xuống, dập đầu liên tục: “Xin cha bớt giận. Con lỡ lời. Con lỡ lời, xin cha trách phạt.”

Dù nét mặt thái tử vẫn không biểu hiện, ánh mắt sắt lạnh như xuyên cả tâm can kia làm Tuân khẽ rùng mình. Thái tử nghiêm giọng: “Ý tứ của ngươi là muốn ta giết Triệu vương hay chăng? Ngươi chỉ là hoàng thái tôn lại có ý nghĩ đại nghịch bất đạo như vậy, giang sơn về sau sao có thể gánh vác? Ngay cả đệ ruột của ngươi, ngươi còn ỷ thế hơn thua, ngươi quay về phòng chép đạo đức kinh suy xét lại bản thân!”

Thái tử gọi Khương Chủng vào, dặn: “Hoàng thái tôn không hiểu quy tắc, phạm sai lễ nghĩa. Nay đóng cửa tự vấn, không có lệnh của ta, không ai được phép gặp nó mặc cho đó là thị thiếp Ngọc Đỉnh.”

Khương Chủng vâng lời, đưa Tuân ra khỏi thư phòng. Thuần nhìn dáng vẻ của huynh trưởng, lòng không khỏi cảm thấy thương xót. Miếng ngọc bội đột nhiên vướng vào tán lá, Thuần nhanh chóng đến nhặt lên thì bị Tuân hất ngã.

Đám cung nhân hoảng hốt, Khương Chủng sợ hãi ra mặt, giọng run run: “Điện hạ… Người… Người không nên làm như vậy. Thái tử mà biết sẽ giận lắm…”

Lời của Khương Chủng làm lòng đố kị trong Tuân dâng cao hơn, y chỉ vào viên ngọc bộ, đôi mắt đầy khí nộ, cảnh cáo: “Sau này, nếu ngươi dám động vào thứ thuộc về ta, đừng trách ta bất nghĩa.”

Nói rồi, Tuân bỏ đi, để lại Thuần với gương mặt buồn bã nhìn theo huynh trưởng của mình. Đám cung nhân thì rối tung cả lên, hỏi han liệu vị chủ nhỏ của chúng bị đau hay không.

Chuyện Thuần bị Tuân đẩy ngã đến tai Ngọc Hoàn, nàng tuy xót con nhưng cũng không muốn để thái tử biết tránh hiềm khích giữa vị hoàng thái tôn trẻ tuổi và nhi tử của nàng.

Ngọc Hoàn dịu dàng xoa đầu Thuần, thấy thần sắc con không tốt, nàng đánh tiếng hỏi han. Thuần thở dài mệt mỏi: “Cùng là anh em, cớ chi lại hạ sát lẫn nhau?”.

Ngọc Hoàn ngạc nhiên, Thuần giải thích: “Con không phải muốn nghe cha trách mắng đại huynh, nhưng cha bảo con không ra khỏi thư phòng mà đứng nơi sảnh điện nên con không thể không nghe thấy. Đại huynh có nói đến Ngọa Triều hại Trung Tông để soán ngôi vị, con chỉ là không hiểu tại sao Ngọa Triều không làm một thân vương giúp hoàng huynh cai trị giang sơn mà lại chọn con đường như kia dẫn đến họa diệt vong?”

Nhi tử của nàng tuy chỉ mới tròn bảy tuổi nhưng trong suy nghĩ lại hệt như người trưởng thành. Suy đi tính lại, nàng thầm nghĩ rằng nhi tử của nàng dù sao cũng viên mãn hơn huynh trưởng của nó. Thuần nhận được sự dưỡng dục từ phụ mẫu, Tuân tuy là hoàng thái tôn nhưng từ khi bắt đầu học chữ thì bị tách khỏi sinh mẫu bởi thái tử cho rằng thị thiếp Ngọc Đỉnh ít học, không có khả năng dạy dỗ con cái.

Ngọc Hoàn cười hiền, ôm nhi tử vào lòng, giọng nói ấm áp: “Võ Đức vương, Dực Thánh vương và Đông Chính vương có cách cục ra sao khi dấy quân chống lại đức Lý Thái Tông con còn nhớ chứ? Tàn sát cốt nhục là đại nghịch bất đạo, những kẻ như thế không bao giờ nhận hậu vận tốt đẹp.”

Thuần cười tươi, cúi đầu tỏ rằng đã hiểu lời. Ngọc Hoàn thấy y phục Thuần lấm lem bèn sai tỳ nữ Liễu mang ra bộ xiêm y đưa cho bà vú.

Nàng nói: “Đây là bộ y phục ta may cho con. Khí trời tiết Đoan Dương nóng bức, những thứ y phục bức bối trên người con không nên mặc nữa. Lão Tần, phiền bà đưa Thuần thay bộ y phục đó ra giúp ta nhé.”

