Chương 26: quyển 2 : Chinh Phục - tập 1 :Phân tích tiềm lực chiến tranh

Có một người thực dụng khác mà tôi cũng tôn trọng không kém gì Machiavelli: Tôn Tử.

Tôn Tử mà tôi nói đến là Tôn Vũ (tác giả của [Binh pháp Tôn Tử]) làm việc cho vua nước Ngô thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, hoặc con cháu của ông là Tôn Tẫn (tác giả [Binh pháp Tôn Tẫn]) phục vụ nhà Tề trong thời Chiến Quốc. Cả hai đều là nhà những chiến lược gia xuất sắc và công trình của cả hai đều là những tuyệt tác về chiến lược quân sự, nhưng điều mà tôi thích nhất ở nó lại là sự thực dụng trong suy nghĩ về mọi việc. Cả hai người họ đều sinh vào thời loạn lạc, cũng giống như Machiavelli, hiểu ra bản chất của ‘con người là gì’ và giải thích các đối phó của họ trong những cuộc chiến không hồi kết.

Cả hai đều đạt được danh vọng trên chiến trường, nhưng tuy vậy, họ lại không phải những con người thích chiến tranh. Trên thực tế, hai người này đều không thể thoát được vòng xoáy của chiến tranh. Tôn Vũ trong [Binh pháp Tôn Tử - Công chiến kế] đã nói “Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục mới gọi là sự sáng suốt nhất trong sự sáng suốt.”, trong khi Tôn Tẫn, trong lần diện kiến Tề Uy Vương đã nói “Chiến tranh dai dẳng tất dẫn đến thất bại.”

Tuy nhiên, những điều này chỉ là sự lí tưởng hóa trong thời loạn lạc. Không tấn công, không phòng thủ và kết quả sẽ chỉ dẫn đến thêm nhiều thương vong. Cả hai đều biết điều đó. Mượn những lời Tôn Tẫn đã nói “Ngay cả những bậc hiền vương muốn giải quyết mọi việc chỉ bằng tài đức cũng là điều không thể. Vì thế người đó chỉ còn cách hạ bệ những tên bạo chúa trên chiến trường”. Điều đó chính xác là lí do mà họ luôn căng đầu suy nghĩ, làm sao để không thua, làm sao để có thể thắng dễ dàng nhất.

Có một câu nói cực kì nổi tiếng trong [Binh pháp Tôn Tử]: [Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng]. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến tranh tình báo, nhưng đôi khi có người lại hiểu nó theo kiểu “Để chiến thắng, chúng ta cần thu thập thông tin trước!”. Trong đời thực, trong [Công chiến kế], Tôn Tử đã viết “Phép dụng binh, kém địch thì phải rút, tránh giao tranh với địch”. Nói ngắn gọn, chúng ta cần so sánh binh lực hai bên và chỉ chiến đấu khi có cơ hội thắng.

Đó là một đoạn giới thiệu dài. Nếu bạn hỏi tôi nói vậy là có ý gì, thì như Tôn Tử đã nói, tôi đang lập kế hoạch để khảo sát tương quan lực lượng giữa Vệ binh Hoàng gia và Tam Công tước.

Đầu tiên, quân Hoàng gia được lãnh đạo bởi tôi, có lẽ chỉ có khoảng 10,000 quân sẵn sàng chiến đấu với Tam Công Tước. Quân Hoàng gia chính quy thì có khoảng 40,000 quân, nhưng trong số đó có cả những lính đánh thuê chiêu mộ từ quốc gia đánh thuê Zem và các đội quân từ các lãnh chúa khác ngoài Tam Công Tước. Thêm vào đó, cả các mạo hiểm giả hợp đồng với Hội Mạo hiểm giả, nơi mà [Đổi lại việc trả tiền đều đặn hàng năm cho Hội, các mạo hiểm giả trong đất nước sẽ được tuyển mộ làm binh lính trong trường hợp khẩn cấp] cũng được tính vào trong số đó.

