Đây nói đêm đó Thái Tôn trở về doanh trại, chỉ là buồn bã không vui vô kế khả thi. Duy có Bát Vương biết ý nên vào tâu rằng: \"Bệ hạ buồn bã không vui, chẳng qua là không có kế để chiêu hàng cha con Dương gia đúng không?\" Thái Tôn giật mình hỏi: \"Vậy nay người có diệu kế gì?”. Bát Vương đập đầu tâu: \"Theo ngu kiến của thần, chỉ có cách sai người đến Hà Đông dùng kế phản gián, để cho cha con họ Dương về hàng”. Thái Tôn mừng rỡ nói: \"Mẹo này tuy hay, chỉ là không người thi hành”. Bát Vương nói: \" Chuyện này phải là Dương Quang Mĩ đi thì mọi sự đều vẹn toàn\". Lúc này Dương Quang Mĩ đang ở bên cạnh, liền xuất ban tâu rằng: \"Thần bất tài xin đi”. Thái Tôn vui mừng đi ngày hôm đó cấp cho ngàn lượng vàng ròng, ngàn tấm gấm vóc, và hàng hóa trân bảo, để đến Hà Đông.
Quang Mĩ ban đêm đến nhà Triệu Toại. Ở đây nói về Triệu Toại là được Lưu Chúa sủng ái nhất, lời của Triệu Toại, Quân đều nghe theo. Dương Quang Mĩ đến nơi, trước tiên đút lót cho tả hữu, dẫn vào gặp Triệu Toại, tặng cho hắn vàng lụa gấm vóc. Triệu Toại vốn là tên tiểu nhân, tham được của nhiều, nên vô cùng mừng rỡ, hỏi Quang Mĩ rằng: “Đại nhân là đại thần thiên triệu, sao lại tặng quà cho kẻ già nơi hẻo lánh này, có lời dạy gì, xin nguyện nghe theo”. Quang Mĩ nói: \"Chúa của tôi vốn biết đại nhân được Lưu Chủ sủng hạnh, không lời nào là không nghe, nên mới sai Quang Mĩ bày tỏ thành ý rằng: Hà Đông và Trung Nguyên vốn không có thù lớn, nay hưng binh đến, chẳng qua là muốn đến để giải thích. Ngặt nổi có cha con Dương Nghiệp vô cùng dũng cảm, chuyên diễu binh oai, khiến cho hai nước hào hão không thành. Nếu như hắn đánh mà bất lợi, thì sẽ họa lây cho Hà Đông, nếu hắn mà đánh thắng thì nắm quân trong tay tất sẽ kiêu ngạo, Lưu Chúa tất cũng sẽ thêm sủng hạnh, lúc đó ơn tri ngộ đối với đại nhân tất sẽ suy giảm đi vậy! Chúa của tôi vì thế xin đại nhân nói một lời, dâng sớ với Lưu Chủ, thì hắn tất phải thu quân mà về. Lúc đó sẽ cùng đại nhân định hòa nghị, khiến Hà Đông và Trung Quốc vĩnh viễn trở thành hai nước anh em, thì sự sủng ái của đại nhân sẽ càng thêm nhiều không để người khác thay thế. Mong đại nhân suy nghĩ\".
Triệu Toại đã nhận của Mĩ rất nhiều lễ vật, lại nghe Mĩ thuyết cho những lời này. Toại có lòng ganh ghét hiền tài và muốn cướp công, nói: \"Đại nhân yên tâm, Triệu Toại này tự có cách thu xếp, để loại trừ cha con Dương Nghiệp\". Rồi khoản đãi Quang Mĩ, sau đó lén tiễn về. Triệu Toại suy nghĩ: \"Lấy của người Tống bao nhiêu lễ vật, nếu không trừ Dương Nghiệp, ngày sau hắn thành công, lại để hắn được đắc ý nữa, như vậy không phải mất mặt với người Tống sao?\" Vì thế đem số vàng bạc đó ngày đêm tung tin thất thiệt, nói Dương Nghiệp đã nhận vàng ngọc của người Tống, ước hạn làm phản để giúp quân Tống, cùng diệt Hà Đông, đợi lúc thành công, bèn cùng Tống triều chia đất này. Lời này nhất thời lan truyền, và lại bí mật thông tin kêu người Tống không được giao chiến, chỉ cần nán thêm nửa tháng mươi ngày, tất sẽ thành công.