Bà vú cùng Thuần rời khỏi tẩm phòng của Ngọc Hoàn. Tỳ nữ Liễu lúc này biết ý, thưa: “Bẩm bà, con nghe báo lại rằng hôm nay hoàng thái tôn có đáp trả Triệu vương nên bị thái tử phạt cấm túc.”

Ngọc Hoàn lắc nhẹ đầu, tỏ ra chẳng biết phải làm sao, nói: “Từ trước tới nay, tính khí nó lúc nào cũng kiêu ngạo. Nếu không răn dạy ngay từ nhỏ, e sẽ gây đại họa.”

Liễu trầm ngâm một thoáng rồi nói tiếp: “Đám cung nhân có báo lại lúc hoàng thái tôn chỉ vào miếng ngọc bội, có ý đe dọa nếu hoàng tôn Thuần động vào những thứ thuộc về hoàng thái tôn, ngài ấy sẽ… tuyệt đối sẽ không tha…”

Ngọc Hoàn rùng mình, không thể tin được những lời vừa nghe, nhưng Liễu là tỳ nữ thân cận của nàng, ả ta chưa bao giờ nói thêm bớt cho ai. Nàng chỉ khẽ thở dài: “Thuần còn nhỏ đã phải nghe những ý tứ xấu xa kia thật không tốt cho nó. Miếng ngọc bội ấy chẳng phải ngụ ý chính là hoàng vị hay sao? Nếu Tuân thật sự nói ra ngôn từ như thế, thật đáng thương cho đứa nhỏ này. Liễu à, để ý đám hầu, đừng để chúng đi rêu rao lung tung, việc này đến tai đức thánh thượng sẽ không hay cho thái tử.”

Liễu cung kính vâng dạ. Ngọc Hoàn thầm nghĩ thái tử giữ Thuần lưu tại sảnh điện thư phòng rõ là muốn Thuần cũng nghe lời răn dạy mà biết cư xử. Nàng im lặng hồi lâu, chợt hỏi: “Tuấn dạo này thế nào?”.

Liễu thưa: “Bẩm bà, hoàng tôn Tuấn rất được đức thánh thượng chiếu cố.”

Ngọc Hoàn gật đầu, nhẹ nhàng nói: “Hôm nay là sanh thần của Tuấn, ta có may thêm bộ y phục cho nó. Con mang đi giúp ta nhé.”

– ooOoo –

Vua Hồng Đức sau khi chủ trì lễ tế thì giá đến điện Cẩn Đức khảo bài hoàng tử, hoàng tôn. Hiện tại, các thân vương đều đã trưởng thành và đặt phủ đệ riêng, chỉ có thái tử sống tại Đông cung và Kinh vương Lê Kiện còn nhỏ ở tại điện của thái hậu. Ngoài ra, vị hoàng tôn duy nhất được đích thân đức thánh thượng dạy dỗ là Lê Tuấn, nhị tử của thái tử.

Kinh vương cùng hoàng tôn Tuấn nghe báo thánh thượng đến, cả hai vội ra chánh điện Cẩn Đức, cung kính quỳ thưa. Thánh thượng hỏi han tình hình học tập của hai vị hôm nay, Kinh vương nhanh nhảu thưa: “Bẩm phụ hoàng, nhi thần đã biết được kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành, kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng.”

Vua Hồng Đức vui vẻ, khen Kinh vương thông suốt, ngài lại hỏi tiếp: “Vậy con hiểu thế nào?”.

Kinh vương tự tin đáp: “Thưa phụ hoàng, thân là lẽ phải, không có lệnh người khác cũng theo lệnh như Hán Cao Tổ bị Hạng Vũ bao vây, Kỳ Tín giả làm Hán Cao Tổ ra hàng. Hạng Vũ tưởng thật nên nới lỏng vòng vây, nhờ vậy Hán Cao Tổ thoát được. Sau, phát hiện Kỳ Tín không phải Hán Cao Tổ, Hạng Vũ bèn giết đi. Thân không chính, dù có lệnh người vẫn không tuân chính là đang nói đến bọn Quách Bốc phản nghịch, tự ý lập người con thứ của Lý Cao Tông là Thầm khi vua vẫn đang tại vị. Cách cục lòng người ủng hộ thái tử Sảm đánh bại chúng.”

Thánh thượng quay sang vị hoàng tôn nhỏ. Tuấn hiểu ý, kính cẩn thưa: “Bẩm hoàng tổ phụ, đức Thái Tổ Cao trước khi khai quốc được Trung Túc vương đổi áo cứu chúa, đó là Kỳ thân chính bất lệnh nhi hành. Lệ Đức hầu phản nghịch, soán vị, các đại thần nổi lên lật đổ là Kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng.”