Tôi đã chấm dứt hợp đồng với Liên bang đánh thuê Zem và Hội mạo hiểm giả với lí do giảm Quỹ tài chính và “chúng tôi không thể tin tưởng lính đánh thuê”. Đồng thời, rất nhiều quý tộc và kị sĩ đều tỏ thái độ gió chiều nào theo chiều nấy trong cuộc chiến với Tam Công Tước nên tôi không thể tính cả họ vào. Vì thế nên quân số mà tôi có thể huy động chỉ gồm vệ binh cá nhân và lính thường nên chỉ có khoảng 10,000. Quân lính thông thường bao gồm hầu hết bộ binh (hộ vệ binh cá nhân của của tôi gồm 800 thiết kị), nhưng vì tôi đã điều động họ vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thời gian gần đây nên hầu hết họ đều có thêm kĩ năng xây dựng hậu cần. Quân đội thường trực còn có thêm khoảng 500 thổ ma thuật sư như Kaede-chan nữa.

Hiện giờ, về phe Tam Công Tước, quân số của họ thì ước tính như sau đây:

Lục quân, chỉ huy bởi Georg Carmine, 40,000.

Hải quân, chỉ huy bởi Ecksel Walter, 10,000.

Không quân, chỉ huy bỏi Castor Vargas, 1,000.

Trong số họ thì hải quân là dễ xử lí nhất. Chênh lệch quân số giữa hai bên không quá lớn nhưng phần lớn quân lực của họ là thiết giáp hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm và hạm đội ngư lôi. Lính thủy đánh bộ chỉ có tầm khoảng 2,000, nên họ không phải là mối đe dọa đáng kể trên đất liền.

Tuy nhiên, thứ duy nhất cần lưu tâm về hải quân là chỉ huy của họ, Công tước Ecksel Walter. Bà ta là kiểu phụ nữ ưa sử dụng sự thông thái và địa vị chính trị của mình, và tôi nghe được rằng bà ta sử dụng tài năng của mình để giải quyết vấn đề lương thực hiện này. Kiểu người như vậy có thể không nguy hiểm ngoài mặt, nhưng sau lưng luôn âm thầm làm những hành động không thể lường được. Nếu bà ta nghiêm túc, bà ta có thể xúi giục dân chúng ở thủ đô nổi loạn, hoặc ít nhất có thể là như vậy. Theo cá nhân tôi thì bà ấy là người trong Tam Công Tước mà tôi không muốn đối mặt nhất.

Mặt khác, Thống chế không quân là dễ đối phó nhất, nhưng không quân của anh ta lại khó nhằn nhất với 1,000 lính không quân.

Một phi đội cơ bản là một đội gồm [một Wyvern và một hoặc hai kị sĩ]. Và họ có 1,000 phi đội rồng bay như vậy. Những phi đội rồng bay này là một kẻ thù rất khó nhằn. Chỉ riêng cái sự thật là chúng bay trên trời đã là một rắc rối rồi, chưa kể đến lũ Wyvern có khả năng tự tác chiến tốt, có thể thở ra lửa và các kị sĩ thì chiến đấu như một chiến binh thực thụ hoặc từ trên cao thả các thùng thuốc nổ như máy bay ném bom.

Tuy vậy, các phương thức chiến đấu trên bộ để chống lại họ lại rất hạn chế, chỉ có thể bắn trả bằng ma thuật hoặc bắn tên cường hóa bằng ma thuật. Nếu chúng tôi bị không quân tấn công trong một trận vây thành, chúng tôi có thể đánh trả bằng máy bắn nỏ cường hóa nhưng trên chiến trường bằng phẳng thì sẽ là cực kì khó đối phó. Có vẻ như thường thức ở thế giới này là bạn cần một con phi long để hạ một con phi long khác. Có nghĩa là đối với Vệ binh Hoàng gia chỉ với vài con rồng đưa thư, sẽ rất khó khăn để chiến đấu ngang cơ với họ.

Wyvern là một nhánh của loài rồng, nó có hai chân trước chuyển thành cánh và ở thế giới này, rồng với đầy đủ tứ chi với cả cánh cũng tồn tại. Wyvern và rồng tuy trông giống nhau nhưng lại rất khác biệt như con người và loài khỉ vậy. Rồng có khả năng ma thuật áp đảo so với Wyvern, có trí tuệ cao siêu, và cũng có cả hình dạng của con người nữa. Chúng đã tụ họp cùng với nhau và xây dựng một vương quốc bất khả xâm phạm ở giữa lục địa nơi mà cả chúng và loài người đều không xâm phạm lẫn nhau.