Thái Tôn nghe được tin này mừng rỡ, hỏi Quang Mĩ rằng: \"Việc này có tin được không?\" Quang Mĩ nói: \"Thần thấy Triệu Toại là tên tiểu nhân, chỉ biết ăn lộc, ưa sủng, vả lại đố kị Dương Nghiệp, việc này có thể tin mà không cần nghi ngờ gì. Bệ hạ chỉ cần truyền dụ cho các trại, chỉ thủ chớ đánh, để Toại từ đó có thể làm được việc Ly gián phụ tử Dương gia. Chờ hắn có sơ hở, sau đó thần xin dùng vài lời chiêu dụ, đưa quân mã Sơn Hậu vào vòng của ta\" Thái Tôn vỗ tay khen ngợi. Liền hạ lệnh hiểu dự trong quân: \"Các nơi chỉ được giữ vững, đừng có giao chiến, nếu kẻ địch có đến khiêu chiến, thì cũng kệ nó\". Lệnh này đã xuống, các trại quả nhiên giữ vững không ra.
Lưu chủ thấy do dự như vậy, mỗi ngày chỉ thúc Dương Nghiệp xuất trận. Dương Nghiệp phụng lệnh bố trí quân, chờ sáng ra đánh, nhưng ngặt nổi bên trại quân Tống cứ giữ không ra. Dương Nghiệp vô kế khả thi. Và ở Hà Đông lại đồn ầm lên là Lệnh Công được vàng ngọc của nhà Tống, chỉ muốn làm phản. Dương Nghiệp càng thêm hoang mang, mỗi ngày đều đốc quân đến đánh, quân Tống không thèm đếm xỉa, nên mỗi ngày chỉ tay không trở về.
Triệu Toại ngay trong đêm vào gặp Lưu Quân, nói rằng Dương Nghiệp nhận vàng ngọc của người Tống, muốn dẫn quân hàng giặc. Quân thất kinh nói: \"Quốc Cửu làm sao biết được?\" Toại nói: \"Việc này thần biết đã lâu. Năm xưa vòng vây ở Dịch Châu , Dương Nghiệp đưa quân đến cứu, tự mình cùng người Tống hòa mà về. Thần vì lúc đó là lúc quốc gia cần phải dùng người, nên chưa dám tâu. Nay cứ chần chừ không tiến, chỉ cùng quân Tống quan sát lẫn nhau, lòng phản đã lộ ra, trong ngoài đều biết, lời đồn khắp nơi, bá tánh hoang mang, chứ không phải chỉ riêng một mình thần biết mà thôi\". Lưu Quân tin lời này, nên hỏi Triệu Toại cách bắt Dương Nghiệp. Toại nói: \"Bệ hạ phải giáng sắc tuyên hắn về nước nghị sự, trước đó mai phục sẵn giáp sĩ dưới điện, đợi hắn đến dơ đao làm hiệu, xô ra bắt lấy, chỉ cần hơn 20 người là có thể thành sự”.
Ngày thứ, Lưu Khôn khiến sứ mang chỉ đến Bắc doanh tuyên triệu Dương Nghiệp vào đến trước điện, bái kiến xong, Lưu Quân rút đao đeo bên mình quăng xuống thềm. Phục binh hai bên nghe tiếng đao rơi, đồng loạt xông ra, bắt Dương Nghiệp trói lại. Dương Nghiệp không hiểu tại sao, thất kinh nói: \"Thần vô tội, Bệ hạ vì cớ gì bắt tôi?\" Lưu Quân mắng rằng: \"Mi cùng quân Tống thông mưu làm phản, còn nói là vô tội sao?\" Hạ lệnh lôi ra chém. Tống Tề Khưu can ngăn hết sức rồi: \"Cha con Dương Nghiệp trung cẩn với chủ, sao lại làm phản được? Bệ hạ đừng nghe lời đồn mà lỡ việc lớn\". Quân nói: \"Hắn có ba điều làm phản, chứ đâu phải là lời đồn vô căn cứ. Lâu ngày không chịu xuất quân, đó là điều phản thứ nhất. Không sai người thông báo xuất binh, điều phản thứ hai. Năm xưa tự ý giảng hòa mà về, là điều thứ ba. Có ba tội làm phản như vậy, khó mà dung tha\". Đinh Quý tấu rằng: \"Ngày nay quân Tống sắp kéo đến, đợi khi đó nếu ta đánh mà không thắng, chém cũng chưa muộn\". Lưu Quân y tấu, tạm tha, lệnh phải lui quân Tống.