Dù Kinh vương và Tuấn đều lấy tích hợp lý, câu đáp của Tuấn có phần nhỉnh hơn bởi tích lấy ngay chính trong hoàng tộc cậu. Còn Kinh vương vế tốt lấy ví dụ phương Bắc, vế xấu lấy tích của Lý triều nước ta khiến thánh thượng không bằng lòng một chút.

Kinh vương trầm tư suy nghĩ bỗng hỏi: “Thưa phụ hoàng, bàn về Lệ Đức hầu, Minh Thành Tổ soán vị Minh Huệ Đế, đó là kỳ thân bất chính nhưng sao vẫn ung dung cai trị?”

Tuấn liền đáp: “Hoàng tổ phụ, hoàng thập tứ thúc, nhi tôn xin mạn phép thưa. Minh Huệ Đế trước kia đối đãi không tốt với các hoàng thúc, lại không cho Minh Thành Tổ viếng Minh Thái Tổ, đó là kỳ thân bất chính. Nhi tôn nghĩ rằng khai thủy nhất thiết phát sanh đích nguyên, vạn sự xảy ra đều có nguyên do của nó.”

Thánh thượng cười lớn, ngài nói: “Lý Trường thời Lý Nhân Tông có viết, mặc vị xuân tàn hoa lạc tận, đinh tiền tạc dạ nhất chi mai. Nhìn hai người các con, trẫm rất vui lòng.”

Vua Hồng Đức tuổi đã cao, lại lo lắng cho hậu thế nên ngài dốc lòng truyền dạy kiến thức cho con cháu. Sau khi nghe đối đáp học vấn, thánh thượng đọc hai câu thơ ngụ ý hậu vận Đại Việt sẽ luôn có nhân tài dù ở thời nào chăng nữa rồi sai ban thưởng cho cả hai.

Hôm nay là sanh thần của Tuấn nên thị thiếp Nguyễn Đường Lan xin phép thái hậu được ở lại Thừa Hoa điện chăm sóc hài tử. Nàng tự tay nấu các món ăn mà nhi tử thích nhất làm Tuấn rất vui mừng.

Đường Lan thấy con ăn nhanh, bèn vuốt nhẹ lưng: “Từ từ thôi kẻo nghẹn.”

Tuấn đáp: “Thưa mẹ, ngày thường người nghiêm khắc với con. Nay thấy người tận tâm, con rất đỗi vui sướng.”

Đường Lan mỉm cười, nụ cười dần trở thành nỗi xót xa. Gương mặt người xưa bất giác hiện lên, ngót nghét cũng đã bảy năm rồi, Đường Lan vô thức chạm lên đôi mắt của Tuấn, nhẹ nhàng vuốt ve. Tuấn cảm thấy lạ lẫm nhưng cũng không muốn khoảnh khắc ấm áp này tan biến cho đến khi mẹ cậu biểu hiện càng lúc càng xúc động.

Tuấn buộc miệng hỏi: “Thưa mẹ, người mệt sao?”

Đường Lan như tỉnh cơn mộng, nàng lắc đầu, gọi người giao phó nhi tử rồi nhanh chóng hồi Hoằng Văn điện. Tuấn thẫn thờ nhìn theo bóng mẹ đến khi khuất hẳn, lí nhí với giọng nói đứt quảng: “Con đã rất mong đợi đến ngày hôm nay…”

Tên hầu chợt lên tiếng: “Điện hạ, thức ăn sẽ nguội mất đấy ạ.”

Tuấn phất tay rồi lẳng lặng vào tẩm phòng, dáng người bé nhỏ thất thểu khiến ai nhìn vào cũng thấy cảm thương. Một cung nhân thì thầm: “Thật đáng thương! Sanh mẫu sớm mất, dưỡng mẫu lại không chu đáo chăm sóc, suốt ngày trách mắng, ngay cả sanh thần cũng chỉ qua loa…”

Đứa khác tiếp lời: “Khi thái tử tức vị, bà ta nhờ có đứa con nên có thể hi vọng được phong vị cao. Chẳng qua là lợi dụng điện hạ mà thôi!”

Lời đàm tiếu ngày một nhiều, viên hoạn quan trẻ tuổi hầu cận Tuấn tên Khương Xung bực dọc, định bụng sẽ cho đám hèn mọn kia một trận. Tuấn níu tay hắn ra hiệu bỏ qua.

Khương Xung tay cầm quạt xếp, vừa quạt cho vị hoàng tôn nhỏ, vừa bất bình: “Bọn chúng ngày càng không biết phép tắc, điện hạ thật quá nhân từ. Những lời ấy nếu để đức thánh thượng nghe được, cái đầu đó ắt không phải của chúng nữa.”