Trong số các quốc gia phương bắc, có những long kị sĩ thực hiện giao ước với rồng. Họ được chào đón như những người bạn của loài rồng và đổi lại việc giúp đỡ những hậu duệ của rồng, họ mượn được sức mạnh của rồng trên chiến trường. Tình cờ thay, long nhân là một chủng tộc quý hiếm được sinh ra giữa người và rồng (đa số đều tách ra giữa loài rồng và loài người thuần huyết). Long nhân có tỉ lệ sinh nở thấp nhưng hậu duệ của họ đảm bảo cũng sẽ là long nhân, và vì vậy họ cũng có một số lượng cá thể đáng kể so với loài người và rồng. Thống chế không quân, Castor Vargas, là một long nhân như vậy.

Long nhân, Thống chế không quân Castor Vargas nói không quá là một phi đội rồng bay một người. Là một long nhân, anh ta có thể bay lượn trên bầu trời mà không cần phi long, cái đầu nóng của anh ta ghét các trò thủ đoạn, nói cách khác… đầu óc ngu si tứ chi phát triển. Tất nhiên, về sức mạnh cá nhân của anh ta thì rất đáng sợ nhưng về việc điều binh khiển tướng thì thật tiện lợi cho tôi. Khi chiến đấu với không quân, thành bại là ở việc tôi có thể dắt mũi Castor hay không và khiến cho những long kị sĩ trở nên vô dụng.

Và cuối cùng là 40,000 lính lục quân, lần này thì cả quân lực lẫn chỉ huy đều khó nhằn.

Đây không chỉ đơn giản là sự cách biệt về quân số, mỗi người lính trong số đó cùng trang bị của họ đều ngang cơ với Vệ binh Hoàng gia. Thêm cả việc có cả quân bộ và kị binh, họ còn có vũ khí công thành và các hỏa ma thuật sư hỗ trợ của họ cũng có hỏa lực hơn hẳn, họ chắc chắn là lực lượng tiên phong trên chiến trường.

Và chỉ huy lục quân, Đại tướng Georg Carmine là một người vô cùng đáng sợ.

Ông ta là một người khác thường, lòng can đảm không thua gì Castor, ông ta không chỉ dựa vào mỗi điều đó mà còn có cả sự bình tĩnh suy xét và kinh nghiệm lâu năm. Trong Tam quốc diễn nghĩa thì ông ta có lẽ giống như Quan Vũ hay Lã Mông. Thực tình, ông ta là người tôi không muốn là kẻ thù nhất, giống như công tước Walter. Tôi vẫn có thể giải quyết mọi việc bằng cách nói chuyện với công tước Walter và Vargas, nhưng công tước Carmine chắc chắn sẽ trở thành kẻ thù của tôi. Đã có cả những tin đồn về việc ông ta ‘móc nối’ với Amidonia.

Theo lời của cha Hal, Glaive Magna, thái độ của Công tước Carmine tất nhiên sẽ khiến mọi người đặt ra câu hỏi đầu tiên, và cũng có rất nhiều kị sĩ và quý tộc trong quân đội gia nhập phe ly khai. Tuy nhiên, quân số của họ chủ yếu là lực lượng từ các quý tộc tham nhũng và lính đánh thuê từ Zem mà chúng thuê: quân lực 40,000 lính đấu với 10,000 Vệ binh Hoàng gia. Tương quan lực lượng giữa hai bên đã chênh lệch tận bốn lần. Theo Tôn Tử thì tôi nên chạy và tránh giao chiến. Thực tình, thật là vô vọng mà. Tôi chắc chắn sẽ không thể nào thắng nổi.

————— Nếu tôi chiến đấu mặt đối mặt với họ.

Rất tiếc nhưng tôi là người điều hành đất nước này.

Tôi chưa bao giờ có ý định chiến đấu công bằng ngay từ đầu.

Tôi không quan tâm đến danh dự hiệp sĩ hay lòng tự tôn của người lính.

Chiến tranh là sự lừa dối lẫn nhau.

Thương lượng, chiến thuật, ngoại giao…. Tôi có quyền được làm tất cả những điều đó.

Họ có thể gọi tôi là kẻ hèn hạ, nhưng sẽ chẳng sao cả nếu tôi thắng.

Tôi không cần phải thể hiện như một anh hùng.

Tôi không cần phải thể hiện như một Hoàng đế.

Tôi sẽ chỉ huy chiến trường theo cách của riêng mình!