Lệnh Công im lặng lui ra. Về đến trong quân nói với các con rằng: \"Đây tất người Tống dùng cách hối lộ, khiến ly gián Hán chủ với cha con ta. Vừa rồi, nếu không phải Tống thừa tướng ra sức tâu, suýt nữa không giữ được mạng sống. Nay hạ lệnh ta phải giết lui quân Tống, mới miễn tội chết của ta, nếu không vẫn phải xử tội. Nhưng ngặt nổi quân giặc không ra, làm sao lui được đây?” Diên Đức bẩm rằng: \"Đại nhân không cần lo lắng, nếu Hán chủ tin lời sàm mà đuổi cha con ta, thì ta kéo quân mã về lại Ứng Châu, đợi quân Tống phá vỡ Hà Đông, lúc đó nhớ đến cha con ta, hối hận đã muộn vậy”. Lệnh Công nói: \"Ta nay vốn muốn tận trung với nước, nếu đã xuất quân đến cứu, sao có chuyện trở lui. Bọn các ngươi ngày mai chỉ cần xuất chiến, rồi thương nghị tiếp\". Diên Đức nén giận mà lui cùng bộ tướng bí mật bàn luận có ý muốn đầu hàng thiên triều. Ngày thứ, hai anh em Diên Tự, Diên Lăng ra trận thách đánh, trong doanh Tống không một người nào ra địch. Trời tối, bọn Diên Tự chỉ đành lui về.
Thái Tôn nghe tin Lưu Quân muốn chém Dương Nghiệp, do đó cũng cùng các mưu thần thương nghị kế chiêu hàng. Dương Quang Mĩ tâu: \"Bệ hạ chính nên thừa cơ hội này mà dụ Dương gia về hàng\". Thái Tôn nói: \"Trẫm đang khổ vì chưa có mẹo nào cả\". Quang Mĩ nói: \"Thần có một kế, không tới nửa tháng, đất Hà Đông lấy dễ như trở bàn tay, khiến cha con Dương gia về với triều đình ta\". Thái Tôn mừng rỡ hỏi: \"Khanh có diệu kế gì?\" Dương Quang Mĩ bước tới trước, ghé vào tai Thái Tôn nói mấy câu. \"Cứ thế, cứ thế”. Thái Tôn mừng rỡ nói: \"Việc này phi khanh thì không ai làm được\".