Thấy Tuấn vẫn còn chán chường, Khương Xung bèn nghĩ chuyện làm phấn chấn tinh thần chủ: “Điện hạ, thái tử phi đích thân may y phục tặng người, sao vừa nãy người không vận lên ạ?”

Tuấn đáp với điệu bộ miễn cưỡng: “Mẹ không thích ta nhắc đến thái tử phi, càng không muốn ta dùng những thứ người đưa. Ta không muốn làm mẹ không vui.”

Khương Xung thấy bản thân lỡ lời, bèn im lặng không dám nói nữa. Gương mặt tuấn tú bỗng nhăn nhó, Khương Xung hớt hãi xem nơi bị đau của vị hoàng tôn nhỏ, không kiềm được mà nói: “Sưng tấy hết lên rồi. Điện hạ, con đi gọi thái y ngay!”

Tuấn lắc đầu, cho rằng chỗ thương kia không đáng để tâm, Khương Xung xót chủ, nói: “Bà ấy thật quá đáng mà!”

Tuấn tỏ vẻ khó chịu: “Không được nói vậy! Ngươi cẩn thận cái mồm đó đấy! Là ta phạm sai, bị mẹ phạt, ta không trách nửa lời thì đến lượt ngươi hay chăng?”

Khương Xung biết tội, quỳ xuống lạy lục. Cái tên này hóa ra cũng chỉ giống đám người kia, cũng không biết kính nể mẹ cậu. Tuấn giấu đi nỗi bực tức, nhỏ nhẹ cho hắn lui.

Tuấn thả mình lên chiếc nệm êm ái, nhưng những thứ diễn ra bên trong vị hoàng tôn trẻ này lại như những cơn sóng vập vồ. Tuấn nhớ sanh mẫu nhưng nhớ làm sao được khi ngay đến cả gương mặt của người cũng chẳng đọng lại gì trong tâm trí? Tuấn thèm khát sự thương yêu của mẫu thân nhưng phải thế nào đây khi người luôn hời hợt hoặc khó gần mỗi lần gặp gỡ?

Tuấn lại nhớ đến lần đầu tiên học chữ, thánh thượng đã nói rằng vì ngài mong đứa cháu nhỏ này tâm tư sâu sắc lại đĩnh đạc nên ban chữ Tuấn 濬 trong từ Tuấn Triết 濬哲.Những khi đau buồn bởi suy nghĩ vẫn vơ, hai chữ Tuấn Triết hiện lên như một liều thuốc an thần làm dịu tinh thần bé nhỏ này. Tuấn thầm nhủ phải thật quyết tâm để chứng tỏ bản thân, và hơn hết rằng cậu không muốn sanh mẫu của cậu bị lãng quên.*

Chú thích:

(1) Tiết Đoan Dương: Tết Đoan Ngọ đươc tổ chức vào mồng 5 tháng 5 âm lịch.

(2)Bánh nẳng: Bánh tro hay bánh ú tro, loại bánh được làm với thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi.

(3) Tục khảo cây lấy quả: Còn gọi là tục đánh cây,Những cây bị khảo thường là những cây ăn quả trong vườn nhưng ra ít quả, hoặc không ra quả, hay bị sâu bệnh. Để khảo cây, cần có hai người. Một người đảm nhận nhiệm vụ trèo lên các cây ăn quả trong vườn để "đóng vai" là cây (chủ yếu là trẻ em). Người đứng dưới gốc cầm dao gõ vào thân cây, vừa gõ vừa hỏi tại sao năm nay ra ít quả? Người trên cây sẽ đáp trả lý do tại sao ra ít quả, hoặc không ra quả, do sâu bệnh hoặc do thời tiết. Người đứng dưới lại tiếp tục hỏi mùa tới có ra quả hay không, nhiều hay ít quả và "dọa" nếu không cho quả như ý muốn thì sẽ bị đốn hạ. Người trên cây trả lời những câu hỏi với giọng cuống quýt, van xin đừng đốn, đồng thời hứa sẽ cho nhiều quả to vào mùa sau.qua đó thể hiện ước mong cuộc sống luôn sung túc như cây cối luôn đơm đầy hoa trái.

(4) Thóp: Cửa đỉnh đầu.

(5) Ở đây, ngũ, lục, thập tứ thúc mà Lê Tuân nhắc đến chính là các hoàng tử của vua Thánh Tông: Kiến vương Lê Tân, Phúc vương Lê Tranh, Kinh vương Lê Kiện.

(6) Võ Đức vương, Dực Thánh vương và Đông Chính vương là ba người gây nên Tam vương chi loạn dưới thời vua Lý Thái Tông.