Quang Mĩ vui vẻ lãnh mệnh mang chỉ tới trại Dương Nghiệp, sai người vào báo với Dương Nghiệp. Dương Nghiệp nói: \"Năm nào cũng bởi người này đến nghị hòa, ta hậu đãi mà về, dẫn đến Hán chủ nghi kị, này lại đến đây, tất làm thuyết khách\". Trước tiên lệnh cho 20 tên lính khỏe mạnh phục ở ngoài trướng, và dặn rằng: \"Nghe ta nạt lớn thì xô ra bắt\". Sau khi bố trí xong, lát sau Quang Mĩ hiên ngang đi vào, Dương Nghiệp ngồi chễm chệ trong trướng không nhúc nhích, hai bên thất tử đứng dàn ngay ngắn. Nghiệp hỏi Quang Mĩ rằng: \"Ngươi đến có việc gì?\" Quang Mĩ nói: \"Cố ý đến đây khuyên tướng quân quy thuận Trung Quốc\". Nghiệp nổi giận, nạt to một tiếng, dưới trướng chạy vào 20 người, lập tức trói gô Dương Quang Mĩ lại sai đem ra chém. Diên Tự nói: \"Đại nhân xin ngưng cơn giận, để nghe xem hắn nói gì, nếu có gì sai, sau đó chém cũng được , Nghiệp nói: \"Mi thử nói xem, nếu nói không thông, xin mời thử đao\". Quang Mĩ không có vẻ gì sợ hãi, lớn tiếng nói rằng: \"Tôi nghe chim khôn chọn cây mà đậu, tôi hiền chọn chúa mà thờ. Nay tướng quân đến cứu Hà Đông, vốn muốn ra sức tận trung, nay sự nghi ngờ ngày càng tăng, không cách nào bày tỏ lòng mình, việc tất thất bại. Tống chúa tôi tiếng nhân đức đồn xa, các trấn đều phục, chỉ có Hà Đông là chưa hạ được, nhưng có yên ổn được lâu không? Bỏ tối tìm sáng, cổ nhân đều làm, mong minh công suy xét cho\". Nghiệp nghe xong, im lặng hồi lâu. Rồi mới nói: \"Ta không giết ngươi, tha cho ngươi về, mau cho dũng tướng đến đánh\". Quang Mĩ không sợ cũng không vội mà lui ra ngoài trướng, cố ý rũ áo, để rớt một bức mật thư ở trong quân rồi về. Tả hữu nhặt được, bị Diên Đức tiếp lấy, mở ra xem, thì ra là một tấm họa đồ có vẽ nào Vô ninh phủ, lầu sơ trang, đình nghỉ ngựa, thánh chỉ phường, bên trong viết: \"Nơi giành để tiếp đãi Dương gia phụ tử\", vô cùng đẹp đẽ. Diên Đức đem tấm đó cùng với Thất lang xem kỹ, Thất lang nói: \"Đừng nói để chúng ta ở, chỉ cần được thấy một lần, cũng cam lòng”. Diên Lăng nói: \"Hãy đừng để lộ thông tin, xem tình thế Hán chủ ra sao, nếu đối xử không tốt với cha con ta, thì sẽ phản mà hàng Nam triều”. Cả bọn giấu nhẹm, không để cho Lệnh Công biết.
Vài ngày sau, Lưu Quân sai người đốc chiến, nhưng lại không cấp lương thảo và đồ khao quân. Lệnh Công càng rối, cùng các con thương nghị việc chia quân xuất chiến. Diên Lăng bẩm rằng: \"Không phải chúng con không chịu hết lòng, đã nhiều ngày trong quân lương thảo không đủ, mọi người đều mất ý chí chiến đấu, nếu sai xuất quân, tất tự rối loạn, sao có thể thắng địch? Chi bằng rút về Ứng Châu, rồi mới bàn kế sau, cha thấy thế nào?\" Nghiệp nói: \"Các người nếu làm như vậy, thì còn mặt mũi nào nhìn các trượng phu trong thiên hạ đây?\" Diên Đức nói: \"Đại nhân nếu không suy xét, quân sĩ cũng muốn biến loạn đó!\" Nghiệp nghe chúng bàn tán xôn xao, lại bị Lưu Quân nhiều lần trách tội, chỉ còn cách hạ lệnh đem quân mã trong đêm lui về Ứng Châu.
Tin tức báo về trại Tống, Thái Tôn biết được, lập tức triệu quần thần đến thương nghị. Dương Quang Mĩ nói: \"Nên lệnh chư tướng hãy hoãn việc đánh Hà Đông, trước tiên hãy định kế khiến cha con Dương gia hàng đã, thì không lo không hạ được Hà Đông. Nay nhân lúc quân mã của ông ta đã lui, có thể bắn tin đồn tới Ứng Châu, nói rằng chúa Bắc Hán cho rằng Dương gia phụ tử có tội đưa quân tự ý bỏ trốn, nên muốn kết minh nhờ Đại Liêu xuất binh chinh phạt. Họ nghe được tin này, trong lòng sẽ sợ hãi. Lúc đó, bệ hạ cho người đến thuyết phục thì việc sẽ thành vậy”. Thái Tôn nghe theo lập tức hạ lệnh trong quân tung tin đồn, truyền vào Sơn Hậu, chuyện không có gì phải kể.
Đây nói đến Dương Lệnh Công cả đêm về tới trong trấn được vài ngày nghe tin này, quân sĩ hoang mang, thuộc hạ chia rẽ. Lệnh Công nằm ngồi không có cách, mặt mày buồn bã. Phu nhân là Xa thị hỏi rằng: \"Từ khi Lệnh Công từ Tấn Dương về đây, vì sao ngày đêm buồn bã?\" Lệnh Công thở dài không ngớt, bèn đem việc Hán chủ kết tội kể lại. Phu nhân nói: \"Có bàn qua với các con chưa?” Lệnh Công nói: \"Đa số khuyên ta đầu hàng, nhưng chỉ e đó không phải là kế lâu dài\". Phu nhân nói: \"Nếu thiên triều hậu đãi cha con ông, quy thuận cũng là kế lâu dài, đâu cần phải lo lắng như vậy!\" Lệnh Công nói: \"Chính vì không biết sẽ đối đãi với ta ra sao, nếu đối xử với ta không bằng vua Hán, lại mang tiếng là bất trung, lúc này tiến thoái lưỡng nan đó\". Lệnh Công nói xong, đi vào trong quân.
Lúc đó Ngũ Long Diên Đức vào hỏi mẹ là: \"Việc không phải ngẫu nhiên, cha con có tài vương tá, có võ dẹp loạn, sao mà không hậu đãi khi quy hàng được”. Nói xong liền lấy bức họa đồ nhặt được của người Tống trải ra, cùng mẹ xem. Diên Đức chỉ từng cái một nói rõ ràng. Lúc này có hai em gái đứng bên, lớn gọi là Bát Nương, tuổi vừa 15; nhỏ gọi là Cửu muội, tuổi vừa 13, nghe nói giàu sang như vậy, ra sức nói mẹ khuyên cha quy thuận thiên triều. Mẹ nói: \"Chúng mày khoan hãy nói, để có cơ hội ta sẽ khuyên cho”.
Hôm sau, cùng Lệnh Công ngồi đối diện uống rượu, rượu đến ngà say. Phu nhân hỏi. \"Thiếp nghe trong quân ngày đêm lo lắng việc Đại Liêu xuất quân, việc này thật đáng lo ngại. Lệnh Công vì thế rơi vào thế tiến thoái quyết, nay thời gian dễ qua, tuổi ngày càng già, nếu mà chưa lập được công danh thì thật là đáng tiếc. Chi bằng theo lời các con, bỏ Hà Đông mà quy thuận thiên triều, trên toại được chí bình sinh, dưới lập nên danh vàng đá, không hay hơn là mai một nơi cùng cốc, để ngàn năm cũng là một võ phu ư?”. Lệnh Công nghe xong, mừng rỡ nói: \"Lời của phu nhân rất đúng, ngày mai ta sẽ cùng các tướng thương nghị việc quy hàng”.
Lệnh Công suy nghĩ suốt đêm, hôm sau ra giữa quân, triệu tập chư tướng bàn nghị kế quy thuận Trung Quốc. Nha tướng Vương Quý nói: \"Việc này của Dương Lệnh Công không phải là chuyện nhỏ. Nên ta phải tự trọng thì người mới trọng ta. Trước tiên phải sai người báo với Tống chúa, đợi sai đại thần, dũng tướng mang sắc thư đến. Sau đó mới quy thuận, mới toàn mĩ vậy\". Lệnh Công nghe theo, sai bộ tướng Trương Văn tới nơi quân Tống, vào gặp Thái Tôn, tâu rõ việc Lệnh Công sẽ quy thuận thiên triều.
Thái Tôn do đó tập hợp văn võ lại hỏi: \"Lệnh Công muốn đến quy hàng, phải đối xử ra sao?” Bát Vương tâu: \"Nếu cha con Dương gia có hành động này, bệ hạ không thể dùng cách đối đãi như kẻ tầm thường, phải từ trong hai ban văn võ chọn ra hai người mang chiếu đến thông báo cho biết, như vậy họ tất sẽ hết lòng quy thuận, không còn nghi ngờ\". Thái Tôn hỏi ai có thể đi, lời hỏi chưa dứt, Dương Quang Mĩ tâu rằng: \"Văn thần Ngưu Tư Tiến ngôn từ trong trẻo, võ thần Hô Diên Tán anh khí khẳng khái, nếu hai người này đi, việc tất vẹn toàn”. Thái Tôn chuẩn tấu lập tức hạ chiếu sai hai người mang hậu lễ đến Ứng Châu, vào gặp Lệnh Công, tuyên đọc chiếu thư rằng:
Trẫm nay nước nhà đang lúc nhiều việc, khó được nhân tài. Vì vậy khi mới tức vị, chú ý biên tướng. Nay Sơn Hậu Ứng Châu Dương Lệnh Công phụ tử, văn có thể hưng bang, võ có thể định loạn, mà phải chịu khuất nơi xa xôi, ở vào đất nhàn tản, Trẫm thật tiếc vậy. Vả lại Hà Đông sắp mất ở trước mắt, ngươi sẽ về đâu? Nay đặc khiến hai quan văn võ thân tín mang sắc mệnh đến, cho biết ý của trẫm. Phụ tử người nếu thật có chí sâu sắc, đầu hàng Trung Quốc, trẫm sẽ ủy cho trọng trách để con cháu được hưởng sự giàu sang vô cùng, mà Dương Lệnh Công cũng được cao danh vàng đá, vậy không sung sướng suốt đời sao! Nên nay có chiếu cho khanh, để cho khanh được biết.
Dương Lệnh Công được chiếu, bái thọ mệnh xong, liền mời Ngưu Tư Tiến và Hô Diên Tán vào trong trướng, chia chủ khách mà ngồi. Ngưu Tư Tiến nói: \"Chúa thượng muốn Dương Lệnh Công dốc lòng quy mệnh, đặc khiến hai người chúng tôi đến nơi này, gặp mặt để định ước. Vả lại, mọi người trông các ngài đến như nắng hạn mong trời mưa vậy, xin đừng nghi ngờ”. Lệnh Công nói: \"Kẻ hèn giữ nơi hẻo lánh, trên không tận trung được với Hán chủ, dưới không lập được công với triều đình, thật là xấu hổ với thiên hạ”.
Hô Diên Tán nói: \"Dương Lệnh Công nói sai rồi, ngài có văn võ toàn tài, hiệu trung với nước, chí cũng cần lao, chỉ là ngay lúc nịnh thần của Lưu Quân nắm việc không muốn cha con Dương Lệnh Công lập được kỳ công, mới khiến cho tới lui chìm nổi, mà có ý hàng thiên triều. Đó thật là ý trời, khiến các ngài lập được danh tiếng vẻ vang với triều ta, đâu phải là ngẫu nhiên vậy!\". Dương Lệnh Công thấy hai người ăn nói trơn tru, hợp lí, càng thêm kính phục, liền khiến tả hữu mở tiệc khoản đãi mọi người đều vui vẻ uống say mới tan.
Hôm sau, Dương Lệnh Công vào cùng phu nhân thương nghị việc quy hàng. Phu nhân nói: \"Lệnh Công nếu đã có ý quy thuận thiên triều, hà tất bàn nữa\". Vì thế xin để hai người được sai đến về phục mệnh trước, rồi lệnh cho các con điều động tập hợp quân mã biên phòng, thu gom vàng bạc trong nhà, chuẩn bị khởi hành. Đời sau có thơ khen:
Sơn xuyên chung tố bất đồ nhiên,
Chí sử anh hùng sản Thái Nguyên.
Phụ tử tùng giao quy đại Tống,
Khiết Đan cung thủ định tam biên.
(Núi sông un đúc chẳng uổng công,
Thái Nguyên đua nở khắp anh hùng.
Cha con cùng đến theo triều Tống,
Khiết Đan quy thuận an biên cương)